Chương 33
Thoát hiểm

Buổi trưa đó, ở nhà Lý Lâm. Lý Lâm lừ lừ đi vào nhà. Thấy Lý Lâm về, Mai Lan vẫy gọi bọn trẻ con ăn cơm. Hai người cùng bọn trẻ ngồi vào bàn ăn. Chỉ có bọn trẻ con nói chuyện vài ba câu. Còn giữa Lý Lâm và Mai Lan, bao giờ cũng vậy, thường im lặng, người nào cứ việc người ấy làm. Đôi lúc, cần thiết lắm, hai người mới trao đổi một vài câu cộc lốc, trống không. Sau đó, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng, chẳng ai nói với ai câu nào.
Hôm nay, ăn cơm xong, hình như không nén nổi, Lý Lâm bảo vợ:
- Ông Phan Thúc Định ấy mà…
Nói xong, gã ngừng lại. Mai Lan đã quen với lối nói nhấm nhẳng, diễn đạt ý nhiều khi khó khăn ấy của Lý Lâm, hỏi:
-Sao?
Lý Lâm buông một câu nặng nhọc:
- Chết rồi!
Mai Lan giật mình, tái mặt, hỏi dồn gã:
- Sao? Sao lại chết? Chết thực không?
Thấy Mai Lan hỏi dồn, gã bực mình:
- Không biết.
Mai Lan cố trấn tĩnh, hỏi lại với giọng nhẹ nhàng:
- Ông Định chết rồi à? Anh bảo không biết cái gì?
Lý Lâm thủng thẳng:
- Không biết tại sao ông ấy chết. Nghe nói Việt Cộng giết…
Mai Lan chép miệng thở dài. Tự nhiên một nỗi buồn sâu sắc choáng ngập tâm hồn chị. Chị nhớ đến cái buổi chị cho con đi cấp cứu gặp Định. Chị nhớ đến những buổi Định đi lại thăm nom, giúp đỡ chị và các con chị. Ở con người ấy toát lên một phẩm chất tốt đẹp, làm cho người ta có thể tin cậy được. Nhưng tại sao lại làm cố vấn cho anh em họ Ngô được? Tại sao lại có thể giữ một chức vụ cao và tin cẩn đối với bọn “quốc gia” như thế được? Tại sao anh ta lại liên lạc với những thằng phản động ở chiến khu của “ta”? Và nếu mà “ta” giết thì tất phải như thế nào “ta” mới giết? Hay tất cả những cử chỉ tốt đẹp kia của anh ta chỉ là giả tạo, chỉ để che đậy một âm mưu gì đó. Chỉ để nhằm mua chuộc mình? Thế này thì mình còn hiểu thế nào được nữa? Óc mình mụ đi mất rồi! Nhưng tại sao mình vẫn thấy buồn? Anh ta là người tốt hay người xấu?
Lý Lâm lại thủng thẳng:
- Nhưng lạ lắm!
- Lạ cái gì cơ?
- Lạ lắm! Hình như ông ấy là… Việt Cộng.
Mai Lan sững sờ nhìn Lý Lâm, không nói được câu nào nữa. Lý Lâm thấp giọng như nói cho một mình nghe, mắt không nhìn Mai Lan:
- Người Mỹ ghét ông Định. Cậu bắt khám nhà ông Định suốt cả buổi sáng. Hình như cậu mất cái gì quý lắm!
- Khám có thấy gì không?
- Không thấy gì cả!
Mai Lan cũng không hiểu ra làm sao nữa. Chị nhớ đến lời “các anh ấy” dặn, có gì đặc biệt phải báo cáo cho “các anh ấy” biết ngay. Phải báo cho “các anh ấy” ngay!…

°

° °

Chiều hôm đó, tại trụ sở của CIA ở Sài Gòn, Lên-sđên đã có trong tay bản báo cáo tỉ mỉ của Xmít và những bức ảnh, những biên bản làm tại chỗ về vụ “Phan Thúc Định bị Việt Cộng phục kích giết chết”.

