Chương 2
Tổ Quốc

    
ào tháng tư năm 1924, cùng với mười lăm đồng đội vào tuổi đôi mươi, Leopold Trepper sang Palestine với hộ chiếu bình thường. Vai đeo chiếc balô nhỏ, túi không xu dính đáy, họ đến Vienna là chặng đường đầu tiên. Được một tổ chức từ thiện chuyên lo cho những dân di cư trợ cấp, sau tám ngày ở thăm thủ đô Áo, tốp thanh niên Do Thái Ba Lan lên xe lửa đi đến cảng Trieste để đáp tàu thủy đi Lebanon. Tại cảng Beirut, họ ngắm cảnh phu khuân vác than ở chiếc tàu chở than đậu cạnh chiếc tàu của họ. Leopold ngắm những người phu gốc Arab è cổ dưới những bao than nặng, họ đi theo hàng một như những đám kiến tha những bao than nặng nề từ con tàu xuống bến. Anh hỏi một thủy thủ:
- Những nô lệ đó kiếm được bao nhiêu tiền một ngày?
- Thưa ông, ông đã bước sang một thế giới khác hẳn cái thế giới mà ông đã sống, ở đây, con người thay con vật. Họ kiếm được bao nhiêu à? Rồi ông sẽ biết, khi họ xài bữa trưa ấy mà.
Ít phút sau, một hồi còi vang lên. Hàng người dừng lại và tản ra. Đám phu túm năm tụm ba lại, ngồi xổm và nhai miếng bánh mì với cà chua!
Ở Ba Lan, Leopold mới thấy cảnh nghèo, nhưng ở Trung Đông (Near East) anh mới thấy cái cảnh lầm than. Leopold đặt chân lên mảnh đất Do Thái đầu tiên là cảng Jaffa. Sau đó anh vào Tel Aviv. Thủ đô tương lai của nước Israel lúc này chỉ mới là một thị trấn nhỏ bé. Trụ sở nhập cư nằm ngoài thị trấn, đêm đêm chó sói còn hú nghe rợn người.
Thực phẩm ở đây khác hẳn ở Ba Lan. Hoa quả như ôliu, vả, quả xương rồng, là những thứ ăn thay cho khoai tây và cải bắp mà anh thường ăn tại Ba Lan.
Phải kiếm ngay việc làm. Tổ chức nhập cư giới thiệu tốp thanh niên mới nhập cư về làng Hedera làm thuê cho chủ đồn điền cam người Do Thái. Thời đó thanh niên mới nhập cư thường đi làm nghề xây dựng đường xá, cầu cống, cho nên được đi làm nghề trồng cây ăn quả số thanh niên đó thấy thích hơn. Đến làng, thấy một dinh cơ xinh đẹp giữa đồn điền các chú trai tơ khoái lắm, nhưng họ cụt hứng ngay khi ông chủ dẫn họ đến một vùng sình lầy khá rộng.
Ông ta khoát tay chỉ cho các chàng trai: “Hãy tìm lấy một chỗ cắm lều lên. Và công việc của các anh là phải tát cho khô cái đầm lầy này!”.
Chủ cho đám thợ bốn chiếc lều và một con lừa bướng cực kỳ. Họ làm quần quật từ sáng đến tối, chân dấn bùn lầy. Đêm đến muỗi kéo hàng đàn tấn công họ. Bệnh sốt rét hành hạ họ, nhưng họ chẳng sờn lòng vì sức trai và vì nung nấu lí tưởng xây dựng một xã hội mới.
Đêm đến, công việc đã xong, tốp trẻ xúm nhau tranh luận về mẫu xã hội mới họ đang mơ ước. Họ sống tập thể một cách tuyệt đối, họ hi vọng mặc dù môi trường tư bản vây quanh họ, nhung nhất định họ sẽ tìm được một mẫu xã hội tươi đẹp, công bằng, thân ái hơn nhiều.
Nhưng thực tế cứ đập vào mắt họ. Trước hết họ quan sát thấy những ông chủ Do Thái giàu có sống thật sung sướng và chỉ thuê công nhân gốc Arab và bóc lột những công nhân này thậm tệ.
Một tối. Leopold đưa ra câu hỏi: Tại sao những ông chủ Do Thái thường coi mình là những thành viên tốt đẹp lại chỉ thuê nhân công Arab?
- Tại vì tiền thuê hạ.
