- 4 -

“Tiền làm quan, đạt làm thầy”
“Với mục đích học để đi thi, người dạy cũng như người học đương thời có cần gì phải nghiên cứu ý nghĩa của những quyển sách, mà chỉ cần thuộc lòng từng câu, từng chữ, từng điển tích để làm bài. Nhận xét người hay một việc khác đều không được phép ra ngoài ý kiến phê phán của Tống Nho và Hán Nho”.
Nghĩ về sự lố bịch, vô tích sự của việc học hành cử tử thời đầu thế kỷ XX, Trần Huy Liệu nhận xét vậy. Nhưng đó là vào mãi sau này, khi ông năm mươi tuổi. Chứ còn bây giờ, hễ mó tay vào việc gì trong nhà, cậu út đều nhận những lời ngăn cản:
- Cứ để đấy, đã có các chị.
- Học đi con. Có nghe câu “chẳng tham ruộng cả ao liền, chỉ tham cái bút cái nghiên anh đồ” chửa? Con phải đỗ đạt rồi ra làm quan cho cả làng, cả tổng biết tiếng chứ.
Làm anh đồ, ông quan, cậu bé vắt mũi chửa sạch chưa đến đoạn thích thú. Nhưng những lời dạy bảo thấm vào cậu như giọt nước ngày đêm nhỏ vào đất cát, cằn cỗi mấy cũng có ngày sũng sịu. Đến nỗi mả trên đường từ Vân Cát đi Hạnh Lâm, qua cửa huyện nha Vụ Bản, Liệu giở ra cái trò làm ông bố vừa sợ vừa buồn cười. Đứng trước mặt anh lính gác, cậu ưỡn ngực ra, trỏ vào công đường: “Ngày sau ông lớn lên thi đỗ làm quan to gấp mấy cái ông huyện ngồi trong kia ấy chứ”. Chú lệ tròn xoe mắt vì ngạc nhiên. Ông đồ vội vàng kéo con đi trong lòng không phải không thích thú.
Mỗi việc hàng ngày đều được dẫn ra một câu Thánh hiền làm mẫu mực. Sách “Luận ngữ”, thiên “Hương đẳng” chép những cử chỉ thường ngày của Khổng Tử, Liệu thuộc nằm lòng.
- Con biết không, - ông đồ bảo, - trước kia có người chuyên đi nhặt giấy bẩn có chữ Thánh đem đốt đi, đến lúc đẻ con, sau lưng có bốn chữ bằng dấu chàm “Kính tích chỉ tự”, người con sau này thi đậu tiến sĩ.
Những lời răn ấy ngày một thấm, khiến mảnh giấy có chữ trở nên thiêng liêng, không dùng vào việc bẩn thỉu, để rơi xuống đất cũng không dám.
Thông thường, trẻ mới học đều phải qua “Tam tự kinh”, cuốn sách vỡ lòng. “Nhân chi sơ, tính bản thiện, tính tương cận, tập tương viễn([i]), tiếng trẻ khao khao trong lớp học dưới luỹ tre. Sau “Tam tự kinh” là hai quyển Sử thượng, Sử hạ và Hán sử, nghĩa là toàn sử nước người. Nhưng Liệu, giống cái cây bị nhấc lên cho mau lớn, phải bắc ngay sang các sách “Đại học”, “Ngũ kinh”, “Tứ thư” và “Bắc sử” trứ danh. Nhai nhải, nhồi nhét, nhồm nhoàm, thật chẳng khác con vẹt mấy tí. Nó làm cậu bé ra ông cụ non, khác hẳn chúng bạn cùng trang lứa. Mà thế thì đâu có gì phải xấu hổ, còn làm tấm gương, làm chỗ để trẻ khác học theo ấy chứ.