Đang đọc một cách bình thản bỗng hắn cau mày chú ý theo dõi từng chữ một. Hắn giở chiếc ảnh chụp xác Phan Thúc Định ra ngắm nghía. Hắn lật vội giấy má trong tập báo cáo, tìm cái biên bản khám nghiệm pháp y của bác sĩ khám xét xác Phan Thúc Định. Hắn nắm bàn tay đấm mạnh xuống bàn, la lên:
- Hỏng rồi! Đồ lợn! Làm hỏng hết rồi!
Hắn bấm chuông điện để cạnh bàn giấy như ấn cả bàn tay to lớn, lông lá vào đó. Một tên Mỹ chạy ra, rập gót giày đứng nghiêm người. Lên-sđên nói như thét vào mặt tên Mỹ:
- Gọi ngay cho tôi ông Phu-lít-xtơn.
Tên Mỹ quay gót. Lên-sđên nới nút cà vạt, cởi khuy cổ áo sơmi. Người hắn nóng bừng mặc dầu máy điều hoà nhiệt độ trong phòng chỉ số 18 độ. Hắn đến tủ con góc phòng mở một chai nước hoa quả tươi rót ra cốc, uống ừng ực một hơi hết. Mạch máu ở thái dương hắn căng ra, giần giật. Cơn giận dữ, tức tối cứ cuồn cuộn dồn lên ngực hắn, dồn lên đầu hắn làm hắn không thể ngồi yên được. Hắn lồng lộn như con thú dữ bị nhốt trong chuồng. Hắn muốn đập phá, bóp nát một cái gì. “Thực là xấu hổ! Thực là nhục nhã! Ngài Đa-lét biết thì trả lời ngài ấy sao bây giờ? Bọn Việt Cộng sẽ cười vào mũi. Tại sao? Tại sao? Ở Phi Luật Tân, ở mấy nước Nam Mỹ, mình có bao giờ gặp những chuyện như thế này đâu?…”
Không đập, không phá được cái gì, hắn buông thân mình rơi nặng nề xuống chiếc ghế bành độn lò xo. Mạch máu thái dương hắn vẫn giần giật.
Có tiếng giày đi đến gần. Phu-lít-xtơn bảnh bao, đẹp trai bước vào phòng. Nhìn thấy dáng điệu và nét mặt Lên-sđên, Phu-lít-xtơn biết có điều gì không ổn đã xảy ra cho nên nụ cười duyên dáng trên môi hắn vừa mới hé ra đã vội tắt ngay. Hắn vừa nói, vừa để ý thăm dò Lên-sđên:
- Thưa đại tá, đại tá cho gọi tôi.
Lên-sđên cười gằn:
- Vâng, tôi cho mời ông đến có việc. Tôi muốn ông cho tôi biết: nhiệm vụ của tôi trao cho ông ra Huế phối hợp với ông Xmít để giải quyết thằng Phan Thúc Định vừa rồi, ông có lộ cho ai biết không?
Phu-lít-xtơn lắc đầu, có vẻ ngơ ngác:
- Thưa đại tá, ngoài ông Xmít ra, tôi không hé lộ cho ai biết cả. Có việc gì xảy ra đấy ạ?
Lên-sđên giằn giọng:
- Ông có trao đổi với ông Xmít tất cả những ý kiến, tiến hành công việc như tôi đã dặn ông không?
Phu-lít-xtơn quả quyết:
- Thưa đại tá, bằng trí nhớ của người tình báo, tôi đã nhắc lại đúng nguyên vãn với ông Xmít tất cả những điều đại tá dặn. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên thấy đại tá hỏi tôi như vậy.
Lên-sđên mỉa mai:
- Thưa ông Phu-lít-xtơn, tôi cũng rất lấy làm ngạc nhiên, khi thấy sự việc diễn ra hoàn toàn trái với ý đồ của chúng ta.
- Thưa đại tá, tôi thiết tưởng mọi việc diễn ra như vậy là tuyệt đẹp, chẳng khác gì dưới bàn tay một người đạo diễn tài tình. Người đạo diễn tài tình ấy chính là đại tá. Thiếu tá Xmít đã có báo cáo đầy đủ. Những tình tiết ấy đủ làm tài liệu để sau này tôi có thể viết một kịch bản phim rất hay.
