Chương 23
Tố Loan trước sự thật phũ phàng

Phan Thúc Định lái xe lên trên nệm cỏ, đỗ sát một gốc cây to dưới vòm lá sum sê, tắt máy rồi cầm cặp bước xuống đi về phía trường học. Tố Loan hôm nay nghỉ dạy, mặc bộ bà ba đen đang ngồi đọc sách dưới giàn thiên lí. Phan Thúc Định thong thả bước vào.
Nghe có tiếng người, Tố Loan ngẩng đầu nhìn ra. Định chào lễ phép:
- Chào cô Tố Loan. Hôm nay thứ năm, chắc cô rỗi, tôi tới thăm cô.
Nhận ra Phan Thúc Định, Tố Loan vội vã đứng dậy:
- Chào ông… Hân hạnh quá! Thực là “rồng đến nhà tôm”. Cơn gió nào thổi ông tới đây vậy? Xin mời ông vào…
Cô giơ tay mời Định vào nhà. Căn nhà xinh xắn, giữa là một bộ bàn ghế tiếp khách, góc nhà là một chiếc bàn, trên đặt mấy chồng sách xếp gọn gàng, áp tường là chiếc tủ con, phía trong là chiếc giường ẩn sau bức rèm lụa màu xanh phớt.
Định đưa mắt nhìn quanh một lượt:
- Cô ở một mình?
- Vâng, một mình trong lúc này thôi, vì bà cụ giúp việc tôi vừa đi xuống chợ.
Chưa hiểu Định đến với mục đích gì, Tố Loan nhìn anh bằng cặp mắt dò xét, hỏi lại:
- Tôi tưởng ông bận lắm, không có thời giờ đi chơi?
Định vào ngay vấn đề:
- Thưa cô, đúng thế. Hôm nay đến thăm cô, tôi cũng muốn trình bày với cô một chuyện rất cần.
Tố Loan nhíu lông mày:
- Thưa ông, chẳng hay việc gì vậy? Có liên quan tới tôi không ạ?
- Tất nhiên là có. Câu chuyện khá phức tạp. Tôi xin cô hãy bình tĩnh sáng suốt nghe tôi trình bày hết đầu đuôi.
Tố Loan thản nhiên:
- Ông hãy tin rằng lúc nào tôi cũng bình tĩnh và sáng suốt nghe ông nói.
Phan Thúc Định mở chiếc cặp mang theo, rút ra một tấm phong bì dày bằng bìa cứng đặt lên bàn:
- Để mở đầu câu chuyện, xin cô hãy nhìn qua tập ảnh này.
Tố Loan kéo sát chiếc ghế vào bàn, đón lấy tấm phong bì dày. Khi cô mở tập ảnh trong phong bì ra thì cô choáng váng: Tập ảnh giống tập Phu-lít-xtơn đã đưa cô xem, tập ảnh về cái chết của Phạm Xuân Phòng, tập ảnh mà báo chí đã trích in sau vụ án mạng ở biệt thự Bồng Lai. Những ngón tay thon nhỏ của Tố Loan run run cất tập ảnh vào. Cô nhìn thẳng vào mắt Định, hỏi:
- Xin ông cho biết ông đến đây với mục đích gì?
