- 12 -
THƯ GIẢ TÌNH THẬT

Năm năm cấm cố ngoài đảo đem lại biết bao thay đổi. Về lập trường chính trị, Liệu đã cảm thấy sự bất lực của chủ nghĩa Tam Dân. Những mục tiêu dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc vẫn còn đấy, nhưng phương cách thực hiện thế nào, đi với ai để “nương nhờ” đã khác. Khối cộng sản quốc tế, với Liên Xô là một thực thể vật chất, hùng mạnh biết bao, đến những lãnh tụ dân tộc thuần chất như Phan Bội Châu cũng còn bị thuyết phục cơ mà. Lý tưởng cách mạng có vẻ đã tìm được chỗ “đỗ” ở một thể chế chính trị. Liệu có những người bạn mới là cộng sản, tuy chưa hẳn đã đồng chí. Và xa rời dần dần đồng đội Quốc dân đảng.
 
Về mặt tình cảm, người đàn ông ngoài ba mươi đã vợ cái con cột lại có sự đèo bòng khác. Mối tương giao đem lại sự hứng khởi cho anh ngoài đảo với người nữ hộ sinh được nhóm lại ngay tức khắc, bằng những cánh thư gửi về số 6 đường Mac Mahon, Sài Gòn. Đáp lại, là những lời lẽ nồng nàn biết bao. Sự trải lòng mà chưa giáp mặt tạo nên cảm giác bí ẩn đê mê. Những khám phá nồng thắm. Những phát hiện khiến cả hai thăng hoa.
 
Hẳn là nhiều đêm, trong niềm vui tự do, được gần gũi vợ cái con cột, Liệu phải thầm nhắc đến cái tên Phạm Thị Hồng với một sự sôi nổi kìm nén. Tý rất vất vả kiếm sống giữa Sài Gòn trong năm năm qua, để Diễm, giờ 8 tuổi, và Vân, 6 tuổi, chẳng phổng phao đủ đầy gì, nhưng được lớn lên, ít nhất là cũng không yểu mệnh sớm như những đứa con ra đời ở quê. Năm năm ngoài đảo đã lấy đi của anh quá nhiều: lý tưởng xã hội ngày nào, sự gần gũi vợ con, những hiểu biết, ứng xử về một cuộc sống bình thường, ồn ã, tự do. Nhưng những gì “đỗ” lại chả phải ít: nhận thức về một chân trời mới, những người bạn giàu ý chí. Và le lói nhưng khiến tê mê, những cánh thư với người con gái trẻ - chắc chắn rất nồng nàn.
 
Nhưng cuộc đời lại xếp đặt cho người đàn ông đào hoa một thú vị khác, không oái oăm, mà có lẽ còn rất trọn vẹn. Liệu không được về Sài Gòn, đến nhà số 6 Mac Mahon để gặp cô hộ sinh yêu dấu vì lệnh cấm cố không được héo lánh đến đất thuộc địa. Thực dân bắt anh chờ đợi, chỉ được đắm đuối trong những giấc mơ, để rồi hạnh phúc thực hiện ra trong một hình hài khác hẳn, chả ai có trí tưởng tượng giàu có nào “sáng tác” ra được.
 
Đó là một bức thư, gần sáu chục năm sau, được tác giả của nó chép lại theo trí nhớ, trong thiên hồi ký “Những ngày xa xưa ấy” ra ở Mỹ năm 1996. Sự chính xác về câu chữ đến đâu, chả ai bảo đảm được, nhưng sự thực thì hẳn là đáng tin cậy.
 