Không nén nổi tức giận, Lên-sđên gầm lên:
- Ném cái kịch bản ấy của ông xuống Thái Bình Dương. Đây là Việt Nam chứ không phải là Hô-ly-út và tôi là Lên-sđên chứ không phải là chủ hãng Mê-tơ-rô. Chúng ta đã bị lừa rồi!
Hắn quăng cái biên bản khám nghiệm pháp y và tập ảnh chụp của Xmít gửi vào ra trước mặt Phu-lít-xtơn, nói:
- Xác chết có hai chiếc răng vàng. Ông đã từng gặp thằng Phan Thúc Định. Ông thấy nó có răng vàng không? Và người có hai răng vàng như biên bản này, theo chỗ tôi biết, thì là vệ sĩ của Định.
Phu-lít-xtơn tái mặt đọc nhanh cái biên bản khám nghiệm pháp y về việc khám xét tử thi Phan Thúc Định. Hắn ngửng lên, ngơ ngác hỏi Lên-sđên:
- Vậy người chết không phải là Phan Thúc Định?
- Thưa “ngài” Phu-lít-xtơn: “Vâng!”. Đấy mới là “tuyệt đẹp”. Câu hỏi của ngài không xứng đáng là câu hỏi của người tình báo một chút nào!
Rồi Lên-sđên đổi giọng:
- Chiếc Méc-xê-đét đúng là của thằng Phan Thúc Định, nhưng nó đã thoát chết. Đây là một sự thất bại cay đắng cho chúng ta, một điều sỉ nhục đối với tổ chức CIA của chúng ta.
Tại sao nó lại thoát chết? Tại sao nó lại biết trước được mưu kế của chúng ta? “Lỗ hở” ấy ở đâu? Chỉ có ông và ông Xmít chịu trách nhiệm. Thằng Phan Thúc Định bây giờ ở đâu? Đang làm gì? Chúng ta phải biết! Chúng ta phải tìm cho ra! Rất tiếc là tôi vừa mới đề nghị khen thưởng cho Xmít. Và ông, thì tôi rất kính trọng ông cụ thân sinh ra ông là một nhà đại tư bản quyền thế quen biết nhiều nghị sĩ quốc hội, nếu không thì trách nhiệm vụ này ở hai ông, tôi sẽ phải làm đến nơi đến chốn.
Phu-lít-xtơn lắp bắp:
- Thưa đại tá, tôi thực không ngờ tới… tôi chỉ biết điều tra và truyền lệnh của đại tá.
Một tên Mỹ đứng nghiêm ở cửa, tay cầm tờ giấy nhỏ:
- Báo cáo đại tá, có điện khẩn của vùng Chiến thuật 1.
Lên-sđên đưa tay đón tờ giấy. Tên Mỹ rập gót giày chào rồi quay ra. Lên-sđên đọc tờ giấy. Mắt hắn căng ra. Lần này, giọng hắn lạc hẳn đi, hốt hoảng:
- Lạy Chúa! Cẩn để mất cái kế hoạch ấy à? Ông Phu-lít-xtơn, ông hạ lệnh cho Trần Kim Tuyến và tất cả người của ta ở các nơi gặp thằng Phan Thúc Định ở đâu phải bắt cho bằng được. Không bắt được thì phải giết chết ngay. Ai bắt được thằng Định, thưởng năm vạn đôla. Giết chết được nó thưởng một vạn đôla. Cho mời ông Phi-sin và ông Tô-ma đến gặp tôi ngay bây giờ. Báo cho ông Ngô Đình Diệm biết tối nay tôi sẽ đến gặp ông ta có việc khẩn cấp. Bảo chuẩn bị xe chúng tôi đến ngay toà đại sứ. Ông chuẩn bị đi cùng ông Tô-ma ra Huế…
Chưa hình dung được việc gì đã xảy ra nhưng qua giọng nói và thái độ của Lên-sđên, Phu-lít-xtơn biết là tình hình hệ trọng khẩn cấp, hắn “Yét-sơ” một tiếng thật to rồi chạy vội sang phòng bên như ma đuổi.
Chuông điện thoại của cơ quan chỉ huy CIA ở Sài Gòn réo gọi các nơi liên tiếp…

