Dịch giả: Thanh Vân
Tám

- Ông có muốn tôi phủi bụi cho sách không?
Lúc ấy là mười một giờ sáng, và Marijana có vẻ đã rảnh việc.
- Hay lắm, nếu chị muốn. Chị có thể dùng máy hút bụi gắn cái vòi này vào.
Chị lắc đầu:
- Không, tôi phủi bụi sạch hơn. Ông là người mê sách, đừng để bụi phủ lên sách.
Người mê sách: đấy là cáh người Croatia gọi người yêu sách chăng? Mà mê sách có nghĩa gì nhỉ? là người cứu sách khỏi sự lãng quên ư? Là người giữ sách mà không bao giờ đọc? sách xếp thành hàng từ sàn đến trần trong phòng làm việc của ông, ông sẽ chẳng bao giờ đọc lại, không phải vì chúng không đáng đọc mà vì thời gian của ông đang cạn kiệt dần.
- Một nhà sưu tập sách, ở đây chúng tôi gọi như thế. Chỉ có ba giá sách từ đây đến đây là bộ sưu tập đúng nghĩa. Đây là những quyển sách của tôi về nghệ thuật nhiếp ảnh. Còn lại là sách làm vườn hoặc sách thông thường. Không, nếu tôi cứu cái gì thì đó là những bức ảnh chứ không phải sách. Tôi giữ ảnh trong tủ này. Chị có thích xem không?
Ông có hàng trăm bức ảnh và bưu ảnh về cuộc sống trong các lán trại thợ mỏ ở Victoria và New South Wales xếp trong hai cái tủ kiểu cổ bằng gỗ tuyết tùng. Có cả một mớ ảnh về miền Nam Australia. Vì lĩnh vực này không phổ biến, thậm chí chưa được xác định rõ ràng, bộ sưu tập của ông có lẽ là giá trị nhất trong nước, thậm chí trên thế giới.
- Tôi bắt đầu thu thập chúng từ những năm 1970, khi mới có ảnh thế hệ đầu tiên. Hồi đó tôi vẫn hăng hái đến các cuộc bán đấu giá. Các di sản của người đã khuất. Bây giờ tôi chán rồi.
Ông rút ra một tập ảnh là trung tâm bộ sưu tập cho chị xem. Vì có nhà nhiếp ảnh đến thăm, một số thợ mỏ mặc bộ quần áo ngày Chủ nhật đẹp nhất. Những người khác hài lòng với chiếc sơ mi sạch, tay áo xắn cao để lộ cánh tay nở nang, có người để lộ chiếc khăng quàng cổ. Họ đứng trước máy ảnh với vẻ tin cậy trang nghiêm là vẻ rất tự nhiên của đàn ông thời Victoria, nhưng ngày nay hầu như nó đã biến mất khỏi mặt đất.
Ông xếp hai bức ảnh của Fauchery.
- Chị xem này – ông nói – Đây là ảnh của Antoine Fauchery. Anh ta chết trẻ, nếu không có thể trở thành một trong những nhà nhiếp ảnh vĩ đại. – Ông xếp bên cạnh vài bức ảnh tục tĩu: Lil phô hết chiều dài đùi lúc cô nắm lấy cái nịt tất; Flora để trần, ngoái bờ vai trần tròn trĩnh, mỉm cười bẽn lẽn. Các cô gái nào đó, tươi tắn vì đồ trang sức, phấn khởi vì được tiền, tối tối Chủ nhật đến chơi trò mèo chuột.
- Đấy là việc ông làm ư? - Marijana nói khi xem xong – Hay lắm. Thật là tốt khi ông gìn giữ lịch sử. Đừng cho Australia là đất nước không có lịch sử, chỉ có toàn bụi rậm với những đám dân di tản. Như tôi vậy. Như chúng ta – Chị tháo khăn trùm đầu: chị lắc cho tóc tung tơi, mượt mà buông xuống lưng làm ông mỉm cười.
Như chúng ta? Ai là chúng ta? Marijana và gia đình Jokić; hay Marijana và ông?
- Nước này không chỉ có bụi rậm, Marijana – ông dè dặt nói.
