°
° °Ngô Đình Cẩn bước ra khỏi buồng hỏi cung Hồng Nhật. Hắn lấy miếng trầu khác ra nhai. Một cơn bực tức man rợ sôi sục trong lòng hắn. Hắn muốn Hồng Nhật phải khai ra toàn bộ hệ thống tổ chức thanh niên sinh viên, cơ quan lãnh đạo cách mạng toàn thành, những chủ trương đường lối cách mạng. Hắn nghĩ đến những cực hình, những trò tra tấn mà hắn đã thi hành đối với những kẻ rơi vào tay hắn: rạch từng cơ thịt ra rồi nhét bông tẩm xăng vào đốt, bẻ gãy từng cái xương sườn một hoặc tháo rời từng khớp tay, khớp chân, dùng kìm vặn từng chiếc răng hoặc nhổ từng chiếc móng tay, móng chân ra, đổ nước vôi vào mũi, vào mắt, vào tai… Chỉ cần kẻ bị tra tấn không chịu được, phụt ra một lời khai. Chỉ cần bật ra một lời khai dù vu vơ, dù không quan trọng, là kẻ đó coi như đã chấp nhận phải khai toàn bộ những điều mình biết. Nhưng cũng có những người thà chết không chịu khai lời nào. Tên Hồng Nhật thuộc loại nào? Tên này là một tên quan trọng, nắm nhiều đầu mối, tốn bao nhiêu công phu, mưu kế mới bắt được nó, phải làm răng cho nó khai ra được? Nó không khai mà phải thủ tiêu nó đi thì phí quá. Tất nhiên nó khai rồi thì cũng phải giết nó… Tổng thống đã dặn không được để sống một tên Cộng sản nào. Nhưng làm răng cho nó phải khai ra hết trước khi đưa nó sang thế giới bên tê? Nghe chừng cái thằng ni cũng cứng đầu, cứng cổ lắm!…
Phan Thúc Định đã đợi Cẩn ở phòng làm việc của hắn. Hắn ngỏ cái điều hắn băn khoăn với Định:- Tôi e rằng đối với thằng ni tra tấn không ăn thua chi. Ông thử xem có cách nào giúp tui bắt nó khai ra được không. Bởi vì những lời khai của nó sẽ giúp ta đập tan được toàn bộ phong trào bọn thanh niên sinh viên, học sinh, một cái ngòi thuốc nổ vẫn gây cho chúng ta nhiều mối lo lắng. Hay ông giúp tui việc tra hỏi nó xem. Ý ông thế nào?Phan Thúc Định trả lời:- Tôi rất khó nói trước kết quả khi tôi chưa nắm được toàn bộ hồ sơ vụ này.- Sao? Phải nắm được hồ sơ mới khai thác được ư?Phan Thúc Định thản nhiên:- Làm việc phải có phương pháp khoa học thì mới hữu hiệu. Phương pháp khoa học mà tôi muốn trình bày với cụ lớn ở đây nghĩa là phải nắm được tâm lí bị can, nắm được hoàn cảnh gia đình, quá trình hoạt động của nó, nắm được tất cả mọi tình tiết trong đời sống riêng cũng như chung của nó thì ta mới hiểu nó, nó mới sợ ta. Rồi ta đấu lí, đấu lẽ cho nó chịu, đem chánh nghĩa quốc gia ra mà thuyết phục nó, tự khắc nó sẽ nói. Theo tôi, vạn bất đắc dĩ mới dùng đến cực hình để tra tấn. Ở các nước văn minh họ đều tránh tra tấn mà hỏi cung theo phương pháp khoa học cả. Sở dĩ tôi muốn xem hồ sơ của nó cũng là vì thế…Ngô Đình Cẩn ngắt ngang lời Định:- Làm chi có hồ sơ! Thằng Hồng Nhật không khai và cũng chẳng ai khai chi về nó. Chỉ có người của ta báo, thế là công an ta đến bắt nó ngay tại chỗ, thế thôi. Đơn giản thế thôi!Chẳng có giấy tờ, tài liệu chi hết. Vậy ông xem có làm được không?