ăm thứ hai mươi lăm niên hiệu Thiệu Hưng đời vua Cao Tông nhà Nam Tống. Đối với lão bách tính định cư ở đất Mân, đất Cán vùng Giang Chiết mà nói, năm nay vẫn xem như là một năm tương đối yên bình. Chiến loạn hồi những năm mới dời xuống phương Nam(1) đã dần lắng chìm trong ký ức, những thứ khiến lòng người ưu phiền chỉ còn là thuế ruộng, thuế người, hạn hán ngập lụt, sâu bệnh mất mùa, có điều, những thứ này rốt cuộc lại chính là đao cùn hại người, từ từ cho tới lúc quen rồi thì cũng chẳng cảm thấy đau nữa, vừa khéo khiến đám người cai trị cao cao tại thượng an lạc, còn bọn dân đen bên dưới thì ngoan ngoãn phục tùng, cứ thế lại thành ra có chút phong vị của buổi yên ả thời bình. Nghe bảo người Kim ở Hoài Bắc mạn ấy mấy năm nay duệ khí cũng đã giảm, không còn được như trước. Giang hồ mênh mang, trời phân nam - bắc, một đoạn thời gian ấy, phường xu danh hám lợi càng nhiều thêm mà kẻ sĩ bi ca khẳng khái lại thành ra lác đác. Người ta tranh giành nhau, chẳng qua chỉ là trong khoảng sinh nhai hữu hạn, bo bo cái mạng nhỏ của mình, chẳng ai chú ý tới cái gọi là đại kế lập thân báo quốc. Không sai, đó là loạn thế, đại nạn ở trước mắt. Đến một ngày người Kim vượt sông mà xuống thì sao? Trong chốn triều đình, cung trướng nội loạn xảy ra thì thế nào? Quân thần nghi ngờ lẫn nhau ngày một sâu thì phải làm sao? Tô thuế đến mức tan cửa nát nhà lại ra thế nào? Loạn dân kêu than khắp chốn lại phải làm sao?... Dẫu là ai thì cũng không thể nắm vững được kết quả chính xác. Nhưng cũng chính vì thế, con người ta mới càng vin lấy cảnh phồn hoa thoáng chốc ấy, giống như cảnh ca múa trong lầu ngoài các kia, phong hoa tuyệt thế, đẹp đẽ mỹ diệu, thế nhưng ai cũng biết đó chẳng qua chỉ là một thoáng mỹ cảnh, chẳng ai níu nổi dòng nước đang trôi. Có điều vì một thoáng mỹ cảnh ấy, thật không biết đã có bao nhiêu thiếu niên đa tình, quan lớn vinh hiển, tăng nho danh sĩ, sơn dã cao nhân không tiếc ngàn vàng so giá, ngồi la liệt bên lầu, mong cầu chẳng qua cũng là khoái lạc trong chớp mắt mà thôi... Lại cũng chẳng có ai đi tính toán, xem xem vì một chốc khoái lạc ấy, rốt cuộc đã tốn mất bao nhiêu thời gian, mài đi bao nhiêu tráng chí. Đây là thời kỳ thái bình giả tạo, khoảng lặng giữa sóng động. Chỉ có triều đình là vẫn còn đang tô vẽ cho cảnh quốc thái dân an thịnh trị, mơ một giấc mộng đẹp rằng bốn bề ngăn nắp ổn yên. Kỳ thực chẳng lẽ chốn đồng ruộng khe hoang toàn là dân lành cả? Không thể tin được... Tới cả trẻ thôn lão xóm cũng rất thích nghe chuyện hiệp khách hồng nhan, mà lại chẳng biết những thăng trầm, hào sảng rung động ấy luôn xảy ra ngay bên cạnh họ... Ngày hôm ấy, Giang Tô một dải, trên dòng Ngô Giang có một chiếc thuyền nan nho nhỏ đang dập dềnh. Ngô Giang vốn thuộc một nhánh của Thái Hồ, nước trong sóng nhẹ, nhưng mấy năm nay, nhiều bận gặp cảnh vó sắt giẫm đạp, cũng từng mấy phen cả dòng nhuộm đỏ. Từ trên thuyền trông ra, đôi bờ ruộng tốt, cỏ mọc um tùm, nhà dân thưa thớt, trời sầm mưa tới. Người trên thuyền than một tiếng, ngâm: “Bờ kia nếp đã trổ đầy, bờ kia ruộng lúa hây hây căng tràn.