- 18 -
TRI THIÊN MỆNH

Nửa đêm, trong ấp đã lao xao. Dậy sớm nhất là cánh buôn đường dài, lỉnh kỉnh trong bồ, sọt là cả tạ pin đèn, dầu muối, gương lược, kim chỉ… Đầy kinh nghiệm, họ biết phải vượt cánh đồng trước khi giời sáng mới an toàn. Những cán bộ đi công tác có vẻ đủng đỉnh, hẳn vì mang nhẹ và cũng chủ quan hơn.
Liệu mang theo Nghiêm, người cháu từ dưới quê lên, để đỡ đần lúc đi xa. Nghiêm nhỏ người, dai sức, tần ngần nhìn ông đang ngủ rất say trong cái nong. Suốt tháng trời hôm nào cũng đi, đêm diễn thuyết cổ động kháng chiến, tối đen còn ngồi ghi chép, Liệu yếu đi nhiều.
Cũng đã đến lúc. Nghiêm ra chỗ cái nong, lay: “Ông dậy… Cháu nấu cơm rồi”. Trong tối mịt, hai người trệu trạo nhai cơm với thịt rang mặn chát. Sắp lên đường, Liệu thấy bụng đau quặn. Ra khỏi xóm, ông còn vào bụi vài bận nữa. Vì thế đến giữa cánh đồng thì đã sáng bảnh. Cánh lái buôn đi vùn vụt dễ đã cách vài cây số.
Nghiêm rất muốn chạy gằn nhưng người ông lại yếu quá chốc chốc phải dừng lại chờ. Vai Nghiêm đeo cái túi dết có gạo muối, lọ thịt rang, chăn màn, quý nhất là cái radio và mấy quyển nhật ký.
Con đường mòn nằm giữa cánh đồng vừa gặt như sợi chỉ mảnh uốn éo, từ trên cao nhìn rất rõ. Chiếc Bê vanh xít ầm ầm lao qua rồi đảo lại. Phi công nhìn rõ hai con mồi bên dưới, thèm khát bủa xuống.
Ặc ặc ặc ặc… Đạn mười bốn ly năm cày sát hai ông cháu đang chúi xuống rãnh ven đường. Đất và đầu đạn tiện phăng đám chó đẻ. Mùi lá hăng hăng bốc ra. Kể cũng lạ là Liệu lại muốn hít hà tí chút. Nhưng Nghiêm đã đẩy ông xuống ao rồi nhào theo. Chiếc máy bay vòng lại xả đạn hủm mặt nước.
Yên trí đã bắn hạ được con mồi, phi công bay đi. Phía xa kia, đằng cuối cánh đồng, nó phát hiện ra con mồi khác. Lần này anh bộ đội đi chiếc xe đạp đuya-ra đã không thể thoát.
Hai ông cháu lồm cồm bò lên bờ ao, vớ túi dết chạy chối chết. Chạy một lèo hai cây số mới dừng lại gỡ đỉa. Lên đến đỉnh đèo Kháng Nhật, thầy trò chưa qua cơn thất sắc. Tuy thế việc đầu tiên là phải xem chiếc đài có sao không. May, nó vẫn ọ ẹ, có điều lọ thịt mặn vỡ, ngấm nhoe nhoét quyển nhật ký.
Buổi tối, đám buôn chuyến đang gặm sắn ngỡ ngàng nhìn Liệu và Nghiêm bước vào.
- Chúng tôi đã thắp hương cúng vong hồn ông với chú… - Một bà xuýt xoa. - Thôi thế là vợ con ông không mất người rồi.
- Có làm sao thì hai bà phải làm giỗ ông cháu hôm nay. May không sao…
 