Trong vùng, ông đồ Trình nổi tiếng về cách dạy nghiêm khắc và hiệu quả. “Thứ nhất hay chữ, thứ nhì dữ đòn”, có thế mới nên thân, cái lũ chỉ xếp sau “quỷ” và “ma” ạ. Sáng ra các trò đến trường, thầy chỉ đích danh anh nào ngủ sớm hay chịu thức khuya nhá chữ. Đêm mưa to gió lớn, ông xắn quần, bận áo tơi đi tuần thủ” những nhà có trò trọ học, bắt quả tang anh nào lười, anh nào lẩn. Đấy là việc dạy chữ, gọi như bây giờ là truyền bá kiến thức đại trà. Chứ khi dạy phép tắc đi thi, ông lại có những “món tủ” riêng cho trò yêu, nhất là hai con trai. Tỷ như những bài văn sách quá hay, thường đem ra bình phẩm ở tỉnh, huyện thì nên tránh đi kẻo dễ trùng lặp, mà hãy chăm rèn những bài loại nhì, loại ba thôi. Tỷ như, cha “giải” sẵn những đầu đề trong sách học đi thi rồi cho học thuộc, vào hạch khảo không quán quân cũng trúng tuyển. Đây là món gia truyền “tử công phu”. Bao nhiêu cay cú, kinh nghiệm một đời thi hỏng, ông truyền cho con cả.
Nhồi lắm thì chữ phải đầy. Liệu, giống anh Chước, sớm nổi tiếng thông minh hơn người. Rất khổ là mỗi khi có bạn bè đến, ông bố cứ gọi con ra đối lại những câu người ta ra. Đối đáp trôi chảy nhưng đúng là cực hình, dù nó kích thích tính háo thắng, đợi chờ lời khen.
“Thằng Di nhà tôi đi sau mót lấy những chữ cậu Liệu nhà bác bỏ rơi, có mà cũng nhất tổng rồi”.
“Sau này đỗ đạt nên ông, đi võng che lọng đừng quên chúng tôi, cậu Liệu nhá”.
Những lời làm Liệu ta phổng mũi, giá đứng ngoài giọt gianh, trời mưa nước chui cả vào mũi cũng nên. Người ta mời cậu về học cùng, bảo học cho con. Mười lăm tuổi, cảnh nhà túng quẫn Liệu đã đi dạy học riêng, tuy không thành “cua” hái ra tiền như các thầy giáo dạy thêm bây giờ, nhưng khi nải chuối, lúc dăm quả trứng gà, “lộc” đã lỗ chỗ.
Chưa biết sợ, tự tin và liều lĩnh quá, bất chấp luật định, có lần Liệu đội tên người khác đi thi các kỳ tuyển sinh và khóa sinh. Bấy giờ chưa có thẻ thi dán ảnh, người thi hộ chỉ nộp quyển, khai họ tên, quê quán, ký tên, điểm chỉ là lọt vào được trường thi. Việc làm bài càng dễ, vì bấy nhiêu đòi hỏi của đề chả đáng là bao so với bồ chữ cậu tích cóp nên.
Xong việc, nếu trúng tuyển sinh, Liệu được năm đồng bạc Đông Dương, trúng khóa sinh được hai mươi đồng, cả một gia tài so với công sức dạy học của bố, làm ruộng của mẹ và các chị. Nhưng mà lo, mà hãi lắm. Mỗi lần xong lại hú vía. Bị phát giác ra, cả người thi hộ lẫn người thuê thi đều tù cả.

ĐỨT GÁNH GIỮA ĐÀNG

 

Đang tập chữ cho mấy người sắp thi, Liệu giả cách ông đồ Trình, đi đi lại lại gườm gườm. Chiếc roi mây thỉnh thoảng vút vào không khí.
- Anh Sắc, không thuộc quyển của tôi thì tôi không cho anh gặp cô Thắm nữa.
- Cả Chương đoảng quá. Chữ “trung” này không phải là quả chuông. Phí công tôi nhận lời với thầy mẹ anh.
