Chương 4
Câu chuyện tình của người cán bộ

Lê Mậu Thành cầm một gói giấy nhỏ bước vào phòng làm việc của đồng chí Nguyễn Phong – thủ trưởng cơ quan – đang lúi húi ghi chép trên quyển vở. Nghe tiếng gõ cửa, đồng chí Nguyễn Phong đứng lên. Thấy Thành, anh đứng dậy, niềm nở:
- Mời anh vào chơi. Chị Vân Anh về rồi phải không anh. Mời anh ngồi.
Lê Mậu Thành gật đầu:
- Vâng, cô ấy đi đêm hôm qua. Vì khuya không dám làm phiền anh nên cô ấy nhờ tôi sáng nay chuyển đến anh lời cảm ơn anh và các anh, các chị trong cơ quan đã đón tiếp cô ấy niềm nở trong mấy ngày vừa qua.
Vẫn giọng cởi mở, Nguyễn Phong nói:
- Có gì đâu mà phải cảm ơn. Chiều hôm qua chị ấy cũng có đến đây gặp tôi gởi lời chào trước. Tôi có nói chuyện với chị ấy và nhờ chị ấy chuyển hộ lời chúc sức khoẻ của chúng tôi đến gia đình chị ấy. Tôi cũng xin lỗi chị ấy vì hoàn cảnh kháng chiến còn đang gian khổ, khó khăn, chúng tôi lại bận quá, nên việc đón tiếp chị ấy thế nào cũng có điều sơ xuất.
Lê Mậu Thành dè dặt:
- Cô ấy có nói chuyện gì với anh không?
- Chị ấy nói với tôi là rất sung sướng được gặp anh, thấy anh mạnh khoẻ. Hồi ở nước ngoài, chị ấy thú thực không tưởng tượng nổi cuộc sống kháng chiến của chúng ta vẫn ung dung, lạc quan như thế này. Nhiều điều làm chị ngạc nhiên. Chị ấy nói: rất tự hào vì anh đã đi theo kháng chiến.
Thành hơi nhếch miệng cười:
- Vâng, cô ấy cũng nói với tôi như vậy.
Hắn đặt cái gói nhỏ trên góc bàn giấy của Nguyễn Phong, móc túi lấy ra một bao thuốc lá Phi-líp, đưa cho anh:
- Đây là quà cô ấy mang ra.
Nguyễn Phong không cầm bao thuốc nói:
- Cảm ơn anh, tôi có nghiện đâu. Thỉnh thoảng, vui anh em thì tôi hút một điếu thôi. Anh giữ mà hút. Hôm trước chị Vân Anh cũng mang cho tôi mấy bao, tôi chia đều cho anh em cả.
- Tôi hãy còn anh ạ. Đây là phần riêng của tôi để dành biếu anh.
Nguyễn Phong đỡ lấy bao thuốc, nhẹ nhàng bóc một đầu bao, rút ra một điếu.
- Tôi xin anh một điếu vậy. Dứt khoát tôi không nhận đâu. Không hút để nó mốc thì phí đi.
Anh trao lại bao thuốc cho Thành. Không biết làm thế nào hơn, Thành đành phải nhận lấy nó. Hắn mở bọc giấy trên bàn:
- Tôi thấy có bổn phận phải báo cáo với anh: Vân Anh đã mang ra làm quà cho tôi một số thứ. Ngoài thuốc lá, đường sữa ra, cô ấy tặng tôi một chiếc đồng hồ Mô-va-đô, một đôi bút máy Pác-ke 51, một cái bật lửa Flam-ma-ri-ông. Tôi từ chối nhưng cô ấy không nghe. Tôi không muốn giấu cơ quan điều gì và xin mang nộp lại toàn bộ những vật ấy cho cơ quan. Anh nhận hộ.
Nguyễn Phong chăm chú nghe. Cặp mắt anh thờ ơ nhìn chiếc đồng hồ đeo tay, hộp bút máy, chiếc bật lửa sáng óng ánh trên tờ giấy Lê Mậu Thành vừa giở ra. Anh mỉm cười bảo Thành.
