ách Thạch Đầu sơn bên ngoài Kim Lăng thành chừng 8, 9 dặm, có một doanh trại đã được lập tại đó. Chi quân đội này nhân số chưa tới 300 người, nó không thuộc về bộ phận nào, rất ít người biết đây chính là một đội quân tinh nhuệ nhất do Viên lão đại bố trí trên bờ Trường Giang, nơi đầu sóng ngọn gió. Đội quân này tuy nhân số ít nhưng lại rất quan trọng đối với việc bình định cục thế vùng Tô Nam. Trong Viên môn, vốn không chỉ có mỗi Trường Xa. Lúc này trong doanh trại im ắng vô cùng. Bên ngoài doanh, một bóng người thân hình cao lớn đang đứng, người này chừng 31, 32 tuổi, vầng trán cao rộng, y phục hoa lệ. Y dáng người cao lớn, bờ vai rộng rãi, gương mặt toát lên vẻ sang quý không thể nào che giấu được. Y chính là Hoa Trụ, là người được tôn xưng Hữu Sĩ, tề danh cùng Tả tướng Hồ Bất Cô trong Viên môn. Y tĩnh lặng nhìn lên vầng trăng đang bị mây che cùng dòng sông êm đềm trôi chảy. Không biết vì sao, đêm nay y cảm thấy bất an vô cùng, gió sông dần mạnh, áo bào y tung bay trong gió, y trầm tư suy nghĩ:"Viên lão đại gặp Tả Kim Ngô Lý Tiệp, với võ công và mưu lược của ông ta thì làm gì có chuyện, vậy thì chuyện gì khiến mình bất an? Lẽ nào là cục thế ở Thạch Đầu Thành sao?" Đêm nay Viên lão đại bố trí ba đạo phục kích, quyết tâm giết chết Lạc Hàn, chỉ để lại mình y trấn thủ bãi sông này mà thôi. Nói ra thì Hoa Trụ vốn người ẩn dật, chí khí cao vời, tuy chưa gặp Lạc Hàn nhưng ẩn ước cảm thấy ăn ý với nhau, nhưng việc ám sát Lạc Hàn chính là đại kế Viên môn, y không thể nào ngăn trở. Bãi sông đóng trại này có tên là Hổ đầu than, lúc nước nông bãi cát chìm một nửa trong nước, hình dáng như đầu hổ, chỗ Hoa Trụ đứng hiện giờ chính là ngay miệng hổ. Hoa Trụ nhớ lại y từng hỏi Viên lão đại:"Nếu như ba cuộc phục kích này đều không hiệu quả thì sao?" Y suy nghĩ chặt chẽ, dẫu biết cơ hồ không thể có khả năng đó, Lạc Hàn tuy tài cao kiếm sắc nhưng trúng phải mai phục của Hồ Bất Cô, trốn thoát khỏi trăm cỗ Trường Xa công hãm, tất phải thụ thương, khó lòng thoát khỏi Cửu Đại Quỷ trên Long Hổ Sơn giáp kích, có điều y thân là mưu sĩ không thể không trù định tất cả, tuyệt không thể sơ thất. Viên lão đại khi đó đáp:"Đến lúc đó thì ta phải tự thân xuất trận, chiến đấu một phen." Viên Thần Long gần 10 năm nay chưa từng tự thân xuất thủ, người trong Viên môn có lúc chuyện gẫu, ai nấy đều mong được thấy một ngày Viên Thần Long tự thân xuất thủ, nhưng Viên lão đại không xuất thủ so với xuất thủ còn mang tính uy hiếp nhiều hơn. Hoa Trụ còn đang suy nghĩ, chợt nhìn thấy một tia pháo hoa màu lam bắn lên từ phía Thạch Đầu sơn, khoảng cách tuy xa nhưng nhìn rất rõ. Hoa Trụ kinh hãi, trong lòng chợt cảm thấy bi thương, đó chính là mật hiệu của Viên môn, Thạch Nhiên đã ngộ hại. Pháo hoa sáng rực cả góc trời. Màu lam chính là biểu tượng của Thạch Nhiên, Hoa Trụ lòng đau nhói, y biết Thạch Nhiên đã không xong rồi. Pháo hoa này chỉ phóng ra khi nào trong Viên môn có nhân vật trọng yếu bị nạn mà thôi. Đó chính là một loại tưởng nhớ, cũng là một loại đau xót. Hoa Trụ không kịp nghĩ ngợi, vội cất tiếng hô vang, người trực đêm trong doanh liền cất tiếng đáp lời, y chỉ phân phó mấy câu rồi đi nhanh tới chuồng ngựa, lấy một con khoái mã phóng về phía Thạch Đầu thành. Tên quân sĩ còn hỏi với theo:"Công tử, ngài không mang thêm người đi cứu viện sao?" Hoa Trụ vừa chạy vừa đáp:"Trường Xa cáo cấp nhất định không phải do một mình Lạc Hàn, người xuất thủ nhất định là Văn phủ, hơn nữa sợ là không chỉ có mình chúng. Huống gì có thể chúng đã điều động binh mã trong quân, vì vậy ngươi trước hết phải truyền lệnh toàn doanh cảnh giới, bằng không Hổ Đầu than mất đi, bọn ta sẽ không còn chốn quay về." Hoa Trụ giục ngựa phi nhanh, ngựa y cưỡi là khoái mã, kỵ thuật của y cũng giỏi, lộ trình 8, 9 dặm đối với y chẳng qua chỉ trong chốc lát. Ngay lúc y đi tới Thạch Đầu thành, vừa ngoặt qua khúc quanh, đang phi nước đại ven bờ Tần Hoài, chợt một chiếc thuyền nhỏ xuất hiện, cũng đang chèo ngược dòng chạy cùng hướng với y. Y cưỡi ngựa tốc độ cực nhanh nhưng người chèo thuyền tý lực cũng không yếu, không ngờ giữa sông chèo thuyền đi tốc độ không thua gì vó ngựa của y. Chợt lão giả trong thuyền cất tiếng ca:" "Ngư ông dạ bạn tây nham túc, ám cấp thanh giang nhiên khổ trúc, nguyệt thăng yên tiêu bất kiến nhân, hĩ nãi nhất thanh sơn thủy lục..." Tiếng ca bi thương, hòa cùng ánh trăng sắc nước càng thêm vẻ cô liêu. Hoa Trụ kinh hãi:"Triệu Vô Cực sao?" Lão giả trên thuyền cất tiếng gọi:"Hoa công tử, đêm trăng chạy gấp có việc gì sao? Thạch Đầu thành phong vân tế hội, công tử phải chăng muốn qua sông? Để lão hủ đưa giùm một đoạn được không?" Hoa Trụ lúc này đã phóng tới một khoảng đất trống đối diện Thạch Đầu thành, chỉ thấy rừng cây phía xa ẩn ước vang lên tiếng binh khí sát phạt, hơn nữa giữa chốn trời đất rộng lớn, còn thấy cả Lạc Hàn một mình ngồi ca. Y nhìn sang bờ đối diện, trên sườn núi lửa cháy bập bùng, lờ mờ thấy được thân ảnh Tiêu Như đang ngồi trên đỉnh lều, còn trên Thạch Đầu thành vẫn tĩnh lặng như cũ, tường thành đổ nát hoang liêu tựa hồ như đang kể lại những chuyện hưng phế bao đời. Hoa Trụ kìm ngựa lại, hơi nhướng mày, Triệu Vô Cực chèo đến bờ sông cười nói:"Tiểu lão nhi mong gặp Hoa huynh đàm đạo đã lâu, hôm nay gặp được thật là may mắn. Đến đây, ta đưa huynh sang sông." Hoa Trụ sắc mặt ngưng trọng, ngay cả việc y chạy đến cũng nằm trong tính toán của đối phương, xem ra hôm nay cục thế thực sự nguy cấp. Trên Thạch Đầu thành, Triệu Vô Lượng tóc bạc phất phơ, nhìn về chiếc thuyền đang sang sông Hoài, lẩm nhẩm nói:"Đến rồi!" Triệu Húc ngạc nhiên. Triệu Vô Lượng cầm lấy đoản côn trịnh trọng đặt vào tay cháu mình, nghiêm túc nói:"Húc nhi, từ khi con thành tài đến nay chưa hề đối chiến trận nào với cao thủ chân chính. Đoản côn này rất tốt, hôm nay người đến có thể là người tề danh với Hồ Bất Cô, kiếm pháp