- Dạ, tôi xin cố gắng!Ngô Đình Cẩn cười khà khà:- Tui tin rằng ông làm được.Phan Thúc Định hỏi lại:- Nhưng thưa cụ lớn, người của ta đã nắm được những gì về nó?- Chưa nắm được chi cả. Tuy “người ấy” đã gần gũi được nó nhưng thằng Hồng Nhật ni bí mật lắm. Nó chẳng lộ ra cái chi cả. Chỉ biết nó là thằng cầm đầu đám thanh niên sinh viên, học sinh trong thành phố Huế. Thôi, ông cố gắng giúp tôi. Có thế mới cần đến những người tài năng như ông chứ!Bước chân ra khỏi phòng làm việc của Cẩn, Phan Thúc Định nhíu mày suy nghĩ. Không hiểu anh suy nghĩ về cách hỏi cung Hồng Nhật hay là suy nghĩ về vấn đề gì khác?Trước khi vế nhà, Phan Thúc Định lái xe ghé vào một quán giải khát. Anh gọi một chai côcacôla, rút thuốc lá ra hút. Một người đàn ông đeo kính trắng đến cạnh bàn anh, lễ phép xin lửa. Anh móc túi lấy bao diêm đưa cho người đó. Người đó đánh hai, ba que diêm mới châm được điếu thuốc của mình. Lúc người đàn ông đưa trả bao diêm cho Định thì trong bao diêm đã có một mảnh giấy gấp nhỏ mà anh ta đã nhanh tay nhét vào từ lúc nào. Phan Thúc Định lạnh lùng gật đầu đáp lại lời cảm ơn của người đàn ông đó, bỏ bao diêm vào túi. Nếu ta để ý kĩ thì người đàn ông đeo kính trắng ấy không phải là ai xa lạ, chính là người chủ cửa hàng sách báo mà sáng nào Định cũng đến lấy báo hàng ngày.Từ khi gặp Vân Anh ở cửa hàng sách báo, được Vân Anh trao cho mấy bức ảnh chụp, Phan Thúc Định coi như không có gì xảy ra, vẫn đến lấy báo hàng ngày, vẫn ra vườn hoa ngồi đọc. Nhưng anh không tiếp xúc gì với người chủ quán đeo kính trắng nữa. Người chủ quán này đã nhượng cửa hàng cho vợ goá một sĩ quan “cộng hoà” chết trận.Mẩu giấy trắng Phan Thúc Định nhận được ghi:“H. N. bị bắt. Cố gắng chuyển ra bệnh viện. Sẽ có cách thoát. Tìm “chó” lọt vào phong trào.Sông Hương”°
° °Hai tên mật vụ của Cẩn giải Hồng Nhật đến rồi lặng lẽ đi ra. Cửa phòng đóng kín lại. Ở giữa là một cái bàn giấy rộng, Phan Thúc Định và Hồng Nhật ngồi đối diện nhau. Có lẽ chưa bao giờ Phan Thúc Định sống những giờ phút căng thẳng như những giờ phút phải hỏi cung Hồng Nhật. Anh cố gắng giữ vẻ bình thản vào đề:
- Chào ông Hồng Nhật, chúng ta hãy làm quen với nhau. Xin tự giới thiệu, tôi là Phan Thúc Định, cố vấn đặc biệt của cụ lớn đại diện chính phủ trung ương ở Trung phần.- Chức ông to thế, ông nên làm quen với các cụ lớn hơn – Hồng Nhật lập tức đáp.- Ông dại dột lắm! Đã bị bắt vào đây, cái kiểu anh hùng rơm ấy có giúp gì được cho ông trong lúc này? Ông nên biết điều một chút… Chắc ông cũng thừa biết có rất nhiều người bị mất mạng ở đây chỉ vì không biết suy tính.