- Không, tất nhiên là không, mà là các thổ dân. Nhưng tôi nói đến châu Âu, đến kiểu họ nói ở châu Âu. Họ nói nào bụi rậm, rồi Thuyền trường Cook, rồi dân di cư, vậy thì lịch sử ở đâu?
- Ý chị là các thành luỹ và nhà thờ ư? Dân di cư không có lịch sử của riêng họ sao? Chẳng lẽ các người dùng lịch sử lại khi di chuyển từ điểm này đến điểm khác trên địa cầu?
Chị gạt những lời quở trách sang một bên, nếu đấy là lời trách móc.
- Ở châu Âu, người ta nói Australia không có lịch sử vì ở Australia, ai cũng là người mới. Đừng tưởng anh mang lịch sử này lịch sử nọ đi cùng, ở Australia anh bắt đầu từ số 0. Không lịch sử, anh hiểu không? đấy là điều người ta nói ở đất nước tôi, ở Đức và trên toàn châu Âu cũng thế. Họ bảo, vì sao anh muốn đến Australia? Giống như anh đến vùng sa mạc, đến Qatar, đến các nước Ả Rập, các nước có dầu mỏ. Họ bảo anh chỉ đi kiếm tiền. Vì thế rất hay là còn có những người giữ những bức ảnh cũ, cho thấy Australia cũng có lịch sử. Những bức ảnh này đáng tiền đấy chứ?
- Đúng, chúng đáng tiền lắm.
- Vậy ai được hưởng, sau ông?
- Chị định nói là sau khi tôi chết? chúng sẽ sung vào Thư viện Quốc gia. Mọi việc đã được thu xếp cả rồi. Thư viện Quốc gia ở đây, ở Adelaide.
- Ông không bán à?
- Không, tôi không muốn bán, nó sẽ là một di sản.
- Nhưng chúng đề tên ông kia mà?
- Thực tế là bộ sưu tập đề tên tôi. Di sản của Rayment. Vì thế trong tương lai bọn trẻ con sẽthì thầm với nhau "Ông ấy là ai nhỉ, ông Rayment ấy? Ông ấy có nổi tiếng không?"
- Nhưng còn ảnh nữa, chứ không chỉ là tên? ảnh của ông Rayment. ảnh không giống tên, nó sinh động hơn. Nếu không, giữ ảnh làm gì?
Rõ ràng là chị có quan niệm riêng về việc này. Nếu tên tuổi cũng hay ho như ảnh, thì việc gì phải giữ ảnh? Vì sao lại giữ ảnh của những người thợ mỏ đã chết này, vì sao không chỉ phân loại tên của họ và trưng bày trong hộp kính?
- Tôi sẽ hỏi các nhân viên thư viện – ông nói – tôi sẽ biết ý kiến của họ về việc này. Nhưng không phải là ảnh tôi như tôi bây giờ, Chúa tha thứ cho chúng ta. Mà như tôi trước kia.
Phủi bụi sách là việc vặt mà những người đàn bà quét dọn trước kia tự nguyện làm thêm, họ chỉ đưa cái phất trần trên gáy sách, còn Marijana làm như một công việc chính. Bàn và tủ được phủ kín báo; rồi mỗi lần nửa giá, các quyển sách được đưa ra ban công, lau bụi từng quyển, còn các giá sách được lau sạch bong.
- Có chắc là sách được xếp lại theo trật tự như cũ không? – ông lo lắng xen vào.
Chị ban cho ông một cái nhìn miệt thị làm ông nao núng.
Người đàn bà này lấy đâu ra nhường ấy sinh lực? làm sao chị trông nom được nhà cửa của chị? ông J sẽ đối phó ra sao? Hay chỉ với mình ông, ông chủ Australia của chị, để chứng tỏ chị sẵn sàng cống hiến cho đất nước mới của chị?
Trong cái ngày lau bụi cho sách ấy, ông hơi chú ý đến Marijana, ban đầu chỉ vì tò mò, rồi trở thành một cái gì đó hơn thế. Ông bắt đầu nhìn thấy trong con người chị không phải là sắc đẹp mà ít ra là sự hoàn hảo của một loại phụ nữ nào đó. Khoẻ như ngựa, ông nghĩ khi nhìn đôi bắp chân khoẻ khoắn và vùng hông chắc nịch lúc chị chuyển động, vươn tới các giá sách trên cao. Khoẻ như một con ngựa cái.
