Chương Mười Hai

Càng về trưa, biển càng êm nên hầu hết mọi người đều lên trên sàn ghe ngồi. Tôi không thể nào dùng chữ boong thay cho chữ sàn bởi vì chiếc ghe quá nhỏ. Là chiếc F8, như lời ông chủ nói, bề dài của nó chỉ khoảng bảy mét và ngang khoảng hai mét rưỡi mà thôi. Loại ghe F này thường tụ rất nhiều ở chân cầu Xóm Bóng, không bị công an để ý vì máy ghe chỉ có thể dùng di chuyển loanh quanh đánh cá trong hải phận chứ không thể ra khơi xa như những chiếc ghe lớn có máy lực mạnh mà dân biển thường gọi là lốc (Bloc). Tôi không biết những chiếc tàu lớn đàng xa có thấy được chiếc ghe chúng tôi trong một sự vô tình nào đó hay không. Nhưng khi nghĩ đến những lời bàn tán của một số người trong thành phố biển trước khi đi như: “Lòng nhân ái của con người đã kiệt cạn rồi! Bây giờ không còn chiếc tàu nào muốn cứu thuyền nhân nữa đâu!”, “Trại Tị Nạn còn đóng cửa mà huống hồ gì các thuyền trưởng của các chiếc tàu! Họ cứu mình rồi đưa đến chỗ nào? Không lẽ đưa về nhà họ?” hay “Nếu muốn vượt biển, phải cập đến bờ Phi và khai là đi trước ngày một tháng tư, ngày Cao Uỷ Tị Nạn ban hành luật đóng cửa, thì may ra các trại Tị Nạn ở đó còn nhận mình vào!” thì lòng tôi chùng xuống hoàn toàn.
Ông chủ ghe lặng lẽ đến bên vợ ông và xoa đầu đứa con Út của ông khiến tôi nghi ngờ là chuyện đến bờ Phi là một điều không thể nào thực hiện, cho dù tiếng máy ghe vẫn còn đang nổ và chiếc ghe vẫn lướt sóng băng băng trên mặt biển. Nhìn kỹ khuôn mặt người điều khiển chiếc ghe qua trận bão biển vừa qua, tôi cảm thấy có một điều gì sâu kín dằn vặt nội tâm ông. Mặc dù đầu tóc bờm xờm, râu lởm chởm hai bên mép và vài chỗ lỗ rỗ trên khuôn mặt nám đen tạo cho ông cái vẻ hung dữ, những câu hỏi ân cần mà ông dành cho vợ con ông cho tôi thấu được tình cảm nồng nàn của ông dành cho họ. Qua đối thoại của hai người, tôi biết được là họ có tất cả bảy đứa con và cùng đem chúng theo. Những đứa nhỏ đang nằm la liệt trên sàn được chăm sóc bởi những người đi cùng mà hầu hết là bà con của ông và vợ ông. Tôi không thể đoán được ông là ai và đã làm gì trước ngày ba mươi tháng tư năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm, nhưng không tin ông là ngư phủ bình thường khi nghĩ đến cách ông điều khiển chiếc ghe mỏng manh vượt qua những ngọn sóng khổng lồ và sự tính toán kỹ lưỡng của ông trong chuyện vá những miếng vải bố lát của những chiếc bao gạo cũ thành một cánh buồm cân đối cho chiếc ghe. Chiếc buồm này có lẽ đã được cuốn trong sàn như những mảnh giẻ bừa bộn để tránh khỏi sự kiểm soát nếu có. Sự thông minh và tài trí của ông có thể xem như bù lại số người mà ông cho đi theo ngoài giao kèo. Và có lẽ cũng nhờ số người nhiều hơn số mười bốn người theo qui định mà chiếc ghe của chúng tôi đã tạo được sức cân bằng khi đối chọi với cơn sóng to gió lớn vừa qua. Dù sao thì chẳng ai hiểu được số phận lành dữ như thế nào trong những ngày sắp tới. Khi tiếng máy ghe bất thần ngưng lại thêm một lần nữa thì mọi người đều hiểu là tử thần đang chờ đợi mình dù chẳng hiểu bao lâu. Vẫn như lần trước, tất cả đàn ông con trai chui xuống hầm máy, loay hoay tìm đũa tre và dây thun nối chỗ bị đứt lại. Nhờ cách này, ghe chúng tôi đã đi được gần