- Và vì sao thế?
- Đơn giản là vì công đoàn Histadrut chỉ kết nạp người Do Thái, công đoàn này buộc chủ phải trả lương tối thiểu cho công nhân. Do đó, giới chủ thích thuê người Arab, vì người Arab không có công đoàn.
Chính điều này làm cho Leopold suy nghĩ mông lung: Anh nhận ra rằng dưới chiêu bài quốc gia dân tộc giới chủ người Do Thái vẫn kiên quyết bảo vệ những đặc quyền đặc lợi tư bản chủ nghĩa mà anh hằng kiên quyết đạp đổ.
Đằng sau màn ngụy trang thống nhất dân tộc Do Thái, anh đã nhận ra cuộc đấu tranh giai cấp.
Vài tháng sau, Leopold quyết định đi tham quan khắp đất Palestine. Thời đó, cuối năm 1924, trên vùng Palestine có nửa triệu người Arab và khoảng mười lăm vạn người Do Thái sinh sống. Anh đã đến Jerusalem, Haifa, Emek-Israel, vùng Galilee, gặp một số đồng chí trong phong trào thanh niên đang làm ở một số trang trại nông nghiệp.
Cũng như Leopold, những đồng chí này di cư đến Palestine với lí tưởng xây dựng một xã hội mới công bằng hơn. Họ tin rằng từ việc trở về với thiên nhiên, và lao động nông nghiệp, họ sẽ tạo ra những giá trị của lòng dũng cảm, hi sinh và tận tụy cho tập thể cộng đồng.
Một số anh em bắt đầu thất vọng vì cho rằng không thể xây dựng được một xã hội xã hội chủ nghĩa dưới chế độ thuộc địa của Anh. Chỉ quan sát những tên cảnh sát Anh lực lưỡng đi tản bộ trên đường phố cũng đã ớn người. Làm sao có thể thiết lập nổi những hòn đảo xã hội chủ nghĩa trong một đất nước mà con sư tử Anh vươn dài những cái vuốt sắc nhọn. Có đồng chí đã nhận xét: Chỉ hoạt động được nếu ta phối hợp với phong trào chống đế quốc, chừng nào đế quốc Anh còn cai trị Palestine, chúng ta chưa thể thu được kết quả gì.
- Nhưng trong cuộc chiến đấu này - Leopold phát biểu - chúng ta cần được người Arab ủng hộ.
- Đúng thế, chúng ta chỉ giải quyết được vấn đề dân tộc bằng cuộc cách mạng xã hội.
- Vậy kết luận theo lôgích của bạn là tham gia đảng cộng sản?
- Đúng vậy, tôi vừa mới gia nhập đảng đó.
Hầu như toàn bộ các bạn thân của Leopold đều làm theo kết luận kể trên và bản thân Leopold cũng tham gia đảng cộng sản vào đầu năm 1925. Từ năm 1917, Leopold đã chú ý đến luồng ánh sáng vĩ đại ở phương Đông. Cuộc Cách mạng Tháng Mười đã đảo lộn hẳn lịch sử loài người vì nó đưa đến một kỉ nguyên mới: Kỉ nguyên Cách mạng Thế giới. Đã từ lâu, Leopold cảm tình với tư tưởng Bolshevik, nhưng anh còn đắn đo vì vấn đề Do Thái. Bị tư tưởng đó thuyết phục, anh tin tưởng rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội mới giải phóng dân Do Thái ra khỏi ách áp bức cả nghìn năm qua. Anh lao vào trận chiến với hi vọng trải qua những đảo lộn lớn lao này sẽ xây đắp nên một xã hội mới, bình đẳng và thân ái. Anh phải góp phần cho xã hội đó ra đời mặc dù rất khó khăn nhưng thật là đáng phấn khởi. Nếu không thay đổi cái thế giới này thì tự do của cá nhân sẽ ra sao?
