Chương 18
Kí giả Phu-lít-xtơn

Sài Gòn, một buổi chiều thứ bảy.
Ngồi trên bao lơn tầng gác ba, Tố Loan đăm chiêu nhìn cảnh cầu Bông nhộn nhịp. Những chiếc xe hơi lộng lẫy, những chiếc quân xa rầm rầm chạy trên lòng đường như thách thức dòng người tấp nập hai bên lề đường phố. Bỗng một tiếng rít phanh ghê rợn làm Tố Loan giựt mình: Hai chiếc xe vận tải lớn suýt đâm vào nhau ở đầu cầu. Hai tên Mỹ lái xe thò đầu ra chửi nhau một hồi, rồi lại rú ga phóng thục mạng.
Mấy phút sau, một chiếc xe hơi quân sự bốn chỗ ngồi từ phía cầu Kiệu lao tới, cướp đường vượt cầu cho gần, làm cho một người đi xe gắn máy Honda từ phía Gia Định sang, hết chỗ tránh phải quăng xe, nhảy xuống lạch ngòi, thoát chết. Chiếc xe hơi đứng lại ở giữa cầu sau khi đã đè gãy chiếc Honda nọ. Tên lái quân xa nhảy xuống. Đó là một tên Mỹ. Hắn chạy đến sừng sộ véo mũi anh cảnh sát đứng giữ trật tự giao thông ở đầu cầu. Hắn quát tháo hỏi tại sao lại để cho người ta cản trở đường đi của hắn. Thấy nạn nhân lấm be bét từ đầu đến chân đang ngoi ngóp lên bờ, một tên Mỹ khác ngồi trong xe, chân đưa ra ngoài đập thình thình vào thành xe, ra vẻ khoái chí.
- Đồ khỉ đột, thật là bỉ ổi! – Tố Loan thốt ra một câu căm phẫn.
Đã gần ba năm nay, từ khi được cha gửi vào Sài Gòn theo học trường đại học Luật khoa, cô vẫn thường mục kích những hiện tượng ngỗ ngược như thế và hơn thế nữa: Người Mỹ giết người cướp của; người Mỹ cướp phụ nữ Việt Nam giữa ban ngày, mang vào trại của chúng để luân phiên nhau hãm hiếp; người Mỹ phóng xe bất chấp luật lệ đi đường…
Từ một thanh nữ mơ mộng như nước sông Hương lững lờ trôi, bình thản như cánh đồng An Cựu nơi cô đã sống trong nhiều năm dưới sự yêu thương của người mẹ hiền, cô đã dần dần được phong trào yêu nước chống Mỹ của sinh viên làm cho mạnh dạn, bồng bột hẳn lên.
Nhiều lần, cô đã đứng trong hàng ngũ sinh viên biểu tình đòi Mỹ – Diệm nghiêm chỉnh thi hành hiệp nghị Giơ-ne-vơ, đả đảo phái đoàn MAAG của Mỹ… Tâm hồn của cô đã nhiều phen sục sôi khi nghe các bạn học cùng trường nói về truyền thống chống ngoại xâm, truyền thống anh dũng chiến đấu và chiến thắng của dân tộc ta, tham dự “những ngày xuống đường”, những đêm “hát cho đồng bào nghe” của sinh viên… Và mới tuần lễ trước đây, chính cô cũng đã lên diễn đàn trước đông đảo sinh viên luật khoa, nói về chủ quyền dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ theo luật pháp quốc tế. Cô đã tự hào thấy mình dám ám chỉ đến chế độ Ngô Đình Diệm bù nhìn và đến hành động can thiệp của chính phủ Hoa Kỳ vào nước Việt Nam.
Buổi nói chuyện của cô được kết thúc bằng những tràng vỗ tay dài hoan nghênh và tên cô cũng được bọn mật vụ của “Sở nghiên cứu chính trị và xã hội” phủ tổng thống ghi vào sổ riêng.
Những việc phạm pháp của bọn Mỹ ở trước mắt đây làm cho cô thấy càng phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ nhân phẩm, bảo vệ trật tự luật pháp của người Việt Nam.
Tố Loan đang bâng khuâng suy nghĩ, thì người nhà lên báo là có một kí giả Hoa Kỳ xin đến phỏng vấn và đợi ở dưới phòng khách. Danh thiếp đề tên Uy-li-am Phu-lít-xtơn, phóng viên tờ “Diễn đàn Nữa Ước”. Tố Loan tự nhủ: “Đây cũng là một cơ hội để ta lợi dụng bọn nhà báo Mỹ, tố cáo những hành động phi pháp của chánh phủ Mỹ – Diệm”.
Trang điểm chỉnh tề xong, Tố Loan chậm rãi xuống phòng khách, như vừa đi vừa đếm từng bậc thang.
- Xin chào cô!
Tố Loan vừa bước vào phòng khách, thì Phu-lít-xtơn đã nhanh nhẹn đứng dậy, cúi đầu chào rất lễ phép. Hắn nói tiếp luôn để tự giới thiệu:
- Uy-li-am Phu-lít-xtơn, phóng viên tờ Diễn đàn Nữu Ước.
- Rất hân hạnh – Tố Loan bắt tay hắn trả lời.
- Xin cô tha thứ cho lỗi đường đột của tôi đến phỏng vấn cô mà không xin phép trước. Tôi là một nhà báo kiêm luật gia, một người Mỹ dân chủ. Tuần trước, may mắn tôi được dự cuộc nói chuyện của cô về chủ quyền dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ theo luật pháp quốc tế. Tôi rất hoan nghênh những luận điểm rất sắc sảo của cô. Hôm qua, trông thấy cô trong hàng ngũ biểu tình tuần hành, tôi lại thêm khâm phục lòng quả cảm của cô. Lời nói đi đôi với việc làm của cô chắc chắn sẽ thu hút được cảm tình nồng nhiệt của nhân dân Hoa Kỳ. Người Hoa Kỳ chúng tôi đang theo dõi hàng ngày vấn đề Việt Nam, đang muốn tìm hiểu nhiều về con người Việt Nam. Vì vậy, hôm nay tôi xin phép đến phỏng vấn cô về một vài vấn đề, mong được phản ảnh những ý kiến tốt đẹp của cô trên báo, thoả mãn được yêu cầu của nhân dân Hoa Kỳ chúng tôi.
