Dịch giả: Đàm Xuân Cận
Chương 2
Chú thích:

     ai gia đình Angeluzzi - Corbo sống trong chung cư tốt nhất trên Đại lộ Thứ Mười. Có bốn tầng và mỗi tầng chỉ có một hai đơn vị gia cư nên cửa sổ về phía tây trông ra Đại lộ Thứ Mười, về phía đông là sân sau, gió mát thổi từ nhiều hướng. Gia đình Angeluzzi-Corbo chiếm nguyên một tầng lại may mắn được tầng chót có thể dùng phía sau hành lang rộng làm chỗ để đồ; nào thùng đá, bàn giấy, hộp tương cà chua. Tuy đơn vị gia cư gồm sáu phòng, gia đình đông người thì vẫn chật hẹp.
Nhà hình chữ E không có gạch giữa. Gạch chót là bếp, phòng ăn, phòng ngủ và phòng khách với cửa sổ trông ra Đại lộ Thứ Mười là gạch thẳng đứng, phòng ngủ nhỏ, có cửa của Octavia tách rời khỏi phòng khách là gạch trên cùng chữ E. Gino, Vinnic và Sal ngủ trong phòng khách trên một giường gấp, ban ngày có thể dựng lên sát tường để khỏi chiếm chỗ, thường phủ tấm vải hoa. Cha mẹ ngủ trong phòng ngủ đầu tiên, Larry phòng kế, rồi đến phòng ăn, cũng gọi là bếp, có tấm bàn gỗ dài để ngồi ăn ngồi chơi. Còn trong bếp có nồi lớn, bể rửa bát, lò nấu. So với các nhà lân cận nhà này khá chiến, một bằng chứng để nhiều khi Lucia Santa dám vung tay quá trán.
Octavia đặt bé Aileen vào giường bà mẹ, rồi vào phòng riêng thay đồ, mặc chiếc áo ở nhà. Khi nàng đi ra, ba đứa trai ngủ say trên giường gấp. Nàng đi vô bếp rửa tay, rửa mặt. Bà mẹ ngồi trong phòng ăn, nhâm nhi ly rượu vang nhỏ, đang chờ đợi Octavia. Biết bà sẽ thức cho tới khi giải quyết xong vụ tranh chấp, rồi sau đó, hai mẹ con sẽ bàn cách làm ăn sao cho coi được ở nơi mệnh danh đất vàng đát bạc này: ít ra phải có một căn nhà khang trang ở Long Island, và cho đứa con trai xuất sắc nhất nhà vào trường đại học.
Lucia Santa bắt đầu trước, nói bằng tiếng Ý: “Con này, con trai nhà lò bánh có vẻ để ý con đấy”.
Từ phòng ngủ chợt có tiếng động. Bà lo lắng hỏi. “Con đã để Lena nằm ngay ngắn chưa? Liệu nó có lăn khỏi giường không?”
Octavia hơi động lòng. Sao bà mẹ cứ tiếp tục dùng cái tên Lena, mà không chịu xài tên Aileen do nàng đặt cho bé gái chứ? Bà cụ khó tính thật!
Hai người đang sửa soạn để hạ nhau Octavia lấy bộ đồ nhuộm móng tay ra. Nàng nói với mẹ bằng giọng khinh khinh: “Con sẽ không bao giờ lấy một người chồng cù lần. Con không chịu cái cảnh chồng chúa vợ tôi. Con sẽ không giống mẹ”. Nàng bắt đầu sủa móng tay. Nàng biết làm thế sẽ chọc giận bà mẹ.
Lucia Santa yên lặng nhìn con gái se sua, cố giữ cơn giận khỏi bùng lên. Bà cất giọng ôn tồn:
- À, con nói với mẹ như thế à. Con ở nước Mỹ có khác. Rồi con sẽ thành cô giáo giỏi đấy. Mà thôi mẹ cũng chẳng để ý nữa.
Thế nhưng cô gái biết nếu nàng còn nói câu khác hỗn hào nữa, bà mẹ sẽ nhảy sấn vào cấu nàng là cái chắc. Octavia không sợ, nhưng nàng không muốn làm gì quá đáng. Nàng biết mẹ nàng, người chủ gia đình, trông cậy vào nàng rất nhiều, rất nể nàng và sẽ không bao giờ về hùa với ai, để chơi nàng. Nàng hơi hối hận đã nặng lời với mẹ.
Nàng mỉm cười:
- Con chỉ muốn nói con không muốn lấy chồng, sinh con đẻ cái thôi. Con không muốn mất cả đời để hầu hạ chồng con.
Lucia Santa nhìn kỹ cô con gái:
- Con gái đáng thương của mẹ. Lấy chồng hay không thì có sao đâu?
Bà đứng dậy, vào buồng ngủ, mang ra hai tấm giấy năm đô la và quyển sổ tiết kiệm:
- Cầm lấy rồi bỏ vào túi cho kín đáo. Lẹ lên con, kẻo cha và em về. Ngày mai con nhớ ghé Ty bưu điện gửi trong giờ làm việc.
Octavia nói:
- Ổng đâu phải cha con!
Không phải câu nói mà sự tàn ác đã thúc đẩy nó khiến mắt bà mẹ đầy lệ. Vì chỉ có hai mẹ con có thể nhớ lại người chồng đầu tiên, chỉ hai người mới thật sự chia ngọt sẻ bùi với người đàn ông đó. Ông ta có ba con nhưng chỉ có cô gái đầu lòng nhớ nổi cha. Octavia rất thương cha, cái chết của ông làm nàng buồn hết sức. Biết thế nào cũng tái giá nên cô con gái phần nào tỏ ra ghét mẹ.
Bà nói nhỏ nhẹ:
- Con còn trẻ người non dạ lắm con ơi. Con quá khắc nghiệt đấy. Cha con Frank đâu phải là người xấu? Ông cưới mẹ, một góa phụ có ba đứa con nhỏ. Ông nuôi chúng ta. Ông tận lực che chở gia đình ta trong khi ấy có ai thèm lai vãng đến nhà ta đâu, trừ bà bạn cố tri Zia Louche của mẹ. Mẹ cũng rất buồn phải thố lộ cho con biết một sự thật rất đau lòng. Cha đẻ không hoàn toàn tốt đẹp như trong ý nghĩ của con đâu. Mà thôi con ạ, mẹ cũng chẳng nhiều lời. Dù sao cha con vẫn là cha con chứ.
