iering bị sáu thất bại liên tiếp khiến cho Leopold càng kiên trì đấu tranh. Giering yêu cầu Leopold làm thế nào để không cho Cục trưởng biết anh đã bị bắt. Ngay lúc đó, Leopold đề xuất điện thoại cho ông chủ quán cà phê ở quảng trường Madeleine, rồi để ở đó một lá thư gửi “Andre” (Hillel Katz) nội dung: “Mọi việc rất tốt, tôi sẽ trở về trong vài ngày”. Đối với Giering, thư đó là lôgich. Hắn không biết trong DNĐ chỉ dùng điện thoại trong hoàn cảnh đặc biệt và dùng lời văn ngược lại: “Mọi việc đều tốt” có nghĩa là “Mọi việc đều xấu”. Katz sẽ hiểu rằng “tình hình rất xấu, tôi sẽ không trở về”, vậy Katz sẽ nhận được lời khẳng định nữa về việc Leopold bị bắt. Thất bại thứ nhì: Vẫn qua điện đài của Kent, Đội Đặc nhiệm gửi một bức điện cho Cục trưởng đề nghị song song với quan hệ qua Leopold, Cục cho phép quan hệ thẳng với Đảng cộng sản Pháp. Giering giải thích thêm rằng lí do là “Leopold không chắc chắn” cho nên cần lập thêm một mối quan hệ nữa. Cục trưởng trả lời dứt khoát không cho phép. Cục trưởng nhấn mạnh rằng nếu các toán không an toàn thì không có lí do gì làm cho đảng bạn bị nguy hiểm. Thất bại thứ ba: vẫn qua điện đài của Kent, Đội Đặc nhiệm lấy danh nghĩa của Leopold xin Cục trưởng báo trước cho lãnh đạo Đảng cộng sản Pháp cho biết nơi, ngày và giờ gặp Michel, là đại diện lãnh đạo đảng. Cục trưởng trả lời đồng ý và cho những ý kiến và tọa độ rõ ràng của cuộc hẹn. Đội Đặc nhiệm vô cùng khoái trí. Chúng họp ngay hội đồng chiến tranh, ra quyết định chưa nên bắt ngay Michel; ngược lại người liên hệ với Michel sẽ đề nghị Michel báo cho Cục trưởng rằng mặc dù Gestapo bắt bớ, nhưng Simex, Otto và DNĐ tại Paris vẫn bình yên. Bọn đặc nhiệm lạc quan quá sớm. Michel không đến nơi hẹn. Vì Giering và bè lũ không nắm được thủ thuật do Leopold quy ước với Michel trước khi bị bắt: hai người không đến điểm hẹn theo chỉ dẫn của Trung tâm, mà chỉ gặp theo hẹn ước của chính hai người vào hai ngày và hai giờ trước giờ hẹn. Vì thế Giering đâm ra hoang mang, y hỏi Leopold tại sao Trung tâm chỉ thị điểm hẹn mà Michel không đến? Leopold giải thích rằng vì Michel là người sống tại chỗ, nắm được tình hình chắc hơn trung tâm cách xa hàng ba nghìn kimôlet, cho nên ông ta cảm thấy có chuyện gì xảy ra với Leopold. Thất bại thứ tư: Giering gửi tiếp một bức điện qua đài của Kent, nội dung nói rằng Leopold gặp khó khăn khi dùng điện đài Marseilles, rằng đài của Đảng cộng sản Pháp không hoạt động nữa mà không có lí do. Hắn đề nghị bố trí cho gặp Pauriol (Duval) là người phụ trách đường liên lạc này. Cũng như với Michel, đề nghị Trung tâm ấn định địa điểm, ngày giờ gặp. Đội Đặc nhiệm lại một lần nữa hi vọng đạt mục đích, nhưng lại một lần nữa vỡ mộng vì Leopold cũng giao ước với Pauriol cách liên lạc như cách với Michel. Ngoài ra chỉ có