Nhìn Phu-lít-xtơn, Tố Loan thấy hắn không giống những người Mỹ khác nhan nhản trên các đường phố từ Huế đến Sài Gòn. Cái áo sơ mi cộc tay của hắn không bằng ni-lông sặc sỡ chim cò bay hay những hình ảnh phụ nữ hớ hênh, mà bằng vải pô-pơ-lin trắng toát. Cái quần của hắn cũng không bó chặt lấy hông và cổ chân. Bộ tóc hung hung của hắn được cắt gọn, chứ không đít vịt hay xoã xuống chấm vai. Mặt mày hắn nhẵn nhụi, điểm một bộ ria kiểu Cơ-lắc Ghê-bơn hợp với lứa tuổi 30, 32 của hắn. Đặc biệt hơn nữa là Tố Loan thấy hắn lịch sự, nhã nhặn chứ không hung hăng, bắng nhắng, ngổ ngáo như bọn nhân viên dân sự và quân sự trong phái đoàn MAAG. Tố Loan mỉm cười:
- Hân hạnh!
Phu-lít-xtơn tắt điếu thuốc đang hút dở, bỏ vào cái hộp sứ Giang Tây đựng tàn để trên bàn khách, thong dong vào đề:
- Thưa cô, là nhà báo, chúng tôi rất tôn trọng sự thật và dám nói sự thật. Quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận đã được ghi rõ trong hiến pháp Hoa Kỳ. Tờ báo của chúng tôi, vì tôn trọng và bảo vệ sự thật, nên đã nhiều lần công kích gay gắt cố tổng thống Ai-xen-hao-ơ và đương kim tổng thống Ken-nơ-đi về chánh sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Chúng tôi rất vô tư muốn ngòi bút của mình phục vụ cho sự thật. Nay vì tình bầu bạn giữa hai dân tộc Việt – Mỹ và để cho chúng tôi là những người Hoa Kỳ tự do và dân chủ có tài liệu vững chắc đấu tranh chống những hành động phản tự do và phản dân chủ làm hại đến mối quan hệ Việt – Mỹ trong một bộ phận nhân viên dân sự và quân sự Mỹ ở miền Nam cũng như ở trong chính phủ Hoa Kỳ, chúng tôi xin cô cho biết tôn ý về hai ý kiến sau đây: Thứ nhất, theo cô thì người Hoa Kỳ ở Việt Nam tốt, xấu như thế nào? Thứ hai, nên làm thế nào đế phát huy những cái tốt và loại trừ những cái xấu đó?
Như gặp cơ hội thích hợp để bộc lộ ngay với một nhà báo ngoại quốc lí luận về chủ quyền quốc gia dân tộc của mình và đồng thời cũng do cảnh tượng vừa xảy ra ở cầu Bông kích thích, Tố Loan nói với giọng đầy tự tin:
- Trước khi vào đây, chắc ông đã có dịp chứng kiến cảnh tượng người Mỹ gây ra vừa rồi và thái độ của nhân viên quân sự Hoa Kỳ đối với người Việt Nam chúng tôi. Tôi chưa tìm ra được danh từ nào thích hợp để nói về thái độ đó của họ. Chính những người Mỹ đó đã trả lời hộ tôi về câu hỏi thứ nhất của ông rồi.
Còn câu hỏi thứ hai của ông, thì những khẩu hiệu do các đoàn biểu tình hôm qua của đủ các tầng lớp nhân dân Việt Nam chúng tôi cũng đủ trả lời một cách hùng hồn và chính xác. Xin nói thành thật với ông rằng, cái tốt mà chính phủ Hoa Kỳ cần làm, cần phát huy là bắt chước người Pháp rút lui về bên kia bán cầu, đừng can thiệp vào Việt Nam, đừng phá hoại hiệp nghị Giơ-ne-vơ để cho chúng tôi tiến hành tổng tuyển cử tự do, thống nhất đất nước chúng tôi.
Phu-lít-xtơn khẽ gật đầu, mỉm cười đáp, rất bình thản:
- Xin tiếp thu những ý kiến tế nhị và xác đáng của cô. Những ý kiến đó thể hiện sự nhiệt tình của một người trí thức yêu nước. Tôi đã có dịp nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Tôi thấy người Mỹ và người Việt Nam giống nhau ở chỗ đều là những người phiêu lưu đầy nghị lực.
Ông cha chúng tôi từ khắp các nước châu Âu sang chinh phục châu Mỹ, còn ông cha người ở miền Nam Việt Nam cũng từ phía Bắc chinh phục nước Thuỷ Chân Lạp này. Tôi nghĩ rằng: trái đất có hai bán cầu, thì người Mỹ ở một bên, người Việt Nam ở một bên. Người ta không thể chặt trái đất ra làm hai thì bán cầu cũng không thể chia đôi được. Vậy người Mỹ và người Việt Nam cũng không thể đối lập nhau được. Chúng ta phải là những người bạn thân thiết của nhau. Giúp các bạn tiến lên con đường tự do, là sứ mệnh lịch sử của người Mỹ chúng tôi. Tôi rất căm phẫn trước thái độ của mấy nhân viên quân sự Hoa Kỳ lúc nãy. Hành động của họ đáng bị luật hình trừng trị. Thái độ của họ bị nhân dân Mỹ chúng tôi lên án. Nhất là họ xâm phạm đến các bạn Việt Nam thì lại càng nghiêm trọng hơn nữa. Tôi xin cô hiểu cho là: ở ngay nước chúng tôi, những vụ án nghiêm trọng gấp trăm nghìn lần hơn, như giết người, cướp của, hiếp dâm v.v… hằng ngày vẫn còn xảy ra rất nhìều. Những tai nạn xe hơi như kiểu lúc nãy thì không kể xiết. Can phạm là người Mỹ đã đành, mà nạn nhân cũng đều là người Mỹ, chứ không phải là người Việt Nam.
