Chương 17
Sự thống nhất của một kế hoạch Việt – Mỹ

Cuộc họp báo đã kéo dài một tiếng rưỡi. Ngô Đình Diệm đã tỏ vẻ sốt ruột. Hắn không ưa những cuộc họp báo như thế này, vì nhiều khi sự thông minh có hạn của hắn không thể đối phó được với những câu hỏi không thể lường trước được của các nhà báo. Tất nhiên đó chỉ là đối với các kí giả người nước ngoài, còn những nhà báo Việt Nam ở Sài Gòn thì không ai dám hé một câu gì trái ý hắn. Hắn sẽ khó chịu, tức giận và sau đó anh nhà báo nào to gan sẽ được đại tá Nguyễn Ngọc Lễ mời đến nha tổng giám đốc cảnh sát và công an “trả lời” thay cho hắn.
Bên cạnh Ngô Đình Diệm vẫn là Ngô Đình Nhu như cái bóng, như linh hồn của Diệm. Nhà “chiến lược gia” của gia đình họ Ngô này, tuy không giữ chức vụ gì chánh thức trong chính quyền và chỉ là một cố vấn thôi, nhưng quyền uy hắn bao trùm tất cả, quyết định tất cả, tóm thâu tất cả. Hắn chỉ đạo màng lưới mật vụ gồm sáu, bảy vạn tên len lỏi khắp các thôn xã, các cơ quan, trong các khu phố, các nhà máy, dò xét mọi hoạt động, lời nói của tất cả mọi người. Hắn nghe và đọc báo cáo. Hắn vạch kế hoạch. Hắn đôn đốc việc thực hiện. Mỗi đêm, trong gian phòng tối riêng biệt của dinh Gia Long, gối đầu lên mấy quyển truyện găng-xtơ Mỹ, bên cạnh chiếc bàn đèn thuốc phiện tráng lệ, hắn đã nghĩ ra bao nhiêu mưu kế đen tối.
Bây giờ hắn ngồi đấy, bên cạnh Ngô Đình Diệm, trong một cuộc họp báo, rỉ tai mách nước cho Diệm hoặc trả lời thay cho Diệm, mỗi khi Diệm gặp một câu hỏi hóc búa. Điếu thuốc lá luôn luôn dính trên đôi môi dày thâm sì của hắn.
Các nhà báo vẫn liên tiếp thay phiên nhau đặt câu hỏi.
Một nhà báo Pháp:
- Xin ngài cho biết ý kiến về những nguồn dư luận cho rằng ngài không chịu mở rộng chính phủ, cho rằng chính phủ ngài có tính chất gia đình trị.
Ngô Đình Diệm trả lời không cần nghĩ ngợi:
- Đó là luận điệu của Cộng sản.
Nhà báo Pháp:
- Nhưng thưa ngài, theo chỗ tôi được nghe thì nhiều người có nhận xét ấy không phải là những người Cộng sản. Họ có đầy đủ chứng cớ cho nhận xét của họ: ngài cầm đầu chính phủ, vợ chồng ông cố vấn Nhu nắm mọi quyền hành; phụ tá quốc phòng là ông Trần Trung Dung – họ hàng của bà Nhu; đại sứ Việt Nam Cộng hoà ở Oa-sinh-tơn là ông Trần Văn Chương – thân sinh ra bà Nhu, đại sứ lưu động của ngài ở Âu châu là ông Ngô Đình Luyện, người em út của ngài; đứng đầu cả miền Trung là Ngô Đình Cẩn cũng là một người em ruột của ngài.
Diệm cắt ngang lời nhà báo Pháp:
- Đó vẫn chỉ là luận điệu của Cộng sản.
Ngô Đình Nhu thêm:
- Nếu không phải là Cộng sản thì cũng là những người thân Cộng.
Nhà báo Pháp mỉm cười, cúi xuống ghi. Một nhà báo Thuỵ Điển:
- Xin lỗi ngài, tôi mới đến Sài Gòn nhưng tôi đã gặp một số trí thức, một số đồng nghiệp của tôi than phiền là ở đây không có quyền tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do ngôn luận…
Diệm quay sang nhìn Ngô Đình Nhu. Nhu thản nhiên đáp:
- Ở đây không ai có quyền có tư tưởng riêng cả, trừ tôi.
