Chương 19
Gió đã xoay chiều

Sân bay Phú Bài diễn ra một quang cảnh khác thường. Hai bên đường, từ quốc lộ 1 đến sân bay dày đặc lính dù. Những bộ quần áo rằn ri loang lổ, mỏi mệt dưới nắng trưa hâm hấp. Những mũi súng hích lên, ngơ ngác chĩa vào các làng mạc xa xa. Thỉnh thoảng, một cái xe “gíp” sơn biển vàng của bọn quân cảnh lù lù đi lại kiểm soát. Không có một bóng người dân thường, nhưng những cặp mắt cú ẩn dưới cặp mắt kính xám to dưới vành chiếc mũ sắt trắng sùm sụp, vẫn xoi mói từng gốc cây, từng bờ ruộng.
Vành ngoài sân bay, ngoài những lô cốt lớn nhỏ đã được tăng cường lính gác hơn thường lệ, lại có thêm mười chiếc xe tăng “Séc-man” sừng sững, vươn dài nòng đại bác trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Trong sân bay, đông nghịt quân cảnh. Mũ sắt của chúng trắng loá dưới ánh nắng. Không khí càng thẳng chờ đợi. Trong phòng khách của sân bay, có hai người đang đứng nói chuyện, vẻ nóng ruột. Hai người khuôn mặt giống nhau, cùng bừ bự, cùng đôi lông mày rậm, cùng cặp mắt nhiều lòng trắng bất chợt đảo nhìn quanh một cách rất nhanh rồi lại có vẻ bình thường như không để ý gì. Chỉ có khác nhau ở một người đã già ngoài sáu mươi tuổi, thân hình béo tốt, bệ vệ trong cái áo chùng đen, lủng lẳng chiếc thánh giá to tướng trước ngực. Một người vào khoảng năm mươi bốn, năm mươi lăm, đội khăn xếp, áo gấm, quần lụa. hài kinh, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Người khoác áo thầy tu là giám mục Ngô Đình Thục. Người mặc áo gấm, ăn trầu là cậu Cố trầu – đại diện chánh phủ Việt Nam cộng hoà tại Trung phần. Mặc dầu chung quanh hai người, bọn mật vụ, vệ sĩ đã đứng tận xa, nhưng câu chuyện giữa hai người vẫn rất nhỏ:
- Thưa Đức Cha, lão Tô-ma này người như thế nào?
Ngô Đình Thục mỉm cười nhìn em. Hắn biết em hắn có thể hiểu rất rõ Trung phần, nhất là thành phố Huế, nhưng nhãn quan em hắn cũng chỉ giới hạn ở đó thôi vì em hắn chưa hề xuất ngoại, ít tiếp xúc với những cơ quan, những nhân vật trọng yếu của nước ngoài. Vả lại, sự nghiệp của cậu em này trong gia đình hắn hoàn toàn là nhờ ở các ông anh như hắn, như Ngô Đình Diệm, như Ngô Đình Nhu. Cho nên, hắn thường bổ sung cho cái sự ít hiểu biết đó của Ngô Đình Cẩn. Tay vuốt thánh giá đeo trước ngực, Ngô Đình Thục nói bằng giọng tự hào:
- Ít người biết rõ lai lịch của Tô-ma. Nhưng lạy Chúa, chúng ta phải biết. Năm một nghìn chín trăm ba mươi chín, khi thế chiến thứ hai bùng nổ, Tô-ma hai mươi lăm tuổi. Tuy quốc tịch Hoa Kỳ, khai sinh ghi sinh ở bang Tếch-dát, nhưng ông ta lại làm việc cho Giét-ta-pô. Ông ta được Giét-ta-pô phái sang hoạt động ở Thuỵ Sĩ để tìm hiểu những hoạt động gián điệp của phe đồng minh. Ở Thuỵ Sĩ, dưới chiêu bài quốc tịch Hoa Kỳ, ông ta làm quen được với nhiều người Mỹ qua lại Thuỵ Sĩ.