(1)” Câu này ở trong Kinh Thi, tỏ ý tiếc thương cái thế phải mất nước. Người trên thuyền nhìn dáng vẻ như kẻ đọc sách, thân hình cao lớn, áo quần đơn giản, sạch sẽ, tuy là một thân ăn vận văn sĩ nhưng lại không thấy cái khí chất nhỏ nhen, kém cỏi. Con thuyền nhỏ men bờ Nam xuôi theo dòng, dọc đường vắng bóng người, chỉ vì gần đây có lưu truyền tin đồn rằng: Nhiều người nói quân Kim kéo xuống phương Nam, chẳng mấy chốc là tới, bởi thế cả chặng đường không một bóng khách buôn. Người trên thuyền không khỏi thở dài một tiếng, kiểu tin đồn này một năm không biết lan truyền bao lần, thật đúng là thần hồn nát thần tính, trông cỏ cây mà cũng ngờ là binh lính. Nguồn cơn của lần đồn thổi này là do gần đây, sứ thần nhà Kim là Bá Nhan tới Lâm An đốc thúc việc triều cống. Lúc ấy nhà Nam Tống giữ mối quan hệ nước chú nước cháu với nhà Kim, hằng năm đều phải tiến cống cho nhà Kim số lượng lớn cống phẩm, ấy vậy mà lần này trong triều đình lại có người khăng khăng cản trở, Bá Nhan nổi giận, lời nói ra ngầm chứa ý uy hiếp, người Nam Tống đa phần thuộc phái sợ đánh, cho nên nhất thời sợ bóng sợ gió, dân chúng chẳng được sống yên ổn. Người khách nọ ngóng về bờ bắc, bỗng nhìn thấy xa xa có một người một mình cưỡi một con vật, đang thong dong đi trên bờ ruộng. Hai bên cách xa, lại có cây ngăn giữa, con đường ven bờ khi ẩn khi hiện, từ trên thuyền nhìn sang, một người một vật cũng theo đó mà lúc thấy lúc không. Lúc thấy được thì cũng rất mơ hồ, không phân định rõ dáng hình, diện mạo, chỉ cảm thấy người nọ tựa hồ đã hòa thành một thể với con vật cưỡi. Mà điều khiến người ta thấy kỳ quái chính là con vật kia, vừa giống ngựa mà lại không ra ngựa, cao dị thường. Mấy ngày nay âm u mưa gió, con đường nhỏ giữa ruộng hẳn phải bùn lầy lắm, người đi ắt cũng trơn trượt, ấy vậy mà tuyệt không thấy con vật nọ chao đảo, làm kinh động tới người cưỡi chút nào. Con thuyền đi đã lâu, khách trên thuyền cứ thế ngắm một người một vật kia từ đằng xa, chỉ cảm thấy cứ nhìn kiểu này, bọn họ giống như một quầng đen nhàn nhạt, trong cơn mưa phùn miền Giang Nam này, khiến người ta có cảm giác lạ lẫm và trống trải khôn tả. Ở đuôi thuyền là lão lái thuyền, trời lạnh nhường này vẫn cứ để chân trần mà đứng, đôi mắt đăm đăm nhìn dòng sông, toát lên vẻ bần hàn khó tả. Lúc sắp tới Trường Kiều của