Chương 12

- Con ngồi xuống đây đi.
- Ông Lâm Hải nói.
Yên Hoa ngồi xuống ghế đối diện ba mình.
- Sao con không về nhà mà ở đây là nhà của con mà.
Câu hỏi thứ hai của ông được cô đón nhận cũng như câu hỏi trước, chỉ là sự lặng im. Ngôi nhà với phòng khách khang trang này có thể gọi là nhà của cô sao, khi trong suốt hai mươi ba năm dài, cô chỉ vỏn vẹn ở đây bốn năm?
- Ba tìm con chỉ lại nói những điều này sao?
- Cô nói.
Ông Lâm Hải nhăn mặt:
- Sao con cứ mãi cứng đầu ương bướng như vậy. Nhà mình thì mình cứ về ở, sao lại học theo người khác mà sống một thân một mình bên ngoài, thân con là con gái, như vậy đâu có phải là tốt đâu.
Cô lắc đầu nhỏ nhẹ:
- Con có nói qua với ba rồi mà, con thích cuộc sống như vậy, con muốn tự lập.
Ông Lâm Hải bực bội cao giọng:
- Tự lập, tự lập, lại cũng vẫn những câu nói này, bộ con thấy chui rúc vào cái khu chung cư ấy, sống chung với mấy đứa con gái lêu lổng là tốt đẹp lắm sao?
Yên Hoa hơi cau mày:
- Ba đang xúc phạm đến bạn con đấy.
Ông Lâm Hải nổi giận:
- Cái gì? Bộ tôi nói không đúng sao? Cô gái đó con đã từng nói dối với ba là bạn học của con nhưng thật ra cô ta làm ca sĩ ở mấy nhà hàng, quán bar gì đó.
Yên Hoa nhún vai:
- Tố Trang thật sự là bạn học cũ của con, bạn từ thời Trung học ở Huế, điều này làm sao ba biết được.
Câu trả lời của cô như chạm vào điểm yếu nào của ba cô, ông càng tức giận:
- Mặc kệ cô ta có là bạn của co hay không nhưng ba không muốn con ở chung với cô ta nữa. Trước đây con đòi ra ở riêng, ba đã không đồng ý, nhưng nghĩ lại có thể những chuyến đi nước ngoài của ba làm con buồn và cô đơn, con cần bạn bè nên ba cũng đành nén lòng cho con đi. Có ngờ đâu con gái của ba lại đi ở chung với hạng người như cô gái đó.
Yên Hoa mím môi đứng dậy:
- Tố Trang là bạn con, nếu ba gọi con tới chỉ để nói những câu không tốt về nó thì con xin lỗi con phải về thôi.
Ông Lâm Hải đập tay xuống bàn thật mạnh và quát lên:
- Tôi là ba của cô, nói sự thực về đứa bạn hư hỏng của cô một chút mà cô đã gằm mặt xuống như vậy sao? Cô ngồi lại đó cho tôi.
Yên Hoa bình tĩnh lắc đầu:
- Xin lỗi ba vậy.
Cô vừa quay mình, ông Hải đã chụp cái lọ hoa trên bàn ném ra phía cửa. Lọ hoa va vào bức tường trắng rơi xuống vỡ tan tành, Yên Hoa quay phắt lại:
- Ba làm như vậy là ý gì? Định đánh con ư?
Ông Lâm Hải la lên:
- Tại sao cô là con tôi lại không nghe lời tôi? Đi sống lang thang như vậy có gì tốt đẹp đâu, tại sao cứ bỏ nhà mà đi ở bụi đời như vậy?
Yên Hoa đứng thẳng người nói:
- Sống như vậy con mới là chính con, cuộc sống có tự do, có điều kiện để con vươn lên lập thân.
Ông Lâm Hải mỉa mai:
- Vươn lên lập thân hay là hành hạ thân xác mình đến té xỉu ngoài đường?
Yên Hoa nhíu mày:
- Ba nói gì? Tại sao ba biết chuyện này?
Ông Hải quát lớn:
- Dĩ nhiên là tôi biết những chuyện về cô rồi, nếu không có ngày báo chí đăng tải con gái Lâm Hải lang thang bụi đời té ngã ngoài đường vì một chứng bệnh tầm thường nào đó mà tôi còn không hay thì sao? Còn mặt mũi gì nữa?
Yên Hoa bật ra tiếng cười khan:
- Thì ra ba cố tình theo dõi con vì sợ con làm ô danh ba. Thôi được, nếu ba muốn thì hôm nay con sẽ nói với ba tất cả nhũng gì mình muốn nói, những gì mà vì tiếng gọi "ba" con đã cố nén lòng bao lâu nay.