Nhờ đó, ông ta cung cấp được khá nhiều tin tức cho Giét-ta-pô. Năm một nghìn chín trăm bốn mươi hai, khi ngài A-len Đa-lớt, Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ, đến Thuỵ Sĩ với nhiệm vụ đặc biệt của tổng thống Rô-dơ-ven uỷ thác là tìm cách bắt liên lạc với chánh phủ Đức quốc xã của Hít-le, thì ngài gặp Tô-ma. Tô-ma đã đứng ra làm môi giới cho ngài Đa-lớt gặp được đại diện của Hít-le. Nhờ cái công lớn đó, khi cuộc thế chiến kết thúc, ông ta được ngài Đa-lớt đón về Hoa Kỳ và trở thành người cộng sự đắc lực của ngài, ông ta đã ở ngoại giao đoàn Hoa Kỳ tại nhiều nước Nam Mỹ. Tháng bảy năm một nghìn chín trăm năm mươi tư, chỉ mấy giờ sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được kí kết, Đa-lớt đã cử ngay ông ta cấp tốc đến Sài Gòn công cán bí mật. Chính lần ấy, ông ta đến gặp tôi, mang theo thư riêng của chú Diệm...
Ngô Đình Cẩn nhả cái bã trầu ra khỏi miệng, cầm vụt ra đất, kệ phòng khách đã được lau sạch bóng. Ngô Đình Thục vẫn thủng thỉnh nói:
- Ông ta là người rất tín cẩn của ngài Đa-lớt, là cánh tay phải của ngài tổng thống Hoa Kỳ. Ông ta là một nhân vật quan trọng, tuy ít xuất đầu lộ diện. Ông Tô-ma, ông Phi-sin, ông Lên-sđên… là những nhân vật quan trọng. Tiếng nói của các ông ấy góp một phần quyết định vào chánh sách của chánh phủ Hoa Kỳ ở Việt Nam. Chúng ta không nên để thất ý họ.
- Thưa Đức Cha, chắc ông ta sẽ ra cùng với Trần Kim Tuyến?
Ngô Đình Thục gật đầu:
- Đúng như vậy!
Ngô Đình Cẩn cau mày:
- Nhưng em không ưa cái lão Tuyến này.
- Tôi cũng không ưa hắn. Nhưng dù sao hắn cũng là người chống Cộng sản quyết liệt. Chúng ta cần tập hợp những người như vậy. Người Hoa Kỳ tín nhiệm hắn lắm.
- Chính điều ấy làm em không chịu nổi. Không thể như thế được! Cái gì cũng phải qua chúng ta chứ. Còn hắn đối với Cộng sản thì em đã biết…
Một bộ mặt tròn, trán thấp, da bánh mật, đôi mắt sắc hơi xếch hiện ra trong óc Cẩn: bộ mặt của Giám đốc Sở nghiên cứu chính trị và xã hội trung ương thuộc Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Trần Kim Tuyến. Cẩn cố xua đi cái ấn tượng khó chịu đối với bộ mặt bánh mật lạnh lùng ấy.
Tuyến là con Trần Kim Đắc, một tổng đốc khét tiếng trong việc đàn áp phong trào cách mạng ở các tỉnh Trung du Bắc Bộ, hàng trăm người ở những nơi Trần Kim Đắc làm quan đã bị tù đày, chém giết vì tội “có âm mưu chống lại nhà nước bảo hộ Đại Pháp”. Vì vậy “nhà nước bảo hộ Đại Pháp” đã khen thưởng Đắc nhiều lần và ban đặc ân cho cậu ấm Trần Kim Tuyến vào học trường An-be Xa-rô, tiếp đó trường luật khoa Hà Nội để cậu nối nghiệp cho cha. Năm 1944, Tuyến tốt nghiệp cử nhân luật. Hắn đang chuẩn bị đi làm tri huyện thì nổ ra vụ Nhật đảo chánh Pháp tháng 3-1945, rồi tổng khởi nghĩa của Việt Minh. Cách mạng tháng Tám đã làm tan vỡ “giấc mộng vàng” của Tuyến. Cách mạng lại đòi bố Tuyến ra trước toà án nhân dân trả món nợ máu.
