Chương 9
Từ Đại thế giới đến Liberty Palace…

Phan Thúc Định đứng trước gương thắt cà vạt. Nam – gã giúp việc – hỏi anh:
- Ngài có lấy áo không ạ?
Trong bụng, Định rất khó chịu với gã giúp việc này, nhưng nét mặt và lời nói anh vẫn thản nhiên:
- Cảm ơn bác, hôm nay tôi đi chơi mát thôi.
Gã giúp việc lặng lẽ lui ra. Đó là một gã đàn ông ngoài bốn mươi tuổi, mặt vuông, môi dày, trán ngắn, lông mày rậm, có vẻ đần độn. Dáng điệu gã chậm chạp. Lời ăn tiếng nói xem chừng thật thà. Riêng đôi mắt gã thật kì lạ: bình thường thì lờ đờ nhưng đôi lúc nhanh như mắt mật thám. Phan Thúc Định biết gã đã từng hầu hạ gia đình Ngô Đình Nhu trên hai mươi năm, từ hồi Ngô Đình Diệm còn mũ áo dài giữa triều đình Huế. Gã được liệt vào hạng tôi tớ trung thành của gia đình họ Ngô.
Phan Thúc Định biết là Ngô Đình Nhu đưa gã Nam đến giúp việc anh, không phải là không có lí do. Vì có lần về, nhìn lại ngăn kéo bàn giấy, Định thấy vẫn khoá nhưng sợi tóc nhỏ anh đánh dấu rơi ra ngoài.
Anh được Ngô Đình Diệm cho ở hẳn trong dinh Gia Long và được dùng hai phòng thoải mái: một phòng ngủ và một phòng làm việc. Anh có riêng một chiếc xe hơi kiểu Rơ-nôn bốn mã lực khi chạy ra đường, lẫn với hàng nghìn chiếc tắc xi đang được dùng phổ biến ở Sài Gòn lúc đó.
Thắt cà vạt xong, Định đóng cửa buồng và bảo gã giúp việc lúc nào cũng ở quanh quẩn chỗ anh:
- Bác ở nhà nhé, nếu cụ Ngô gọi, bác thưa với cụ hộ là tôi ra phố.
Anh đi qua sân, về phía nhà xe. Một tiếng gọi thỏ thẻ làm anh đứng lại:
- Anh Định.
Trần Lệ Xuân – vợ Ngô Đình Nhu – đang ngồi trên một chiếc ghế đá, khuất sau lùm cây, nhìn anh đăm đăm.
Định lịch sự, hơi cúi đầu:
- Chào bà.
Trần Lệ Xuân khoảng ngoài ba mươi tuổi, từ vẻ mặt đến thân hình đều lộ ra những nét của một người còn tiếc rẻ tuổi xuân và để nhiều thời gian vào các mĩ viện. Bà ta mặc chiếc áo dài trắng “kiểu Trần Lệ Xuân” hở cổ và khoảng vai trắng ngần, quần trắng, đi dép đầm cũng màu trắng. Tay bà ta đeo đầy vàng và kim cương. Từng cái cau mày, từng cử chỉ, từng lời nói đều lấy điệu như một diễn viên kịch, như có máy ảnh đặt trước mặt. Bà ta nhìn Phan Thúc Định, trách móc:
- Tôi đã nhiều lần bảo anh đừng gọi tôi như thế. Tôi hãy còn trẻ.
Định vẫn lịch sự:
- Vâng… nhưng xin lỗi bà, bà là bà cố vấn. Tôi muốn tỏ sự kính trọng của tôi.
Lệ Xuân lắc đầu:
- Không. Nhà tôi với tôi, tuy thế, cũng có những điểm khác nhau chứ. Công việc làm tính nết nhà tôi già đi nhiều. Còn tôi, tâm hồn lúc nào cũng trẻ. Nhà tôi ít nói, tôi thì thích nói chuyện với mọi người. Nhà tôi hầu như chỉ biết có công việc, sống cô độc. Còn tôi, tôi muốn tiếp xúc với mọi người…
Rồi hắn nhìn Định thăm dò:
- Lúc nào có mặt nhà tôi, có mặt mọi người anh gọi thế cũng không sao, nhưng những lúc chỉ có riêng tôi với anh, tôi thấy anh xưng hô như vậy là kém sự thân mật đi.