°

° °

Phu-lít-xtơn đã không dám nói thật với Lên-sđên.

Không phải chỉ có một mình hắn và Xmít ở Huế biết âm mưu của CIA định giết Phan Thúc Định. Còn một người nữa biết âm mưu đó: Tố Loan.
Từ Sài Gòn bay ra Huế, ngoài việc công ra, Phu-lít-xtơn tấp tểnh nghĩ đến việc riêng. Hắn mong mỏi gặp Tố Loan. Người con gái Việt Nam xinh đẹp dịu dàng có học thức ấy đã làm hắn say mê. Hắn say mê vì hắn không thể tìm thấy ở những phụ nữ châu Âu, châu Mỹ vẻ dịu dàng, thanh tú riêng biệt của phương Đông như ở Tố Loan.
Hắn say mê vì hắn không thể tìm thấy ở những người phụ nữ khác những cử chỉ, dáng điệu, những lời nói biểu lộ một nếp sống văn hoá, một chiều sâu của học thức như ở Tố Loan. Hắn say mê vì nghĩ nếu đưa được Tố Loan về Mỹ sống với hắn, thì hắn có thể tự hào với bạn bè hắn ở bang Mai-a-mi là đã có “thành tích” chinh phục được một người đẹp châu Á ở cách xa hàng vạn dặm như thế.
Hiện nay, hắn chưa chiếm được tình yêu của Tố Loan, nhưng hắn tin rằng rồi đây hắn sẽ chiếm được. Bởi vì, hắn tin ở ảnh hưởng của hắn đối với Tố Loan. Chẳng phải chính hắn đã là người làm thay đổi được chiều hướng tư tưởng, tình cảm của Tố Loan đấy ư? Chẳng phải chính hắn đã là người làm cho Tố Loan từ một người tham gia các phong trào đấu tranh của cái đám thanh niên học sinh thân Cộng biến thành một người căm thù Cộng sản đấy ư? (Hắn không biết đến sự đổi thay của Tố Loan những ngày gần đây). Chẳng phải chính hắn đã làm cho Tố Loan từ chỗ có ác cảm với người Mỹ đến chỗ làm cộng tác viên của CIA đấy ư? Những việc ấy so với việc chiếm tình yêu của Tố Loan còn khó hơn nhiều mà hắn đã làm được, huống hồ là việc làm cho tình cảm Tố Loan hoàn toàn thuộc về hắn. Cái đó không khó gì, miễn là cần một số thủ đoạn và sự kiên nhẫn.
Hắn tin vì hắn là người Mỹ, một người Mỹ trẻ tuổi, đẹp trai, lịch sự, có học. (Thực là một người đàn ông lí tưởng cho các phụ nữ). Hơn nữa hắn là con một nhà tư bản lớn. Hắn sẽ hứa với Tố Loan một đám cưới chính thức, một cuộc đi chơi trăng mật ở Pa-ri, Rô-mơ hay ở Ha-oai tuỳ theo ý Tố Loan muốn, một cuộc sống giàu có ở Mỹ… Hê-lô! Đô la và cuộc sống Mỹ… ai chẳng thích! Đô la và cuộc sống Mỹ! Không có lời tán tỉnh và hứa hẹn nào hấp dẫn bằng!
Những hình ảnh ấy lại quay lại huyễn hoặc hắn. Hắn tưởng tượng đến cảnh hắn sánh vai với Tố Loan trong một đám cưới linh đình tổ chức ở Sài Gòn. Gia đình hắn sẽ đi máy bay riêng sang. Đám cưới có đại sứ Hoa Kỳ, các quan chức cao cấp Hoa Kỳ và các quan chức cao cấp Sài Gòn đến, Đức Cha tổng giám mục Sài Gòn sẽ làm lễ. Tố Loan sẽ ăn mặc như thế nào? Không, cứ mặc áo dài Việt Nam, choàng voan trắng. Một đám cưới Việt – Mỹ.
Cho nên vừa đến Huế, sau khi gặp Xmít xong hắn tìm gặp ngay Tố Loan. Tố Loan đã nhận được một bức điện của hắn gửi ra trước với những kí hiệu riêng. Từ ngày hắn thuyết phục được Tố Loan làm cộng tác viên của CIA và đưa Tố Loan về Huế thì hắn tránh gặp cô công khai ở Huế với mục đích bảo đảm bí mật cho cô.
