Một hôm, vào tháng 6, tôi đương ngồi sửa bài tại tòa soạn thì ở dưới đưa lên một người lạ mặt. Anh ta bảo có thư riêng của một người bạn thân nhờ đưa đến. Rồi anh rút từ ống giầy ra một tờ giấy mỏng. Dưới ký tên một người mà tôi cũng không ngờ đến: Anh Dương Đức Hiền. Đã hơn một năm, tôi không được nghe tin tức gì về anh. Rất mừng, tôi vội hỏi:- Anh Hiền hiện nay ở đâu? Có thể cho biết không?- Địa chỉ anh ấy ở đâu tôi không rõ lắm. Chỉ biết anh ấy lên miền Bắc đã lâu, nhưng gần đây thì đã về Hà Đông. Anh cứ theo đúng ngày giờ và địa điểm, nhất định sẽ gặp.Mừng vì có tin tức của bạn trong đảng ngày trước, nhưng lại e ngại vì trong thư nói anh đại diện cho Việt minh để bàn luận về việc cộng tác trong công cuộc chung.Lúc đó, anh Long vắng mặt, nên anh em cử tôi và anh Khái Hưng đi gặp Dương Đức Hiền. Chỗ hẹn là một nơi ở cách Hà Đông độ năm cây số. Chúng tôi đạp xe, gần đến Hà Đông thì rẽ vào một con đường nhỏ, lầy lội, có khúc phải vác cả xe lên vai, lội bùn mà đi. Gắn đến bờ sông Nhuệ, tới một tòa miếu cổ, thì thấy một người mặc quần áo nâu ra đứng đợì. Tuy quần áo khác, nhưng vẫn nhận ra được anh Hiền, gầy hơn, mặt đen sạm, nhưng hai hàm răng lại quá trắng, chẳng cần phải là mật thám cũng biết đây là một nông dân giả hiệu.Chúng tôi ngồi trên thềm miếu, nhìn xuống giòng sông Nhuệ nhỏ nước chảy êm đềm, trông hao hao giống con sông Sen ở quê nhà. Chung quanh vắng không có bóng người, chỉ có một người ngồi sau rniếu, có lẽ là một tay súng hộ vệ. Sau vài lời hàn huyên, anh cho biết là đã gia nhập vào Việt Minh, với tư cách lãnh đạo đảng Dân chủ, và khuyên chúng tôi cùng các anh em Dân chính khác cũng nên tham gia Việt minh, không nên đứng lừng khừng nữa. Anh cầm tờ Ngày Nay trong tay, phê bình chủ trương của nó không triệt để, không cách mạng theo đường lối công nông. Anh nói Việt minh nay đã phát triển mạnh, có căn cứ quân sự, được Đồng minh ủng hộ. Như vậy, tôi biết anh chưa rõ về việc Đại việt dân chính đã hợp nhất với Việt nam quốc dân đảng, và cũng đã đứng về phía Đồng minh. Vì nguyên tắc bí mật, chúng tôi chỉ nghe, không giải thích gì. Có lẽ vì thế mà anh thất vọng, rằn giọng nói:- Nếu các anh cứ lừng khừng như thế mãi, thì có ngày Nhật sẽ beng đầu các anh, mà nếu không thì cách mạng sẽ beng đầu các anh!Đó là nguyên văn lời nói. Chúng tôi hơi ngạc nhiên, vì lại chính do một đồng chí cũ đưa ra. Tôi và Khái Hưng chỉ cười, đưa mắt nhìn nhau: tuyên truyền anh em cũ vào tổ chức mình mà lại dùng cách đe dọa thì thực là hạ sách. Và lối nói tự kiêu, chỉ có mình mới là cách mạng thì thực là chủ quan, và tỏ ra rằng anh cũng không biết gì về hoạt động của các đảng phái quốc gia. Tôi đáp lời:- Cách mạng Việt nam thì có nhiều con đường để đi, không nhất định là phải tham gia vào Việt minh. Song về việc hợp tác, chúng tôi sẽ về bàn với các anh em rồi sẽ trả lời sau.Kết cục, hẹn một tuần sau sẽ gặp lại. Nhưng sau đó, lại nhận được thư của anh Hiền, nói là phải đi lên miền trên có việc cần và sẽ liên lạc sau. Từ đó, không được tin tức của anh nữa, và mấy tháng sau, không ngờ lại gặp anh trong một buổi họp các đảng phái, mà từ bạn hữu đã trở nên đối địch. âu cũng là định mệnh. Chúng tôi cũng muốn hợp tác vì công cuộc chung, góp sức với nhau để đuổi quân xâm lăng ra khỏi nước. Song, thực ra, hai bên có thể chân thành cộng tác với nhau không, lại là một vấn đề khó giải.Qua cuộc gặp gỡ trên, có những điều, mà nếu lúc đó phe quốc gia phân tích