Chương 6
Sự ra đời của một nội các

Cái gì phải xảy ra đã xảy ra. Ngày mồng 7 tháng 5 năm 1954, quân đội viễn chinh Pháp đầu hàng ở Điện Biên Phủ. Như một tiếng nổ lớn có sức chấn động dây chuyền vang dội cả về mặt không gian lẫn thời gian, cả về mặt xã hội lẫn tâm lí con người, chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam anh bùng đã làm lịch sử Việt Nam, cũng như lịch sử đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức trên thế giới chuyển sang một trang mới, đến một bước ngoặt vĩ đại. Ở hội nghị Giơ-ne-vơ về vấn đề Đông Dương, bọn thực dân Pháp chuẩn bị chấp nhận một sự thất bại hoàn toàn. Chủ nghĩa thực dân kiểu cũ chuẩn bị chấp nhận sự cáo chung của vai trò ăn cướp giết người dã man, đẫm máu đã quá kéo dài của mình trên sân khấu chính trị thế giới. Nhưng chủ nghĩa thực dân mới giấu bên trong bộ áo cờ hoa sặc sỡ của mình bom nguyên tử và máy bay phản lực, kế hoạch thống trị và huỷ diệt nhân loại, lồng lộn ra trò, ở châu Á thì đeo chiếc mặt nạ da vàng, ở châu Phi thì đeo chiếc mặt nạ da đen…
Giữa lúc bọn thực dân Pháp và lũ nguỵ quân, nguỵ quyền tay sai tuyệt vọng, bối rối, hoang mang, gục xuống tưởng không thể nào đứng dậy được nữa thì bọn quan chức và nhân viên Mỹ thi nhau bay đến Sài Gòn, Hà Nội. Có người của CIA, người của DIA (19), người của G2, của A… Trong đó, có đại tá Lên-sđên, có “giáo sư” Phi-sin, thiếu tá Tô-ma, “nhà báo” Xôm-xăng-đơ (20)…
Trong khi Phô-stơ Đa-lét, Bộ trưởng Bộ ngoại giao bỏ hội nghị Giơ-ne-vơ đi gặp hết thủ tướng Anh I-đơn, lại thủ tướng Pháp La-ni-en và sau này Măng-đét Phơ-răng để vận động chống lại việc công nhận chủ quyền của ba nước Đông Dương và kéo dài chiến tranh, để Mỹ đổ quân vào Việt Nam, thì ở Việt Nam, máy bay do phi công Mỹ lái tiếp tục ném bom dữ dội xuống các làng mạc, hạm đội 7 Mỹ tiến vào vịnh Bắc Bộ. Bọn quan chức nhân viên Mỹ tới tấp sang “nghiên cứu về vấn đề Việt Nam”, hết gặp tướng Na-va lại gặp Bảo Đại, hết gặp công khai những nhân vật công khai lại gặp bí mật những nhân vật bí mật. Những nhân vật bí mật này làm đủ nghề, từ công chức trong bộ máy nguỵ quyền, sĩ quan nguỵ quân đến bọn lí lịch bất hảo vẫn vỗ ngực là “lãnh tụ đảng phái quốc gia”, từ bọn đội lốt thầy tu khoác áo chùng đen lẫn áo nâu đến bọn thầy bói, thầy tướng, từ một nhà buôn xuất nhập khẩu giàu có đến bọn du thủ, du thực đứng ở các bến ô tô.
Chưa bao giờ Toà đại sứ Mỹ và các phòng thông tin Mỹ, cơ quan viện trợ Mỹ ở Hà Nội, ở Huế, ở Sài Gòn bận tíu tít đến thế.