- Vâng…
- Tôi rất quý anh. anh có biết không?
- Dạ, cảm ơn… bà.
- Đấy lại thế rồi. Tôi rất quý anh cho nên tôi muốn mách riêng anh điều này: giáo sư Phi-sin không ưa anh và để ý anh. Anh có hiểu tại sao không?
- Tôi cũng không hiểu tại sao ông ta lại quá quan tâm đến tôi như vậy.
Phan Thúc Định trả lời Lệ Xuân và nhìn hắn bằng một cái nhìn ý nhị. Lệ Xuân mỉm cười:
- Chẳng lẽ do tôi.
Bởi vì Phi-sin – tên giáo sư Mỹ cố vấn chính trị đặc biệt của Ngô Đình Diệm, được ở liền trong dinh Gia Long ấy – luôn luôn bám sát Lệ Xuân. Hắn săn đón, chiều chuộng Lệ Xuân với một thái độ quá nồng nhiệt đến nỗi chính Ngô Đình Nhu cũng phải khó chịu. Trong khi đó thì Lệ Xuân…
Lệ Xuân vẫn nhìn Phan Thúc Định đăm đăm:
- Anh hiểu cho. Tôi hoàn toàn không muốn thế.
- Thưa… tôi không bao giờ nghĩ như vậy.
Phan Thúc Định thừa biết Phi-sin để ý đến mình, nhưng không phải đơn thuần vì Lệ Xuân. Trước khi là một kẻ si tình, bao giờ tên CIA cũng vẫn là tên CIA.
- Nghe nói anh có ý định ra ở ngoài phải không? – Lệ Xuân hỏi.
- Vâng, tôi định thế.
- Tại sao vậy? Gia đình tôi có điều gì làm anh không vừa ý? Hay tại thủ tướng chưa kịp giao cho anh một chức vụ gì trong nội các? Anh nhớ rằng có những người không giữ chức vụ gì công khai nhưng lại quan trọng hơn những người giữ chức vụ công khai đấy nhé. Vợ chồng tôi có giữ chức vụ gì công khai đâu.
- Không phải thế đâu. Mong… bà, xin lỗi tôi quen miệng, đừng hiểu lầm. Tôi rất biết ơn thủ tướng và gia đình nhà ta đã dành nhiều ưu ái cho tôi, coi tôi như người thân. Tôi mong ra ở ngoài vì, xin lỗi bà, muốn bảo vệ bà.
Lệ Xuân cau đôi lông mày được tô chì rất cẩn thận:
- Tôi chưa hiểu anh định nói gì.
- Tôi tránh việc ông Phi-sin có thể tung ra những dư luận không hay.
Đôi lông mày tô chì giãn ra:
- Không. Anh đừng ngại. Đối với tôi, dư luận không có nghĩa gì hết. Nhưng nếu anh rời khỏi dinh Gia Long này, anh bị hại ngay. Tôi không phải kể công với anh đâu, anh ở đây, tôi có thể bảo vệ được anh. Chính tôi mới là người bảo vệ anh. Ngoài thủ tướng ra, anh có một vị thần hộ mệnh nữa mà anh không biết.
Lệ Xuân ngả đầu vào thành ghế đá cười, cố tình phơi cái cổ trắng ngần, Phan Thúc Định vẫn lễ độ:
- Xin cảm ơn bà.
Lệ Xuân ngồi tránh sang một bên ghế đá:
- Anh có bận gì không, ngồi xuống đây nói chuyện đã. Ai lại người ngồi, người đứng thế không tiện.
- Xin lỗi bà, tôi có việc phải ra phố bây giờ.
Đôi lông mày tô chì lại cau lại nhìn Phan Thúc Định như trách móc:
- Tôi nghe nói dạo này anh hay đến các phòng trà, tiệm nhảy lắm phải không?
- Thưa bà, tôi muốn giải trí.
- Thế ở dinh Gia Long này anh không tìm thấy nguồn vui ư?
