Chương 31
Lá thư tuyệt mệnh của Vân Anh

“Anh!
Khi nhận được bức thư này chắc em không còn trên cõi đời này nữa. Xin anh đừng hốt hoảng. Anh đừng đến ngăn cản em làm gì. Tất cả đã muộn, đã xong xuôi rồi. Nếu em còn sống lá thư này sẽ không đến tay anh.
Viên thuốc mà người ta trao cho em để từ giả cõi đời này đang ở trước mặt em đây. Viên thuốc nhỏ, xinh xinh, do một xí nghiệp dược phẩm đặc biệt ở Hoa Kỳ chế tạo theo đơn đặt hàng bí mật của cơ quan tình báo Hoa Kỳ, chỉ cần đưa lên miệng, cắn vỡ ra là chỉ trong mấy giây, hồn em lìa khỏi xác. Hết vui, hết buồn, hết lo nghĩ, hết hận thù, hết yêu thương… hết tất cả. Chẳng còn hôm qua và ngày mai! Mà những ngày gần đây, những tình cảm ấy có khi cùng một lúc đến với em, mâu thuẫn, giằng xé, gây giông bão trong tâm hồn nhiều lúc em đã không thể chịu nổi. Niềm hận thù của em có còn tồn tại hay không? Tình yêu của em có đúng không? Em không thể tự trả lời được nữa.
Đáng lẽ em im lặng. Chẳng cần cho ai biết về cái chết của em cả! Ngày mai, các báo sẽ đưa tin về vụ thiếu nữ tự tử. Mọi người sẽ phỏng đoán nguyên nhân. Vài ba ngày ồn ào qua đi rồi người ta cũng sẽ không nhắc đến nữa, bởi còn bao nhiêu chuyện quan trọng khác lôi cuốn sự chú ý của người ta hơn là việc một người con gái tự tử. Người ta đâu biết rằng mỗi một con người trong thời đại ngày nay đều mang trong mình tất cả bi kịch của thời đại. Nhưng em cũng chẳng cần ai hiểu em. Em không muốn cho ai hiểu cả. Riêng đối với anh, niềm tin yêu đẹp đẽ đầu tiên và cũng là cuối cùng đối với em, em không muốn anh hiểu lầm em, không muốn anh coi khinh em. Tất cả mọi người đều có thể hiểu lầm em được nhưng riêng anh…
Cho nên em muốn nói hết với anh trước khi chết, không phải để cầu mong ở anh một tấm lòng thương xót, cũng không phải để thanh minh, mà chỉ muốn để anh hiểu em, hiểu em một cách đầy đủ hơn.
Anh yêu quý! Cho phép em gọi anh như vậy. Anh có nhớ những ngày chúng ta ở Pháp không? Ôi, những ngày thật vô cùng đẹp đẽ đối với em, chẳng bao giờ em quên được. Trước khi gặp anh, em chỉ là một cô gái mồ côi, anh chị em không có ai cả, bạn bè thân thiết cũng không có. Em chỉ có một người chú mà tình cảm đối với em có mức độ, có một người yêu mà em yêu theo cảm tính của một thiếu nữ mới lớn, người yêu ấy tự nhiên bỏ em đi (người mà sau này càng có ý thức hơn về cuộc sống em càng thấy xa). Em sống gần như cô đơn, xa lánh mọi người, với nỗi buồn u uất về gia đình, về mối tình lãng mạn của mình. Em đắm mình vào sách vở, vào những nỗi niềm riêng tư. Cho đến ngày em gặp anh.