- Không. Những vật này là của Vân Anh tặng anh, là thuộc quyền sở hữu của riêng anh, anh cứ việc giữ lấy mà dùng. Anh báo cáo lại chúng tôi biết thế này là tốt rồi.
Lê Mậu Thành cũng cười:
- Tôi vẫn thấy phải báo cáo đầy đủ với anh. Vì những đồ ăn, thức uống không sao, nhưng những đồ dùng loại này tôi không dám giữ, sợ một vài anh em nào đó trong cơ quan không hiểu rõ lại thắc mắc.
Nguyễn Phong gạt đi:
- Không. Anh không phải lo gì điều ấy. Anh cứ giữ mà dùng. Anh em ở đây đều hiểu anh cả.
- Vâng. tôi cũng biết anh em trong cơ quan của ta phần lớn là trí thức – Thành đưa đà theo câu nói của Nguyễn Phong.
Có tiếng lao xao ở ngoài hè nhà, ai hỏi và ai trả lời một câu gì đó rồi một người ngoài ba mươi tuổi, tầm thước, da ngăm đen, mất sáng và tươi, mặc bộ quần áo nâu, đeo sắc-cốt hiện ra trước khung cửa làm việc của Nguyễn Phong. Thành gói mấy đồ vật của Vân Anh tặng vào tờ giấy, định đứng dậy. Nguyễn Phong giữ hắn lại:
- Anh cứ ngồi chơi. Đây là Lê Quang, cán bộ uỷ ban về kiểm tra tình hình và bàn phương hướng phát triển các ngành trong khu vực chúng ta.
Lê Quang bước vào với nụ cười cởi mở trên khuôn mặt nắng gió:
- Xin lỗi, các anh có nói chuyện gì riêng không?
Nguyễn Phong nắm chặt tay Lê Quang rồi giơ tay giới thiệu Thành:
- Chúng tôi nói chuyện xong rồi. Mời anh vào. Xin giới thiệu với anh: giáo sư Lê Mậu Thành, một trí thức nổi tiếng ở Huế trước đây.
Lê Quang niềm nở bắt tay Thành:
- Tôi nghe tiếng anh đã lâu, hôm nay mới được gặp mặt. Tôi cũng là người sinh trưởng ở Huế.
- Tôi cũng rất sung sướng được quen biết anh – Lê Mậu Thành đáp.
Nguyễn Phong nói đùa:
- Hai anh ở cùng một thành phố, lại cùng họ Lê cả, có khi có họ hàng với nhau mà không biết đấy. Anh Quang sẽ ở lại công tác trong cơ quan ta vài ngày. Hay là trong thời gian ở đây, anh Quang ở cùng phòng với anh Thành cho vui. Đồng chí Đông, người ở cùng phòng với anh Thành, đi công tác hơn tuần nay chưa về.
Quang gật đầu:
- Nếu thế thì còn gì bằng nữa. Tôi có bạn để nói chuyện rồi. Tôi nhớ những kỉ niệm về Huế lắm.
Tối hôm đó, cơ quan tổ chức nói chuyện thời sự. Mọi người trong cơ quan đều tập trung ở hội trường. Lê Quang không tham dự buổi nói chuyện đó, ở nhà làm việc.
Chín giờ rưỡi, buổi nói chuyện kết thúc. Lê Mậu Thành về đến phòng mình vẫn thấy Quang một mình, một ngọn đèn, hí húi đọc và ghi chép. Liếc nhanh mặt trên đầu mấy tài liệu đánh máy Lê Quang đặt trước mắt, Thành thấy rõ có dấu chữ nhật đóng đỏ chói hai từ “Tối mật”. Làm như không đến ý đến, Thành hỏi:
- Anh chưa đi nghỉ?
Quang vừa trả lời Thành, vừa xếp những giấy tờ cẩn thận cho vào sắc-cốt:
- Chưa anh ạ, tôi thường quen làm việc khuya.
- Anh cứ làm việc tự nhiên.
Quang treo sắc-cốt lên một chiếc đinh ở trên đầu.
- Thôi, anh ạ. Hôm nay đi nhiều tôi hơi mệt. Tôi có mang theo ít chè ngon, pha một ấm, vừa uống, vừa đợi anh đây.