danh chấn vũ nội, Viên môn Hoa Trụ. Công lực của Hồ Bất Cô con cũng đã thấy qua, lát nữa Hoa Trụ sẽ tới đây. Một bộ Nhất Phát Kiếm Pháp trong Thanh Sơn Nhất Phát Thị Trung Nguyên của y cho dù cường hoành như Viên đại cũng phải nhường bước, đến khi đó sợ là đại thúc không thể chiếu cố cho con được, con phải tự mình cẩn thận." Triệu Húc không ngờ thì ra đêm nay đại thúc gia không chỉ đứng bàng quan mà cuối cùng vẫn phải xuất thủ, nó cầm lấy côn, trong lòng chợt nổi lên niềm hưng phấn khó tả. Lạc Hàn im lặng ngồi nơi đồng trống, y tay trái bị thương, chân phải trúng một mũi tên, dưới sườn còn có một rẻ xương hình như bị gãy, y đều băng bó hết thảy. Nhưng thật ra những vết thương này đều chẳng đáng gì, chân chính khiến cho y hít thở không thông chính là bị Hồ Bất Cô đánh trúng một tay áo. Hắc hắc, Ngô đạo bất cô, Ngô đạo bất cô... Thất phu chân khí của Hồ Bất Cô quả nhiên không phải tầm thường. Vết thương chạm đến phế phủ, chỉ cần y đề khí thì khó khăn vô cùng. Lạc Hàn hít sâu một hơi, cục thế đêm nay vốn không phải là do y muốn bày ra. Viên môn quá mạnh, y chỉ có một người một kiếm, vô luận thế nào cũng không thể chống chọi lại Viên môn người đông thế mạnh, nhưng mà nếu y không đến thì người trên sông Hoài sẽ như thế nào đây? Ánh mắt Lạc Hàn nhìn về phía Tây Bắc mịt mù, đó chính là nơi hắn đến, chỉ là một vùng đất hoang dã đầy sát cơ, nhưng suy cho cùng ở đó vẫn không có nhiều toan tính phức tạp như chốn nhân gian này. Giữa nhân thế đục ngầu, chẳng có mình Văn phủ ti bỉ độc ác, mà ngay cả người như dã hạc nhàn vân là Tông thất nhị lão cũng trầm mình vào bao toan tính. Y cả cười, Văn phủ muốn làm ngư ông đắc lợi cũng chưa hẳn dễ dàng đạt được, bất kể thế nào y cũng quyết kéo bọn họ vào trong trường sát cục này. Ở không xa về phía Tây Bắc, giữa đêm đen cũng có một cặp mắt đang dõi nhìn, nhớ tới đôi mắt đó Lạc Hàn trong lòng chợt trở nên tịch mịch, nếu như không phải Viên lão đại bức tới Hoài thượng thì y vốn định sẽ hộ tống tiêu ngân qua sông mà đi, nào ngờ thân hãm vào trong cục, cho dù một thân một mình như hiện nay cũng chưa chắc đã thoát nổi. Một lần hãm thân chốn hồng trần, biết bao điều vấn vít, có nhiều chuyện không thể buông tay, cũng chẳng thể trốn tránh được. Y hoành kiếm ngang gối, tay áo phủ lên trên, bàn tay cầm một cái ly nhỏ bằng ngọc thạch. Y miết nhẹ vào cái ly, chừng như đang nắm lấy bàn tay bằng hữu đang vô cùng mệt mỏi. Bằng hữu, ta cũng chỉ có thể trợ giúp ngươi bằng một thanh kiếm cô tịch này thôi. Đồng ruộng không người, sông trôi lặng lẽ, y nhớ về ánh mắt đạm bạc nhưng hữu tình, nhìn thế gian như chẳng có vật chi của người bằng hữu đó, lòng chợt đau nhói, thế gian nhiều chuyện phân tranh, cho dù ngươi tận sức thì liệu có bình định được chăng? Hơn nữa, ngươi vì sao lại cố chấp ở lại Hoài thượng, không chịu buông bỏ chứ? Trên đời này, nhiều chuyện rối rắm đan xen với nhau, dù ngươi tự phụ tài năng tuyệt thế nhưng liệu có đủ sức đối kháng đến cùng hay chăng? Lạc Hàn vừa suy nghĩ vừa đợi đợt phục kích thứ ba của Viên lão đại, y biết Viên Thần Long xuất thủ không chỉ tới đây là ngừng, đợt công kích sau mạnh mẽ hơn đợt trước, tuyệt không dễ dàng bỏ qua cho y. Bầu trời chừng như tối sầm lại, như có thứ gì mờ mịt che lấp vầng trăng mới ló ra khỏi tầng mây. Lạc Hàn mi mắt chợt động:"Ưng phi trường cửu, kiêu vũ đê tam?" Đỗ Hoài Sơn ngày trước từng nói câu này, gió Bắc lạnh như dao cắt, chợt một thanh âm khác lạ phá không vang đến, nghe ra giống như tiếng dơi vỗ cánh. Lạc Hàn ngước mắt lên:"Thì ra là Cửu Đại Quỷ trên Long Hổ Sơn." Y sớm đã nghĩ tới, đợt công kích thứ ba này Viên lão đại đã động dụng đến Cửu Đại Quỷ của Long Hổ Sơn mà y từng đánh bị thương ở sông Đồng Lăng. Long Hổ Sơn thuộc đất Giang Tây, nằm trong phạm vi của Thiên Sư Đạo, Trương thiên sư truyền qua mấy triều được vua sách phong, thanh danh hiển hách, so với Khúc Phụ Khổng môn còn thịnh vượng hơn. Trương thiên sư và Văn phủ Văn Chiêu Công, An Huy Lỗ Bố Thi đều là những bậc tông sư thịnh danh đương thế, cho dù cô tịch như Lạc Hàn cũng đã nghe qua, không dám coi thường. Người tới tổng cộng 7 người, bọn họ khinh công đều được thiên sư chân truyền, gọi là Ưng phi trường cửu, kiêu vũ đê tam. Lộ khinh công này nhờ vào sức gió, giữa chừng không lượn vòng đổi hướng giống như có thêm đôi cánh. Ở bên bờ sông Đồng Lăng, Lạc Hàn cũng đã từng thử qua, khi ấy y thắng cũng không dễ dàng gì, huống hồ đêm nay thân đang bị thương, còn đối phương lại có đến 7 người. 7 bóng người này có bốn người bay lượn trên cao, 3 người vòng quanh phía dưới, trong đó không hề có Hình lão thất mà Lạc Hàn từng chặt đứt 1 tay, lại xem thân pháp của chúng thì Cửu quỷ Hình Tiêu nổi danh khinh công độc bộ võ lâm cũng không đến, Lạc Hàn nhíu đôi mày kiếm, chợt nghe một thanh âm trầm đục vang lên:"Lạc huynh với Cửu Huyễn Hư Hồ lừng danh vũ nội, chỉ trúng một mũi tên đã không thể đứng lên được hay sao?" Lạc Hàn trúng tên bị thương, trong tên vốn có ma dược, y tuy nặn máu băng bó nhưng chân vẫn tê dại khó bề đi chuyển, nào ngờ đối phương vừa nhìn đã biết ngay. Người cất tiếng chính là Đại quỷ Hình Phong đã từng gặp mặt, y thấp giọng nói tiếp:"Nếu Cô Kiếm trở thành Tọa Kiếm thì nhị đệ, tứ đệ, hai ngươi thực sự là phải tiếc rẻ đó." Hắn chỉ nói với "nhị đệ", "tứ đệ" là vì trong Cửu Đại Quỷ, Nhị quỷ Hình Thiên và Tứ quỷ Hình Dung võ công cao nhất trong các huynh đệ. 7 thân ảnh chậm rãi hạ xuống, thành một vòng tròn vây quanh Lạc Hàn. Đại quỷ Hình Phong cười lạnh nói:"Ngày đó ta từng nói qua:'Hôm nay ngươi tha cho huynh đệ ta, ngày sau dù ở chân trời góc biển huynh đệ ta cũng không tha cho ngươi.' Lạc Hàn, ngươi có hối hận không?" Lạc Hàn im lặng. Nhị quỷ lúc này chợt nói:"Hôm nay bọn ta được Viên lão đại nhờ tới giết ngươi, nhưng ngươi và thất đệ trước đây đã từng có ân oán, vì vậy lần này bọn ta không cần mạng chó của