Bà mẹ hết khóc, trở lại cứng cỏi như thường lệ.
Octavia nói một cách tàn nhẫn:
- Con thấy cha dượng thật vô tích sự. Mà sao mẹ bắt thằng Vinnie đi làm cho lò bánh mì tồi tàn đó. Mùa hè này nó sẽ không được chơi đùa gì cả. Trong khi đó, cha dượng, ông chồng quý hóa của mẹ thì chỉ biết làm độc một nghề gác dan giữ cửa. Sao ông không chịu kiếm việc làm thường xuyên? Sao ông cứ vênh vênh mặt lên cách ngu xuẩn? Ổng là cái thớ gì mới được chứ? Còn cha con xưa thì làm việc đàng hoàng. Cha con chết khi đang làm việc mà mẹ.
Nàng ngừng nói để cố ngăn dòng lệ.
Rồi nàng lại nói tiếp, như thế nàng tin thuyết phuc nổi bà mẹ.
- Cha dượng mất việc ở nhà ga chỉ vì muốn làm trời. Ông chủ bảo ông ta “Đi một ngày mới lấy được thùng nước”, thế là cầm chiếc thùng đi mất biệt. Vậy mà mẹ không nói một tiếng nào hết. Con thì con đã không để yên. Không cho về nhà cấm cửa luôn. Cấm ngủ luôn.
- Thế này thì quá lắm rồi!
Bà mẹ dằn mặt con:
- Mày biết gì mà nói hả con. Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Con còn trẻ và ngu, già rồi chắc vẫn ngu. Mẹ bảo cho con biết lo thân. Sao tôi khổ thế này hở Trời!
Bà thở dài:
- Thôi mẹ đi ngủ. Để cửa cho thằng em mày. Ông ấy nữa...
Octavia nói:
- Mẹ khỏi lo cho thằng Lorenzo.
Nàng tiếp tục sơn nốt móng tay. Bà mẹ có vẻ bực mình, đi vào phòng:
- Thằng Lorenzo làm gì mà chưa thấy dẫn xác về nhà. Nó nghỉ làm vào nửa đêm mà. Giờ này ngoài đường đâu còn đàn bà con gái trừ mấy con mụ điếm Ái Nhĩ Lan trên Đại lộ Thứ Chín. Cảm ơn Trời, nó chỉ làm hại con gái Ý nhà lành.
Bà mỉm cười, thoải mái.
- Chắc nó ở nhà Le Cinglata đấy mẹ. Ông Le Cinglata lại vào tù rồi.
Bà mẹ hiểu ngay. Vợ chồng Le Cinglata nấu rượu lậu bán ngay tại nhà. Họ tiếp tục làm ăn lén lút bất kể luật cấm nấu rượu. Chỉ mới tuần rồi mụ Le Cinglata mang cho Lucia Santa bình rượu bự, chắc vì Lorenzo đã giup đỡ họ. Le Cinglata là một trong ba cô gái cùng đến nhà thờ làm lễ cưới với bà nhiều năm trước. Đám cưới cử hành tại Ý trong khi chú rể đã sang Mỹ rồi. Bữa đó cô nàng e lệ nhất trong đám là bà. Bây giờ mọi việc tạm xong xuôi. Bà mẹ rún vai đi ngủ.
Trước khi lên giường bà rảo qua phòng khách, đắp cho ba đứa con trai chiếc mền mỏng. Rồi bà ngó ra con đường tối tăm, thấy ông chồng vẫn đi đi lại lại trên Đại lộ Thứ Mười. Bà khẽ gọi? “Frank, đừng ở đó khuya quá”. Nhưng ông ta không nhìn lên.
Cuối cùng bà lên giường. Nhưng vẫn chưa ngủ được. Bà có cảm tưởng chừng nào còn thức thì còn lo cho chồng cho con. Bà thực sự bực mình sao họ chưa đi ngủ để bà có thể yên tâm chợp mắt.
Bà gọi với ra:
- Octavia, đi ngủ con. Khuya rồi. Mai con phải đi làm.
Thực vậy, bà không ngủ được khi trong nhà còn người thức. Cô con gái lặng thinh, như hãy còn giận mẹ.
Trong bóng đêm nặng nề mùa hè có tiếng thở của bọn trẻ đang ngủ say, Lucia Santa nghĩ ngợi về cuộc đời bà khi tái giá đã làm cho mấy đứa con với người chồng trước buồn rầu. Bà biết Octavia hờn mẹ không trọn tình với cha nó. Nhưng thiệt không sao giảng cho cô gái trẻ trong trắng hiểu rằng cha nó, người đàn ông bạn chăn gối, người bà hy vọng sống suốt cuộc đời; là người mà bà không thực sự yêu thương hết lòng...
Ông đúng là chủ gia đình, nhưng là ông chủ cà chớn. Không chịu lo xa, không dám mong sẽ có ngày làm vợ con mở mày mở mặt thoát khỏi khu chung cư khốn khổ này.
Bà đã bao lần gạt lệ khóc thầm. Tiền lương lãnh về ông chỉ đưa cho vợ đủ tiền ăn, còn bao nhiêu mang đi nhậu nhẹt, cờ bạc với bạn cho bằng hết. Ông không bao giờ cho riêng vợ được một cắc bạc? Ông dương dương tự đắc là đã đưa cho Lucia Santa cô gái nghèo khổ, đến đất Hoa Kỳ sau đó lấy làm vợ. Đời người làm phúc một lần là quá đủ!
Nhớ lại tất cả những diều này, Lucia Santa hãy còn ấm ức. Nhưng cô con gái thì rất mến cha. Ông khá bảnh bao. Bé Octavia quen nhờ cha cắn hộ hạt dưa, chứ không bao giờ nhờ mẹ. Phần ông, ông cũng rất cưng con gái.
Mà có gì khó hiểu đâu, ông là người tử tế; cần cù, ngu dốt lại, ham vui. Bà có hờn ghét chồng thì cũng như hàng triệu người đàn bà khác lấy phải những đức ông chồng ít lo xa vậy thôi. Nhưng thật điên cuồng để cho người đàn ông quyền kiểm soát tiền trong nhà, và đưa ra những quyết định ảnh hưởng đến đời sống con cái. Đàn ông đâu có tài giữ tiền! Tính nết còn hoang toàng không can nổi. Bà đã bắt đầu cuộc phấn đấu giành quyền hành của chồng, cũng như tất cả mọi người đàn bà khác; thì ông ta chết bất đắc kỳ tử một cách tức tưởi.