Ngô Giang, lão lái mới hỏi: “Quý khách, nghỉ một chút nhé?” Vị khách gật đầu, lão lái mới chống chèo khỏa nước, vào tới bờ rồi vo gạo nhóm lửa, nấu một bữa cơm. Củi gỗ tùng ẩm ướt, khói bốc mù, lão lái nọ bị hun tới mức nước mắt giàn giụa. Một lúc sau thì thôi không quạt bếp nữa, lại bưng ra một cái hũ nhỏ, bốc ra mấy lát cá muối, chuẩn bị rán chín rồi mời khách dùng cơm. Cầu Trường Kiều này là nơi thương khách ắt phải đi qua, vốn cũng là một nơi danh thắng nhưng vì nhiều năm binh hỏa, tới nay chỉ còn lại ba, bốn gian nhà ngói, mười mấy chỗ rào đất, cổng vắng chiều về, khiến người ta thấy mà hoài cảm. Văn sĩ bèn hỏi thăm một phụ nữ đang vo gạo bên sông: “Cả ngày nay không có khách nào qua đây sao?” Người phụ nữ nọ đảo đảo gạo, liếc mắt đánh giá hắn một lượt, lắc đầu nói: “Từ hôm qua tới nay cũng chỉ có một đám sứ thần phương bắc với quan binh triều đình đi hộ tống, định ăn xong cơm, nghỉ chân chút rồi đi tiếp. Lại hiềm nơi này nhỏ, bèn tới tiệm Thất Lý ở thôn đối diện rồi.” Văn sĩ nọ trông sang bờ bên kia, xa xa tầm hơn hai dặm có một thôn nhỏ, khói bếp đang lên, khoảng cách tuy xa nhưng bởi nơi này là một dải ruộng bằng nên vẫn nhìn thấy rõ. Rồi lại nghe người phụ nữ kia thở dài một tiếng, nói tiếp: “Dù lưu lại đây cũng làm gì có ai dám chiêu đãi? Lần trước mấy nhà ở Triệu Gia Kiều không biết có chỗ nào không chu đáo, đắc tội với thông dịch, bị hắn xúi người Kim, đem già trẻ lớn nhỏ nhà ấy treo lên, đánh chết biết bao người, cũng có ai dám quản đâu? Sống trong thời thế như bây giờ, thật đúng là nghiệp chướng mà!” Văn sĩ không khỏi trầm mặc, quay đầu nhìn cây cầu, cầu xây bằng đá, lan can đã có mấy chỗ sứt hỏng, trên trụ cầu buộc thuyền lờ mờ viết đầy chữ là chữ, thế bút ngang dọc, dấu mực lâm li. Đọc từ đầu, hóa ra là khúc Thủy Điệu Ca Đầu: Bình sinh Thái Hồ thượng, đoản trạo kỷ kinh qua, ư kim trùng đáo hà sự? Sầu tỷ thủy vân đa. Nghĩ bả hạp trung trường kiếm, hoán thủ biển chu nhất diệp, quy khứ lão ngư xoa. Ngân ngải phi ngô sự, khâu hác dĩ tha đà. Khoái tân lô, châm mỹ tửu, khởi bi ca: Thái bình sinh trưởng, khởi vị kim nhật thức can quả! Dục tả tam giang tuyết lãng, tịnh tẩy Hồ trần thiên lý, vô vị vãn thiên hà. Hồi thủ vọng tiêu Hán, song lệ trụy thanh ba. (Thái Hồ bầu bạn một đời Chèo con một chiếc dong chơi bao lần Như nay trở lại phân vân Vì đâu sầu lại hơn phần nước mây Đem trường kiếm trong hộp này Mà đi đổi lấy cho tày thuyền nan Ông chài áo rạ về nhàn Này đây thao, ấn hỏi han làm gì Núi khe bầu bạn lắm nghì ... Lát cá mới, rượu ngon này Bi ca một khúc cho hay nỗi đời Thái bình buổi trước thảnh thơi Để cho nay biết rày thời can qua Muốn tháo nước ba sông sóng tuyết Rửa cho trong muôn dặm giặc