ngươi, ngươi đả thương thất đệ, y nói, chỉ cần ngươi tự chặt một cánh tay, sự việc đêm nay coi như bỏ qua, sau này, ngươi và y đều chỉ còn một tay, y khổ luyện xong sẽ tìm ngươi chiến đấu." Lạc Hàn mím môi, người trên Long Hổ sơn quả nhiên kiêu ngạo, nhưng y còn kiêu ngạo hơn, Lạc Hàn chỉ cười lạnh nói:"Cho dù ta tự trói 1 tay thì cả đời hắn cũng không có cơ hội đả thương ta." ........... Trên Thạch Đầu thành, Triệu Vô Lượng nhìn Hoa Trụ và Triệu Vô Cực đi lên, im lặng không nói gì, không ngờ Hoa Trụ lại cất tiếng nói trước:"Làm phiền Triệu lão đợi lâu rồi." Triệu Vô Lượng cười cười, Hoa Trụ nhìn xuống khoảnh rừng nhỏ dưới sườn núi cách đó không xa, mỉm cười nói:"Hồ đại ca của ta đi đâu rồi, đúng ra y phải ở dưới Thạch Đầu thành. À, y phục kích thất thủ, muốn sang bờ bên kia chi viện, phải chăng đã gặp phải phục binh? Để ta đoán xem là ai... Nếu như ta đoán không lầm thì có phải là Tất Kết không? Giang hồ lục thế gia cùng nhau tham gia chiến dịch phục kích Trường Xa, Văn phủ vốn tinh nhuệ, không thể không lưu lại người chứ? Thủ hạ của y còn ai có thể đối phó được Bí Tông Môn?" Y giống như khó nghĩ, trầm ngâm hồi lâu mới nói:"Gần đây tùy tùng của Kim sứ Bá Nhan chợt ít đi hơn 30 người, Kim Trương môn Kim Nhật Đàn chừng như cũng đã từng hiện thân ở Kiến Khang, lẽ nào người Tất Kết suất lĩnh phục kích Bí Tông môn chính là thủ hạ của Kim Trương môn?" Y có vẻ khó tin được, tuy y trước nay khinh bỉ bọn người Văn phủ nhưng nếu như họ vì tranh giành thế cục Giang Nam mà không tiếc cấu kết với bọn hổ lang, thì thực sự càng khiến y thêm khinh bỉ. Chợt hai mắt y tinh quang lóe lên, bình thản nói:"Tiêu Như Tiêu cô nương có lẽ đã bị Văn Hàn Lâm và Kim Nhật Đàn vây khốn trên sườn núi phía Nam, tinh anh Văn phủ và Giang hồ lục thế gia đã lập thành liên minh phản Viên ở bờ đối diện vây sát Trường Xa... Nơi này còn có Triệu lão nhị vị đợi chờ tiểu khả. Ha ha, chỉ có một mình Viên môn, không ngờ lại phải động dụng Nam Bắc lưỡng triều, thêm cả lực lượng giang hồ, ngay cả phiêu dật như Tông Thất Song Kỳ cũng không nề tự thân xuất thủ, Viên môn ta thật sự là vinh hạnh! Triệu lão đem tin Lạc Hàn đến phó hội tại Thạch Đầu thành tiết lộ cho Viên môn, đồng thời cũng báo cho Văn phủ, một chiêu này quả thật lợi hại!" Triệu Vô Lượng cảm thấy da mặt nóng ran, ông vì đối phó Viên môn quả thực đã bất chấp thủ đoạn, điểm này ông cũng không có gì hổ thẹn, chỉ là Hoa Trụ tâm tư tinh tế, đoán ra Văn phủ mời cả hảo thủ Kim Trương môn của Bắc triều đến tương trợ mới khiến ông cảm thấy thẹn thùng. Kim Trương môn vốn là đương kim nhất đại môn phái trấn trụ Bắc triều, Triệu Vô Lượng vì tình thế bức bách, phải bỏ qua mối nhục nước nhà, liên hợp với người Bắc triều, bị Hoa Trụ đoán trúng, bảo sao không hổ thẹn cho được? Hơn nữa, ông không chỉ hổ thẹn với Hoa Trụ mà còn hổ thẹn với Triệu Húc, lúc này Triệu Húc nghe Hoa Trụ nói, nghi hoặc đưa mắt nhìn ông, ánh mắt nghi ngờ của đứa cháu khiến cho Triệu Vô Lượng hai má nóng ran, may mà bóng tối che khuất. Mọi âm mưu đều có thể giấu trong màn đêm này, Triệu Vô Lượng cố gắng trấn định nói:"Không sai, Hồ tiên sinh vừa rồi mới đụng độ với Tất Kết, sợ là hiện giờ đang quyết đấu trong rừng, Hoa huynh nếu như có thể xử lý huynh đệ tiểu lão nhi thì có thể chi viện." Hoa Trụ chừng như không hề gấp rút, trái lại rất trấn định, y nhìn về phía Lạc Hàn đang bị Cửu Đại Quỷ vây hãm, bình thản nói:"Tiểu khả không cần phải gấp, Triệu Vô Cực tiền bối không phải đã nói muốn cùng nhau đàm luận sao? Giờ đây, gió lạnh đồng hoang, ngồi xem chiến đấu sinh tử, trên Thạch Đầu thành cùng nhau bàn chuyện cổ kim, đàm luận hưng vong vạn thuở, há chẳng phải là thú vui bình sinh hiếm có ư?" Triệu Vô Lượng không ngờ y lại trấn định như thế, kéo dài thời gian thì chỉ có lợi cho ông mà thôi, ông không nhịn được hỏi lại:"Sao?" Hoa Trụ cúi người ngồi xuống, y quần áo hoa lệ, thần tình thoải mái, giống như không hề để tâm đến bất cứ chuyện gì, phong thái của y so với Viên Hàn Đình tự phụ tài cao còn hơn mấy bậc. Y cất tiếng nói:"Triệu lão sao không ngồi xuống? Ta vốn mộ danh hai vị từ lâu, tiếc là chưa gặp, vốn vẫn coi đó là mối hận bình sinh, hôm nay tương kiến, mời hai vị cùng ngồi đàm luận, đủ thỏa cho ước nguyện của Hoa mỗ rồi." Triệu Húc ngẩn người nhìn Hoa Trụ, y cô thân hãm địch trên tòa thành hoang nhưng vẫn phong nhã tiêu sái, sảng khoái như như thường, thật sự là bình sinh ít thấy. Triệu Vô Lượng và Triệu Vô Cực nhìn nhau, cùng tạo thành thế ỷ giác ngồi xuống, vây Hoa Trụ vào bên trong. Họ ngồi xuống nhìn có vẻ tùy ý nhưng tiến có thể công, lui có thể thủ, lại có thể bảo hộ Triệu Húc, chỉ một vị trí ngồi xuống này đủ thấy Tông thất nhị lão không phải hạng tầm thường. Hoa Trụ lại như không nhìn thấy, ngẩng đầu ngắm trăng, một lúc sau mới nói:"Từ lúc Hoa mỗ gia nhập Viên môn đến nay, ngày tháng như thoi đưa, chỉ chớp mắt đã gần 10 năm." Y nhìn sang Triệu Húc, bình thản nói:"Vị này có phải di cô của thánh thượng điện hạ, Húc ca nhi không? Nhị vị tiền bối quả thật mưu sâu." Triệu Vô Lượng biến sắc, thân thế của Triệu Húc chính là một bí mất, trong giang hồ cơ hồ không có ai biết, nào ngờ Hoa Trụ vừa nhìn đã đoán ra. Chỉ nghe Hoa Trụ nói tiếp:"Năm xưa sau khi Khang vương về Nam, lại có thái hậu theo Tần Cối trốn chạy khỏi Bắc triều trở về, không ngờ về sau thế tử cũng trốn về theo, khi ấy thái tử đã không còn, Tần tướng vì a dua theo ý vua nên đã ngụy tạo chứng cứ, hòng che dấu mọi việc. Sự việc này có thể coi như là một việc mất mặt nhất trong Tông thất sau khi bản triều dời sang phía Nam, không ngờ nhị vị lại có thể cứu ra, nuôi dưỡng trên giang hồ, một phen công phu này thật sự không phải nhỏ." Y hình như rất thông thuộc bí sự triều dã, nói chơi vài câu đều trúng hết cả. Y nói rất đúng, năm xưa Triệu Cấu sau khi chính vị ở Lâm An, thái tử lập sẵn đã từng chạy về phương