Nhận được bức điện của hắn, Tố Loan phân vân không biết đối xử ra sao. Gặp hắn ư? Cô rất khó chịu. Từ ngày được Phan Thúc Định giúp cho hiểu biết sự thực về gia đình mình, về Phạm Xuân Phòng và cái chết của hắn, Tố Loan bần thần như người mất hồn suốt một thời gian. Nhiều tình cảm khác nhau xáo trộn, dằn vặt trong cô. Buồn bã, chán nản, căm giận, hoài nghi. Qua việc bọn Mỹ dùng cái chết của Phạm Xuân Phòng để đánh lừa cô, lợi dụng cô, cô thấy ghê tởm sự xảo quyệt của chúng. Mỗi lần gặp bọn Mỹ, nghe chúng nói, cô cảm thấy tất cả những điều chúng nói đều là dối trá. Bọn Mỹ dối trá, lừa bịp cô. Vân Anh cũng dối trá, lừa bịp với cô. Vậy ai là người trung thực, cô có thể tin được? Người đã làm cho cô hiểu rõ tất cả mọi tự dối trá kia là ai? Phan Thúc Định?
Thế rồi, cô gặp lại một số những người bạn mà cô đã đi cùng hàng với họ trong những buổi “xuống đường” hồi còn đi học. Cô thấy họ vẫn say mê, vẫn hừng hực lửa của tuổi trẻ. Nói chuyện với họ, cô thấy họ nhìn bản chất bọn Mỹ rõ hơn cô.
Cô cảm thấy hối hận và xấu hổ về mấy cái báo cáo tin tức cô gửi cho Phu-lít-xtơn. Những người bạn trẻ kéo cô đi dự những cuộc họp của thanh niên, sinh viên. Trong những cuộc họp ấy, cô nghe mọi người phát biểu ý kiến. Cô so sánh với những lời Phu-lít-xtơn nói với cô. Cô nhìn bọn lính biệt động, bọn cảnh sát ác ôn đàn áp đánh đập man rợ, bỏ tù, giết chết những người thanh niên, sinh viên chỉ vì mỗi một “tội”: muốn cho nước Việt Nam độc lập, muốn cho ngoại bang không được xâm lược, không được can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt Nam, muốn nhân phẩm người Việt Nam được tôn trọng. Tất cả những điều nghe được, nhìn thấy, so sánh ấy đặt cho cô một câu hỏi lớn – một câu hỏi vẫn thường được đặt ra trước mặt tất cả những người trí thức sống trong vùng bị tạm chiếm – đi theo con đường nào? Đứng về phía nào?
Mối thù gia đình giả tạo, bịa đặt đẩy cô rời khỏi hàng ngũ bạn bè, bà con đồng bào đã bị gỡ bỏ, lại nhìn thấy thủ đoạn xấu xa, tàn bạo của bọn địch lợi dụng mình, tất nhiên Tố Loan lại trở về với bạn bè, với bà con đồng bào. Cô muốn làm một cái gì để bù đắp lại thời gian vừa qua. Sức sống tuổi trẻ như trở lại với cô. Như mặt trời, sau khi đám mây đen che mình trong một thời gian đã bay đi, lại toả ánh sáng.
Sau lần được Phan Thúc Định giúp cho biết rõ về nguồn gốc gia đình mình, hiểu biết sự thực về cái chết của Phạm Xuân Phòng, Tố Loan tiếp xúc với anh nhiều hơn. Cô ngạc nhiên về sự hiểu biết rộng rãi của anh, về những tin tức anh nắm được. Tuổi trẻ thường tò mò, ham hiểu biết. Cô có thể hỏi anh về những vấn đề gì cô chưa hiểu biết, những tin tức gì cô phân vân không rõ đúng sai. Có vấn đề, anh trả lời cô thẳng thắn “không nói được”, nhưng tất cả những vấn đề, những tin tức anh nói với cô, cô thấy hoàn toàn đúng. Chỉ trừ những câu cô hỏi về bản thân anh thì anh lảng tránh, hoặc chỉ đáp một cách chung chung “Tôi học ở Pháp về và cũng như cô thôi – muốn đem những hiểu biết của mình giúp ích cho đất nước”.
Hình như lúc đầu, Phan Thúc Định cũng thử xem cô có phải là người kín đáo trung thực không, nên chỉ trao đổi với cô những tin tức bình thường. Sau đó, thấy những điều anh nói cho cô biết, ngay cả việc cô biết sự thực về cái chết của Phạm Xuân Phòng nữa, cô không hé lộ cho ai biết. Phan Thúc Định mới bắt đầu trao đổi với cô những vấn đề rộng rãi hơn, những tin tức mà ở ngoài ít ai biết.
