Chương 20
Lãnh chúa miền Trung

Những người con trai trong, ngoài hai mươi tuổi mắt long lanh sáng, khí thế hăm hở tưởng chừng có thể đạp bằng mọi trở ngại. Những người con gái vẫn duyên dáng, thướt tha trong những chiếc áo dài trắng, nhưng toát lên vẻ nghiêm trang cương quyết. Họ cầm những biểu ngữ nổi bật hàng chữ:
“Đả đảo sự can thiệp của ngoại bang vào tình hình quốc nội Việt Nam”
“Độc lập trên hết”
“Bảo đảm quyền tự do dân chủ”.
Trên khán đài, đằng sau bàn thờ Tổ quốc có đỉnh trầm hương nghi ngút, chạy dài một hàng chữ khác: “Sinh viên, học sinh Việt Nam đấu tranh vì quyền lợi của Tổ quốc”.
Giảng đường C của Viện đại học Huế đông dần. Sinh viên, học sinh của bốn trường đại học trong thành phố (55) kéo đến mỗi lúc mỗi đông. Những người hiếu kì và những người nhiệt tình không ở đoàn thể nào, cũng có mặt. Tất nhiên trà trộn vào đó, không phải là ít những tên mật vụ mà ngay chúng cũng không biết mặt nhau, nhiều khi lại còn dò xét lẫn nhau. Những lởi chào hỏi vui vẻ, những tiếng cười sảng khoái, những lời hứa đanh thép, những cuộc hội ý chớp nhoáng, những cái nhìn thông cảm… Có cả những cái nhìn nhớn nhác. những lời thì thầm, những cái tai vểnh lên nghe ngóng, những bộ mặt luôn luôn hích lên đánh hơi…
Hoạt động nhất là các nhà báo. Những nhà báo nước ngoài, quần áo mỗi người một vẻ, râu tóc mỗi người một kiểu, có người đeo hai, ba chiếc máy ảnh bấm lia lịa, có người đeo máy ghi âm, có người luôn tay lia máy quay phim. Những nhà báo trong nước hỏi người này, phỏng vấn người kia, ghi ghi chép chép. Mấy vị giáo sư đại học đứng trầm mặc suy nghĩ.
Phan Thúc Định đứng lẫn trong đám người hiếu kì. Nhìn những gương mặt trẻ đầy nhiệt tình, hăm hở, anh thấy trìu mến, yêu thương vô hạn. Anh chợt nhớ tới buổi nói chuyện với Ngô Đình Cẩn hôm trước.
Trở lại đất Huế lần này, anh có xe hơi riêng của Ngô Đình Cẩn ra đón, có mấy công chức cao cấp của toà đại diện phủ tổng thống ở Trung phần xúng xính comlê đứng đợi ở sân bay, có quân cảnh bảo vệ. Qua khung cửa xe, anh nhìn thấy Huế đã có nhiều thay đổi. Sân bay Phú Bài mở rộng. Máy bay lên thẳng nằm một dãy như những con chuồn chuồn khổng lồ. Quần áo rằn ri đi lại. Những kiện hàng quân sự xếp từng đống. Đồn lính, trại lính rải khắp nơi. Chỗ nào cũng dây thép gai, cũng lô cốt, cũng những bộ quần áo lính đủ sắc phục, đủ kiểu mũ nhốn nháo. Xen vào đó là những bãi pháo nhô ra những nòng thép đen trũi.
Nội thành hiện ra trước mắt anh: mất đi nhiều vẻ thơ mộng cổ kính. Nhiều ngôi nhà mái bằng mới mọc lên. Những ngôi nhà nhiều tầng hiện đại đứng như lạc lõng nhìn sang lầu đài, cung điện rêu phong bên kia bờ sông Hương. Trên dòng sông Hương không phải chỉ có những con đò trôi lờ đờ như trôi trong một giọng hò Huế kéo dài, mà có cả những chiếc giang thuyền của “hải quân cộng hoà” xé nước đi lại. Trên giang thuyền lại thấy lính, thấy súng. Phố xá nội thành, xe nhà binh chạy rầm rập. Xe cố vấn Mỹ, xe lính cộng hoà nườm nượp.