Hầu hết đàn ông khi tiếp xúc với phụ nữ đều có ý đồ riêng. Điều đó làm cho em cảnh giác khi tiếp xúc với họ. Nhưng anh đến với em tự nhiên như người trong gia đình, thân thiết và đáng mến như một người anh. Anh đến với em, em không thấy toát ra một động cơ, ý đồ gì. Em hoàn toàn tin cậy ở anh. Anh đưa em đi thăm các viện bảo tàng là những kho tàng chứa đựng bao nhiêu kỷ vật vô giá của nhân loại, những thư viện sách đựng tầng tầng lớp lớp nói lên kiến thức mênh mông vô biên của con người từ bao thời đại nay, những di tích lịch sử của Pa-ri mà người ta trân trọng từ khẩu đại bác bắn vào ngục Ba-xti đến ngôi nhà Vic-to-Huy-go… Anh đưa em đi thăm Điện Véc-xây lộng lẫy vàng son, rừng Bu-lô-nhơ trầm tĩnh nên thơ, tháp Ép-phen hùng vĩ cao vút, Điện Păng-tê-ông trang nghiêm cổ kính… Những ngày ấy anh đã chấp cánh cho kiến thức của em, cho tâm hồn em, em thấy quan hệ giữa anh và em hoàn toàn trong sáng, hồn nhiên. Em tìm thấy ở anh một người anh, một nguời bạn. Em đã quên đi nỗi cô đơn, buồn tủi vì phải xa nhà, xa quê. Anh đã khôi phục ở em lòng tin vào con người, lòng tin vào những tình cảm chân chính, trong sáng. Những điều ấy cứ lắng đọng mãi trong em (vì càng về sau, càng sống em càng thấy không thể tìm được những tình cảm ấy).
Anh yêu quý! Lúc ấy em chưa hiểu hết được anh. Ở hoàn cảnh em, lứa tuổi em làm sao hiểu được khi anh làm như vô tình kể cho em một vài vị anh hùng dân tộc, khi thấy em trầm trồ thán phục một cách quá đáng cái gì của châu Âu thì anh khẽ nói như nhắc em: “Nhưng đấy là của người ta! Không phải của Việt Nam”. (Chao ôi! Giá mà em hiểu được anh như bây giờ em đã hiểu).
Những ngày đẹp đẽ ấy không được lâu. Chú giục em sang Anh học. Em không biết đấy là một sự bố trí bí mật, vâng theo một quyền uy bí mật nào đó đã liên lạc với chú em. Chú em khuyên em sang Anh học, vừa hiểu biết thêm nước “hùng cường” mở rộng thêm tầm nhìn, vừa thông thạo ngoại ngữ, thêm một bằng cấp giá trị nữa, sau này có lợi cho việc vào đời. Em thấy lời khuyên của chú em có lý. Vả lại, ba mẹ em đã chết, chú em là ngừơi đỡ đầu, gây dựng cho em, phải sống phụ thuộc vào chú em, thương em phải nghe lời chú em. Em đã sang xứ sở của Dickens, đồng thời cũng là của Intelligenc Service.
Em đã học ngôn ngữ ở trường Cambridge. Vị giáo sư mà chú em gởi gắm, nhận đỡ đầu cho em, là một người làm việc chi CIA. Chính ở trường đại học đó, với sự đào tạo của vị giáo sư đó mà em… xin anh đừng giận, em biết rằng anh cũng đã biết rồi – em trở thành một điệp viên của CIA. Anh yêu quý! Anh hãy tha thứ cho em, vì nếu “người ta” nói thực những ý đồ của “người ta” khi dùng em, nếu em hiểu được mục đích thực của CIA thì chắn chắn em đã không làm việc cho họ. Nhưng “người ta” nói với em là những cái về “quốc gia Việt Nam” không Cộng sản với sự giúp đỡ của các nước hùng cường Mỹ, Anh… sẽ sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới, là những cái về “tự do” bất khả xâm phạm của mỗi con người, nhất là về cái “hận thù” mà bất cứ người con có hiếu nào cũng phải nghĩ đến… Mỗi ngày em nghe một chút và “người ta” đã thành công biến em từ một nữ sinh viên ít lịch lãm thành một công cụ cho họ.