Nhưng bà có phải là người bạc tình bạc nghĩa đâu. Bà khóc như mưa, như gió, đau đớn và kinh hoàng tột độ. Không phải chỉ vì vợ chồng giờ đây âm dương cách biệt, nhưng còn vì thương mình trơ trọi bơ vơ nơi đất lạ, làm sao nuôi được mấy miệng ăn; có đứa còn đang nằm trong bụng mẹ. Thế nhưng có khóc lóc thì người chết cũng chẳng sống lại được. Dần dần nguôi ngoai bà, ráng sống nuôi con.
Cái chết đó thật bi thảm hài hước. Trong khi chiếc tàu đang dỡ hàng, cái cầu phao gãy rớt xuống nước, dìm sâu năm người và nhiều tấn hàng xuống bùn, chết mất xác luôn.
Trong bóng tối, giờ đây, nhiều năm sau, hồi tưởng lại, bà vẫn thấy nỗi đau khó nói. Bà cười buồn, nghĩ tới việc tòa án xử cấp cho mỗi đứa con của nạn nhân, bồi thường một ngàn đô la; cả thằng Vincent chưa ra đời nữa. Món tiền này không được sử dụng, phải chờ tới khi con cái trưởng thành. Còn bà được ba ngàn đô la, nhưng việc này không ai biết, ngoài Zia Louche và Octavia ra. Vậy là gia đình chưa đến nỗi thiếu ăn...
Những tháng mang thai đứa con của người chồng đã chết, bà luôn luôn hoảng hốt, lo ngại. Một đứa con mà cha đã chết, trước khi chào đời; cũng giống như đứa con ma quỷ. Mỗi khi nghĩ lại còn rùng mình, bây giờ là mười ba năm sau bà còn bật khóc mỗi khi chợt nhớ. Bà khóc vì thương mình, thương con không thể biết sự thật phũ phàng này.
Còn điều xấu hổ nhục nhã nhất là, chỉ một năm sau này chồng chết, sáu tháng sau khi sinh con, bà, người trưởng thành, già dặn lại mê mẩn một người khác phái; người ấy sẽ thành chồng thứ hai. Thiệt kỳ cục! Không phải tình yêu cao thượng trong đầu người con gái mới lớn hay các ông thầy tu, không phải những chuyện tình lý tưởng có thể đưa cho các cô gái đọc. Lần này là tình yêu nhục thể, làn môi nồng cháy, là tay chân cuống quít, mắt nhìn mê đắm, vòng tay xiết chặt, là sự tiếp xúc giữa hai xác thịt... Ôi thật điên cuồng, thật rồ dại. Cám ơn Trời, bây giờ đã biết tự kiềm chế mình hơn trước rồi!
Cuống quít mê say để rồi được gì nhỉ? Frank Corbo lúc đó ba mươi lăm tuổi, còn độc thân dáng người dong dỏng, mắt xanh. Kể ba mươi lăm tuổi chưa có vợ cũng kỳ kỳ. Ông ít nói, bản chất thầm lặng, kiêu ngầm, sự kiêu hãnh kỳ cục của những kẻ yếu thế trước xã hội và chào thua định mệnh. Những người láng giềng chấm ông làm bạn của bà góa nặng gánh gia đình. Ông chỉ làm việc buổi sáng trong nhà ga, chiều rảnh, đi cua vợ. Câu chuyện sẽ êm thấm nếu cá cắn câu.
Những người láng giềng xoa tay vui mừng thấy hai bên sáp vào nhau dễ dàng. “Trai tân gái góa mà?”.
Hai anh chị tán nhau như cặp, trai gái mới lớn. Frank Corbo chỉ mới biết xuống xóm chứ chưa hề giăng nhện, gặp chuyện lấy vợ cứ luống cuống như thanh niên vậy. Ông theo đuổi bà góa như theo đuổi cô gái trẻ măng, làm thiên hạ không khỏi tức cười. Vào quãng xế chiều, ông lò dò đến thăm người đàn bà lúc đó đang ngồi bên con cái, đứa đang ngủ, có đứa thì đang nghịch. Đôi khi ông ở lại ăn tối rồi tối mịt mới về. Một bữa kia, ông ngượng ngập ngỏ lời xin cưới Lucia Santa làm vợ.
Bà nguýt một cái dài, coi ông như một cậu con trai ưa làm liều:
- Ông không mắc cỡ sao mà muốn cưới một người đàn bà còn phải nuôi con chưa biết đi của người chồng trước?
Lần đầu tiên bà thấy mặt ông sa sầm, lắp bắp nói yêu con cũng như yêu mẹ. Rằng cho bà ta không lấy ông, thì ông vẫn muốn chu cấp cho mấy đứa con bà. Trong thực tế kiếm khá tiền, và luôn luôn cho trẻ cà rem và đồ chơi. Có lúc, còn cho bà tiền mua quần áo cho con. Lúc đầu bà thấy thế kỳ quá nên ráng từ chối, nhưng nổi giận ra mặt:
- Bà làm gì mà giữ kỹ quá vậy? Bà không muốn chúng ta là bạn sao! Bà nghĩ tôi giống những người đàn ông khác ư? Tiền bạc đối với tôi có nghĩa lý gì đâu?
Và ông xé tan sấp giấy bạc. Chẳng biết tại sao, người đàn bà thấy vậy, muốn khóc nghẹn ngào. Rồi bà nhận tiền, quà cáp nhiều; nhưng ông chẳng bao giờ vịn vào đó mà lờn mặt. Nhưng chính bà là người thấy nóng ruột.

*

Một ngày chủ nhật mùa xuân, Frank Corbo được mời ăn bữa trưa. Bữa ăn thịnh soạn nhất tuần trong những gia đình người Ý. Ông khệ nệ mang một ga lông rượu vang Ý chế tại nhà, một hộp bánh kem Gno le y soffiati. Ông đeo cà vạt cẩn thận, mặc áo vét nhiều túi, ngồi giữa bọn trẻ, vậy mà rụt rè, vụng về, lập cập, hơn bọn trẻ mới kỳ?
Bữa nay Lucia Santa sùi nước sốt cà chua loại hảo hạng với spaghetti, thịt viên tròn trịa ngon hết chê, có thêm tỏi, rau thơm tươi nữa. Còn rau trộn dầu olive và dấm vang đỏ, trái bồ đào để nhấm nháp với rượu vang. Các món ăn đều dậy mùi tỏi và hạt tiêu. Mọi người nốc đầy bụng. Cuối cùng bọn trẻ xuống phố chơi đùa. Lẽ ra Lucia Santa phải giữ bọn trẻ ở nhà, để tránh điều ong tiếng ve, nhưng cha biết vô tình hay cố ý mà bà ta quên khuấy mất.