Quân đội Tưởng sang, Trần Kim Tuyến cho là thời cơ đã đến, nhảy vào Đại Việt quốc dân đảng, điên cuồng chống phá chính quyền nhân dân. Dựa vào bọn lính Tưởng, Tuyến gây ra nhiều vụ ám sát, tống tiền, bắt cóc cán bộ Việt Minh.
Tháng 7 năm 1946, khi vụ Ôn Như Hầu (50) bị khám phá, bọn đặc vụ Đốc sát bộ (51) của Tưởng vội vã đưa Tuyến sang Hồng Kông, giới thiệu Tuyến cho một cơ quan gián điệp Mỹ lấy tên là OSS (52). Ở đó, thỉnh thoảng Tuyến đến yết kiến Vĩnh Thuỵ (53).
Năm 1948, OSS đưa Tuyến sang học ở trường Mi-si-găng. Chính ở cái trường học dạy môn chính trị xã hội đó, năm 1950, Tuyến được tiếp xúc với một người Việt cũng do Mỹ đưa sang học sau Tuyến: Ngô Đình Diệm. Trần Kim Tuyến trở thành người thân cận của “cụ lớn” Diệm.
Tất cả những điều ấy Cẩn biết rõ. Nhưng một điều Cẩn không thể biết được là tại sao suốt từ năm 1950 đến nay, người Mỹ luôn để Trần Kim Tuyến gần gũi Ngô Đình Diệm… Cẩn chỉ cảm thấy hình như Tuyến được một sự tín nhiệm đặc biệt của người Mỹ.
Điều đó làm Cẩn khó chịu. Hắn muốn trên đất Việt Nam này, chỉ riêng anh em hắn giao thiệp với người Mỹ và người Mỹ cũng chỉ nên giao thiệp với riêng anh em hắn…
Tiếng động cơ máy bay rì rầm, trước nhỏ sau to dần. Kim đồng hồ trong phòng khách sân bay chỉ mười hai giờ hai mươi phút. Đám quân cảnh mũ sắt trắng và lũ mật thám mặc thường phục đầu trần hộ vệ anh em Cẩn nhớn nhác. Chúng nhìn chiếc Công-sten-la-xi-ông xuất hiện trên bầu trời, đôi cánh bạc phản chiếu ánh sáng đục như màu sữa loãng. Chiếc máy bay lượn một vòng trước khi hạ cánh. Anh em Ngô Đình Cẩn rời phòng khách, ra sân bay. Bọn vệ sĩ mặt la mày lét lùi lũi đi đằng sau.
Từ trên máy bay bước xuống hai người: một Mỹ, một Việt. Cả hai đều ở tuổi trên bốn mươi. Người Mỹ dong dỏng cao, tóc hung, đeo cặp kính mát to, mặc quần tếch-gan sẫm và sơ mi cộc tay mỏng in màu sặc sỡ những hình cây dừa, phụ nữ khoả thân. Trên cổ tay trái đầy lông đỏ hung hung của hắn nổi bật một cái lắc vàng choé. Người Việt thấp, dáng đi như đàn bà hiện ra trước mắt Ngô Đình Cẩn, “bộ mặt tầm thường, mắt sắc”, trịnh trọng trong bộ quần áo bằng vải sát-kin trắng. Anh em Ngô Đình Cẩn bước vội ra đón.
- Chào Đức Cha, chào ngài đại diện…
Gã người Mỹ nói tiếng Việt sõi. Trần Kim Tuyến hơi nhếch miệng.
Ngô Đình Thục tươi cười:
- Chào ngài trung tá, chào ngài giám đốc.