Những chiếc xe GMC mười bánh lù lù như những con voi. Những chiếc xe gíp ló ra những ống quần kaki, giày đen của bọn sĩ quan ghếch lên thành xe. Những chiếc Méc-xê-đét, Buých, Ca-đi-lắc… bóng lộn mới xuất hiện. Cửa hàng bán xa xỉ phẩm, cửa hàng bán rượu, giải khát, tiệm nhảy, cửa hàng bán lon mũ cho lính tráng với những tên lai căng nửa Âu, nửa Á nhan nhản. Những hàng chữ Anh xen lẫn với những hàng chữ Việt. Bóng những chiếc áo dài màu tím Huế cổ truyền vắng đi. Thay vào đó là những chiếc áo dài ni-lông với đủ màu, hoa sặc sỡ, những chiếc quần phăng, áo sơmi cụt tay hở cổ. Một rạp chiếu bóng với tấm biển quảng cáo khổng lồ vẽ một người phụ nữ trần nửa hình, tóc xoã man rợ, đôi mắt rừng rực vẻ dâm đãng, đang nháy một bên mắt khiêu khích khách qua đường. Dưới hình người đàn bà là hình mấy gã đàn ông đội mũ to vành đang chĩa súng ngắn vào nhau với những hàng chữ rẻ tiền. “Đại xuất phẩm tô màu. Li kì, rùng rợn, hấp dẫn từ đầu đến cuối”. Mấy đứa trẻ đứng giương mắt nhìn. Trẻ em đi lang thang rất nhiều trên phố xá. Nhưng nhiều nhất vẫn là lính tráng: lính dù, lính biệt kích, lính thuỷ đánh bộ, lính thiết giáp, lính thuộc lực lượng đặc biệt…
Phan Thúc Định u hoài như mất mát một cái gì, như tâm trạng một người luyến tiếc một cái gì thơ mộng, êm đềm đã đi qua mà không bao giờ trở lại.
Ngô Đình Cẩn tiếp Định ngay buổi chiều hôm đó. Vừa nhai trầu bỏm bẻm, vừa nhìn Định một cách xoi mói, tên lãnh chúa Trung phần nói thủng thẳng:
- Tôi rất sung sướng được tổng thống cử ông ra đây giúp tôi. Nhưng có điều tôi phải nói trước với ông là tình hình miền Trung này khác với tình hình trong đó đôi chút.
Định biết hắn muốn vừa phủ đầu, vừa thăm dò anh. Trước khi ra làm việc với hắn. anh đã hỏi kĩ nhiều người về hắn. Hắn vốn đa nghi xảo quyệt và độc đoán, tàn bạo. Hắn nghi kị cả những người thân cận nhất của hắn, nghi kị cả những người của Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu cử ra. Hắn không muốn ai biết được những việc hắn đã làm và đang làm. Cái nghi kị, độc đoán tàn bạo của hắn là cái nghi kị, độc đoán của của một tên vua phong kiến thời trung cổ.
Định ngồi im nghe với một vẻ hết sức tôn trọng lời hắn. Thấy thái độ lịch thiệp và lễ độ của anh, vẻ xoi mói của hắn bớt dần.
Hắn nhả miếng trầu ra khỏi miệng, nói lải nhải về “uy tín”của hắn đối với đồng bào miền Trung, về tài năng lãnh đạo của hắn đã tổ chức một bộ máy chánh quyền ở đây tuyệt đối trung thành với Ngô tổng thống như thế nào... Hắn hỏi thăm Ngô Đình Diệm, vợ chồng Ngô Đình Nhu, hỏi thăm tình hình làm việc với người Mỹ ở phủ tổng thống. Hắn hỏi đến gia đình, bản thân Phan Thúc Định.