Và buổi chiều vàng đó, ánh nắng rực rỡ tràn qua cửa sổ, bà lấy gối che mắt cho thằng bé Vincenzo tội nghiệp để khỏi chói mắt. Rồi họ ngụp lặn trong bể yêu đương ngay trên cái đi-văng trong phòng khách, có lúc bà hơi giật mình vì tiếng con nô đùa vọng lên từ dưới phố.
Cuộc làm tình thật tuyệt! Bà chay nhạt đã lâu, mùi da thịt đàn ông khiến như phát điên, sao bao năm bà còn hình dung ra đủ mùi vị cuộc yêu đương như mới ngày hôm qua.
Người đàn ông cứng cỏi trong cuộc sống ba đào này khóc như một đứa trẻ, úp mặt lên ngực người bà, trong ánh nắng đang tan. Bà hiểu trong suốt 35 năm ở đời, ông chưa bao giờ được ve vuốt âu yếm một cách thật sự, nay như được mở mắt đón nhận ân sủng. Sau đó, ông thay đổi, biết yêu quá muộn và khinh khi sự yêu đuối của mình trước người đàn bà săn sóc, lo lắng quá sức!
Cuộc đời cứ êm ả trôi qua tới khi con đầu của ông ra đời. Điều tệ hại là ông yêu thằng Gino đến độ giết chết tình yêu vợ và con ghẻ, và ông trở nên tàn ác.
Trong năm chung sống đầu tiên; kể cho vợ nghe tuổi thơ ấu bất hạnh, con một tá điền nghèo bên Ý. Nó chịu đói, chịu lạnh nhưng điều nó không bao giờ quên là cha mẹ bắt nó đi một đôi giày tồi tàn quá chật. Chân trở nên méo mó dị hình gớm ghiếc. Ông đưa chân cho vợ coi như thể muốn nói. “Tôi chẳng giấu mình điều gì cả”. Bà phì cười, nhưng không cười nổi khi biết ông chỉ sài giầy hạng luých, giá hai mươi đô la, da xám nổi vân tuyệt đẹp. Đúng là hành động của kẻ điên rồ chính hiệu.
Bên Ý hạng người như cha mẹ nó thiệt hiếm, những nông dân nát rượu. Cha mẹ trông vào nó làm việc trên trại và kiếm cơm cho họ. Khi yêu một cô gái trẻ trong làng, cha mẹ nó ngăn trở. Nó trốn nhà sống trong rừng một tuần lễ. Khi họ kiếm ra, nó chẳng hơn một con vật là mấy! Nó bị xúc động quá mạnh và phải đưa vô dưỡng trí viện. Sau ít tháng nó được thả. Từ chối không chịu về nhà, nó xin di cư sang Mỹ. Nhưng đời nó chưa khá trong thành phố đông đặc nhất thế giới này, vì vẫn phải sống cuộc đời cô độc cùng cực.
Biết gìn giữ sức khỏe nên ít bị ốm, nó đã thành người lớn, chín chắn hơn. Từ đây nó thấy yên ổn trong cuộc đời cô độc và làm việc quần quật.
(...) Bây giờ sau mười hai năm chung sống; người chồng trở nên e dè, đắn đo với vợ như đối với một người xa lạ.
(...............................)
Đêm đêm người vợ mong muốn chồng nằm chung trên giường. Vợ muốn đứa con trai lớn trở về nhà, muốn mọi người ngủ yên trong dãy chung cư bốn tầng này, có gạch, xi măng cốt sắt che chở tách rời khỏi thế giới xung quanh. Lại muốn mọi người ngủ yên trong bóng tối không bị đời sống quấy rầy, để khỏi phải canh chừng nữa, để dấn sâu vào quên lãng.
Người vợ thở dài, chẳng thể nào tránh khỏi phiền lụy. Ngày mai chắc phải nặng lời với Frank để chồng giữ công việc gác dan. Người vợ phải giải quyết vụ gia đình Le Cinglata, mua quần áo trẻ con, và chiếc lò để nấu xà bông giặt.
Lucia lắng nghe hơi thơ trẻ con đang say giấc nồng từ phía quán bà Lona ngay bên cạnh, ba đứa trẻ trong phòng kế, và Octavia trong phòng ngủ mơ cửa cho thoáng. Người vợ của Frank thao thức một lát rồi cũng thiếp đi.

*

Octavia duỗi người trên chiếc giường hẹp. Nàng chỉ mặc độc một chiếc áo mỏng. Phòng nhỏ quá nên chỉ có một chiếc bàn nhỏ với cái ghế, nhưng có cửa đàng hoàng đóng mở tùy ý.
Trời quá nóng, nàng không ngủ được. Nàng nằm mơ. Nàng mơ đến người cha.
Ôi, nàng yêu cha biết mấy! Nàng cũng thấy giận dữ thiệt tình vì cha đã bỏ mình ra đi, để lại nàng trơ trọi một thân chẳng còn ai để yêu thương. Mỗi buổi chiều về, nàng ra đón cha ở tận cổng, ôm hôn bộ râu quai nón bẩn thỉu, cọng râu cứng ngắc làm trầy cả môi. Nàng mang cái giỏ đựng bữa ăn trưa lên thang gác.
Octavia soạn bát đĩa để ăn tối, chọn cho cha toàn thứ ngon lành. Chiếc nĩa, con dao sắc nhất, ly nhỏ uống vang lau chùi bóng loáng như kim cương. Nang cứ le te làm quấn chân đến khi Lucia Santa tát nàng một cái nên thân để nàng đi khỏi bàn, đồ ăn mới dọn ra được. Và Larry, trái lại, ngồi yên trên chiếc ghế cao, không làm rộn ai hết.
Bao năm qua rồi, mỗi lần dỗ giấc ngủ nàng vẫn nghe trong tâm thức một tiếng kêu thảng thốt, “Sao cha không chịu cẩn thận hơn một chút?” Nàng muốn trách cha đã bất cẩn, còn bà mẹ thì đôi khi nói... “Ông ta không lo chi gia đình, không kể gì tiền bạc, sống bất cần đời, bừa bãi trong mọi sự”.