Hồ Lấy gì mượn nước thiên hà Quay đầu nhìn vũ trụ, lệ đổ sóng sông nhòa.) Cuối bài từ không đề tên, xem như là một sáng tác vô danh. Văn sĩ đọc xong, không kìm được, cũng dậy lên một loại xót xa cảm khái từ trong tâm can, liên tưởng tới thời thế hiện giờ, tựa hồ trong lòng mình cũng có nỗi niềm muốn bộc bạch, chính lúc đang ngưng tâm suy tư, chợt nghe tiếng nhà thuyền kinh hãi thốt lên: “Khách quan, ngài nghe kìa!” Nghiêng tai lắng nghe, dường như ở quán Thất Lý thôn đối diện mang máng có tiếng huyên náo, tuy cách xa nhưng âm thanh vẫn văng vẳng truyền tới. Đầu tiên là tiếng quát câu chửi, rồi dần dần có tiếng kêu thảm, kế đến mơ hồ còn có tiếng hô “cứu mạng, cứu mạng” - hẳn là tiếng thôn dân bị sứ Kim bức hiếp mà kêu gào thảm thiết, kèm theo đó còn láng máng vọng vào tai tiếng cười tục tĩu, giống như sứ Kim vỗ tay, lại như tiếng nịnh bợ của lính Tống, người khách và nhà thuyền nhìn qua, hiểu ra chính là đám sứ Kim đang tác ác như những gì vừa rồi người phụ nữ vo gạo kể, không khỏi nhìn nhau mà thê lương. Lão lái thuyền nọ “í” một tiếng, chỉ thấy một người một thú cưỡi ban nãy xa trông giờ đang từ tốn đi tới, hướng về phía thôn bên kia, đi như thế chẳng phải dê vào miệng hổ sao? Lão lái thuyền lớn tuổi, trung hậu, vội cất giọng gọi: “Này!...” Nhưng lại không dám to tiếng quá, sợ kinh động tới người Kim ở bờ đối diện. Cách quá xa, người kia chắc không nghe thấy, hai người trên thuyền vội vã, định đồng thanh gọi lần nữa thì bỗng thấy thôn đối diện hiện lên ánh đỏ lóa mắt, xen lẫn khói đen cuồn cuộn, hóa ra là cháy! Thế lửa chớp mắt đã bùng lớn, trong cái ngày ẩm ướt thế này, chắc hẳn đã có người cố ý phóng hỏa mới vậy. Lão lái sững sờ, kinh hãi đứng đơ ra, văn sĩ cao lớn nọ vỗ mạnh lên mạn thuyền, tức giận không thốt nên lời. Cứ thế được một lúc, lại thấy một người một vật cưỡi ở bờ kia không những không dừng mà ngược lại bỗng nhiên tăng tốc, nhanh như gió cuốn, vượt xa ngựa thường, xông thẳng vào cái thôn nhỏ đó, chớp mắt đã chìm vào biển lửa, chẳng thấy bóng dáng đâu nữa. Hai người trên thuyền “úi” một tiếng, thắc mắc người nọ định làm gì, đây chẳng phải là tự mình nộp mạng sao? Họ đang ôm lòng thương xót, đợi người nọ kêu cứu thì... tiếng kêu thảm ở thôn đối diện chợt ngưng bặt, bèn nghĩ chưa được bao lâu, trong thôn người chết đã chết, người chạy đã chạy, chẳng còn một ai. Mơ hồ chỉ có một trận cười vọng vào tai, nghe ra có sự tàn nhẫn với lăng nhục khiến hai người trên thuyền quên mất mình đang ở nơi nào, nước nào! Tiếng cười văng vẳng kia bỗng nhiên ngắt quãng, ngay sau đó hóa thành tiếng kêu giận, kế tiếp chẳng phải là tiếng kêu thảm mà là từng tiếng từng tiếng kêu rên đau đớn, xen với tiếng chửi rủa