Tất cả phòng họp lắng xuống ngạc nhiên. Phút ngạc nhiên qua đi, mọi người bật lên tiếng cười. Một nhà báo Ba Lan:
- Xin ngài cho biết về tình hình các trại giam. Theo số liệu chúng tôi được biết thì có khoảng nửa triệu người đang bị giam giữ trong những điều kiện rất khắc nghiệt, thiếu thốn, lại thường xuyên bị tra tấn, đánh đập đến chết hoặc tàn tật. Ngoài ra, cũng vào khoảng hàng triệu người bị quản thúc dưới mọi hình thức.
Diệm trả lời ngay:
- Đấy là bọn Cộng sản.
Nhà báo Ba Lan:
- Theo chỗ tôi biết thì những người bị giam giữ ấy đều là phụ nữ, trẻ em hoặc ông già. Có cả những nhà tu hành. những giáo sư, sinh viên mà tôi biết chắc chắn không phải là Cộng sản. Tôi đã gặp một thiếu nữ hai mươi tuổi, mới bị giam có hai năm đã bị liệt cả hai chân, rụng hết tóc và người mang đầy thương tích, dấu vết còn lại của những cuộc tra tấn hết sức dã man. Cô ta chỉ là một nữ sinh không có tội gì. Ngài có biết những sự việc đó không?
- Nếu không phải là Cộng sản thì cũng là những người hoạt động cho Cộng sản.
Ngô Đình Nhu thêm:
- Người làm chính trị không có quyền để trái tim rung động.
Nhà báo Ba Lan:
- Các ngài không sợ có sự phản ứng trong các tầng lớp nhân dân?
Ngô Đình Diệm:
Không ai có quyền phản ứng gì, vì miền Nam Việt Nam hiện đang ở trong tình trạng có chiến tranh.
Nói xong, Diệm đứng lên. Ngô Đình Nhu cũng đứng lên theo. Biết thói quen của Diệm, Võ Hải, bí thư riêng của Diệm tuyên bố cuộc họp báo kết thúc. Các nhà báo lục tục ra về, bàn tán sôi nổi.
Hai anh em Diệm, Nhu quay về phía trong dinh, gặp Trần Lệ Xuân đi cùng với con gái là Lệ Thuỷ ở hành lang. Trần Lệ Xuân xách một cái ví đầm trắng mĩ miều, óng chuốt trong chiếc áo dài trắng hở cổ may chẽn lấy người, làm nổi bật tất cả tấm thân thon thả khêu gợi khiến Diệm phải bối rối quay mặt đi. Mọi người vẫn xì xào về mối quan hệ giữa ông anh chồng độc thân với cô em dâu trẻ trung, đẹp đẽ, õng ẹo này. Chỉ biết rằng ông anh chồng rất sợ cô em dâu. Mỗi lúc có điều gì trái ý, thì cô em dâu nổi giận lên, la hét om sòm, thậm chí nắm cả cà vạt “Ngài tổng thống” độc tài mà lắc. Ngài tổng thống” vẫn im thin thít. Lệ Thuỷ, con gái lớn của vợ chồng Ngô Đình Nhu, mới hơn mười tuổi mà như đã mang cả tính sắc sảo, lẳng lơ của mẹ lẫn tính tàn nhẫn, độc ác của bố. Nó mặc một cái quần cao bồi chẽn, nhiều túi, nhiều đinh ở miệng túi, áo sơ mi kẻ ô vuông, thắt lưng trễ ngang hông đeo một khẩu súng ngắn rập đúng như những vai nữ tướng cướp trong phim Mỹ. Hai mẹ con nó vừa đi nghỉ mát ở Đà Lạt về, như hãy còn mang theo tất cả khí hậu ôn đới của miền cao nguyên Trung phần.
Diệm hỏi Lệ Thuỷ:
- Cháu ở Đà Lạt có thích không?
Lệ Thuỷ lắc đầu:
- Cháu thích đi nghỉ ở Thuỵ Sĩ, ở Pháp hơn cơ. Ở Đà Lạt cháu chẳng chơi với ai được cả. Mẹ cháu bận tiếp khách cả ngày.
Ngô Đình Nhu hỏi vợ:
- Công việc làm ăn của chị Cả (44) và chú Cẩn ra sao?