Nam, Kỳ hậu bệnh chết nhưng vẫn còn thế tử, Triệu Cấu tiếm đế vị, gạt bỏ Kỳ hậu, âm thầm giết chết những người liên quan, việc này triều dã tuy có nghe phong thanh nhưng không ai dám nói thẳng ra. Hoa Trụ bình thản đàm luận, khẩu khí còn pha lẫn chút tiếc thương, Viên môn của y trước nay hộ vệ triều đình, Triệu Vô Lượng cũng không ngờ y dám trực ngôn như vậy. Hoa Trụ nhìn Kim Lăng thành đối diện, thở nhẹ một hơi:"Là ai nhìn ra thành này có vương khí đầu tiên? Từ Đông Tấn đến Nam Trần, Lục triều hoa khói (*), con cháu Ô y đều tụ hội phong lưu, yên hoa nức tiếng, Vương Tạ ngày xưa oanh yến đầy nhà, hôm nay lầu các lạnh lùng, việc trước đã không còn nhưng chỉ cái tên đủ khiến cho người ta tiếc nuối tháng ngày tươi đẹp, ví như Yên tỉnh, ví như Vũ hoa đài... Vũ hội nở ra đóa hoa như thế nào? Yên chi nào rơi vào giếng nước mà vẻ đẹp vẫn còn truyền tụng cả ngàn năm? Hẻm Ô y (**) bên cầu Chu tước, con cháu Vương Tạ nay đâu tá? Người trong Kim Lăng thành cho dù chỉ là hạng dân thường lao động nhưng vẫn mang dáng dấp khói nước Lục triều. Vẻ huy hoàng đó nay đều dần tan biến, những việc này nói cho cùng là vì sao?" Triệu Vô Lượng không ngờ y lại thốt lời cảm khái như thế, trong lòng không khỏi nổi mối thương tâm, buồn bã nhìn xuống dưới thành, ông tuy nhìn Kim Lăng nhưng lòng lại nhớ đất xưa Khai Phong. Kinh thành cũ của Bắc Tống tên là Đông Kinh, Đông Kinh đó ngày nay chính là Khai Phong, Khai Phong phủ phồn hoa vô cùng, Triệu Vô Lượng từ nhỏ đến khi tráng niên đều sống nơi đó. Ông sinh trưởng trong đế thất, thuở nhỏ sống trong cung điện, nhớ tới năm xưa khi đến tiết Nguyên tiêu, lồng đen treo khắp, ngàn nhà vạn hộ, người qua lại như mắc cửi, lầu vàng gác tía, thủy tạ đền đài, màn treo trướng rủ, hương xa bảo mã, hương thơm dặt dìu, nơi hồ Kim Minh ở dưới Phàn lâu, thảm đỏ lót đường, bên dưới bụi đất mịt mờ, thả ưng bắt chim, đá gà đua chó, tiếng cười nói vui vẻ không ngớt... Đời này, làm sao quên được tiếng nhạc phồn hoa năm đó? Hoa Trụ nhìn ông, chừng như hiểu được, mỉm cười nói:"Nhìn thần sắc Triệu tiền bối, chừng như đang hồi ức lại thuở phong lưu hoan lạc như giấc mộng ngày xưa phải chăng?" Triệu Vô Cực nãy giờ chưa lên tiếng chợt ở sau lưng y thở dài nói:"Giang sơn như cũ, chỉ là tâm tình khác biệt." Hoa Trụ thần sắc chấn động, thuận thế nói:"Triệu Vô Cực lão cũng ôm mối bùi ngùi ở Tân Đình sao?" Tân Đình nằm ở Giang Tả, ngày xưa vào thời Đông Tấn, có lần danh sĩ hội họp, Vương Đạo từng than:"Phong vật không khác chi, chỉ là tâm tình khác biệt." Câu này nói ra khiến cho những người ngồi đó đều rơi nước mắt, hôm ấy chỉ có một mình Tạ thái phó nói:"Giờ đang là lúc vì quốc gia ra sức, cớ gì phải làm kẻ tù nhân nhìn nhau mà khóc?" Triệu Vô Lượng, Triệu Vô Cực, Hoa Trụ đều không chỉ là võ nhân, ba người đều là người đọc nhiều biết rộng, tình cảnh Thiên An thời Đông Tấn so với tình cảnh Nam triều hiện nay cũng có chút giống nhau, trong khi đàm luận không khỏi nhắc tới. Hoa Trụ lại nói:"Tạ thái phó nói câu đó không sai, hôm nay tiểu khả may mắn gặp được Tông thất nhị lão, nếu được nghe chỉ bảo thì còn gì hơn. Tiểu khả muốn nghe hai vị bình phẩm các nhân vật trong thiên hạ, nhớ thời Đông Tấn thì có Tạ An, như Triệu lão xem thử, đương kim thiên hạ còn có anh hùng hay chăng? Nếu có, thì ai là anh hùng? Anh hùng như thế nào?" Triệu Vô Lượng ngẩn người, không ngờ y lại nổi hứng muốn bình luận anh hùng bản triều với mình, ông trầm ngâm một lát, lấy lui làm tiến, cười ha hả đáp:"Anh hùng? Ta vốn già lão, còn dám vọng bàn anh hùng, thiên hạ nghe được chắc sẽ cười rụng răng." Hoa Trụ cười nói:"Không sai, Triệu lão đã thoái ẩn giang hồ hơn 10 năm, thật sự là chọn lựa của bậc trí giả. Khổng Tử từng nói:"Hiền giả xử thế, hợp thì tiến, không hợp thì thoái, không hại vạn dân, không tổn thân mình, không nghịch thiên mệnh." Triệu lão làm thế quả nhiên khiến người kính phục." Triệu Vô Lượng cười cười, nhẹ nhàng nói:"Trái lại, huynh đệ lui về, những chuyện làm vạn dân khổ sở, che mắt thiên tử, nghe ngóng khắp thiên hạ đều lưu lại cho Đề Kỵ mới là khiến người kính phục." Triệu Húc thấy bọn họ ngôn ngữ bình thản, không biết bên trong hồ lô bán thứ thuốc gì, lúc này mới nghe ra vẻ công kích nhau, tinh thần không khỏi chấn động. Triệu Vô Lượng vung tay, nhìn Hoa Trụ nói:"Bất quá theo tiểu lão nhi, được gọi là anh hùng đương nhiên phải vì dân vì nước, trên bảo vệ thái miếu, dưới trung quân thương dân, không biết như vậy có đúng không?" Hoa Trụ hiểu ý ông, mỉm cười nói:"Xem ra trong lòng Triệu lão vẫn còn nhớ về nhị đế." Triệu Vô Lượng lòng đau nhói, đây chính là đề tài khiến ông đau đớn nhất, không thể nào để cho Hoa Trụ thoải mái nhẹ nhàng đề cập, giận dữ nói:"Không sai, thân là con dân, không thể lòng thờ 2 vua, thứ người phản trắc sao có thể xứng hai chữ anh hùng?" Ông thù hận nhất là đương kim thiên tử, tức là Khang vương Triệu Cấu ngày trước. Hắn ta vì tham đế vị, mấy lần bỏ qua cơ hội nghênh đón nhị đế trở về, còn thừa dịp lên ngôi, trong lòng Triệu Vô Lượng thì hắn đã là kẻ phản nghịch của tông miếu. Đời sau Văn Chinh Minh từng làm bài từ nói:"Khởi bất tích, Trung Nguyên túc; Khởi bất niệm, Huy Khâm nhục; Đãn Huy Khâm kí phản, thử thân hà chúc? Thiên cổ tranh khoa nam độ thác, đương thì tự phạ trung nguyên phục. Tiếu khu khu nhất cối hựu hà năng? Phùng kì dục" (***) Triệu Vô Lượng chính là có ý đó, Triệu Cấu kỳ thực là sợ Trung Nguyên khôi phục, nếu như năm xưa Trung Nguyên khôi phục, nhị đế đón về thì ngôi vị hoàng đế của hắn sẽ ra sao? Tần Cối chẳng qua cũng thuận thế mà làm, bất quá chỉ là kẻ ti bỉ ăn theo tư lợi của Triệu Cấu mà thôi. Triệu Vô Lượng chợt nhớ đến Khai Phong mà cả đời ông không quên được, tất cả những chuyện đau lòng cùng với cả hình dáng phong nhã tiêu sái của Huy Khâm nhị đế đều hòa quyện lại. Ông vốn là người tập võ nhưng trong lòng rất yêu thích hai vị