Cũng như kẻ phạm tội đó, nếu ở Hoa Kỳ thì gây hại cho người Hoa Kỳ, nếu ở Việt Nam thì gây hại cho người Việt Nam. Theo tôi nghĩ, đây không phải là vấn đề chủ quyền, hay can thiệp, mà là vấn đề phạm pháp của những người cá biệt. Ở Sài Gòn này cũng thế thôi! Báo chí hàng ngày cho biết có hàng nghìn vụ giết người, cướp của, hiếp dâm mà nạn nhân là người Việt Nam. Vậy đây chỉ là vấn đề quan hệ giữa cá nhân với nhau, chứ chẳng lẽ lại nói là người Việt Nam xâm phạm đến chủ quyền của chính mình ư?
Nói đến đây, Phu-lít-xtơn có vẻ trầm ngâm suy nghĩ, dò xét sự phản ứng cửa Tố Loan. Thoáng thấy nét mặt của Tố Loan biến đổi kín đáo, từ chỗ vội vã lúc ban đầu đến chỗ im lặng nghe, hắn tiếp tục tấn công:
- Thưa cô, kể ra thì trong nước chúng tôi, những việc giết người, cướp của không phải là hiếm. Đó là tất nhiên thôi. Bị cáo đều là người nghèo và đúng như Lom-bơ-rô-dô đã nói: họ đều là những tội phạm bẩm sinh. Bên nước bạn cũng thế. Nhưng về mức độ dã man, tàn ác, thì không có vụ nào sánh kịp một vụ án vừa xảy ra ở ngay nơi chôn nhau cắt rốn của cô, mới vài hôm nay thôi. Vụ án này chắc chắn sẽ làm sôi nổi dư luận khắp nước, ai nấy đều căm phẫn, cô đã biết rồi chứ?
- Thưa ông, chưa! – Tố Loan trả lời có vẻ hồi hộp, như đợi chờ một tấn kịch bất ngờ trên màn ảnh – Chưa có báo nào đăng tin cả.
- Nếu cô sẵn sàng tha thứ cho tôi về sự lạm dụng lòng nhẫn nại của cô, tôi sẽ xin trình bày lại vụ án đó. Cố nhiên, trước một luật gia, có những cái nhìn pháp lí rất sâu sắc, tôi sẽ trình bày đủ các tình tiết pháp lí của nó, chứ không kể chuyện như một kí giả. Nhưng để tránh lạc đề, xin phép hỏi thêm cô một câu để kết thúc cuộc phỏng vấn mà cũng là một cuộc trao đổi ý kiến vô cùng phong phú và hữu ích đối với tôi…
- Ông cứ hỏi.
- Là người Mỹ dân chủ, tôi rất khâm phục sự dũng cảm của cô trong các hoạt động chánh trị. Vậy xin cô cho biết mục đích của cô trong việc đấu tranh chống cái gọi là “cường quyền” ở Sài Gòn hiện nay, là để bảo vệ cái gì? Tổ quốc, gia đình của cô hay là lí tưởng Cộng sản?
- Tôi không phải là người Cộng sản. Tôi cũng chưa có dịp nghiên cứu về chủ nghĩa Cộng sản. Nhưng nếu người Cộng sản đấu tranh chống ngoại xâm, mang lại độc lập cho Tổ quốc tôi, xây dựng nước tôi giàu mạnh, thì tôi cũng mong được thành người Cộng sản. Còn hiện nay, là một người yêu nước, tôi chỉ biết đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc tôi…
Đến đây, Phu-lít-xtơn chen vào:
- Và để bảo vệ gia đình!
Tố Loan tiếp theo ngay:
- Vâng, cố nhiên! Cố nhiên cũng là để bảo vệ gia đình tôi. Vì gia đình là tế bào của Tổ quốc.
- Cô có thể hi sinh thân mình để bảo vệ gia đình mình không?
- Vì Tổ quốc, vì gia đình, tôi chẳng tiếc gì cả.
- Xin kết thúc cuộc phỏng vấn của tôi ở đây. Xin cảm ơn cô. Giờ đây xin kể lại với cô vụ án mà lúc nãy tôi đã hứa. Vụ án này li kì lắm, nhưng cũng tàn ác vô cùng! Chắc chắn cô sẽ căm phẫn đến cực độ. Tôi đã tham gia vào cuộc điều tra vụ án này với tư cách là phóng viên.
- Chắc những khía cạnh pháp lí rắc rối, li kì của vụ án đã làm cho ngòi bút của nhà báo kiêm luật gia thêm đậm nét.
- Thưa cô, vâng. Có những bức ảnh chụp được cũng làm cho người ta có cái nhìn sâu sắc hơn, bao quát hơn. Tôi xin bắt đầu trình bày vụ án bằng những bức ảnh đó! Thưa cô, vụ án này đã xảy ra tại một biệt thự xinh đẹp bên bờ sông Hương, cách thành phố Huế 5 ki-lô-mét về phía Đông Nam. Ôi, cái biệt thự vô cùng xinh đẹp như một cảnh thần tiên! Lại cái tên gọi của nó nữa, gợi cảm biết bao: Bồng Lai!
- Tên gì, thưa ông? – Tố Loan tái mặt, sửng sốt hỏi Phu-lít-xtơn.
- Bồng Lai! Không ngờ Bồng Lai tiên cảnh mà lại thành ra thảm cảnh!
Phu-lít-xtơn chậm rãi bùi ngùi đáp lại. Qua sắc mặt của Tố Loan, thấy cô đã mất bình tĩnh, hắn cố lấy giọng bi ai nói tiếp:
-… Và cả Lam Kiều – Phu-lít-xtơn nhấn mạnh hai chữ Lam Kiều – chiếc cầu thơ mộng ấy, nối liền biệt thự với vườn hoa, lại là nơi ghi tội ác của bọn sát nhân!
Phu-lít-xtơn nói đến đây, Tố Loan đã run rẩy, hỏi dồn như cướp lời:
- Thưa ông… việc thế nào?