Dần dần, Tố Loan hỏi Phan Thúc Định về cả những vấn đề thuộc cuộc sống của mình. Cô thấy bao giờ anh cũng khuyên cô những điều tốt, điều đúng với những ý kiến phân tích xác đáng, những lời lẽ trung thực. Giữa lúc cô tưởng không còn biết tin vào ai nữa thì niềm tin Phan Thúc Định, ở trong cô, từng bước, từng bước hình thành. Cùng với niềm tin ấy, mối tình cảm rất mơ hồ, rất nhẹ nhàng len lén đến với cô. Hình như mỗi lúc gặp Phan Thúc Định cô thấy vui hơn, yên tâm hơn trên bước đường đi của mình; hình như mỗi lúc nghĩ đến Phan Thúc Định, cô thấy đỡ cô đơn, lẻ loi hơn, như có một người anh tin cậy, một người bạn thân hiểu biết mình. Tình cảm ấy đến từ bao giờ, cô không rõ.
Nghe theo lời của Phan Thúc Định, cô cảm thấy mình gần bạn bè, đồng bào của mình hơn. Cô đã quên mình đã có một thời kì là cộng tác viên của CIA. Bây giờ bức điện của Phu-lít-xtơn mà cô nhận được gọi cô trở về mối quan hệ của cô với bọn Mỹ qua hắn. Cô ân hận, xấu hổ về mối quan hệ ấy, đã muốn quên nó đi, xoá nó đi, dứt nó đi ra khỏi cuộc đời cô mà nó lại hiện về. Cô căm ghét nó như căm ghét bọn Mỹ bịp bợm dối trá. Cô như thấy hiện ra trước mắt cô cái bộ mặt giả dối, cái giọng nói ba hoa cứ lăm le chuyển sang tán tỉnh cợt nhả của Phu-lít-xtơn. Làm thế nào bây giờ? Gặp hắn thì chẳng khác gì phải chịu đựng một cực hình, một sự tra tấn, khi nhìn bộ mặt và nghe những lời nói của hắn. Gặp hắn thì tức là nối chặt thêm mối quan hệ với bọn chúng mà cô đã muốn cắt đứt, xoá đi, quên đi, kể cả trong kí ức của mình. Nhưng nếu không gặp hắn, gây cho hắn một mối nghi ngờ, để cho hắn biết rằng cô đã thay đổi thì chắc chắn bọn CIA sẽ không để cho cô yên. Cái chết của Phạm Xuân Phòng đã dạy cho cô hiểu điều đó.
Làm thế nào bây giờ? Cô nhớ tới Phan Thúc Định. Cô gọi dây nói cho anh, hẹn gặp.
… Hai người bước song song trên đồi thông như một cặp tình nhân đi viếng lăng tẩm. Sau khi nghe Tố Loan nói về việc Phu-lít-xtơn ra Huế, Phan Thúc Định liên hệ tới ngay những lời Vân Anh nói với anh trong bức thư của cô gởi cho anh trước khi tự tử. Thằng CIA đội lốt nhà báo, con chó sói đội lốt cừu ấy, lần này ra Huế có việc gì đây? Nó có âm mưu gì mà Vân Anh, trước khi chết, cũng phải báo cho mình? Anh nói với Tố Loan:
- Cô cứ gặp. Chắc chắn không phải tự nhiên Phu-lít-xtơn ra đây. Chắc chắn ra cũng không phải chỉ để gặp cô. Cô vẫn thường nói cô muốn trở thành một người có ích cho xã hội, cho đất nước. Cô làm thế nào nắm được mục đích của việc hắn ra đây, tức là cô cũng làm được một việc lớn rồi.
Tố Loan cau mày:
- Nhưng tôi không thể chịu được mỗi khi phải nhìn cái bộ mặt thơn thớt đểu cáng của hắn.
Phan Thúc Định nhẹ nhàng:
- Tôi cũng hiểu như thế! Tôi biết đó cũng là điều rất khổ tâm của cô, nhưng cô hãy nghĩ rằng cô gặp hắn không phải là vì hắn, cô gặp hắn vì yêu cầu của công việc. Cô hãy nghĩ đến những điều lớn lao khác mà quên sự khó chịu ấy đi. Cô cố gắng đừng để lộ cho hắn biết một chút gì về sự thay đổi của cô cả. Cô lộ ra, dù chỉ là một tí chút về sự thay đổi của cô thôi, cũng đủ để cho hắn đề phòng cô, hắn sẽ không hở miệng ra điều gì mà lại có thể rất nguy hiểm cho cô.
Gió thổi xào xạc trên những cây thông con. Trong ánh nắng dịu, Tố Loan nhìn nét mặt nghiêm túc của Phan Thúc Định, nghe lời nói rành rẽ của anh. tin rằng những điều anh nói là những điều cần phải theo. Phan Thúc Định nói thêm:
- Đối với Phu-lít-xtơn, cô hãy coi cô như vẫn là cộng tác viên của hắn. “Chúng ta” cần phải biết mọi ý đồ của bọn Mỹ và ngược lại, không được để cho bọn Mỹ biết bất cứ điều gì của “chúng ta” cả.