thúc, huynh đế vương danh sĩ phong lưu đó, nghĩ tới đây, trước mắt ông cơ hồ như hiện lên hình bóng hai người. Nhưng hiện giờ... Nhị Đế tuần thú phương Bắc, nước nhà chia rẽ, sau loạn Tĩnh Khang, hai vị hoàng đế đều bị người ta cầm tù ở Ngũ Quốc thành, mỗi lần nghĩ tới, Triệu Vô Lượng không khỏi thương tâm. Vì sao nỗi mừng vui nhất đời lại ở cùng với nỗi đau nhất đời chứ? Cuộc đời phồn hoa nhất cũng là quãng đời thê lương nhất, hòa trộn vào nhau chẳng thể tách rời. Triệu Vô Lượng cúi đầu trầm ngâm, từ lúc tráng niên đến nay, không biết bao nhiêu lần ông mộng mị nhớ về dĩ vãng, lúc tỉnh dậy thì nước mắt nhòe mi... Hơn nữa, những chuyện này, tên tiểu tử Hoa Trụ làm sao biết được, y làm sao có thể hiểu được cái gì gọi là nỗi đau nước nhà? Hoa Trụ trầm ngâm:"Nhị đế không còn ở đây, nhưng nếu Nhị đế vẫn còn thì làm sao?" Y nhìn Triệu Vô Lượng, chừng như muốn kể rõ sự tình cho ông:"Nếu thỉnh họ về chính vị thì sao? Nước chính là do họ làm mất, lẽ nào lại để cho họ làm mất thêm lần nữa?" (*) Vùng đất Mạt Lăng này là chốn kiến đô của sáu triều đại: Đông Ngô - Đông Tấn - Tống - Tề - Lương - Trần, sáu thời xa xỉ hoan lạc, túy sinh mộng tử, thi gia đặt tên "kim phấn lục triều", từng triều từng triều diệt vong cực nhanh. (**) Ô y hạng: Thời Đông Tấn, Tạ An và Vương An Thạch ở cùng 1 con hẻm, vì 2 nhà này đều mặc áo đen nên dân gian gọi là hẻm áo đen (Ô y hạng) (**) Văn Chính Minh (1470–1559), nhà văn thời Minh, bài từ trên chính là của ông, viết theo điệu Mãn Giang Hồng, đề trên miếu Nhạc Phi ở Hàng Châu, nguyên văn như sau: 拂拭残碑,敕飞字依稀堪读. 慨当初倚飞何重?后来何酷? 果是功成身合死,可怜事去言难赎. 最无辜堪恨亦堪怜,风波狱.岂不念,中原蹙; 岂不惜,徽钦辱. 但徽钦既返,此身何属. 千古休夸南渡错,当时自怕中原复. 笑区区一桧也何能,逢其欲. Phiên âm: Phất thức tàn bi, sắc phi tự y hi kham độc. Khái đương sơ ỷ phi hà trọng? Hậu lai hà khốc? Quả thị công thành thân hợp tử, khả liên sự khứ ngôn nan thục. Tối vô cô kham hận diệc kham liên, phong ba ngục. Khởi bất niệm, trung nguyên túc; Khởi bất tích, huy khâm nhục. Đãn huy khâm kí phản, thử thân hà chúc. Thiên cổ hưu khoa nam độ thác, đương thì tự phạ trung nguyên phục. Tiếu khu khu nhất cối dã hà năng, phùng kì dục. Không biết là bản text có sai hay không mà Tiểu Đoạn lại nhầm chữ hưu (休) thành chữ tranh (争). Tạm dịch đoạn trích: Sao không xót, Trung Nguyên hận Sao không nhớ, Huy Khâm nhục Huy Khâm về, biết làm sao? Chớ nhắc sai lầm ngày trước sang Nam Chỉ là không muốn Trung Nguyên khôi phục Sao có thể chỉ trách chê Tần Cối? Đó chẳng qua cũng theo ý người thôi. Lời này y nói dù có lý đi nữa thì Triệu Vô Lượng cũng không thể nghe lọt tai, ông biến sắc, đang định lên tiếng thì Hoa Trụ đã nói tiếp:"Kỳ thật, cái gọi là ái quốc cũng chỉ là mỗi người có một cách yêu nước khác nhau mà thôi. Như Triệu lão thì e là chỉ yêu sự phồn hoa của vong quốc, cũng là yêu vong quân đã vì dục vọng riêng mình mà mất cả thiên hạ mà thôi." Triệu Vô Lượng nổi giận, toan cất tiếng phản bác nhưng lời đến yết hầu chợt nghẹn lại. Ông không phải là người không sáng suốt, chỉ là trước nay chỉ lo xét người chưa từng phân tích chính mình. Cho dù có tự phân tích chính mình thì mỗi người đều có một quan niệm riêng, dù suy nghĩ có sắc bén đến đâu cũng khó mà chạm tới sâu thẳm lòng mình cho được. Triệu Vô Lượng cảm thấy tai ong ong, có phải mình chỉ là người yêu đất nước đã mất hay không? Không sai, những gì ông yêu thích đều là những cảnh hoan ca tiếu ngữ, thịnh sự tông miếu, cảnh tượng phồn hoa, văn chương đài các, mọi điều quý lạ, không thứ gì không phải thú chơi bời, hơn nữa những cảnh hoan lạc cả đời ông không quên được không gì là không được xây dựng trên cơn nước lửa của vạn dân. Triệu Vô Lượng lòng chợt nhói đau, trước đây ông không bao giờ nghĩ tới điều mà ông thực sự yêu thích lại là những thú chơi bời này. Yêu thích một khúc ca đáng giá ngàn vàng, yêu thích mái nhà rường cột chạm khắc tinh tế do xảo thủ xây dựng, yêu thích những chiếc mũ trang sức tinh xảo cực kỳ do Tuyên Hòa họa viện chế ra, yêu thích vẻ hoa mỹ, yêu thích những kỳ trân dị bảo, thi họa, màn trướng... trong đại nội, mà tất cả những thứ đó có gì không cần nhân lực cung đốn đâu. Vương triều khi vừa khai quốc vốn đã cho dân nghỉ ngơi dưỡng sức, nhưng con người vốn không bao giờ an phận, luôn khát vọng nghệ thuật và hoa mỹ, cho dù có biết nhân lực khó khăn nhưng một người, một xã hội vẫn cứ khư khư gom lấy mồ hôi và máu của vạn dân để tạo cảnh tượng huy hoàng cho riêng mình, vương quyền chẳng qua chỉ là đưa dục vọng lên hết mức mà không bị bất kỳ hạn chế nào, sau một trăm năm nghỉ ngơi dần dần đã đi vào con đường trụy lạc xa xỉ, dục vọng đã được đẩy cao tới mức thông thiên, trào phun như núi lửa, hơn nữa người Hán nhìn có vẻ cần kiệm và bình phàm nhưng trong lòng luôn có khát vọng vô hạn, mà lại không hề có bất kỳ cơ chế nào để ngăn chặn loại khát vọng cuồng hoan này. Cuồng hoan giống như đỉnh tháp quá lớn, chân tháp dù có vững chắc cỡ nào cũng không chịu nổi, sau khi cuồng hoan chỉ còn lại tang thương, rồi tháp sụp, văn minh tiêu tán, những gì phồn hoa, tự đại, tự huyễn hoặc mình đều tan biến như một giấc mộng. Triệu Vô Lượng như chợt hiểu ra, những gì ông yêu thích đều là những thứ dục vọng dẫn đến bại vong. Ông yêu thích dục vọng, nhưng lại thống hận kết quả dục vọng mang lại. Lửa giận trong lòng Triệu Vô Lượng như bị dội một gáo nước lạnh tắt ngấm, tâm trí nguội lạnh như băng tuyết tan ra. Đúng là vậy sao? Ông ngẩn ngơ nhìn Hoa Trụ, một người tuổi trẻ như y, vì sao có thể nghĩ đến những chuyện đó? Cách đây mấy dặm chính là Kiến Khang đã từng rất mực phồn hoa. Kiến Khang, tên cũ là Kiến Nghiệp, Kim Lăng, từng là kinh thành sáu triều, khí tượng bên trong vốn rất phi phàm. Hiện nay tuy đã điêu tàn nhưng vẫn toát lên một vẻ đẹp riêng, Triệu Vô Lượng cũng từng cảm thụ được vẻ đẹp thê lương đó vô số lần, chỉ là ông chưa từng nghĩ tới đất nước đã mất của mình. Lịch sử chính