Hay mọi thứ lơ lửng trong không khí suốt bao tuần lễ qua bắt đầu tụ lại ở Marijana? Sự lắng đọng này, tình cảm này có tên là gì nhỉ? Nó không giống sự thèm muốn. Nếu ông phải chọn một từ, ông sẽ nói đó là sự ngưỡng mộ. Có khi sự thèm muốn phát triển là do ngưỡng mộ, hay chúng là hai loại khác hẳn nhau? Liệu ông có thích nằm kề sát nhau, ngực áp ngực với một người đàn bà mà ngưỡng mộ là chính không?
Không chỉ là một người đàn bà, mà là một phụ nữ có chồng, ông không được quên điều đó. Một ông chồng của Marijana đang sống và thở cách đây không xa lắm. Liệu ông Jokić – Pan Jokić hoặc Gospolin Jokić hoặc bất cứ tên là gì đó – có nổi điên lên khi phát hiện ra ông chủ của Marijana đắm đuối mơ màng giữa ban ngày ban mặt về việc nằm ngực áp ngực với chị, sẽ nổi một trong những cơn thịnh nộ mãnh liệt của vùng Balkan, đã sản sinh ra những mối thù truyền kiếp và những thiên anh hùng ca? Ông Jokić có cầm dao đuổi theo ông không?
Ông biến Jokić thành chuyện đùa vì ông ghen với anh ta. Hơn hết thảy, Jokić có người đàn bà đáng ngưỡng mộ này còn ông thì không. Jokić không chỉ có cô ta, mà còn có con với cô ta, những đứa con do cô ta sinh ra: con bé Ljubica dáng yêu, đứa con gái giữa chắc chắn là xinh đẹp, tên nó là gì ông không nhớ ra; cậu con trai bảnh bao với chiếc xd máy. Jokić có tất cả, còn ông có gì? một căn hộ đầy sách và đồ đạc. Một bộ sưu tập ảnh, tượng người chết, những thứ sau khi ông qua đời sẽ phủ đầy bụi trong tầng hầm của thư viện cùng bao di vật không quan trọng khác, vốn chỉ làm phiền các nhà sưu tầm hơn là giá trị của chúng.
Giữa đám ảnh Fauchery, ông không lấy ra cho Marijana xem một tấm đã ám ảnh ông sâu sắc. Đó là ảnh của một người đàn bà và sáu đứa trẻ túm tụm trên ngưỡng cậu một túp lều trát bùn, vách liếp. Có thể nói là một người đàn bà và sáu đứa con, hoặc người phụ nữ lớn tuổi nhâ"t không có đứa con nào, mà là vợ hai, phải gánh vác mọi việc, trông kiệt cả sức sống, mòn mỏi cả con người.
Cả bọn đều có vẻ giống nhau, không thù địch với người lạ có cái máy ảnh, trước khi chụp đã chúi đầu vào dưới mảnh vải đen; nhưng đều sợ hãi, cứng cả người như những con bò ở cổng lò mổ. ánh sáng chiếu thẳng vào mặt họ, làm rõ nét từng vết bẩn trên da và quần áo họ. Bàn tay đứa bé nhất đưa lên miệng, ánh sáng phơi ra một thứ két lại, trông càng giống bùn hơn. Sao bức ảnh này lại giữ lâu đến thế, phơi bày sự mong mỏi trong những ngày đó mà ông không thể đoán ra.
Không chỉ có bụi rậm, ông muốn kể với Marijana. Cũng không chỉ có thổ dân Úc. Không phải là số 0 của lịch sử. Nhìn này: đấy là nơi chúng ta xuất xứ, từ túp lều lạnh lẽo, ẩm ướt, đầy khói và tiều tuỵ, từ những người phụ nữ mắt đen vô vọng, từ sự nghèo khổ và lao động nặng nhọc vì dạ dày trống rỗng. Mỗi người có một quá khứ, một câu chuyện của riêng họ. Lịch sử của chúng ta, quá khứ của chúng ta.
Nhưng đấy có phải là sự thực không? liệu người đàn bà trong ảnh có nhận ông – chàng trai từ Lourdres của rặng núi Pyrenees ở Pháp, có bà mẹ chơi dương cầm âm nhạc của Fauré – là người của họ không? là lịch sử mà ông muốn không vì công việc của ông không phải là cuối cùng với người Anh và Ireland, những người nước ngoài tách biệt?
