°
° °Phan Thúc Định vẫn ngồi im lặng nghe người đàn bà kể. Câu chuyện thường bị ngắt quãng bởi nước mắt, tiếng nức nở. Khi kể, chị cố dùng những từ không động chạm trực tiếp đến chế độ của anh em họ Ngô. Nhưng qua lời khi ngập ngừng, khi chua xót của chị, qua nét mặt khi rạn vỡ vì đau khổ, khi căm phẫn vì uất ức của chị, Phan Thúc Định hình dung được đầy đủ câu chuyện của chị và tất cả giông bão chị đã trải qua. Thái độ thông cảm và tôn trọng, chú ý lắng nghe lời chị của Định làm chị càng tin cậy anh, nói được nhiều hơn với anh. Chỗ nào chị khó nói, anh lựa lời gợi ý để chị có thể kể được dễ dàng hơn. Đồng thời, qua những lời chị kể, nỗi xót thương cũng tràn ngập tâm hồn anh. Miền Nam này còn biết bao nhiêu cảnh đời oan trái…
Bỗng nhiên, anh hết sức chú ý nghe.… Mai Lan cũng muốn tìm mọi cách cải hoá Lý Lâm. Bởi vì dù không muốn, chị vẫn phải chung sống với hắn; dù không muốn, chị cũng đã có con với hắn. Nhưng giông bão không bao giờ hết trong cuộc chung sống miễn cưỡng đó. Gần đây, một hôm Lý Lâm mang về đưa chị một số tiền lớn, giục chị mua sắm đồ đạc trong nhà, may đồ cho con. Chị ngạc nhiên hỏi về số tiền đó. Lý Lâm đáp ầm ừ: “Của cậu cho”. Tại sao tự nhiên Ngô Đình Cẩn cho một số tiền lớn đó? Cách trả lời ầm ừ có điều gì như không muốn nói thực của Lý Lâm làm chị nghi. Chị nhất định không cầm nếu Lý Lâm không nói rõ. Cuối cùng Lý Lâm phải thú thực với chị là Cẩn sai hắn giết một người và đó là tiền thưởng của Cẩn cho hắn sau khi xong việc.Chị xây xẩm cả mặt mày. Khắp người chị như nổi gai. Chị rùng mình, nhắm mắt lại. Nhìn chị, Lý Lâm lúng túng rút nắm tiền lại. Hai bàn tay khép chặt giữa hai đầu gối, mắt vẫn không muốn mở ra nhìn mặt gã đàn ông mình phải chung sống, chị nói như hơi thở hắt ra:- Tôi không muốn sắm cho các con tôi bằng những đồng tiền đẫm máu. Tôi không muốn những đồ đạc trong nhà này vấy máu. Tôi đã nói với anh nhiều lần rồi… Anh có muốn con anh về sau này nghĩ về anh tốt đẹp không? Về sau, con anh biết những chuyện này sẽ nghĩ về anh như thế nào? Trời ơi! Tại sao tôi lại phải sống với anh?Lý Lâm luống cuống, cố thanh minh:- Đây là lệnh của cậu, tôi phải làm. Không làm theo lệnh đó thì cậu cũng giết cả tôi.Và hắn cố nói thêm một lí do mà hắn tin rằng có thể làm chị nguôi lòng:- Tên bị chết cũng không phải là người tốt.- Sao anh biết không phải là người tốt?- Tôi biết… Nó là mật vụ của người Mỹ theo dõi cả công việc làm ăn của cậu. Nhưng tôi cấm… tôi cấm cô không được nói với ai điều đó. Tôi biết rõ.Mai Lan gạn hỏi thêm thì được biết người bị giết ở biệt thự Bồng Lai.Phạm Xuân Phòng! Cái tên ấy hiện ngay lên trong óc Phan Thúc Định. Thì ra “cái bọn Việt Cộng giết người” mà báo chí Sài Gòn lu loa lên đây rồi!Hai đứa trẻ ở nhà bên đã về. Một đứa khoảng lên bảy, một đứa khoảng lên năm. Nhìn khuôn mặt chúng sáng sủa, thông minh, anh vẫy chúng lại, ôm chặt lấy chúng.