Phan Thúc Định ôn tồn:
- Thưa cô, như tôi đã nói với cô, mong cô giữ bình tĩnh. Tôi đến đây là vì thiện ý, muốn cô nhìn thấy sự thực trong vấn đề này…
Tố Loan nghĩ ngay đến buổi đầu tiên gặp Phu-lít-xtơn. Phu-lít-xtơn cũng mang tập ảnh tương tự như thế này đến cho cô xem, trong lúc cô chưa biết gì về cái chết của người cha ở Huế, trong lúc cô hãy còn say sưa nhiệt tình lao vào những hoạt động của tuổi trẻ, còn có bao nhiêu ước mơ, hoài bão muốn đóng góp được chút gì cho dân tộc, cho đất nước. Cuộc gặp gỡ với Phu-lít-xtơn, cái chết bi thảm của người cha đã là một tiếng sét đánh vào giữa cuộc đời trẻ trung của cô, thui cháy tất cả hoài bão ước mơ đẹp đẽ của cô, làm đảo lộn tất cả mọi ý nghĩ của cô. Từ đó, mỗi lần gặp gỡ với Phu-lít-xtơn, những lời ngọt ngào của gã người Mỹ trẻ mà giàu sang, lịch thiệp ấy cứ khơi dậy trong đầu óc cô một mối căm thù cá nhân che mờ tất cả những ý nghĩ tình cảm khác. Trong óc cô chỉ còn có ý nghĩ trả thù và qua Phu-lít-xtơn, cô cảm thấy hình như người Mỹ hoàn toàn không phải như cô đã nghĩ. Lính Mỹ xa nhà xa cửa thì có người thế nọ, người thế kia, có hành động thế này, có hành động thế khác. Nhưng vẫn có những người Mỹ như… Phu-lít-xtơn. Đôi lúc, cô gặp bạn bè cũ, gợi lại những ý nghĩ hoài bão tốt đẹp trước đây thì lập tức cái chết thê thảm của cha cô lại hiện ra lấn át tất cả, làm đen tối đi tất cả. Phu-lít-xtơn mỗi lúc gặp cô một nhiều hơn. Rồi cô gặp Vân Anh, một người cũng có học thức, thông minh mà cô coi là “cùng hội, cùng thuyền”. Cô thân với hai người đó, sống xa lánh những bạn cũ. Cô nghe theo Phu-lít-xtơn và Vân Anh…
Bây giờ thấy Phan Thúc Định đến, buổi đầu tiên lại cho cô xem tập ảnh về cái chết của cha, cô nghĩ ngay đến buổi đầu tiên gặp gã người Mỹ trẻ tuổi. Cô lo lắng hỏi:
- Phải chăng ông lại mang đến cho tôi một tin gì không may?
Phan Thúc Định mỉm cười, lắc đầu:
- Không, tôi muốn giúp cô một số bằng chứng để cô hiểu rõ vấn đề này.
Tố Loan lại nghĩ đến những lần gặp Phu-lít-xtơn vì qua lời lẽ giới thiệu của Vân Anh, cô biết Định là người rất có thế lực.
- Hay ông định giúp tôi trả mối thù lớn của gia đình?
- Đúng vậy, nhưng trước khi muốn trả thù, tôi thấy cô cần phải biết rõ kẻ thù của mình, của gia đình mình là ai?
Tố Loan nhìn Định, thận trọng:
- Thưa ông, kẻ sát nhân đã sa lưới, ngay sau khi gây ra tội ác. Chúng đang đợi ra toà để nhận sự trừng trị đích đáng.
- Ấy cũng vì biết rằng cô nghĩ như vậy nên tôi mới đến đây. Vì cái kẻ mà cô gọi là sát nhân đó thì lại không phải là sát nhân, còn kẻ sát nhân thực, thì sẽ không bao giờ phải ra toà nhận tội cả.
Tố Loan cau mày:
- Xin lỗi ông, tôi không hiểu ông định nói gì?
Phan Thúc Định nhìn thẳng vào cặp mắt dò hỏi của Tố Loan, nghiêm nghị:
- Tôi muốn giúp cô biết rõ kẻ giết ông Phạm Xuân Phòng thực là ai. Kẻ giết ông Phạm Xuân Phòng ấy không phải như báo chí đã đăng và như cô tưởng. Ở cương vị tôi, chắc cô hiểu rằng tôi biết rõ điều ấy hơn cô và tôi không bao giờ nói dối. Tôi muốn cô nhìn rõ sự thực.
- Tôi chỉ tin vào những bằng chứng cụ thể.
- Cô sẽ được thấy những bằng chứng cụ thế. Tôi biết rằng cô là một nhà luật học và cô sẽ tự rút ra những kết luận thích đáng trên những bằng chứng đó. Bằng chứng và cả nhân chứng nữa. Tôi xin mời cô đi với tôi đến thăm một vài nhân chứng. Chỉ yêu cầu cô một điều kiện: cô hoàn toàn giữ bí mật hộ những điều gì cô được biết.