- Ấy chết, bà đừng hiểu lầm như vậy. Sự ưu ái của thủ tướng và gia đình nhà ta đã là nguồn vui lớn cho tôi rồi…
Thấy đứng lại thêm thì sẽ rất khó xử, Phan Thúc Định lễ phép kiếu từ. Trần Lệ Xuân nhìn theo hút anh ra phía nhà chứa xe, bất giác khẽ thở dài. Trời đã ngả sang màu tím. Bóng tối lẩn quất ở dưới các vòm cây.
Chiếc xe con của Phan Thúc Định bon ra cổng. Bao giờ anh cũng cầm lái lấy. Tên lính mở cổng. Chiếc xe ra đến đường hoà vào dòng xe hơi cuồn cuộn chảy trên đường phố Sài Gòn.
Sài Gòn đã lên đèn. Buổi tối đến, khi hơi nóng ban ngày đã dịu đi và gió mát từ sông thổi vào. Sài Gòn tấp nập khác thường.
Người ta đổ ra đường. Xe tắc xi, xe hơi, xe buýt, xe máy, xe xích lô gắn máy đan nhau như mắc cửi. Các cửa hàng rực rỡ ánh đèn nê-ông. Tiếng nhạc, tiếng rao hàng, tiếng động cơ ồn ào. Người ta ra phố uống “lave” nhắm với củ kiệu hoặc trứng vịt lộn, sò huyết. Người ta ra trước cửa chợ Bến Thành ăn “chả giò”. Người ta lăn vào các đại hí trường “Kim Chung”, “Đại thế giới”. Người ta vào các tiệm nhảy, các phòng chiếu bóng có ca nhạc. Người ta vào Chợ Lớn tìm thú vui hương sắc. Người ta “xả hơi” – nói theo tiếng lúc đó – sau một ngày vật lộn mưu sinh căng thẳng.
Những tên lính viễn chinh đủ các màu da của quân đội Liên hiệp Pháp, trắng có, đen có, nhờ nhờ có, với nhiều kiểu quần áo lon mũ khác nhau, dồn từ khắp các nẻo Đông Dương về đi lại đầy đường, sắm sửa, mua bán để chuẩn bị hồi hương. Dáng điệu chúng lành hơn từ sau trận Điện Biên Phủ.
Tất cả những cảnh ấy chạy qua khung cửa kính xe hơi của Phan Thúc Định. Anh cho xe chạy dọc đường Ga-li-ê-ni (33) vào Chợ Lớn, xe đổ trước cổng hí trường Đại thế giới.
Tên là hí trường nhưng thực chất đó là một sòng bạc lớn, do bọn nguỵ quyền mở và cho bọn du côn đầu trộm đuôi cướp mang tên Bình Xuyên của Lê Văn Viễn tức Bảy Viễn bao thầu. Mỗi ngày bọn Bình Xuyên thu hồ rồi đóng thuế cho quỹ của nguỵ quyền Sài Gòn một triệu đồng. Chỉ riêng con số một triệu đồng đó cũng đủ nói lên bao nhiêu người bị chúng bóc lột cho khánh kiệt, bao nhiêu gia đình tan nát, mẹ bỏ con, vợ lừa dối chồng, bố tự tử…
Ngoài cửa hí trường, có hai tên Bình Xuyên mặc quần áo bà ba đen, đứng khám tất cả khách vào. Chúng sợ người ta mang chất nổ, mang súng vào phá sòng bạc.
Phan Thúc Định xuống xe, đến trước mặt hai tên Bình Xuyên hỏi:
- Cậu Hai Pôn (34) có đây không?