Lệ Xuân đáp:
- Công việc rất khá. Chị Cả và chú Cẩn đã nắm được hết các nguồn lợi ở miền Trung rồi, không có việc xuất, nhập cảng mặt hàng nào mà không có bàn tay chị Cả. Có việc không bỏ đồng vốn nào, không mất một bước đi nào, chị ấy cũng thu được hàng chục vạn đô la. Chị ẩy còn hùn vốn với mấy sĩ quan cao cấp bao thầu việc cung cấp mọi thứ cho quân đội vùng chiến thuật 1, vùng chiến thuật 2. Riêng trong trận lụt vừa rồi, chị ấy nhận việc phát chẩn gạo, thuốc men, vải cho dân lụt cũng kiếm được khối. Vốn của chị ấy phải có vài trăm triệu đôla rồi. Còn chú Cẩn không thích việc buôn đi, bán lại như chị Cả. Chú ấy nắm trong tay mấy rừng quế, những đảo yến, các của quý trên rừng, dưới bể. Lạy Chúa, chú ấy cho em xem những tráp kim cương và ngọc quý của chú ấy mà em hoa cả mắt. Chú ấy bảo em muốn nhặt bao nhiêu thì nhặt. Chú ấy gởi biếu cha Thục và các anh khối thứ, em để trong buồng kia, mấy đôi ngà voi dài hơn một mét, mấy chục lạng cao hổ cốt, mấy chục cái mật gấu… rồi trầm, quế… em không nhớ hết nữa…
Diệm gật gù:
- Tội nghiệp chú ấy, chẳng thích đi đến đâu cả.
Ngô Đình Nhu hỏi:
- Khu nghỉ mát của nhà ta sắp xong chưa?
Trần Lệ Xuân cầm quai ví đu đưa, vẻ sung sướng mãn nguyện:
- Sắp xong rồi. Thế mà mất đến hai triệu đôla đấy anh ạ. Hôm nào anh lên nghỉ, anh hẳn bằng lòng. Em đã bảo mấy ông kiến trúc sư Pháp là không cần phải tính toán tiền nong, cứ xây bằng những vật liệu quý nhất, cứ vẽ kiểu sao cho tráng lệ, thật vĩ đại y như nhà nghỉ mát riêng của các tỉ phú Mỹ. Có phòng gương khiêu vũ, có bể tắm, có khu vườn nuôi thú, có phòng chiếu bóng, có nơi hoà nhạc… Đặc biệt nhất là phòng hút thuốc của anh bố trí hoàn toàn theo lối vương giả Á Đông, cửa sổ trông ra cảnh núi rừng rất đẹp, với bộ bàn đèn quý từ đời Mãn Thanh, em phải cử một Hoa kiều ở Chợ Lớn đáp máy bay sang tận Hồng Kông mua về cho anh. Thứ hai là phòng tắm của em với những vật liệu mà ngay cả những nữ tài tử chiếu bóng nổi tiếng, giàu nhất cũng khó mà có thể sắm được, với hệ thống tắm hơi lẫn tắm nước phun bố trí một cách khoa học có thể xoa bóp cơ thể hết mệt nhọc, gợi nên những khoái cảm đặc biệt trên da thịt mình. Hiện nay xây dựng được hai phần ba… Em sẽ đặt tên cho nó là “Biệt điện Lệ Xuân”.
Diệm chớp mắt khi nghe Trần Lệ Xuân tả về cái phòng tắm của ả. Ngô Đình Nhu đã gạt vợ nói sang chuyện khác:
- Thôi, những chuyện ấy để chốc nữa nói. Bây giờ, anh Diệm và anh sắp phải họp với các quan chức Hoa Kỳ bàn về tình hình chung. Em thấy tình hình chính trị miền Trung thế nào?
Trần Lệ Xuân đáp:
- Lạy Chúa. Suýt nữa quên, chú Cẩn có gửi thư cho anh Diệm đây. (Ả lấy ở ví xách tay ra một cái phong bì to khổ, dán kín, đưa cho Ngô Đình Diệm). Về tình hình chính trị, chú Cẩn có nhiều điều lo lắng.
Diệm xé chiếc phong bì. Bên trong là một lá thư và một bản báo cáo mật của Ngô Đình Cẩn về tình hình mọi mặt của Trung phần.