Từ đó, em hết vô tư hồn nhiên, đầu óc em luôn luôn phải suy nghĩ, đối phó, tính toán. Từ đó, em luôn luôn phải sống hai mặt, bên ngoài như một diễn viên đóng kịch, nói năng, hành động tùy theo vai trò mình đóng; bên trong mính sống một cuộc sống nội tâm riêng khác hẳn. Và cũng từ đó, em nhìn quan hệ giữa người và người không còn đẹp đẽ nữa, với bất cứ ai cũng là đối tượng để em nghiên cứu, phân tích, nghi ngờ. Em vừa là một con thú chuyên đi rình mò, săn đuổi một con mồi nào đó, lại vừa mang nỗi sợ của một con mồi bị con thú khác săn đuổi.
… Anh yêu quý! Lúc anh đọc những dòng chữ này thì em không còn sống nữa. Em đã chấm dứt được cuộc sống hai mặt đó. Những kẻ tưởng đã nắm được em thực ra không lúc nào hoàn toàn nắm được em. Họ cũng không hiểu được tâm trạng của em và tại sao em chết. Chỉ có anh, người mà suốt đời em kính trọng. Anh thấy đấy, tâm hồn, tình cảm của em chỉ trong sáng trong thời gian gặp anh. Từ ngày xa anh, từ ngày có quan hệ với CIA tâm hồn, tình cảm em trở nên tăm tối, tăm tối hẳn đi, không thấy có một chút nào được trở lại sự trong sáng đó, sự trong sáng mà đến bây giờ, đến lúc viết những dòng chữ này em vẫn khao khát.
Em đã về nước và gặp Lê Mậu Thành. Em đã thất vọng. Người yêu em không giống như thuở thiếu thời em nghĩ, em yêu không giống như những ngày ở xa em tưởng tượng. Anh ấy không yêu em như em đã yêu anh ấy. Anh ấy có nhiều mưu đồ cá nhân lớn hơn là tình yêu. Anh ấy có những điều lúng túng và không thật. Lúng túng và không thật đối với cả em. Tim em thắt lại.
Em đã gặp lại người chú em, người chú thay cha mẹ em đỡ đầu, săn sóc em. Lại một lần nữa, em thất vọng. Trước đây, còn nhỏ tuổi đi học, em không để ý đến chuyện gì khác, em chỉ thấy chú em trang nghiêm, đạo mạo. Bây giờ, hiểu hết mọi việc, em thấy chú em chỉ tìm hết cách, kể cả nhưng cách nói ra thật đau lòng, để được lên lương, lên chức. Tất cả những điều chú em và những bạn bè của chú em – giữ một chức vụ quan trọng trong chính quyền quốc gia này – thường nói ở miệng “cải cách quốc gia”, “xã hội đồng tiến”, “thăng tiến cần lao”… thực ra là để che đậy những tính toán vị kỷ, những mưu lợi cá nhân nhỏ nhen ti tiện mà em được biết qua những buổi họ trao đổi ý kiến, bàn bạc mưu kế với nhau ở nhà chú em.
Em đã tiếp xúc với bạn bè cùng học cũ với em. Em thấy họ bừng bừng khí thế, sôi nổi, lúc nào cũng sẵn sàng trổi dậy. Họ chống lại sự xâm lược của Mỹ, chống lại anh em Ngô Đình Diệm, chống lại chính quyền quốc gia mà họ gọi là làm theo lệnh của ngoại bang, chống lại nền độc tài… (than ôi đó lại là những cái mà “người ta” bảo em phải bảo vệ). Họ ca ngợi cuộc kháng chiến chống Pháp, ca ngợi Điện Biên Phủ, ca ngợi Việt Minh mà họ coi là những người chiến đấu cho độc lập, tự do của đất nước. (Than ôi đó lại là những con người mà “người ta” bảo em phải chống lại). Em tiếp xúc rộng rãi, trừ một số người trong chính quyển quốc gia ra, còn tất cả những người khác đều có thái độ như vậy. Thế là thế nào? Trong người em bắt đầu có sự rạn vỡ. Em cảm thấy như bạn bè em, nhưng người chung quanh em đi một con đường khác mà em đi một con đường khác ngược lại. Con đường nào đúng?