- Anh cu Từ, như có con gà nhảy lên bới chữ trong vở ý. Tí nữa nhảy lò cò anh có chấp tôi một bàn không thì bảo…
Vun vút! Vun vút. Học trò lấy làm vui, cười khinh khích. Ông thầy mặt non búng còn thích thú hơn, vắng chúa nhà tha hồ vọc niêu tôm. Tập viết xong ra đình khăng đáo, dễ trò bắt nạt lại thầy lắm. Những phút nô nghịch, ăn trộm giờ học, bỏ tiết ngày càng hiếm hoi, Liệu phải “trộn” chúng vào buổi dạy. Thầy được là đứa trẻ, đã đành, mà đám trẻ cùng trang lứa - có anh lớn hơn - cũng được thư nhàn.
Bỗng “chúa nhà” về. Vẻ vui nhộn tắt phụt. Cả lớp trở lại nem nép. Ông đồ không thèm liếc qua đám trẻ, lầm lầm phịch xuống chõng. Liệu mang bát chè tươi lại, hỏi bố đi nắng về có mệt không, được một tiếng “ờ”. Mặt ông đỏ gay, lúc thì tái dại, phất lấy phất để cái quạt, bình sinh có thể thay ngọn roi mây, học trò rất sợ. Liệu đứng cạnh bố, mắt chăm chăm vào củ khoai đuôi chuột bu đầy ruồi, một lúc quay về “lớp”. Cả bọn ê a:
Đêm thanh thánh thót đồng hồ
Tiếng ai như tuồng anh đồ nhà ta
Chừng trưa thì rã đám. Liệu khoắng vại dưa vét mấy tàu thái nhỏ nghiến, cho vào cơm nguội rang lên. Không có mỡ, những hột cơm săn ngay lại, khô khốc, chẳng thấy mùi thơm. Liệu bê mâm lên, thấy ông đồ nằm quay vào tường, bèn chắp tay kính cẩn:
“Con rang cơm rồi ạ. Hay cha mệt, để con luộc quả trứng. Nhà Chắt thiếu tiền học, sáng nay đưa chục trứng thể”.
Ông đồ phẩy tay, ra ý cứ làm. Bữa cơm im lìm, chỉ con ăn, ông bố cứ chống đũa thở dài thườn thượt. Có chuyện rồi. Không biết mắc lỗi gì. Rất lo mà chả dám ho he. Rồi thật bất ngờ nghe dịu giọng:
“Con ăn trứng đi. Xong rồi bố nói chuyện”.
Tức thị không có lỗi. Khỏi bị đòn. Cho nên “có chuyện” mà quả trứng vẫn trôi tuột từ họng xuống bụng ngay tắp lự.
- Con nghe đây… Thời thế thay đổi rồi con ạ. Bây giờ cả nhà chỉ còn trông vào con.
Chậm rãi. Những lời đã sắp xếp rất kỹ. Liệu lùa nốt bát cơm, cứ lạ sao bố chưa ăn mà đã xỉa răng chem chép… Nhưng rồi cậu phải nín thin thít.
- Cha vừa lên huyện. Bảng yết rằng nay là năm thi Hương cuối cùng. Không còn kỳ nào khác. Vậy nên con phải chuẩn bị chữ nghĩa, rèn tập chu đáo. Thi đỗ là đạo nhà đấy con ạ. Anh Chước giỏi nức tiếng vậy mà mới chỉ được cái tú tài. Trông vào con… Chỉ còn trông vào con thôi…
“Ô hô… Ô hô… hời ơi ời”. Ông đồ nức lên, nước mắt nước mũi ướt chèm chẹp, chòm râu thưa giần giật. Để mặc bộ dạng chẳng chỉn chu, ông nghẹn ngào:
- Quân Tây Dương chó má” Đồ cẩu trệ! Giống Di dịch lông lá! Chúng ép vua ta bỏ Vương đạo, hành theo bá đạo của chúng. Bỏ khoa cử, bỏ chữ Thánh hiền là đau khôn cùng, khôn cùng con ạ. Chúng bỏ thi là để bắt dân ta rập theo chữ tây, văn tây, tôn thờ tổ bố chúng nó chứ không được thờ Đức Khổng Khâu nữa. Đạo Nho khốn cùng rồi. Văn hiến đứt rồi. Không có luân thường đạo lý nữa. Chúng bắt ta sống theo lối cầm thú được là vì có tàu đồng tàu sắt! Nhục ơi là nhục! Cha thì hỏng hẳn rồi, - ông đồ đã kìm được tiếng nấc - Anh con năm ngoái đỗ nhưng lại sớm bỏ cả nhà mà đi. Chỉ còn con, còn con thôi. Lần cuối cùng, con không đỗ thì sẽ ra sao. Hả con? Hả con?