Đảng cộng sản Palestine do Joseph Berger sáng lập năm 1920 đến năm 1924 được Quốc tế cộng sản công nhận. Phần lớn đảng viên Đảng cộng sản Palestine đã trải qua chủ nghĩa Zionism rồi vươn tới chủ nghĩa cộng sản. Một trong những lãnh tụ nổi tiếng của Đảng cộng sản Palestine là Daniel Averbuch từ lâu đã là lãnh tụ của đảng Poale-Zion cánh tả. Từ năm 1922, ông bảo vệ quan điểm của cộng sản chống lại quan điểm của Ben Gurion trong đại hội 2 của công đoàn Histadrut. Bài diễn văn của Daniel khiến cho đại hội rất chú ý nhưng chỉ có một thiểu số đại biểu đồng ý rằng chủ nghĩa Zionism sẽ dẫn đến ngõ cụt. Về phần Leopold, anh không cho rằng lúc đó cần và có thể thành lập quốc gia Do Thái. Anh cho rằng rất khó thuyết phục năm triệu kiều dân Do Thái ở Hoa Kì, ba triệu ở Liên Xô và hàng triệu kiều dân Do Thái khác sống rải rác trên thế giới bỏ nơi họ đang cư trú để tập trung về Palestine nhằm xây dựng nên một quốc gia còn nằm trong giả thuyết. Khi đó Leopold cho rằng điều quan trọng nhất là từng cá nhân người Do Thái phải tự quyết định số phận của mình, những ai ý thức được rằng họ thuộc về dân tộc Do Thái thì phải hưởng thụ các quyền của dân tộc thiểu số. Còn ai muốn trở về Palestine hãy để họ về, không được ngăn cản họ. Ai muốn đồng hóa hoàn toàn vào xã hội đang sinh sống (nhất là số trí thức và tư sản giầu có) hãy để họ tự quyết định. Anh tin chắc rằng những truyền thống văn hóa (Do Thái) sẽ còn tồn tại lâu dài và nếu cứ để truyền thống đó nẩy nở thì càng làm giàu thêm văn minh tập thể của loài người.
Vừa thành lập, Đảng cộng sản Palestine đã phải xử lí ngay vấn đề: Làm thế nào để quần chúng lao động vượt trên chủ nghĩa Zionism? Leopold theo quan điểm đề ra một cương lĩnh tối thiểu đấu tranh quyền lợi trước mắt thì mới thu hút được người lao động Do Thái. Đảng vấp ngay phải sự đàn áp của thực dân Anh. Các tổ chức Zionism và bọn phản động Arab tiếp tay cho cảnh sát thực dân đàn áp Đảng cộng sản Palestine. Vài trăm đảng viên cộng sản với vài nghìn cảm tình viên quyết tâm chiến đấu trước mọi khó nguy. Thiểu số cộng sản trong công đoàn Histadrut bị khai trừ đành tham gia vào Công đoàn Đỏ quốc tế. Đảng chủ trương tranh thủ quần chúng Arab, nhưng không cạnh tranh nổi với ảnh hưởng của vị Đại luật sĩ đạo Hồi ở Jerusalem được Anh ủng hộ.
Leopold đề xuất lên lãnh đạo Đảng cộng sản Palestine thành lập phong trào Thống nhất tập hợp cả người Do Thái cũng như người Arab với chương trình:
1 - Đấu tranh đòi mở rộng công đoàn Histadrut cho cả lao động người Arab và thành lập Công đoàn quốc tế thống nhất.
2 - Tạo ra những địa bàn tiếp xúc giữa lao động Do Thái và lao động Arab, nhất là bằng các hoạt động văn hóa.
Phong trào Thống nhất phát huy tác dụng ngay. Đến cuối năm 1925 mọc lên những câu lạc bộ ở Jerusalem, Tel Aviv, Haifa và tận các làng có công nhân Arab và Do Thái làm việc. Các cuộc hội họp náo nhiệt, lao động tự do tham dự. Tiến bộ này làm cho lãnh đạo Histadrut lo ngại, họ chẳng hiểu tại sao lao động Do Thái và Arab lại có thể sát cánh đấu tranh. Cuối năm 1926 đại hội đầu tiên của phong trào khai mạc, có một trăm đại biểu trong đó bốn mươi là gốc Arab. Tối ngày khai mạc, bỗng Ben Gurion, lãnh đạo công đoàn Histadrut, xuất hiện. Ông ta ngạc nhiên trước hiện tượng người Do Thái ngồi chung với người Arab.