Thế rồi, em thấy những cuộc hành quân của lực lượng cộng hòa, những xóm nhà bốc cháy, những cuộc dồn dân, những ấp chiến lược như những trại giam lớn, những nhà tù chật ních người trong đó, em biết có những người hoàn toàn không dính dáng gì đến Việt Cộng. Em nhìn thấy những cuộc xuống đường sô sục của thanh niên, học sinh, của những người lao động, của Phật giáo, trong đó có những người em biết cũng hoàn toàn không dính dáng gì đến Việt Cộng. Em phải lăn vào những cuộc xuống đường ấy để tìm hiểu, để thăm dò. Nhưng những cuộc tìm hiểu, thăm dò ấy càng làm em hoang mang. Những người xuống đường kia đúng hay em đúng? (Con đường nào đúng? Anh yêu quý ơi! Tại sao lúc ấy em không hỏi anh được. Bởi vì…)
Thế rồi, em được lệnh theo dõi anh. Em ngạc nhiên vô cùng. Tại sao lại phải theo dõi anh? Để làm gì? Không ai được hỏi lại lệnh. Nhưng không ai cấm được ý nghĩ của em. Tại sao lại phải theo dõi anh nhỉ? Họ giải thích với em: “Đối với một người khôn khéo như Phan Thúc Định thì phải một người thông minh như cô mới có thể làm tròn được việc này. Đây không phải là một đối tượng tầm thường. Đây là một đối tượng có học, giữ một chức vị quan trọng, không phải ai cũng nói chuyện được với anh ta. Chỉ có cô. Vì chúng tôi biết cô và anh ta đã từng quen biết nhau tại Pháp. Điều đó rất thuận lợi để cô gần gũi, tìm hiểu Định, để Định tâm sự với cô. Cô là một phụ nữ đẹp. Điều đó càng thuận lợi cho công việc của cô. Hãy tìm hiểu xem Định quan hệ, tiếp xúc với ai? Ngoài những việc làm công khai, anh ta còn có những việc làm bí mật gì? Quan điểm, ý nghĩ của anh ta đối với người Hoa Kỳ nói riêng, đối với thế giới tự do nói chung; đối với Việt Cộng nói riêng, đối với Việt Nam nói chung như thế nào?... Tóm lại, cô phải nắm được ý nghĩ và hành động của anh ta… Nhưng cô phải coi chừng, cô đừng để tình thân thiết làm cô mất tỉnh táo. Không phải chỉ có mình cô theo dõi Định và chúng tôi cũng nắm rất vững những việc làm”.
Anh yêu quý! Em đã theo dõi anh cả con đường bí mật lẫn con đường công khai. Hầu như tất cả những người anh tiếp xúc, những việc anh làm thường ngày, em đều nắm được. Chỉ duy có một điều em không nắm được mà thôi: Ý nghĩ của anh. Nhưng anh an tâm. Không phải bất cứ việc gì của anh mà em biết, em cũng đều báo cáo cho họ biết. Nếu thế, em đã không dám ngẩng mặt nhìn anh, không dám viết những dòng chữ này cho anh. Tất nhiên là em phải thường xuyên báo cáo cho họ. Nhưng em biết việc gì nên và việc gì không nên chứ. Bởi vì đối tượng ở đây lại là anh, anh yêu quý! Em xin anh hãy tin những điều em nói và sắp nói đây. Trước mặt Tử thần, không ai lại nói dối. Đây là lời nói của một người đã chết, mà một người đã chết tức là đã thoát khỏi mọi sự rằng buộc của bất cứ một quyền uy nào cả về vật chất lẫn tinh thần thì việc gì còn phải nói dối nữa.
Sự thông minh của em mà họ định dùng để theo dõi, phát hiện về anh, họ không thể ngờ được là dần dần đã dùng ngược lại, để tìm cách báo cáo cho họ phải hiểu thực về anh, để bảo vệ anh.