Cái chết của cha nàng mang lại kẻ lạ mặt dong dong mắt xanh với gương mặt khó thương này có mặt ở đây bây giờ là chồng thứ hai, cha dượng của nàng. Ngay khi còn là đứa trẻ cùng chẳng bao giờ mến ông, nhận quà cho một cách miễn cưỡng, nghi ngờ. Nàng thường trốn sau lưng mẹ, tránh mặt. Có một lần ông muốn âu yếm nàng và nàng vùng chạy như con thú xổng chuồng. Ông ta thích Larry cho tới lúc có con riêng. Ông ta không bao giờ thích Vincent vì một lý do nào đó. Ông ta thật đáng ghét không biết để đâu cho hết.
Nhưng nàng chẳng nỡ trách mẹ tái giá, chẳng thể ghét bỏ mẹ. Nàng biết tại sao mẹ lấy người đàn ông tàn ác này. Nàng biết chứ!

*

Đó là một trong những thời kỳ ghê gớm nhất trong đời Lucia Santa, và phần lớn nỗi khổ tâm tiếp theo cái chết của chồng, bè bạn, họ hàng và láng giềng.
Mọi người thúc đẩy Lucia Santa để một người bà con giàu có Filomena ở New Jersey trông coi đứa con mới sanh, bé Vincent chỉ một thời gian ngắn thôi, tới mẹ nó hồi phục sức khỏe. Họ nói tỉnh bơ “cặp vợ chồng hiếm muộn được thằng Vincent cũng như trúng số cá cặp”. Và Filomena, bà con từ Ý, cũng là người đáng tin cậy lắm. Đứa bé sẽ được chăm sóc tử tế. Người chồng giàu sụ Filomena chắc chắn sẽ chịu làm cha đỡ đầu, sẽ báo đám tương lai cho nó. Họ còn kéo dài giọng nói ra cái điều thương xót lắm. “Lucia Santa này ai cũng lo lắng cho chị. Chị ốm quá. Vẫn chưa hồi sức sau khi sanh nở? Vẫn buồn rầu vi chồng chết, lại còn bị bọn thầy kiện hút hết máu mú trong vụ tiền bồi thường. Chị phải chịu khó nghỉ ngai bồi dưỡng cho khóe, dể có sức lo cho con cải. Chị mà chết đi thì các cháu nhỏ cũng chết luôn hay phải sống trong nhà mồ côi. Người ta sẽ không cho chúng về Ý sống với ông bà ngoại đâu. Chị phải lo cho cái thân chị, cũng là lo cho con cái đấy”. Họ cứ nói mãi làm Lucia Santa cũng thấy xiêu lòng. Nào là đứa bé sẽ về nhà sau ít tháng, không, sau ít tuần thôi. Chủ nhật Filomena sẽ tới thăm. Hai vợ chồng đi trên chiếc xe Ford bóng lộn. Rồi họ mang bà tới New Jersey thăm Vincenzo. Bà sẽ được chiều chuộng. Con bà sẽ đi thăm đồng quê thay đổi không khí, vui chơi thỏa thích.
Bà thấy xiêu lòng thật. Ngay cả Zia Louche cũng ngúc ngắc cái đầu ra dấu đồng ý.
Chỉ có Octavia khóc và linh tính biết trước là họ sẽ không trả lại bé đâu. Ai nghe cũng bật cười. Mẹ nó mỉm cười, xoa đầu nó:
- Người ta chỉ giữ bé cho tới khi mẹ khỏe, rồi Vincenzo sẽ về nhà con ạ.
Về sau bà mới biết mình hành động thiếu suy xét. Bà thấy mình có lỗi lớn đã để cớ sự xảy ra như vậy, mang lại bao rắc rối. Bà thường nhớ đến một câu chuyện khác để lấy can đảm, bình tĩnh mỗi khi gặp một quyết định khó khăn.
Vậy là bé Vincent đi khỏi nhà. Bà dì Filomena lạ hoắc đến vào một buổi chiều, khi Octavia đang ở trường. Lúc về, thằng bé đã biến mất tiêu.
Nó khóc la um sùm, Lucia Santa nổi khùng táng nó hai bạt tai nẩy đom đóm mắt:
- Im đi mày.
Bà mẹ cũng rảnh tay vì thằng bé đã đi. Octavia thấy ghét quá, coi mẹ tàn ác chẳng khác bà mẹ ghẻ.
Cho tới một ngày đẹp trời bà mẹ mới lấy lại lòng tin yêu con gái mà ai cũng nhớ rõ những gì xảy ra hôm đó.
Một tuần lễ sau đó là có rắc rối rồi. Bữa chủ nhật đầu tiên không thấy bóng dáng Filomena đâu hết. Mụ chỉ gọi điện thoại đến tiệm kẹo nhắn tuần tới sẽ đến, và mụ đã gửi bưu phiếu năm đô la gọi là chút quà lấy thảo.
Lucia Santa chạy đôn đáo hỏi ý kiến láng giềng. Ai cũng tỏ ý khuyên lơn chớ nóng, rồi đâu còn có đó. Nhưng người mẹ nôn nao không yên tâm nổi.
Sáng sớm thứ hai, bà bảo Octavia: “Chạy ba chân bốn cẳng đến đường 31 kiếm Zia Louche đi con”.
- Chắc con đi học trễ mất.
- Hôm nay con không đi học.
Con bé sợ quá chạy đi. Zia Louche tới, đội chiếc khăn to như cái rế, chiếc áo ngoài bằng len phủ gần đến gối. Lucia Santa mời bạn nhấm nháp cà phê rồi vào đề.
- Bồ ơi, có tí việc nhờ bồ đây. Bữa nay tôi đi thăm cháu bé. Nhờ bồ coi chừng giùm thằng Lorenzo với con Octavia. Hôm qua Filomena không tới, bồ nghĩ tôi có nên đi xem chuyện gì xảy ra không?
Thực ra Lucia Santa cũng chưa quyết tâm đi. Nhưng Zia Louche bảo bà phải đi. Ờ, chúng ta nghèo thật đó, nhưng đâu đã đến nỗi phải cho con để lấy bố thí năm ba đô la.
Trong ánh nắng vui tươi mùa đông, bà mẹ cắm cúi đi tới bến đò. Weehawken ở đường 42. Lần đầu tiên từ khi sang Mỹ bà đi đò. Đến New Jersey, bà đưa mẫu giấy có ghi địa chỉ Filomena, nhờ người đưa tới giùm không khó khăn gì lắm.