là một vòng tuần hoàn như thế, giống như tiếng đàn, như tiếng tiêu, du dương vang vọng không ngừng nghỉ. Khai Phong năm xưa cũng từng phồn hoa sung túc, nhưng liệu đó thực sự là cái phồn hoa mà nước nhà có được hay chăng? Hay đó chẳng qua chỉ là dục vọng của quốc gia mà thôi? Con người ai cũng yêu thích vẻ đẹp huy hoàng của dục vọng bùng phát nhưng lại không chịu nổi cảm giác hoang lương sau lúc bùng phát đó. Tạo hóa sao cứ thích trêu người? Con tạo lôi kéo loài người lún sâu vào dục vọng xa hoa, rồi lại khiến cho họ tan vỡ. Cái gọi là nước có thể nâng thuyền, cũng có thể lật thuyền vốn là động lực văn minh, nhưng lại có thể phá hủy nó trong khoảnh khắc. Hán, Tấn, Tùy, Đường từng thời đại đều đã trải qua như thế, không phải là không có vết xe đổ nhưng mỗi khi triều đại mới lên thay thì cũng đều quên hết chuyện cũ đau thương, tiếp tục hãm nhập vào dục vọng không ngừng nghỉ. Những người minh triết đều đã không còn, dục vọng mới sinh và bi kịch tan vỡ cứ thế mà tiếp diễn, cơ hồ như một trường hí lộng vô tình không ngừng không nghỉ, người sống trên đời có ai chưa từng nếm qua dư vị khổ đau? Tất cả những khúc hoan ca đều trở thành dĩ vãng, việc cũ khó lòng tìm lại, bi kịch nước nhà và sinh mệnh cá nhân cũng đều tương tự như nhau trong tấn trò đời bi thảm này. Lúc còn trẻ mê luyến cảnh đẹp, đến khi về già mới biết được chân tướng tàn nhẫn, Triệu Vô Lượng chợt nghĩ tới điểm này. ......... Đối với người Kim Lăng thì may mắn vẫn còn chút dư âm. Vì nơi đây còn có tòa Vãn Trang Lâu. Vãn Trang Lâu là một tòa tiểu lâu có từ thời nhà Lương, trong lâu có một nữ tử đã ở đây gần 20 năm, người này chính là Tiêu Như, ai cũng biết nàng là hậu duệ của nhà Nam Lương, tổ tiên của nàng từng là Tiêu Lương thái tử huy hoàng vô cùng, văn tài xuất chúng, lừng danh một thuở. Nàng có một người tri giao tên gọi Ngô Tứ, là đại thiếu gia của Nam Kinh Bán Kim Đường. Ngô Tứ mỗi lần bước lên Vãn Trang lâu nhìn thấy ánh dương quang rơi rụng, đều cảm thấy cảnh sắc huy hoàng năm xưa của lục triều cũng giống như mặt trời lặn mất, chỉ còn sót lại chút hương thừa, y lúc nào cũng thấy bồi hồi ngơ ngẩn, tiếc nuối cơ hồ không dám phá vỡ nó. Ngô Tứ cũng không biết Tiêu Như là nữ nhân như thế nào, y đã gặp nàng vô số lần nhưng mỗi lần gặp mặt đều có một cảm giác mới mẻ. Đây chính là mỵ lực của Tiêu Như, suy cho cùng nàng ta cũng là hậu nhân của nhà Lương, cho nên vẻ mỵ lực này cũng không có gì khó lý giải. Đặc biệt nhất chính là dáng vóc nàng luôn ẩn ước có chút dư vận năm xưa. Trong Vãn Trang lâu, ngày tàn ngơ ngẩn. Ngoài Vãn Trang lâu, người xưa đâu thấy. Ngô Tứ biết nữ tử trong lâu thường nhớ tới một nam nhân ngoài 40 tuổi. Nỗi tịch mịch trong lòng người nam nhân ấy có lúc khiến cho người mong nhớ y cũng cảm thấy thê lương, nhưng nữ tử này không hề nói rõ ra, lúc nàng mong nhớ thì chỉ dùng ngón tay nuột nà nhẹ vuốt mái tóc, động tác vuốt tóc này chừng như kể ra nỗi tịch mịch trong lòng nàng. Mấy ngày trước, Ngô Tứ đem tới một quyển tiêu phổ để cho Tiêu Như bình phẩm. Lúc y để quyển Dịch An từ của Tân Thành lên án trước mặt Tiêu Như, nàng chợt nói:"Hoa Trụ nói y rất muốn gặp Triệu Vô Lượng." Ngô Tứ không nói gì, chỉ à một tiếng. Tiêu Như cười mỏi mệt:"Ta nghĩ y muốn dùng một thiên thuyết từ để dập tắt lòng tranh hùng của Triệu Vô Lượng." Nàng ngưng một chút, rồi lại hững hờ nói:"Hỏi anh hùng, ai là anh hùng? Trải cả trăm đời, sóng xô cát dập, ai biết tự lượng? Ai hiểu hưng suy? Triệu Vô Lượng vốn là lão già ngoan cố, nhưng Hoa Trụ ngôn từ cũng rất động lòng người." Nàng vận trang phục theo lối cổ, mái tóc dài chỉ cài một cái vòng vàng làm vật trang sức duy nhất. Bên ngoài cửa sổ, dòng sông Tần Hoài lững lờ trôi, cảnh trời sắc nước hòa quyện vào nhau mỹ lệ vô cùng, đôi mắt Tiêu Như lại chứa đựng một cảm giác mệt mỏi sau khi trải qua khói nước lục triều. Nàng cũng là một ca nhi trong chốn phồn hoa, nhưng nước đã mất, nhà ở đâu? Suy tàn cũng là một loại mỹ lệ, chừng như bao đời hưng suy của nhà Lương đều tích tụ trong nàng, tạo cho nàng một vẻ đẹp khác lạ, có phải chỉ người anh hùng như Viên lão đại mới có thể xứng với nàng? Tiêu Như thở dài mệt mỏi, chừng như nàng đang than tiếc cho bao nhiêu vẻ đẹp cuối cùng đều tan biến như băng tuyết dưới ánh mặt trời dục vọng:"Triệu Vô Lượng cũng là một người yêu đất nước đã mất a!" Vong quốc rốt cục là cảm giác như thế nào? Ngô Tứ ngồi trong Vãn Trang lâu thầm suy nghĩ, y tự phụ mình phong lưu khoái hoạt nhưng trước nay đều không thể hiểu được tâm ý của mỹ nhân trước mặt này. Y không biết thứ gì cuốn hút y cứ mỗi tháng lại đến Vãn Trang lâu ngồi một khắc, gặp mặt nàng ta một lần. Chỉ là mỗi lần ngồi cùng nàng thì y lại cảm thấy nỗi tịch mịch bên ngoài lâu, chừng như nỗi đau thương của triều đại thay đổi ngàn năm qua và tiếng khóc than của giang sơn cùng thẩm thấu vào bên trong. Sàn lâu lót vàng nhỏ đều như vảy cá, đôi guốc gỗ của Tiêu Như đã bao lần dẫm lên ánh vàng đó, đã bao lần bước lên mảnh da Cát Quang (*)? Chính bản thân nàng cũng đã là một mảnh da Cát Quang rồi, trên đời còn lại nữ tử thế này chính là dư âm còn lại của phồn hoa mấy trăm năm trước. Mỗi lần ngồi cùng nàng, Ngô Tứ cõi lòng mỏi mệt, nhưng lại có cảm giác an nhiên, minh triết. Y lại nghĩ, Triệu Vô Lượng liệu cõi lòng có mệt mỏi hay không? Sự thâm trầm của người già có so được với sự nhiệt tình của tuổi trẻ không? Hỏi anh hùng, đâu là anh hùng? Lúc này Ngô Tứ chợt nghĩ đến vấn đề mà Hoa Trụ vừa đề cập với Triệu Vô Lượng ở Thạch Đầu thành. Viên lão đại có phải anh hùng không? Một người nếu như sau khi đối mặt với vẻ mỹ lệ của Tiêu Như mà vẫn có thể giữ vững kỷ cương, nghĩ gì làm đó, ban bố uy vũ, mưu việc tiến thoái thì thực sự là đáng mặt anh hùng. ........... Triệu Vô Lượng im lặng hồi lâu mới thốt:"Vậy trong mắt Hoa lão đệ thì người thế nào mới gọi là anh hùng? Ai có thể đảm đương hai