Bởi vì, từ chỗ chưa hiểu rõ về anh, dần dần qua những sự việc em nắm được, em có thể kết luận: anh là… Việt Cộng. Một điều thật kinh hoàng đối với em. Có thể thế được chăng? Em có thể tin vào những điều em đã phát hiện ra không? “Người ta” vẫn thường nói với em: Việt Cộng là bọn người tàn bạo, vô học, là bọn người không có tình cảm, không có gia đình, là bọn người giết cả đàn bà và trẻ con… Tóm lại tất cả những gì tàn ác nhất, dã man nhất tức là Việt Cộng. Trước đây, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, em ra tìm Lê Mậu Thành, em có tiếp xúc với một số cán bộ kháng chiến. “Người ta” bảo em rằng: trong hàng ngũ kháng chiến chống Pháp có rất nhiều người quốc gia và những người đó đã về phụng sự “chính nghĩa quốc gia” rồi, còn toàn bộ “Cộng sản khát máu” mới chống lại “chính nghĩa quốc gia”. Nhưng bây giờ Việt Cộng lại là… anh, người mà em chỉ thấy ngời lên sự tốt đẹp và trong sáng, người đã từng chấp cánh cho tâm hồn và kiến thức của em, người mà bất cứ ai gần gũi cũng thấy yêu mến về cách đối xử, kính trọng về sự hiểu biết. Việt Cộng là anh. Đó là một sự thực. Nếu anh là Việt Cộng thì Việt Cộng là thế nào? Là những người như thế nào? Những người như anh mà lại là kẻ thù của em ư? Tất cả những điều “người ta” nói với em về Việt Cộng đều đổ sụp.
Em giấu kín sự phát hiện và những nỗi suy nghĩ riêng tư của em ở trong lòng. Chính những điều ấy giằn vặc em, gây giông bão trong tâm hồn em.
Em có biết anh quan hệ với Thúy Hằng, cô gái nhảy ở tiệm Liberty, Sài Gòn. Em có tìm hiểu cô ấy cũng như gặp cô ấy mà không cho anh biết. Cô gái thật đáng yêu như một bông hoa sen mọc giữa bùn “mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Anh có biết không, khi anh rời Sài Gòn rồi, em biết, vâng, chỉ mình em biết thôi, cô ấy cũng trở thành một cơ sở bí mật của Việt Cộng. Cô gái nhảy đáng yêu ấy cũng là Việt Cộng ư? Đầu óc em lại xoay tròn bao nhiêu câu hỏi.
Em biết anh tiếp xúc với Rơ-nê. Em biết anh có trong tay bản danh sách “Việt Cộng Sài Gòn – Chợ Lớn nằm vùng”. Em đã im lặng.
Có một lần em hối hận, hối hận cho đến bây giờ. Đó là cái lần CIA bố trí em đón anh ở cửa tiệm Liberty để đưa anh vào một cái bẫy: Giả làm các “đồng chí” của anh, truy bức anh. Em không thể không thực hiện lệnh của họ được, vì em đã từng hiểu là đối với CIA, chỉ khác ý một chút, là họ có thể thủ tiêu em ngay. Nhưng thi hành lệnh ấy như thế nào? Tuy phải thi hành lệnh ấy nhưng, anh có nhớ không nhỉ, suốt từ lúc gặp anh ở cửa tiệm Liberty, lúc nào em cũng đi sát anh. Vì ngay từ lúc ấy đã có CIA theo dõi chúng ta. Em sẵn sàng dùng tấm thân yếu đuối của em để che cho anh ngay nếu chúng định ám hại anh. Nếu anh để ý tinh thì thấy ngay trong câu chuyện trao đổi, em đã để lộ cho anh biết rằng em muốn dò hỏi anh để anh đề phòng. Và anh còn nhớ không nhỉ, khi bọn chúng bắt anh rời chiếc xe để vào căn nhà đó, em đã nắm chặt tay anh không muốn rời, em muốn báo cho anh, muốn ra hiệu cho anh, anh đã gỡ tay em ra… Sau đó, em hối hận mãi, hối hận về sự bất lực của em, hối hận về sự yếu hèn của em, hối hận vì nhỡ xảy ra chuyện gì không hay cho anh thì lương tâm em bao giờ có thể tha thứ cho em được!