Đời sống vật chất của công đoàn thật khó khăn. Bị tình nghi là cộng sản thì đâu dễ kiếm việc làm... suốt cả năm 1925 họ sống trong lán gỗ, mười người một lán, trong đó có một nữ, cô được bố trí riêng một góc. Người có việc làm có lương thì đem nộp vào quỹ chung, nhưng làm sao nuôi nổi cả tập thể, cho nên tâm hồn họ dâng cho cách mạng, còn dạ dày họ bị chứa toàn cà chua. Thỉnh thoảng có đi ăn hiệu của người Yemen, họ phải vận quần áo lao động để tỏ ra là dân có việc làm thì mới ăn chịu được. Họ khó quen với khí hậu thất thường của Palestine lúc thì quá nóng, lúc lại quá lạnh. Có một cách chống lạnh khá độc đáo: Dùng bàn ghế đắp lên người mà ngủ.
Nhóm của Leopold có Sophie Poznanska, Hillel Katzz và sau có thêm Leo Grossvogel và Jescheskel Schreiber - sau này họ đều chiến đấu chống phát xít. Nhóm thường hội họp tại căn phòng làm bằng gỗ dưới mái hiên của Katz. Nhóm này quyết định xây cho Katz một ngôi nhà sạch. Vốn là một thợ xây có tay nghề, Katz chỉ huy nhóm này xây dựng và ngôi nhà mới đã hoàn thành vừa làm chức năng cho vợ chồng Katz trú ngụ, vừa làm nơi hội họp của nhóm. Năm 1926 Leopold thuê căn buồng tầng trên trụ sở công đoàn thống nhất ỏ Tel Aviv để thuận tiện lãnh đạo công đoàn này. Cũng chính tại đây Leopold làm quen với Luba Brojde là người sau này trở thành vợ anh.
Có một đêm, Leopold bỗng nghe thấy tiếng động trong trụ sở. Anh vội xuống tầng dưới vì nghĩ bụng chắc là kẻ trộm hoặc cảnh sát đang rình mò. Anh thấy một cô gái xinh đẹp đang ngồi đọc báo. Anh hỏi cô ta:
- Cô làm thế nào mà vào được ngôi nhà này?
- Leo qua cửa sổ và đây chẳng phải là lần đầu. Cậu có biết không, tối đến bọn cậu họp bàn ầm ĩ tớ không thể nào đọc báo được...
Luba di cư từ Lvov (Ba Lan) là nơi cô làm trong một nhà máy và có tham gia phong trào thanh niên cộng sản. Có một tên chỉ điểm đã chỉ bắt nhiều đoàn viên cộng sản, tên đó lộ mặt, lãnh đạo đảng quyết định trừng trị tên đó. Nhóm hành động do Waftali Botwin, một thanh niên Do Thái đứng đầu, trong nhóm có Luba, chịu trách nhiệm tiêu diệt tên chỉ điểm. Nơi cô ở là nơi giấu khẩu súng ngắn. Tên chỉ điểm bị trừng trị, nhưng Waftali Botwin bị bắt và bị bắn. Cảnh sát truy lùng các đồng phạm. Luba phải rời Ba Lan và di cư sang Palestine làm nghề nông nghiệp trong một trang trại, rồi chuyển sang làm thợ sơn nhà ở Jerusalem. Cô tham gia công đoàn Thống nhất nhưng không vào Đảng cộng sản Palestine vì cô không tán thành quan điểm của đảng này là không ý thức sự cần thiết lịch sử là phải thành lập nước Do Thái.
Nhà cầm quyền Anh ra lệnh cấm công đoàn Thống nhất hoạt động và bắt thư ký của công đoàn. Leopold lên thay. Năm 1927 cảnh sát Do Thái dưới quyền của Anh đã đột nhập một phiên họp tại Tel Aviv của công đoàn này và bắt giam Leopold mấy tháng trời. Trong tù anh nhận thấy có thể tấn công vào cơ quan cảnh sát. Anh đưa một đoàn viên nữ rất trung thành là Anna Kleinmann vào làm phục vụ viên cho tên cẩm người Do Thái là tên chuyên phá công đoàn thống nhất. Anna lục soát túi áo quần của tên cẩm và phát hiện danh sách những đồng chí bị cảnh sát ghi sổ đen. Cô mật báo cho các đồng chí đó trốn và sau đó ít lâu trong một cuộc biểu tình, tên cẩm kia đã bị đánh què chân.
Luba cũng hai lần bị bắt.
