Chương 27
Sổ lồng

Vũ Long tươi cười đón Trần Mai và Hồng Nhật. Anh nắm chặt tay từng người một:
- Mừng các đồng chí thắng lợi trở về.
Anh bá vai Hồng Nhật:
- Đồng chí Nhật có khoẻ không?
Hồng Nhật vui đùa đáp:
- Báo cáo anh, được đi “an dưỡng” thì nhất định phải khoẻ chứ ạ. Nếu không có ông “trung uý quân cảnh” này thì phải nằm thêm ít lâu nữa.
Vũ Long mỉm cười:
- “Trung uý quân cảnh” sẽ được tuyên dương vì có công cứu Việt Cộng.
Vũ Long đưa hai người vào phòng làm việc của mình, một căn phòng đơn giản, vách bằng nứa ghép chỉ có một cái bàn, mấy cái ghế ngồi và một cái giường cá nhân. Trên đầu giường treo một cái sắc-cốt dày cộm. Cạnh giường có một cái tủ con mộc mạc.
Anh mời hai người ngồi, pha ấm nước trà. Sau khi uống với nhau một chén trà nóng, giọng Vũ Long trở nên nghiêm trang:
- Trong thời gian bị địch bắt, đồng chí Hồng Nhật nghĩ gì?
Hồng Nhật đáp:
- Tôi nghĩ đến phong trào bên ngoài, nghĩ đến các cơ sở của chúng ta, nghĩ đến bà cụ bị bọn địch bắn chết, nghĩ đến tổ chức…
Vũ Long ngắt lời Hồng Nhật:
- Đồng chí không nghĩ đến nguyên nhân tại sao đồng chí bị địch bắt? Dù sao, chúng ta cũng phải rút kinh nghiệm với nhau về vấn đề đó.
Hồng Nhật im lặng. Một phút sau anh nói với giọng hối hận:
- Nguyên nhân là do tôi chủ quan.
Vũ Long gật đầu:
- Đúng! Hầu hết những vụ địch bắt được cán bộ ta ở nội thành là đều do chủ quan. Ai cũng biết, vậy sao địch vẫn bắt được cán bộ ta? Mỗi trường hợp đều khác nhau. Riêng trong trường hợp của đồng chí, sự chủ quan biểu hiện cụ thể như thế nào?
Hồng Nhật cau mày suy nghĩ:
- Tôi đã để cho địch phát hiện được tôi, theo dõi tôi. Tôi có một số điều còn phân vân, chưa kết luận được.
- Về vấn đề gì? – Vũ Long hỏi.
- Về những người tôi tiếp xúc, về những người cộng tác với tôi.
- Là ai?
- Tôi chưa dám khẳng định vì tôi chưa có đầy đủ bằng chứng.
Trần Mai mỉm cười trong khi Vũ Long đứng lên đi ra phía đầu giường cá nhân của mình, lấy chiếc sắc-cốt xuống. Anh mở sắc-cốt lấy ra một cái báo cáo của X.30 gởi cho anh. Anh đặt tờ báo cáo ấy trước mắt Hồng Nhật. Vừa đọc thấy tên một người trong đó, Hồng Nhật giật mình.