- Thì hết đường làm quan ạ.
- Sao nữa?
- Không tỏ mặt được ạ.
- Sao nữa?
- Nhà nghèo túng, người ta coi thường ạ.
- Hết rồi a?
- Dạ, không “báo thư cừu” được.
- Đúng rồi. Đấy là mối hận tận xương tủy. Nhỡ con có sao, cha chết không nhắm mắt.
Chả hiểu ông đồ còn truyền những gì, nhưng Liệu đã nín thin thít. Đi thi ngay, có khác nào phải lấy vợ tắp lự. “Chẳng may” đỗ, sớm làm “ông” thì đứa nào nó khăng đáo cùng mình. Nhưng được gọi “cậu tú,, thì oách chứ nhỉ. Đậu Hội nguyên, Đình nguyên càng “chúa”, “võng anh đi trước…”. A, mà làm gì có “nàng” mà “võng nàng đi sau”. Nhưng cứ thi đỗ đã tỏ lắm rồi, bố đỡ đòn vọt, mà có khi không phải học nữa cũng nên.
Những ngày sau, Liệu được tẩm bổ, ăn uống sướng tệ. Những chuối trứng cuốc, cốm đầu mùa, trứng gà tươi ai ai trả chữ, ông đồ dành cả cho con. Nhưng phải thức khuya ra rả như cuốc, những chữ đã mòn lì cứ phải “luộc” lại kỹ, đánh cho nhẵn bóng.
Ấy là năm 1915, Trần Huy Liệu mười bốn tuổi, cũng chả phải người bé nhất trong kỳ vượt Vũ Môn cuối cùng. Chế độ khoa cử Nho giáo hạn chế cách tuyển những ông thông ông phán nên nhà nước thực dân bỏ thi, đưa vào trường học các môn khoa học tự nhiên và lối đọc a bê xê lợn xề bánh đúc, u xê úc là cục mắm tôm. Điều ấy làm các nhà nho nước ta tức phát điên, càng thêm thâm thù bọn mũi lõ mắt xanh. Tiến thân vào đâu? Lên quan ngả nào? Và nhất là đạo nhà đạo nước, rường cột đã qua dăm bảy trăm năm nay, phải chịu nhìn chúng gác qua một bên.
Theo thể lệ, muốn thi Hương phải qua mấy kỳ hạch trước. Kỳ đầu, thi tuyển sinh bằng một bài luận quốc ngữ, Liệu vượt ngon lành. Kỳ khóa sinh làm luận bằng cả chữ nho lẫn quốc ngữ, cậu nhá dễ còn hơn thia lia được hòn đáo vào lỗ. Sức vóc ấy, bồ chữ ấy, quà thi khóa sinh để vào trường thi Hương, có gì mà phải ngại.
Nhưng có chuyện trớ trêu làm chậm con đường đến Mỹ Trọng([ii]) của Liệu. Kỳ thi hạch đã qua, bảng yết lên cổng phủ. Trông thấy tên mình, Liệu nhảy lên, chả kể những kẻ nước mắt ngắn nước mắt dài xung quanh. Nhưng đám chức trách lại phát giác ra đề thi đã bị lộ từ trước. Kẻ trộm đề bị bắt, xử phạt rất nghiêm.