Sài Gòn ngày… tháng… năm…
Anh thân yêu.
Cho phép em được dùng hai chữ “thân yêu” vì đây là lần đầu tiên và cũng là lần chót. Chúng ta sẽ từ biệt nhau trên bức thư này luôn luôn và mãi mãi! Mai hay mốt đây anh sẽ nhận được thiệp cưới của Hồng với một người đàn ông xa lạ. Em biết chuyện này làm thương tổn lòng tự ái của anh không ít, nên em vội viết thư này để giải thích cho anh rõ mọi việc. Ngay từ bức thư đầu tiên anh viết cho Hồng cho đến bức thư ngày hôm qua mới nhận được, trong toàn bộ những bức thư ấy đã diễn tả một giai đoạn từ tình bạn sang tình yêu mà anh đinh ninh giữa anh và Hồng. Sự thật không phải vậy, mà người ký tên ấy là em, chỉ là em mà thôi! Lý do: Hồng rất làm biếng đọc thư, trong khi công việc, nào tiền bạc, khách khứa, rộn rịp suốt ngày. Do đó, Hồng giao cho em trả lời tất cả thư từ, em có hỏi lại… Cả thư anh Liệu nữa sao? Hồng trả lời cụt ngủn: “Tất cả chẳng từ một ai”… Em hiểu ngay Hồng chẳng có chút cảm tình riêng tư gì với anh cả. Lẽ ra, em nên nói cho anh biết lúc ấy. Nhưng, không biết vì cơn cớ gì, đã xui em… viết tiếp cho anh.
 
Cho đến hôm nay, đám cưới của Hồng, em không còn lý do gì để giấu giếm được nữa, đành phải viết thư này nói rõ cho anh biết. Em là người con gái nghèo, trình độ học vấn lại ít, tiền của không có gì, chỉ là một kẻ làm công cho Hồng như tất cả mọi người làm trong nhà bảo sanh ấy. Đối với anh, em chỉ là một con số O - không có gì xứng đáng cả. Cái tội gian trá xin anh tha thứ cho em và em thanh minh với anh rằng: Hồng là con người vô tội, không biết gì về việc em đã làm cả. Em thật có lỗi nhiều, nhưng bây giờ, em biết nói gì đây? Chỉ xin anh nhớ cho rằng: Hồng không lừa anh mà chính em lừa anh và căn nguyên sự lừa lọc ấy chỉ là một tình yêu cuồng nhiệt không kịp suy nghĩ, thế thôi!
 
Từ nay chúng ta sẽ không bao giờ gặp nhau nữa, nhưng luôn luôn trong lòng em vẫn có một chỗ cao quý nhất, sâu kín nhất để tôn thờ hình ảnh anh:
Há phải vì ai, lỗi tại ai?
Hoa xuân tàn tạ rụng hiên ngoài
Hoa tình nở trái thì mau rụng
Há phải vì ai, lỗi tại ai!
Vĩnh biệt anh
THU TÂM
 
Nhận thư Thu Tâm tức Phạm Thị Bách, cô em họ của Phạm Thị Hồng, cũng ra Côn Đảo năm 1933, Liệu đã cảm thấy những gì? Hẳn là những nhận biết trái ngược đến hỗn loạn: hẫng hụt, tự ái, không khỏi ê chề, nhưng lại cũng bâng khuâng, mừng rỡ. Cảm giác cuối cùng hẳn phải là mừng rỡ.
 
Có cái cơ duyên nào từ trên trời rơi xuống nên anh mới tránh mặt Hồng khi còn trên đảo chứ. Trời đã không cho anh cái tình của Hồng, thì lại “bù” cho một cô em họ trẻ hơn, chắc chắn là rất lãng mạn, nồng nàn. Anh vẫn thích điều đó cơ mà, khi bên mình đã có người vợ khỏe mạnh, hết lòng với chồng con nhưng đơn giản, chả lý mấy đến thơ phú với “tình tang”.
 
Những suy đoán trên phù hợp với thực tế sau này, nhưng trước mắt, có lý với đoạn trích sau trong- hồi ký “Những ngày xa xưa ấy”.
Sáng hôm sau, tôi thức dậy hơi trễ, lại có hai người đẻ khó nên phải đến 11 giờ, công việc mới kết.
Tôi rửa tay xong bước ra phòng khách thì con bé Nhi con chị bếp, cầm đưa cho tôi phong thư, nói nhí nhảnh: “Có phải thơ của cô không? Mọi khi thơ cô đề khác kia mà”.
 