Rồi những tin đồn úp úp mở mở, hư hư thực thực. Rồi những lời dụ dỗ, thăm dò, hứa hẹn, mặc cả. Cuối cùng, như các báo chí nước ngoài đưa tin, từ trong tay áo chú Sam thò ra một con nộm…
Ngày 18 tháng 6 năm 1954, ở sân bay Tân Sơn Nhất diễn ra một cuộc đón tiếp kì lạ, nửa công khai, nửa bí mật, nửa chính thức, nửa không chính thức, nửa bình thường, nửa nghi thức như đón tiếp một nhân vật quan trọng. Bí mật, không chính thức, bình thường vì cuộc đón tiếp này chỉ có riêng một số người biết, sân bay không có cờ quạt, khẩu hiệu, dàn nhạc, đội quân danh dự. Công khai, chính thức, nghi lễ vì không khí sân bay nghiêm trang, chờ đợi, nhiều cảnh sát, hiến binh canh gác, nhiều mật thám bí mật lởn vởn đi lại, một số nhà báo mang máy ảnh đến đưa tin. Người đi đón đều là những nhân vật quan trọng, tuy không phải là những kẻ cầm đầu bộ máy xâm lược của đế quốc thực dân và lũ nguỵ quyền, nguỵ quân nhưng đều là đại diện chính thức của những kẻ ấy. Người ta thấy đại diện của cao uỷ Pháp ở Đông Dương đứng cạnh đại tá Mỹ Lên-sđên, đại diện cho Bảo Đại ở Sài Gòn (Bảo Đại có hai văn phòng đại diện ở Hà Nội và Sài Gòn) đứng cạnh đại diện của đại sứ Mỹ tại Việt Nam, “nhà báo” Xôm-xăng-đơ đứng cạnh giám mục Ngô Đình Thục, thủ lĩnh Đại Việt đứng cạnh Tô-ma… Thái độ đám đi đón hoàn toàn khác nhau, người thì vênh vang đắc chí như “cờ đã đến tay”, kẻ thì buồn rầu miễn cưỡng như bị cướp mất miếng ăn; người thì hớn hở tràn trề hi vọng như nắm chắc ghế “bộ trưởng” trong tay, kẻ thì vẫn dè dặt, lấm lét mắt trước mắt sau như phân vân không biết đã nên theo ông chủ mới hay chưa và liệu ông chủ cũ đối với mình thế nào.
Một chiếc máy bay bốn động cơ của hãng hàng không “Freedom Air Lines” (21) lừ từ hạ cánh xuống sân bay. Mọi người im lặng, chăm chú nhìn lên khung cửa máy bay. Cửa máy bay mở rộng. Cầu thang máy bay đẩy tới. Một người ngoài năm mươi tuổi mập lùn, mặt bừ bự, lông mày rậm, mắt trắng dã, mặc bộ âu phục vải trắng, thắt cà vạt đen, tay áo che đến nửa bàn tay, đôi chân ngắn trong ống quần rộng, bước xuống: Ngô Đình Diệm.
Hắn hấp háy mắt trước ánh nắng chói chang của sân bay, cười nhăn nhó cả mặt, giơ một bàn tay lên chào những người ra đón. Đằng sau hắn, một tên Mỹ chắc nịch như một võ sĩ, mắt cau có lầm lì: “giáo sư” Phi-sin. Rồi lần lượt đến Ngô Đình Nhu, Trần Kim Tuyến, Phan Thúc Định xuống thang…
Máy ảnh của mấy nhà báo giơ lên bấm.
Ngô Đình Diệm bước nhanh đến chỗ đám người ra đón. Hắn bắt tay mọi người, vừa bắt tay vừa nghe giới thiệu về tên và chức vụ, nghề nghiệp từng người. Hắn dè dặt khi bắt tay mấy tên Pháp, vồ vập khi gặp lại bọn Mỹ mà hắn đã từng quen biết, hân hoan khi gặp những người trong gia đình hắn, nhìn ban ơn và hứa hẹn với bọn nguỵ quyền, nguỵ quân chạy theo chủ mới. Giám mục Ngô Đình Thục làm dấu ban phước lành cho hắn.
Mấy nhà báo xô đến định phỏng vấn. Hắn mỉm cười bí mật:
- Tôi tuyên bố gì bây giờ cũng còn hơi sớm. Các ông đợi cho 10 ngày nữa.
Cả đám kéo nhau ra xe hơi đủ kiểu đậu ở cửa sân bay.
Còn lại đám cảnh sát, mật thám ngơ ngác nhìn theo không hiểu ra sao cả. Vì chúng được lệnh theo dõi thái độ những người đi đón thì những người đi đón lại đều là cấp to có thể sai phái được các “sếp” của chúng; chúng được lệnh theo dõi người được đón, thì người được đón lại là người mà các “sếp” của chúng phải chạy rạt thật xa, không dám đến gần. Thực là khó hiểu.