Ồ, căn nhà đẹp tuyệt. Mái nhà nhọn hoắt, nhà trắng, sạch, có cửa chớp xanh và cửa ngoài có mái che. Lucia Santa ngại ngùng. Có lẽ nào những người trong căn nhà giàu có, sang trọng này lại nỡ lòng lừa đảo người đàn bà nghèo hèn như bà. Việc bà ta không giữ lời hứa ghé vào ngày chủ nhật, có thể giải thích nhiều cách. Nhưng rồi bà vẫn gõ cửa.
Căn nhà im lặng một cách đáng sợ, như bỏ hoang. Lucia Santa run sợ. Rồi từ bên trong có tiếng trẻ khóc ré lên, càng lúc càng khiếp đảm. Không nghĩ ngợi gì nữa, bà tông cửa chạy thẳng đến phòng ngủ trên lầu.
Căn phòng quá đẹp làm bà sững sờ. Toàn màu xanh, cái nôi xanh, con ngựa nhồi trắng đặt trên chiếc bàn xanh xinh xinh. Trong căn phòng đứa bé nằm một mình, chẳng có ai khác.
Lucia Santa ẵm đứa trẻ, nựng cho nó đỡ khóc. “Chao, con tôi ngoan quá. Đừng khóc nữa. Mẹ đây con”. Đúng lúc đó, Filomena chạy vọt vào phòng.
Lucia Santa, ôm chặt đứa con, đứng như thế, cất tiếng trách. Filomena cũng không chịu thua, to tiếng phản đối um sùm. Tôi chỉ bỏ nó một tí để ra giúp nhà tôi mở cửa tiệm thực phẩm. Chỉ mới mươi, mười lăm phút chứ mấy. Thử hỏi có phải chính chị cũng có lúc để con một mình lo việc này việc kia chứ. Người nghèo mà làm sao lúc nào cũng kè kè bên con được. Lucia Santa thấy mỉa mai quá; khi Filomena tự cho là người nghèo.
Nhưng người mẹ không sao nghe lọt tai những câu nói đãi bôi này, bà trả lời:
- Thôi, tôi hiểu chị rồi mà. Nó đâu phải máu huyết chị. Chị ra trông coi cửa tiệm đi. Tôi mang con tôi về.
Filomena giận dữ la ó.
- Đồ lật lọng. Chị muốn gán cho tôi tiếng ác. Chị muốn mọi người khinh tôi. Thế bao nhiêu tiền bỏ ra mua sắm vứt đi hết à? Phải làm sao cho coi được chứ.
Thì ra những bà láng giềng quý hóa đã rót vào tai Filomena rằng rủi ra người góa phụ nghèo khổ đầu tắt mặt tôi lo kiếm cơm sẽ chẳng còn sức đâu mà đòi lại con, có khi mừng là đằng khác. Filomena không nói huỵch toẹt ra, nhưng thực tế là vậy.
Nhưng Lucia Santa cười rộ.
Filomena đổi giọng, trấn an:
- Chị coi, cháu ở với tôi có thiếu gì đâu, quần áo đẹp, nhà cửa đẹp. Cháu là con một, sẽ được nuôi nấng đàng hoàng, mai sau lên Đại học rồi làm ông này ông nọ. Chị làm sao lo cho cháu đầy đủ được. Hiện giờ chị còn phải lo cho hai cháu lớn mà.
Lucia Santa rùng mình lo sợ. Nhưng khi Filomena nói tiếp:
- Chị coi, đâu phải tự nhiên mà tôi định biếu chị mỗi tuần một số tiền.
Thì bà nhổ toẹt một bãi nước bọt lên mặt mụ đàn bà hợm của đáng khinh, rồi chạy khỏi nhà như bị ma đuổi. Filomena chạy theo chửi thề inh ỏi.
Về đến nhà Lucia Santa vẫn còn run lên vì giận dữ, tuyệt vọng. Zia Louche lựa lời.
- Không sao đâu. Ngồi xuống đây bồ. Cà phê mới pha đây. Octavia mang ra mấy cái ly đi cháu.
Thằng Vincent ré lên khóc. Lucia Santa cô dỗ nhưng nó khóc mỗi lúc một lớn. Bà mẹ đưa nó cho Zia Louche, xem chừng nó chịu cái giọng khàn khàn của bà này nên dịu bớt đi.
Bà mẹ đáng thương ngồi xuống bàn lấy hai tay bụm mặt. Khi thấy Octavia, bà nói:
- Phải nghe ý kiến của trẻ mới được. Người lớn nhiều khi ngu như bò tót.
Zia Louche nói:
- Cà phê nóng. Uống chút cho đỡ mệt. Bình tĩnh lại đi.
Thằng bé còn khóc nho nhỏ.
Người mẹ ngồi lặng thinh, Octavia thấy nét mặt bà hằn lên đau khổ. Bà đang có ngăn dòng lệ thảm.
Zia Louche quay sang nựng thằng bé:
- Sao không khóc lớn nữa đi, chó con. Ừ, ừ, cháu tôi ngoan rồi ồ, mà tội nghiệp cháu tôi. Cha mày chết trước khi mày sinh mà.
Nghe những tiếng này, người mẹ hết còn kìm hãm nối. Bà ta tự cào cấu mặt, khóc lóc như mẹ điên.
Rồi bà ta tuôn ra một thôi một hồi những câu tục tĩu nhất.
- Đồ ăn thịt trẻ con.
Bà ta vụt chạy ra cầu thang chung cư, nguyền rủa những kẻ vô danh. Bà ta nổi cơn, lồng lộn như thú dữ.
Zia Louche đưa thằng Vincent cho Octavia, bước xuống cầu thang, nắm tóc Lucia Santa lôi sềnh sệch trở lại. Kiệt sức, cả hai ngồi bệt xuống ghế thở hồng hộc.
Lâu lắm, Lucia Santa cầm lấy ly cà phê uống cạn một hơi. Bà ta tỉnh lại, sửa sang tóc tai cho đàng hoàng, thôi không nói bậy nữa. Ôi, nhà nghèo đâu có ngồi đó mà chơi được. Còn nhiều việc phải làm.
Bà mẹ âu yếm vuốt tóc Octavia:
- Mẹ phải tin con chứ. Sao con biết người ta muốn cướp luôn em bé?
Nhưng mấy tháng sau khi Octavia bảo bà chớ tái giá, bà mẹ chỉ cười.
- Đừng sợ gì hết con. Chừng nào mẹ còn sống thì chẳng ai đụng các con của mẹ được.