Tờ báo cáo viết về lai lịch Lý Ngọc Tú. Ông nội Tú trước đây làm quan võ dưới triều Nguyễn, có chạy theo Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi một thời gian, sau phản bội, chạy về làm tay sai cho giặc Pháp. Bố Lý Ngọc Tú làm án sát ở Khánh Hoà, cực kì phản động, đã từng đàn áp các phong trào yêu nước ở Nam Trung bộ, có nhiều nợ máu với nhân dân. Tú được Ngô Đình Cẩn sử dụng làm mật vụ, chui vào tổ chức thanh niên, sinh viên yêu nước ở Huế. Hắn đã đóng vai trò hăng hái yêu nước, tích cực hoạt động để gây tín nhiệm. Nhờ tài biện thuyết giỏi và đóng kịch khéo léo, nhất là trò bị bắt và đấu tranh kiên quyết trong tù của hắn do Ngô Đình Cẩn đạo diễn, hắn đã lọt được vào hàng ngũ lãnh đạo phong trào nhằm thực hiện âm mưu phá ta từ trong nội bộ phá ra. Hắn nắm được một số cơ sở của ta và được gặp Hồng Nhật. Hắn đã điểm cho bọn công an mật vụ của Cẩn bắt bớ một số cơ sở của ta mà hắn biết và bí mật dẫn chúng đến nơi trú ẩn của Hồng Nhật. Chỉ có mình Lý Ngọc Tú là thường đến gặp Hồng Nhật tại nhà bà cụ già ở thôn Vĩ Dạ, còn những người khác thì Hồng Nhật bố trí gặp gỡ ở những cơ sở khác. Vì vậy khi xông đến bắt Hồng Nhật, chúng bắn chết ngay bà cụ để bịt đầu mối. Chúng sợ để bà cụ sống thì ta sẽ điều tra ra việc Lý Ngọc Tú là nội gián.
Hồng Nhật mím chặt môi lại. Vừa hối hận về sự thiếu cảnh giác của mình, vừa căm giận tên tay sai, anh không nói được lời nào.
Giọng của Vũ Long điềm đạm:
- Tôi đã cho thẩm tra lại và những điều nói trong tờ báo cáo này là hoàn toàn đúng.
Hồng Nhật nhìn thẳng vào mặt Vũ Long:
- Tôi xin chịu trách nhiệm trước tổ chức về khuyết điểm của tôi. Tôi xin được đi xử thằng khốn nạn này không để nó làm hại phong trào.
Vũ Long thu lại tờ báo cáo:
- Thằng chó săn này đã tự dẫn thân vào bẫy rồi…
Hồng Nhật ngạc nhiên không hiểu Vũ Long định nói gì. Trần Mai giải thích cho anh hiểu:
- Sau khi bắt được Hồng Nhật, bọn Ngô Đình Cẩn tung dư luận rằng Hồng Nhật đã khai báo hết cơ sở của ta trong thành phố. Hắn đã dụng ý đánh một đòn cân não, gây tâm lí hoang mang trong hàng ngũ cán bộ và cơ sở của ta. Kết hợp với việc phao tin, do sự chỉ điếm của Lý Ngọc Tú, chúng bắt được mấy người nữa. Trước tình hình đó, không biết hư thực ra sao, một số cơ sở của ta ở trong thành phố, gồm các thanh niên, sinh viên trước đây hoạt động táo bạo, lộ diện đã trốn ra vùng giải phóng. Số này thoát li được sự đồng ý của các cấp lãnh đạo trong thành. Yên trí rằng mình vẫn giữ được sự tín nhiệm của mọi người, mọi hành động ám muội của mình không ai có thể biết được, Lý Ngọc Tú lợi dụng dịp này, trà trộn vào số những người thoát li ra vùng giải phóng, định làm ăn lớn, chui sâu vào hàng ngũ ta, nắm được sự chỉ đạo của ta ở vùng giải phóng. Hắn không ngờ rằng X.30 đã kịp thời phát hiện ra hắn là mật vụ của Ngô Đình Cẩn. Vì thế, cơ quan an ninh của ta đã nắm vững về hắn. Hắn vừa bước chân ra đến vùng giải phóng thì bị tóm cổ ngay và đã thú nhận hết tội lỗi.
Vũ Long chăm chú nhìn Hồng Nhật. giọng nghiêm nghị:
- Đồng chí phải suy nghĩ, rút kinh nghiệm, kiểm điểm về khuyết điểm chủ quan, mất cảnh giác của đồng chí. Điều này thể hiện trên tư tưởng lẫn phương pháp làm việc. Khuyết điểm ấy đã làm đồng chí sa vào tay địch, đã làm một bà mẹ yêu nước của chúng ta phải hi sinh, đã làm cho phong trào bị ảnh hưởng và làm tổ chức phải bố trí lực lượng, tính toán cứu đồng chí ra, tốn bao nhiêu công sức. Chỉ một sơ suất nhỏ của mỗi chúng ta sẽ dẫn đến bao nhiêu hậu quả tai hại. Chúng ta càng thấy rõ kẻ địch của chúng ta vô cùng nham hiểm. Chúng ta không thể để xảy ra bất cứ một sơ suất nhỏ nào. Tôi sẽ tiếp tục nói chuyện với đồng chí về vấn đề này.