Mặc dù sự có mặt khoẻ khoắn của Marijana, hình như ông lại mấp mé bờ vực của một trong những cơn tồi tệ lần nữa, một trong những cơn tự thương thân rồi biến thành tâm trạng rầu rĩ. Ông muốn nghĩ chúng xuất phát từ một nơi nào khác chẳng hạn. Ông không thích nghĩ chúng xuất phát từ trong lòng ông và là một phần của ông.
Số phận đem cơ hội đến, còn ta phải tận dụng cơ hội mình có. Không được rên rỉ, không được than phiền. Ông thường tin rằng đó là triết lý sống của ông. Vậy sao ông không cưỡng lại được những cú lao vào tình trạng mơ hồ?
Câu trả lời là ông đang suy sụp. Ông chẳng bao giờ được là ông như cũ. Chẳng bao giờ ông lại có được sức bật ngày trước. Mọi thứ trong ông có nhiệm vụ phục hồi cơ thể sau những cuộc tấn công dồn dập, trước tiên là trên đường phố, rồi sau đó trong phòng mổ, cơ thể ông đã quá mệt mỏi vì công việc, vì quá sức. Các bộ phận khác trong người ông cũng thế, tim, phổi, cơ bắp, não. Chúng làm việc cho ông chừng nào còn có thể, giờ đây chúng muốn nghỉ ngơi.
Một hồi ức trở lại với ông về bìa cuốn sách ông quen dùng, một ấn bản nổi tiếng của Plato. Bìa trình bày một cỗ xe song mã, một con ngựa ô có cặp mắt sáng loé, lỗ mũi loe phồng tiêu biểu cho thói ăn ngon mặc đẹp, còn con ngựa bạch vẻ mặt hiền hoà hơn, có thể dễ dàng nhận thấy tiêu biểu cho những đam mê cao quý hơn. Đứng trên cỗ xe song mã là một chàng trai để trần nửa người, có cái mũi Hy Lạp điển hình, tay nắm chặt dây cương, một dải lụa buộc ngang trán, tiêu biểu cho những ham muốn của bản thân, tự xưng là Tôi. Vậy đấy, nếu có cuốn sách của ông, viết về ông, về cuộc đời ông, hình ảnh sẽ buồn tẻ hơn trên cuốn Plato rất nhiều. Ông, người có cái tên là Paul Rayment, sẽ ngồi trên một cái xe buộc vào một đám những con ngựa nhỏ chuyên kéo xe, thở hổn hển cũng chỉ kéo nổi tải trọng của chúng. Sau sáu chục năm sáng sáng thức giấc, nuốt món cháo yến mạch, đi tíểu, đi ngoài xong là lao vào công việc ban ngày, cỗ xe của Paul Rayment thấy thế là đủ lắm rồi. Đã đến lúc nghỉ ngơi, chúng nói, đến lúc được ra đồng cỏ rồi. Nếu bị từ chối, được lắm, chúng sẽ gập chân lại và nằm đè lên giây cương. Nếu ngọn roi bắt đầu quất vào mông, cứ để mặc cho nó rít.
Mệt tâm, mệt đầu, mệt cả thân xác, và nếu nói thật thì ông chán ngấy bản thân, chán cả trước khi Chúa truyền cơn giận của Người qua thiên sứ Wayne Blight làm ông ngã. Ông chẳng bao giờ làm nhẹ sự kiện đó, ngón đòn đó. Nó là một tai hoạ trọn vẹn. Nó thu hẹp thế giới của ông, biến ông thành một tù nhân. Nhưng thoát chết ắt hẳn đã thức tỉnh ông mở ra nhiều cánh cửa trong lòng ông, phục hồi cảm giác ham sống của ông. Song nó không làm mới được tâm trạng ông. Ông bị mắc trong cái tôi trước kia, chỉ càng u ám hơn, buồn thảm hơn mà thôi. Đủ để làm con người lao vào rượu chè.
Một giờ chiều, Marijana vẫn chưa xong với các quyển sách. Ljuba, thường ngày là đứa trẻ ngoan – nếu vẫn được phép chia trẻ con thành loại ngoan và hư – bắt đầu khóc nhai nhải.