mười tiếng đồng hồ kể từ lúc máy ngưng chạy lần đầu tiên. Khi đũa tre và dây thun trên ghe cạn kiệt, máy ngừng chạy hẳn. Lần này không phải chỉ vì cái “cò xú bắp” mà cái béc dầu máy bị hư nên thời gian ghe ngừng chạy rất lâu. Ông chủ ghe không hề chuẩn bị phụ tùng sửa máy nào trên ghe nên chồng tôi đã phải lấy chiếc dao xếp mà anh bọc kín trong túi quần để cho ông mở ốc các bộ phận máy. Lần nào ôm Tinô đi vượt biển, vợ chồng chúng tôi cũng lận theo chiếc dao xếp loại nhà binh này theo. Nó là kỷ vật của cha chồng tôi sau khi ông tử trận và là vật mà chúng tôi bí mật cất giấu để bảo vệ tính mạng cho Tinô khi chúng tôi vượt biển với những người không hiểu gốc gác ra sao. Từ những nguồn tin đồn về những đứa nhỏ bị xẻ thịt và chia phần bởi những người đói lâu ngày trên ghe, chúng tôi đã giao hẹn với nhau là giấu kín chuyện đem dao theo và chỉ sử dụng nó khi buộc phải bảo vệ cho Tinô thôi. Khi thấy chồng tôi trao con dao cho ông chủ ghe, tôi lo lắng vô cùng; tuy nhiên, tôi hiểu là anh không thể làm khác hơn khi vận mệnh của chiếc ghe là vận mệnh chung cho tất cả những người đang ở trong lòng của nó.
Mỗi lần máy ngưng, ông chủ ghe thường hối những người phụ lái cố sức chèo dầm đồng thời kêu gọi hai thanh niên còn lại là Thiện, cháu anh Thảo, và Hùng, cháu ông xuống khoang múc nước tạt ra khỏi ghe vì ông nói là nước theo chân vịt vào khoang rất nhiều. Bởi không tin vào tướng “bạch diện thư sinh” của hai người thanh niên này nên ông chủ ghe phải kêu Tài, đứa bé độ mười hai tuổi, phụ thêm tay vào. Tài có khuôn mặt tròn trĩnh, cử chỉ nhanh nhẹn, và thái độ tươi vui. Nhìn nó ngóc cao đầu nhìn tứ phía trong khi ngồi cạnh mạn gần mũi ghe mà chẳng ai la bắt vào ngồi sát vào trong sàn, tôi đoán nó là đứa bơi thạo. Sự phỏng đoán có đúng không thì tôi không chắc, còn thực tế tôi biết rõ Tài là đứa có đôi mắt tinh tường như đeo ống nhòm ngay ở trong con ngươi. Hễ mỗi lần nó kêu “Có tàu! Có tàu!” mọi người tưởng bị lừa vì nhìn quanh chẳng ai thấy một điểm gì trên mặt nước xanh mênh  mông; thế mà chỉ nửa giờ sau một chiếc tàu thủy lớn hiện rõ ra. Từ lúc ở dưới khoang cho đến lúc lên trên sàn ghe, nó thường kết nhóm với đám con ông bà chủ ghe, những đứa cùng trang hay nhỏ hơn, và giúp những đứa này di chuyển từ nơi này đến nơi khác khá nhiều lần. Bởi không nề hà bất cứ chuyện sai bảo nào nên vừa nghe ông chủ ghe kêu là nó thoắt ngay xuống hầm máy, lấy cái gàu cạnh đó, lật đật tạt nước ra khỏi khoang ghe ngay. Có lẽ vì quá lo lắng đến sự sống còn của chiếc ghe mà nó không ngừng cúi, múc, đổ, tạt nhanh nhẹn chẳng khác gì các thanh niên trưởng thành. Trong khi nó tạt nước ào ào ra ngoài thì anh Thảo và chồng tôi hỏi ông chủ ghe cái gàu mà họ đã đặt tất cả những con ốc vít và các bộ phận khác của máy vào vì sợ chúng lăn lóc lung tung. Khi lục soát hết tất cả những chiếc gàu trên ghe, họ mới hỡi ôi rằng tất cả những bộ phận quan trọng của máy đều bị trút xuống lòng đại dương từ nơi cái gàu mà Tài đang dùng. Biết mình bất cẩn Tài tiu nghỉu một cách thảm thương. Nó không hề đáp lại một lời nào khi nghe những lời than van của những người đàn ông. Nhìn nó tạt nước với khuôn mặt buồn xo, không một ai nỡ la trách.