Anh ngừng lại một chút để Hồng Nhật suy nghĩ. Hồng Nhật cúi đầu im lặng. Vũ Long lại tiếp tục nói, giọng động viên:
- Nhưng kẻ địch cũng đã thất bại. Dù nham hiểm đến đâu, nhất định chúng cũng sẽ thất bại. Sau khi kiểm điểm xong, đồng chí Hồng Nhật hãy chuẩn bị trở về vị trí công tác của mình, hãy tiếp tục nắm lấy cơ sở, tiếp tục tấn công kẻ địch. Phải tấn công chúng liên tiếp. Phong trào thanh niên, sinh viên vẫn đang lên, đang làm rạn vỡ chỗ đứng trong thành phố của kẻ địch. Trên mặt trận ấy, kẻ địch không thể có chỗ đứng, vì thanh niên, sinh viên chúng ta giàu lòng yêu nước, nhiệt tình sôi nổi, căm ghét bọn xâm lược. Đồng chí hãy chuẩn bị trở lại nội thành, tiếp tục chiến đấu. Bây giờ đồng chí Nhật có thể ra nghỉ được, đồng chí Mai ở lại làm việc với tôi…
Hồng Nhật đứng lên:
- Tôi rất thấm thía với lỗi lầm tôi đã phạm phải. Tôi xin kiểm điểm sâu sắc. Đồng thời, tôi cũng rất xúc động vì tổ chức vẫn tín nhiệm tôi, cho được tiếp tục chiến đấu. Tôi hứa không bao giờ phụ lòng tín nhiệm của các đồng chí.
Khi Hồng Nhật đã ra ngoài, Vũ Long mở sắc-cốt lấy mấy bức ảnh, mấy bản báo cáo khác ra trao đổi ý kiến với Trần Mai:
- Bọn địch đang ra sức triển khai kế hoạch “GIÓ ĐÃ XOAY CHIỀU”. Chúng đang hoạt động khẩn trương và chúng ta cũng phải hoạt động khẩn trương hơn chúng. Chúng ta đã đánh bại chúng một bước trong kế hoạch của chúng định phá phong trào và cơ sở trong nội thành của ta… Cuộc đấu tranh giữa ta và địch còn gay go, quyết liệt. Nhiệm vụ của chúng ta là phải đập tan toàn bộ kế hoạch “GIÓ ĐÃ XOAY CHIỀU” của chúng.
Trần Mai cầm những bức ảnh lên xem. Nếu người ngoài cuộc nhìn vào những bức ảnh đó thì sẽ rất kinh ngạc, lạ lùng không hiểu tại sao Vũ Long lại có được những bức ảnh như thế. Có bức chụp những tên cố vấn Mỹ và viên chức cao cấp của nguỵ quyền Sài Gòn vừa ở trên máy bay bước xuống sân bay Phú Bài. Có bức chụp một cuộc họp kín giữa Ngô Đình Cẩn và Phan Thúc Định. Có bức chụp toàn cảnh nhà lao Thừa Phủ, đứng từ một góc cao nhìn xuống. Có bức chụp một trại huấn luyện lực lượng đặc biệt của bọn Mỹ. Có bức chụp một công văn mật của Ngô Đình Diệm gửi cho Ngô Đình Cẩn… Trong các bản báo cáo, có bản báo cáo về phong trào, có bản báo cáo về một nhân vật nào đó.