Ngô Đình Cẩn đưa cả hai tay đỡ lấy tay Tô-ma.
Bốn gã bước vào phòng khách sân bay. Tô-ma hỏi nhỏ Cẩn:
- Ngoài hai ngài ra, có ai biết chúng tôi ra đây không?
- Dạ, chúng tôi hoàn toàn giữ bí mật về hành trình của hai ngài.
Tô-ma gật đầu bằng lòng:
- Tốt lắm!
Lũ vệ sĩ vẫn lủi thủi theo sau, nhưng ở khoảng cách dăm mét. Lúc đó, có một người quân cảnh, khi bốn gã mải nói chuyện không để ý, đưa nhanh tay lên một cái khuy áo trước ngực.
Ngoài cửa phòng khách sân bay, một dãy xe hơi bóng lộn đứng đợi sẵn. Bọn hộ vệ rảo bước mở cửa xe và đứng nghiêm bên cạnh. Tô-ma và Thục ngồi chung một xe. Tuyến và Cẩn như một đôi tình nhân gượng gạo bước lên một xe khác. Bọn vệ sĩ cúi đầu đóng sập cửa xe lại và leo vội lên những xe sau.
Chiếc xe gíp quân cảnh rít còi đi trước mở đường. Đoàn xe hơn chục chiếc vừa Ca-đi-lắc, vừa Méc-xê-đét chạy nối đuôi nhau lên đường. Cuối cùng là một chiếc xe quân cảnh.
Đoàn xe đi vào thành phố Huế, qua cầu An Cựu, đường Lê Thái Tổ, đến “toà đại diện chánh phủ Trung phần” ngất nghểu trên đường Hàm Nghi – một ngôi nhà xây theo lối cổ – ánh sáng bên ngoài dường như không lọt được vào, đầy lính gác và bọn mật vụ mặc thường phục đi vơ vẩn chung quanh.
Ngay sáng hôm sau. tại phòng tiếp khách riêng lộng lẫy của Ngô Đình Cẩn, bốn nhân vật quan trọng đó gặp nhau. Họ ngồi mỗi người một kiểu trên những chiếc ghế bành đệm nhung, quanh một cái bàn gỗ lúp chạm khắc cầu kì. Trên bàn, một chai rượu uýt-xki, bốn cái cốc đang uống dở. Câu chuyện cũng đang dở dang.
Tô-ma chủ trì cuộc họp. Hắn có vẻ giận dữ, khó chịu nói với Ngô Đình Cẩn:
- Chúng tôi rất không bằng lòng vì tình hình an ninh của địa phương ngài cai trị, ngài đại diện ạ.
Ngô Đình Cẩn làm bộ ngạc nhiên:
- Xỉn lỗi, tôi không hiểu ngài định nói gì, thưa ngài trung tá.
Cặp mắt mèo của Tô-ma xoi mói Ngô Đình Cẩn:
- Chúng tôi vừa đến đây đã được tin có những vụ ám sát xảy
ra, ở ngay thành phố Huế này...
Tô-ma ngừng lại. Trấn Kim Tuyến lạnh lùng chêm vào:
- Ý trung tá Tô-ma muốn nói đến cái chết của ông Phạm Xuân Phòng vừa rồi.
Mặt Cẩn thản nhiên:
- À… thưa hai ngài, tôi đã cho điều tra ngay rồi… Theo những tài liệu chúng tôi nắm được thì ông ta bị Việt Cộng giết… Chúng tôi đang tiếp tục truy lùng thủ phạm để tìm hiểu tại sao chúng giết ông ta.
Đến lượt Tô-ma ngạc nhiên:
- Bọn Việt Cộng giết? Thế thì lạ thật! Chúng nó giết người ngay trước mũi ông. Trong khi báo cáo gởi về, ông vẫn tự hào về sự tổ chức bộ máy an ninh của mình, về màng lưới nhân viên mật vụ của mình, về tình hình Trung phần.