Phu-lít-xtơn mở chiếc cặp da, lấy ra một tập ảnh, đứng lên, trịnh trọng đưa cho Tố Loan, nói:
- Thưa cô, tôi vô cùng xúc động không thể trình bày được nữa, xin lấy tập ảnh này thay lời.
Tố Loan vội mở tập ảnh ra. Mới nhìn tới bức ảnh đầu, trái đất đã quay cuồng tối sầm trước mặt cô! Cô lảo đảo khuỵu xuống…
Và Phu-lít-xtơn cúi đầu như mặc niệm!

°

° °

Biệt thự Bồng Lai in bóng trên bờ sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế độ 5 ki-lô-mét.

Biệt thự này vốn là của một tên tư bản mại bản làm cho vợ lẽ hắn ở. Chủ nhân mới là Phạm Xuân Phòng mua lại cái biệt thự này và dọn đến đây vào hồi năm 1953, khi tên tư sản mại bản kia cảm thấy ở đây không được yên ổn nữa, mang cả gia đình vào Sài Gòn. Nhân dân vùng này không biết Phạm Xuân Phòng như thế nào. Thấy hắn đã đứng tuổi, lúc nào cũng cặp kính mát trên mắt, nói năng nhã nhặn, có người đồn rằng hắn là một trí thức có chánh kiến khác với bọn Bảo Đại nên lánh ra đây để an dưỡng đợi thời. Thấy hắn rất ham thích môn bơi thuyền pê-rít-xoa, có người cho hắn là một nhà thể dục thể thao. Thấy hắn thường lui tới các xóm lao động, hay nói đạo đức, sẵn sàng giúp đỡ thuốc men, tiền bạc cho những gia đình túng thiếu, có người đoán rằng hắn trước kia là một nhà giáo giàu lòng từ thiện.
Từ khi gia đình Phạm Xuân Phòng đến đây, chưa ai nghe thấy người trong gia đình hắn to tiếng với nhau, và cũng chưa bao giờ người nhà hắn to tiếng với ai. Mọi người đều cho rằng hắn muốn sống một cuộc đời ẩn dật, không ham danh lợi, không chuộng phồn hoa. Tuy nhiên. lai lịch hắn chỉ có hai nơi nắm vững là Ban An ninh giải phóng Thừa Thiên và Cục tình báo trung ương Mỹ. Cha hắn là Phạm Xuân Đề, trong những năm Âu châu đại chiến lần thứ nhất, đi lính khố đỏ sang Pháp. Được giải ngũ năm 1920, với cái lon cai, Đề chạy chọt được vào làm đội lệ dưới trướng tên Nguyễn Khoa K. hồi ấy còn làm tổng đốc. Tớ thấy rất tâm đắc, hắn được quan thầy rất tin dùng và luôn cho cắp tráp, mang roi đi theo. Thời kì lên nhất của hắn là vào năm 1930, khi hắn giúp cho Nguyễn Khoa K. nhiều mưu kế thủ đoạn để chống phá cách mạng. Rồi Nguyễn Khoa K. được thăng thượng thư, về nhậm chức ở Huế, thì hắn cũng được nhảy vọt lên chức bang tá ở Vinh.
Đề có hai vợ, nhưng đẻ nhiều nuôi ít, nên chỉ còn lại có một Phạm Xuân Phòng nối dõi. Sẵn cái thế được tên trùm mật thám Xô-nhi (45) và quan thầy cũ cất nhắc, hắn chỉ mong cho thằng Phạm Xuân Phòng đi học, ngoi lên giật được cái bằng “đíp lôm” (46) là có thể được Pháp đặc cách bổ bang tá rồi.
Trong sáu, bảy năm trời ở Hà Nội, Phạm Xuân Phòng học đã nhiều trường: hết lít-xê-om Hồng Bàng đến Thăng Long, Gia Long. Hắn học như cóc nhảy, tự ý nhảy vọt hai, ba lớp. Bố hắn rất mừng khi được biết hắn không phải thi đíp-lôm, mà được thi tú tài ngay. Hắn thi tú tài phần thứ nhất đã nhiều phen, nhưng phen nào thì bố hắn, Phạm Xuân Đề, cũng viết thư an ủi hắn là “học tài thi phận”.
Phạm Xuân Phòng học không giỏi, nhưng có cái giỏi khác, ít người sánh kịp là hắn ăn mặc rất đúng thời trang, lại thông thạo tất cả những hang cùng ngõ hẻm ở Hà Nội và ngoại ô. Hắn có nhiều thủ đoạn kiếm tiền của cha mẹ hắn và cả của người ngoài nữa. Ngoài ra, hắn còn có tài nói rất khéo, đến con kiến trong lỗ cũng phải bò ra. Hắn vẫn khoe với anh em: “hiện nay còn là học trò mà tao đã tiêu đến vài trăm đồng một tháng, trong khi cha tao chỉ chi có năm chục thôi nhé, mai kia ra đời tao sẽ tiêu bằng Rốc-cơ-phen-lơ (47) cho mà xem”. Anh em thấy hắn giao thiệp rất rộng. Hắn thường lui tới với một số nhà văn trong nhóm “Tiểu thuyết thứ Bảy”, nhóm “Vịt đực”. Có khi hắn đi chè chén với những tên du côn khét tiếng như Kính “què”, Tuyên “quăn”. Có khi người ta lại thấy hắn bắt tay, “tuy, toa” với cả những tên mật thám La-néc-cơ, Luýc, Li-ông…
Đầu năm 1937, cha hắn chết, và sau đó mấy tháng, hắn lấy vợ. Vợ hắn mang một cái tên nửa Âu, nửa Á: Hăng-ri-ét Woòng. Hăng-ri-ét Woòng nói được cả tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Quảng Đông. Hăng-ri-ét Woòng nổi tiếng về sắc đẹp trong đám ăn chơi thượng lưu, nổi tiếng cả về sự khó tính. Muốn mời Woòng nhảy một bài thì phải là người biết tuỳ thời tiết mà mỗi ngày thay độ ba bộ com-lê đúng mốt và dám mở một lúc ba, bốn chai Mô-ét-săng-đông ở các tiệm Phi-ga-rô, Đỗ Thận. Muốn mời Woòng đi ăn, thì phải có xe hơi riêng hai chỗ ngồi, kiểu Pho VB hay Cơ-rớt-xlơ. Thế mà Phạm Xuân Phòng lại lấy được Woòng, mới “tốt số” chứ!