Lộ thì thi lại, có gì mà ngại. Bất quá mất buổi chơi và tốn thêm hào quà của mẹ.
Sáng ấy, tay ôm quyển, tay cầm bút mực, Liệu qua cánh đồng phủ Vân Cát đến điểm thi. Gót chân dẫm lên vệ cỏ, bờ mương sao ngăn ngắt, ơn ớn lạnh. Trận gió nhẹ thổi qua không đủ thổi rụng mấy bông hoa gạo đỏ thắm trên cao, mà cậu nổi gai ốc. Đến cổng phủ, Liệu dừng lại, theo lời cha lầm rầm khấn Bà Chúa.
Tới nơi thì đã mệt lắm rồi. Mắt đỏ lên, sưng húp da nóng hầm hập, mà người lại run như dẽ. Những bạn thi chạy lại hồ hởi đón, người nọ gạt người kia, tranh nhau nói:
- Liệu ơi, tớ có con quay cho ấy. Gỗ thị hẳn hoi, không phải ổi đâu.
- Đừng có làm bài một mình. Phải cho anh em liếc với - Trời đã cho ta kỳ thi lại. Liệu ạ, chỉ còn cậu là cho tớ chữ được, không bị trượt như lần vừa rồi. Yết bảng có tên là tớ trả công cậu ngay.
Nghe nhờ vả, mơn trớn, khoái chí thật. Nhưng chỉ một lúc, cơn rét run người lại đến. Cậu bé ừ ào rồi đi tìm chỗ tránh gió, làm mấy cậu tú tương lai nản quá.
Xướng danh. “Dạ có!”. Vào hàng.
Lại xướng danh, xếp hàng vào nhận chỗ. Nghe những lời dặn dò không được ăn cắp chữ, không được gà bài, tai Liệu cứ ù lên. Dặn lắm khéo ta ngã mất.
Đề thi xướng lên. Liệu cắm cúi chép. Yên tâm lớn. Gì chứ mình đã thuộc nằm lòng cả, trước, sau phải thế nào, chỉ việc viết ra. Xong, nộp bài cho sớm, kẻo ốm nặng mất.
Nhưng sao mắt cứ mờ đi. Tay run bắn, cố ghì chặt lấy bút mà chữ vẫn xiêu. Cơn rét từ trong ruột đâm ra, tòi qua xương qua thịt, làm bần bật cả bàn với ghế. Đầu nặng như ai lấy cái đỉnh úp lên, mắt không thể mở. Liệu đổ vật xuống đất, co quắp, không còn biết đến người ta đang khiêng ra, đổ nước gừng vào miệng.
- Thật khổ, thằng bé học giỏi mà đâm hỏng.
Tiếng ai lào xào bên tai. Không lẽ mình không làm được hết bài. Liệu vùng dậy xin thi tiếp, nhưng cơn sốt lại vật cậu xuống, càng lúc càng ác liệt. Mê man. Rừng rực như hòn than. Bệnh từ anh bạn cùng trọ học lây sang, người ấy bỏ cuộc ngay từ đầu, còn Liệu làm được nửa bài. Người ta mang cậu về nhà để mẹ trông nom.
- Học tài thi phận con ơi! - Ông đồ Trình uất tím tái cả người, mãi đến cuối ngày mới hộc ra mấy tiếng.
Kỳ thi Hương cuối cùng năm Ất Mão 1915 diễn ra trên cánh đồng làng Mỹ Trọng gần cổng tỉnh không có cậu khóa Liệu, tuy đã khỏe lại sau trận ốm. Không muốn nhìn con nhà người lều chõng gánh đi, ông đồ Trình đắp chiếu nằm rên hừ hừ.