của người Kim, còn có tiếng phụ họa của lính Tống. Hai người ở xa xa chỉ nhìn thấy trong ánh lửa ngút trời trước mặt tựa như có cái gì đó loang loáng, bay đông đảo tây, chớp lượn sét giáng, mỗi lần ngừng lại là kèm một tiếng kêu thảm vọng tới, the thé thảm thiết, còn lớn, còn điếc tai hơn hẳn tiếng cười của chúng khi nãy. Thôn nhỏ yên bình bỗng biến thành sa trường biên cương khiến lão lái thuyền run lên cầm cập, văn sĩ nọ cũng sợ hãi trong lòng, lẩm bẩm: “Kiếm khí tung hoành? Kiếm khí tung hoành!”... Đây rõ ràng là do người ban nãy giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha rồi. Chỉ thấy tiếng người ồn ào trong đám lửa, tuyệt không thấy bóng người nào có thể thoát ra ngoài thôn. Cách một lúc lâu, sau một tiếng gào rên đặc biệt dài, trừ ánh lửa ảm đạm trước mặt, nước sông dào dạt cạnh thân, trong vòng mười dặm, chẳng còn tiếng người. Hẳn là chim bay cũng sợ mà ngây ra rồi, ngọn cây lùm cỏ, càng chẳng nghe thấy tiếng vỗ cánh, tiếng côn trùng kêu. Hai người trên thuyền vểnh tai, nghiêng đầu lắng nghe, hồi lâu chỉ thấy có tiếng “lạch cạch, lạch cạch” nho nhỏ truyền tới, ra là con vật nọ đang ra khỏi cửa thôn, dần đi xa, từ từ hóa thành một đám màu đen nhìn chẳng rõ. Sững sờ một lúc, người khách khàn giọng nói: “Sảng khoái, thật sảng khoái!” Quay nhìn đầu cầu, bài từ kia nét mực như mới, thoải mái lâng lâng. Lại đọc lần nữa, chỉ cảm thấy một vầng trăng lạnh áp thẳng xuống đầu, buốt thấu xương; lại đọc lần nữa, bỗng thấy máu nóng muốn xông lên mặt, trung nghĩa phẫn giận mà trào dâng. Người khách ấy lẩm nhẩm: “Thôi rồi, thôi rồi, cái tiếng thư sinh làm lỡ ta rồi! Làm lỡ ta rồi!” Lão lái thuyền chỉ sợ rầy rà sẽ lắm chuyện, chẳng buồn đợi cơm chín, bèn tháo dây buộc thuyền. Chỉ có vị khách đem khúc Thủy Điệu kia mà bi ca ba lượt, khẳng khái chẳng nguôi. Chẳng ngờ bên bờ có người qua đường nhận ra hắn là danh sĩ Trấn Giang, tên Thẩm Phóng tự là Ngạo Chi, đêm ấy lúc ở trọ lại nghe được chuyện giết người phóng hỏa ở quán Thất Lý, trong lòng đoán mò, đồn đoán cứ thế mà truyền đi, tới ngày hôm sau tin tức đã không cánh mà bay, còn bảo ngày này tháng này, Thẩm Phóng một người một ngựa, áo xanh nhuốm máu, tại quán Thất Lý bờ bắc Trường Kiều của Ngô Giang chém giết sứ Kim hai mươi mấy tên, một gã Thiên phu trưởng, còn như lính Tống hộ tống phải tới nghìn, kiếm khí tán phát, vung bút đề từ rồi ngồi thuyền mà đi. Chẳng mấy chốc, lời đồn truyền tới kinh sư, Thiên tử Cao Tông xem bài từ rồi trầm mặc, chẳng nói chẳng rằng, truyền đem bài từ cho Thừa tướng xem. Tần Thừa tướng cũng lập tức phái xuất Đề kỵ, ngầm ra lệnh tìm hỏi. Chỉ trong một khoảng thời gian, một khúc Thủy Điệu được ca vang khắp đại giang nam bắc!