Chương 7

Dịch giả: Nguyễn Học và Lâm Hoàng Mạnh
Chương 79

     au đó hai tiếng, 11 giờ đêm, bắt đầu phiên họp Bộ chính trị, Uông Đông Hưng gọi Ngô Thế, Hồ Thư Đông và tôi vào phòng khách của Hội trường “Hoài Nhân”. Ông cũng yêu cầu cả bác sĩ Vương Thế Bình và Biện Tử Cường cùng tới. Chúng tôi im lặng chờ đợi, trong khi buồng bên cạnh đang họp.
Sau đó Diêu Văn Nguyên đi vào phòng, nói với tôi:
- Giang Thanh giao nhiệm vụ tôi nói chuyện với đồng chí - ông quay sang Ngô Thế Bình và Biện Tử Cường - Hai đồng chí không liên quan tới việc điều trị, nhưng có thể giúp chúng tôi giải đáp tình hình phức tạp.
- Sức khoẻ của Chủ tịch luôn luôn tốt - Diêu Văn Nguyên mở đầu - Như mọi lần, khi ông gặp gỡ quần chúng hoặc tiếp khách nước ngoài, báo chí, ảnh chụp ông trông hoạt bát, mặt mũi hồng hào, toát lên sự khỏe mạnh. Đó không phải là lời nói vô căn cứ - Diêu Văn Nguyên chìa cho chúng tôi bức ảnh chụp chưa lâu về cuộc gặp của Mao với thủ tướng Bắc Việt Nam, Phạm Văn Đồng - Nhìn vào những bức ảnh này, các đồng chí thấy cái bắt tay của Chủ tịch vẫn còn mạnh. Ông tuy có bị cảm, nhưng không nặng. Giờ đây các đồng chí cho rằng Chủ tịch mắc bệnh phổi và tim. Bằng chứng đâu? Các đồng chí thậm chí nói về sức co bóp các buồng tim bị giảm. Tất nhiên, đưa điều này ra chỉ nhằm mục đích gây hoang mang. Tôi không nói rằng hành động có tính chất chính trị, nhưng các đồng chí đang gây rối loạn chính trị và phải chịu trách nhiệm về việc này.
Bức ảnh Mao và thủ tướng Bắc Việt Nam là một tấm hình tĩnh, bất động. Trên đó người ta không thể nhìn thấy được Mao yếu đến mức độ nào. Tôi không biết Diêu Văn Nguyên có xem buổi truyền hình hôm ấy hay không nữa.
Diêu Văn Nguyên đòi hỏi chúng tôi lời giải thích. Tôi không biết trả lời thế nào, đành im lặng. Diêu đã có ấn tượng sẵn, ông quay sang Ngô Thế Bình, Biện Tử Cường. Cả hai đều ngồi yên, im lặng.
- Nếu các đồng chí không có ý kiến gì, có thể đi - Diêu Văn Nguyên nói - Về quyết định của Bộ chính trị các đồng chí sẽ được thông báo sớm.
Lúc ấy đã hai giờ đêm. Chúng tôi quay lại bể bơi. Không ai trong chúng tôi có thể ngủ. Ngô Thế run rảy trong sự sợ hãi. Ông đã 64 tuổi, lớn hơn tôi một giáp, cũng đã từng cam chịu nhiều năm bị quản thúc. Ông cựu đảng viên Quốc dân đảng, đứng đầu bệnh viện Bắc Kinh đến năm 1949. Cách mạng văn hoá, người ta bắt ông tra tấn, khủng bố, tống đi cải tạo, sống trong “chuồng bò” ở vùng nông thôn hẻo lánh. Trong thời gian ba năm ở đó, người ta bắt Ngô Thế đi lao động khổ sai. Ông sợ người ta lại bắt ông lần nữa.