Nghiêm không hề bông phèng, lầu bầu xin điếu thuốc lào dịt chỗ đỉa cắn. Loay hoay lo xong nồi cơm, anh quay ra thấy ông đã ngủ như đứa trẻ.
Bữa cơm sau hồi hút chết rất ngon. Nghiêm ngạc nhiên thấy ông mình không nhắc gì đến làn đạn sáng nay, cứ như đã không xảy chuyện gì.
“Đây là lần chết hụt thứ hai của mình sau cú ngã ở Hòn Cau…”. Thực ra, Liệu đã nghĩ ngợi rất nhiều tử thần đã sờ đến, phả hơi lạnh ngắt vào gáy. Ông đã thoát khỏi tay nó, có lý gì lại không vượt được những trắc trở đang gặp…
Quả là bước sang tuổi “tri thiên mệnh”, cuộc đời Trần Huy Liệu lại gặp những vấn đề mới, gọi là “nhỏ” hay “lớn” đều được. Nó làm ông phải lựa chọn một cách thẳng băng, nghiệt ngã, như trước đây, khi ông đứng giữa cảnh bần nho và đi Nam lập nghiệp, hay giữa hai lập trường Quốc dân đảng và Cộng sản.
Năm 1946, lập trường chính trị cứng rắn “đối với thằng Pháp chỉ có đánh” của ông không phù hợp với chủ trương tìm kiếm hòa bình, gây dựng lực lượng, chuẩn bị kháng chiến của lãnh tụ. Với tầm nhìn lịch lãm của người đã ra ngoài biên giới nhỏ hẹp của đất nước, trong Hiệp định Sơ bộ, Hồ Chí Minh chấp nhận “Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền nằm trong Liên hiệp Pháp”. Cụ Hồ quý, và tin Liệu, dù ông không phải dân “cộng sản gốc”.
Nhưng quanh Cụ là cả đoàn thể, tổ chức. Và cái tính thẳng thừng cũng không để Liệu can dự sâu vào những cuộc bàn bạc chủ chốt. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai 1951, ông phê phán nặng nề chủ trương Đảng rút vào bí mật để rồi giờ lại phải ra công khai, chỉ được mỗi Bùi Công Trừng hoan nghênh. Việc dùng quá nhiều quan lại, thân sĩ cũ trong Liên Việt đầu kháng chiến, ít năm sau lại loại bỏ ngay cả con cái địa chủ trong nhiều vị trí ở cơ sở, Liệu thấy bất ổn. Những dự cảm được phát biểu trên diễn đàn tạo nên “khoảng cách riêng” giữa ông với đồng chí. Thấy mình cô lẻ, tách khỏi những sự kiện trọng yếu, Liệu bắt đầu nản.
Ông đang là gì? Là một công chức cao cấp đi tuyên truyền nghĩa vụ thuế kháng chiến, rất nổi danh nhưng không có thực quyền trong bộ máy, hay đơn giản chỉ là đã thất sủng? Là gì thì cũng đã ra khỏi ban lãnh đạo, hết thực quyền, chỉ làm quả chuông leng keng thôi, tuy kháng chiến cũng cần những “quả chuông”.
Gia đình thứ hai cũng là giọt nước làm tràn cốc. Con trai út ra đời khi Liệu năm mươi tuổi, ông càng gắn bó với bà Sửu. Thu xếp một cuộc gặp giữa “hai chị em” để rồi thất bại, ông bị bà Tý rầy rà dữ dội, “ý kiến” lên cấp trên. Nhiều người đánh giá Liệu lấy vợ Việt gian, con dâu phản động. Có cả tin đồn ngày vào Huế nhận ấn kiếm Bảo Đại, ông đã giết bố con ông thượng để chiếm Sửu.
Nhiều phiền hà, lắm khúc quanh thật. Nhưng Sửu, với sắc đẹp và sự hiền thục, là vưu vật trời ban cho ông. Nặng tình nhưng không thể “thu xếp” ổn thỏa, Liệu chả bao giờ gỡ được mối tơ ngày càng rối, trong khi con cái đôi bên ngày càng lớn lên, và quãng thời gian của ông càng mỏng đi.
Quốc hội có tờ “Toàn dân kháng chiến”, Liệu điều hành nhưng chả để mấy tâm sức, làm nó ra đều đều mà ít tiếng vang. Tâm tính ông nó thế, khổ là chỉ ham những thách thức thực sự, trong khi Quốc hội là một tập hợp mang tính chất “bày biện”.
Cái ý đồ viết sách, nung nấu từ những năm trong tù ngày càng hầm hập chín. Cuốn “Sơ thảo lịch sử cận đại Việt Nam”, dù chỉ là “sơ thảo” và in trên giấy rơm, đem lại cho Liệu sự tự tin vào nghiệp viết sử Tuy hơi buồn cười, Liệu thấy mình bị ám ảnh cái phận nhà nho: khi không hợp quan trường thì lui về dạy học, bốc thuốc và “trước thư lập ngôn”.
 