- Suy tính cái gì? Suy tính để làm tay sai cho giặc, có phải không?Phan Thúc Định thản nhiên nói:- Đó cũng là một cách suy nghĩ, cách suy nghĩ của ông. Nhưng ông đừng nên nóng nảy vậy. Ông xem, tánh mệnh ông ở trong tay chúng tôi mà chúng tôi rất hoà nhã, trong khi ông cứ dùng những lời khiếm nhã như thế đối với chúng tôi…- Bởi vì chỉ có những từ ấy mới xứng đáng với các ông.- Ông Hồng Nhật! Ông nghe đây! – Phan Thúc Định vẫn kiên nhẫn nói – Thử hỏi ông đã làm được việc gì cho Đảng, cho tổ chức của ông chưa? Hay cuối cùng rồi để bị bắt đến đây như một chú bé ngu ngốc? Và đã bị bắt đến đây rồi, nếu ông cứ khăng khăng một thái độ chống đối như vậy, chúng tôi phải giết ông đi, thì hỏi cuộc đời của ông có làm gì lợi cho Đảng, cho tổ chức của ông hay chỉ phí hoài vô ích và chẳng ai biết đấy vào đâu?- Những lời ngọt ngào tẩm thuốc độc ấy chỉ có thể dụ dỗ, mua chuộc được những kẻ tham sống sợ chết, ngây thơ về chính trị thôi, ông Định ạ.Phan Thúc Định coi như không nghe thấy những lời lẽ đốp chát của Hồng Nhật, nói tiếp ngay:- Ông chưa làm được gì cả mà có người đã chết vì ông. Ông có nghĩ gì về việc bà cụ bị bắn chết kia không? Ông đã nghĩ sao về phần trách nhiệm của ông? Như thế, có đáng cho ông tự hào và to tiếng mạt sát người khác không?Phan Thúc Định đã đánh đúng vết thương của Hồng Nhật. Hai hôm nay, trong việc anh bị bắt, Hồng Nhật hoàn toàn không lo sợ gì cho bản thân anh cả. Tất cả những người hoạt động nội thành đều chuẩn bị tư tưởng, tinh thần đối phó với tình huống xấu nhất và biết rằng mình có thể bị địch bắt bất cứ lúc nào. Nhưng nghĩ đến hậu quả của việc mình bị bắt sẽ ảnh hưởng không tốt đến phong trào đấu tranh, nghĩ đến cảnh tượng bà cụ chủ nhà cơ sở bị bắn chết chỉ vì mình chủ quan, mất cảnh giác thì Hồng Nhật đau đớn, xót xa. Một nỗi hối hận cay đắng, nặng nề dày vò anh. Nỗi hối hận ấy vừa dàn vặt anh làm anh đau khổ, vừa giúp anh giữ thêm tinh thần không thể dung thứ cho mình phạm một sai lầm thứ hai. Câu nói bất ngờ của Phan Thúc Định như khơi dậy tất cả nỗi đau khổ, hối hận của Hồng Nhật mà anh muốn giấu kín trước mặt kẻ thù.Thấy Hồng Nhật ngồi im, Phan Thúc Định hỏi tiếp:- Này, ông Hồng Nhật, tôi xin bắt đầu hỏi ông từ một điều đã quá rõ ràng, ai cũng biết: có phải chính ông là người đã chỉ đạo phong trào thanh niên, sinh viên ở Huế này?Hồng Nhật lấy lại ngay được sự bình tĩnh:- Nếu các ông đã biết sao các ông còn phải hỏi tôi.- Tôi muốn tự ông xác nhận điều đó.- Các ông đừng mong tôi xác nhận điều gì do các ông nêu ra.- Ông thường tiếp xúc với những ai tại cơ quan chỉ đạo của ông?- Tôi không tiếp xúc với ai cả.- Nhưng ít ra ông cũng phải thừa nhận rằng ông ở cơ quan chỉ đạo và có một số người thường lui tới cơ quan chỉ đạo đó của ông chứ?