Để đua đòi kịp người khác và thoả mãn những sở thích của Woòng, Phạm Xuân Phòng bán đi một trăm mẫu ruộng và hai ngôi nhà trong số hai trăm mẫu ruộng và năm ngôi nhà hai tầng ở Vinh do cha hắn để lại; hơn một năm sau, hắn kí giấy bán nốt số ruộng và nhà còn lại.
Cuối năm 1938, thấy sản nghiệp của hắn đã gần cạn, Hăng-ri-ét Woòng bèn bỏ hắn, đi sống kiểu già nhân ngãi non vợ chồng với một viên luật sư toà thượng thẩm Hà Nội. Luật sư này có tiếng là tay ăn chơi ở Pa-ri, hồi năm 1934-1935, và đã bỏ vợ. Ông ta sống một mình trong một ngôi nhà tráng lệ ở phố Boóc-nhi Đéc-boóc-đơ. Phạm Xuân Phòng đành ngậm đắng nuốt cay trước cảnh cả một khối tài sản lớn của cha hắn, chỉ trong vòng hơn một năm, đã tan ra mây khói.
Theo lời khuyên nhủ và được sự giới thiệu của tên thanh tra mật thám La-néc-cơ, Phòng vào làm quản lí kiêm kế toán, thủ quỹ cho Tsiêng-wa, thầu thức ăn cho ngựa của quân đội thực dân Pháp ở Hà Nội. Mến tài tháo vát của hắn, Tsiêng-wa rất tin cẩn hắn, và đặc biệt là vợ Tsiêng-wa lại càng yêu quý tin cẩn hắn hơn nữa.
Tsiêng-wa đã hơn sáu mươi tuổi, cả ngày nằm cạnh bàn đèn thuốc phiện, ốm yếu quặt quẹo luôn, nên trăm công nghìn việc đều giao phó cho Phạm Xuân Phòng. Đầu năm 1939, bỗng nhiên Tsiêng-wa chết một cách đột ngột, Phạm Xuân Phòng trở thành người thừa kế Tsỉêng-wa cả về mặt thầu khoán thức ăn cho lừa, ngựa của quân đội Pháp và cả về mặt làm chủ gia đình của y, gồm vốn liếng với cô vợ dí dỏm mới bốn mươi lăm tuổi xuân, ra đời trước hắn hai mươi năm. Thời gian này, thực dân Pháp tăng cường lực lượng quân đội của chúng ở Đông Dương để đối phó với phát-xít Nhật, nên Phạm Xuân Phòng lại càng có cơ hội phất lên.
Cuối năm 1940, phát-xít Nhật vào Đông Dương, bọn mật thám Pháp khuyên hắn nhờ tên Shi-mô-mu-ra, buôn bán ở góc phố cửa Đông – Tiên Tsin và tên Ta-na-ka bán kem ở rạp O-lym-pi-a trước cửa chợ Hàng Da, giới thiệu hắn thầu thức ăn cho lừa, ngựa của quân đội Nhật. Shi-mô-mu-ra và Ta-na-ka là hai tên gián điệp Nhật vào Hà Nội đã lâu năm, trá hình là con buôn, có quen biết Phạm Xuân Phòng từ khi Phòng còn là một chú học sinh lêu lổng. Thâm ý của bọn mật thám Pháp là muốn dùng Phòng hoạt động tình báo cho chúng. Nhưng Shi-mô-mu-ra và Ta-na-ka cũng chẳng phải là tay vừa. Hai tên cũng có những âm mưu riêng. Thế là thu nhập của Phạm Xuân Phòng tăng lên vùn vụt, từ mấy nguồn: Món lợi kếch sù do bớt xén, trộm cắp trong việc thầu khoán thức ăn cho lừa, ngựa của quân đội Pháp và quân đội Nhật, tiền thù lao làm gián điệp tay đôi cho Pháp và Nhật.
Ngày mồng 9 tháng 3 năm 1945, Nhật hất cẳng Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Sau hai tháng theo Shi-mô-mu-ra sang Tô-ki-ô, Phạm Xuân Phòng nghiễm nhiên trở về làm đại lí độc quyền cho hãng xuất nhập khẩu nông lâm thổ sản Ta-ra-duy-ka, nay ở chi nhánh Hà Nội, mai ở chi nhánh Sài Gòn.
Về đường vợ con, thì từ năm 1940, hắn đã giết ngầm ả vợ Tsiêng-wa cũ, sau khi toàn bộ tài sản của Tsiêng-wa về tay hắn. Trước đó, tình cờ một hôm đến nhà một người bạn, hắn thấy con gái bạn rất đẹp, mới 19 tuổi còn đang đi học. Hắn đâm mê, tìm cách lấy cho kì được. Trước hết, dựa vào thế Nhật, hắn vu cho người vợ mà hắn thừa kế của Tsiêng-wa là liên lạc với đặc vụ Tưởng Giới Thạch. Người đàn bà này lập tức bị hiến binh Nhật bắt giam, rồi chết ở trong tù. Mặt khác, hắn ngầm báo với bọn mật thám Pháp người bạn nói trên làm gián điệp cho Nhật. Người bạn hắn cũng bị mật thám Pháp bắt giam. Cô nữ sinh mười chín tuổi kia cũng bị gọi ra Sở mật thám mấy ngày. Sau đó, Phạm Xuân Phòng mới bỏ ra một số tiền đút lót cho bọn La-néc-cơ để “cứu” bạn ra. Hắn lại đến thăm hỏi, chăm sóc ân cần người bạn, bỏ ra một số tiền khác để thuốc thang chạy chữa cho bạn sau một tháng trời bị tra tấn chỉ còn da bọc xương. Do tốt mối lái và đế tạ cái ơn cứu tử, người bạn cưỡng ép con gái mình phải lấy Phạm Xuân Phòng. Năm 1941, người vợ trẻ này của Phạm Xuân Phòng đẻ ra Phạm Thị Tố Loan.