Trong giọng nói của Định có một vẻ nghiêm trang, thành thực làm Tố Loan phải tin. Đồng thời, những lời nói của Định cũng gợi lên ở cô một sự tò mò, một câu hỏi mà chính cô cũng muốn có giải đáp.
- Nếu để tìm cho ra sự thực, tôi sẵn sàng đi theo ông. Tôi hứa sẽ giữ bí mật những điếu ông cho biết.
Tố Loan đáp và xin lỗi Định, đứng dậy mở tủ lấy chiếc áo dài.
Định đưa Tố Loan ra xe. Anh đã hẹn trước Mai Lan và biết chắc buổi đó Lý Lâm không có nhà. Gã vệ sĩ phải đưa Ngô Đình Cẩn lên Đà Lạt.

°

° °

Ở nhà Mai Lan ra, Tố Loan tưởng chừng không bước nổi. Hai chân cô bước chập choạng trên mặt đất mà đầu óc cô rối bời. Mai Lan đã kể lại tỉ mỉ câu chuyện cho Tố Loan nghe như đã kể với Phan Thúc Định. Người đàn bà đau khổ ấy còn đưa choTố Loan một vật mà Lý Lâm đã trao cho chị giữ, sau khi gã giết Phạm Xuân Phòng: chiếc ghim cài cà vạt bằng vàng thật có nạm một viên kim cương quý mà Phạm Xuân Phòng vẫn thường xuyên mang trên cà vạt của mình. Khi giết Phạm Xuân Phòng, Lý Lâm biết đó là một vật đáng giá, gã đã lấy giấu đi, mang về đưa cho vợ cất. Mai Lan không phải là người ham vàng bạc nên khi Tố Loan hỏi mượn lại chị chiếc ghim đó, chị đưa ngay.

Bây giờ, ngồi trên xe bên cạnh Định, Tố Loan nắm chặt chiếc ghim vàng đó trên tay mà nước mắt ứa ra. Chiếc ghim gợi lại hình ảnh và cái chết thê thảm của người cha. Tiếng Phan Thúc Định khi nhỏ, khi to bên tai cô:
- Cô hẳn đã rõ kẻ giết ông Phòng không phải như báo chí đã đăng. Cô đã biết kẻ giết người đó là ai rồi. Mà thực ra, nghĩ cho sâu thì kẻ giết ông Phòng cũng không phải là Lý Lâm, dầu tay gã nhúng vào máu. Gã chỉ là một kẻ thừa hành lệnh của người khác, chỉ là một công cụ. Không ai trả thù một cái công cụ cả. Kẻ chủ mưu giết ông Phòng cũng như kẻ bố trí cả một vụ án giả mạo sau đó hẳn phải có một động cơ, theo ý tôi, chắc không phải đơn thuần vì động cơ cá nhân. Cô thử suy nghĩ xem…
Tố Loan vẫn nắm chặt chiếc ghim vàng trên tay. Không! Bây giờ cô không suy nghĩ được gì nhiều cả. Tất cả cứ rối bời lên. Hình ảnh cha cô nằm giữa vũng máu. Chiếc ghim vàng quen thuộc này cô đã bao lần nhìn thấy trên cà vạt của cha cô. Hình ảnh Mai Lan đau khổ vừa ôm chặt con trên tay vừa nức nở… Lý Lâm! Không! “Lý Lâm chỉ là một công cụ. Không ai đi trả thù một cái công cụ cả!”. Lý Lâm lại là chồng Mai Lan, là cha đứa trẻ con Mai Lan ôm trên tay. Trên Lý Lâm là ai? Kẻ ra lệnh cho Lý Lâm giết cha cô là ai? Ngô Đình Cẩn? Vì lẽ gì tên chúa tể miền Trung này lại giết cha cô? Từ trước tới giờ, cô chưa bao giờ nghe nói có một mối quan hệ nào giữa cha cô với Ngô Đình Cẩn cả. Vậy Ngô Đình Cẩn giết cha cô vì lẽ gì? Cô biết hắn đã giết nhiều người – trực tiếp và gián tiếp – nhưng cô nghĩ đấy là những người Cộng sản, những người chống đối lại hắn.