Em theo anh ra Huế. Em biết anh thường vào hiệu sách không phải để mua sách báo. Em biết anh gặp Tố Loan và sau đó Tố Loan đổi khác. Em cũng biết về mối quan hệ của anh với Mai Lan, và hoàn cảnh đáng thương của chị ấy… Em biết và đã im lặng. Không những im lặng, em lại còn trao cho anh những tấm ảnh và giữ kín những tấm ảnh khác mà đáng lẽ em phải nộp cho CIA. Riêng việc ấy cũng đủ làm cho tính mạng em bị đe dọa. Riêng việc ấy cũng đủ nói lên tấm lòng của em đối với anh.
Anh yêu quý! Ở Huế này, cũng như ở Sài Gòn, em đã tiếp xúc với nhiều hạng người, đã “lăn” vào phòng tranh thanh niên sinh viên, đã gặp gỡ các trí thức, đã nói chuyện với các tín đồ Phật giáo. Ở đâu, em cũng thấy mọi người bất mãn, không công nhận chính quyền quốc gia. Ở đâu, em cũng thấy người ta nói đến truyền thống anh hùng, yêu nước của dân tộc, người ta ca ngợi những người kháng chiến, ca ngợi Cụ Hồ… Ở đâu, người ta cũng nói đến chuyện đấu tranh cho độc lập, tự do, cho một xã hội công bằng và hạnh phúc… Càng tiếp xúc, em càng thấy em lạc lõng, em càng thấy run sợ. Mọi người như làn sóng vĩ đại, đang dâng lên, mạnh mẽ, to lớn, có thể cuốn phăng đi, nhận chìm hết tất cả những trở ngại. Em cảm thấy em bé bỏng quá, yếu ớt quá, chống lại làm sao được cả một sức mạnh phi thường của làn sóng vĩ đại đó.
Chỉ lộ hình tích ra một chút, em cũng sẽ bị cuốn phăng đi, nhận chìm ngay lập tức.
Em thường xuyên phải tiếp xúc với bọn Mỹ, bọn CIA. Chúng chỉ bàn với em những chuyện dò xét, thủ tiêu, giăng bẫy. Chúng chỉ nói đến chuyện tiền bạc, địa vị, lối sống Mỹ để nhử em, chuyện chết chóc để dọa em. Em tiếp xúc với những người trong chính quyền quốc gia. Họ cũng đều như chú em, chỉ bàn chuyện mua nhà, sắm ô-tô, gởi vốn ra nước ngoài, giữ ghế này, tranh ghế kia.
Thì ra tất cả những điều bọn Mỹ nói với em về một “quốc gia hùng cường, tự do”, “một chính quyền chống Cộng sản hữu hiệu” là như thế, những điều họ nói với em về việc làm cho thế giới tự do, cho “tương lai của nước Việt Nam tự do”… thực ra chỉ làm chỉ điểm cho họ, giúp họ thực hiện những âm mưu đen tối của họ. Càng ngày em càng hiểu rõ điều đó. Càng hiểu rõ điều đó, em càng thấy những việc em làm là vô nghĩa, là xấu xa. Cả tuổi trẻ đẹp đẽ của em, bao nhiêu công sức ăn học của em không phải để làm những việc như vậy. Càng ngày, em càng ghê sợ những việc em làm.
Anh yêu quý! Bao nhiêu lần em nghĩ về anh, anh có biết không? Giữa một cái xã hội rối ren này, lúc nào em cũng thấy anh trong sáng. Anh không màng đến địa vị, không bị quyến rũ bởi giàu sang, không sợ hiểm nghèo. Không như em, anh đã hiểu rõ con đường anh đi, hay nói một cách khác, anh đã có một lý tưởng để anh theo. Và em cảm thấy con đường anh đi, lý tưởng anh theo ấy là đúng. Bởi vì em thấy tất cả nhân đi theo con đường ấy, lý tưởng ấy đã làm chuyển cả những người như Thúy Hằng, Tố Loan. Bởi vì em tin anh, anh yêu quý, em tin anh không bao giờ làm điều xấu xa, không bao giờ nhầm lẫn trong việc chọn đường đi. Em tin anh như tin ở điều lành, tin ở lương tâm.