Khi cách mạng tháng 8 năm 1945 bùng nổ, thì Phạm Xuân Phòng đang ở Sài Gòn. Hắn vội giao cái ngôi nhà đồ sộ lộng lẫy của hắn, ở giữa phố Ca-ti-na, cho một người em họ trông nom, và đem vợ con về ở một ngôi nhà khác xuềnh xoàng ở phố Sam-pa-nhơ (48). Đến năm 1947, hắn cùng vợ con sang Pháp, rồi sang Thuỵ Sĩ, đợi thời.
Thấy cục thế ở Đông Dương rối như mớ bòng bong, hắn đi đây đi đó để tìm ra con đường thoát.
Từ Thuỵ Sĩ, hắn sang Nhật, ở đó, hắn gặp lại Shi-mô-mu-ra. Shi-mô-mu-ra giới thiệu hắn gặp Ngô Đình Diệm ở Tô-ki-ô. Từ Ngô Đình Diệm hắn làm quen với Phi-sin. Phi-sin giới thiệu hắn sang Mỹ học một năm chính trị đặc biệt ở trường đại học Mi-si-găng. Học xong, hắn vào làm việc ở Cục tình báo trung ương ở Hoa Thịnh Đốn. Đang làm việc ở Hoa Thịnh Đốn, hắn được lệnh cấp tốc chuyển về làm việc ở văn phòng Hồng y giáo chủ Spen-man ở Nữu Ước.
Đầu năm 1953, để bảo đảm bí mật, Spen-man thu xếp cho hắn về Thuỵ Sĩ, rồi từ Thuỵ Sĩ về Pháp. Ở Pari được hai tháng, một phái viên của Lên-sđên đến gặp hắn, trao cho hắn ảnh và tài liệu về Phan Thúc Định với một lệnh ngắn gọn của CIA: “Về Việt Nam, bám sát, điều tra, cung cấp ngay và thường xuyên tất cả những gì biết được về Phan Thúc Định”. Hắn cùng vợ con trở về Huế, mua biệt thự Bồng Lai.
Trong khi bề ngoài, hắn sống một cuộc đời tưởng như phẳng lặng, ẩn dật bên cạnh vợ con giữa biệt thự Bồng Lai thơ mộng thì bên trong, hắn là một “cái đuôi” của Phan Thúc Định. CIA nhận được đầy đủ thường xuyên báo cáo của hắn về mọi hoạt động của Phan Thúc Định.
Sau khi đóng vai giáo sư Sanh bị lộ mặt với Phan Thúc Định và bị Nguyễn Ngọc Lễ đánh một trận nhừ tử, Phạm Xuân Phòng được lệnh CIA về ẩn mình ở Huế và được chúng giao nhiệm vụ tập trung mọi tình báo về hoạt động của cách mạng, đồng thời theo dõi tình hình hoạt động của Ngô Đình Cẩn ở Trung phần Việt Nam.
Bọn gián điệp tay chân khác của Mỹ đều không biết Phòng. Cục Tình báo trung ương Mỹ chỉ liên lạc với hắn bằng một đường dây bí mật đặc biệt, do một tên trước kia làm đặc vụ của Tưởng Giới Thạch đảm nhiệm. Cứ mỗi tuần một lần, vào 9 giờ sáng ngày thứ năm, tên này đội lốt một ông già đánh cá, bơi một chiếc thuyền nhỏ đến gặp hắn ở quãng gần Cồn Hến, cách biệt thự Bồng Lai độ hai ki-lô-mét. Năm thì mười hoạ, Phòng mới vào thành phố, nói là đi mua thuốc, mua hàng để hội họp với Xmít, trung tá CIA, chỉ huy lực lượng đặc biệt Mỹ ở Huế.
Theo báo cáo của Xmít lên Cục Tình báo trung ương Mỹ thì chỉ mới có hai mươi bốn tháng, mà Phạm Xuân Phòng đã khám phá ra hàng chục vụ “Việt Cộng” ám sát hoặc hoạt động tình báo, đã giúp cho chúng bắt hàng trăm người và thủ tiêu nhiều cán bộ cách mạng. Ngoài ra, Phạm Xuân Phòng cũng đã tổ chức thêm một màng lưới khác để giám sát hoạt động của Ngô Đình Cẩn ở Trung phần.
Hoạt động của Phòng bí mật đến nỗi ngay cả vợ con hắn cũng không biết. Hắn thường nhắc đi nhắc lại với vợ con hắn là mình bôn ba đây đó đã nhlều, với hơn chục ngôi nhà đồ sộ ở Sài Gòn, Đà Lạt và dăm triệu đô la gửi ở ngân hàng Thuỵ Sĩ, ta sống cũng đủ phong lưu chán, tội gì mà ra làm chính trị cho nhọc thân. Nhưng đôi khi có một mình, hắn mím môi trợn mắt, chỉ về phương Bắc thề lấy lại cho kì được hai chục ngôi nhà ở Hà Nội, Hải Phòng và non năm trăm mẫu ruộng ở Sơn Tây, Bắc Giang. “Mà đâu chỉ có thế, ta sẽ lấy lại gấp trăm, gấp nghìn lần số tài sản đó chứ!”.
Mỗi khi xem báo hay nghe đài, thấy nhân dân miền Bắc và nhân dân thế giới căm phẫn lên án những tội ác tày trời của Mỹ – Diệm như giết một lúc hàng nghìn người yêu nước ở Phú Lợi, tàn sát, triệt hạ hàng trăm làng, thì hắn cười rất khoái trá. Có đêm trong giấc mơ, hắn nói lảm nhảm “Phải giết, giết hết bọn Việt Cộng!”.