Tôi nhìn dòng chữ đề trên bao thơ. Madame Trần Huy Liệu, 6 Mac Mahon Sai gon. Đúng là nét chữ anh Liệu. Mồ hôi tôi toát trên trán, cầm lấy phong thư, tay run lẩy bảy ngồi phịch trên chiếc đi văng bọc đệm mềm mà ghê sợ như ngồi trên gai góc. Không biết làm sao lại có những dòng chữ như thế này nhỉ? Tôi lặng đi đến năm phút mới dám bóc ra. Bức thư như sau:
 
Hà Nội ngày… tháng… năm…
Thu Tâm, người vợ yêu quý của anh,
Anh thật buồn cười khi đọc thư em, sao em lại trẻ con thế. Tình yêu không phải là một trò đùa giải trí, cũng không tạo nên bởi những cái phù phiếm bên ngoài, tiền bạc, nhà cửa, xe cộ… Em không biết gì về nhân sinh quan của anh, nên mới… dám đặt bút viết cho anh những câu như thế. Nếu anh không biết rõ những sự ngây thơ thành thật của em thì có thể là anh cho rằng em cả gan xúc phạm đến nhân phẩm của anh một cách nặng nề, nhưng vì anh biết rõ tâm hồn chất phác của em, nhất là sự khép kín trong gia đình, chưa từng chạm trán với đời nên mới có những thái độ vội vàng như vậy.
Anh tha thứ tất cả cho em và càng yêu quý em nhiều hơn. Vậy từ nay em hãy vui vẻ và yên ổn khi mang tên anh, đừng nghi ngại gì cả. Gởi cho em tất cả những cái hôn nồng cháy và thương nhớ.
TRẦN HUY LIỆU
 
Suốt đêm hôm ấy, tôi không sao ngủ được, cử lẩm nhẩm trong bụng đọc lại bức thư của anh Liệu vừa nhận buổi trưa. Tôi dự tính khi nào Hồng đi chơi về nói hết sự thực cho Hồng nghe, xin Hồng giúp tôi mở một nhà bảo sanh khác để sau khi có căn bản làm ăn sẽ tính đến việc thành hôn với anh Liệu. Còn cách đối phó với chị Liệu ra sao thì lúc ấy tôi còn trẻ người non dạ, nhất là chưa kinh nghiệm về chuyện chồng đôi vợ ba, cứ nghĩ đơn giản anh Liệu đã thương tôi nhiều đến thế, thì hẳn là anh thu xếp được việc nhà, không để đến nỗi tôi phải dở dang.
“Chương” mới trong cuốn “tiểu thuyết tình cảm” của Liệu bắt đầu được viết, xuất phát có vẻ giống với những câu chuyện kiểu Tự Lực Văn Đoàn.
Nhưng đoạn cuối của nó lại chả lãng mạn tị nào.
YÊU VÀ KHÔNG THỂ LẤY VÀ…
Trần Huy Liệu thấp nhỏ, không “đường bệ” tí nào, chân hơi khập khiễng vì có tật, mắt lại hay “rơi” lệ do không được giữ gìn hồi còn ở quê nên mang biệt danh “ông Lòe”. Vậy mà theo ngôn ngữ tử vi cung Thê của ông lại tươi tốt. Liệu chỉ có hai bà vợ chính thức là Trần Thị Tý, lấy rất sớm, đẻ 6 lần đậu 4, và Nguyễn Thì Hy tức Sửu, đẻ 2 con. Bà Phạm Thị Bách tức Thu Tâm nữ sĩ đi với ông một chặng đường khoảng mươi năm là một gánh tình chẳng dễ quên, tuy chẳng được bà Tý và đoàn thể công nhận nào…
 