Tôi cố gắng động viên ông già. Tất cả những gì chúng ta đã làm đều được sự đồng ý của Chủ tịch. Mao ốm nặng, nhưng chưa chết. Ông sẽ xác nhận cho chúng ta. Và điều chính, chúng ta chưa bao giờ làm hại, cũng không có ý đồ mưu hại ai.
Nhưng tôi cũng lo lắng. Mao ốm nặng, không diều trị, bệnh tình càng xấu đi. Ông cần chúng tôi chữa bệnh, chúng tôi cần sự che chở của ông. Tôi lo sợ cái điều mà Bộ chính trị sắp quyết định. Khó mà tin Bộ chính trị là cơ quan giải quyết vô tư, công bằng trong mọi việc.
Lúc 4 giờ sáng, người ta gọi chúng tôi vào phòng “Hoài Nhân”. Lần này, tôi mang theo giấy ghi điện tâm đồ của Mao. Tất cả các bác sĩ, nhìn vào nó, đều có thể hiểu rằng Chủ tịch có 2 dấu hiệu tổn thương tim: Tâm thất trái có nhịp ngoại tâm thu và thiếu máu cục bộ, trong tình trạng không đủ máu nuôi cơ thể.
Trong lúc chúng tôi chờ đợi, hai Uỷ viên Bộ chính trị - nguyên soái Diệp Kiếm Anh và phó thủ tướng Lý Tiên Niệm lại chỗ chúng tôi. Diệp là người lịch sự, gọi tôi “Giám đốc Lý”, tôi danh chính ngôn thuận giám đốc Bệnh viện 305.
- Bộ chính trị trao cho tôi nhiệm vụ nói chuyện với các đồng chí về sức khoẻ của Chủ tịch - ông nói - Cứ bình tĩnh. Hãy nói cho rõ rằng mọi vấn đề về sức khỏe của Chủ tịch, tôi sẵn sàng lắng nghe.
Tôi kể từ đầu diễn biến bệnh tật, mô tả quá trình suy sụp sức khỏe của Chủ tịch sau vụ Lâm Bưu. Tôi chỉ vào bản ghi điện tim giải thích rõ ràng từng chi tiết, nhấn mạnh những thay đổi đặc trưng của biểu đồ. Bản thân Diệp Kiếm Anh cũng bị bậnh tim, đo điện tim nhiều lần, ông gần như hiểu được tất cả những thay đổi đường điện tim trên biểu đồ và lời tôi giải thích.
- Không nghi ngờ gì nữa, tim Mao không ổn! - Cuối cùng ông đồng ý - Làm sao nói khác được? Làm sao có thể tuyên bố rằng các bác sĩ bịa ra bệnh?
Diệp Kiếm Anh bắt đầu hỏi về cuộc gặp cuối cùng của Mao, Chu Ân Lai và Giang Thanh, trong đó tôi cũng có mặt. Tôi kể tỷ mỉ tất cả, gồm cả việc chọn Chu Ân Lai, như người thừa kế của mình cho chức vụ chủ tịch tới đây.
Diệp Kiếm Anh tin rằng chúng tôi đúng, không sai trái.
- Tôi không thấy các đồng chí phải chịu trách nhiệm, ngừng chữa cho Chủ tịch, nếu chính Chủ tịch yêu cầu thì không nói. Đừng có lo lắng gì cả. Quay về khu nhà bể bơi, cố gắng tiếp tục công việc. Chuẩn bị các thiết bị hồi sức cấp cứu. Từ giờ trở đi, tôi chịu trách nhiệm việc cấp cứu, nếu công việc của đồng chí gặp bất cứ khó khăn, trở ngại nào, cứ báo cáo trực tiếp cho tôi.
Diệp quay sang Lý Tiên Niệm, ông vẫn im lặng, hỏi ông có phát biểu gì không, Lý không nói gì thêm. Diệp Kiếm Anh cho chúng tôi đi. Chúng tôi về đến khu bể bơi, đã 7 giờ sáng.