Hai Pôn là con trai Bảy Viễn. Tuy mới ngoài hai mươi tuổi đầu nhưng dựa vào thế bố, hắn đã nổi tiếng ăn chơi, du côn khắp Sài Gòn, Chợ Lớn. Phan Thúc Định bắt quen với hắn trong một tiệm nhảy. Thấy phong cách “pa-ri-diêng” (35) của Phan Thúc Định trong cách đối xử với các cô gái nhảy, trong các điệu nhảy, hắn rất phục, muốn học đòi và định tôn Định làm ông anh nữa. Định đã nhanh chóng chinh phục được hắn, biến hắn thành một “hạt nhân” của mình trong bọn Bình Xuyên nói riêng, các giáo phái nói chung. Vì bố hắn là Bảy Viễn, nên hắn hiểu biết tất cả chuyện nội bộ của Bình Xuyên như là chuyện nội bộ gia đình hắn. Vì bố hắn là Bảy Viễn nên một số bọn trẻ trong nhóm phản động theo Pháp đội lốt giáo phái Cao Đài, Hoà Hảo thích kết thân với hắn để sống phóng túng càn rỡ mà bọn cảnh sát mật thám nguỵ quyền không dám làm gì. Cũng vì bố hắn là Bảy Viễn, nên hắn quen mặt, đi lại thân thuộc với bọn cầm đầu cảnh sát mật thám nguỵ quyền Sài Gòn, Chợ Lớn và nhiều sĩ quan trẻ trong quân đội nguỵ. Còn Phan Thúc Định đối với hắn, hắn chỉ biết là “anh Phan” du học sinh ở Pháp về chơi một thời gian, quen nếp ở kinh thành Ba Lê hoa lệ, hiểu biết các cách sống hào hoa phong nhã, cư xử rộng rãi, lịch sự, thế thôi.
Hai tên Bình Xuyên gác cổng hí trường thấy Phan Thúc Định ăn mặc lịch sự lại hỏi con trai thủ lãnh trùm sỏ của mình, không dám khám anh, vội vã nói:
- Dạ, dạ… có. Có lẽ cậu Hai ở phòng lớn.
Phan Thúc Định thản nhiên đi vào. Hí trường chia ra làm nhiều khu vực. Khu vực nào cũng có những bàn đánh bạc kê dài nối tiếp nhau. Khu vực nào cũng có những tên Bình Xuyên lảng vảng đi lại.
Ở đây người ta thấy đủ các lối cờ bạc: từ đánh đề đến quay ru-lô, từ tài xỉu đến xóc đĩa; đủ các cách bóc lột con bạc: từ chỗ đánh cò con một hai đồng đến chỗ đánh bạc không đặt tiền, chỉ nói bằng lời và viết trả bằng thẻ tiền (36). Để giải trí cho con bạc sau mỗi một canh bạc căng thẳng, cũng như để mồi chài được đông khách đến, bọn chủ sòng gian giảo, lắm mưu nhiều kế, còn tổ chức trong hí trường chỗ này tiệm ăn, tiệm uống, chỗ kia ca nhạc, khiêu vũ, chỗ này diễn tuồng cải lương, hát bội, chỗ kia chiếu bóng xem không mất tiền, chỗ này sân chơi đi những chiếc ô tô con có bọc cao su dày chung quanh, chỗ kia vòng quay trai gái ngồi có máy chạy dềnh lên, thụt xuống như ngồi trên sóng.
Sống lúc nhúc trong đó có hàng nghìn những tên cò mồi ma cô. Chúng vui sướng khi nhìn thấy những cặp mắt dại đi, tuyệt vọng đến liều lĩnh, những nét mặt ngơ ngác bần thần đến mất hết trí khôn của người thua bạc. Chúng sán ngay đến, xoè tiền ra trước mặt họ với những lời thì thầm, đường mật, gạ gẫm cầm đồng hồ, cầm nhẫn vàng hoặc nếu người thua bạc là một phụ nữ không có cái gì để cầm cố nữa thì chúng tìm cách làm cho người ấy tặc lưỡi nhắm mắt đến một phòng ngủ có sẵn trong hí trường.
Phan Thúc Định đi qua những đám người chen chúc quanh bàn tài xỉu có các cô gái Trung Hoa mặc áo kiểu Thượng Hải để lộ đôi tay trắng ngần, đang cất tiếng rao trong lanh lảnh; đi qua những bàn ru-lô quay tít có hàng trăm cặp mắt chăm chú nhìn như dán chặt vào cái mặt bàn tròn đang mờ ảo xao động. Anh đến chỗ “phòng lớn”. Đây là một ngôi nhà dành riêng cho những con bạc giàu kếch xù. Ngoài cửa, có treo cái biển gỗ với mấy dòng chữ kẻ kiểu chữ in “Cấm những người ăn mặc tồi và đi guốc vào đây”. Trái với không khí ồn ào chung của hí trường, căn nhà này rất tĩnh lặng. Các con bạc, có rất nhiều người nước ngoài quay quanh bàn bạc, im lặng đặt từng đống “sầu” và im lặng thu những thẻ tiền đó về. Thỉnh thoảng mới có tiếng trao đổi, tiếng thở dài, tiếng chép miệng rất khẽ.