- Cứ để việc đó lại. Ngày mai làm nốt – ông bảo Marijana.
- Tôi làm nhoáng nữa là xong – chị đáp – Có lẽ ông cho cháu nó cái gì ăn.
Ông muốn cho Ljuba ăn, nhưng ăn gì? trẻ nhỏ thích bỏng ngô, bánh quy, bánh ngô nướng rắc đường, trong chạn của ông có gì không nhỉ?
Ông thử khuấy một thìa đầy mứt mận vào hộp sữa chua. Ljuba nhận và có vẻ thích.
Cô bé ngồi cạnh bàn bếp, ông đứng bên cạnh, dựa vào cái thứ Zimmer sáng chế.
- Mẹ cháu giúp ông nhiều lắm – ông nói – Ông không biết xoay sở ra sao nếu không có mẹ cháu.
- Có thật là ông có một cái chân giả không? – cô bé nói từ dài một cách ngẫu nhiên, dường như nó nói từ đó hàng ngày.
- Không, đây là cái chân ông vẫn có, chỉ ngắn hơn thôi.
- Nhưng ở trong tủ ở phòng ngủ của ông. Ông để chân giả ở trong tủ à?
- Không, ông e là không, trong tủ chẳng có thứ ấy đâu.
- Ông có bắt vít vào chân không?
- Bắt vít à? Không, không có vít. Chân ông hoàn toàn tự nhiên. Nó có xương bên trong, giống như chân cháu và chân mẹ cháu.
- Thế cái chân giả của ông không có vít à?
- Không, theo ông thì không. Vì ông không có chân giả. Sao cháu hỏi thế?
- Bởi vì… - cô bé không nói thêm.
Một cái vít trong chân ông. Có lẽ trước kia Marijana đã săn sóc một người đàn ông chân có nhiều vít, bù loong, chốt, thanh chống, móc chằng làm bằng vàng hoặc titan, một người da1nd ông có chân được tái tạo, phần thưởng mà họ không dành cho ông vì ông đã quá già, không bõ công và chi phí. Có lẽ đấy là lời giải thích.
Ông nhớ hồi còn nhỏ, ông được nghe câu chuyện về một người phụ nữ trong lúc lơ đãng đã đâm kim khâu bé xíu vào trong lòng bàn tay. Vì không để ý, chiếc kim chui vào mạch máu rồi trong một thời gian nhất định đã đâm thủng trái tim và giết chết bà ta. Câu chuyện có ý đe cậu bé Paul phải cẩn thận với các thứ kim, nhưng khi nhớ lại, ông thấy giống chuyện bịa hơn. Thép thực sự ghét sự sống sao? cây kim có thể chui vào mạch máu thật sao? làm sao người đàn bà trong truyện lại không nhận thấy thứ vũ khí kim loại bé xíu chu du trong cánh tay lên tận nách, lượn theo đường vòng nách rồi đâm thẳng xuống con mồi đang đập thình thịch ở hướng nam? Ông có nên kể lại chuyện này cho Ljuba, truyền lai sự khó hiểu của nó không?
- Không – ông nhắc lại – Trong người ông không có cái vít nào. Nếu có vít ông sẽ thành người máy mất. Nhưng ông không có đâu.
Nhưng Ljuba chẳng quan tâm đến cái chân cũng như chân máy nữa. Cô bé chép môi ăn hết hộp sữa chua và đưa cánh tay áo lên lau miệng. Ông với cái khăn giấy lau môi cho Ljuba, còn cô bé để ông lau. Sau đó, ông lau sạch cánh tay áo cho cô bé.
Đây là lần đầu tiên ông đặt ngón tay lên đứa trẻ. Cổ tay con bé nằm rũ trong bàn tay ông giây lát. Thật hoàn hảo: không có từ nào để tả. Chúng đến từ dạ con cùng mọi thứ mới mẻ, mọi thứ sắp xếp đâu vào đấy. Ngay cả trong những người bị hư hại, chân tay hoặc bộ não khác thường vẫn có nét sắc sảo, từng tế bào vẫn khoẻ khoắn tươi mới, sạch sẽ như trong ngày ra đời. Mỗi lần sinh nở là một điều kỳ diệu mới mẻ.