Biết Định sinh ra ở một gia đình có thù với cách mạng và cũng sống độc thân như hắn thì hắn thích chí, cười ha hả:
- Thế thì tôi với ông cùng làm việc được. Ngô tổng thống thật là sáng suốt khi cử ông ra giúp việc cho tôi.
Hắn nói với Định về kế hoạch “Gió đã xoay chiều”. Kế hoạch này, trước khi rời Sài Gòn ra Huế, Phan Thúc Định đã được nghe Lên-sđên trình bày tỉ mỉ trong một cuộc họp giữa anh em họ Ngô với bọn CIA. Sở dĩ cuộc họp hôm ấy có mặt Định là vì chúng đã quyết định cử anh ra giúp Ngô Đình Cẩn thực hiện kế hoạch đó ở Trung phần. Bây giờ, nghe Cẩn trình bày lại, anh chỉ thấy có điều khác là hắn tự nhận toàn bộ bản kế hoạch là do hắn mất bao công suy nghĩ, soạn thảo ra, đệ lên tổng thống thông qua.
- Tổng thống đã ban khen và dạy phải thực hiện cho bằng được – Ngô Đình Cẩn nói – lại cử ông ra đây giúp việc tôi. Trong bản kế hoạch, tôi đã nói rõ, bọn Cộng sản chủ trương đánh chúng ta từ ba khu vực: vùng rừng núi chúng kiểm soát, vùng đồng bằng và vùng nội thành. Tương kế, tựu kế, chúng ta cũng phải đánh lại chúng trên cả ba mặt trận do chúng đề ra ấy! Chuyến này là một cuộc đọ sức quyết định đấy!
Phan Thúc Định lễ độ:
- Chắc cụ lớn đã có chương trình hành động cụ thể.
Hắn cười tự đắc:
- Gậy ông đập lưng ông mà! Điều đó ông chưa cần biết vội. Tôi đã bố trí lực lượng đầy đủ trên cả ba mặt trận ấy rồi! Bọn Cộng sản sẽ bị những đòn thật bất ngờ đối với chúng và khi chúng biết ra thì tất cả tổ chức của chúng đã tan vỡ hoàn toàn. Hà… hà… Ở ba mặt trận ấy thì vùng nội thành này, chúng ta phải chú ý đến bọn công nhân và bọn thanh niên học sinh. Tôi cho rằng chẳng nên mở trường đại học làm gì. Bọn thanh niên bây giờ có tí học thức nào là nói lí thuyết nọ, lí thuyết kia, không coi người lớn ra gì cả, trên không ra trên, dưới không ra dưới. Chúng nó học hết bậc trung học là cho chúng nó vào hết các quân trường. Ông thấy có phải không? Quân lực cộng hoà vừa thêm người, mà chúng ta cũng đỡ lo chúng nó chống đối, đỡ hậu hoạn.
Thấy hắn nói lan man, Phan Thúc Định muốn gợi ý hắn trở lại vấn đề một cách khéo léo:
- Cụ lớn có thề cho tôi biết bổn phận tôi phải làm gì để khỏi phụ lòng uỷ thác của tổng thống?
Ngô Đình Cẩn trở lại ngay cái xảo quyệt, khôn ngoan của hắn:
- Ông mới ra đây, ông hãy nghỉ ngơi mấy hôm, tìm hiểu tình hình đã. Ông đã làm cố vấn của tổng thống thì ông lại làm cố vấn cho tôi. Khi nào có việc gì cần đến ông, tôi xin hỏi ông, ông góp ý kiến cho tôi! Ông hãy nghỉ ngơi đã…
“Hắn vẫn giữ thói nghi kị và độc đoán!” Định nghĩ thầm. Anh không hỏi gì thêm nữa, chỉ đề nghị hắn cho một chiếc xe riêng không cần tài xế, không cần vệ sĩ “để tôi có thể dễ dàng trực tiếp tìm hiểu tình hình mọi mặt, để có thể giúp cụ lớn được nhiều việc và hữu hiệu, như tôi đã làm khi có vinh dự được ở bên tổng thống” – Định nói với hắn như vậy.