Thành hưởng ứng:
- Tôi cũng có ít thuốc lá ngon đặc biệt. Mọi tối, không có sinh hoạt, học hành gì, anh em cũng thường quây quần nhau quanh ấm chè nói chuyện.
Thành đặt lên bàn bao thuốc lá Phi-líp. Quang ngạc nhiên:
- À, thuốc lá đặc biệt thật. Ở đâu ra thế này?
- Của người yêu cho – Thành đáp.
Quang cầm phích đổ thêm nước sôi vào ấm chè. Anh tráng hai cái chén con:
- Chắc chị ấy ở trong nội thành gửi ra.
- Không, cô ấy vừa mới ra thăm tôi.
Quang rót nước chè ra chén:
- Xin mừng anh. Chị ấy lại về ngay rồi à?
- Vâng, cô ấy vừa mới đi đêm qua.
Quang nâng một chén nước đưa cho Thành:
- Anh uống thử xem chè này có ngon không? Tôi thích uống chè từ hồi ông thân sinh ra tôi còn sống, hay bắt tôi đứng hầu chè. Uống chè ngon và được đọc thơ hay là sở thích duy nhất của cụ…
Câu chuyện của hai người trở về những phong tục, tập quán cổ của Huế, những món quà đặc biệt của chợ Đông Ba, những buổi chiều mùa hè hóng mát trên cầu Tràng Tiền, những tiếng hò buồn bã mênh mông chạy dài trên dòng sông Hương, những bức tường thành cổ rêu phong đứng trầm tư chứng kiến sự diệt vong của triều đại phong kiến cuối cùng, những con đường lấp loáng nắng, rì rào tiếng gió thở than trên vòm cây thông của các lăng tẩm vua Nguyễn, những buổi tan học đường phố chao đảo bởi những cái nón bài thơ và sáng rực màu tím áo dài của các cô nữ sinh trung học.
Lê Mậu Thành rất thích giọng nói về Huế say sưa chứng tỏ một tình cảm yêu mến đặc biệt đối với thành phố mình sinh ấy của Lê Quang. Càng nói chuyện, Thành càng thích Quang vì thấy Quang có một tâm hồn văn học, một trí thức về lịch sử khá sâu sắc mà Thành có thể nói chuyện tương đắc cả đêm không biết chán.
Câu chuyện dẫn dần đến tình cảm riêng tư, Thành hỏi về gia đình Lê Quang và được biết Quang chưa lập gia đình riêng. Trước khi đi theo kháng chiến, anh có yêu một cô gái thuộc dòng tôn thất. Hai người quen nhau từ hồi cùng học trường Quốc học. Kháng chiến bùng nổ, mỗi người đi theo một con đường.
- Cô ta là Công Tằng Tôn Nữ – Quang nói – tâm hồn rất lãng mạn, khi trước yêu nhau, chúng tôi tưởng không bao giờ có thể xa nhau được và chỉ cần sống với tình yêu thôi. Cách mạng tháng Tám thành công, mở ra trước mặt tôi một chân trời mới. Tôi thấy có cái còn cao đẹp hơn, tôn quý hơn tình yêu rất nhiều. Đó là Tổ quốc, là dân tộc.