Đứa nhỏ trên giường chợt giật mình, nhăn nhó, cựa quậy. Người đàn bà khe khẽ đặt tay lên người nó, ru cho nó ngủ tiếp.Phan Thúc Định vẫn trìu mến ôm chặt hai đứa con của người đã mất, của “anh ấy” trong tay mình, anh không muốn rời hai đứa nhỏ. Anh nhìn thẳng vào mặt người đàn bà, nói bằng một giọng xúc động, chân thành:- Chị hãy tin rằng tôi rất hiểu chị, rất hiểu tất cả hoàn cảnh éo le của chị, những nỗi đau khổ ghê gớm chị đã và còn sẽ phải chịu đựng. Chị hãy tin tôi. Tôi không biết nói thế nào hơn bởi vì mới gặp chị nhưng tôi xin nhắc chị: Chị hãy tin tôi. Từ nay, nếu chị cần bất cứ điều gì, xin chị hãy nhớ đến tôi.Anh đứng dậy, từ biệt người đàn bà:- Còn vụ giết người ở biệt thự Bồng Lai thì tôi xin nói thực để chị biết: “người ta” đang đổ cho Việt Cộng giết đấy. Theo ý tôi, đến một lúc nào đó cần thiết, chị có thể nói trắng sự thực ra được không? Tất nhiên là đến lúc cần thiết và với những người cần thiết. Tôi nghĩ rằng nếu chị nói được sự thực ra lúc ấy, lương tâm chị sẽ nhẹ đi rất nhiều… Lý Lâm đã làm điều ác nhưng chị là người có lương tâm chắc không muốn để những người lương thiện khác mang tiếng ác, chịu tội oan.Người đàn bà cúi đầu xuống, mắt chớp mau. Nước mắt lại ứa ra. Chị se sẽ đáp:- Vâng!°
° °Vừa ở hiệu sách quen thuộc bước ra, tay cầm tờ báo hàng ngày mới nhận được của ông hàng sách, Phan Thúc Định gặp ngay Vân Anh đang đứng ngoài cửa nhìn những quyển sách bày trong tủ kính. Sự xuất hiện đột ngột của Vân Anh làm Định thoáng sững người.
Rất nhanh, mấy câu hỏi đến ngay với anh: “Vân Anh đến đây tình cờ hay có dụng ý? Cô ta đã biết gì về hiệu sách này? Mối liên hệ giữa mình với hiệu sách này, cô ta có biết không?…”Nhưng Phan Thúc Định cười ngay, vẻ tự nhiên:- Chào Vân Anh!Vân Anh ngước lên nhìn Định (sau cặp mi dài, Định cảm thấy cái nhìn ấy chứa một vẻ tinh quái riêng):- Ồ, anh Định! Anh mua báo?Không trả lời về câu hỏi của Vân Anh, Định hỏi lại:- Em đi đâu sớm thế?- Em định ngó xem có quyển tiểu thuyết nào mới thì mua đọc nhưng xem ra chẳng có quyển nào hấp dẫn cả.Định vừa định cáo từ Vân Anh, thì Vân Anh đã nói:- Lâu không được gặp anh, em muốn đi nói chuyện với anh một lát, được không anh?Định không an tâm với tờ báo trên tay mình, thong thả gấp tờ báo cho vào túi áo:- Xin lỗi em, hôm nay anh hơi bận chút việc. Em cho anh khất đến hôm khác nhé!Sau cặp mi dài, cái nhìn của Vân Anh vẫn nửa tinh quái, nửa trách móc:- Em biết hôm nay anh không bận gì. Hàng ngày, anh vẫn mua báo xong rồi ra vườn hoa Nguyễn Hoàng ngồi đọc cơ mà. Chẳng lẽ hôm nay vì gặp em, anh bỏ mất thói quen thường lệ.Thấy Phan Thúc Định nhìn lại mình ngạc nhiên, Vân Anh nói một câu nhẹ nhàng đùa cợt:- Những người đã từng ở Pháp không bao giờ từ chối bất cứ một lời yêu cầu nào của phụ nữ.“Bao giờ gặp cô ả này cũng gây cho mình những suy nghĩ. Không hiểu những điều cô ta nói thực, hư ra sao? Cô ta vẫn theo dõi mình? Những điều cô ta nói hàm ý gì? Cô ta theo dõi mình để làm gì? Phải nhận rằng cô ta đẹp và thông minh. Vẻ đẹp và sự thông mình ấy nếu ở một người khác… Tại sao lòng mình lại vừa xót xa bâng khuâng thương tiếc lại vừa bực bội thế này nhỉ? Nhưng… hãy trở về công việc! Cô ta đã theo dõi việc mình đến hiệu sách, đã tìm hiểu những thói quen hàng ngày của mình. Cô ta có nắm được vấn đề gì hơn nữa không? Ta phải nói chuyện với cô gái đẹp và thông minh này như thế nào đây! Hãy tỉnh táo nhé!