Trần Kim Tuyến nhếch miệng một nụ cười bí hiểm. Tô-ma đổi giọng:
- Ý kiến của chúng tôi, xin lỗi các ngài nếu các ngài có phật ý, là công việc của các ngài tiến hành không tốt, nếu tôi không muốn nói là quá tồi! Ngô tổng thống có chuyển đến ngài cố vấn Lên-sđên bản tường trình đặc biệt về tình hình Trung phần của ngài đại diện đây (hắn giơ tay về phía Ngô Đình Cẩn). Chúng tôi đã nghiên cứu kĩ bản tường trình mật đó. Tôi được truyền đạt ý kiến của đại tá Lên-sđên như sau…
Hắn ngừng lại nhìn Ngô Đình Cẩn làm Cẩn lúng túng, rồi chậm rãi:
- Đại tá Lên-sđên nói rằng có lẽ ngài thủ lãnh ở Trung phần hoặc là quá lạc quan, hoặc là không nắm vững tình hình nên mới viết bản tường trình đó.
Giám mục Ngô Đình Thục, mặt đỏ bừng, mắt mở to, nhìn chòng chọc vào Tô-ma, nhìn từ cặp mắt xanh biếc như mắt mèo, cái mũi lõ của hắn đến những hình phụ nữ trần truồng uốn éo trên áo hắn mặc, ngập ngừng muốn nói điều gì, nhưng sau lại thôi. Trái hẳn với anh, Ngô Đình Cẩn mặt đã trắng bệch lại càng trắng bệch hơn, bực tức ngồi lặng đi. Trần Kim Tuyến mân mê chiếc cốc pha lê, mắt không bỏ sót một cử chỉ nào của hai anh em họ Ngô.
Giọng Tô-ma vẫn vừa khó chịu. vừa trịch thượng:
- Có lẽ các ngài quên rằng: ở khắp nơi trên đất này đều có người của chúng tôi. Những nguồn tin riêng nhưng rất đáng tin của ngài Lên-sđên cho biết tình hình năm 1959 ở Trung phần không còn thuần thục như trước. Nhiều chỗ chúng ta không đặt chân tới được và đã biến thành căn cứ của Việt Cộng. Bọn người Thượng nhiều vùng đã đi theo Việt Cộng chống lại chúng ta. Việc dồn dân lập ấp chiến lược gặp nhiều khó khăn chưa thực hiện nổi một phần ba kế hoạch dự kiến. Bọn Việt Cộng ma quái đã chui được vào trại dinh điền phá từ trong phá ra. Miền đồng bằng không còn là nơi thái bình nữa. Ở các thành phố. tình hình cũng đáng lo ngại.
Báo chí đã dùng những danh từ “ngoại kiều”, “ngoại bang”, “Mẽo”… trong những bài đả kích người Hoa Kỳ. Ở các trường học, nhất là các trường đại học, như các ngài rõ, bọn giáo sư công khai kêu gọi sinh viên và học sinh “chống sự xâm lược của ngoại bang”… Tình hình thực tế là như thế. Người Mỹ chúng tôi đã mất vào đấy hàng tỉ đô la rồi mà Việt Cộng vẫn không bị tiêu diệt, vẫn ngày một mạnh lên và đã bắt đầu hoạt động mạnh. Thế mà chúng tôi đã mất vào đấy, đã mất cho các ngài, hàng tỉ đô la rồi!…
Câu sau, Tô-ma dằn từng tiếng một với giọng đay nghiến. Hắn đứng lên. vừa đi lại trong phòng vừa nói tiếp:
- Các ngài có thể cho là đại tá Lên-sđên không sát tình hình Trung phần bằng các ngài. Các ngài có thể nói người Hoa Kỳ chúng tôi là thổi phồng sự việc! Các ngài có thể nghi ngờ thiện chí của CIA. Tuỳ các ngài! Nhưng tôi vẫn xin phép nhắc lại để các ngài rõ: Đối tượng của chúng ta đã chuyển mình rồi, đã bắt đầu công khai tấn công chúng ta vế mọi mặt. Trong dinh thự, lâu đài, các ngài có biết Việt Cộng đã bắt đầu hành động chưa? Hay các ngài biết nhưng không dám nói ra vì sợ ảnh hưởng đến uy tín? Đến viện trợ? Không! Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, dù đó là một sự thật đáng buồn. Đại tá Lên-sđên muốn nhờ tôi thông báo với các ngài sự không hài lòng và lo ngại của ngài. Những tin tức gần đây đã cho ta thấy rõ tình hình đã đến một bước ngoặt. Gió đã xoay chiều rồi! Nếu chúng ta không kịp thời đối phó thì chiều gió ngược sẽ thổi bay chúng ta ra biển Đông và mảnh đất này chắc chắn sẽ rơi vào tay Việt Cộng. Lúc bấy giờ, kế hoạch “Bắc tiến” của các ngài sẽ bị tan vỡ, chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ sẽ bị đứt một mắt xích. Nếu chúng ta không hành động gấp thì tôi tin rằng ngài Đa-lớt sẽ không để cho các ngài và cũng không để cho chúng tôi yên ổn đâu!
Không khí trở nên nặng nề. Máy điều hoà nhiệt độ trong phòng chỉ 20 độ C, nhưng anh em họ Ngô thấy rôm đốt khắp người. Mặt Cẩn càng trắng bệch hơn. Những lời của Tô-ma gây cho hắn nhiều phản ứng nhưng hắn không dám công khai chống lại. Tô-ma đến bàn, rót rượu, nốc cạn liền hai cốc uýt-xki rồi nghiêng mình về phía Cẩn trịnh trọng:
- Vì vậy, thừa lệnh đại tá Lên-sđên và Ngô tổng thống, tôi và ngài giám đốc Sở nghiên cứu chánh trị và xã hội trung ương ra đây. Hôm qua, tôi đã chuyển giao cho ngài bản kế hoạch “Gió đã xoay chiều” – bản kế hoạch đó đã được chi nhánh Đông Nam Á thuộc Cục Tình báo trung ương của chúng tôi thông qua để ngài nghiên cứu. Nó là một bộ phận và là bước phát triển trong tình hình mới của bản kế hoạch “4 điểm” mà Ngô tổng thống đã vạch ra từ những ngày đầu tiên ngài nắm chánh quyền. Hôm nay, chúng tôi mong ngài cho biết ý kiến để chúng ta cùng cộng tác với nhau tiến hành.
Cẩn nín thở. Hắn hết bực tức với Tô-ma khi nghĩ đến số tiền “viện trợ” to lớn có thể nhận được để xúc tiến kế hoạch này. Hắn nói:
- Chúng tôi đã nghiên cứu kĩ và hoàn toàn tán thành bản kế hoạch “Gió đã xoay chiều” của các ngài. Mục đích của bản kế hoạch đó hoàn toàn phù hợp với mục đích chúng tôi đã theo đuổi từ trước đến nay: phải bình định hoàn toàn miền Nam này để chuẩn bị “Bắc tiến”. Chúng tôi rất khâm phục các ngài đã vạch ra những biện pháp chu đáo, tỉ mỉ, cụ thể. Ở thành phố cũng như ở vùng thôn quê, thậm chí ở cả các căn cứ của Việt Cộng, chúng ta phải cho từng người lọt vào các tổ chức của chúng để nắm tình hình và phá từ trong ra. Đồng thời, chúng ta sẽ tiến hành những cuộc càn quét công khai của quân đội quốc gia kết hợp với những đột kích bí mật chớp nhoáng của lực lượng đặc biệt để tiêu diệt các hang ổ và các đơn vị võ trang Việt Cộng mới hình thành. Chúng ta còn phải chuẩn bị người để tung ra miền Bắc phá hoại, không để bọn Cộng sản miền Bắc yên ổn thì chúng ta mới có thể bình định được miền Nam này…
Giám mục Ngô Đình Thục ngồi thẳng người, chiếc thánh giá lồ lộ trước ngực, lim dim mắt ra chiều suy nghĩ, thỉnh thoảng gật đầu tán thành những ý kiến của em. Tô-ma nốc cạn thêm một cốc rượu nữa, cũng gật đầu, khen Cẩn:
- Đúng! Đúng như vậy! Chúng ta phải làm gió thổi ngược lại quét tất cả bọn Cộng sản, bọn nào chống đối lại chúng ta, bọn nào hay kêu gọi hiệp thương, tổng tuyển cử, không công nhận ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên đất này. Những kẻ đó sẽ bị giết hoặc là sẽ vào trại giam… Phải có kế hoạch phá chúng tận gốc.