Nhưng đây người bị giết lại là cha cô. Cha cô chỉ sống như một người ở ẩn, dựa vào số lợi tức của cổ phần ở mấy hãng buôn nước ngoài, tại sao cũng bị hắn giết? Hay cha cô còn làm việc gì nữa mà cô không được biết?…
Chiếc ghim vàng run rẩy trên tay Tố Loan. Phan Thúc Định vòng tay lái hướng xe ra phía ngoại thành:
- Nếu cô cho phép, tôi xin đưa cô đi gặp một nhân chứng nữa.
Tố Loan ỉm lặng. Lúc này, cô chẳng có chủ định gì cả. Cô không nhìn lại Phan Thúc Định. Mắt cô nhìn thẳng ra phía trước mà như nhìn vào chỗ trống không. Cảnh vật, cây cối, con người loang loáng chạy qua trước mắt cô mà không có cái gì đọng lại cả.
Dần dần Tố Loan hồi trí lại. Khi tự bình tĩnh trở lại với cô thì tự nhiên cô khao khát muốn biết rõ sự thực, muốn biết tất cả mọi chi tiết của sự thực. Cô bằng lòng để Phan Thúc Định đưa cô đi đến bất cứ đâu, gặp bất cứ ai, để được biết thêm sự thực. Cô bắt đầu tin Phan Thúc Định có thể giúp được cô điều đó.
Chiếc xe đưa hai người đến một xóm nhà ở vùng Nguyệt Biều. Phan Thúc Định đỗ xe và mời Tố Loan bước xuống:
- Tôi đưa cô gặp một nhân chứng nữa. Gặp một người mà cô không ngờ tới. Chỉ đề nghị với cô, như lúc đầu tôi đã nói, cô hết sức bình tĩnh…
Hai người đi quanh co một quãng rồi Phan Thúc Định dẫn Tố Loan bước vào một ngôi nhà ẩn sau một khu vườn trồng cây ăn quả lưu niên. Một ông cụ già râu tóc bạc phơ, gầy gò đang ngồi chẻ tre làm chân hương ngẩng lên. Nhận ra Phan Thúc Định, ông cụ gật đầu chào, lặng lẽ xếp đám que chân hương lại. Phan Thúc Định cũng lễ phép cúi chào ông cụ và nói:
- Cụ làm ơn cho chúng cháu gặp ông Thọ.
Nghe đến tên “ông Thọ”, Tố Loan giật mình. Cô cố gắng trầm tĩnh nhưng tim cứ đập mạnh lên. Cô nhìn theo ông cụ lui vào nhà trong. Mấy phút sau, từ nhà trong bước ra một người. Thoạt trông thấy người đó, Tố Loan bủn rủn cả chân tay. Cô phải chống tay xuống ghế và từ từ ngồi xuống, không nói được một lời nào. Mắt cô trân trân nhìn vào người mới bước ra, không tin vào mắt mình nữa.
Đấy là một người đàn ông ngoài bốn mươi tuổi, mang nhiều nét già trước tuổi, mái tóc đã nhiều sợi bạc, trán có vết nhăn, đuôi con mắt nhiều vết rạn chân chim. Ông ta có cái nhìn sâu thẳm và bộ mặt đau khổ. Trông nét mặt ấy, người ta có thể đoán được ông ta là người ít nói, mang nặng một tâm sự gì u uất.
Người đàn ông ấy như không chịu đựng nổi cái nhìn xa lạ khó hiểu của Tố Loan, rùng mình. Sau một phút im lặng, giọng người đàn ông trầm trầm, đau xót, khẩn khoản:
- Cháu Tố Loan! Cháu đừng nhìn cậu như thế mà tội nghiệp. Cậu không phải là… kẻ giết người.
Tố Loan đưa tay bưng lấy mặt, gục xuống:
- Tôi không hiểu ra làm sao nữa! Thế này là thế nào?