chữ đó mà không thẹn? Người thế nào mới không phải là kẻ tham luyến khoảnh khắc an vui khi vong quốc? Là Viên lão đại ư? Còn có ai không? Như Hoa huynh niên thiếu anh tài, nhưng lại chịu khuất dưới người, thật sự khiến người ta không thể không tiếc nuối. Viên Thần Long rốt cục tài đức thế nào mà khiến Hoa huynh phải chịu ra sức cho y?" Ngữ khí của ông có ý phản kích, Triệu Vô Lượng tịnh không phải là người mà chỉ dùng hoa ngôn xảo ngữ liền hóa giải được định kiến cả đời. Hoa Trụ ánh mắt thoáng hiện tia kính phục, chậm rãi nói:"Nếu còn trẻ hơn thì ta trái lại sẽ tự nhận mình là anh hùng, cũng không phục bất kỳ ai trên đời, càng không hiểu rõ hàm ý của hai chữ đó. Nhưng sau khi trải qua dâu bể, nửa đời mỏi mệt, hôm nay nghĩ lại mới có chút minh bạch. Theo ta thấy, cái gọi là anh hùng đầu tiên phải là một chữ "Dũng", dám đứng ra chèo chống giữa lúc ngả nghiêng, chịu đựng tịch mịch một mình và bức ép từ nhiều phía. Triệu lão, ta và ông đều là người từng trải, cũng biết nỗi phiền loạn và bi khổ chốn nhân gian. Có thể giữa chốn nhân gian đầy kềm tỏa này, bằng vào sức lực một mình quật khởi, vì cuộc sống vạn dân mà ra sức thì có được mấy người? Thái Tổ, Thái Tông ngày xưa cũng là người như vậy. Lúc Hoa mỗ tuổi trẻ, bằng vào một thanh kiếm sắc, đã tự cho mình là anh hùng, cũng có khí khái kinh thế, nhưng sau khi nhập thế mới hiểu ra, chỉ bằng vào một thanh kiếm cỏn con thì chẳng có tác dụng gì giữa dòng đời ô trọc này. Cõi đời phiền loạn, bao nhiêu hoài bão, chí khí, mưu lược đều bị tiêu hủy. Lúc ấy, ta vô cùng sầu khổ, biết là chỉ dựa vào ý chí của thiếu niên mà thực hiện hoài bão thì không đủ. Hoa mỗ không phải tự khiêm nhưng cũng biết mình không xứng hai chữ anh hùng. Sau khi gặp Viên lão đại, lúc đầu ta cũng không phục nhưng ngày tháng dần trôi, tấm lòng nhập thế bền vững của y khiến ta không thể nào không bội phục. Triệu lão tiền bối, theo lương tâm mà nói, ta và ông võ công luyện thành, đều có dã tâm và hoài bão, cũng tự cho mình là không ai bì kịp. Nhưng trong thiên hạ, người như ta và ông cho dù không nhiều thì cũng có chừng hơn trăm người. Có điều người có nghị lực, giữa đời ô trọc vẫn ôm lòng thanh lọc, kiên định quả đoán, sửa sang kỷ cương, gom lòng người về một mối thì liệu có được ai? Ta biết thủ hạ Đề Kỵ của Viên lão đại tàn bạo ngang ngược, nhũng nhiễu vạn dân, nhưng trong Viên môn đâu chỉ có mỗi việc này. Nói lời thật tình, Triệu lão, thế sự hiện nay nếu giao cho ông thì liệu ông có chắc làm được hơn y hay không? Ta không đủ sức để thu thập cục thế hỗn loạn tan nát, lúc nào cũng có thể khiến cho nước nhà biến loạn này, cũng không đủ năng lực để tạo nên một trật tự tuy còn gay go nhưng cũng tạm hoàn chỉnh như thế." "Thân làm thuộc hạ, cho dù ta có khen ngợi Viên lão đại thế nào thì người khác cũng khó lòng tin được, nhưng Hoa Trụ ta chỉ cam tâm làm một con cờ trong tay y, vì Viên lão đại đã dạy cho ta biết, hiện thực là như thế, cho dù chỉ chỉnh đốn sự nghiệp rất nhỏ, chỉ cải cách một chút thì cần phải nỗ lực rất nhiều, hơn nữa người dám đối mặt với cõi đời đục ngầu thế này, không xứng là anh hùng thì còn là ai?" Triệu Vô Lượng cảm thấy được lòng tin nhập thế trong lời nói của Hoa Trụ. Lẽ nào đúng như y nói, thứ ta yêu chỉ là vong quốc thôi sao? Hơn nữa cho dù có cho ta thời cơ thì ta cũng không thể nào gầy dựng trật tự cho vạn dân an cư lạc nghiệp được sao? Ông là người già, đã thấy qua nhiều thắng bại, biết người tuổi trẻ luôn luôn coi dục vọng là năng lực của mình, nhưng chẳng phải ông cũng chỉ có dục vọng mà không có năng lực sao? Tường thành rộng lớn, hai người nhìn nhau, tuy có địch ý nhưng một cỗ tịch mịch không biết từ lúc nào dâng lên trong lòng Triệu Vô Lượng. Triệu Vô Lượng nghĩ tới bản thân mình ngày đêm khổ sở, tìm đủ mọi cách để đón Nhị đế, trùng kiến tông miếu, ngoài ra chẳng còn gì cả. Con người vốn nhờ có dục vọng mà sống, lời Hoa Trụ vừa nói khiến ông nhớ lại Bắc Tống 200 năm về trước, khi đó triều đại này cơ hồ là một con bệnh thương tích đầy mình dần dần bình phục, rồi sau đó trụy lạc xa hoa không thể tự kềm chế, đến nỗi phải sụp đổ. Tất cả những điều này đều là một quá trình hoàn chỉnh. Nghĩ đến đây, ông không thể không bội phục Viên lão đại, y vì muốn trùng kiến triều đình Thiên An mà dốc hết sức lực để thiết lập chút trật tự. Y muốn lập một hạn chế cho dục vọng bột phát, ngay cả cường quyền đương triều như bè lũ Tần Cối y cũng từng bước áp chế, đến cả thế gia giang hồ, cường hào ác bá, Viên Thần Long y đắc tội cũng đâu có ít. Viên Thần Long ở triều mấy năm một mực áp chế tất cả những chuyện phí lực lao dân, không tuân pháp luật, hiếp đáp dân nghèo, nhưng mà cơ hồ tất cả mọi người đều phản đối y. Sự hào nhoáng năm xưa trong Đông Kinh thành không chỉ quý nhân, quan quyền lấy đó để tự huyễn hoặc mình, mà ngay cả những người nơi hoang dã, chỉ cần là người dân Đại Tống cũng đều coi đó là điểm tự hào. Ngươi có thể hạn định sự hào hoa bộc phát đó sao? Có thể chế ngự dục vọng xa hoa của nhân sinh ư? Người đời sống vì dục vọng, liệu có ai chịu kềm chế? Ông không thể không thừa nhận Viên lão đại trước nay một mình cật lực ra sức để hạn chế dục vọng của nhân sinh. Viên lão đại chi trì cục thế đến tận hôm nay, cảm hóa được thuộc hạ tuyệt không phải là vì một điểm ham muốn hùng bá thiên hạ, áp chế chúng sinh mà bằng vào một loại tín niệm. Nội một điểm này thôi thì ông đã không bằng được y. Văn võ khắp triều, rất nhiều người thừa gió bẻ măng, thuận thế mà trượt dài trong dục vọng cá nhân. Như bè lũ Tần Cối, bọn chúng cũng chính là nhân ngọn gió dục vọng của người khác mà giương buồm đẩy thuyền, mưu cầu thỏa mãn dục vọng ti bỉ của mình, Triệu Vô Lượng đối với bọn tiểu nhân bỉ ổi đó thì khinh ghét vô cùng. Ông trước nay thù hận Viên lão đại, mối thù này cắm rễ sâu trong tim, đến nay vẫn không thay đổi, nhưng không thể không bội phục