°

° °

Ngay chiều hôm đó, trong toà đại sứ Mỹ ở Sài Gòn có cuộc họp giữa ba người: Cô-lin, Lên-sđên và Ngô Đình Diệm. Rượu rót ra, hai cái cốc chạm nhau vào cốc Ngô Đình Diệm.

- Chúc mừng ông Diệm đã trở về xứ sở của ông.
- Thế là chúng ta đã gặp nhau ở Sài Gòn.
Ngô Đình Diệm gật đầu:
- Xin cảm ơn các ông, xin cảm ơn các ông. Đó là nhờ sự giúp đỡ tận tình của các ông.
Cô-lin chỉ về phía Lên-sđên:
- Phải nói trước hết là sự cố gắng của đại tá Lên-sđên và cơ quan của ông ấy.
Ngô Đình Diệm có vẻ còn áy náy:
- Tôi cảm thấy người Pháp không hài lòng đối với việc về nước của tôi. Tôi thấy cần phải đề phòng người Pháp.
Lên-sđên mỉm cười:
- Tất nhiên là như vậy, nhưng ông cứ yên tâm. Người Pháp đã thoả thuận với chúng tôi, đã hứa với chúng tôi là hoàn toàn bảo đảm an ninh cho ông. Bọn tướng tá ở Đông Dương này còn lừng khừng nhưng mọi việc không phải quyết định ở đây mà đã quyết định ở Pa-ri và Oa-sinh-tơn rồi. Sau này, ta sẽ gạt nốt Pa-ri. Ngài ngoại trưởng Đa-lét đang hết sức nôn nóng, ngài có chỉ thị cho chúng tôi là tình hình rất cấp bách, trong bất kì tình huống nào, chúng ta phải bắt tay vào thực hiện kế hoạch của chúng ta.
Ngô Đình Diệm không giấu nổi sự sung sướng:
- Tôi cũng tán thành phải làm ngay…
Cô-lin lắc đầu:
- Chúng ta chưa có thể làm ngay mọi việc một lúc. Tôi nắm vững tình hình ở đây hơn các ông.
Lên-sđên cương quyết:
- Nhưng ngay bây giờ chúng ta phải thực hiện điểm một của kế hoạch. Người Pháp đã thoả thuận với chúng ta rồi, chúng ta phải buộc người Pháp thi hành, không để người Pháp khất lần nữa: ngay trong tháng tới, chúng ta yêu cầu người Pháp phải giải tán chính phủ Bửu Lộc để ông Diệm đây lập một chính phủ mới. Chúng ta chưa yêu cầu truất phế Bảo Đại là chúng ta đã nhân nhượng rồi…
Ngô Đình Diệm hằn học:
- Trong kế hoạch, chúng ta phải truất phế cả Bảo Đại.
- Đúng, – Lên-sđên đáp. – Ta sẽ làm dần dần. Trước mắt, hãy tạm để Bảo Đại đấy nhưng chúng ta phải nắm lấy quyền hành trước khi hội nghị Giơ-ne-vơ đi đến một quyết định nào đó. Bất cứ một quyết định nào ở Giơ-ne-vơ chúng ta cũng chống lại vì đấy không phải là quyết định của Oa-sinh-tơn. Trong tháng tới, phải có một chính phủ do ông Diệm cầm đầu, nếu không, quốc hội sẽ không thông qua viện trợ. Đấy là thông báo của ngài ngoại trưởng Đa-lét. Người Mỹ chịu 80% chiến phí cho người Pháp ở Đông Dương không phải để mất không. Từ năm 1950 đến nay, chúng ta đã bỏ ra 2 tỉ đô la…
Cô-lin gật đầu:
- Tôi đề nghị chúng ta không nên để phí thời gian: nên bàn ngay về việc tổ chức chính phủ cho ông Diệm, các chức vụ quan trọng khác trong chính quyền tương lai để ngày mai ông Diệm có thể tiếp xúc với những người đó. Ông Diệm cần nắm được những người ủng hộ ông từ bây giờ, ông có thể nói thẳng với họ, người Pháp sẽ rút khỏi Đông Dương và chúng ta sẽ viện trợ thẳng cho ông, trực tiếp giúp đỡ ông để ông tiếp tục cuộc chiến đấu chống Cộng sản trên bán đảo này…