Bà mẹ ban phát sức mạnh và công lý, gia đình không bao giờ có thể bị sa sút được.

*

Larry Angeluzzi (chỉ mẹ nó gọi nó tên Lorenzo) vào tuổi mười bảy. Và đúng vậy. Nó vai rộng, tầm thước tay chân rắn chắc. Năm mười ba nó đã bỏ học đi lái xe ngựa cho Công Ty Giặt Ủi Phía Tây. Nó làm đủ chuyện: thu tiền, coi ngựa, cổ động, bưng những bao quần áo, leo cả bốn tầng lầu không thấy mệt. Ai cũng cho nó ít nhất mười sáu tuổi. Những bà có chồng lại rất thích nó.
Nó biết đàn bà lần đầu vào một lần giao hàng dễ dàng, nhẹ nhàng không có gì đáng để ý hay hào hứng lắm, như cho dầu mỡ bánh xe vậy thôi.
Rồi nó nhân một việc hùng hơn, cưỡi ngựa dẫn đường xe lửa chạy phom phom ngang thành phố, tiền kiếm khá, công việc nhẹ nhàng, lại có cơ hội thăng quan tiến chức nữa. Nhưng Larry nhiều tham vọng, muốn có ngày làm ông chủ, chứ không muốn mòn đời làm mướn.
Tuy còn nhỏ, đã có vóc dáng một tay hào hoa hữu hạng, nó có nụ cười rất tươi, phô hàm răng đều trắng bóng. Mặt nó có những nét đều đặn, tóc đen lánh, mi mắt dài, trông tự nhiên đã thiện cảm, lôi cuốn rồi.
Là đứa con tốt, luôn luôn đưa lương đủ cho mẹ. Dĩ nhiên có giữ lại một ít chi tiêu. Larry mười bảy tuổi, hiện đang sống ở Mỹ, chứ không phải ở Ý.
Không có tính huênh hoang, nhưng rất khoái được ngất ngưởng trên con ngựa đen trên Đại lộ Thứ Mười. Tay vung vấy ngọn đèn hiệu đỏ dọn đường cho toa xe lửa chở hàng theo sau. Khoái nhất khi vọt ngựa dưới lòng chiếc cầu bằng sắt và gỗ ở đường 30, thấy bọn trẻ ngong ngóng chờ nó và con tàu phun khói trắng mù mịt.
Thế nhưng tuy Larry rất cần cù, nói chung rất được, song có một tật xấu. Nó lợi dụng những đứa con gái nhẹ dạ. Đã có lần nhiều bà mẹ nổi khùng dẫn các ái nữ đến Lucia Santa bêu riễu kẻ xấu tùm lum, tố cáo đủ điều, nào là dẫn con gái người ta đi chơi quá khuya, nào là hứa lấy con gái để thọc bậy. Mang tiếng Sở Khanh, nhưng các bà nạ dòng, các bà già lại khoái nó. Nó luôn luôn giữ lễ độ, đúng phép như một chàng trai Ý nề nếp. Nó biết cư xử, sẵn sàng giúp một tay bất cứ khi nào ai cần mượn xe vận tải, giùm một dân mới dọn đến chung cư viếng một bà thím tuổi tác trong nhà thương thí Bellevue. Nhưng quan trọng nhát, nó tham dự nhiệt tình mọi biến cô cộng đồng đám cưới, đám táng, rửa tội, canh xác, chịu lễ lần đầu, chịu phép thêm sức, những tập quán thiêng liêng mà bọn Mỹ con thứ thiệt dè bỉu. Các bà già khen nó lịch thiệp, biết phải quấy. Nó được hâm mộ tới độ có người xin nó làm cha đỡ đầu cho đứa con của guargios (người bà con xa).
Nhưng Lucia Santa ngăn cấm, sợ thằng nhỏ hư thân mất nết, lên mặt kên kên không coi ai ra gì hết, một khi người ta dành cho nó một danh dự quá lớn.

*

Larry thả ngựa ngược đại lộ tới chuồng ngựa ở đường 35. Người coi ngựa đã đi ngủ, nó tự lo liệu lấy. Xong xuôi, nó được rảnh tay nghĩ đến việc làm ăn riêng.
Đi ngang đến nhà Le Cinglata trên đường 36, thấy mụ Le Cinglata tự tay rót rượu cho khách nhậu không ngại mời chào lả lơi mong kiếm thêm tiền lời. Lúc nào quán đông nhất cũng chỉ năm sáu người. Họ là thợ thuyền, những dân cu-li còn kẹt bên Ý.
Lão Le Cinglata sắp mãn hạn ba mươi lăm ngày tù. Ít bữa rày mụ vợ lão cứ luôn miệng trách móc bạn dân quá sốt sắng với chồng bà.
Khi Larry bước vào quán chỉ có ba bợm nhậu. Một anh đen đùi dân gốc Sicile biết lão chồng còn nằm ấp, bèn lợi dụng, nắm váy mụ vợ mỗi lần mụ đi qua, hát ong ỏng những bài hát huê tình Ý Đại Lợi. Thực ra hắn chỉ hơi rừng rú một chút, chứ không đến nỗi nào. Larry ngồi xuống bàn, nó khoái góp chuyện bằng tiếng Ý với các người nhiều tuổi. Nó cười đáp lễ mụ vợ Le Cinglata, vẻ tự tin của nó làm anh dân Sicile mích lòng.
Nhếch đôi lông mày chổi chà làm bộ ngạc nhiên, hắn quát to bằng tiếng Ý:
- Bà chủ Le Cinglata ơi, bà hầu cả con nít hả? Trời đất quỷ thần, tôi phải uống rượu với bọn con nít còn bú hay sao đây?
Mụ te te mang ra cho thằng Larry một ly cherry soda (dâu pha với sôđa). Gã dân Sicile nhìn thấy làm vẻ suýt soa:
- Xin lỗi bà chủ. Bà chủ cho tôi hỏi. Dạ, cậu này là con bà? cháu bà? Cậu che chở bà khi ông nhà chui rúc ở nhà tù? Xin lỗi bà chủ.
Hắn cười rống lên tới lúc nghẹt cổ.
Người đàn bà mập mạp béo tốt, sạch nước cản, gồ ghề, không mấy khoái nên nổi nóng:
- Đủ rồi, thôi nhé, hãy xéo đi nơi khác mà uống. Cầu Trời, ta quên kể vụ anh cư xử đẹp cho chồng ta nghe.