Phan Thúc Định nhìn thấy Hai Pôn đang đứng cạnh một cô gái bên bàn bạc. Hai Pôn hai mươi lăm tuổi, người tầm thước, to ngang, đầu để tóc dài chải mượt úp ra đàng sau kiểu đít vịt, mặt vuông, lông mày rậm, da hơi đen, mặc quần áo ka ki Mỹ bó chẽn lấy người, tay áo xắn lên quá khuỷu. Cô gái chừng mười chín đôi mươi, có dáng của một cô gái Bắc di cư, người nhỏ nhắn, mặc áo dài màu xanh nhạt. Hai Pôn lấy trong túi áo ra từng nắm “sầu” đưa cho cô gái để cô ta đặt lên bàn bạc.
Phan Thúc Định tới gần Hai Pôn. Hắn nhận ngay ra anh, nhăn nhở cười và bắt tay anh rồi giới thiệu:
- Đây là Cẩm Nhung (37) – và quay sang cô gái – Đây là anh Phan, anh kết nghĩa của anh vừa ở Balê về chơi.
Cô gái nghiêng đầu chào Định. Anh đáp lại với cử chỉ lịch thiệp, rồi quay sang phía Hai Pôn:
- Ba ở nhà vẫn mạnh chứ chú?
Hai Pôn nói nhỏ với Định, nhưng cũng đủ để cô gái nghe thấy, giọng khoe khoang:
- Ba em vừa sang Pháp để gặp quốc trưởng Bảo Đại.
- Có việc gì quan trọng thế? Ba đi một mình à?
- Điện của Quốc trưởng mời sang ngay. Em chưa rõ việc gì.
- Anh đang tìm chú, nhưng chắc hôm nay chú mắc bận?
Hắn toét mồm cười:
- Vâng, hôm nay em mắc bận phải đưa Nhung đi giới thiệu cho Nhung biết thế nào là Hòn ngọc Viễn Đông. Có việc chi cần không anh?
- Không cần lắm. Tôi định rủ chú đi Mỹ Cảnh. Hôm nay ở đó có dàn nhạc Phi Luật Tân mới sang, chơi những bản nhạc jazz mới nhất.
Cô gái thấy hai người nói chuyện không dính líu gì đến mình thì quay sang theo dõi bàn bạc. Phan Thúc Định như vô tình chợt nhớ ra hỏi Hai Pôn:
- À, chú định đưa anh đến chơi nhà thư kí riêng của tướng Năm Lửa (38). Bao giờ anh em ta đi nhỉ? Biết thêm một người bạn là một điều đáng quý.
- Tối mai anh nhé!
Phan Thúc Định chìa tay bắt tay Hai Pôn:
- Được rồi. Hẹn trước với chú một chầu say tuý luý.
Anh quay sang gật đầu chào cô gái. Hai Pôn và cô gái lại chúi đầu vào bàn bạc. Định rời khỏi hí trường Đại thế giới, lái xe quay về Sài Gòn. Chiếc xe chạy vào đường Catinat (39) – khu phố ăn chơi, mua bán của người Âu ở Sài Gòn – đến trước cửa tiệm nhảy “Liberty Palace”, một tiệm nhảy lớn, lộng lẫy nhất Sài Gòn dành riêng cho các sĩ quan Pháp, cố vấn Mỹ và giới thượng lưu của thành phố. Anh lái xe vào dãy xe của khách đến tiệm, rồi mở cửa xe bước xuống, đứng bên xe, thong thả mở hộp thuốc lá, lấy một điếu châm lửa, ngắm nhìn hàng chữ “Liberty Palace” nhấp nháy rực rỡ bằng ống đèn huỳnh quang xanh đỏ. Tiếng nhạc văng vẳng vọng ra với tiếng trống giần giật, tiếng kèn “trom-pét” kêu gọi.