Giọng của Cô-lin trở nên nghiêm trang:
- Chúng ta hết sức khẩn trương nhưng cũng phải thận trong. Trước hết tôi đã trao đổi với đại tá Lên-sđên về thành phần của một chính phủ quốc gia Việt Nam mới: hôm nay, tôi muốn nhắc lại với ông Diệm. Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện điểm một của kế hoạch, chúng ta cần mềm dẻo một chút. Chúng ta không thể và cũng không nên thay đổi ngay toàn bộ bộ máy cai trị của người Pháp đã tổ chức từ bao nhiêu năm nay. Vì như vậy, chúng ta sẽ tạo nên một sự chống đối rất bất lợi cho ông Diệm và cho cả người Mỹ chúng ta lúc này. Cho nên trừ những chức vụ quan trọng, chủ chốt phải có người của chúng ta nắm giữ, còn chúng ta có thể sử dụng một số người cũ. Theo chỗ tôi tiếp xúc với bọn họ thì tôi biết, ta có thể “mua” được họ. Xin đề nghị đại tá Lên- sđên trình bày để ông Diệm rõ dự kiến mà tôi và đại tá đã thống nhất về thành phần của chính phủ quốc gia tương lai do ông Diệm làm thủ tướng…
Lên-sđên đi lại góc phòng, mở chiếc cặp da, lấy ra một tờ giấy có ghi tên một số người. Trong khi Ngô Đình Diệm đỡ lấy chăm chú xem thì Lên-sđên giải thích thêm:
- Những người có tên trong danh sách này là những người mà CIA chúng tôi đã thẩm tra (22).
- Lúc này, tôi cần có một số người thân cận luôn ở bên tôi – Diệm nói.
Lê~sđên đáp:
- Cố vấn của ông là ông Ngô Đình Nhu, bí thư riêng của ông là Võ Hải.
Ngô Đình Diệm ngạc nhiên:
- Sao lại Võ Hải?
- Ông không bằng lòng Võ Hải ư? – Lên-sđên hỏi lại – người này rất tận tuỵ trung thành với ông. Bố anh ta là bạn đồng liêu cũ của ông. Bản thân anh ta đã từng tổ chức đảng “Phục quốc đồng minh” giúp ông trong những ngày ông còn ở Nhật Bản. Một tay chống Cộng có truyền thống.
Ngô Đình Diệm lắc đầu:
- Tôi không nghi ngờ gì Võ Hải cả. Nhưng tôi muốn Phan Thúc Định làm bí thơ riêng của tôi. Tôi muốn một người tháo vát, thông minh, có trí thức.
Lên-sđên chậm rãi:
- Nhưng đối với chúng tôi, chúng tôi chưa tin được Phan Thúc Định.
- Có phải vì Định đã cộng tác với SEDCE không?
- Không, ngàn lần không phải thế, ông bạn thân mến. Chúng tôi đã nói với ông rằng: chúng tôi có thể mua được bất cứ tình báo viên nào của SEDCE, ngay cả với viên chỉ huy của Định. Nhưng về Phan Thúc Định, chúng tôi chưa nắm được anh ta. Dù sao đi nữa, anh ta vẫn không phải là người của chúng tôi. Đối với bất cứ một người nào, khi chúng tôi cần tìm hiểu về người ấy thì chỉ một thời gian ngắn, chúng tôi có thể nắm được tất cả gốc tích họ hàng, bạn bè, thói quen, hoạt động, thậm chí đến cả những sở thích nhỏ của người ấy như thích uống rượu gì, thích xem loại sách nào… Nhưng riêng đối với Định chúng tôi vẫn thấy còn những dấu hỏi.
- Về gốc tích, họ hàng anh ta, tôi biết rõ – Diệm nói.
- Đúng! – Lên-sđên gật đầu.
- Về bản thân anh ta, chúng ta vẫn tiếp xúc.
- Đúng.
- Chính ông đã hỏi những nhân viên CIA cài trong SEDCE về anh ta.
- Đúng!
- Họ nói sao?
- Ông còn lạ gì về tổ chức tình báo nữa. Mỗi nhân viên tình báo hoạt động một lĩnh vực, trong một đường dây khác nhau; điều đó hoàn toàn phải bí mật, tuy cùng là nhân viên của SEDCE nhưng nhiều khi cũng không biết nhau, làm thế nào mà nắm được rõ về mọi hoạt động của nhau. Họ chỉ báo cáo cho tôi biết là Định được SEDCE tín nhiệm, còn những chi tiết khác thì không ngoài những điều ta đã biết rồi: gia cảnh thế nào, sang Pháp học ra sao.
- Ông không thể liên lạc thẳng với những người chỉ huy của SEDCE để hỏi cho rõ? Dù sao họ cũng là đồng minh của chúng ta.
Lên-sđên phá ra cười làm Cô-lin cũng cười theo. Hắn giải thích với Ngô Đình Diệm:
- Trong lĩnh vực tình báo không có “đồng minh”, theo đúng nghĩa của nó, ông Diệm ạ. “Đồng minh” cũng là một đối tượng ta phải điều tra, giữ miếng, và đối phó không khác gì đối với kẻ thù. Chúng ta gài người của chúng ta vào SEDCE thì SEDCE cũng phải gài người của họ vào CIA chứ! Bây giờ hỏi tin tức về bọn Cộng sản thì họ có thể cung cấp cho ta một phần nào, nhưng ta không ngây thơ gì lại hỏi họ về nhân viên của họ cả.
Ngô Đình Diệm vẫn hỏi thêm:
- Thế còn báo cáo của Phạm Xuân Phòng về thời gian Phan Thúc Định trở về Việt Nam?
Lên-sđên đáp:
- Trong thời gian Phan Thúc Định trở về Việt Nam, Phạm Xuân Phòng có đeo sát Định. Trên máy bay từ Sài Gòn, Định liên lạc với một cô chiêu đãi viên. Thời gian ở Huế, Định thường gọi dây nói đến số điện 377. Số điện này thẩm tra lại, là số điện của Rơ-nê Ca-sanh, phụ trách chi nhánh hãng Pháp quốc hàng không ở Huế, đồng thời là một nhân viên bí mật của SEDCE. Chúng ta không làm thế nào thu được nội dung những cuộc nói chuyện đó. Ở Sài Gòn, Định hay lui tới các tiệm nhảy Arc-en-ciel, Mỹ Cảnh, Liberty Palace…
Đợi Lên-sđên nói xong, Diệm mới mỉm cười:
- Thời gian ở Huế, Định đã làm được một việc rất tốt mà Phạm Xuân Phòng không biết.
Lên-sđên ngạc nhiên:
- Việc gì? Không có việc gì mà chúng tôi không biết cả.
Diệm thủng thẳng:
- Định đã nắm cho tôi được tình hình của công chức sĩ quan ở Huế và quan trọng nhất là nối được mối liên lạc giữa tôi với Lê Mậu Thành…
Lên~sđên đập tay xuống thành ghế bành:
- Tôi biết! Tôi biết! Và Lê Mậu Thành đã phản lại ông rồi chứ gì? Người giáo sư, một trong những lãnh tụ Đại Việt, người mà ông đã tìm cách cài vào hàng ngũ Cộng sản, nắm tình hình và phá từ trong nội bộ của chúng phá ra, đã bị “nhuộm đỏ” rồi chứ gì?
- Sao ông biết?
- Xin lỗi ông, ông cử Định đi bắt liên lạc với Lê Mậu Thành thì chúng tôi cũng cử người đi gặp hắn, đồng thời cũng để giám sát quan hệ giữa hắn với Định. Thành đã bị Việt Minh tẩy não, đã được chúng giao cho công tác, đã tỏ ý đi theo Việt Minh đến cùng.