Lá thư viết:
“Tình hình dân chúng cũng đáng lo ngại. Bọn trí thức hay tụ tập nhau bàn tán những điều không có lợi cho đại cục của chúng ta. Chúng hay so sánh chế độ này chế độ nọ để khen bọn Việt Cộng và chê bai chúng ta. Bọn sinh viên và học sinh cậy mình có học, rất ương bướng, khó bảo, hay bí mật lưu hành với nhau những báo chí, truyền đơn phản loạn, kết bè, kết phái đua nhau có nhiều hành động chưa điều tra được. Bọn Phật giáo coi chúng ta như tứ thù không đội trời chung. Ảnh hưởng của chúng khá lớn trong dân chúng. Bọn dân lao động thợ thuyền và nhà quê thì lầm lì khó hiểu. Em đã dùng nhiều cách mua chuộc dụ dỗ chúng, thế mà hễ gặp bọn Việt Cộng là chúng theo ngay. Người của ta không ai dám ở lại ấp chiến lược ban đêm. Ban đêm, bọn Việt Cộng hoàn toàn làm chủ các ấp chiến lược đó. Không hiểu tại sao tất cả việc làm của chúng ta từ nhỏ đến lớn bọn Việt Cộng đều biết trong khi chúng ta không nắm được tí gì những hoạt động của chúng. Lúc này em mới thấy thiệt thòi là ở xa các anh, không xin được những lời dạy bảo khôn ngoan của các anh. Nhưng em hứa với các anh sẽ hết sức trị để không đứa nào ngóc cổ lên được.
Kính thưa tổng thống,
Còn một tin nữa em phải trình ngay để tổng thống rõ: giáo sư Lê Mậu Thành vừa mới mật báo về là hoạt động Việt Nam sắp sửa gia tăng mạnh mẽ về mọi mặt. Chúng ta cần phải tấn công trước ngay. Giáo sư đã nắm được một số tin tức xin với tổng thống cho người tin cẩn liên lạc thường xuyên với giáo sư và cho phép giáo sư hành động. Giáo sư cho rằng cơ hội đã đến rồi, giáo sư không thể chờ đợi được nữa, muốn cho bọn Việt Cộng một đòn thật đau. Em hoàn toàn đồng ý với giáo sư và xin tổng thống chấp nhận lời đề nghị của gláo sư. Sau này, ta có thể rút giáo sư về cai quản viện đại học Huế vì chúng ta rất cần nhiều người của ta nằm giữa bọn thanh niên hay nổi loạn, không biết sợ ai đó. Đối với bọn này, nếu em biết rõ thằng nào hoạt động chống đối, em sẽ bắn chết không thương tiếc, còn những đứa khác em sẽ bắt vào lính tất,cho không hết hi vọng đi theo Việt Cộng.
Nếu tình hình có gì mới em xin kính trình ngay với riêng tổng thống và anh Nhu. Còn bản báo cáo tình hình mọi mặt của Trung phần em gửi kèm theo đây để tổng thống đưa cho các quan chức Mỹ xem. Tất nhiên trong bản báo cáo ấy, em không nói hết cho người Mỹ biết được vì họ có thể đánh giá sai về những cố gắng hoạt động của gia đình ta, từ đó có thể ảnh hưởng đến sự gia tăng viện trợ của họ cho chúng ta và có thể dẫn tới họ đòi chúng ta phải chia sẻ quyền hành với những kẻ ngu xuẩn khác. Em không giấu tổng thống sự khó chịu của em đối với những nhân viên điều tra riêng của người Mỹ cứ thọc vào những chuyện riêng của gia đình chúng ta và sục sạo khắp mọi nơi.
Em kính xin tổng thống cử cho em một người có tài năng vừa có thể giúp đỡ em trong mọi hoạt động bí mật phụng sự tổng thống và quốc gia, vừa có thể phối họp với giáo sư Lê Mậu Thành ngăn chặn những hoạt động đang gia tăng của Việt Cộng và tấn công lại chúng.
Một lần nữa, em cầu Chúa lòng lành ban phước cho tổng thống và các anh.

Kính thư,

Ngô Đình Cẩn”
Diệm đọc xong thư của tên lãnh chúa Trung phần, có vẻ suy nghĩ, lẳng lặng đưa lá thư cho Ngô Đình Nhu. Mấy phút sau, hắn quay sang hỏi Trần Lê Xuân:
- Tháng này… thím đã chuyển tiền thêm cho các ngân hàng ở nước ngoài chưa?