- Điều đó thì ông cứ tự nhiên.
Cẩn trả lời anh và nhìn anh tinh quái. Hắn nghĩ đến lời đồn đại về tính hay la cà các tiệm nhảy, quán trà của anh. Hắn cười ha hả nói tiếp: “Người độc thân nào cũng ưa tự do mà!”.

°

° °

Hôm nay, đứng nhìn các thanh niên sinh viên, học sinh ở sân trường đại học này, anh nhó đến lời Ngô Đình Cẩn: “… Vùng nội thành này, chúng ta phải chú ý đến bọn công nhân và bọn thanh niên học sinh…”. Anh nghĩ thầm: “Đây chính là một mối lo của Ngô Đình Cẩn. Cũng chính là một trong những mục tiêu mà kế hoạch “Gió đã xoay chiều” chĩa vào. Hắn nói đã bố trí lực lượng rồi. Lực lượng nào?…”.

- Anh Định!
Một tràng gọi như tiếng reo vui đột ngột làm anh giật mình quay lại. Vẫn mái tóc kiều diễm, vẫn cặp mắt có hàng mi dài u ẩn, vẫn đôi môi gọn nhỏ hơi kênh kiệu ấy: Vân Anh. Định cố trấn tĩnh một nỗi bồi hồi thoáng ngợp tâm hồn anh.
Vân Anh gọn gàng trong chiếc quần âu thẫm, áo sơ mi cộc để lộ đôi cánh tay trắng ngần, cầm một quyển sổ tay, đeo bên mình một chiếc máy ảnh Rô-lây-phlếch mở sẵn ống kính, đi cùng một thiếu nữ kém cô độ dăm tuổi, dịu dàng trong chiếc áo dài màu ngọc thạch, cầm chiếc sắc tay màu trắng.
- Chào Vân Anh.
Vân Anh đưa người bạn gái đến trước mặt Phan Thúc Định, giới thiệu hai người với nhau:
- Xin giới thiệu: đây là Phan Thúc Định, tiến sĩ luật, bạn học với mình từ hồi ở Pháp… và đây là Tố Loan, giáo sư trường trung học Kim Long, người bạn gái thân của em ở Huế này.
Hai người khẽ gật đầu chào nhau. Định quay sang hỏi Vân Anh:
- Còn em? Em chưa giới thiệu cho anh biết hiện nay em làm gì? Ở đâu?
Vân Anh cười:
- Xin lỗi anh, em quên. Hiện nay em là phóng viên cho báo “Diễn đàn”.
- À, thành phóng viên báo chí rồi! Em thấy nghề viết báo thế nào?
- Em thấy thích hợp với em, vì đó là một nghề tự do, được đi lại, tiếp xúc nhiều.
- Anh tin với trình độ học lực của em, với sự thông minh, hiểu biết của em, em sẽ là một cây bút sắc sảo.
Vân Anh nhún vai:
- Anh quá khen! Thế mà nhiều khi em không hiểu nổi cả anh nữa đấy!
Định phá ra cười, quay sang phía Tố Loan:
- Xin lỗi cô, chúng tôi lâu mới gặp nhau, chuyện vui đấy thôi. Cô đừng nghe Vân Anh kẻo lại cho tôi là người khó hiểu.
Tố Loan nhìn Định, đáp:
- Anh đừng ngại. Tuy chúng tôi là bạn của nhau nhưng tôi cũng có những nhận xét, suy nghĩ riêng của tôi chớ!
Vân Anh vẫn chưa lùi:
- Thí dụ như hôm đi với anh ở Sài Gòn gặp sự bất ngờ ấy. Em lo cho anh quá. Đến lúc em tìm cách quay trở lại được thì đã không thấy anh đâu. Em chẳng hiểu việc ấy xảy ra ra sao nữa. Chẳng hiểu anh làm thế nào lại thoát được?