Gánh nặng lo sợ đã được cất bỏ, Diệp Kiếm Anh đã đứng ra bảo vệ chúng tôi, nhiệm vụ bây giờ hội chuẩn, tìm ra hướng điều trị tốt nhất chữa Chủ tịch, trong tinh thần phấn khởi. Chúng tôi ăn xong lăn ra ngủ.
Khi tôi tỉnh giấc, đã ba giờ chiều, Diệp Kiếm Anh đang đợi cùng với Ngô Thế, Hồ Thư Đông ở phòng đón tiếp.
- Bây giờ tôi làm nhiệm vụ của mình đây - Diệp Kiếm Anh nói khi tôi xuất hiện - Chúng ta nói chuyện với nhau trên tinh thần đồng chí. Giám đốc Lý, đồng chí đã làm việc với Chủ tịch mười tám năm. Tất cả chúng tôi biết đồng chí rất rõ. Đồng chí cứ làm những gì thấy cần. Đừng sợ bị chỉ trích, phê bình. Chúng ta ai cũng đã từng mắc sai lầm. Ai dám nói không mắc sai sót?
Sau đó ông quay sang Ngô Thế:
- Giám đốc Ngô, đồng chí làm bác sĩ vài chục năm. Đồng chí đã cứu nhiều bệnh nhân, trong đó có người còn già hơn Chủ tịch. Liệu đồng chí có thể chữa trị Chủ tịch khỏe lại được không?
Ngô ngay lập tức trả lời:
- Nếu Chủ tịch cho phép, chúng tôi sẽ chữa ông lành bệnh.
Diệp cười.
- Tốt. Chủ tịch hiện thời chưa muốn điều trị. Ông đang cáu. Nhưng khi Chủ tịch hết giận, ông sẽ cần sự giúp đỡ của các đồng chí.
Sau đó Diệp lại quay Hồ Thư Đông, khoảng 40, kém tôi một giáp, nói: “Tôi chưa hân hạnh gặp đồng chí bao giờ, hình như đồng chí trẻ nhất trong ba bác sĩ”. Diệp đồng ý bác sĩ Hồ trợ giúp chúng tôi, phụ trách phương tiện hồi sức, cấp cứu như điều khiển máy tim phổi nhân tạo, oxigen…
Diệp Kiếm Anh rời chỗ ở của Mao khoảng năm giờ chiều. Cả hai bác sĩ - Ngô Thế và Hồ Thư Đông trở về bệnh viện Trung Nam Hải. Tôi ở lại.
Cũng ngay chiều tối đó, Uông Đông Hưng yêu cầu tôi nộp bản báo cáo về sức khoẻ Mao. Nhưng tôi không gặp Chủ tịch từ đêm qua và không có khả năng khám Mao bây giờ.
Uông đồng ý chờ.
- Đừng quá vội vàng - Uông động viên tôi - Thiếu thông minh, thiếu cảnh giác, hấp tấp mọi việc có thể còn tồi tệ hơn.
Uông kể sơ qua về cuộc họp Bộ chính trị. Giang Thanh khăng khăng khẳng định có màng lưới gián điệp vây quanh Chủ tịch, yêu cầu Bộ chính trị thành lập tổ điều tra. Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều và Diêu Văn Nguyên, ba người cùng phe tin cẩn của Giang Thanh, ủng hộ ý kiến bà ta.
Cuộc họp ồn ào, bàn thảo. Uông Đông Hưng không muốn điều tra, nhưng Diệp Kiếm Anh ngăn Uông phát biểu.
“Diệp Kiếm Anh đặt lòng bàn tay vào đầu gối tôi, bóp nhẹ, ra hiệu chưa phải lúc”- Uông nói - “Lúc ấy thủ tướng Chu Ân Lai kêu gọi tất cả bình tĩnh, kiên nhẫn, bàn bạc từ từ, không có gì phải nóng vội”.
Dù vậy Giang Thanh đã đạt được việc biến cuộc họp Bộ chính trị thành một cái chợ.