Mọi hy vọng đều tiêu tan cả sau những gắng gượng cuối cùng, cha con dâng đơn hết cửa nọ đến cửa kia trình bày lý do, xin đặc ơn dự kỳ thi rốt đều bị từ chối. Rủi ro của người này là may mắn cho người khác mà.
Thật ra, vẫn còn một cơ hội nữa. Trường thi Hương ở Thanh Hóa đến hai năm sau (1917) còn tổ chức, Liệu có thể “mượn quê” trong đó đi thi, gọi là “ngụ thí”. Nhưng tiền bạc đâu ra mà ở trọ, chạy giấy tờ, đành bỏ. Khối người cùng trang lứa thất cơ đã xoay sang học trường Pháp - Việt, nhưng đấy lại chỉ là cửa may mắn cho anh có tiền. Cái tiền đồ hoạn lộ ông đồ nhắm cho cậu út phải đứt hẳn, giống như cánh đồng Mỹ Trọng không làm trường thi nữa thì biến thành sân bay.
CÀNH HỒNG LEO TRÊN TƯỜNG
- Biển cả bắt đầu từ đâu?
- Từ những dòng sông. Như sông Hồng, sông Ninh Cơ, sông Đào…, bao nhiêu nước đều đổ ra cửa Ba Lạt dưới Giao Thủy ấy con ạ. Thế nên chả trông thấy bờ bao giờ.
- Sao lại sinh ra dòng sông?
- Đấy là do muôn vạn khe suối nhỏ suối to róc rách trên nguồn. Những suối ấy lại có từ ức triệu những nguồn mạch rỉ ra từ lòng đất, từ áo rừng nguyên sinh, những rễ cây, thảm lá mục ẩm ướt che phủ núi đồi.
Thế “đất nước” là gì, màu hồng hay xanh, hình tròn hay chữ nhật?
- Cứ tạm hiểu đấy là bờ tre, chùm khế, bóng đa che mát mái đình làng. Là làn khói bếp chiều hôm, củ khoai mẹ dành cho sau mỗi lúc nô nghịch. Từ những gì rất nhỏ bé, thân thuộc mà ai cũng có.
Đối với người đi học, đó còn là con chữ, tiếng nói của người mình, những dáng tượng, câu chầu văn, nếp ăn nếp mặc của quê hương. Đó còn là nỗi hận bọn người mũi lõ mắt xanh làm đứt mạch văn của giống nòi, chặn đứng mọi ngả đường tiến thân.
Nhưng ông Trần Huy Trình chưa thể nhủ cho Liệu thấm hết điều sâu xa ấy. Còn lũn cũn, cậu bé chỉ nhớ đã bị mắng nên thân vì tội dám sang làng Báng Già bên cạnh chơi.
- May cho con tôi - Bà Trần Thị Nhự, tức bà đồ Trình, vừa thở vừa lau mồ hôi cho con. - Người bên ấy ghét người làng mình lắm. Họ đánh cho thì khốn.
- Sao lại ghét ạ?
- Người Tây dạy Báng Già, Báng Trại theo đạo.
- Các cụ nghĩa quân Văn Thân nhà ta ghét Tây, đã bắt giam mấy người làng ấy bỏ cho chết đói. Ông nội con đã giấu giếm, mang cơm cho họ.
- Văn thân là gì ạ?
- Giời ơi, có mỗi cái mồm mà hỏi lắm thế. Nói con cũng chả biết. Nhưng nhiều cụ cử, cụ nghè đến nhà ta chơi bàn chuyện bênh vua đánh Tây là Văn Thân.
- Con cũng đánh Tây!
Liệu nói rất cao hứng làm bà đồ phì cười:
- Cha nhà anh, đánh bằng váy đụp à? Để rồi nó lại đốt cả làng.