Chồng tôi leo trở lại chỗ chúng tôi ngồi với khuôn mặt thiểu não. Anh nói là dù Tài không đổ những con ốc xuống biển thì máy cũng không thể nào hoạt động lại được vì béc dầu đã hư toàn bộ, không phun được nữa. Ông chủ ghe kêu gọi tất cả các đàn ông thanh niên trên ghe thay phiên cầm lái và chèo trong khi dựa vào sức gió để chạy bằng buồm. Anh Thảo nói là gió vẫn đưa buồm đi đúng hướng và ghe đã đi được nửa chặng đường. Những người đàn bà nghe những người đàn ông nói sao thì nói, không hỏi han hay bàn luận gì.  Còn tôi, tôi chẳng hiểu nửa chặng đường là đã được bao hải lý nhưng nhìn cách chèo uể oải của những người thanh niên, mức di chuyển ì ạch gần như bất động của chiếc ghe và sự vô tận của mặt nước biển, đoán là phải đến một năm tròn ghe chúng tôi mới đến bờ Phi được, nếu không bị giông tố. Những người phụ lái, có lẽ cũng cùng ý nghĩ như tôi, không hề tỏ ra sốt sắng đẩy mái chèo như trước đó. Có lẽ vì tuyệt vọng trước sự mênh mông của đại dương cộng thêm sự mệt mỏi của thân thể, họ không muốn phí sức cho việc làm vô ích và vô vọng này. Tôi đã cố gắng động viên họ bằng cách chia sẻ đường chanh và sâm nhưng họ chỉ nhận chanh đường vì không quen vị đắng của sâm. Bất kể lời hối thúc của ông chủ ghe uy quyền thể nào, không còn tác dụng với họ như lúc ban đầu. Nhìn thái độ im lặng với vẻ bất tuân và bất cần của họ, tôi chợt nhớ đến con dao bấm của chồng tôi. Hỏi anh nhiều lần tôi mới biết là con dao đã bị mất sau khi nhiều người chuyền nhau mở các bộ phận của máy. Nhớ đến cái mũi nhọn hoắt, cái lưỡi sắc lẻm và sự gập gọn của con dao, tôi lo lắng hỏi anh hoài về sự thất thoát kỳ lạ ấy. Với khuôn mặt ưu tư chẳng kém gì tôi, chồng tôi nói là không hiểu lý do gì và cho mục đích gì mà người nào đó đã giữ luôn con dao xếp trong khi anh chắc chắn rằng nó không ở trong cái gàu nước mà Tài tạt xuống biển. Rụng rời tay chân, tôi cuống cuồng lo lắng khi liên tưởng đến vật mình mang đi phòng thân trở thành vật công kích mình trong những ngày lộn xộn trên ghe.