Ngô Đình Cẩn càng say sưa khi thấy Tô-ma khen:
- Phá Việt Cộng tận gốc! Đó là quốc sách của chúng tôi. Ngô tổng thống đã ban hành sắc luật 10/59 và thiết lập “Toà án quân sự đặc biệt”. Chúng tôi đã thẳng tay tiễu trừ Cộng sản và các giáo phái đối lập – điều này chắc chắn các ngài cũng đã thấy – nhưng vẫn chưa đủ. Gia huynh tôi, cố vấn chánh trị của Ngô tổng thống (54), chẳng đã nói: “Phải đạp lên căm hờn của quần chúng mà tiến lên”. Đối với bọn Cộng sản, chúng tôi không bao giờ chùn tay. Chúng tôi hoan nghênh và biết ơn sự giúp đỡ tận tình của các ngài. Chúng tôi sẽ thực thi kế hoạch “Gió đã xoay chiều”.
Hắn ngừng lại một chút, nhìn Tô-ma như để thăm dò thái độ rồi hạ thấp giọng:
- Miễn là Hoa Kỳ giúp cho chúng tôi đầy đủ… phương tiện.
Tô-ma đưa mắt cho Trần Kim Tuyến. Tuyến hơi nhếch miệng. Như tượng đá, hắn cười, chậm rãi:
- Theo đề nghị của cơ quan viện trợ kinh tế Hoa Kỳ thoả thuận trích ra năm triệu đô la cho chúng ta xúc tiến kế hoạch này.
Nét mặt Ngô Đình Cẩn tươi lên, trong khi Tô-ma thấy cần phải thêm vào lời của Trần Kim Tuyến.
- Người Hoa Kỳ chúng tôi chỉ yêu cầu các ngài dùng món tiền đó hoàn toàn vào công cuộc bình định cho hữu hiệu.
Giám mục Thục cười gượng, nhắc Tô-ma một câu ý nhị:
- Ngài Tô-ma ạ, trong thánh kinh, đức tông đồ Tô-ma biểu hiện cho lòng hoài nghi, thiếu đức tin!
Tô-ma không chút tự ái:
- Xin lỗi đức giám mục. đó là nghề nghiệp của chúng tôi.
Ngô Đình Cẩn tảng lờ như không biết gì, nói:
- Chúng tôi còn một điều băn khoăn nữa muốn trình bày với các ngài: chúng tôi cần một số người giúp việc có năng lực, tin được.
Trần Kim Tuyến đặt chiếc cốc pha-lê đang xoay ở trên tay xuống, ngồi thẳng người, đáp:
- Ngô tổng thống cũng đã lo lắng đến điều đó. Tổng thống sẽ cử ra đây một người tổng thống hết sức ưu ái, một người đã từng góp sức với tổng thống trong những ngày người còn bôn ba ở hải ngoại, một người đã được thử thách với chúng ta, có đầy đủ năng lực, một người mà các ngài chắc đã nghe tên… người đó là Phan Thúc Định.