Sau năm 1975, ông Phan Huy Lê, người trong giới sử, vào Đà Lạt, thì bà đến, tự giới thiệu là người thân Trần Huy Liệu. Ông Lê thuật lại cùng đi có người đàn ông. Bà Bách chỉ vào, bảo là chồng, sau đó rất tự chủ: “Sau này tôi có gặp một vài người nữa, nhưng không có ai nặng tình như với ông Liệu. Ấn tượng của Phan Huy Lê về bà Bách là rất sắc sảo thành thực, có khả năng biểu đạt cao.
Sau giải phóng miền Nam ít lâu, bà Bách “lội” ra Hà Nội, mục đích duy nhất là để thăm mộ Trần Huy Liệu. Bà ở 16 Phan Huy Chú, ngủ trên chiếc giường ông Liệu nằm, cùng với bà Tý. Khoảng năm 1996, người viết gặp được bà ở Sài Gòn vài ba lần, lúc tới thăm bà trong cái “ấp” ở Củ Chi thì đọc, ngay trong đêm, hồi ký “Những ngày xa xưa ấy” mới in bên Mỹ. Tâm trạng của bà đêm ấy là “cái này in trong nước thì có sao không?”.
Rồi bẵng đi. Bặt tăm luôn.
Phạm Thị Bách tức Thu Tâm, như trong hồi ký kể trên, ra Côn Đảo năm 1930, lúc 18 tuổi. Giờ đây, bà ở đâu, còn hay mất chả biết, nhưng người viết cứ xin phép đoán bà đẻ năm 1912 theo cách tính của người Tây. Bà quê Hải Dương, dòng dõi văn thân, bà nội là chị ruột ông Tán Thuật theo Cần Vương đánh Pháp. Ông bố là giáo thụ, mẹ làm ruộng, dệt vải ưu tiên con gái út cho học quốc ngữ. Có người bạn gái lớn tuổi là chị Giáo Nhất, Bách quen biết “luôn” Nguyễn Thái Học cùng đám đồng chí Quốc dân đảng của ông, cả “chị” Giang, người yêu Học.
Sự giao du này hẳn đã gieo vào Bách sự cảm mến với những người yêu nước chống Pháp nói chung, những người Quốc dân đảng nói riêng. Mà Trần Huy Liệu, cuối những năm hai mươi thế kỷ trước, là bí thư kỳ bộ Nam Kỳ của Quốc dân đảng, đang làm loạn Nam Kỳ bằng những bài báo ký Nam Đẩu, Côi Vị trên các tờ Đông Pháp thời báo, Nông Cổ mín đàm, Ngòi bút sắt, Rạng đông…, các vận động để tang Phan Chu Trinh, đòi thả Phan Bội Châu…
Cuốn “Một bầu tâm sự” của Liệu phân tích thời cuộc bàn kế sách cho quốc dân làm cô gái lớn lên ở phố huyện say mê lắm. Đến nỗi mà, khi có người chị họ là Phạm Thị Hồng, vừa tốt nghiệp trường hộ sinh, rủ ra làm việc ngoài đảo thì nhận lời ngay. Đối với tuổi trẻ, gặp được người mình cảm mến là tất cả. Xa xôi, đến chốn lưu đày có là gì, thậm chí tưởng tượng cảnh nhìn được mặt nhau giữa trời nước còn lãng mạn hơn. Nhưng thực tế lại nghiệt ngã. Giữa bể cả, những hòn đảo chả có gì đặc biệt. Cây cối, dù là cổ thụ, xơ xác. Cỏ héo queo ôm lấy những con đường gập ghềnh sỏi cát. Công việc cũng ít, vừa hiếm người sinh nở vừa có người tù được phái ra giúp, nên Bách tha thẩn tới nhà thờ xem lễ. Rồi ra được cha “giác ngộ”, theo đạo thật. Học giáo lý rất chăm, tuy chả mấy tin, sau sáu tháng, Bách được đặt tên Thánh Theresa và sắp chịu lễ Thêm sức. Đấy cũng là sáu tháng thư từ, xướng họa với Trần Huy Liệu.
Giờ thì thật khó để xác định cô hay người chị họ đã gửi lời nhắn đầu tiên của Hồng đến Liệu - đang ở banh 2. Nhưng đó là thời gian Liệu đang là tù chính trị Quốc dân đảng, có nhiều đồng chí quen biết Bách.
Những lá thư cuốn hình tổ sâu đan đi đan lại, nối nơi cầm cố với ngoài đời, cũng không khác với một nơi cầm cố nhiều lắm. Có thể hình dung trong lòng người con gái đầy hoài bão, khao khát một cuộc sống mới mẻ, mạnh mẽ ấy hai quá trình diễn ra khá nghịch ngược nhau. Đằng này là “thần tượng” trần trụi, cụ thể, đương nổi loạn chống lại trật tự hiện hữu. Đằng kia là Nước Chúa vĩnh cửu, người ta hướng đến để có sự yên hằng. Bên ngoài là con chiên siêng năng ăn nhời cha, bên trong lại giao du với phản nghịch. “Đu đưa” giữa hai nhẽ, cô gái vừa mơ màng vừa tủm tỉm cười.
Được sáu tháng, thì vụ “đánh lừa” Trần Huy Liệu - mà chả phải là để đùa cợt - tắt cái phụt. Đang học kinh trong nhà thờ, Bách bị điệu ra, tống về đất. Những mối liên hệ của cô đã bị nhà cầm quyền trên đảo biết. May không thành bạn tù với Liệu, chắc vì những thủ tục truy tố chưa đủ. Nhưng khi rời đảo, giữa tiếng còi tàu tu tu, cô chỉ muốn nhảy xuống biển quay lại với người ấy.
 