Khoảng từ mười hai giờ trưa đến bốn giờ chiều ghe chúng tôi gặp rất nhiều tàu lớn qua lại khiến tôi nghĩ nơi đây là dòng nước chính của đại dương hay “ngã tư” của Hải phận quốc tế. Sự xuất hiện của những chiếc tàu lớn thường gieo cho tôi nhiều hy vọng nhưng chúng đã lần lượt để lại trong tôi nỗi buồn lo, thất vọng và tuyệt vọng vì sự làm ngơ, tảng lờ và khuất bóng của chúng. Dường như đối với người trong những chiếc tàu lớn ấy, ghe chúng tôi là một cánh buồm du ngoạn trên mặt biển bất kể hình dạng quái đản của chiếc buồm như thể nào và những đứa con nít trên ghe bơ phờ thảm hại ra sao. Vì quá thấm thía với sự lạnh lùng và dửng dưng của những chiếc tàu lần lượt ngang qua trước mặt mà chẳng một ai trong chúng tôi, kể cả những đứa con nít, vẫy tay xin xỏ hay kêu gọi lòng từ tâm. Tôi thường chỉ các lá cờ trên các chiếc tàu để nói cho bà chủ ghe biết đó là cờ của những nước nào rồi nói thêm về các ngôi sao trên các lá cờ có màu đỏ của các nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Tôi nói, dù biết bà đã biết khá rõ, là nếu chẳng may gặp các chiếc ghe của khối Cộng Sản thì họ sẽ kéo ghe chúng tôi về đất liền và giao cho công an ngay. Bà chủ ghe chăm chú nhìn tôi khi nghe tôi nói mà không hề hỏi gì và cũng chẳng hề cắt ngang một lời nói nào. Một lúc sau, tôi nói là chiếc tàu đang đi ngang trước mặt là tàu Nhật vì tôi rõ lá cờ trắng có vòng tròn đỏ của nước này. Sau đó, tôi đã kể cho bà nghe về tin mà tôi nghe được vài hôm trước đó: Chiếc tàu vượt biển xuất phát tại Long An bị sóng đánh lật úp vào chiếc tàu lớn của Nhật nhưng đến hai giờ sau thủy thủ của chiếc tàu ấy mới được lệnh thả phao vớt người lên. Chiếc tàu Nhật mà chúng tôi đang chăm chú nhìn chắc cũng lớn như chiếc tàu mà tôi đang kể nhưng nó không làm lật chiếc ghe nhỏ của chúng tôi vì lúc ấy không có sóng lớn và ghe chúng tôi không gần sát nó; tuy nhiên, sự lãnh đạm của nó đã xóa hết sự khao khát và niềm hy vọng trong lòng chúng tôi khi nó phớt lờ ngang qua trước mặt chiếc ghe của chúng tôi rồi từ từ đi mất. Trong khi những người lớn chúng tôi khóc thầm trong lòng thì những đứa con nít thi nhau la khóc dữ dội. Đến lúc đó, tôi mới nhớ ra là hơn một ngày trời, chúng tôi, những người lớn, vì no liên tục với sợ hãi, tính toán, vui mừng, hy vọng và thất vọng mà quên cả việc ăn uống. Ông chủ ghe chịu không nổi với những tiếng khóc la vang khắp biển trời của những đứa nhỏ, hò người phụ ông tìm vật dụng nấu cơm. Tuân theo lời yêu cầu của ông, hai thanh niên phụ lái chia nhau tìm nồi, củi và gạo trong lúc để lại chỉ một người cầm chèo. Người chèo này là một trong ba người phụ lái và là một trong hai người dùng ghe thúng đón chúng tôi ra ghe. Vốn không hề nghe anh ta nói gì trong suốt thời gian ở trên ghe nay thấy thái độ lẳng lặng khó hiểu của anh trước sự len lỏi qua lại của hai người thanh niên đang đi tìm kiếm đồ vật, tôi để tâm quan sát anh ta rất kỹ. Đứng trong tư thế trầm ngâm và chán chường, người thanh niên này khoát mái chèo một cách chậm chạp và miễn cưỡng. Theo ánh nhìn buồn bã đang trải dài trên mặt biển của anh, tôi chợt rùng mình vì sợ. Màu tím thẫm của nước cho tôi có ý nghĩ là mình đang ở trên mặt đại dương mà đáy của nó thăm thẳm đến vô tận. Quanh quất nhìn khắp nơi mà không tìm thấy một chiếc tàu nào, nỗi lo sợ của tôi càng lớn hơn. Linh tính rằng biển sắp có chuyện chẳng lành nên các chiếc tàu đã tránh đi nơi khác, mũi tôi nồng lên. Tôi muốn ứa nước mắt cho sự đơn côi và trơ trọi của chiếc ghe của mình. Sự bơ vơ đơn lẻ này chắc chắn sẽ không được cứu giúp và cũng sẽ không thoát được hiểm họa khi biển động trời giông. Còn đang bần thần với những hình ảnh chết chóc trong trí, tôi bỗng thảng thốt giật mình bởi cái nhảy ùm xuống nước. Mọi người trên ghe, chẳng khác gì tôi, đều kinh hoàng dồn mắt xuống chỗ nước đang bắn tung tóe. Trong khi chúng tôi không hiểu nguyên nhân nào khiến người phụ chèo rơi tõm xuống nước thì tiếng la oai oái của ông chủ ghe vang lừng khắp biển:
“Mày làm gì vậy Châu? Bơi đi đâu vậy? Bộ muốn chết hả mày! Bơi trở lại ngay không?”