… Một lần, vợ hắn đi chơi về, tình cờ thấy chiếc thuyền pê-rít-xoa của hắn gặp thuyền lão già đánh cá giữa dòng sông Hương, dưới trời mưa rả rích. Lúc hắn về, vơ hắn khuyên hắn nên giữ gìn sức khoẻ, dãi gió dầm mưa như thế không có lợi. Hắn hỏi căn, hỏi vặn vợ hắn đã nhìn thấy hắn ở đâu, đang làm gì. Khi thấy vợ nói đúng địa điểm hắn gặp lão già, hắn cau mày lại, cặp mắt hắn lạnh hẳn đi nhưng hắn cười xoà ngay: “Tinh thần thể dục thể thao mà lị! Em cứ bơi thuyền mà xem, sẽ mê ngay!”. Hôm sau, hắn cố nài vợ hắn tập bơi pê-rít-xoa. Khi vợ hắn bơi được, thường thường buổi tối sáng trăng, cứ mỗi người một thuyền bơi thi nhau, lấy Lam Kiều làm đích, đi xa hai, ba cây số, ai trở về trước là thắng. Thuyền hắn thường về trước có khi hàng nửa giờ. Một hôm, thuyền hắn tới Lam Kiều trước, hắn và gia đình đợi mãi không thấy vợ hắn về. Hắn và con hắn nhao đi tìm thì thấy thuyền bơi của vợ hắn bị lật giữa dòng nước xoáy… Hắn ôm chặt lấy con, lặng người đi. Mãi sáng hôm sau, mới vớt được xác vợ hắn dưới hạ lưu, cách nhà chừng ba ki-lô-mét.
Cũng năm ấy, Tố Loan học hết bậc trung học, Phạm Xuân Phòng cho cô vào Sài Gòn học trường Luật. Suốt ba năm trời ở Sài Gòn, Tố Loan không có dịp trở về Huế. Cứ ba tháng một lần, Phạm Xuân Phòng, với mẩu băng đen để tang vợ trên ve áo, vào Sài Gòn thăm con, ở độ hai, ba ngày lại vội vã trở về Huế. Hắn vẫn bơi pê-rít-xoa như cũ. Bỗng một hôm, người ta thấy hắn chết trong chiếc pê-rít-xoa, ngay dưới chân Lam Kiều, sọ vỡ, óc phọt cả ra ngoài.
Chỉ một giờ sau, nhận được tin Xmít báo cho biết Phạm Xuân Phòng chết, Lên-sđên gầm lên như bò rống qua ống điện thoại:
- Thế nào, ông Xmít? Tại sao nó lại chết? Nó chết như thế nào?
- Thưa ngài thiếu tướng, hôm ấy là ngày Phạm Xuân Phòng đi gặp “người đánh cá” của ta. Tôi chưa tìm ra manh mối tại sao nó lại nằm chết trong chiếc pê-rít-xoa ở ngay dưới chân Lam Kiều. Và cái này mới lạ nữa, là “người đánh cá” của ta cũng chết như thế.
- Hê-lô! Sao? Sao? Ông nhắc lại tôi nghe! Cả thằng Hoa kiều?
- Vâng, cả thằng Hoa kiều ấy cũng bị giết chết ở ngay cái lạch nhà nó. Cả hai đứa đều bị đánh vỡ sọ. Một thằng bị ở trán, một thằng ở đỉnh đầu… Hê-lô, dạ, dạ! Chưa tìm ra manh mối ạ!
Lên-sđên cắt lời:
- Thế là thế nào? Chắc lại bàn tay Việt Cộng rồi! Tôi ra lệnh cho ông phải khám phá ra thủ phạm vụ án này trong hạn định là hai mươi bốn tiếng đồng hồ.
Lên-sđên đặt sầm ống điện thoại xuống, quay lại nói với Phi-sin:
- Thằng Phạm Xuân Phòng là một tên rất sợ bị ám hại. Không cớ lẽ nào nó lại không đề phòng Việt Cộng. Tôi còn ngờ vực điều này, không chắc nó đã bị Việt Cộng giết…
Phi-sin thở dài:
- Kiếm cho ra được một thằng như nó thật không phải là chuyện dễ. Nó không những là kẻ thù không đội trời chung của Việt Cộng mà còn là một địch thủ lợi hại của tên móc túi nhà nghề Ngô Đình Cẩn nữa… Nhưng thôi, nó đã chết rồi, do kẻ nào giết, chuyện đó sẽ bàn sau. Muốn gì thì nó cũng chẳng thể sống lại được nữa. Ta phải kiếm người thay thế nó.
Lên-sđên gật đầu tán thưởng:
- Ông bạn giáo sư, ông nghĩ chuyện đó, thật hợp ý tôi. Vậy ông xem có thể chọn ai thay thế Phạm Xuân Phòng?
- Không còn có ai tốt hơn là con gái của nó. – Phi-sin nói đầy vẻ tin tưởng – Bọn da vàng tuy thuộc giống người hạ đẳng, nhưng về mặt quỷ quyệt thì chúng cũng không kém bất cứ giống người nào. Nhất là phụ nữ. Điều này Viện nghiên cứu dân tộc của trường đại học Mi-si-găng đã có đủ tài liệu để chứng minh. Tôi đã nghiên cứu kĩ về đứa con gái của Phạm Xuân Phòng. Nó có đủ điều kiện cần thiết để thay thế công việc của cha nó.
- Ông muốn nói đến con Tố Loan phải không!
- Ông cũng biết con bé này ư? – Phi-sin tỏ vẻ nghi ngờ, nhìn Lên-sđên – Ông đã gặp nó từ bao giờ?
Lên-sđên vội vàng thanh minh:
- Tôi chưa bao giờ gặp con bé ấy. Xin thề! Trung tá Tô-ma mới nói chuyện với tôi về nó hôm qua…
- Chắc Tô-ma cũng đã báo cáo cho ông biết phong trào bài Mỹ của sinh viên Việt Nam ở Sài Gòn này rồi đấy chứ?
- Có.
- Vậy ông có đồng ý với tôi rằng nếu ta nắm được Tố Loan rồi thì có thể biến nó thành một con chủ bài nhiều mặt của CIA chúng ta chứ?