Đang tuổi thanh niên, nhiệt tình hăng hái, tôi lao vào những hoạt động xã hội. Tất nhiên chúng tôi ít có thời gian đi chơi, gặp gỡ nhau hơn trước. Điều ấy, làm cô ta không bằng lòng. Nhưng làm thế nào được? Cách mạng vừa thành công, công việc bề bộn sôi nổi, việc gì cũng cần thiết, việc gì cũng quan trọng, việc gì cũng đòi hỏi phải làm ngay, ai có thể ngồi im được. Muốn gần nhau luôn, chỉ có một cách là cô ta cũng phải lao vào công tác như tôi. Tôi đã nghĩ đến điều đó. Anh bảo còn gì gần gũi đẹp đẽ bằng đi hoạt động cũng có nhau, đi họp hành cũng có nhau. Nhưng tôi không thể nào đưa cô ta ra khỏi được cái nhà đầy đồ đồng, tủ chè, sập gụ khảm xà cừ với những tập quán phong kiến nặng nề, với ông bố và bà mẹ luôn luôn tự hào về dòng giống tôn thất của mình, để tham gia những hoạt động xã hội được. Những lúc gặp nhau, tôi sôi nổi kể lại những hoạt động của tôi và lứa bạn trẻ cùng tuổi cho cô ta nghe thì cảm thấy những điều ấy không hấp dẫn đối với cô ta. Dần dân, tôi phát hiện rằng: nếu Cách mạng tháng Tám mở ra cho tôi một cuộc sống mới say sưa, tự hào, đầy ý nghĩa thì đối với gia đình cô ta, với bản thân cô ta như có cái gì mất mát, sứt mẻ. Trong khi tôi sôi nổi thì cô ta dè dặt. Trong khi tôi muốn hát thật to ca ngợi độc lập tự do thì cô ta im lặng nghe ngóng. Đến ngày toàn quốc kháng chiến thì tôi lên đường đi theo kháng chiến, còn gia đình cô ta ở lại thành. Con đường đến đây chia làm hai. Gần đây, tôi được tin cô ta lấy một viên sĩ quan ngự lâm quân của Bảo Đại và đã có hai con…
Lê Mậu Thành im lặng nghe. Thấy Lê Quang ngừng lại, hắn hỏi:
- Anh có buồn không?
Một nụ cười thoáng qua trên đôi môi Lê Quang:
- Cái gì tan vỡ mà chẳng buồn, huống chi là chuyện tình yêu. Nhưng tôi cũng rút ra được một kết luận cho bản thân tôi, xin lỗi anh hơi có vẻ triết lí một chút, là người ta chỉ có thể thực yêu nhau, thực sống với nhau có hạnh phúc được khi mà thế giới quan, nhân sinh quan hợp nhau. Tư tưởng đã không hợp nhau thì trước sau cũng sẽ tan vỡ.
Câu chuyện riêng của Quang hình như tác động mạnh đến Lê Mậu Thành. Hắn trầm ngâm suy nghĩ rồi thong thả nói:
- Cái kết luận của anh đúng đấy. Tôi cũng ở trường hợp tương tự như anh. Bây giờ chưa tan vỡ, nhưng sợ sau này cũng tan vỡ mất.
Hắn chậm rãi kể cho Quang nghe câu chuyện tình duyên giữa hắn với Vân Anh. Chuyện những ngày yêu nhau thơ mộng ở Huế. Chuyện Thành cương quyết gạt bỏ tình riêng, gạt bỏ cuộc đời danh vọng, xe hơi, nhà lầu đi theo kháng chiến. Chuyện Vân Anh được chú cho sang Pháp học và mới đây tốt nghiệp, trở về đã ra chiến khu tìm Thành.
- Cô ấy vẫn đẹp như xưa, vẫn yêu tôi như xưa – Thành nói – Phải có một tình yêu chung thuỷ lắm, cô ấy mới vượt được tất cả cám dỗ của cuộc sống phồn hoa ở nước ngoài, mới vượt bao nhiêu khó khăn ra đây tìm gặp tôi. Nhưng giá cô ấy ra đây để đi theo kháng chiến cùng với tôi thì đáng quý biết bao nhiêu. Tôi sẽ yêu cô ấy hơn biết bao nhiêu lần. Đằng này, không thế. Tôi thú thực riêng với anh điều này: cô ấy lại rủ tôi bỏ kháng chiến về nội thành sống với cô ấy.