Châu, người thanh niên đứng một mình chèo ghe trước đó, bơi mãi về phía trước chứ không trở lại. Dồn mắt nhìn theo hai cánh tay quạt nước, và cái đầu trồi lên trụt xuống của anh, mọi người lo lắng không biết anh đang làm trò quái gì dưới làn nước tím rịm chết người như vậy. Tôi hồi hộp không hiểu có phải do quá tuyệt vọng mà anh định tự tử không, nhưng đã hoàn hồn ngay khi thấy anh bơi ngược trở lại. Vài người ngồi cạnh mạn thuyền hè nhau kéo anh lên khi thấy anh bơi đến mạn ghe. Phóc lên sàn, Châu rùng mình, lắc đầu qua lại liên tục theo những tiếng cầm cập trong răng “Ừ hừ hừ hừ hừ... Ừ Hừ hừ...hừ hừ hừ hừ...!”
Đàn ông, đàn bà, và thanh niên thay phiên hỏi:
“Bơi xuống đó làm gì vậy mậy?”
“Bơi đi đâu vậy ông?”
“Bộ muốn bắt cá ăn cho đỡ đói hả?”
Chìa một trái đỏ tròn ra trước mặt, Châu nói:
“Bơi theo trái này nè! Thấy mấy đứa nhỏ khóc quá chịu không nổi nên mới bơi theo để vớt cho tụi nó không ngờ nhảy xuống nước lạnh mới nhớ đến mấy 'ổng' Ứ hừ hừ... Ừ hừ... Phải mà có ông cá mập nào thì tui mất cặp giò chứ chẳng chơi Ừ hừ hừ... Ừ Hừ hừ...”
Trong khi người lớn dồn mắt nhìn trái táo trong lòng bàn tay Châu, vài đứa nhỏ lết đến gần bên anh để nhìn cho kỹ loại trái mà chúng chẳng bao giờ nhìn thấy trong đời. Phút chốc, chiếc ghe của chúng tôi náo nhiệt bởi những lời bàn tán về xuất xứ và nguyên nhân của trái táo. Mỗi người góp một giả thuyết nhưng cuối cùng đều đồng ý là có lẽ một người nào đó trên một trong những chiếc thuyền lớn ban sáng chê trái táo quẳng xuống nước nên nó bồng bềnh trên mặt nước. Vài người khen Châu có con mắt tinh tường nên mới có thể nhận ra trái táo trong làn nước thẫm đen của đại dương như thế. Hòa với sự xôn xao của mọi người, tôi hồi hộp khi nhìn màu đỏ tươi của loại trái mà gần mười bốn năm tôi mới được nhìn lại. Bồi hồi gặp lại vật mình đã từng thấy và từng có, tôi nuôi hy vọng là sẽ gặp lại thêm những gì đã mất. Châu yêu cầu đếm số người trên ghe để cắt táo chia phần. Khi nghe điều này, tôi hy vọng người nào đó sẽ đưa chiếc dao xếp bấm của ba chồng tôi ra nhưng tôi đã thất vọng khi thấy Châu dùng loại dao bình thường mà ông chủ ghe có trên ghe. Trái táo đã được cắt ra làm ba mươi mốt phần theo số hiện diện mặc dù có người đề nghị chỉ cắt mười bốn phần theo số hiện diện của những đứa con nít. Tinô được hai miếng táo mỏng nhưng nó không biết ăn. Vừa nhai một miếng là nó nhè hết ra. Tôi đã cố gắng ép nó ăn để cầm đói nhưng nó nhất định phun ra chứ không chịu nuốt. Cuối cùng tôi đành nhặt các mảnh táo lẫn trong nước miếng của nó ăn lại cho khỏi phí. Những đứa trẻ khác, chẳng khác gì Tinô, khóc la kêu đói chứ nhất định không chịu ăn vật lạ. Phần lớn mấy đứa trẻ này là con ông chủ ghe cho nên khi nghe chúng khóc, ông ráo riết sai người châm dầu vào củi nhóm lửa nấu cơm. Bếp lửa được đặt trên sàn ngay trước buồng lái dưới chân chúng tôi ngồi. Nơi đây có nhiều người ngồi tựa vai nhau quây tròn như thể che gió nhưng thật là chăm chú theo dõi từng động tác của người nấu cơm. Chúng tôi đã hồi hộp nhìn những ngọn lửa thoi thóp bởi những cơn gió tạt bất chợt trong khi quan sát người thanh niên phụ lái đang trút nước biển vào nồi.  