Không phải chỉ tin anh. Dần dần, em thấy ngoài anh ra, em không còn nghĩ đến ai nữa. Em đã yêu anh. Vâng, em đã yêu anh, một tình yêu tuyệt vọng vì em biết rằng không bao giờ anh yêu em cả, một tình yêu đầy mâu thuẫn, vì anh và em ở hai trận tuyến khác nhau, đối lập nhau.
Anh yêu quý! Bây giờ thì anh hiểu rồi chứ! Anh đã hiểu nổi đau khổ của em rồi chứ! Em như đứng giữa cơn lốc cuồng bạo, dữ dội mà không tìm thấy đường ra. Tất cả những gì đẹp đẽ của thuở thiếu thời của em đều tan vỡ. Tất cả những gì em nhận ra được thì sức em không thể theo được. Em không thoát khỏi sự khống chế chặt chẽ của CIA được vì biết chúng rất tàn nhẫn, chúng sẽ khử em một cách nhanh chóng, không thương tiếc. Em cũng không thể đi theo cách mạng được vì em biết do hoàn cảnh gia đình, do quá trình sinh trưởng của em, do lối sống và những việc làm của em. Em chỉ còn có anh, nhưng anh thật xa với với em, em biết sẽ chẳng bao giờ anh yêu em cả. Anh yêu quý! Em có gì nữa đâu! Tất cả thế là hết!
Viên thuốc nhỏ xinh xinh em đang cầm trên tay đây sẽ giải quyết tất cả nỗi bế tắc của em. Ngay cả trong lúc này, em cũng chỉ hoàn toàn nghĩ đến anh. Em muốn làm một việc gì để sửa lại một phần lỗi lầm của em để cho cái chết của em được phần nào thanh thản. Em xin gửi theo đấy toàn bộ những cuốn phim, những tài liệu em đã nắm được về anh. Những cuốn phim, những tài liệu ấy chỉ do một mình em thu thập, mình em giữ, không hề một người thứ hai nào có hoặc biết được. Gửi cho anh để làm gì, chắc anh biết cho tấm lòng em.
Chỉ còn một điều em muốn nói thêm với anh nữa, xin anh hãy tin em, hãy tin lời trăn trối cuối cùng của một người chết: bọn CIA đã “đánh hơi” thấy anh ở một vấn đề gì đó. Chúng sắp cử Phu-lít-xtơn ra. Em xin anh hãy giữ mình, xin anh hãy thận trọng. Em chẳng biết nói gì hơn nữa.
Anh yêu quý! “Người ta” trao cho em một khẩu súng lục nhỏ nhắn bắn không có tiếng nổ và một viên thuốc. Khi trao cho em việc theo dõi anh, “người ta” bảo với em khẩu súng ấy không những dùng để tự vệ mà lúc cần, phát hiện ở anh có vấn đề gì nguy hiểm cho người Mỹ, cho “chính quyền quốc gia” thì cứ khử đi. Em chưa dùng khẩu súng ấy một lần nào. Thay bằng viên đạn khẩu súng ấy gửi đến anh, em đã gửi bức thư này. Còn em, phần của em là viên thuốc. Kể cũng đúng thôi!
Anh yêu quý! Em mong anh có nghĩ đến em, hãy nghĩ đến hình ảnh cô gái nhỏ, cô bạn sinh viên hồn nhiên từng sống với anh những ngày đẹp đẽ thuở nào. Một lần nữa xin anh hãy giữ mình, xin anh hãy thận trọng. Vĩnh biệt anh! Vĩnh biệt anh yêu quý!

Vân Anh”