Cô ấy nói đến tháng trăng mật ở Ni-xơ, nói đến một căn biệt thự xinh xắn bên bờ sông Hương, một chiếc xe hơi du lịch kiểu mới cho hai vợ chồng, nói đến cái bục giảng dạy ở một trường đại học nào đó với số lương hơn chục ngàn đồng. Những cái ấy tôi biết cả rồi và tôi đã bỏ tất cả để đi theo kháng chiến vì tôi nghĩ như một nhà thơ đã nói: “Ôi, nhà lầu vợ đẹp làm chi? Khi dạ vẫn ngậm sầu hồn đất nước”. Những cái ấy không thể làm xoá mờ được lí tưởng tôi đã theo. Trước đây, ở Huế, đã sống giữa cảnh nhà cao, cửa rộng đầy đủ tiện nghi như thế, tôi có thấy sung sướng hạnh phúc đâu khi quanh tôi bọn cướp nước ngang nhiên giày xéo tổ quốc tôi, đồng bào tôi đang vùng dậy đấu tranh. Cô ấy mang cho tôi nhiều quà, đồng hồ, bút máy… Nhưng tôi dửng dưng vì tôi đã bỏ những thứ quý gấp hàng vạn lần mấy cái đồ lặt vặt đó để đi theo kháng chiến. Chẳng lẽ bây giờ tôi lại đi tham mấy thứ đó, coi chúng hơn nhân phẩm, danh dự của tôi? Tôi có nói nhiều với Vân Anh. Cô ấy không dám nói gì về việc tôi đã bỏ tất cả để đi theo kháng chiến nhưng vẫn khăng khăng là cô ấy không chịu được khổ; không thể theo tôi ra ngoài này sống được; lấy nhau, cô ấy muốn cuộc sống của hai người phải đầy đủ về vật chất, sống đầy đủ tiện nghi và cuộc sống ấy chỉ có thể có ở trong nội thành. Cô ấy nói với tôi: “Chúng ta xa nhau lâu rồi. Tuổi trẻ của người ta rất chóng qua. Em chỉ muốn từ nay về sau, chúng ta sống hoàn toàn bên nhau, bao nhiêu thời gian chúng ta đều để dành cho nhau. Chúng ta phải được hưởng sung sướng trong tuổi trẻ. Bao nhiêu người ở nội thành nhưng tâm hồn vẫn hướng về kháng chiến thì sao? Anh không muốn nhìn thấy bọn Pháp đốt phá đất nước thì chúng ta đi ra nước ngoài sống…”.
Lê Mậu Thành ngả người trên giường, bỏ lửng câu chuyện, kéo một hơi thuốc lá dài, mắt đăm đăm nhìn lên mái nhà. Quang hỏi:
- Anh trả lời chị Vân Anh sao?
Thành ném mẩu thuốc lá còn khá dài ra cửa, đáp:
- Tôi trả lời cô ấy: như thế là nguỵ biện. Đã vào thành là theo địch rồi. Đi nước ngoài lúc này là trốn đấu tranh, trốn trách nhiệm đối với đất nước. Tôi không thể sống như thế được. Cuối cùng, cô ấy giận dỗi trở về.
Thành nói xong im lặng, mắt nhìn bâng quơ lên mái nhà. Quang cũng im lặng như thông cảm với sự đấu tranh dữ dội, sự dằn vặt ghê gớm đang diễn ra trong tâm tư Thành. Tiếng con mối chặc lưỡi trên xà nhà nghe rõ mồm một. Lát sau, Thành thở dài:
- Chưa ai trong hai chúng tôi, nói đến sự tan vỡ, mà tôi cảm thấy sự tan vỡ đã bắt đầu. Người ở một phương, người ở một phía, mỗi người đi theo một con đường, rồi mỗi người sẽ có một cuộc sống khác nhau. Nhưng tôi không thể nghe theo cô ấy được. Tôi không thể phản bội lại lí tưởng của tôi, không thể phản bội lại Tổ quốc để mong sống một cuộc sống sung sướng cá nhân.
Chung quanh vắng lặng, không có một tiếng động. Trời đã về khuya. Lê Quang bảo Thành:
- Tôi chắc anh sẽ buồn một thời gian nhưng tôi tin rằng cũng như tôi, anh sẽ tìm thấy niềm an ủi lớn trong công tác, trong tập thể. Tuy vậy, chuyện riêng tư của anh cũng có điều khác tôi.
Cô Công Tằng Tôn Nữ của tôi thì đi lấy chồng, có con chắc quên hết chuyện cũ rồi; còn chị Vân Anh thì vẫn yêu anh, vẫn chờ đợi anh. Nếu chị ấy tìm ra gặp anh lần nữa, anh thử cố gắng thuyết phục xem… Khuya rồi, chúng ta tắt đèn đi nằm nhé.