Ngồi trên đùi của chồng tôi, Tinô không bỏ sót một động tác nào của những người đang xúm xít nấu cơm. Nó dán chặt mắt vào nắp nồi một cách chăm chú rồi lâu lâu đặt ánh nhìn lên mặt người nấu với sự mong mỏi chờ đợi. Khoảng mười phút sau, khi người thanh niên mở nắp nồi ra khuấy đũa thăm chừng, nó cầm bàn tay của bố nó, mở từng ngón ra rồi nắm bàn tay anh chìa trước mặt người nấu để xin cơm. Nó làm những động tác này rất nhiều lần khiến người thanh niên phải múc cho nó một chén khi cơm vừa chín tới. Chúng tôi đã tuần tự nhận phần cơm mình qua những cái nắp nồi, dĩa, chén hay nắp lon guigoz cũ. Có người vắt cơm thành nắm để đưa lại vật đựng cho ông chủ xới cơm cho những người khác. Ai nấy đều ăn cơm một cách ngon lành dù không có thức ăn kèm theo. Sau khi chia phần xong, những người đàn ông còn thay nhau vét nồi cạy cháy. Họ đã thảo lảo chia thêm cho vợ chồng tôi một miếng cháy nhỏ mà khi nhai tôi cảm thấy như hồn mình bay tận lên trời. Không hiểu do quá đói hay vì bởi chưa từng ăn cơm nấu với nước biển mà tôi cảm thấy chưa có một miếng ăn nào ngon hơn thế ở trên đời.
Chúng tôi ăn vừa xong thì trời vừa chạng vạng tối. Nhiều đám mây đen xuất hiện trên bầu trời trong khi gió càng lúc mạnh hơn và sóng biển càng lúc càng nhấp nhô cao hơn. “Lại thêm một cơn giông!” Tôi lẩm bẩm lời này vì ngờ rằng biển về đêm thường trở nên hung dữ và hay có bão tố. Cái chết vẫn còn ám ảnh trong trí tôi nhưng tôi đã tự an ủi rằng nếu chúng tôi phải chết thì cũng được chết no. Ghe chúng tôi lúc này tiến nhanh hơn trước có lẽ do những người chèo được lại sức phần nào. Xuyên mắt qua bóng tối nhá nhem trước mặt, tôi thấy lờ mờ hai bóng người chèo còn hầu hết đều nằm sắp lớp trên sàn ghe. Trong sự yên lặng của mọi người, tôi chỉ còn nghe tiếng gào của gió và tiếng rì rầm của sóng. Một lúc sau tôi nghe tiếng đối thoại lớn tiếng của ông chủ ghe và anh Thảo. Ông chủ ghe nói là không thể quay mũi ghe theo hướng anh Thảo yêu cầu khi anh này nói rằng nếu tiếp tục đi theo hướng gió thì ghe chúng tôi không thể nào đến bờ Phi. Gió càng lúc càng thổi mạnh và tiếp tục đẩy chiếc buồm đưa ghe đi theo hướng ngược với hướng anh Thảo muốn. Trong lúc vợ ông chủ ghe tìm cách đưa đứa con Út của bà xuống sàn tìm nơi tránh gió, tôi quyết định đưa Tinô trở lại chỗ đuôi ghe. Mon men đến cái góc chẹt, tôi ép mình vào cạnh gỗ của mạn ghe, đưa mắt hoảng loạn nhìn về phía trước. Ngay chỗ buồng lái có vài bóng người mù mờ đang cố gắng túm tụm lại với nhau, trong khi trên đầu họ là cánh buồm liên tiếp nghiêng qua ngã lại theo những cơn quật của gió. Tiếng nói của anh Thảo, ông chủ ghe, chồng tôi cùng vài thanh niên càng lúc