Diệm vẫn thủng thẳng:
- Người của ông lầm rồi! Tất cả những điều ấy chỉ là bề ngoài. Nếu không thế thì Lê Mậu Thành sống sao được ở giữa lòng chiến khu Việt Minh mấy năm nay và sẽ còn sống với Cộng sản một thời gian nữa. Bọn Việt Minh rất tinh quái nhưng tôi tin Lê Mậu Thành cao tay hơn chúng, sẽ cho chúng một đòn nặng. Bằng mật khẩu thống nhất với nhau từ trước, Thành đã nhắn về cho tôi biết anh ta đang xúc tiến việc tôi giao phó cho anh ta. Đó là một con người rất trung thành với tôi, một con người rất trung thành với lí tưởng quốc gia, “không bao giờ từ bỏ sự nghiệp anh ta theo đuổi cả”, một con người hiểu biết già dặn và có kinh nghiệm đối phó với Cộng sản. Tôi đã nhận được báo cáo đầu tiên của Lê Mậu Thành. Phan Thúc Định đã giúp tôi việc đó.
Lúc này, Cô-lin thấy cần phải xen vào câu chuyện:
- Dù sao chúng tôi cũng thấy chưa nên giao cho Phan Thúc Định một chức vụ gì chính thức trong chính phủ mới. Chúng tôi chịu trách nhiệm trước tổng thống Ai-sen-hao-ơ và ngài ngoại trưởng Đa-lét về việc đưa ông về và giúp đỡ ông thực hiện kế hoạch đã định, ông Diệm ạ. Ngoài ông Nhu làm cố vấn, Võ Hải làm bí thư riêng, ông có thêm một cánh tay đắc lực nữa giúp việc cho ông: ông Trần Kim Tuyến sẽ là cố vấn nghiên cứu tình hình chính trị, xã hội giúp ông. (Hắn mỉm cười khi nói đến từ “nghiên cứu tình hình chính trị, xã hội”).
Lên-sđên đứng dậy, hai tay thọc túi quần, đi đi lại lại trong phòng:
- Tôi nghĩ ra rồi, các ông ạ. Chúng ta vẫn dùng Phan Thúc Định nhưng vào việc khác. Vừa phần thử lại xem Định là người như thế nào, vừa phần có lợi cho ta. Định là người của SEDCE thì chắc chắn phải hiểu rõ tổ chức này. ông Diệm nên đề nghị với Định tìm hết cách nắm hết được bọn nhân viên SEDCE của Pháp ở Việt Nam này và cung cấp cho chúng ta bản danh sách bọn đó. Bọn này được Pháp đào tạo, tổ chức hàng bao năm nay sẽ rất được việc cho chúng ta. Chúng ta sẽ tìm cách sử dụng những đứa theo ta, còn những đứa nào không theo ta, chúng ta sẽ tìm cách trừ đi. Chúng ta phải quét sạch những ảnh hưởng khác trên mảnh đất này, làm thế nào để chỉ còn ảnh hưởng của chúng ta thôi.
Cô-lìn gật đầu:
- OK! Ý kiến của đại tá Lên-sđên rất hay. Sau này, nếu Phan Thúc Định vừa tỏ ra là một người có năng lực, vừa tỏ ra trung thành với chúng ta, chúng ta sẽ cử anh ta vào một chức vụ chính thức nào đó cũng không muộn. Ý kiến ông Diệm thế nào, xin cho biết?
Ngô Đình Diệm đọc lại cái danh sách nằm trên tay, nói:
- Tôi chấp nhận ý kiến của các ông. Tôi chỉ đề nghị với các ông thương lượng nhanh chóng với người Pháp để tôi nắm chính quyền thật sớm, nếu để chậm e muộn mất, không cứu vãn nổi tình hình.
Cô-lin vui vẻ:
- Ông cứ an tâm. Việc chúng tôi với người Pháp coi như xong rồi. Vì thế, chúng tôi mới đưa ông về nước.
Lên-sđên đứng dậy, hai tay vẫn thọc túi quần:
- Bắt đầu từ bây giờ, việc của chúng ta mới thực sự là bận rộn, nặng nề.

°

° °

Ngày mồng 7 tháng 7 năm 1954, bị áp lực của Mỹ, Pháp đành hạ bệ chính phủ bù nhìn Bửu Lộc để Ngô Đình Diệm đứng ra thành lập một nội các bù nhìn mới thân Mỹ (23). Gia đình họ Ngô và tất cả những người thân tín của Diệm đều được trọng dụng, giữ các chức vụ chủ chốt…