- Dạ, đã chuyển rồi. Ngoài hai ngân hàng Mỹ, một ngân hàng ở Hồng Kông, một ngân hàng ở Thuỵ Sĩ, một ngân hàng ở Pháp, em mới mở thêm một tài khoản nữa ở ngân hàng La Mã.
Hắn gật đầu, bằng lòng:
- Gửi ở Mỹ ít thôi, nên gửi ở Thuỵ Sĩ và La Mã.
Đợi Nhu đọc xong lá thư, Diệm hỏi:
- Chú đảm bảo không ai biết được cái đường hầm bí mật của chúng ta đấy chứ? Thế còn cái lão Hoa kiều ở đầu đường hầm có thể tin được không?
Ngô Đình Nhu đáp:
- Anh yên tâm. Lão Hoa kiều ấy biết rằng hở ra sẽ mất đầu. Em đã bảo thẳng với hắn như vậy. Thằng này là thủ túc đắc lực của em, em hiểu biết tính nết nó, em lại cho nó nhiều tiền.

°

° °

Ở phòng họp, mấy tên trùm tình báo Mỹ đỡ đầu cho Ngô Đình Diệm: Lên-sđên và giáo sư Phi-sin đã ngồi đợi anh em họ Ngô. Diệm tươi cười đưa bàn tay ngắn ngủn ra bắt tay chúng. Trần Lệ Xuân cũng đẩy Lệ Thuỷ ra sân dinh chơi, đi theo anh chồng và chồng vào phòng họp. Khi bắt tay Lệ Xuân, Phi-sin cố tình nâng tay ả đặt lên môi vừa kiểu cách, vừa tình tứ thật mâu thuẫn với dáng người to béo không thanh lịch chút nào của hắn. Ngô Đình Nhu vờ như không để ý đến.

Diệm đã giấu bức thư của Ngô Đình Cẩn đi và đưa cho Lên-sđên bản báo cáo. Trong khi Lên-sđên chăm chú đọc bản báo cáo, Diệm quay sang nói nhỏ với Nhu:
- Tôi với chú không thể rời khỏi Sài Gòn được. Nhưng trong gia đình chúng ta phải có một người ra với chú Cẩn để chú Cẩn yên tâm. Tôi rất thương chú ấy. Ngày mai, chú gặp anh Thục, đề nghị anh Thục ra thăm chú Cẩn mấy ngày…
Phi-sin cũng chuyện to, chuyện nhỏ với Trần Lệ Xuân về mấy buổi dạ hội do “Hội những người Hoa Kỳ bạn của Việt Nam” tổ chức:
- Bà là hoàng hậu trong buổi dạ hội đó. Bên cạnh bà, tất cả những vẻ đẹp khác đều mờ đi. Tất cả những người có mặt buổi đó đều cảm thấy ông nhà thật là diễm phúc lớn.
- Thế còn các ông?
- Đối với chúng tôi, chúng tôi thấy vượt hàng vạn cây số sang đây đã không uổng. Tôi đã đi nhiều: Pa-ri, Tô-ky-ô, Ha-oai, Băng-cốc, Ma-ni… nhưng chỉ có ở đây…
Hắn buông lửng câu nói và Trần Lệ Xuân mỉm cười.
Lên-sđên đã đọc xong bản báo cáo của Ngô Đình Cẩn. Hắn không thoả mãn:
- Bản báo này nói nhiều đến những hoạt động của ngài đại diện Trung phần quá. Tôi e ông ấy nói hơi quá về mình và những cố gắng hoạt động của ông ấy không thực đạt được kết quả như chúng ta mong muốn. Theo những báo cáo riêng mà tôi nhận được từ nhân viên CIA từ ngoài đó gửi về, tình hình Trung phần xấu đi tồi tệ và ngài đại diện Trung phần đang gặp nhiều lúng túng. Ảnh hưởng của Việt Cộng ngày càng lan rộng. Ảnh hưởng của ta đang co về mấy thành phố và thị trấn. Những người trung thành với chúng ta chỉ là những người chúng ta trả tiền. Tôi có những con số và sự việc cụ thể trong tay. Tổng thống Ai-xen-hao-ơ rất không bằng lòng khi thấy kế hoạch chúng ta năm năm nay không triển khai được hơn mà còn bị vỡ từng mảnh. Xin lỗi tổng thống, đôi khi tôi có ý nghĩ ông em ruột ngài ở ngoài Trung phần không được lòng dân và khả năng khó đảm đương được việc thực hiện kế hoạch của chúng ta trên một vùng đất đai rộng, hiểm trở như vậy. Nếu tình hình xấu đi, tôi lo trong năm tài chính tới, chúng ta khó xin được Hoa Thịnh Đốn duy trì sự viện trợ như hiện nay. Tổng thống và các nghị sĩ ở Hoa Thịnh Đốn đòi hỏi chúng ta có những tiến bộ rõ rệt.