Grossvogel được liên hệ với Pauriol. Đồng chí này có đến nơi hẹn như quy ước, nhưng không thấy ai, Grossvogel đã bị bắt trước đó rồi. Việc đó khiến cho Pauriol xác định những nghi vấn của đồng chí về việc Trung tâm bị đầu độc. Giering ngày càng lúng túng: y đã đánh lừa được Trung tâm, nhưng chẳng có tác dụng gì bởi tại chỗ cấp dưới không chịu thi hành lệnh của Cục trưởng! Thất bại thú năm của Giering... Từ năm 1941, hiệu kẹo Jacquin ở phố Pernelle, gần quảng trường Chatelet là hộp thư của DNĐ nhờ Đảng cộng sản Pháp chuyển giao, ở đây có một bà già rất đáng tôn trọng tên là Juliette Moussier; lãnh đạo cũng như nhân viên đều rất quý trọng bà. Bà tham gia Đảng cộng sản từ lâu. Noi đây khách khứa ra vào nhiều, nên Pauriol và Leopold dùng làm nơi trao đổi tài liệu trong khi mua vài thứ hàng hóa. Hộp thư này được dùng để truyền những báo cáo quan trọng nhất và trong một năm sáu tháng vẫn chạy đều. Ngoài Hillel Katz là bạn của bà Juliette, chỉ hai ba đồng chí trong đó có Raichmann (sau khi tổ Atrebates bị vỡ) làm liên lạc với bà. Bị bắt, bị tra tấn dã man, Raichmann đã khai cho Đội Đặc nhiệm về bà Juliette. Giering quyết định sử dụng hộp thư này... Một hôm Raichmann đến hiệu kẹo nhờ bà Juliette chuyển một bức thư cho “ông già” tức Leopold. Bà Juliette lạnh lùng từ chối vì đây là một sự hiểu lầm: bà không biết Raichmann cũng như “ông già”. Giering lại bế tắc: tại sao bà Juliette từ chối “công nhận” một người mà trước đây bà đã từng quan hệ? Vì Giering không biết rằng sau khi Efremov bị bắt, Leopold đã nghi Raichmann cho nên đã chỉ thị DNĐ cắt mọi quan hệ với y; chỉ có ai đưa ra ám hiệu một chiếc khuy đỏ thì mới bắt liên lạc (trừ Katz và Leopold). Raichmann không biết được biện pháp an ninh mới này. Giering lúc này cũng lúng túng về đối sách với bà Juliette: có nên bắt không? Giải pháp này chưa hay, vì bắt bà ta tức là hoàn toàn cắt mất đường liên lạc với Đảng cộng sản Pháp. Ngoài ra còn có nghĩa là thừa nhận “ông già” đã bị bắt và Raichmann làm việc cho phát xít Đức. Vậy là hắn lại “bế tắc”. Thất bại thứ sáu thật là đau đớn cho Giering: giáo sư Wenzel vượt tù được... Bọn Đức đã thu được sáu điện đài nhưng chưa biết tầm quan trọng của từng đài. Cái đài bị bắt vào mùa thu 1942 tại nhà các điệp viên từ Moscow phái tới bằng cách nhảy dù và làm việc tại nhóm Berlin là phương tiện đầu tiên của dàn nhạc dỏm. Đài của Efremov sau khi bị bắt vào tháng bảy bị khống chế và phát huy tác dụng nhất. Ngoài ra còn điện đài của Sesee và ở Hà Lan là đài của Winterink. Tại Pháp có đài Eiffel của Kent, và đài thứ hai mang tên là Eiffel 2 mà bọn Đức dùng theo tên chung là Marte Eiffel. Nhưng trong dàn nhạc dởm này, thiếu đài phát của Wenzel. Ngay sau khi bị bắt, Wenzel bị tống giam vào Pháo đài Breendonk và bị tra tấn ở đây. Đến tháng 