- 2 -
BÁO THƯ CỪU

Ở tỉnh Nam Định, Vụ Bản là một huyện nghèo bởi thuần nông. Trên cánh đồng đất pha cát, lúa ngô, khoai, kê, đậu, lại quanh năm gối vụ. Chen giữa cánh đồng có mấy ngọn đồi Gôi, Tiên Hương, gọi là “núi”. Những con sông máng chảy chậm chạp. Đói nghèo, có lẽ là một cái cớ để người ta trọng sự học và tin vào cõi siêu nhiên. Có lẽ Vụ Bản đứng đầu tỉnh về số các vi khoa bảng và về lượng đình, đền chùa cổ kính. Ấy là ngày xưa. Còn bây giờ, riêng một xã Liên Minh, xưa gọi tổng Hào Kiệt, đã sản sinh ra các nhà văn Vũ Cao, Vũ Tú Nam, nhạc sĩ Văn Ký, Văn Cao…, hàng chục hội viên các Hội Văn học Nghệ thuật.
Xửa xưa xưa, thời vua Hùng, Vụ Bản là huyện Bình Chương, sang thời Lý - Trần thành huyện Hiển Khánh. Có câu “Côi sơn hải khẩu” tức núi Côi (Gôi) hồi đó đã là cửa biển, trong lòng đất hiện thời còn nhiều vỏ hà, trai. Xa xa, giữa sóng mặn nhô lên một vùng phù sa, càng ngày càng dầy dần lên. Khi cồn đất ấy nhập hẳn vào đất liền, đã có người ra khẩn hoang, người ta gọi luôn tên nó là Kẻ Dầy: Ngày nay, có thể tưởng tượng ra sự hình thành lâu dài và thú vị này khi ra cửa Ba Lạt đằng Giao Thủy, nơi sông Hồng đổ ra biển. Cách độ nửa tiếng chèo thuyền tay, ta sang đến cồn Xanh, nơi đã được trồng phi lao chi chít. Xa hơn, thắm trong tầm nhìn là cồn Mờ, cư dân nông nghiệp chưa kiếm lợi nhờ được chút nào.
Thiên Bản - tên cũ của Vụ Bản - có sáu nhân vật lạ lùng, gọi “Thiên Bản lục kỳ”. Đó là Tam Danh (còn gọi Tam Ranh hay Tam Bành) đại tướng cô hồn Sừng Sỏ Sắt ở làng Bảo Ngũ, xã Quang Trung ngày nay, Cường Bạo đại vương ở làng Bối La, xã Cộng Hòa, trạng Lường Lương Thế Vinh ở làng Cao Hương, xã Liên Bảo, bà chúa Thông Khê Trịnh thái phi Trần Thị Ngọc Đài ở làng Thông Khê, xã Cộng Hòa, quận công Ngô Minh Điền ở làng Bảo Ngũ, xã Trung Thành, và Bà Chúa Liễu Hạnh. “Thiên Bản lục kỳ” người thì giỏi giang thông minh, làm nên việc lớn cho đời, người có phép lạ tung hoành khắp đó đây. Hơn người thì lạ, đã đành, họ lại chả giống mấy với những thành hoàng kỳ nhân hằng được thờ phụng trong thiên hạ. Mang những đặc tính của người bình thường, họ hiển thánh với đầy đủ “ưu khuyết điểm”, vừa lớn lao, bao dung, vừa tị hiềm chấp nhặt. Cường Bạo đại vương thương mẹ rất mực, nhưng đi ăn cắp nuôi bà, sau này “quên” cả cúng giỗ gia tiên lẫn bố mẹ. Thánh Tam Bành trừng phạt các thành hoàng có lỗi (thành hoàng mà cũng có lỗi!) quá tay khiến các vị kêu cứu lên thiên đình, rồi Phật Tổ Như Lai và Quỷ Cốc tiên sinh phải ra tay kiềm chế. Còn Bà Chúa Liễu Hạnh ra oai với tất thẩy, cả những ai không biết đến danh tiếng của mình, để muôn chúng sinh phải nể sợ mới thôi.