…”.Hai người sánh vai nhau đi thong thả. Những điều Vân Anh vừa hé ra làm Định thấy không thể chia tay cô gái này ngay được trong khi anh chưa hiểu cô ta đã nắm được những gì về anh. Không hiểu rõ đối thủ của mình đã là một điều nguy hiểm. Không hiểu rõ đối thủ của mình đã biết những gì về mình lại càng nguy hiểm hơn. Công việc của anh là phải hiểu rất rõ về người khác mà không được để người khác hiểu rõ về mình bất kì một điều gì. “Nếu để người khác hiểu rõ về mình thì là một điều sai lầm nghiêm trọng”. Định vừa đi bên cạnh Vân Anh vừa nghĩ miên man.Vân Anh thản nhiên nói sang chuyện khác:- Anh còn nhớ một hôm anh và em đi chơi trong khu rừng Bu-lô-nhơ không? Anh nói anh nhớ những rừng thông ở Huế. Em có so sánh sự sạch sẽ, khô ráo của những khu rừng châu Âu đến nỗi chỗ nào cũng có thể nằm lăn ra nhìn ánh nắng mặt trời với những rừng Việt Nam ẩm thấp, gai góc, bẩn thỉu. Anh có nhắc em rằng: “Dù sao, đấy cũng là rừng của ta”. Nghe tiếng “của ta” anh nói đến hôm ấy, sao mà tự hào thế!Định chưa phán đoán được câu chuyện bâng quơ ấy của Vân Anh sẽ dẫn mình đến đâu, anh đáp thăm dò: - Bây giờ anh vẫn nghĩ như vậy. Cái gì của ta, ta vẫn phải quý hơn chứ, dù nó không có bằng của người. Nếu không thế, chúng ta đã trở về đất nước để làm gì? Một khu rừng. một con sông, một bến đò, một cảnh chợ, một góc phố, một mái nhà tranh… những cái ấy hồi ở nước ngoài chẳng đã từng làm chúng ta nhớ đến khổ sở là gì.Vân Anh không nói nữa, có vẻ đang để tâm trí vào suy nghĩ điều gì. Đôi mắt cô như nhìn vào chỗ trống không.Phan Thúc Định mời cô ta:- Chúng ta vào một quán nào đó ăn điểm tâm. Em đồng ý chứ?Vân Anh lắc đầu:- Không! Anh hãy chiều em, chúng ta ra vườn hoa Nguyễn Hoàng ngồi ngắm sông Hương một lát…Thái độ của Vân Anh mỗi lúc một thêm khó hiểu với Định. Hai người ra vườn hoa Nguyễn Hoàng.Ngồi dựa lưng trên chiếc ghế xi-măng, Vân Anh nhìn Định, chìa tay ra:- Anh cho em mượn tờ báo, xem có tin tức gì mới không?Định bị một giây lúng túng. Anh quyết định rút tờ báo trong túi đưa cho Vân Anh. Trước khi đưa, anh mở tờ báo, chủ động lấy ra mảnh giấy gài trong đó, trước mắt Vân Anh. Tay Vân Anh đỡ lấy tờ báo nhưng mắt cô ta nhìn vào tờ giấy:- Anh có thư riêng gài vào trong báo?Định mở rộng tờ giấy đưa ngay cho Vân Anh:- Không phải thư riêng mà là giấy thanh toán tiền sách báo anh còn thiếu của cửa hàng. Lúc nãy nhà hàng đưa, anh tiện tay gấp vào trong tờ báo cho gọn. Anh cứ lấy sách báo rồi nửa tháng hoặc một tháng lại thanh toán một lần.Vân Anh cầm tờ giấy chăm chú đọc. Tờ giấy ghi rõ ràng tên từng quyển sách với giá tiền ở bên, trong đó có mấy quyển tiểu thuyết, mấy quyển nghiên cứu về lịch sử. Cuối tờ giấy có tổng cộng số tiền. Tờ giấy ngập ngừng trên tay Vân Anh. Cô nói:- Anh ham đọc sách nhỉ!Cô trao lại tờ giấy cho Định, Định thờ ơ nhét tờ giấy vào túi áo đáp:- Đó là thói quen và cũng là ham thích của anh từ hồi còn đi học. Ở Huế này, ngoài thời gian làm việc ra, em bảo còn có thú giải trí nào khác, ngoài việc đọc sách.Vân Anh mở rộng tờ báo, liếc qua những đầu đề in bằng chữ to. Định hỏi:- Em có được tin gì về anh Lê Mậu Thành không?Vân Anh không ngẩng lên:- Em không nhận được thư từ gì của anh Thành cả nhưng em biết anh Thành vẫn ở với Việt Cộng. Còn anh?