“Không hợp” thôi. Chả nghĩ chuyện “ai” sai “ai” đúng nữa. Đời rộng, nhiều nẻo, chả ngả này ta rẽ lối khác, nhưng đừng để ảnh hưởng cái tinh thần dân tộc mà ta đã tranh đấu.
 
Lạ nhỉ. Ngũ thập mà ta chưa “tri thiên mệnh”, còn muốn phiêu lưu là làm sao…
CHỈNH HUẤN
Liệu đi liên tục. Nhiệm vụ của ông giờ không phải là được góp phần quyết định những sự kiện trọng đại của kháng chiến, mà chỉ là một nhà tuyên truyền cao cấp. Gặp gỡ các thổ tù trên miền núi, củng cố cho họ niềm tin vào khối thống nhất dân tộc, để cùng đánh Pháp, tiễu phỉ. Diễn thuyết trước học viên trường Lục quân. Tổ chức Đại hội Văn hóa kháng chiến. Bận bịu, vất vả, di chuyển nhiều, khi có ngựa cưỡi, khi đi bộ, chạy máy bay bằng chết, Liệu rất vất vả. Nhưng không khó chịu bằng cái cảm giác mình chỉ là một quả chuông leng keng, cả tiếng đấy, ngồi nhiều “ghế” đấy nhưng do người khác “gõ”. Từ xưa, Liệu vẫn là người ở những vị trí thách thức, chấp nhận các sức ép trực tiếp, chứ đâu phải loại “đi hàng thứ hai”, tuy không đến nỗi khù khì yên ngủ nhưng vẫn là chỉ đâu đánh đấy Lắm khi ông cảm nhận rằng sau lưng mình, hay trong đám đông đang nghe ông cao giọng kia có những lời bàn tán, “xừ này lấy con dâu Việt gian nên không được dự bàn ở cấp cao nữa”, hay “dân Quốc dân đảng cũ ấy mà”… Ông biết việc mình đang làm có ích cho kháng chiến, nhưng nhiều cán bộ dưới tầm ông cũng làm được nó. Ông có tự cao tự đại quá khi “tự đặt mình” trên họ không?
 
Phần chung bị tổn thương thì phần riêng trồi lên. Liệu ghi chép rất đều, dù hàng ngày đi vài chục cây số. Nhật ký của ông đầy rẫy những sự kiện quốc tế, quan sát dọc đường, pha phách giữa sổ công tác với việc riêng. Này, ven sông máng có mấy chiếc thuyền cháy. Này, vợ chồng nhà bán quán cọc cạch lắm, vợ rất ưa nhìn, còn chồng quá còm róm. Này, những khẩu hiệu, câu nói. Này, Tam Đảo trước kia đã có nhà bảy tầng… Ông có ý thức lắm, rằng những ngày đương sống, những gì mình đang cảm thấy, thật có ý nghĩa với một người phải lập ngôn, dù ý nghĩa thế nào ông chưa nhận ra.
 