Phan Thúc Định nhìn thẳng vào cặp mắt hóm hỉnh của Vân Anh:
- Cô nhà báo, cô phỏng vấn không đúng lúc rồi! Có cả cô bạn mới đây mà chúng ta cứ nói chuyện riêng với nhau thì chẳng lịch sự chút nào, phải không Tố Loan?
Tố Loan định quay gót:
- Anh cứ tự nhiên. Xin lỗi cả hai người, tôi cũng có việc phải ra gặp mấy người quen!
Vân Anh nắm tay Tố Loan:
- Không! Loan cứ ở đây. Như anh Định nói, mình và anh Định lâu mới gặp nhau, nói chuyện vui đấy thôi chứ không có chuyện gì quan trọng đâu.
Định cũng giữ Tố Loan lại:
- Lần đầu mới gặp nhau, tôi chưa được hân hạnh nói chuyện với cô.
Giữa lúc ấy, tiếng vỗ tay nổi lên rầm rập. Giảng đường C đã đông nghịt. Mọi người đều nhìn về phía khán đài. Trên khán đài, xuất hiện trước mi-crô một thanh niên béo mập, mặt tròn, da trắng. Anh thanh niên đề nghị mọi người cùng hát bài “Lên đàng” để mở đầu cuộc mít tinh. Tiếng hát vang động, giục giã, như sóng dâng, như bão nổi. Tiếng hát làm cho những người có mặt sát gần nhau hơn, như hoà thành một khối vững chắc. Tiếng hát bay lên như phá tan tất cả những ngột ngạt vẫn đè nặng lên lồng ngực, trái tim mọi người.
“Nào anh em tay cùng nhau xông pha lên đàng
Dưới trời tươi sáng
Ta nguyện đồng lòng, điểm tô non sông, từ nay ra sức anh tài
Đoàn ta chen vai nề chi chông gai lên đàng...”
… Bài hát đã hết, nhưng dư âm vẫn như còn vang mãi trên không trung, đọng mãi trong tâm hồn mọi người.
Người thanh niên béo mập, trắng trẻo bắt đầu nói. Anh ta nói về lịch sử vẻ vang của dàn tộc, nói về tinh thần bất khuất, quật cường của cha ông, nói về sức mạnh và trách nhiệm của tuổi trẻ đối với đất nước. Anh ta nói say sưa, hùng hổ, hấp dẫn… Từng lời, từng lời như bốc lửa. Tiếng vỗ tay rào rào luôn luôn ngắt lời diễn giả. Tất cả những cặp mắt hướng về diễn giả khâm phục, trìu mến.
Phan Thúc Định hỏi khẽ Vân Anh:
- Diễn giả nói hay quá! Ai vậy?
- Anh không biết ư? – Vân Anh đáp – một trong những người lãnh đạo phong trào sinh viên, học sinh ở Huế: Lý Ngọc Tú, sinh viên khoa văn.
Tố Loan thêm vào:
- Anh ta được các bạn sinh viên, học sinh rất yêu mến. Diễn giả đang nói tiếp về sự can thiệp của ngoại bang vi phạm đến chủ quyền đất nước, hô hào mọi người, trước hết là thanh niên trí thức, sinh viên, học sinh, phải giữ lấy truyền thống của dân tộc.
Diễn giả dứt lời. Tiếng vỗ tay kéo dài mãi.
Phan Thúc Định rút thuốc lá ra châm hút. Anh thoáng thấy nét mặt Tố Loan đanh lại, trong khi đó Vân Anh đưa máy ảnh lên bấm.
Ngoài cửa giảng đường, tiếng phanh xe ô tô rít lên. Một lũ quân cảnh nhốn nháo nhảy xuống, chạy sầm sập vào sân trường.