Có lần quân Pháp theo chân giáo dân đến cướp làng Vân Cát, đứng từ quán đầu làng bắn vào. Sau một hồi thì thụp mà không qua được cánh cổng làng toàn tre đực nguyên cây chúng núng thế. Dân làng hăng lên, mỗi người cầm một cây gậy tầy xông ra đánh. Một thứ áo giáp ai cũng khoác lên người để đạn phải tránh xa là chiếc váy đụp tẩm nước đái. Cuộc phản công thắng lợi, giặc rút lui, làng chỉ hai người bị thương. Nhưng rồi giặc quay lại đốt cả làng. Cụ Trần Huy Làn, - ông nội Liệu - bị bắt đi, mãi mới chuộc ra được.
- Có đúng là váy đụp tẩm nước đái thì tránh được đạn không ạ? - Liệu lại hỏi.
- Mẹ cũng không biết. Các cụ tin thế, nên đánh hăng lắm. Còn nhà mình thành tro.
Bà đồ trả lời con ngọn ngành, nhưng không quên mách chồng chuyện Liệu sang Báng Già. May được ngày bố dễ tính, cậu chỉ bị mắng mỏ chứ không phải đòn. Bèn được thể thắc mắc tiếp:
- Thưa cha, sao ta lại ghét đạo? Con thấy bên Báng họ cũng làm ruộng, chạy chợ như bên đây thôi…
- Vì người Tây núp sau bóng Chúa vào đánh nước ta.
- Nước ta rộng đến đâu?
- Ô, rộng lắm. - ông đồ phì cười nhưng sầm ngay mặt. - Đi hết tỉnh ta, tỉnh Thái là đến quả núi rất dài, gọi là Trường Sơn. Hết núi đến sông Cửu Long, cá tôm nhiều vô kể, lấy rổ xúc cũng nặng tay. Nhưng những đất nhiều cá ấy cũng bị Tây chiếm cả rồi.
“Xúc xuống nước mà cũng được rổ cá nặng tay”, thế nào mình cũng phải vào cái “làng” ấy”. Liệu lơ mơ nghĩ hỏi tiếp:
- Thế vua có đánh Tây không?
- Vị đánh vị không, đều không lại. Đức Hàm Nghi trốn lên rừng lập đồn trại, chúng nó bắt được đày ra bể. Khổ cho ngài. Các quan cũng đánh, mấy chục năm ròng rã cũng vẫn thua.
“Lớn lên con cũng đánh Tây” Liệu đứng vụt dậy nói lớn làm bà đồ phì cười.
Kéo con vào lòng, bà âu yếm:
- Cha nhà anh. Đánh Tây như bố anh, làm thơ chửi chúng nó chứ gì…
- Bà thì biết cái gì? - ông đồ gằn giọng.
- Thì tôi thấy ông với bác Tú Cương, bác Cử Kiểm, cậu Khóa Nhàn cứ ngồi ngâm thơ, Tây nó có nghe, có hiểu đâu.
Bình thường bà đồ rất hiền, hôm nay nói mấy câu đúng cả, mà sao Liệu thấy thầy đỏ lựng cả mặt.
Ông đồ nhỏm dậy ngồi thừ một lúc, quay lại, rất khẽ:
- Thế mình có biết bác cả đi đâu không? Bác theo đề đốc Tạ Quang Hiện khởi nghĩa bên Thái Bình. Tôi vướng nhà, chứ không cũng theo rồi. Tây nó biết nên mới đốt nhà mình.
- Ra thế. Không nói nên tôi chả hay. - Bà đồ ra chiều biết lỗi. - Nhưng súng ống, tàu đồng tàu sắt nó thế, sao đánh nổi.
- Quả có thế. Đánh mãi, mất người, cháy cả nhà mà nó cứ trơ ra. Này mình, nhân thể tôi nói chuyện này…
Ông đồ bảo Liệu đi ngủ, rồi thì thầm rất lâu với vợ. Có tiếng thở dài của bà, tiếng giải thích của ông, rồi bà lại tấm tức. Sáng ra bảo con:
- Thầy bảo định cho anh Chước đi học xa, sang Nhật. Chả là các cụ các bác bàn nhau đánh Tây mãi không xong, thì phải đi học cho giỏi hơn nó, đè lại nó. Người Nhật cùng da vàng, đồng chủng đồng văn, họ sẽ giúp mình việc học trước, sau cho súng về đánh Tây.