- Chủ tịch khỏe mạnh - Giang Thanh nhìn vào Chu - Tại sao đồng chí đã bắt Mao chủ tịch chuyển giao chính quyền cho đồng chí?
Ngay sau đó Giang Thanh yêu cầu Diêu Văn Nguyên thay mặt Bộ chính trị ra gặp các bác sĩ, kể cả Ngô Thế Bình, Biện Tử Giang.
Các Uỷ viên Bộ chính trị, không được nghe nội dung cuộc nói chuyện của Mao với Chu Ân Lai và Giang Thanh, chẳng cách nào hiểu đầu cua tai nheo ra sao. Diệp Kiếm Anh yêu cầu Chu phát biểu.
- Vì sao các đồng chí cứ sồn sồn lên thế? - Diệp Kiếm Anh nhắc nhở, khi nghe thủ tướng phát biểu - Đã có chuyện gì xảy ra đâu?
Diệp Kiếm Anh yêu cầu Lý Tiên Niệm cùng ông ra gặp bác sĩ, lắng nghe ý kiến trình bày, nhận trách nhiệm từ giờ sẽ túc trực bên Mao.
Nhưng Giang Thanh không muốn Diệp Kiếm Anh túc trực ngày đêm ở đấy, nói:
- Không ai được phép đến chỗ Chủ tịch, trừ trường hợp ông đồng ý.
Uông đề nghị Diệp đến chỗ Mao theo một số giờ nhất định. Uông rất lo ngại sức khỏe của Mao.
- Mặc kệ mọi chuyện, anh cần phải chữa chạy cho Chủ tịch càng sớm càng tốt, chúng ta không thể chờ mãi được nữa.

*

Khi tôi quay về khu bể bơi, Mao cũng vừa dậy. Tôi đến chỗ ông. Do suy tim, không thể nằm chi ngồi ngủ, ông đã ngã từ sofa xuống đất. Hơi thở ông như trước đây vẫn khò khè, khó nhọc.
Tôi vào buồng thăm ông. Mắt ông vẫn nhắm, thở hổn hển, gấp gáp, đờm rãi trong phổi làm ông khò khè, môi tím tái. Mao vẫn chưa muốn người ta chữa bệnh, tôi đi ra.
Trong phòng khách tôi chạm trán với Hứa Diệp Phụ. Ông đi tới chỗ Ngô Từ Tuấn với tập tài liệu gửi cho Mao.
- Có chuyện này lạ lắm, bác sĩ Lý ạ - Ông nói tôi - Giang Thanh kéo tôi, Trương Ngọc Phượng ra một chỗ, rồi bảo, xung quanh đây có nhóm gián điệp, yêu cầu tôi ăn ngủ phòng ngoài sát buồng Chủ tịch, cố canh chừng thấy có chuyện gì lạ, báo cáo cho bà ta. Tôi giải thích, tôi không phải bác sĩ, y tá mà được quyền ở buồng bên cạnh chăm sóc Chủ tịch. Tôi báo cáo với Uông Đông Hưng, ông bảo, quên chuyện bà ta đi. Bây giờ tôi chả biết phải làm gì.
Tôi cũng chịu, không thể khuyên như thế nào.
Chứng phù ở Mao vẫn tiếp diễn. Cổ và trán sưng to trông thấy. Tôi rất lo, bệnh của Chủ tịch mỗi ngày một nặng, tồi tệ, nhưng chẳng biết làm cách nào. Trương Ngọc Phượng vẫn quanh quẩn bên ông, nhưng cũng có khi biến mất tăm khá lâu. Trương đang bận rộn giúp cha mẹ và em gái chuyển nhà từ Mẫu Đơn Giang về Bắc Kinh, do thị trưởng Bắc Kinh, Ngô Đức giúp đỡ
Qua mười ngày rồi. Mao vẫn không yêu cầu điều trị.
Trưa ngày 1-2-1972, ông gọi tôi.