Ngô Đình Diệm bối rối:
- Chúng tôi vẫn giữ vững được chính quyền trong tay chúng tôi. Các ông biết đấy, chú Cẩn đã làm hết sức mình.
Trần Lệ Xuân thấy cần phải đỡ lời anh chồng:
- Bổn phận người Hoa Kỳ là phải giúp đỡ chúng tôi hơn nữa. Bởi vì nếu chúng tôi không giành được thắng lợi thì danh dự Hoa Kỳ, nước đồng minh vĩ đại của chúng tôi cũng không còn.
Lên-sđên quay về phía Lệ Xuân:
- Thưa bà, bà nói thực chí lí nhưng tôi cũng xin thưa với bà là người Hoa Kỳ chúng tôi là những người rất thực dụng!
Không hiểu câu nói của Lên-sđên có hàm ý sâu sắc gì mà cuộc họp lặng đi. Ngô Đình Nhu dụi điếu thuốc lá cầm tay vào chiếc gạt tàn, phá tan bầu không khí nặng nề.
- Chúng ta sắp mở cuộc tấn công toàn diện vào các thế lực chống đối và Việt Cộng. Người của chúng tôi nằm trong hàng ngũ Việt Cộng cả ở vùng nông thôn rừng núi, cả trong các tổ chức quần chúng ở thành phố, đã sẵn sàng hành động. Chúng tôi sẽ đảo ngược lại tình thế nhanh chóng. Chúng tôi nhất định sẽ tiến hành bình định thành công, trước hết là miền Trung.
Phi-sin hướng về Ngô Đình Nhu:
- Chúng tôi hoan nghênh những hành động cương quyết đó của các ông.
Ngô Đình Diệm nói:
- Ở đây tôi và các ông gặp nhau dễ dàng. Các mạng lưới bí mật của chúng ta hàng ngày có tin đưa về nơi ngài Lên-sđên, nơi chú Nhu, nơi ông Trần Kim Tuyến… Nhưng chú Cẩn ở miền Trung không có những điều kiện thuận lợi như chúng ta, lại thiếu người giúp đỡ, tôi thấy cần phải cử người ra giúp đỡ chú ấy.
Lên-sđên gật đầu:
- Đúng, và chúng ta phải có một kế hoạch thật cụ thể để hướng dẫn ông đại diện Trung phần dựa vào đó mà tiến hành. Mục đích chúng ta vẫn không thay đổi: phải đánh phá đối phương từ trong ra, từ ngoài vào, khắp mọi phía, khắp mọi nơi, bằng mọi cách, bằng mọi vũ khí để làm chia rẽ, tan rã hàng ngũ đối phương, tan rã trong từng tổ chức, trong từng con người đối phương, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn đối phương, bình định xong miền Nam Việt Nam này, chuẩn bị cho những kế hoạch vĩ đại khác. Đối với chúng ta, chỉ có mục đích là đáng kể, còn phương tiện nào cũng tốt. Chúng ta vẫn phải thực hiện bằng được kế hoạch đã được thông qua từ Oa-sinh-tơn. Trong tình hình mới này, chúng ta phải tiến hành thận trọng hơn từng bước một. Tôi đề nghị giáo sư Phi-sin phác một kế hoạch cụ thể phù hợp với tình hình Trung phần cho ông Cẩn. Tuần tới phải xong bản kế hoạch đó.
Ngô Đình Nhu hỏi:
- Còn việc thực hiện?
Lên-sđên đáp:
- CIA chúng tôi sẽ đỡ đầu việc thực hiện kế hoạch đó. Chúng tôi sẽ đề nghị cơ quan viện trợ kinh tế Mỹ chi vào đó 50 triệu đô la.