càng to như tiếng gào, cốt át cho bằng được tiếng gió và tiếng sóng. Họ cùng bàn cách hạ cột buồm để chiếc ghe thoát ra khỏi cơn gió xoáy. Chiếc buồm thật sự là mối hiểm họa cho chiếc ghe của chúng tôi trong lúc này. Có lúc tôi cảm thấy như mạn ghe nơi mình nằm như muốn chìm trong nước khi chiếc buồm bị gió quật rạp xuống gần sát mặt nước biển. Nhưng rồi nó lại bị nghiêng sang hướng đối ngược vì chiếc buồm bị gió tốc sang phía ngược lại. Thực tình là tôi chẳng hiểu sự ngã nghiêng của cánh buồm lúc đó do những cơn gió dữ tợn hay vì sự lay động bởi những người đàn ông đang vật vã tìm cách hạ nó xuống. Đến khi tôi không còn thấy cánh buồm và không còn nghe những tiếng phần phật kinh khủng của nó nữa, thì chiếc ghe của chúng tôi không còn bị chòng chành và nghiêng ngã nhiều như trước nữa. Yên tâm phần nào vì chiếc ghe không còn bị ảnh hưởng bởi những cơn gió kinh hồn, tôi vẫn còn sợ những cơn sóng lớn đang đe dọa xung quanh ghe mình. Những cơn mưa nước mặn bắn liên tục vào trong ghe khiến tôi cùng mọi người dí sát vào nhau hơn để tránh nước và đở bị lạnh. Tựa sát vào người đang nằm cạnh bên, tôi vừa chọc mắt vào cái không gian đen thùi trước mặt và vừa lắng tai nghe ngóng những gì đang xảy ra. Trong lúc quen thuộc với tiếng rít của gió và tiếng gầm của sóng, tôi bỗng nghe tiếng cầu cứu rất thống thiết và thê lương vang lên từ một nơi rất xa xôi và thăm thẳm của màn đêm. Cố gắng lắng nghe thật kỹ để phân định đâu là tiếng sóng, tiếng gió và tiếng người trong giây lát, tôi phỏng đoán tiếng khẩn cầu bi thương kia xuất phát từ một người nào đó ở trên ghe bị loãng ra xa bởi sự chuyển động của gió nên trở thành âm thanh quái dị và kinh đảm. Lập luận chưa làm dịu tinh thần lo lắng của tôi được bao lâu, tôi đã giật mình khi nghe tiếng hỏi của anh Thảo:
“Anh Hùng có nghe tiếng kêu cứu không vậy? Tôi nghe nhiều tiếng khóc than kêu cứu tội nghiệp quá.”
Sau khi nghe câu hỏi này tôi cố gắng lắng nghe câu trả lời của ông chủ ghe nhưng chẳng có một lời đáp lại nào ngoài tiếng gió hú, tiếng sóng gầm và tiếng kêu cứu hết sức thống khổ và ma quái. Tiếng nói rất lớn của anh Thảo lại vang lên
“Tôi nghe tiếng kêu cứu từ phía này nè. Chắc là có chiếc ghe nào vượt biên như mình đang bị chìm. Anh có thể nói mấy anh em chèo về phía đó để giúp họ không?”
 Tôi không biết anh Thảo chỉ hướng này là hướng nào vì màn đen hoàn toàn mù mịt trước mắt tôi, nhưng tôi cảm thấy gai ốc nổi đầy mình khi quả quyết rằng từ chiều tôi không thấy chiếc ghe hoặc chiếc thuyền nào khác ngoài trừ chiếc ghe đơn độc của chúng tôi trên mặt biển mênh mông. Hơn nữa, tôi không hiểu làm sao chiếc ghe nhỏ xíu đang nghiêng ngã qua lại trong trong biển nước đầy sóng cao như lúc ấy có thể cứu thêm người. Một hồi sau, tiếng giục cứu người của anh Thảo và tiếng kêu cứu của những ai đó đều chấm dứt, và còn lại chỉ là tiếng than não nề của anh ta:
“Ghe mình bị lạc hướng rồi!”