Bách đi, rồi Hồng hết hạn cũng về Sài Gòn, lại mở nhà hộ sinh Hồng Phúc. Năm 1935, cầm tờ Tiếng vang ra ở Hà Nội, đọc bài đánh Tự Lực Văn Đoàn, trái tim Bách lại trồi đập dữ dội. Hồng “lăn” vào các hoạt động thời Bình dân, đi suốt ngày, giấy tờ thư từ, trong đó có cả của Liệu đến chả đọc bao giờ, phó cả cho Bách. Ban đầu, cô tưởng Hồng cũng yêu Liệu. Nhưng rồi tìm cách “thanh kiểm tra”, thấy trong tim Hồng chả chỗ nào có chỗ cho “thần tượng” của mình, Bách nối lại cuộc “đùa dai” bắt đầu từ trên đảo.
Hồng lấy chồng. Chả còn lý do gì để “náu mình”, Bách “ra công khai” bằng lá thư kể tình đầu, mong Liệu tha lỗi. Cái phải đến đã đến. Trong thư trả lời, Liệu nhận ngay Bách là “người vợ yêu quý của anh”. Họ đã gặp nhau trong tình trạng “tình trong như đã mặt ngoài còn chưa tỏ” thế nào? Dường như đã có một giai thoại. Rằng, vì Liệu không được phép vào Nam Kỳ nữa, hai người hẹn giáp mặt ở Huế, với “ký tín ám hiệu” anh cầm quyển sách, em mặc áo dài màu vàng. Cầu Trường Tiền hôm đó chứng kiến đôi nam nữ, người thật sang trọng, kẻ rõ tiều tụy, lượn đi lượn lại mãi rồi mới bắt nhời nhau.
Những ngỡ ngàng, e ấp qua đi, còn lại là sóng tình dữ dội. Chắc chắn Liệu được hưởng ở Bách những cảm giác mà Tý không thể đem lại. Trẻ trung, thanh sắc hơn, đã đành. Nhưng cái tuyệt diệu là những câu chuyện. Đồng điệu, lời mới ra đã hiểu bao nhiêu ý nhị, khác hẳn “chính thất” chân phương nói thế nào biết thế nấy. Hai bên đều có những mối quan hệ, sự yêu ghét chung, đều lui tới tòa soạn này, hội thơ nọ. Bách chả lạ gì cái gia đình nhỏ, nheo nhóc của Tý, cũng thuộc rành rành cái trụ sở khét tiếng của báo Tin túc, nơi có những con người mà thực dân chả ưa gì như Đặng Xuân Khu, Trần Đình Long, Khuất Duy Tiến. Người con gái trẻ có ngán ngại gì đòn ngầm chính quyền có thể dành cho mình không? Chắc là có. Nhưng đã yêu thì kể gì. Được nghe cái giọng truyền cảm, vang, từng thuyết phục cả biển người thủ thỉ cho mình mình nghe, há chẳng quản những nguy hiểm rình rập. Vì chả muốn “ngứa mắt” Tý, tuy đã “chị chị em em” xin nhận làm hai, đôi người yêu nhau thỉnh thoảng lại hẹn hò ở những nơi xa xôi. Tự do giữa biển trời, chỉ có hai trái tim đồng điệu, không cần giữ ý giữ tứ khi muốn bày tỏ, chả phải là hơn à.