Anh bước vào tiệm. Tiệm nhảy là một căn nhà lớn hai tầng. Tầng dưới là gian bán cơm Âu với những dãy bàn phủ khăn trắng toát, những người bồi quần đen áo Spencer trắng. Tầng trên là phòng nhảy sàn gỗ bóng loáng với ban nhạc “sống”, và những cô gái nhảy trẻ đẹp, duyên dáng được kén chọn và trả lương hậu nhất trong các tiệm nhảy ở Sài Gòn. Định bước qua cửa kính quay tự động của tiệm, đi lối cầu thang dành riêng cho khách lên tầng trên.
Lúc Phan Thúc Định đã khuất vào trong tiệm, một em bé đánh giày khoảng mười bốn, mười lăm tuổi, nhìn trước, nhìn sau thấy không ai để ý đến mình, xách hòm đi ra phía sau dãy xe hơi đó. Đến bên chiếc Rơ-nôn của Phan Thúc Định, em cúi xuống, rất nhanh, lấy ở phía gầm xe sau ra một vật gì. Sau đó, em thản nhiên bước đi, miệng huýt sáo vang. Phan Thúc Định bước vào trong phòng nhảy. Trên bục, một dàn nhạc người Phi Luật Tân đang biểu diễn. Những nhạc sĩ Phi Luật Tân da nâu, mặc áo cộc tay hoa sặc sỡ chơi một bản nhạc jazz với âm thanh hỗn loạn. Thỉnh thoảng, cái anh đánh trống đầu múp tròn và cái anh cầm hai quả lắc cao lênh khênh lại hú hét như hai thằng điên. Trên sàn nhảy, các cặp trai gái đang uốn éo, chân tay như đang lên cơn sài giật trong một điệu “u-ghi bu-ghi”.
Phan Thúc Định tìm một bàn ở góc ngồi. Người bồi đến bên, anh lấy “tích kê” nhảy và gọi một cốc uýt-xki.
Bản nhạc chấm dứt. Đèn chuyển ánh sáng. Các cặp trai gái đưa nhau về bàn ngồi. Một cô gái nhảy, sau khi xin lỗi người khách vừa nhảy với mình, đến bàn Định.
- Anh mới đến?
- Chào em. Em uống gì để anh lấy?
- Cảm ơn anh. Cho em một cốc “Suze”.
Cô gái tuy trang điểm phấn son nhưng vẻ mặt vẫn bộc lộ những nét chân thực. Chiếc áo dài màu trắng, cổ cao, bó sát lấy dáng người thon mảnh. Đã quen với tính nết của Phan Thúc Định, Thuý Hằng – tên cô gái – biết rằng anh chỉ mời mình nhảy những điệu êm, lịch sự như van-xơ, tăng-gô, bô-xtông, slô… và anh nhảy rất đẹp, còn những điệu nhảy cuồng loạn thịnh hành đối với đám trẻ háo hức văn minh Mỹ lúc đó như cha-cha-cha, măm-bô, u-ghi bu-ghi… thì anh không ưa. Thảng hoặc, lúc nào vui anh cũng nhảy tuýp, săm-ba, rum-ba… nhưng anh đi những bước rất nhẹ, rất kiểu cách. Thỉnh thoảng hai người mới nhảy một vài bài, còn thì họ ngồi nói chuyện rất vui nhưng không bao giờ chớt nhả. Thuý Hằng vừa mến, vừa trọng người thanh niên lịch sự và hiểu biết này.
Mười một giờ khuya, Phan Thúc Định đứng dậy. Sau khi thanh toán tiền rượu và tích kê nhảy, anh không lấy lại tiền lẻ mà để “puốc boa” cho người bồi.
Thuý Hằng tiễn anh ra đến cửa tiệm. Như thường lệ, anh cầm năm trăm “bắt tay” Thuý Hằng, chào ra về.
Phố xá Sài Gòn đã đóng cửa, nhưng đường vẫn còn đầy xe cộ đi lại. Chiếc xe Rơ-nôn con quay về dinh Gia Long.