Trằn Lệ Xuân rạng rỡ, mỉm cười nói nhỏ với Phi-sin:
- Có những bạn đồng minh như Hoa Kỳ, chúng tôi thấy hoàn toàn tin tưởng.
Lên-sđên vẫn nói, lời lẽ dứt khoát như những mệnh lệnh:
- Tôi đề nghị cử trung tá Tô-ma và ông giám đốc Sở nghiên cứu chính trị và xã hội Trần Kim Tuyến ra gặp ông Cẩn vừa để nghiên cứu thêm tình hình miền Trung vừa để truyền đạt lại ý kiến của chúng ta thể hiện trong kế hoạch đó. Mọi hoạt động của chúng ta phải thể hiện sự thống nhất Việt – Mỹ.
Ngô Đình Diệm nói:
- Chúng tôi hoàn toàn đồng ý. Tôi sẽ cử một người thân tín nữa ở hẳn bên cạnh chú Cẩn, làm cố vấn đặc biệt cho chú Cẩn.
Lên-sđên hỏi:
- Thưa ngài, ngài định cử ai?
- Phan Thúc Định.
Mọi người nhìn Ngô Đình Diệm. Ngô Đình Diệm nói rõ ý mình hơn:
- Sở dĩ tôi cử Phan Thúc Định vì Định trung thành theo tôi từ Hoa Kỳ về. Trải qua nhiều thử thách, những lúc khó khăn nhất như hồi 1955, Định là một trong những người đã không rời bỏ tôi, đã giúp tôi được nhiều việc. Anh ta có học cao, hoạt động giỏi, có thể giúp chú Cẩn tổ chức những mạng lưới bí mật, thu thập tin tức nhanh chóng như đã giúp tôi. Anh ta lại là người đã từng về nước bắt mối liên lạc với giáo sư Lê Mậu Thành trước đây, bây giờ ra đó có thể phối hợp với Lê Mậu Thành phá Việt Cộng từ trong ra, các ông thấy thế nào? Chú thím Nhu có ý kiến gì không?
Diệm hơi ngạc nhiên khi thấy tên trùm tình báo Mỹ Lên-sđên đồng ý. Hắn không biết gì về những cuộc theo dõi, thử thách, điều tra của bọn CIA đối với Phan Thúc Định. Sau những cuộc theo dõi, thử thách, điều tra ấy, bọn chúng đã coi Định là một người thật sự chống Cộng, trung thành với Ngô Đình Diệm, không có vấn đề gì nghi vấn.
Phi-sin, Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân cũng đồng ý với Ngô Đình Diệm về việc cử Định ra Trung phần, với những động cơ khác nhau. Phi-sin đồng ý vì hắn biết Trần Lệ Xuân có cảm tình với Phan Thúc Định, hắn coi như đã loại được một tình địch ra khỏi vòng chiến. Mặt khác, bọn CIA tuy không còn nghi ngờ Phan Thúc Định nữa, nhưng dù sao Định vẫn không phải là người hoàn toàn của chúng như Tràn Kim Tuyến, như Phạm Xuân Phòng, cho nên chúng cũng không muốn để Định quanh quần ở trong dinh Gia Long, hiểu biết những điều bí mật giữa chúng với Ngô Đình Diệm.
Ngô Đình Nhu đồng ý. vì hắn tin tài Phan Thúc Định có thể giúp tên em bạo chúa ở miền Trung giữ được cơ đồ, vì hắn hiểu biết vợ hắn hơn ai hết, hắn e ngại những tình cảm lộ liễu của cô vợ trẻ đẹp, đa tình đối với người thanh niên, vừa trẻ, vừa đẹp trai, vừa lịch thiệp hơn hắn.
Trần Lệ Xuân đồng ý, vì nghĩ ngay đến khu nhà nghỉ mát hắn đang xây ở Đà Lạt với những phòng gương lớn, những bao lơn ngắm cảnh trăng sáng núi rừng mờ ảo, có phòng tắm cực kì lộng lẫy, tráng lệ, tiện nghi… Hắn sẽ gặp Định ở đấy.
Thấy mọi người đồng ý, Ngô Đình Diệm hể hả:
- Tôi biết mọi người nhứt trí với tôi.

°

° °

Năm ngày sau, một chiếc máy bay riêng chở Tô-ma và Trần Kim Tuyến ra Huế, mang theo bản kế hoạch “Gió đã xoay chiều”…