- Ô kê! – Lên-sđên gật đầu lia lịa – Tôi hiểu rồi! Ông bạn muốn nhân cái chết của bố nó để kéo con bé này về với chúng ta phải không? Xin cho biết kế hoạch?
- Đúng như thế! – Phi-sin chậm rãi trả lời. – Ông hãy cho bắt ngay tên người nhà Phạm Xuân Phòng, tên này là em vợ Phòng và một tên nông dân khác ở trong xóm vẫn thường được Phòng giúp đỡ tiền bạc, thuốc men. Hãy đánh cho chúng nó một trận, bắt phải nhận là “Việt Cộng”, là thủ phạm giết Phạm Xuân Phòng. Bắt chúng nó phải diễn lại vụ án theo sự dàn cảnh của ta. Ông hãy cho chụp ảnh đầy đủ diễn tiến vụ “ám sát” đó để đánh tan những mối nghi ngờ của mọi người và kèm theo chụp cả những bản khai cung của chúng nó nhận giết Phạm Xuân Phòng để cướp của…
- Ô kê! Được lắm, được lắm! – Lên-sđên tán dương quỷ kế của Phi-sin. Hắn bổ sung thêm – Như thế vừa đánh lừa được Tố Loan, Tố Loan nhất định sẽ về phía chúng ta, vừa đánh lừa bọn thủ phạm, thấy ta bắt và đưa ra truy tố những tên gọi là “thủ phạm” trong vụ án này, chúng sẽ mất cảnh giác mà sa vào bẫy của chúng ta. Hê-lô! Phải tiến hành ngay tức khắc. Còn việc nói chuyện với Tố Loan đã có Phu-lít-xtơn đảm nhiệm rồi.

°

° °

Phu-lít-xtơn cúi đầu như mặc niệm trước những tấm ảnh chụp xác Phạm Xuân Phòng đầu nát bét, chết thê thảm. Đợi Tố Loan hồi lại, hắn mới nói khẽ:

- Thưa cô, tôi xin thay mặt những người trí thức Hoa Kỳ, những người Hoa Kỳ tự do và nhân danh cá nhân, rất đau lòng chia buồn với cô! Nhưng sự thế đã rồi, lấy lại làm sao được!
Phu-lít-xtơn từ từ mở cặp, rút ra tập ảnh khác chụp rõ từng nét chữ lời khai cung của người nhà Phạm Xuân Phòng và người nông dân nhận mình là người của Việt Cộng đã giết Phạm Xuân Phòng:
- Xin mời cô xem tiếp những tài liệu này!
Tố Loan mặt càng tái nhợt, mười phút sau, cô mới giàn giụa nước mắt, ngập ngừng nói:
- Quân dã man! Không ngờ chúng tàn ác vô nhân đạo đến thế! Phải làm gì bây giờ? Giờ đây, tôi phải làm gì? Xin cảm ơn ông đã cho tôi biết rõ sự việc đau lòng này, xin cảm ơn về những lời chia buồn của ông… Thế là ngày nay tôi đã trở thành bơ vơ trên cõi đời đen bạc này!
- Không, thưa cô. Tôi rất thông cảm với tình cảm của cô. Một người con hiếu nghĩa, cô cần báo đáp công đức của cha mẹ mình. Mất đi những người thân thích nhất của gia đình, ai mà không đứt ruột, nát gan. Nhưng cô có hoàn toàn bơ vơ đâu. Bên cạnh cô, giờ đây có chúng tôi, có hàng triệu người Mỹ tự do, bác ái. Chúng tôi sẵn sàng mang hết sức mình ra giúp đỡ cô về mọi mặt.
Tố Loan lấy khăn tay ra lau nước mắt đang ròng ròng chảy xuống hai má. Phu-lít-xtơn nói tiếp:
- Trả thù rửa hận, tôi nghĩ đó là hành động duy nhất đúng của một người con có hiếu, của một người trí thức sáng suốt, có trí tuệ hơn người…
- Nhưng một người con gái trói gà không nổi như tôi thì làm gì được?
- Sức mạnh của con người là ở trí tuệ chứ đâu ở chân tay. Người Hoa Kỳ chúng tôi, kể về thể lực, thì không bằng bọn da đen ở châu Phi, thế mà với trí tuệ vô biên đã dùng năng lượng nguyên tử làm nghiêng hẳn thế giới và vũ trụ. Cô còn hơn nam giới ở một điểm rất mạnh nữa, là có sắc đẹp! Chỉ riêng sắc đẹp thôi cũng đã đủ làm nghiêng thành rồi! Một người khoẻ bằng voi mà lâm trận, giỏi lắm cũng chỉ hạ được hai, ba kẻ thù, nhưng nếu dùng mưu trí, thì có thể diệt được cả một đạo quân lớn. Tôi cho rằng cô có thể làm được những việc lớn, miễn là cô có quyết tâm: thấy cần phải hoàn thành nghĩa vụ đối với ông cụ thân sinh bị kẻ thù sát hại. Trước đây, cô đã tỏ ra vô cùng dũng cảm và thông minh đứng trong hàng ngũ đấu tranh của những người mà giờ đây cô mới thấy là kẻ thù của mình, thì nay, cũng với sự dũng cảm và thông minh ấy, nhất định cô sẽ thắng lợi vẻ vang trong cuộc đấu tranh một mất, một còn với chúng, vừa trả được thù nhà, vừa đền được nợ nước. Còn Hoa Kỳ chúng tôi xin hứa sẽ giúp cô mọi phương tiện để tiêu diệt kẻ thù chung của chúng ta.
- Xin cảm ơn ông. Như vậy. linh hồn của cha tôi cũng được ngậm cười nơi chín suối.
Thưa cô, Đức giám mục Uy-ru-xi-a (49) ở Huế đã làm lễ rước linh hồn cụ lên thiên đàng rồi!
Phu-lít-xtơn đứng dậy, cúi đầu chào cáo biệt: “Hai hôm sau gặp lại”. Trước khi bước lên xe hơi, hắn còn nói với một câu:
- Xin cô hãy tin tưởng vào sự giúp đỡ vô tư, khảng khái và vô cùng mạnh mẽ của chúng tôi.