17-3-1951
Vấn đề sống của gia đình đã trở nên nghiêm trọng khi có thêm 3 miệng ăn nữa. Giá gạo ở đây hiện nay đã lên tới 3 vạn đồng một tạ. Các vật dụng đều cùng với nhân khẩu mà tăng lên. Tất cả chỉ còn 1 trông vào việc tăng gia sản xuất ngoài số tiền phụ cấp Thường trực Quốc hội của mình. T. (tức bà Tý) đã chỉ huy vỡ đất giồng thêm sắn và làm cỏ những vườn chè bỏ hoang để lấy chè bán. Ruộng chiêm làm không kịp nữa. Như vậy, kết quả những hoa lợi trong vườn chỉ có thể là món ăn phụ với gạo. Rồi đây kinh tê gia đình sẽ phải làm cho mình bận lòng đấy!
 
18-3-1951
Xóm mình ở trong lúc này là một xóm hoang.
Ngoài nhà mình ra, dân cư đều vào ở trong lán, vì sợ máy bay. Hôm nay, mình cũng lên thăm một vài chỗ về mé trên, gần sát núi đá, để một khi cần thiết, sẽ làm một túp lều ngay cửa hang, vì trong khi làm việc trước thuật mà cứ nhấp nhổm chạy và bị uy hiếp luôn hàng phút hàng giờ thì không làm gì được. Hoa màu nhà ta đã có kết quả nhiều. Cà chua và su hào đều sai quả và to củ. Giàn su su cũng rất nhiều triển vọng.
 
Một nhà bên chỗ mình ở có đám cưới. Nhà trai đưa lễ vật đến nhà gái gồm có 50 cân thịt (theo thời giá 2000 đồng một cân) và một số rượu tương đương mặc dầu đã có lệnh cấm. Ngoài ra, một sô tiền mặt mà người ta không điều tra được. Nhà trai cũng như nhà gái mời các bà con đến cơm rượu linh đình. Cô dâu là con bé hơn 10 tuổi, mặc chiếc áo nâu ngắn, đeo đôi hoa bạc…
(Nhật ký quyển 441, lưu trữ Viện Sử học)
 
Từ Đại Từ, vượt qua Tam Đảo, lại là một niềm vui khác. Bên kia núi có Sửu, chân và mặt đang nề lên vì cái thai, và con gái Quang.
S. (tức bà Sửu) mới làm chiếc nhà mới ở ven đồi. Nhà nhỏ, lợp lá gồi. Vị trí vui mắt. Trông ra đồng ruộng và bờ suối. Mùa hè gió thổi luôn và nhiều ánh sáng. Xung quanh nhà đã sẵn có 3 hầm trú ẩn. Trên đồi lác đác những túp lều của bần, cô”nông. Hầu hết trong mọi nhà đều có những người làm việc ở các cơ quan hay học sinh trọ học của một trường trung học gần.
Bên đường cũng có một đôi hàng phở, hàng xén, quà bánh… Nghĩa là không hiu quạnh lắm.
(Nhật ký quyển 441)
 
Từ cơ quan Thường trực Quốc hội, Liệu thu xếp khăn gói đi dự lớp chỉnh Đảng, trong khu rừng cách đấy vài giờ cuốc bộ. Kháng chiến phát triển nhưng vẫn phải xác định là lâu dài, công tác cán bộ rất quan trọng để củng cố ở cơ sở, duy trì sức mạnh trong từng địa phương, “tế bào” đơn lẻ. Rà soát, phân loại, học tập lý luận, đường hướng, chủ trương mới là mục đích của các đợt chỉnh huấn. Cố vấn Trung Quốc vào cuộc, với các kinh nghiệm từ Diên An…
 