Cô nhìn thẳng vào ông:
- Ba có biết điều gì con thất vọng về ba nhất không, sau những năm ba biền biệt và những năm con theo mẹ vào đây sống với ba?
Ông Hải im lặng, cô chua chát lắc đầu:
- Đó là cái tính quá xem trọng sự nghiệp của bạ, trong khi con gọi điện báo tin mẹ trở bênh nặng và nhắn ba về gấp, ba đã làm gì?
Ba của cô đờ người ra như không thể trả lời. Càng nói Yên Hoa càng phẫn uất:
- Ba bay về ngay để lo cho mẹ hay ba cứ trấn an con rằng ba đã gọi học trò của mình đến khám, rằng mẹ của con không sao? Ba nói đi. Có phải ba vẫn ung dung ở lại với những cuộc họp hành, thuyết trình đó, và chỉ chịu trở về khi mẹ đã mất một cách tức tưởi, ba nói đi?
- Yên Hoa!
- Ông Lâm Hải kêu lên trong đau khổ.
Nước mắt chảy tràn ra đôi má, Yên Hoa lấy tay gạt đi.
Ông Lâm Hải ngồi phịch xuống ghế:
- Chuyện.... đã qua lâu rồi Yên Hoa. Ba biết ba có lỗi nhưng...
Yên Hoa cười nhạt:
- Nhưng bỏ lỡ dịp thăng tiến và củng cố danh vị, ba không đành lòng, có phải ý ba là thế không?.
- Không phải vậy, Yên Hoa.
- Ông Hải kêu lên.
Cô lạnh lẽo ngắt lời:
- Ngày xưa ba ra Huế tục huyền với mẹ, mẹ con cũng có danh chánh ngôn thuận đàng hoàng, nhưng ba vì đứa con gái đang là bác sĩ của ba, ba viện cớ này nọ để không rước mẹ vào sống chung một nhà. Mẹ đã gánh chịu nhiều chua cay lắm rồi. Chỉ đến khi bà chị khác mẹ xấu tính đó bị tai nạn xe mất đi, ba mới đem mẹ và con vào Nam mà thôi.
Cô cười khẩy trong khi nước mắt vẫn còn loang loang trên mặt:
- Bốn năm. Chỉ bốn năm thôi nhưng con cũng hiểu khá nhiều điều về ba mình. Con không biết nếu bà chị xấu tính kia không chết đi, và ba không nuôi mộng cho con vào trường Y nối nghiệp của ba thế vai bà chị đó, thì ba có đem mẹ của con vào sống chung một nhà không?
Cô nhún vai:
- Con biết không nghe lời ba học ngành Y là làm ba thất vọng lắm. Nhưng con nhất quyết sống theo ly tưởng, sống theo ý thích của mình. Nếu ba đã từng bỏ mặc con kiểu mỗi năm về vài ba lần như thuở xưa, thì nay con mong sao ba cứ bỏ mặc con như thế. Ba nợ ở con một người mẹ hiền hậu nhu mì, thì xin ba đừng dùng cái quyền làm cha mờ nhạt đó của mình mà áp đặt bất cứ chuyện gì cho con nữa. Nếu được như vậy là con cám ơn ba rồi. - Như đã nói cạn lời, Yên Hoa quay mình bước ra cửa.
Ông Lâm Hải tê tái cả cõi lòng nhìn theo dáng cô. Ông những muốn kêu tên cô, đứa con gái duy nhất còn lại của ông, những muốn lao ra cản bước chân cô. Nhưng rồi, ông vẫn ngồi chêt trân ở đấy. Đứa con gái ruột của ông vừa chất vấn ông về những sai lầm cũ. Ông đã không thể nào thốt nên lời. Làm sao ông còn có thể bào chữa khi đó đúng là những lỗi lầm mà ông luôn day dứt và hối hận suốt bao năm qua. Làm sao ông có thể phân trần khi ông thực sự đã hời hợt với cú điện thoại hốt hoảng của nó năm xưa, để rồi gây ra một thảm cảnh đau lòng cho cả nó và ông? Làm sao ông nói gì được khi trong ánh mắt nó, ông đọc được lời kết tội dành cho mình? Con gái của ông, đứa con gái không có tính nhu thuận của mẹ, mà lại thừa hưởng của ông sự ngang ngạnh, sự nghiệt ngã đến quyết liệt ấy, nó đã thực sự rời bỏ ông mà ra đi rồi. Còn ông, già nua với quyền uy người cha, ông vẫn ngồi lặng ở đó gặm nhấm sự cô đơn và day dứt, giữa căn nhà rộng thênh thang đến lạnh lẽo.