Phan Thúc Định kéo ghế mời người đàn ông ngồi và đưa thuốc lá mời. Người đàn ông buồn bã lắc đầu từ chối. Định rút ra một điếu thuốc cho mình và nói với Tố Loan:
- Tôi phải đề nghị với cô phải hết sức bình tĩnh, một lần nữa xin cô hết sức bình tĩnh nghe ông Thọ nói. Đây là một nhân chứng mà cô có thể tin cậy được hơn bất cứ ai hết, vì là một nhân chứng trong gia đình cô…
Người đàn ông ấy đúng là cậu ruột của Tố Loan. Người đàn ông ấy đã sống ở nhà Tố Loan bao nhiêu năm nay. Cũng chính người đàn ông ấy được báo chí chính quyền Sài Gòn đưa tin là tay sai của Việt Cộng đã giết Phạm Xuân Phòng để lầy của, được chụp rõ ràng trong tập ảnh diễn lại vụ ám sát Phạm Xuân Phòng mà Phu-lít-xtơn đã đưa cho Tố Loan xem.
Ngay từ nhỏ, Tố Loan đã thấy cậu Thọ sống chung với gia đình mình. Cậu Thọ ít nói, ham đọc sách. Cả tuổi thơ ấu mình, ngoài mẹ ra, Tố Loan chỉ quấn quýt quanh cậu Thọ. Một phần vì Tố Loan thấy mẹ rất quý cậu, một phần vì cậu rất chiều Tố Loan, hướng dẫn Tố Loan học. Bất cứ điều gì Tố Loan không hiểu, hỏi cậu, cậu đều nhẹ nhàng giảng giải cho Tố Loan hiểu mới thôi.
Thời kì gia đình Tố Loan đi nước ngoài thì cậu Thọ ở lại Huế. Đến khi gia đình Tố Loan về ở biệt thự Bồng Lai thì mẹ Tố Loan lại đón cậu về ở cùng. Cậu vẫn chưa lấy vợ, ở riêng một gian buồng nhà ngang, càng ít nói hơn trước, lúc nào cũng ưu tư.
Mẹ Tố Loan vẫn rất quý cậu Thọ. Hình như mọi việc trong nhà, riêng tư, mẹ đều tâm sự với cậu. Những lúc cha về, Tố Loan thấy mẹ ít nói chuyện với cậu hơn. Cha cũng ít nói chuyện với cậu nhưng có vẻ e nể cậu. Tố Loan cho rằng đó là đặc điểm của gia đình mình: mỗi người có một lối sống riêng, không người nào thích động chạm đến đời sống người khác. Khi mẹ Tố Loan chết, cậu tỏ ra đau xót nặng nề. Cậu không ăn, không ngủ được một thời gian. Tóc cậu bắt đầu chóng có những sợi bạc. Cậu thường đến thăm mộ mẹ Tố Loan và đứng lặng hàng giờ. Cậu định thu xếp ra ngoài ở, nhưng cha Tố Loan giữ cậu lại. Có lần hai cậu cháu ngồi nói chuyện với nhau, cậu buột miệng nói với Tố Loan:
- Vì cháu, cậu ở lại đây. Cháu là con của mẹ cháu. Cháu phải cố gắng học tập.
Tố Loan vẫn giữ nguyên lòng kính trọng, yêu quý cậu như thuở nhỏ, như hồi mẹ còn sống.
Đùng một cái… như tiếng sét dữ dội, những tấm ảnh của Phu-lít-xtơn chụp rõ cậu giết cha Tố Loan, những lời nói của Phu-lít-xtơn và báo chí đưa tên cậu là tay sai Việt Cộng, giết người để cướp của. Tố Loan đã ngất đi khi nhìn những tấm ảnh và được tin ấy. Cô hoang mang cực độ, nhưng những tấm ảnh chụp rõ ràng đây, báo chí đưa tin đây, bằng chứng cụ thể đây… không tin làm sao được?
Cho đến hôm nay…
Phan Thúc Định nhắc người đàn ông:
- Ông Thọ. Xin ông cứ nói thẳng thắn tất cả những điều ông biết cho cô Loan nghe. Ông hãy nói tất cả sự thực dù sự thật ấy phũ phàng nhất, tàn ác nhất.