Sau những bỡ ngỡ, e dè, sự đụng chạm ban đầu, là những khám phá về tính cách đích thực của nhau. Bách nhận thấy Liệu rất tiết kiệm, không chịu xài hoang phí bao giờ. Chấp nhận điều ấy, cô lại ấm ức vì anh ghét cả ăn mày, cho đó là không tự lập. Về phần mình, Liệu bắt đầu làm quen với nếp cẩn thận, chau chuốt về ăn mặc của Bách mỗi khi ra ngoài. Sức khỏe của Bách cũng là một vấn đề: cô không dai sức, chịu được gian khổ như Tý. Có rất nhiều “đỗi” để so sánh trong lòng người đàn ông đa mang. Nhưng mỗi lần đi đâu với Bách, Liệu đều thẳng thắn nói với vợ. Một người bạn gái chung của cả hai khuyên họ làm vậy vì “ngay từ buổi đầu, anh phải giữ lấy cái quyền làm chồng để sau này dễ xử”. Có lẽ những đận đi xa rất tốn kém ấy, anh đàn ông lại không phải là người chu cấp chính. Đoàn thể có tiền, Liệu còn viết báo rất nhiều, chắc không thể sinh lợi bằng ngôi nhà hộ sinh ở Sài Gòn, vừa đổi sang tên mới Hạnh Phúc.
Nhưng hạnh phúc nào thì cũng có giá, đòi “trả” trong những tình huống bất thường đến oái oăm.
Một đêm khuya thức giấc, anh Liệu thở dài và nói với tôi thế này:
“Em có biết những lúc chúng ta vui vẻ thế này thì má thằng Diễm (tức bà Tý) ở nhà làm gì không?”
Tôi giật mình, thấy rờn rợn, ấp úng trả lời:
“Em làm sao biết được?”.
Anh Liệu ngồi dậy nói một cách buồn rầu:
“Bà ấy ăn trầu em ạ!”.
Tôi ngạc nhiên: “Sao lại ăn trầu vào nửa đêm?”
“Thì bà ấy buồn mà lại. Em có biết rằng anh vắng nhà bao nhiêu đêm thì bấy nhiêu đêm bà ấy thức suốt sáng. Những lúc ấy dĩ nhiên phải ăn trầu miếng nọ tiếp miếng kia chứ ngồi không sao được”.
Tôi ngẩn ngơ hỏi:
“Thế tại sao anh lại biết được? Chị ấy nói với anh?”
Anh Liệu lắc đầu: “Không, chị ấy không bao giờ nói với ai cả”.
“Thế sao anh biết được?”
“Chị Khu (vợ ông Đặng Xuân Khu, tức Trường Chinh) nói với anh”.
Tôi giật thót mình: “Trời ơi! Sao mà chị ấy ác thế? Muốn cho người ta tan cửa nát nhà hay sao?”
Anh Liệu lắc đầu nhè nhẹ: “Chị Khu sợ anh Khu sẽ bắt chước anh”
Tôi kêu lên: “Trời ơi! Mấy mươi đêm thức suốt sáng khổ đền thế ư?”.
Tôi bỗng thấy như có một mũi dùi nung đỏ đâm suốt qua trái tim mình. Tôi thật sự đã hiểu hết cái khổ của một kẻ yêu chồng người khác.
Giấc mộng yêu đương bừng tỉnh, hạnh phúc bỗng vụt tan đi như làn khói gặp cơn gió lốc. Tôi nắm chặt tay anh Liệu, giọng run lên: “Làm thế nào bây giờ? Làm thế nào bây giờ?”.
(Những ngày xa xưa ấy. Hồi ký của Phạm Thị Bách. Thế kỷ. Hoa Kỳ 1996)
“Lắc lư” giữa hai người đàn bà, hẳn Trần Huy Liệu phải thấm thía sức nặng của hai chữ “tình” và “nghĩa”. Một mặt, là người vợ ngang tầm tuổi, đã bắt đầu héo đi, dù có sức chịu đựng hầu như vô biên những tai ách do cuộc sống hoạt động của chồng đem lại. “Bên này” là người con gái trẻ trung nói mãi những chuyện đời mà không hết. Anh cố gắng làm mọi chuyện để đôi bên được đầy đặn, như về Hải Dương thăm nom mẹ Bách ốm nặng, đi đưa đám bà cụ, chắt chiu tiền nong đỡ đần Tý. Và “có hiếu” với con cái lắm. Như lúc Diễm 9 tuổi, không được vào trường nào vì “con nhà xấu”, ông bố đưa lên báo đấu.