- Sao lại “còn anh”?- Vì anh và anh Thành là “người bạn cũ bên núi Ngự Bình” với nhau thì chắc anh phải biết tin tức anh Thành hơn em chứ?Phan Thúc Định thẳng thắn:- Anh mới trở lại Huế. Chưa có thời gian hỏi thăm đến bạn cũ nhưng rồi chắc anh cũng hỏi được tin anh Thành.- Khi nào anh hỏi được, anh nhớ báo cho em biết với nhé!- Tất nhiên rồi!Vân Anh gấp tờ báo đưa trả Phan Thúc Đinh:- Anh còn nhớ những ngày ở Pháp không? Thời đó, em sống đời sinh viên thơ ngây, vô tư thật. Người yêu thì em nhớ đến anh Thành. Người anh, người bạn thì em đã có anh. Nghĩ đến anh, em cứ luyến tiếc những ngày đẹp đẽ ấy, những ngày mà em không bao giờ quên được… Những ngày anh phủi tuyết đầu mùa bám trên măng-tô-san cho em ở góc phố Latinh, những ngày anh và em lên tháp Ép-phen ngắm cảnh Pa-ri từ trên cao, những ngày lang thang bới sách trong những hàng sách cũ bên bờ sông Sen…Mặc dầu đã tự nhủ mình phải hết sức tỉnh táo nhưng những lời Vân Anh nhắc đến những kỉ niệm cũ cũng làm Định bồi hồi. Anh im lặng nhìn dòng sông Hương êm ả trôi trước mắt mình. Dòng sông ấy gợi lên hình ảnh một dòng sông trong dĩ vãng vang lên tiếng còi ca nô khàn khàn, rền rĩ… một chiếc ví xách tay phụ nữ đung đưa bên cạnh anh… một đám mây trắng trôi nhởn nhơ trên nền trời xanh biếc…Vân Anh đã kéo anh trở về thực tế:- Bây giờ chúng ta có nhiều điều lo nghĩ quá phải không anh? Chúng ta đã trở nên ưu tư, trở nên khó hiểu? Vâng, đã trở nên khó hiểu. Khó hiểu cả với chung quanh, cả với người ở cạnh ta. Nhiều khi, chúng ta khó hiểu với cả chúng ta nữa.Giọng nói của Vân Anh chán chường như giọng một triết nhân. Cô mở chiếc ví xách tay của mình:- Nhưng dù sao mỗi lúc nghĩ đến anh, em vẫn nghĩ đến những ngày đã qua đẹp đẽ, đến một người mà em đã hằng quý mến… Và do nghĩ đến những ngày đẹp đẽ đó, do em vẫn hằng quý mến anh – mặc dầu em chưa hiểu hết anh – xin tặng anh cái này…Vân Anh lấy ở ví ra mấy chiếc ảnh đưa cho Phan Thúc Định. Anh cầm lấy xem. Lông mày anh nhíu lại. Đó là mấy chiếc ảnh chụp anh khi thì đứng bên trong hiệu sách, khi thì ở hiệu sách quen thuộc bước ra. Vân Anh đã đứng dậy:- Những bức ảnh này mình em có thôi và em không đưa cho ai cả. Anh hãy tin em điều đó. Bây giờ, chắc anh không khó chịu và tiếc vì đã gặp em, đã bị em làm phiền buổi sáng nay.Nàng chìa tay ra:- Xin tạm biệt anh…°
° °Trở về nhà, Phan Thúc Định lên ngay phòng riêng của mình. Anh mở cửa sổ nhìn xuống gian nhà ngang dưới sân, ngay cổng vào: gã hộ vệ và gã bồi vẫn ngồi uống nước chè, hút thuốc lá với nhau. Anh đóng cửa lại, rút trong túi ra tờ giấy thanh toán tiền sách báo, đặt trên bàn và vuốt nó phẳng phiu. Anh lấy lọ thuốc hoá học. Dưới làn nước hoá học, mấy hàng chữ hiện ra:
“Đã nhận được tin về vụ giết P.X.P. – Giữ mối liên hệ thường xuyên với vợ L.L. – 12 giờ ngày… đến cây số 12 đường X. gặp một người đội mũ cát trắng, tay đeo băng đen. Hỏi: “Ông có biết vùng này ai bán quế?”. Đáp: “Ông mua dùng hay muốn buôn?”Sông Hương”Định bật lửa châm vào tờ giấy. Suy nghĩ một chút, anh lấy mấy chiếc ảnh Vân Anh vừa đưa, châm nốt vào lửa. Anh bóp vụn tất cả đám tro đó cho vào chỗ rửa mặt, mở máy nước. Nước dội trôi đám tro vào trong ống, không để lại một vết tích gì. Anh rửa tay.Vân Anh là một cô gái đáng ghét hay đáng thương? Sẽ còn phải nói chuyện với Vân Anh nữa. Những kỉ niệm đẹp đẽ với Vân Anh cũng không thể phai mờ được. Giờ này, phải làm việc với Ngô Đình Cẩn rồi… Mười hai giờ ngày… cây số 12… Hỏi: “Ông có biết vùng này ai bán quế?”. Đáp: “Ông mua dùng hay muốn buôn?”…Phan Thúc Định xuống nhà xe, lái chiếc xe riêng ra. Tên hộ vệ của anh đứng lên chờ đợi. Anh ra hiệu cho hắn cứ ở nhà, không phải đi theo anh.Định lái xe đến dinh Ngô Đình Cẩn. Lý Lâm đứng ở ngoài hành lang chào anh. Nét mặt gã vẫn lầm lì nhưng trong cặp mắt xưa nay vẫn lạnh lùng của gã đã ánh lên một tình cảm kính trong đối với Định. Anh giơ tay bắt tay gã:- Cháu đã khoẻ hẳn rồi chứ?Gã đưa cả hai bàn tay thô, rắn khoẻ ra đỡ tay Định, nói ấp úng:- Xin cảm ơn ông… Cháu đỡ nhiều…Anh lấy máy tờ giấy bạc nhét vào túi gã:- Tôi gửi anh mua giùm tôi ít quà cho cháu.Lý Lâm lúng túng. Gã không biết nói gì, đứng ngây người.Phan Thúc Định bước vào phòng làm việc của Ngô Đình Cẩn. Anh bình thản mở tờ báo ra đọc, ngồi đợi. Chừng mười phút sau tên lãnh chúa miện Trung mới kéo lê hài kinh trong áo gấm, quần lụa bước ra.Định đứng dậy:- Kính chào cụ lớn.- Chào ông Định.Nhìn nét mặt tươi cười của hắn, Định biết hôm nay hắn có điều gì vui vẻ. Quả như vậy, hắn khoe ngay với Định:- Ông Định ạ, phương tiện để tiến hành kế hoạch “Gió đã xoay chiều” có rồi. Không ngờ tiếng nói của thằng cha Tô-ma cũng có thế lực gớm. Sau khi ở đây về, nó báo cáo lại với tướng Lên-sđên thì quỹ viện trợ Hoa Kỳ bằng lòng chi ngay. Tổng thống và ngài cố vấn cũng điện giục phải hành động gấp. Ý của ngài là đối với bọn Cộng sản không nên để chậm ngày nào. Để chậm ngày nào, chúng sẽ phát triển rất nhanh như vết dầu loang. Tổng thống có thư riêng cho ông đây này…Hắn đưa cho Định một cái thư của Ngô Đình Diệm, vỏn vẹn có mấy dòng:“Cháu Định,Bác gửi lời thăm sức khoẻ của cháu.Cháu hãy ráng hết sức giúp chú Cẩn. Kế hoạch ấy thực hiện xong, bác có thể an tâm về miền Trung. Bác ghi nhận trước ở đây công lao của cháu như bác đã từng ghi nhận.Cháu hãy tìm cách liên lạc với giáo sư Lê Mậu Thành. Giáo sư sẽ giúp cháu hiểu rõ về bọn Cộng sản và sẽ là người cộng sự đắc lực với cháu ở ngoài đó.Chúc cháu an khang.Bác”Ngô Đình Cẩn đợi Định đọc xong thư, nói tiếp:- Tôi định bàn với ông chúng ta phải hành động trên mấy mặt cùng một lúc, làm thế nào cho bọn Cộng sản không biết đằng nào mà xoay xở… Cho cả bọn Mỹ biết nữa…Phan Thúc Định thận trọng:- Tôi xin đề đạt với cụ lớn một ý kiến: trước khi hành động, chúng ta nên có một thời gian duyệt lại các đường dây, các người của chúng ta cho thật chắc chắn. Cụ lớn thấy thế nào?Ngô Đình Cẩn ngẫm nghĩ:- Chúng ta thử bàn xem…