Vũ Long chậm rãi nói:
- Thằng Tô-ma lại từ Sài Gòn lén lút ra Huế, có đến thăm trại lực lượng đặc biệt Mỹ của thằng Xmít. Thằng Cẩn vừa gọi thằng chỉ huy lực lượng đặc biệt nguỵ đến họp một buổi. Vân Anh vừa viết một bức thơ cho gã Lê Mậu Thành. Một thằng nhà báo Mỹ mới xuất hiện… Chúng đang định làm gì đây?
Được tin Hồng Nhật đã thoát, Ngô Đình Cẩn rất tức giận. Hắn không lồng lộn lên như Phan Thúc Định tưởng. Ngược lại, hắn ngồi lì ra trên sập, mặt đanh lại. Hắn nhai trầu nhiều hơn. Đôi quai hàm bạnh ra mỗi lúc hắn nhả trầu trông như hắn nghiến răng lại. Chỉ có đôi mắt trắng dã thỉnh thoảng long lên như không nén nổi căm tức, rồi lại dịu xuống cố lấy vẻ bình thường. Hắn bảo tên giám đốc Nha cảnh sát và công an:
- Giam mấy thằng cảnh sát gác ở bệnh viện hôm đó lại. Đánh chết chúng nó đi xem chúng nó có liên hệ chi với bọn Việt Cộng không.
Tên giám đốc Nha cảnh sát và công an khúm núm:
- Bầm cậu, những đứa này đều là những đứa tin cẩn, đã chọn lọc kĩ rồi ạ.
Ngô Đình Cẩn quắc mắt:
- Tui không tin đứa nào cả. Anh có nắm được ngoài giờ đi làm ra, chúng nó đi mô, gặp những ai không? Anh có nắm được họ hàng xa gần của chúng nó có đứa mô là Cộng sản không?
Tên giám đốc Nha cảnh sát và công an im thin thít. Phan Thúc Định nói với hắn:
- Cụ lớn đã dạy như thế, ông nên về điều tra ngay bọn chúng lại xem. Có thể có những đứa bên ngoài làm bộ sốt sắng để chúng ta tin cẩn ấy lại chính là những đứa bên trong tìm cách hại ta. Ông có biết rằng mất bao nhiêu công phu mới bắt được tên Việt Cộng cỡ ấy mà để nó trốn thoát được thì có hại cho công cuộc chống Cộng của quốc gia đến mức nào không?
Tên giám đốc Nha cảnh sát và công an cố thanh minh:
- Thưa ông, bọn Việt Cộng đến đánh tháo cho thằng Hồng Nhật lại mặc giả quân cảnh và đi xe hơi đến, nên không ai ngờ cả. Tôi đã bố trí rất cẩn mật, không những trước cửa buồng nó nằm, ngoài sân bệnh viện đều có người gác mà cả hai đầu phố dẫn đến bệnh viện tôi đều bố trí người đứng gác bí mật cả. Ấy là không kế một số nhân viên trong bệnh viện cũng là những người cộng tác bí mật với chúng tôi. Thực không ngờ…
Tiếng nói Ngô Đình Cẩn khàn đi:
- Đến lúc chúng nó vào cắt cổ tui và anh đi, đến lúc chúng nó cắm cờ đỏ và ngồi đầy trong thành phố ni, lúc đó anh cũng không ngờ. Bọn cứu thằng Hồng Nhật chỉ ở quanh trong thành phố ni thôi, tui hạn cho anh trong mười ngày phải tìm ra manh mối chúng, nếu không thì trách nhiệm để thằng Hồng Nhật thoát là về anh.