°

° °

Theo đề nghị của Định, Ngô Đình Cẩn đồng ý xếp cho anh ở một biệt thự riêng ở ngoài toà đại diện và sử dụng riêng một chiếc xe hơi Méc-xê-đét. Anh không thể từ chối được hai nhân viên do Cẩn cử đến để hầu hạ anh: một người vừa giúp việc vừa là vệ sĩ.

Khi đến biệt thự, anh cho hai người này ở hai gian nhà dưới, rồi chắp tay sau lưng đi thăm từng gian buồng trong biệt thự. Các gian buồng đều bố trí đầy đủ tiện nghi: giường, ghế, bàn kiểu mới, có đài thu thanh, có máy điều hoà nhiệt độ. Với dáng điệu bên ngoài tưởng như bình thản, anh chăm chú nhìn từ cách bố trí đồ đạc đến cách trang hoàng các buồng, từ cách mắc điện đến các khe cửa.
Buổi sáng, khoảng 9 giờ, Đỉnh mới vào gặp Ngô Đình Cẩn vì hắn bao giờ cũng dậy muộn, dềnh dàng đến giờ đó mới làm việc.
Sáng nay, trước khi vào gặp Ngô Đình Cẩn, anh lững thững đi ra phố. Anh có thói quen như vậy từ ngày vế Huế. Đi bộ một lúc buổi sáng đối với anh làm cho tâm hồn thư thái, giữ được sự điều hoà sức khoẻ. Những giờ phút ấy làm anh thấy thân thiết, yêu thương biết bao nhiêu thành phố Huế của anh. Từng vòm cây, từng góc phố, từng ngõ đường hiện ra trong bầu không khí còn giữ được ít nhiều vẻ trầm mặc của quê hương. Gió ban mai từ phía sông Hương toả ra mát lạnh. Anh cảm thấy trong những giây phút này, tâm hồn anh sảng khoái và những khuôn mặt gặp gỡ vào những buổi sáng như hôm nay cũng tươi tỉnh hơn mọi thời gian khác: khuôn mặt những phụ nữ đi chợ sớm, những người thợ đi làm, những công chức đi đến sở, họ chưa bị hao mòn thêm sức lực của một ngày sống cực nhọc, vất vả cày lên mặt những đường nhăn, phủ lên khoé mắt những u buồn.
Anh lững thững dạo bước trên đường Trần Hưng Đạo, lúc ấy còn thưa thớt người. Nhiều cửa hàng còn đóng. Anh đi ngược lên, qua một hiệu ảnh một khách sạn, rẽ vào cửa hàng sách báo mà mấy năm trước anh hỏi mua tiểu thuyết để mua một tờ báo hàng ngày.
Cầm tờ báo trên tay, anh ra vườn hoa Nguyễn Hoàng, ung dung ngồi trên ghế đá nhìn ra dòng sông Hương. Liếc mắt chung quanh thấy không có ai, anh rút nhanh một mảnh giấy con đặt sẵn trong tờ báo từ trước, kín đáo cho vào túi áo. Anh mở tờ báo ra đọc tin tức.
Đọc xong tin tức trên tờ báo, anh lững thững trở về. Vào phòng riêng của mình, anh mở mảnh giấy ra đọc. Mảnh giấy có mấy hàng chữ:
“Kính ông,
Số tiền báo ông còn thiếu của bản quán là ba trăm đồng. Mong ông thanh toán cho. Xin trân trọng cảm tạ.”
Phan Thúc Định lấy trong ngăn kéo ra một ống bột trắng, nhẹ nhàng rải lên bức thư. Tiếp đó, anh lấy ở ngăn kéo khác một ống thuốc nước màu xanh, thấm vào ít bông bôi lên trên mảnh giấy đã rải bột. Một dòng chữ khác nổi lên: “Tìm hiểu Tố Loan, con Phạm Xuân Phòng”. Anh bật lửa đốt ngay mảnh giấy, di nát tro trong chiếc gạt tàn thuốc lá.