dũng khí một mình lái thuyền ngược dòng giữa nhiều cơn sóng dữ của y. Không nói đâu xa, văn võ khắp triều, người dám chống lại dục vọng xa hoa của Tần tướng liệu có mấy ai? Ngay cả nghịch ý của hắn thì liệu có được mấy người? Triệu Vô Lượng cảm khái không thôi. Hồi lâu sau, Triệu Vô Lượng nói:"Theo như Hoa lão đệ nói, cho dù võ công có cao đến đâu cũng không đủ xưng là anh hùng sao?" Nếu là như vậy, trăm ngàn năm nay, võ nhân trong giang hồ đều truy cầu một giấc mộng hư ảo sao? Hoa Trụ nhẹ vỗ đùi:"Trước đây ta cũng nghĩ vậy, tuy là cách nghĩ vậy thật khó mà tiếp thụ, nhưng người phải biết liêm sỉ, sau đó phải có dũng khí. Ta xưa nay vẫn cho mình võ công không tệ, sau này mới hiểu rõ mình rốt cục là ai. Đến hôm nay, ta lại hiểu một hàm nghĩa khác của anh hùng." "Trong giang hồ không phải là không có anh hùng, anh hùng trên thế gian này vốn không chỉ có một loại ham muốn tạo lập trật tự và đè nén xa dục. Ngoài dục vọng ra thì còn có tịch mịch như biển, lần này Lạc Hàn từ phía tây sang, chỉ với một thanh kiếm sắc đã khiến Giang Nam chấn động, cả ta cũng không thể không thừa nhận Viên lão đại lần này cũng phải kinh hãi, chỉ vì không ai ngờ được một người có thể ở xa nơi Tái ngoại, cắt đứt dục vọng, một mình đối diện đất trời, đối mặt với nỗi tịch mịch sâu như biển để truy cầu nguồn gốc võ đạo. Tiểu khả tiếc là đến nay vẫn chưa được gặp Lạc huynh, nhưng thấy y đánh bại Triệu Vô Cực lão và Hồ Bất Cô cũng đủ biết y đã đi rất xa trên con đường võ đạo, hơn nữa còn có thể kháng cự được nỗi tịch mịch của đời người. Chỉ một chữ Đạo, đến nay thiên hạ đã quá nhiều người lạm dụng, thậm chí còn lấy đó làm tiêu chí của mình, nhưng nếu như có người có thể một mình chịu đựng tịch mịch, truy cầu Đạo của mình, tự thành một phái, như vậy nếu không phải anh hùng thì là gì đây? Ngoài ra Tô Bắc Dữu Bất Tín, Hà Nam Lương tiểu ca nhi, Tương Phiền Sở tướng quân, Mi Lâu Cố Hồi Mâu khư khư cố chấp, dù tự khai sáng cơ nghiệp sợ là cũng không đương nổi hai chữ này. Họ tầm nhìn hạn hẹp, so ra chưa đáng mặt anh hùng. Còn như Lý Nhược Yết, Tất Kết, Văn phủ chư công, bè lũ Tần Cối cho dù quyền thế nghiêng trời chẳng qua cũng chỉ là một lũ tiểu nhân tụ tập tư dục của một nhóm người mà thôi, Triệu lão nghĩ thế nào?" Triệu Vô Lượng im lặng không nói, chỉ "à" một tiếng bâng quơ. Ông không thể nào dễ dàng bó tay, ông vẫn còn tôn nghiêm của mình, nhưng lòng ông thầm nghĩ:"Trật tự và dục vọng, tịch mịch và kiên định, mỗi một từ ngữ đều đề cập đến vấn đề con người không thể không đối mặt." Ánh mắt ông chợt lộ vẻ tịch mịch, ông không thể không cảm thấy Hoa Trụ nói chẳng phải là vô lý. Hoa Trụ lại nói:"Biến loạn Giang Nam lần này, xem ra thì phức tạp, mưu đồ chồng chéo, nhân mã rình rang, nhưng nói cho cùng cũng chỉ là tranh đấu giữa Lạc Hàn và Viên môn. Là cuộc xung đột giữa 1 cá nhân tự do không cố kỵ gì và trật tự Viên lão đại muốn thiết lập cho thiên hạ, người ngoài chẳng qua là té nước theo mưa mà thôi." Lời này nói xong, vẻ tịch mịch trong mắt y càng thêm nồng đậm, nhưng trong vẻ tịch mịch còn ánh lên khát vọng của sinh mệnh trẻ tuổi đối với trận Lạc Viên đối quyết này. Triệu Vô Lượng nhìn ra được vẻ nhiệt tình tuổi trẻ không thể áp chế được trong mắt Hoa Trụ, không biết vì sao lại sinh cảm giác hâm mộ. Tuổi trẻ thật tốt, ông tuyệt không thể nào có lại nhiệt tình của năm tháng tuổi trẻ tươi đẹp đó. Lẽ nào nhân sinh này, giang hồ này thật sự không phải là chỗ cho lão già như ông chơi đùa sao? Triệu Vô Lượng nhìn xuống dưới thành đang chiến đấu quyết liệt, từng người một đều bị ông âm thầm đẩy lên đài, như Văn Hàn Lâm, như Kim Nhật Đàn... nhưng ông, một lão già suy yếu, cho dù miễn cưỡng đăng trường, cho dù làm có tốt hơn đi nữa thì trong mắt người bàng quan, hay thậm chí trong mắt ông cũng chỉ là cố gắng hỗn nhập vào cục thế một cách đáng cười và bi thương mà thôi. Bởi vì vai chính đã được chú định là người khác. Còn ông chỉ là khách xem kịch mà thôi. Nhưng dù làm khách xem kịch, ông vẫn không đủ nhiệt tình kích khởi như xưa. Nghĩ tới đây, Triệu Vô Lượng đột nhiên có chút phẫn hận Hoa Trụ đã phá bỏ điểm mê mộng của mình, ông tình nguyện không nghe lời nói bình hòa của y, cũng tình nguyện toàn tâm toàn ý hãm nhập vào trong cục. Hơn nữa ở ngoài thế cục, tịch mịch như biển, một trường kịch hay, nếu ông không thể tham gia thì sao có thể chịu được? Trên Thạch Đầu thành, Triệu Vô Lượng và Hoa Trụ nói chuyện anh hùng. Nhưng ngoài Thạch Đầu thành còn có không ít cao thủ quan sát. Bọn họ liệu có phải đang suy đoán xem hai người đang nói gì không? Văn Hàn Lâm im lặng ngồi trên sườn núi. Y bị Hoa Trụ coi là tiểu nhân, nhưng nếu như y nghe được thì chỉ nhướng mày cười lạnh khinh bỉ. Cách nhìn của thư sinh, chung quy chỉ là cách nhìn của thư sinh. Quốc gia này, dân tộc này không phải là những nhân sĩ cao thượng đoạn tuyệt nhân tình, đè nén dục vọng có thể dựng nên. Vì y biết, cái gọi là trí tuệ sinh tồn của dân tộc, cái gọi là lịch sử trải mấy ngàn năm tịnh không phải nhờ những người anh hùng đó tạo dựng như sách sử ghi. Bọn họ châm biếm mỉa mai tập tính "tiểu nhân", nhưng không hề biết rằng lũ "tiểu nhân" đó đã chôn vùi không biết bao nhiều anh hùng còn kiệt xuất hơn cả Viên lão đại. Anh hùng chỉ là một chớp mắt, còn lịch sử chính là do bọn dân đen hèn mọn và nô lệ tạo nên, để cho những người hiểu cách tạo thời thế như y đến hưởng dụng. Y không sợ mọi người đánh giá y là tiểu nhân. Vì trí tuệ của y cho y biết anh hùng chỉ huy hoàng một lúc, còn tiểu nhân và dục vọng vĩnh viễn tồn tại. ....... Trong đồng hoang đối diện sông Tần Hoài, Lạc Hàn chợt cất tiếng:"Nhiều lời vô ích, các ngươi xuất chiêu đi." (*) Nguyên văn: Cát Quang phiến vũ, Cát Quang là thần thú trong truyền thuyết, tương truyền da nó quý giá vô cùng, không sợ lửa nước... Sau này từ mảnh da Cát Quang được dùng để chỉ đồ quý giá, hiếm có.