và suy xét kỹ, thì cũng có thể giúp ích trong công việc. Một là, Việt minh không biết rõ lắm về hoạt động của Đại việt Dân chính và Việt nam quốc dân đảng, cùng Đại việt quốc dân đảng, điều này chứng tỏ việc tuyên truyền của đảng phái quốc gia không được mạnh. Hai là, Việt minh đương sửa soạn một cuộc hội nghị quan trọng ở Tân Trào, Thái Nguyên, mà tình báo của Việt nam quốc dân đảng chưa biết tới. Theo chỗ tôi thấy, vì tổ chức nội bộ chưa được kiện toàn nên việc tình báo đối địch và đối với những nhóm người Việt khác cũng chưa có kế hoạch cụ thể, lại không có một sách lược toàn diện về mọi mặt nội, ngoại, và nhiều khi phải ứng phó, nước đến chân mới nhẩy. Đây cũng là một kinh nghiệm quan trọng mà người đấu tranh cần phải rút ra qua những thất hại đắng cay. Thất bại tuy không phải là điều mình mong muốn, song đáng sợ nhất là thất bại mà không biết sửa đổi, mà vẫn tự cho mình là thiên hạ đệ nhất.Một lý do khiến cho các đảng phái quốc gia không nắm được thời cơ đúng lúc, là tin rằng Nhật bản còn đủ sức để chống cự một thời gian dài nữa, nên không cấp tốc chuẩn bị một cuộc tổng hành động hay một cuộc đảo chính khi cơ hội tới.Phái đoàn ngoại giao từ trong nước ra họp với anh em ở hải ngoại tại Côn Minh và Trùng Khánh. Tất cả đồng ý trên nguyên tắc thống nhất tổ chức. Còn danh xưng thì ở trong lấy tên Đại việt quốc dân đảng, ở ngoài lấy tên Việt nam quốc dân đảng. Song nguyên tắc ấy, theo chỗ tôi thấy, chưa được thực hiện trên thực tế và chỉ được biết trong vòng một số người cầm đầu.Chiến tranh tại âu Châu đã kết thúc. Hitler và vợ đã tự sát. Chỉ còn lại đế quốc Nhật có quân tác chiến, tứ bề thù địch. Những binh lính Thiên Hoàng hiện không còn có vẻ uy phong lẫm lẫm như trước nữa.Hội nghị Potsdam đưa ra cảnh cáo, yêu cầu Nhật bản đầu hàng vô điều kiện, đồng thời cũng có quyết nghị về vấn đề độc lập hay tự trị của các nước bị đô hộ, và phân công trong việc tiếp quản các nơi bị Nhật chiếm đóng khi Nhật đầu hàng. Viễn ảnh quân Đồng minh sẽ nhập Việt đã mang đến hy vọng cho người Việt, nếu sau này quân Trung Hoa tiến vào thay quân Pháp. Dù thất bại dồn dập, quân Nhật vẫn ngoan cố kháng cự. Tháng 7-1945, sau những trận đánh khốc liệt, toàn bộ toán quân tử thủ đảo Okinawa đã trận vong. Bom Mỹ ném xuống như mưa tại các thành phố Nhật, gồm cả Đông Kinh, uy hiếp đến tính mệnh của Nhật Hoàng và đến Chính phủ Đông Điều.Tại Trung quốc, tại Đông Nam á, quân Trung Hoa, quân Anh mở cuộc phản công dữ dội, quân Liên Xô tấn công Mông Cổ, trực tiếp uy hiếp đến Mãn Châu, bản doanh của đội quân Quan Đông tinh nhuệ của Nhật.Đây thực là tứ bề Sở ca như Hạng Vũ bị vây khốn cùng Ngu Cơ tại Cai Hạ trước khi nhẩy xuống sông Ô Giang tự vẫn.Nhưng bọn quân phiệt Nhật vẫn chưa chịu bỏ súng. Thà chết chứ không đầu hàng, là một khẩu hiệu lưu truyền trong các doanh trại Nhật. Đông Điều cự tuyệt lời hô hào của Đồng minh, quyết tâm ngọc đá cũng tan. Hàng triệu người dân trên thế giới, gồm người Việt nam, hồi hộp đợi chờ tình hình chuyển động. Nếu Nhật chịu đầu hàng, thì sẽ tránh được tai nạn, nhưng nếu ngược lại, thì sẽ có đổ máu, phá hoại khủng khiếp tại á Châu, và ngay tại Đông dương. Tai họa ghê gớm sẽ rơi xuống đầu bao người dân vô tội.Vận mệnh dân tộc Việt nam sẽ ra sao trong giờ phút lịch sử quyết liệt này. Và vận mệnh của mỗi người cũng sẽ ra sao? Đó là vấn đề cấp thiết mà người dân Việt, đặc biệt là những đảng phái Việt nam lúc đó, không thể không đối phó.