°

° °

Thấy Tố Loan đến đúng chỗ hẹn theo sự thông báo của bức điện, Phu-lít-xtơn không nghi ngờ gì cả, trước sự khéo léo của Tố Loan và để mua chuộc sự tin cần của cô trong lúc tán tỉnh, Phu-lít-xtơn đã để lộ cho cô biết âm mưu của CIA định giết Phan Thúc Định.

Nhận lệnh của Lên-sđên, hắn đã ra gặp Xmít. Hắn thống nhất với Xmít kế hoạch giết Phan Thúc Định. Hắn được Xmít cho biết cứ vào khoảng 16 giờ ngày thứ bảy mỗi tuần, Phan Thúc Định thường lái xe một mình lên phía bắc thành phố, xa Huế khoảng 15 ki-lô-mét, dạo chơi qua chỗ Tố Loan dạy học.Cách chỗ ấy không xa, nhô lên mấy ngọn đồi cây rậm rạp, chạy dài theo đường cái lớn khoảng hơn một ki-lô-mét.
Có một số tên lính bản xứ trong lực lượng đặc biệt bị Xmít nghi ngờ là tay chân của Ngô Đình Cẩn cài vào, sẽ được lệnh của Xmít mặc giả làm du kích Việt Cộng phục sẵn ở đoạn đường 13+500. Bọn chúng được lệnh khi thấy chiếc Méc-xê-đét sơn màu như thế, mang biển số như thế, có những đặc điểm như thế… chạy qua lúc 18 giờ thì phải bắn chết ngay người lái tại chỗ.
Đồng thời Xmít cũng sẽ cho một đại đội lực lượng đặc biệt Mỹ đến bố trí thành một vòng cung bao bọc lấy bọn lính bản xứ. Nhiệm vụ của đại đội lực lượng đặc biệt Mỹ là giám sát đề phòng Phan Thúc Định chạy thoát. Nếu Phan Thúc Định, vì một lí do nào đó thoát được luồng đạn của bọn lính bản xứ thì bọn lính Mỹ phải giết bằng được anh. Nhiệm vụ nữa của bọn lính Mỹ là, dù bọn lính bản xứ kia có giết được Phan Thúc Định hay không thì cũng phải diệt hết chúng.
Thực hiện kế hoạch đó, bọn Mỹ có nhiều cái lợi. Chúng vừa giết được Phan Thúc Định, người mà chúng không nắm được, vừa phủi trắng tay đổ cho Việt Cộng gây tội ác. Chúng vừa tuyên truyền chiến thắng được một trận phục kích của Việt Cộng, vừa diệt được bọn bản xứ chúng nghi ngờ. Chúng lại tránh cả được một sự căng thẳng giữa chúng với anh em họ Ngô do việc chúng công khai giết Phan Thúc Định gây ra.
Nghe được Phu-lít-xtơn lộ ra việc định giết Phan Thúc Định, Tố Loan bàng hoàng cả người. Cô phải cố gắng lắm mới giữ được bình tĩnh. Cô làm vẻ ngạc nhiên hỏi hắn:
- Sao lại giết Phan Thúc Định? Anh ta là cố vấn của ông Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Cẩn cơ mà.
Phu-lít-xtơn mỉm cười tinh quái:
- Ông Lên-sđên và ông Phi-sin hiểu rõ điều ấy hơn tôi. Theo ý hai ông, hắn có thể là Việt Cộng.
Tố Loan càng sững sờ:
- Có thể tin được điều ấy không nhỉ? Việt Cộng sao lại làm cố vấn cho Ngô tổng thống? Nếu anh ta là Việt Cộng thì anh ta giết ông Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Cẩn rồi! Người Mỹ các ông giàu óc tưởng tượng quá! Hay các ông bị ảnh hưởng những chuyện tình báo li kì do chính các ông viết ra?
Phu-lít-xtơn đáp:
- Tôi xin miễn tranh luận với cô điều ấy. Người Pháp trước đây đã chẳng để cho một tình báo viên Việt Minh leo lên đến chức Quốc vụ khanh của Bảo Đại là gì! Người Mỹ chúng tôi không muốn mắc sai lầm như người Pháp đã mắc phải. Dù hắn không phải là Việt Cộng một trăm phần trăm thì chúng tôi không nắm được hắn, chúng tôi cũng không thể để như thế được. Bổn phận của chúng ta là phải thi hành lệnh trên.
Rồi Phu-lít-xtơn quay sang câu chuyện hắn nói dở trước đó:
- Nhưng thôi, cô Loan ạ! Chuyện ấy bây giờ là của ông Xmít. Chúng ta chẳng cần quan tâm đến. Cô biết đấy, tôi đã tin cô đến như thế nào, tôi có giấu cô điều gì đâu. Thú thật, tôi không thể tìm thấy trên đời này một người phụ nữ thứ hai nào làm tôi quý… tôi mến… như cô. Tôi vẫn nghĩ rằng thật là diễm phúc cho người nào được làm bạn cuộc đời với cô. Người Mỹ chúng tôi quen nói thẳng những suy nghĩ của mình. Cô cho phép tôi được nói thực với cô: Tôi mơ ước được có diễm phúc ấy. Tôi có một sự nghiệp hàng chục triệu đôla của bố mẹ tôi sẽ để lại cho tôi ở Mai-a-mi, tôi có một ngân khoản riêng ở ngân hàng đứng tên tôi, tôi có một biệt thự và xe hơi riêng… Nếu cô đồng ý…
Nhưng từ đó, Tố Loan không nghe thấy gì nữa. Lời của Phu-lít-xtơn cứ loáng thoáng tiếng được tiếng mất vào tai cô “… trăng mật… Pa-ri… Đài Loan… máy bay… lợi tức… đôla… nước Mỹ”. Cô chỉ đáp cho qua chuyện và nghĩ cách gặp ngay Phan Thúc Định. Thế nào cũng phải gặp ngay Phan Thúc Định.

°

° °

Tố Loan đã tìm cách bí mật gặp lại Phan Thúc Định. Cô kể hết những điều Phu-lít-xtơn đã lộ với cô. Cô ngạc nhiên khi thấy nét mặt, thái độ của Phan Thúc Định không có gì thay đổi, rất bình tĩnh khi nghe những điều mà cô tưởng “tày đình” ấy, những điều quan hệ đến sinh mạng của anh ấy.

- Ngày mai, thứ bảy rồi! Ngày mai, chúng sẽ bố trí giết anh. Anh hãy tìm cách trốn ngay hôm nay đi! – Cô nói hầu như khẩn khoản với anh.
Phan Thúc Định im lặng suy nghĩ. Tố Loan càng ngạc nhiên khi thấy anh thản nhiên đáp lại lời khẩn khoản đầy lo lắng của cô:
- Không! Tôi sẽ không trốn đi đâu cả. Ngày mai tôi cũng sẽ đi về phía Kim Long dạo chơi như thường lệ…