Chừng như là, có một chút cái “máu” của những kỳ nhân ấy, Trần Huy Liệu phải vào người cái tính độc lập bướng bỉnh không chịu khép mình vào những trật tự, khuôn khổ bình thường một khi ông không thấy nó là hợp nhẽ. Nhưng đó là chuyện mãi sau này…
Ông sinh ở thôn Vân Cát, xã Kim Thái, không trù phú bằng Liên Bảo, Liên Minh trong nghiệp “trồng” nhân tài, nhưng lại là quê Bà Chúa Liễu Hạnh, một trong Tứ Bất Tử của thần thoại Việt.
Làng Vân Cát giáng sinh thần nữ
Cõi trời Nam bất tử hòa thân
Vốn xưa Đệ nhị cung tiên
Phong lưu công chúa ở trên thiên đình
(Văn chầu Thánh Mẫu)
Là người làng Bà Chúa, nhưng Liệu sớm không được chòng ghẹo, trêu đùa ai, ngay cả làm nũng mẹ cũng không. Tuổi thơ của cậu chấm dứt từ năm lên sáu để mang sứ mạng Báo Thư Cừu, tức là trả mối hận đèn sách cho cha và anh. Trọ học ở Hạnh Lâm, Công Luận, dù nhọc nhằn với Tam Tự Kinh, Liệu vẫn được phép thảng hoặc chơi trận giả bằng gươm giáo gỗ bên chiếc lò gạch. Nhưng ông đồ Trần Huy Trình muốn con sớm hay chữ, sau đó đã bắt học tắt ngay những Đại học, Ngũ kinh, Tứ thư và Bắc sử. Sớm xa rời những nghịch ngợm hồn nhiên, Liệu phải sống theo kiểu con cháu Thánh hiền. Năm mười lăm tuổi, cảnh nhà bí quẫn, cậu bắt đầu bán chữ, nghĩa là dạy chữ nho cho bạn cùng trang lứa, thậm chí “gà bài” cho mấy hương sinh lớn tuổi còn theo nghiệp lều chõng.
Mùa đông năm ấy rét cắt da cắt thịt, nhưng trong lòng Liệu thì ấm bừng ngọn lửa. Hân hoan không tả được. Áp Tết, bố cho về nhà để dỏn dòn don với mẹ, được anh Chước, chị Riêu, chị Tự cho quà, gặp lại anh Hích, anh Đích cùng chúng bạn.
Đôi chân nhỏ hồng hào của cậu bé bước thoăn thoắt trên ngọn cỏ táp đi vì lạnh, chẳng kể đến nhịp thở đằng sau của ông bố.
Mồng một chơi của chơi nhà
Mồng hai chơi điếm, mồng ba chơi đình
Mồng bôn đi chợ Qua Ninh
Mồng năm chợ Trình, mồng sáu non Gôi
Nghỉ ngày mồng bảy mà thôi
Bước sang mồng tám đi chơi chợ Viềng
Cứ nghĩ đến mấy câu ca ấy là cả tỉnh, từ trai thanh gái lịch đến các vị hương xã, cống nghè đều nao cả người. Đối với Liệu, niềm vui đơn giản lắm, chỉ là con cón theo váy mẹ, lúc được con tò he, lúc chiếc kẹo bột nhuộm ngũ sắc mút nhoẻn mồm.
Vậy mà năm nay, sáng mồng một, Liệu bị khua sớm. Ông đồ lệnh “Dậy ăn rồi mà học”. Nằm rốn không xong, cậu bé đành bò dậy, cậu chả muốn cả năm ăn roi tẹo nào.
Té ra là cả nhà đã tươm tất. Mâm cơm cúng đang bốc hơi nghi ngút trên ban thờ, các anh chị ăn vận tề chỉnh. Liệu đứng khấn tổ tiên, trời đất, cụ tổ đạo Thánh hiền, rồi được ngồi vào mâm. Không khí sum vầy thật vui. Bà đồ gắp cho con, bảo từ ngày đi học biết mời chào, như ông đồ non ấy nhỉ. Trên ban thờ, mùi bưởi chín, khói nhang đen và hoa huệ ngan ngát làm lòng Liệu bâng khuâng. Trong túi cậu, cỗ tam cúc ngọ nguậy, thể nào tẹo nữa cũng sang anh Hích, anh Đích chơi bôi râu. Cho bõ những ngày nhồi chữ như con vịt tọng bánh đúc.