- Mẹ cho anh Chước đi không? - Liệu hỏi.
- Đấy là thầy mới ý định. Nhưng anh Chước đã ho ra máu mấy lần. Mà đi thì để vợ con ai trông…
- Hay là con đi!
Liệu hăng hái quá làm bà đồ tức cười, vuốt tóc Nhưng thầy đang định lấy vợ cho anh, lấy con ông lang Oanh bên Thái La.
- Con chả thích lấy vợ xa. - Liệu nguẩy ra.
- Làm gì mẹ chả biết con thích ai trong làng. - Bà đồ buồn buồn. - Nhưng bên cô Lọc người ta chê mình nghèo. Không lấy được cô Lọc đâu con ạ. Thôi, cứ nghe thầy bu đi…
Liệu buồn bã, ủ rũ, càng cám cảnh nghèo. Khoai chuột, cám rang thì cất mình sao nổi. Tưởng là đi học sẽ lên quan, đeo thẻ ngà, thì đường ấy đã tuyệt.
Nghĩ đến ánh mắt đắm đuối, bước chân con cón của ai bên kia bờ ao mà đành chịu. Phận nghèo thì phải hèn thôi.
Đấy là ngày trước, khi Liệu còn hay sà vào lòng mẹ, phải trốn cha để đi khăng đi đáo. Chứ mấy năm sau, gia cảnh càng khốn khó, nỗi bí bức hóa thành bi phẫn, thì cậu ra ông cụ non. Đêm đêm Liệu nằm ngâm những câu thơ ví mình như Bàng Thống ở đất Lôi Dương, chức tri huyện không thể phỉ chí. Những bài thơ đầu tiên cậu gửi đăng Nam Phong tạp chí ký bút hiệu “Đẩu Nam”, sánh mình với Địch Nhân Kiệt triều Đường bên Trung Hoa, tài năng lỗi lạc mà không được dùng.
Ông đồ Trình ốm nặng. Ngôi nhà tấp nập thoắt lặng lẽ. Sinh đồ ra vào rón rén, âm thầm nén lo âu.
Trong buồng bà đồ ngồi lặng, không thể khóc nổi. Đôi mắt bà đã lòa hẳn từ khi người con cả ra đi, lá xanh đã rụng trước lá vàng.
Như ngọn đèn cạn dầu thì bừng lên, trước lúc hấp hối, ông đồ gọi con út vào, dặn trông nom mẹ, đàn cháu con anh Chước. “Đời người ai cũng đến lúc này. Thầy đi trước là có phúc hơn mẹ con… Con phải chững chạc, cứng rắn hơn. Đang đi đừng nhảy lên như thế.
- Vâng ạ.
- Thầy buồn là đến giờ chưa lo được bến đỗ cho con. Anh Chước đã vậy. Nhà ta chỉ còn trông vào con. Không biết thầy có lầm khi cho là chỉ có học thì các con mới cất đầu lên được không. Nhưng nhà ta không học thì còn làm gì…
- Không cần nghĩ nhiều nữa đâu, thầy ơi…
Ông đồ hổn hển cố chống lại cơn ho, rồi dịu hẳn:
- Con là người trai ngoan nhưng đa sự. Con sẽ vất vả mất…
Cậu thiếu niên mười lăm tuổi không thể ngờ rằng mình, nhiều năm về sau, cho đến cả lúc đã tột bậc vinh hiển, lắm lúc sẽ còn phải nghĩ về linh nghiệm của câu trăng trối ấy.

[i] Ý nói con người ta sinh ra có tính tốt lành. do hoàn cảnh mới đổi khác đi
[ii] Nơi thi Hương của trường Nam (Nam Định).