Người đàn ông vẫn nhìn Tố Loan bằng cặp mắt sâu thẳm, giọng đau xót:
- Đã đến lúc cậu thấy cần phải nói hết sự thực với cháu. Trước hết, cháu không phải là con Phạm Xuân Phòng…
Thế là thế nào nhỉ? Mắt Tố Loan tròn xoe nhìn người cậu ruột mình. Sao cuộc đời lại phức tạp, lạ lùng đến như thế này? Giọng người cậu vừa đau xót vừa căm uất kể lại cả một câu chuyện cay đắng, bi thảm của quá khứ mà thời gian tưởng đã xoá mờ, che kín được. Không! Có những việc mà thời gian không thể xoá mờ, che kín nổi…
Hơn hai mươi năm trước, mẹ Tố Loan là một cô nữ sinh xinh đẹp. Nhiều người gọi cô là hoa hậu của các trường trung học. Trong những chợ phiên, những ngày hội, cô rực rỡ nổi bật hẳn lên giữa đám đông. Cô yêu một anh sinh viên trường thuốc Hà Nội. Hai người nhất định lấy nhau. Thời kì đó cũng là thời kì quyền thế của Phạm Xuân Phòng. Hắn đã tìm cách mượn tay Nhật giết cô vợ cũ của Tsiêng-wa, bắt bố cô nữ sinh đẹp vốn là bạn hắn. Hắn đã làm cho bố cô nữ sinh phải cưỡng ép cô lấy hắn. Như bông hoa đang nở rực rỡ giữa vườn hoa bị một bàn tay tàn bạo ngắt đứt cuống, cô nữ sinh về làm vợ Phạm Xuân Phòng cứ héo hon dần đi, trong khi tâm hồn mình, tình cảm mình vẫn dành trọn cho anh sinh viên trường thuốc. Phạm Xuân Phòng là một tên truỵ lạc, trác táng nên tuyệt đường con cái. Tố Loan là kết quả của một lần gặp gỡ thầm kín giữa người vợ trẻ của Phạm Xuân Phòng với anh sinh viên trường thuốc, người yêu cũ của cô. Điều bí mật này, mẹ Tố Loan chỉ hé riêng cho người em ruột của mình biết.
Người em hiểu nỗi cay đắng, đau khổ của chị, thương nỗi cô đơn của chị, đến ở với chị, mong an ủi, săn sóc chị được phần nào. Cái gia đình ấy sống với nhau mỗi người mang một tâm sự riêng biệt.
Ở trong gia đình đó, Thọ không những hiểu nỗi đau khổ của chị, mà còn dần dần hiểu được phần nào việc làm của Phạm Xuân Phòng. Càng hiểu Phạm Xuân Phòng, Thọ càng thương chị. Càng hiểu Phạm Xuân Phòng, Thọ càng phải câm lặng, càng phải làm như không hiểu gì, không dám hé ra một lời nào.
Hôm vợ Phạm Xuân Phòng tình cờ bắt gặp hắn giữa trời mưa bơi pê-rít-xoa ra gặp lão già Hoa kiều trên dòng sông Hương, về có kể lại cho Thọ nghe. Thọ đã linh cảm thấy có một sự nguy hiểm đe doạ chị khi Phạm Xuân Phòng biết chuyện. Sự linh cảm ấy không cụ thể và mối nguy hiểm đe doạ chị mình Thọ không thể hình dung được nó như thế nào nên không thế nói ra được.