Tên giám đốc Nha cảnh sát và công an đi về. Mười ngày nữa, hắn làm thế nào tìm ra manh mối vụ cứu thoát Hồng Nhật? Buổi trưa hôm đó, ngay khi được tin có biến động ở bệnh viện Hồng Nhật nằm, hắn đã cuống cuồng đến ngay tại chỗ. Tên cảnh sát gác sân bệnh viện, tên mật vụ gác cửa buồng Hồng Nhật và cô “y tá” được cơ quan “chiến tranh tâm lí” cử đến “săn sóc” Hồng Nhật đã được cởi trói vẫn còn bàng hoàng. Một mặt hắn gọi dây nói báo động cho bọn cảnh sát gác ở các trạm đường ngoại thành phối hợp với bọn lính ở các đồn bót quanh đó chặn tất cả các xe hơi của nhà binh cũng như của thường dân lại để kiểm soát. Một mặt, hắn quát tháo nhặng xị với lũ tay chân ở bệnh viện.
Một tên chuyên viên Mỹ, do trường đại học Mi-si-găng cử sang làm cố vấn kĩ thuật cho ngành cảnh sát ở Trung phần được mời đến để nghiên cứu hiện trường. Tên này vác một chiếc máy ảnh tối tân do cơ quan tình báo Mỹ đặt sản xuất riêng đến. Theo lời giải thích của hắn thì dù chiếc xe hơi của đối phương đã chạy đi rồi nhưng vẫn còn để lại hình trong không gian chỗ nó đỗ. Chiếc máy ảnh của hắn có thể chụp chỗ khoảng không mà chiếc xe hơi đã đỗ, vẫn hiện lên rõ toàn bộ hình chiếc xe hơi nhưng với điều kiện là xe hơi chạy đi chưa quá năm phút vì sau năm phút hình chiếc xe hơi lưu lại trong vị trí đó sẽ tan mất. Chiếc máy ảnh tình báo tối tân của tên chuyên viên Mỹ đã không có tác dụng, vì khi hắn được mời đến thì chiếc xe hơi chở những người cứu Hồng Nhật đã cao bay xa chạy từ nửa tiếng trước. Tên chuyên viên Mỹ rắc bột lên nghiên cứu các vết giày đối phương để lại.
Hắn cũng lắc đầu bất lực vì đấy chỉ là loại giày đế cao su do Mỹ sản xuất phát cho bọn lính quân cảnh. Hắn hỏi tỉ mỉ tên mật vụ gác cửa buồng Hồng Nhật và cô “y tá” Bạch Lan cũng không phát hiện được gì thêm. Hắn yêu cầu đưa mấy người đó về phòng kĩ thuật của hắn, hắn sẽ cho nhận diện một tập ảnh về diện mạo của các loại người để qua đó hắn có thể dựng lên chân dung những người đã cứu Hồng Nhật. Nhưng việc dựng chân dung ấy cũng chỉ có kết quả với điều kiện là đối phương không hoá trang khác lúc bình thường. Tóm lại, nền khoa học hiện đại về tình báo của Hoa Kỳ vào đến thực tế Việt Nam cũng không phải là cái gì thần thánh như bộ máy tuyên truyền của đế quốc vẫn nói.
Các đồn, bốt khắp các ngả ngoại thành điện về cho biết không có chiếc xe hơi nào chở mấy người lính quân cảnh như được miêu tả chạy qua. Những xe hơi được kiểm soát đều không có gì khả nghi cả. Thậm chí suýt xảy ra một vụ xô xát giữa một xe lính dù bị giữ lại kiểm soát với bọn lính ở một bốt ngoại thành vì bọn lính dù ngông nghênh không bằng lòng để ai dòm ngó vào xe của chúng.
(Tên giám đốc Nha cảnh sát và công an cũng không ngờ rằng chiếc xe du lịch của Trần Mai cứu Hồng Nhật không hề chạy ra phía ngoại thành. Tuy nó chạy về hướng An Cựu nhưng không qua cầu mà lại chạy đến nhà một ngoại kiều có thế lực ở ngay trong khu vực của những người Pháp kiều trước đây. Ngoại kiều đó là một người tiến bộ có liên hệ với tổ chức bí mật của ta ở nội thành. Các đồng chí của Trần Mai sau khi trút bỏ bộ quần áo quân cảnh nguỵ, mặc quần áo thường thì từng người một tản ra phố, trở về với cơ sở của mình. Còn Trần Mai và Hồng Nhật nghỉ lại ở nhà ngoại kiều đó mấy ngày một cách rất yên ổn, đợi người trong đường dây riêng tới đón lên chiến khu gặp Vũ Long. Trong mấy ngày đó, hai người chỉ có một việc nhỏ phải làm là giúp người ngoại kiều sửa hình dáng và biển số chiếc xe).