- Ông đừng có hi vọng tòi phản bội lại các đồng chí của tôi cũng như làm hại những người yêu nước khác.- Cơ quan chỉ đạo đó gồm có những ai?- Có một mình tôi.- Cấp trên của ông có bao giờ đến đó không?- Không bao giờ.- Họ thường gặp ông ở đâu? - Tôi không thể nói cho ông biết được.- Ông có biết tên họ không?- Không.- Tên hoạt động bí mật thôi mà!- Tôi không biết!- Ông có thể tả tại cho tôi nghe hình dáng của họ được không?- Họ cũng giống như tôi thôi.- Đường dây liên lạc giữa ông và bên ngoài do ai phụ trách?- Tôi tự liên lạc lấy.- Không có ai liên lạc, ông không biết ai cả… Hoá ra ông làm việc đơn độc hay sao?- Đúng vậy!- Nếu thế thì trái với nguyên tắc tổ chức của các ông. Ông đừng tưởng chúng tôi ngây thơ. Nguyên tắc tổ chức của các ông là làm gì cũng phải có tập thể cơ mà?- Nguyên tắc tổ chức hoạt động bí mật của chúng tôi là người nào chỉ biết việc của người ấy.- Nếu tôi nói rằng chính bà cụ chủ nhà đã bị bắn chết ấy cũng là một trong những người liên lạc của ông thì ông trả lời sao? Chính bà cụ ấy đã biết rô những người nào thường đến tiếp xúc với ông.- Vậy ông hỏi tôi để làm gì? Tại sao các ông không đi hỏi bà cụ mà lại bắn chết bà cụ một cách vô cùng dã man, không thể tha thứ được như thế? Những tội ác ấy của các ông không bao giờ rửa được.Giọng nói của Phan Thúc Định lạnh lùng:- Chúng tôi đã và sẽ còn bắn chết không thương tiếc những người chống đối chúng tôi.Trong khi Phan Thúc Định lạnh lùng trả lời Hồng Nhật như vậy thì óc anh loé lên một tia sáng qua câu trả lời của Hồng Nhật: trong đám mật vụ đến bắt Hồng Nhật ấy có một kẻ chỉ điểm giấu mặt. Tên chỉ điếm giấu mặt này thường đến tiếp xúc với Hồng Nhật và bà cụ chủ nhà đã biết mặt. Chúng nó ngại rằng nếu để bà còn sống thì tên mật vụ này có thề bị phát hiện, do bị tra tấn dã man mà bà cụ này đã không chịu đựng được nên cung khai ra (sẽ mất tác dụng của vai trò tên mật vụ) hoặc bà ta sẽ phản ảnh lên với những người lãnh đạo khác của phong trào, sau này họ có dịp gặp lại bà cụ ấy… Vậy tên mật vụ này là ai? “Con chó” này là ai?Về phía Hồng Nhật, anh rất ngạc nhiên trước thái độ của Phan Thúc Định. Anh cố vấn đặc biệt của Ngô Đình Cẩn này miệng thì truy hỏi anh, nói những lời tàn nhân đến lạnh lùng, nhưng cặp mắt anh ta lại ánh lên cái nhìn trìu mến, thiện cảm với anh. Anh không thể nhầm lẫn được. Anh vừa đanh thép trả lời Phan Thúc Định, vừa nhìn thẳng vào mắt Định để kiểm tra lại nhận xét của mình. Anh sợ cảm giác lừa dối anh. Nhưng không, anh vẫn thấy nhận xét của mình đúng. Tại sao có sự mâu thuẫn kì lạ như vậy?Càng kì lạ hơn nữa là trong khi miệng Phan Thúc Định truy hỏi anh dồn dập không ngừng thì tay Định viết nhanh vào một mảnh giấy con mấy hàng chữ giơ ra trước mặt anh:“Cứ giữ vững thái độ như vậy, tôi sẽ có cách cứu thoát. Mật vụ là kẻ thường đến tiếp xúc với anh. Bà cụ biết mặt.”Anh vừa đọc xong thì Phan Thúc Định đã vê nhỏ mẩu giấy cho vào miệng. Anh cố vấn của Cẩn ấy vẫn liên tiếp, dồn dập truy hỏi anh:- Này ông Hồng Nhật! Những câu trả lời của ông chẳng nói lên một điều gì cả.