Thế rồi, hai vợ chồng Phạm Xuân Phòng cùng nhau đi bơi thuyền và vợ hắn bị chết. Thọ nằm lặng đi trong phòng riêng của mình mấy ngày liền. Tóc Thọ bạc đi. Vừa căm uất vì cái chết của chị, vừa cảm thấy mối nguy hiểm bắt đầu đe doạ đến mình, Thọ phải cố kìm hãm mình lắm mới giữ được không bộc lộ một lời nói, cử chỉ nào hớ hênh ra ngoài. Ông biết rằng chỉ một lời nói, một cử chỉ hớ hênh là chính ông cũng không giữ được tính mệnh mình tròn vẹn. Ông định thu xếp ra ở ngoài, nhưng Phạm Xuân Phòng giữ ông lại. Ông thừa hiểu hắn giữ ông ở lại trong biệt thự Bồng Lai là có ý đồ riêng: muốn kiểm tra, giám sát thái độ ông trước cái chết của người chị. Về phía Thọ, ông quyết định ở lại biệt thự Bồng Lai vì đã tính toán: một là nếu ông khăng khăng ra ngoài ngay, thì lập tức Phạm Xuân Phòng sẽ không để ông sống an toàn, hai là ông muốn bí mật tìm thêm những bằng chứng về cái chết của chị ông; ba là ông muốn chăm sóc đứa con riêng duy nhất của chị ông và hi vọng sẽ có ngày nói được với nó tất cả sự thật. Nếu không thì oan ức lắm, căm giận lắm!
Giữa lúc đó, Phạm Xuân Phòng bị giết. Bọn mật vụ ập đến bắt ngay Thọ. Chúng tra tấn ông ngày này sang ngày khác, chỉ một câu hỏi bắt ông phải nhận: “Có phải Việt Cộng đã sai mày giết ông Phạm Xuân Phòng để lấy của không?” và một biên bản đã làm sẵn, bắt ông kí. Trong những cuộc tra tấn ấy, ông thấy có một thằng Mỹ ngồi hút thuốc lá, nhai kẹo cao su chứng kiến. Mặc dầu ông không nhận điều gì, chúng cũng lập hồ sơ truy tố ông và bắt ông điền lại “vụ ám sát” theo sự bố trí của chúng để chúng chụp ảnh.
Trong một lần chúng đưa đi lấy cung, ông đã tìm cách trốn được…
Tố Loan ngồi lặng đi nghe người cậu ruột mình kể. Sự việc đến với cô bất ngờ quá. Sao cuộc đời lại éo le, lạ lùng đến thế này? Cô tưởng như không làm chủ được suy nghĩ của cô nữa. Đây là thực hay là mộng? Đây là câu chuyện của gia đình cô hay là câu chuyện của gia đình người khác? Nét mặt, lời nói của người cậu ruột toát lên sự đau khổ, căm uất chân thực mà cô không tin không được. Chưa bao giờ cô thấy thần kinh căng thẳng đến như thế! Cô gục xuống, nấc lên:
- Mẹ ơi!
Tiếng Phan Thúc Định nhẹ nhàng:
- Xin cô hãy bình tĩnh. Vụ án đã rõ ràng. Tôi chỉ muốn nói thêm ít điều hiểu biết của tôi: ngài đại diện giết Phạm Xuân Phòng là vì muốn trừ bỏ một người của Mỹ bí mật theo dõi mọi việc làm của mình. Điều ấy người Mỹ chưa biết. Dù họ có biết, họ cũng sẽ phải câm nín như không biết. Nhưng họ đã nhanh chóng dựng lên thành một tội ác của người khác, làm rầm rĩ lên và đến gặp ngay cô với mục đích gì, cô thử suy nghĩ xem. Trước khi có vụ án này, theo tôi biết, cô là một người khác hẳn bây giờ, phải không cô Tố Loan?…
Cho đến lúc Phan Thúc Định lái xe đưa Tố Loan về nhà, cô vẫn như người mất hồn. Có một lúc, chợt nhớ ra mình vẫn còn nắm chặt cái ghim cà vạt vàng của Phạm Xuân Phòng trên tay, cô từ từ đưa cho Phan Thúc Định:
- Tôi… tôi không cần đến… cái này nữa! Nhưng tại sao ông lại quan tâm đến vụ án này thế?
Phan Thúc Định thản nhiên:
- Thưa cô, tôi cũng là một luật gia, tôi cũng thích tìm hiểu các vụ án li kì… Lúc này, chắc chắn cô có nhiều bối rối. Tôi mong lúc khác sẽ được nói chuyện với cô nhiều hơn.