11, Đội Đặc nhiệm thấy sự cần thiết phải có Wenzel, thiếu mất cây đàn này không lừa được Moscow. Mà không thể thay Wenzel bằng người của Đội Đặc nhiệm, bởi vì “ông giáo sư” này là một đại kì tài, có “lối viết” rất riêng, lại chỉ Trung tâm quen “lối viết” đó mà thôi. Bọn Đức rất hài lòng khi thấy Wenzel nhận hợp tác với chúng. Mặc dù bị giám sát rất chặt, nhưng Wenzel ngay từ buổi phát sóng đầu tiên đã phát được tín hiệu báo động như quy ước. Trung tâm thế là được biết nội dung các điện gửi tới đều là do kẻ thù viết ra. Wenzel tham gia “hợp tác” với Đức thảo và điện đi hai bức điện mang tên “Germans” (bí danh của Wenzel) mà Leopold được biết nội dung qua nguồn của Liên Xô: “Kính gửi Cục trưởng. Khẩn. Đường liên lạc quen thuộc với Sếp Lớn bị giám sát. Cho chỉ thị về việc hẹn gặp mới với Sếp Lớn. Tôi thấy gặp Sếp Lớn rất quan trọng. Germans”. Và đây là bức điện thứ nhì: “Kính gửi Cục trưởng. Thượng khẩn. Theo chúng tôi biết qua nguồn tin của Đức, quyển sách mật mã đã bị khám phá. Tôi chưa được báo trước việc gặp Sếp Lớn. Quan hệ của tôi với Cục trưởng vẫn thông suốt. Không có dấu hiệu bị giám sát. Tổ chức lien lạc với Trung tâm như thế nào? Xin Cục trưởng trả lời gấp. Germans”. Hai bức điện này báo động cho Trung tâm, vì DNĐ chưa hề dùng khái niệm Sếp Lớn. Dần dần Wenzel lấy được lòng tin của Đội Đặc nhiệm (viết tắt là ĐĐN) nên anh được chúng cho trú ngụ trong một phòng tại phố Bình Minh (Aurore) ở Brussels cùng với điện đài. Đầu tháng giêng năm 1943, vị “giáo sư” đã đập chết tên lính gác khi nó lúi húi chất củi vào lò sưởi, lưng quay ra. Wenzel tống xác chết trong buồng rồi chuồn mất. Đó là một tai họa đối với Giering. Wenzel có thể báo động cho Moscow mọi diễn biến của DNĐ ở Bỉ từ tháng bảy 1942. Sự thực anh trốn sang Hà Lan rồi dùng một điện đài chưa bị bắt để báo cáo với Trung tâm các sự kiện. Tuy vậy, ĐĐN đã đạt được những kết quả rất quan trọng từ vụ phá vỡ tổ ở phố Atrebates: chúng đã phá được nửa tá điện đài đặt ỏ năm nước truyền hàng trăm bức điện về Trung tâm. Xét đoán qua trả lời của Trung tâm, Cục trưởng không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng Giering cũng bị sáu đòn thất bại đau đớn, liên tiếp trong chỉ vài tuần: những chỉ thị của Trung tâm không được thực hiện, vậy là bộ máy bị trục trặc ở đâu đó. Lâu đài bằng cát y đắp nên có nguy cơ sụp đổ lúc nào không biết. Vậy trong tay đội trưởng ĐĐN chỉ còn mỗi con chủ hài: làm sao giành được Sếp Lớn hợp tác để làm Trung tâm yên lòng bằng cách sử dụng đường liên lạc của Đảng cộng sản Pháp. Mạo hiểm là lớn đối với Giering, nhưng y không còn cách nào khác. Đến cuối tháng 12, những cuộc trao đổi giữa hắn, cùng tên phụ tá của hắn là Willy Berg với Leopold thay đổi giọng điệu. Không khí cũng thay đổi. Leopold đã chờ thời vận: nó đã đến...