Gã dân Sicile chợt nghiêm giọng:
- Bà chủ hên lắm nếu không có ai ngứa mồm thông báo cho ông nhà về lối cư xử đẹp của bà. Sao bà chủ không chịu giao tình một người đàn ông hẳn hoi, thay vì đứa nhỏ miệng còn hôi sữa?
Nói rồi hắn chắp hai tay lên ngực, theo lối các đại danh ca trong lúc trình diễn nhạc kịch.
Mụ Le Cinglata không chột dạ hay mắc cỡ gì cả, nhưng thấy nổi khùng rồi. Mụ vắn tắt ra lệnh:
- Lorenzo ném cha nội này ra khỏi đây mau.
Câu nói của mụ chớ hiểu theo nghĩa đen. Mụ chỉ muốn Lorenzo thuyết phục hắn đi nơi khác cho rồi.
Larry nói với một giọng làm hòa với nụ cười thân thiện. Nhưng gã dân Sicile chạm tự ái, nên đứng phắt dậy, gào lên bằng thứ tiếng Anh ăn đong:
- Thằng nhãi con. Mày muốn ném tao ra khỏi đây? Tao sẽ ăn tươi nuốt sống mày, chứ đừng có rỡn.
Nói thật, thằng Larry cùng hơi rộn, hắn có vẻ nhiều tuổi, mà đánh một người già thì không nên. Gã Sicile lừ lừ tiến tới, bất ngờ thằng Larry phóng một cú tay phải ngay bản mặt đồ sộ. Gã té nhào xuống sàn. Nỗi sợ của thằng Larry tan biến, nó chỉ còn ái ngại mình hơi nặng tay trong trường hợp xử sự thiếu anh hùng.
Đôi tay cứng đơ, người dân Sicile không đánh đấm gì được nữa tuy gã có dáng dấp đáng sợ. Larry đỡ hắn lên ghế, đưa hắn một ly rượu anisette, lẩm bẩm mấy câu an ủi. Người đàn ông hất bỏ ly rượu, bước ra khỏi quán.

*

Đêm càng khuya. Khách uống tới đi. Vài người chơi bài trong góc phòng.
Larry ngồi một mình, hơi ân hận về câu chuyện mới xảy ra. Nhưng không lâu, cảm thấy kiêu hãnh, mọi người sẽ nể mặt, nhưng không coi nó là tồi tàn, độc ác được. No như người hùng Ken Maynard trong phim cao bồi, không bao giờ thèm đánh kẻ ngã ngựa. Nó thấy lâng lâng sảng khoái. Rồi mụ Le Cinglata đến bên, nói với giọng lả lơi trêu chọc, làm máu nó chảy mạnh. Tới lúc ra tay đây.
Mụ Le Cinglata nói mụ phải đi kiếm galông [1] vang và một chai anisette nữa. Mụ đi tuột vào phòng ngủ trong cùng. Larry líu líu đi theo, lắp bắp nói sẽ mang giúp một tay, như thể sợ mụ tức bực về âm mưu rắn mắt của nó, có biết đâu chính mụ mới là vai chính trong màn kịch quyến rũ. Thấy thằng nhỏ khóa cửa lại mụ vẫn ra bộ cúi xuống mấy hũ rượu sát tường. Thằng nhỏ tiến lại tốc váy mụ lên, mụ ú ớ kêu nho nhỏ: “Ồ, kỳ quá” lấy lệ. Giao tình xong tỉnh bơ nằm hút thuốc lá. Mụ đàn bà ngồi bật dậy sửa áo quần cho đàng hoàng, hai tay cầm hũ rượu và chai anisette cùng ra với thằng Larry đến chỗ khách uống.
Mụ Le Cinglata đưa rượu mời khách, mụ mang tới cho Larry một ly cherry soda mới, nhưng thằng Larry ngại không dám nâng ly, chả biết mụ đã rửa tay chưa?
Larry sửa soạn dọt. Mụ Le Cinglata xăng xái theo ra đến cửa, nói thầm: “Ở lại đây nghỉ đêm đi”. Thằng nhỏ cười toe: “Hê, bữa nay không được đâu. Bà già tôi sẽ đặt điều này nọ điếc con ráy lắm”. “Chà, thằng nhỏ thiệt khôn lanh, luôn luôn đem bà già ra làm bung sung mỗi khi muốn đánh nước bài chuồn”. Nhưng nó không về, lại đi tới chuồng ngựa. Bữa nay nó nổi hứng muốn ngủ trên ổ rơm, gối đầu trên yên ngựa làm gối. Nó không sợ tiếng động của lũ ngựa trong chuồng. Chúng không làm náo động những giấc mơ tiên.
Nằm lơ mơ, nghĩ đến tương lai, cũng như đã bao đêm thao thức, như tất cả những thanh niên khác. Nó cảm thấy nó có đủ hùng lực. Nó biết nó, hiểu nó, tin chắc sẽ thành công và vinh quang trong thế giới nó sống. Nó mạnh nhất trong những đứa bạn cùng trang lứa, bô trai nhất, cua đào thành công nhất. Vừa mới đây nó làm chủ được một mụ đàn bà gồ ghề, không dễ bắt nạt. Nó mới cho đo ván thằng cha to xác. Chĩ mới mười bảy tuổi, và trong đầu óc nó, thế giới sẽ đứng yên một chỗ, và sẽ không có ngày yếu đi, và cuộc đời sẽ mạnh hơn.
Nó sẽ mạnh, sẽ làm gia đình trở lên giàu có. Nó mơ đến những đứa con gái Mỹ trẻ trung, giàu có, có nhà cao cửa rộng lấy nó và yêu thương gia đình Larry.
Một mình đi trên Đại lộ Thứ Mười, cặp một đứa con gái nhà giàu, thiên hạ trầm trồ khen ngợi. Đứa con gái sẽ yêu thương gia đình nó. Nó không phải loại thanh niên mới, không bao giờ nghĩ có ai khinh được gia đình nó, mẹ có, chị nó, bạn nó, và coi tất cả đều ngoại hạng như nó vậy. Larry Angeluzzi tin chắc mình có số đỏ. Nó ngủ rất bình thản sau đó.
Trong gia đình Angeluzzi Corbo chỉ có những đứa trẻ - Thằng Vincent, Gino và Sal, đang ngủ trên chiếc giường chung, với những giấc mơ thật sự.
Chú thích:
[1] Một gallon bằng 3 lít 78.