Thành như chợt nhớ ra:
- Vâng, xin lỗi anh, tôi quên mất hôm nay anh đi nhiều đã mệt rồi.
- Có gì đâu. Tôi cũng thích được nói chuyện với anh. Anh có tin tôi thì anh mới kể cho tôi nghe chứ. Mong sao được về công tác đây luôn để nói chuyện với anh.
Thành ngồi dậy buông màn chiếc giường cá nhân của mình. Quang cũng tắt đèn, lên giường mình buông màn.
Ánh trăng cuối tuần bị mây che làm cho nhợt nhạt hắt qua song cửa sổ tre vào một thứ ánh sáng mờ mờ ảo ảo. Đêm càng về khuya, sự im lặng càng mênh mông bao la, có lẽ đã quá hai giờ sáng. Tiếng thở của Lê Quang đều đều chứng tỏ anh đã ngủ say. Có tiếng động khẽ bên giường Lê Mậu Thành. Tiếng thở của Quang vẫn đều đều, Lê Mậu Thành ngồi dậy. Tiếng thở của Quang vẫn đều đều. Lê Mậu Thành vén màn, đặt chân xuống đất. Tiếng thở của Quang vẫn đều đều. Lê Mậu Thành rón rén đứng dậy. Tiếng thở của Quang vẫn đều đều, nhưng từ trong màn, mắt Quang hơi hé ra nhìn như dán chặt vào cái bóng mờ mờ của Lê Mậu Thành và chiếc sắc-cốt treo đầu giường. Lê Mậu Thành xỏ chân vào dép, rón rén… mở cửa đi ra ngoài. Tiếng thở của Quang vẫn đều đều. Mấy phút sau, Thành từ bên ngoài vào. Tiếng cửa tre nhè nhẹ cót két. Tiếng chiếc then ngang lạch cạch cũng nhè nhẹ. Mắt Quang hết sức tập trung theo dõi cái bóng mờ mờ của Lê Mậu Thành. Nhưng cái bóng ấy rón rén đi về phía giường mình, chui vào trong màn, nằm xuống. Tiếng thở của Quang vẫn đều đều như ngủ say. Đêm hoàn toàn yên tĩnh.

°

° °

Người thanh niên tên Lê Quang đang ngồi trước mặt Vũ Long. Vũ Long mỉm cười:

- Đồng chí Trần Mai, tiếp tục cho biết ý kiến đi chứ?
Trần Mai (vì chính người ấy là Trần Mai) đưa mấy bản báo cáo cho Vũ Long:
- Đây là những báo cáo của cơ quan Lê Mậu Thành. Đồng chí bảo vệ cơ quan không phát hiện thấy ở hắn điều gì khả nghi. Đồng chí Nguyễn Phong, thủ trưởng cơ quan nhận xét về tinh thần, thái độ công tác của hắn tốt. Anh em trong cơ quan đều có cảm tình với hắn. Việc Vân Anh ra thăm, hắn có báo cáo đầy đủ với cơ quan. Vân Anh mang ra tặng đồ vật gì, hắn đều báo cáo lại với đồng chí Nguyễn Phong và định nộp cho cơ quan giữ tất. Qua tiếp xúc trực tiếp, hắn tỏ ra phần nào là con người đứng đắn, có nhiều tình cảm, không tò mò gì về nội dung công việc của tôi, về những “tài liệu mật” tôi đọc. Thậm chí, việc Vân Anh rủ rê hắn về thành, việc ấy nói ra hoàn toàn không có lợi cho người yêu của hắn, hắn cũng không giấu giếm.
Vũ Long cau mày, suy nghĩ. Anh gõ nhẹ cái bút chì trên mấy tờ giấy báo cáo:
- Những vấn đề mà đồng chí vừa báo cáo đó chúng ta phải phân tích suy nghĩ thêm. Nhưng, tôi cần nhắc lại để đồng chí lưu ý với một người như Lê Mậu Thành, một người đã tôn sùng Ngô Đình Diệm và đã có một quá trình như hắn, thì không cho phép chúng ta suy nghĩ một cách đơn giản về hắn.
Sáng mai, đồng chí sẽ đến đây, chúng ta sẽ tiếp tục bàn thêm vấn đề này.