Ăn xong, định tót ra cổng, ông đồ đã giật lại:
- Sách vở đâu? Lại quên rồi à?
- Cha, hôm nay Tết mà. - Liệu nhăn nhó.
- Tết càng phải học?
- Năm ngoái mồng bảy cha mới bảo học…
Ông đồ giở quyển vở, chỉ vào hai chữ “Trúc khai”: “Năm ngoái khác, năm nay ngày khai bút là mồng một”. Xung quanh, mẹ, hai chị ngoảnh ra chỗ khác, anh Chước đứng nghiêm chỉnh sau bàn, Liệu đành phụng phịu chui vào gầm án thư.
Đấy là cái xó mà cậu ghét nhất. Tối tăm vì xung quanh đóng kín ván, cậu phải học nằm lòng cả bồ chữ. Ngoài kia có làn gió đấy, nó làm con chim hót, làm quả bưởi thơm. Nhưng trong gầm án thư kín như buồng tằm chi mồn một ba chữ “Báo Thư Cừu”, năn nắn cỗ bài trong túi mà nẫu ruột.
Một lát, quyển sách rơi phịch. Đầu va vào ván gỗ đau điếng mà mắt vẫn nhắm nghiền. Khi bà đồ bế ra, tay chân cậu bé còn dăm nốt muỗi đốt, dãi chảy ướt cả sách. Bà xin chồng cho cậu út canh nốt giấc say sưa. Được cái ông đồ, vừa cho chữ hàng xóm([i]) khá là cao hứng, chỉ truyền: “Ờ, mồng một thế thôi. Cứ việc chăm học, thi đỗ là cái gì cũng có hết?”.
Mấy cô chị ngắm cậu em ngủ không vẫy tai, khúc khích:
- Thi đỗ rồi về làng có võng, em nhá.
- Một mai rồi làm quan, lấy vợ con quan, tha hồ các chị được nhờ.
Cười nói thế thôi, nhưng thấy cha nghiêm nét mặt, đập thước xuống “Chửa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng à?” thì đố dám ho he tiếp. “Cứ phải đe nẹt, cho roi cho vọt thì nó mới khá, các con chưa biết cái nhục gia đình đâu!”.
Đối với ông đồ Trần Huy Trình, quả là chả có gì đau bằng nỗi hận tam trường. Được học hành sớm, thông làu kinh sách, đối đáp, giảng giải thay cho cả làng, mà thi Hương dăm bảy lần ông chả được lấy mảnh cử nhân tú tài. Học tài thi phận, ông nghĩ thế và hết mực thờ cúng, kiêng khem. Năm Quý Mão lụt to, nước ngập cả Văn Chỉ([ii]). Đến kỳ nước rút, ông giục anh trưởng cõng cậu út ra lau chùi từng bệ đá, viên gạch, nghiêm trang như đang phục dịch ở nước Lỗ([iii]) xưa. Ba năm một kỳ thi Hương, trượt vỏ dưa càng khát nước. Canh bạc càng “về sáng”, tức lúc đã có tuổi, ông càng cay. Mỗi lần yết bảng không thấy tên mình trong hàng cử nhân hay tú tài, ông lại đốt lều chiếu, quăng tủ sách, giãy đùng đùng rồi ngất đi. Ba năm lại một kỳ gia đình phải sống những ngày ảm đạm, mộ tổ xoay hướng cũng không đậu được. Đến lúc mỏi mệt, ông đành phận gõ đầu trẻ, chữ nghĩa sang vai những anh còn đang mong vinh hiển.
Nhưng bao nhiêu hận nhục do mong ước không thành, con trai phải gánh cả. Anh cả Chước mười ba tuổi đã thi Hương, nức tiếng thông minh, mà ba mươi mới được mảnh tú tài. Rủi thay, Tú Chước ngã bệnh mất sớm, có lẽ cũng là kết quả của hai mươi năm lao tâm đèn sách.
Bố đã vậy, anh đã vậy, thì Liệu càng phải vậy chứ sao.
Vùng vằng, nũng nịu, giọt vắn giọt dài nỗi gì nữa.

[i] Tục đi xin những chữ tốt lành về treo trong nhà.
[ii] Nơi thờ Khổng Tử của mỗi làng.
[iii] Nơi dạy học của Khổng Tử.