Đảng cộng sản Palestine chỉ định Leopold làm bí thư khu vực Haifa là khu vực mạnh nhất của Palestine vì cơ sở cắm sâu được vào các xưởng thợ và công nhân đường sắt. Bị săn lùng, anh phải hoạt động bí mật, chỉ ra đường vào đêm tối để đến các cuộc họp diễn thuyết, viết truyền đơn. Cuối năm 1928, cảnh sát Anh đã đột nhập vào một cuộc họp và bắt Leopold cùng hai mươi tám đảng viên giam vào nhà tù Haifa. May mắn họ hủy được hết giấy tờ, cho nên cảnh sát Anh không có chứng cứ kết tội họ, nhưng cũng vì thế mà họ không được hưởng quy chế chính trị phạm, mà chỉ hưởng quy chế tù thường phạm. Cả nước Palestine đồn ầm lên câu chuyện anh công nhân bánh mì trong toán của Leopold bị giam trong pháo đài Saint-Jean d’Acre kiên quyết ở trần trong mấy tuần lễ liền chứ không chịu mặc quần áo tù thường... Qua thông tin của trung ương Đảng cộng sản, toán tù này biết tin toàn quyền Palestine tên là Herbert Samuel chủ trương đưa toàn bộ những đối tượng bị tình nghi là thân cộng sản mang đày sang đảo Cyprus. Toán tù này quyết định tuyệt thực đòi thả vì không có chứng cứ, hoặc đưa họ ra tòa xét xử. Sang ngày thứ năm, anh em nhịn cả uống nữa. Cuộc đấu tranh này đến tai đảng Lao động Palestine, họ đưa ra nghị viện chất vấn chính quyền. Đến ngày nhịn ăn uống thứ mười ba, họ được tin chính quyền sẽ đưa họ ra tòa xét xử. Leopold được anh em cử làm đại diện cho toàn thể hai mươi ba người để đấu tranh trước tòa án.
Ngày đầu tiên ra tòa, anh em rất yếu, nhiều người phải nằm trên cáng. Chủ tọa phiên tòa mở đầu buổi xét xử bằng lời tuyên bố: “Chúng mày định làm con sư tử Anh bối rối là chúng mày lầm! Tòa không xét xử! Chúng mày được tự do!”. Rồi viên chủ tọa ra lệnh cho cảnh sát đuổi toán bị cáo ra khỏi phòng xử án. Thế là hai mươi ba bị cáo đã thắng.
Năm 1928 thế giới bước vào cuộc đại khủng hoảng kinh tế. Palestine cũng không thoát thảm cảnh đó. Công nhân thất nghiệp đầy đường. Một phần ba thợ Do Thái phải bỏ nước ra đi. Sang năm sau, những vụ tàn sát người Do Thái bắt đầu nổ ra. Tình hình lộn xộn này còn gây ra sự hiểu lầm giữa quốc tế cộng sản và Đảng cộng sản Palestine. Quốc tế cộng sản nhận xét những cuộc tàn sát Do Thái là dấu hiệu vô sản Arab bắt đầu nổi dậy, tuyệt đối phải tận dụng tình trạng đó, Đảng cộng sản Palestine phải đề cao cuộc nổi loạn chống đế quốc tại các làng Arab theo khẩu hiệu “Arab hóa và Bolshevik hóa” để thâm nhập mạnh mẽ vào quần chúng theo đạo Hồi. Chủ trương trên không được Đảng cộng sản Palestine tán thành vì như thế là phiêu lưu. Uy tín của Đảng cộng sản Palestine bị giảm hẳn trong vô sản Do Thái. Ngoài ra Đảng cộng sản Palestine lại mắc sai lầm là ủng hộ chủ trương của Liên Xô tập trung kiều dân Do Thái sống tập trung ở Ukraine, Belorussia và Crimea vào một Quốc gia Do Thái ở một khu hẻo lánh ỏ Siberian là vùng Birobidzhan. Số này về sau chẳng ai sống nổi. Còn các ủy viên trung ương Đảng cộng sản Palestine về sau được đưa về học trường đại học Phương Đông ở Moscow và đến cuộc thanh trừng năm 1935 toàn bộ đều bị bắt. Cảnh sát Anh truy đuổi Leopold ráo riết. Cuối cùng anh bị cảnh sát trục xuất theo lệnh của toàn quyền. Leopold phải ra đi với một ba lô con con và một thị thực quá cảnh nước Pháp. Trung ương Đảng cộng sản Palestine cấp cho Leopold một thư giới thiệu với các đồng chí Pháp. Đó là phương tiện vô cùng quý báu cho Leopold có đường thoát sau khi bị trục xuất khỏi quê hương.