Bấy giờ tên giám đốc Nha cảnh sát và công an nghĩ đến cái hạn mười ngày mà Ngô Đình Cẩn đề ra. Hắn làm được gì trong mười ngày ấy? Lôi mấy tên cảnh sát gác hôm đó ra hành hạ cũng đến thế thôi, chỉ tổ phải nhìn mẩy thằng khốn kiếp ấy lạy lục, van xin, khóc lóc, bộc lộ những cái hèn mạt của chúng ra.
Nhưng rồi tên giám đốc đó tặc lưỡi: “Cùng tắc biến”, nếu cần, mình dựng lên mấy khẩu cung giả, coi như đã bước đầu tìm ra manh mối rồi thì đã chết ai. Chỗ mình với cậu là họ hàng, cậu cũng chẳng nỡ làm gì mình, mà cũng chẳng dám để cái chức này cho người ngoài…
Mấy hôm sau Ngô Đỉnh Cẩn lại được tin Lý Ngọc Tú bị bắt. Không nén nổi nữa, trước mặt Phan Thúc Định, hắn đập tay đánh chát xuống sập. Đột nhiên, hắn quay hỏi Định:
- Ông có biết thằng Tú là người của tui không?
Thấy Phan Thúc Định ngơ ngác, hắn nhắc lại:
- Tui hỏi ông: ông có biết thằng Tú là người của tui đó không?
Không hiểu ý đồ của Cẩn ra sao, Định làm bộ ngạc nhiên:
- Sao nó lại là người của cụ lớn được? Cụ lớn đùa thế chứ. Nó là một trong những thằng đầu sỏ của đám thanh niên chống đối quốc gia, cần phải trị cẩn thận. Hình như nó đã bị ta bắt một lần…
Ngô Đình Cẩn gật đầu:
- Nó là người của tui đó!
Phan Thúc Định lộ vẻ thán phục:
- Thế thì cụ lớn tài quá! Chỗ nào cũng có tai mắt của cụ lớn. Tôi xin chịu cụ lớn.
Không để ý đến lời thán phục của Định, Ngô Đình Cẩn lúc này mới nói:
- Đến ông cũng không biết thằng Tú là người của tôi. Chỉ có tui và thằng giám đốc Nha cảnh sát và công an biết thôi. Thế mà tại răng bọn Việt Cộng lại biết được?
Phan Thúc Định được đà:
- Ông giám đốc Nha cảnh sát và công an thì còn lộ cho ai nữa. Biết đâu bọn Việt Cộng chỉ bắt Tú vì tình nghi hay tạm giữ vì một lí do gì đó.
Ngô Đình Cẩn lắc đầu:
- Bọn Việt Cộng không bắt tình nghi mô. Mất Lý Ngọc Tú là chúng ta mất một đầu mối đắc lực, một nguồn tin quý giá. Ông chưa biết đó thôi, thằng Tú khéo léo lắm.
Cẩn hậm hực thở dài. Nhìn cách hắn nhai trầu, nhìn con mắt hắn lì lợm, Định biết lúc này cơn tức giận đang dày vò hắn.
Hắn nót như nói với mình:
- Thế là mấy thằng cứng đầu, cứng cổ ở các trường đại học lại sắp nổi loạn, không làm thế nào mà nắm được chúng nó nữa.
Rồi như có chủ định, hắn quay ra bảo Phan Thúc Định:
- Trong một cuộc dấu, được thua là sự thường. Thua keo ni ta bày keo khác. Kế hoạch “GIÓ ĐÃ XOAY CHIỀU” của chúng ta vẫn phải tiến hành. Tui sẽ bàn với ông.