1-10-1952
Số học sinh dự lớp chỉnh Đảng khóa II ở đây đã lên đến 240 người… Người quen nhiều lắm. Có người đã làm việc hay ở với mình từ trước, bây giờ mới lại gặp nhau. Có người còn nhớ mặt nhưng đã quên tên rồi. Nhưng không khí ở đây không còn làn không khí ấm áp của năm xưa. Ngoài câu hỏi sức khỏe của nhau theo lệ thường, người ta không còn muốn hỏi nhau một câu nào khác. Vì người ta đến đây phải nhớ luôn một thái độ học tập “nghiêm chỉnh”, một tác phong vô sản. Mỗi câu chuyện phải nghĩ đến lập trường cũng như nghĩ mỗi câu nói của ai đều phải tìm ra tư tưởng. Vì vậy ai nấy đều chú ý dè dặt, “giữ miếng” nhau, làm bặt những chuyện tâm tình cởi mở, nhất là những người có liên hệ với nhau về thân thế, về công tác thì càng phải sửa soạn để “đối phó” với nhau. Không khí kiềm - mặc ấy cố nhiên là không hợp với một người nặng về tình cảm, khổ về tình cảm như mình.
(Nhật ký quyển 444)
Kéo dài từ cuối năm 1952 sang đầu năm 1953, cuộc chỉnh Đảng tạo nên những trạng thái hết sức khác nhau trong con người Liệu. Một mặt, là sự bứt rứt, thấy “không hợp” khi cứ phải kiềm chế từng câu nói, không dám đùa cợt, bồng bột. Mặt khác, vì sự nghiêm túc của sự kiện, vì tính kỷ luật của lớp học, Liệu tự soi xét lại con người mình, “bóc trần” nó ra thật chân thực. Thật ra ông chả còn cách nào khác ngoài sự chân thực, chỉ có điều có nói ra hay không nói ra nhận thức của mình trước những đối tượng đồng chí khác nhau thôi. Vì thế mà khi thảo luận, ông bị người cùng tổ phê bình là “rụt rè”, “hay rào trước đón sau”; một trạng thái tức anh ách, vì thực tâm Liệu thấy nói thẳng ra người ta không thể hiểu.
Nghe phổ biến yêu cầu chỉnh Đảng. Viết tự kiểm thảo, xem xét từng chi ly nguồn gốc giai cấp, ý thức, các quan hệ của mình. Rồi đem ra tổ đọc, nghe góp ý phê bình, không đạt thời viết lại. Nhưng không khí chả phải chỉ có nặng nề. Liệu cầm chịch tờ bích báo của lớp học, chủ trương nó nên vui tươi, dễ đọc. Có những mẩu vui cười, thơ ca - dĩ nhiên không sướt mướt “ủy mị”. Có những tranh luận về quan điểm, Liệu bị thiểu số nhưng nhất quyết không chịu thua. Có những đêm múa tập thể cầm tay nhau “sòn la”, Liệu nhất định không tham gia. Thỉnh thoảng cũng được ra khỏi rừng về cơ quan, về nhà, đầu óc thư thái hẳn. Cùng đi với ông thường là Cung, cũng ở Thường trực Quốc hội, người chịu phận rất éo le trong đợt chỉnh huấn.
6-10-1952
Anh bị tổ truy riết vì anh đã không tìm ra tội lỗi gì. Mà không tội lỗi gì tức là tự nhận mình đã toàn thiện toàn mĩ, là không thành khẩn trong việc học tập. Kết cục, vì thấy anh ở ban TTQH, người ta đưa ra 41 câu hỏi về mọi vấn đề quốc kế, dân sinh, kháng chiên, kiến quốc để buộc anh trả lời… Anh đã phải khóc nức nở vì người ta trút cả trách nhiệm lên đầu anh từ việc bộ đội không được tiếp tê đầy đủ đến những lầm lỗi của một người dân quê. Sáng nay và cả chiều nay, anh vẫn bị truy như thế. Việc này có liên quan tới mình mặc dầu tổ mình không đặt thành vấn đề này với mình. Nghĩ đến đây, mình nhớ lại buổi chúng mình tranh luận với Bộ Chính trị của TU Đảng hôm 3-3 vừa rồi. Ban TTQH đã bị tước hết quyền hành và nhiệm vụ trong khi nó vẫn phải phụ trách trước quốc dân về mọi nhiệm vụ của nó.
(Nhật ký quyển 444)