- Anh nghĩ thế nào, còn hy vọng gì nữa không? - ông hỏi - Anh vẫn sẵn sàng chữa tôi khỏi bệnh chứ?
- Nếu Chủ tịch cho phép tôi điều trị, tất nhiên, vẫn còn hy vọng - Tôi trả lời, cảm thấy nhẹ người - Tôi sẽ làm tất cả để giúp đỡ Chủ tịch.
Tôi kiểm tra mạch đập của ông yếu và loạn nhịp.
- Đồng chí sẽ chữa cho tôi như thế nào? - Mao muốn biết.
- Việc đầu tiên, phải chữa khỏi viêm phổi, đưa nhịp tim trở lại bình thường, chữa phù thũng do nước ứ đọng trong các tế bào. Điều trị vừa thuốc tiêm kết hợp thuốc viên.
- Lại tiêm!
- Nếu không tiêm, không thể chữa khỏi viêm phổi, chính nó là nguyên nhân của tất cả các chứng bệnh khác - Tôi đề nghị.
- Thôi được - cuối cùng Mao đồng ý - Bắt đầu đi.
Tôi đang trong tình trạng vô vọng, đột nhiên cảm thấy vui sướng, trong người như được tiếp năng lượng. Tói tin chắc sẽ chữa Mao lành bệnh. Trong những ngày Mao từ chối điều trị, tôi biết thêm một vài tin tức ngoài vấn đề sức khỏe của Chủ tịch. Tin này vẫn còn dấu kín với nhân dân Trung Quốc. Lịch sử đất nước đã sang trang, Tổng thống Richard Nixon sắp sang thăm chính thức Trung Quốc. Ông dự kiến đến Trung Quốc ngày 21-2-1972, Mao muốn gặp ông ta. Tôi vẫn còn ba tuần để cho ông có cơ hội này. Chúng tôi nhanh chóng bắt tay vào việc.
Xuất xứ chuyến thăm của Richard Nixon dẫn đến thay đổi cục diện trên thế giới là cuộc thi bóng bàn quốc tế tiến hành tháng 3-1971 ở Nagoya, Nhật Bản. Ngày 14-3-1971 Uỷ ban Thể dục Thể thao quốc gia bàn xem có nên gửi một đoàn đi thi đấu hay không. Trong khi ấy giữa Trung Quốc và Nhật Bản chưa có quan hệ ngoại giao, một số uỷ viên Uỷ ban e ngại có thể họ tẩy chay đoàn vận động viên của ta với nhiều lý do khác nhau. Dù vậy, Chu Ân Lai muốn cử đội bóng bàn đi Nhật thi đấu, ông gửi báo cáo, yêu cầu Chủ tịch thông qua. Mao ủng hộ, động viên đoàn thể thao, yêu cầu không ngại gian khổ khó khăn, kể cả cái chết. Những kiện tướng bóng bàn trở thành những nhà thể thao đầu tiên Trung Quốc đi nước ngoài thi đấu kể từ khi Cách mạng văn hoá.
Cuối cuộc thi đấu, các vận động viên Mỹ ngỏ lời muốn thăm Trung Quốc. Chu Ân Lai cho rằng tốt nhất, nên lịch sự từ chối lời yêu cầu này. Mao đã đồng ý, nhưng ngay trong đêm ấy đột nhiên ông bằng giọng ngái ngủ yêu cầu y tá trưởng Ngô Tự Tuấn gọi Vụ trưởng Vụ lễ tân bộ ngoại giao Vương Hải Dung. Ông cho phép nhanh chóng mời người Mỹ đến Trung Quốc.
Lần đầu tiên Trung Quốc bày tỏ tình hữu nghị một cách công khai với Hoa Kỳ. Về sau Chu Ân Lai, khi ám chỉ trận đấu bóng bàn có thể có tác dụng đến hoà bình trong tương lai, ông phát biểu: “Một quả bóng nhỏ làm chấn động quả địa cầu”.