- Thế ông muốn tôi nói những gì?- Ông cần nhớ rằng ông đang ở trong tay chúng tôi. Chúng tôi rất coi trọng những người biết điều nhưng cũng rất dứt khoát với những người ương ngạnh. Chứng tôi không phải đe doạ suông đâu. Chúng tôi nói thế nào là làm thế ấy. Ông phải trả lời đầy đủ những câu hỏi của chúng tôi. Chúng tôi muốn biết rõ về sự hoạt động của ông và tổ chức của ông ở trong thành phố này. Chỉ có thế thôi. Trước mặt ông có hai con đường rõ rệt, ông hãy chọn lấy một: hoặc là ông sẽ sống giàu sang, sung sướng có nhà lầu xe hơi, hoặc là ông sẽ chết khổ sở tối tăm mà chắc chắn là không được chết ngay đâu…- Tôi sẽ không nói gì hơn những điều tôi đã nói với ông đâu.Cuộc thẩm vấn đến đây kết thúc. Phan Thức Định mỏi mệt bước ra ngoài.°
° °Đêm hôm nay cũng như đêm hôm qua, Hồng Nhật không thể ngủ được. Tinh thần anh căng thẳng. Phần phải lo đối phó với địch, phần nghĩ đến phong trào bên ngoài đang lên mà vắng mặt mình, phần đau xót vì bà cụ chủ nhà cơ sở bị giết, đầu óc anh ngổn ngang bao nhiêu ý nghĩ. Anh tự kiểm điểm nghiêm khắc bản thân mình đã để sa vào bẫy của giặc nhưng chưa hiểu rõ nguyên nhân nào bọn địch đã biết rõ cơ sở bí mật của anh – chỗ chỉ có một vài người cùng hoạt động thật tin cẩn mới biết.
Đêm hôm nay, Hồng Nhật càng thao thức hơn vì thái độ kì lạ của anh chàng cố vấn cao cấp của Ngô Đình Cẩn. Anh ta là người như thế nào? Tại sao giữa những lời truy hỏi và cái nhìn của anh ta đối với mình có sự khác nhau? Có dòng chữ anh ta viết vội cho mình đọc “Mật vụ là kẻ thường đến tiếp xúc…”.Người thường đến tiếp xúc với mình đại diện cho những sinh viên tích cực đấu tranh nòng cốt của phong trào là… Có lẽ nào như vậy nhỉ! Người ấy đã trải qua thử thách rồi cơ mà? Chẳng lẽ tên phản bội xấu xa ấy lại là… Biết đâu đây chẳng là một đòn li gián rất thâm hiểm của bè lũ Ngô Đình Cẩn mượn tay mình giết người của mình? Chúng nó đã bắt mình, chúng nó không ngu xuẩn gì lại chỉ cho mình biết mật vụ của chúng. Đây chỉ là một cái bẫy chúng giương ra để đưa mình vào tròng. Phải hết sức cảnh giác! Nhưng cặp mắt anh ta nhìn mình thực là kì lạ, hình như đây không phải là cái nhìn của kẻ thù. Hay anh ta là một trí thức cũng xuất thân từ sinh viên mà ra nên có cảm tình với phong trào đấu tranh của thanh niên sinh viên. Không! Không thể như thế được, bởi vì anh ta giữ một chức vụ cao cấp và lại là cố vấn riêng thân tín của tên ác quỷ Ngô Đình Cẩn. Phải như thế nào mới được nó tin cậy chứ! Mình phải hết sức tỉnh táo, hết sức cảnh giác!Hồng Nhật đặt cho mình biết bao câu hỏi, bao nhiêu giả thuyết rồi lại tự mình đánh đổ những câu hỏi, những giả thuyết ấy. Đêm đã khuya lắm rồi, anh vẫn thao thức không ngủ được. Xà lim tối om, chỉ có một khoảng ánh sáng tròn đèn điện bên ngoài chiếu vào qua một lỗ thông hơi có chấn song và lưới thép che. Anh thấy bốn bề im lặng. Chỉ có tiếng muỗi kêu ra rả bên tai anh, xua đi không hết. Thỉnh thoảng có tiếng máy xe hơi vọng từ xa xa lại. Bỗng anh nghe có tiếng giày nhẹ nhàng đi lại sát cửa xà lim anh. Rồi có tiếng đập khẽ lỗ thông hơi. Anh ngẩng lên nhìn. Một bàn tay nhét qua dây thép một mẩu giấy. Bàn tay biến mất và tiếng giày nhẹ nhàng xa dần. Anh đu người lên nhìn qua song sắt lỗ thông hơi. Anh hãy còn kịp nhìn thấy bóng một người lính quân cảnh đang đi khuất vào sau dãy nhà giam.Hồng Nhật đưa sát tờ giấy vào ánh sáng của lỗ thông hơi. Một nét chữ quen thuộc làm anh sung sướng bàng hoàng cả người, tưởng như không tin vào mắt mình nữa. Anh cố định thần đọc lại. Đúng những dòng chữ ấy:“Hoan nghênh tinh thần vững vàng của đồng chí.Hãy lấy cớ có bệnh và xin chuyển sang bệnh viện điều trị.Sông Hương”Anh đọc lại lần nữa và nắm chặt tờ giấy trong tay. Rồi chợt nhớ ra, anh đưa lên miệng nhai và nuốt chửng. Anh mừng quá. Mấy dòng ngắn ngủi trên giấy với chữ kí mật hiệu “Sông Hương” quen thuộc có phép thần kì diệu làm cho anh cảm thấy tất cả xà lim, song sắt chung quanh anh tan rã, đổ sụp.Thì ra lúc nào tổ chức cũng ở bên anh, lúc nào các đồng chí cũng ở bên anh. Tất cả những cùm xích nhà giam, lưỡi lê của bọn địch không thể nào ngăn cách được anh với tổ chức, với các đồng chí của anh. Cho nên từ lúc bị bắt cho đến giờ, dù là ở trong tay kẻ thù, ở giữa vòng vây của kẻ thù, có lúc nào anh thấy mình cô độc đâu, có lúc nào anh thấy mình lẻ loi đâu. Lúc nào anh cũng tin ở chung quanh anh, đằng sau anh có sức mạnh của cả một tập thể vĩ đại, cái tập thể vĩ đại ấy sẽ đè bẹp quân thù. Chính nhờ lòng tin ấy, anh đã nhìn kẻ thù bằng cặp mắt của người ở thế thắng, thế vô địch, thế chính nghĩa. Đúng như điều anh tin tưởng, chỗ nào cũng có tổ chức của ta, có người của ta. Trong bóng tối của xà lim mà anh như đã nhìn thấy những cặp mắt tin tưởng của các đồng chí nhìn anh, những nụ cười lạc quan của các đồng chí đón anh, những bàn tay thân thiết của các đồng chí giơ ra phía anh. Anh buông tâm hồn mình trôi trong niềm sung sướng đó…Sáng lúc nào không biết. Cánh cửa xà lim mở toang. Hai tên mật vụ đã đứng ở cửa xà lim giơ tay ra hiệu cho Hồng Nhật đi theo chúng lên phòng thẩm vấn.