Người đàn bà móc xấp giấp food stamps đưa Ánh. Ông Thanh lặng lẽ cho những món hàng của bà ta vào bao giấy. Ánh mở két lấy tiền thối. Người đàn bà cầm mấy đồng đô la xanh, chắc lưỡi cười toe, vừa nói vừa loay hoay móc túi:
"Thôi, còn một xấp nè; làm ơn đổi dùm tui luôn đi!"
Ánh cười, nhỏ nhẹ:
"Tội nghiệp mà, cảnh sát chìm thấy là chết! Tù đó! Em thối chị tiền đô chút chút...cho vui thôi!"
Người đàn bà đứng im. Mắt ngó dáo dác:
"Thật hả?"
Ánh lại cười. Đôi môi tươi màu son:
"Thật chứ!"
Người đàn bà đón bao đồ ăn từ tay ông Thanh, tất tả nói lời từ giã. Ánh vồn vã tiễn khách rồi nhẹ nhàng quay sang bảo chồng:
"Đóng cửa được rồi đó bố!"
"Ừ !"
Ông Thanh khoá cánh cửa sau lưng người khách. Lúc ông quay trở vào, Ánh đang loay hoay đếm tiền. Ngọn đèn trên trần đổ vàng xuống mái tóc dài quá mông. Óng ánh như suối. Nước da của người đàn bà trắng ngần. Người đàn ông lặng lẽ ngắm vợ. Mới đó mà đã mấy năm chồng vợ. Nhớ ngày nào người đàn bà ấy ngồi ôm chặt đứa con khoảng chừng đôi ba tháng trong khoang thuyền dơ dáy. Chỉ có hai mẹ con vượt biên với nhau. Người mẹ bế con ngồi thu lu trong một góc, thờ ơ với tất cả ồn ào chung quanh. Chốc chốc, nàng kín đáo xoay lưng, vạch áo cho con bú. Đứa bé ngủ li bì bên bầu vú mẹ. Thuyền ra khơi. Đêm đầu tiên đã cầm chắc cái chết. Bão. Sóng. Thuyền chơi vơi. Biển mênh mông. Thuyền trôi. Trôi theo những con sóng bạc đầu. Trôi theo thời gian dài bất tận. Trên thuyền không còn lấy một giọt nước. Thùng nước nhỏ cuối cùng đã chia cho đám đàn bà, con nít từ trưa hôm qua. Người mẹ ngồi dưới cơn nắng chói chang. Những giọt sữa thấm ướt ngực áo. Trong những cơn hôn mê chập chờn trên những đợt sóng, ông chỉ nhìn thấy những giọt sữa! Từng giọt, từng giọt, thấm qua lớp vải. Từng giọt, từng giọt, nhỏ xuống môi ông.
Qua bao ngày lênh đênh trên biển sâu và qua bao vòng tay của những người đàn ông man rợ, người đàn bà một con trở nên quẩn trí. Ông Thanh, trong vai người chồng hờ đã nhiều lần van lạy bọn đàn ông kia buông tha cho người đàn bà đẹp ấy, nhưng lần nào họ cũng đánh đập ông và dằn người đàn bà kia ra khỏi ông không một chút thương xót. Có lần, họ chẳng ngại ngần nắm một chân đứa con đưa ra boong tàu sẵn sàng quẳng nó xuống nếu mẹ nó còn chần chừ chưa kịp cỡi quần áo.
Cuối cùng người đàn bà ấy cũng mất đứa con yêu và trở thành mẹ của một đứa con hoang khác. Cha của nó, một gã cướp biển có tấm lưng chằng chịt những hình xâm gớm ghiếc, một tên thổ phỉ có giọng cười của quỉ dữ, hay một thằng bé con mới tập tành làm ăn cướp. Cướp người. Cướp của. Cướp tiết trinh. Cướp luôn cái giá trị còn sót lại của đám người bỏ nước ra đi chỉ vì khao khát được sống như một con người. Những gương mặt ghê rợn ấy trở thành mối ám ảnh kinh khủng của người đàn bà mỗi ngày khi mặt trời lên, khi đêm nắng tắt. Lúc nào họ cũng vây bũa lấy nàng; khi reo hò cợt nhã, khi đuổi tìm chém giết để đòi cái thai đã được trút ra khỏi thân thể nàng trong trại tị nạn. Họ bắt nàng phải thai nghén đứa con đó, nuôi nó lớn để trở thành chứng tích của lịch sử, một thành tích chiến thắng của những người giải phóng và những tên cướp biển.
Trong cơn hoạn nạn, ông dìu dắt người đàn bà kia ra khỏi những cơn điên loạn. Ông trở thành người bạn, người chồng và là bác sĩ tâm thần của nàng cho mãi đến bây giờ. Nàng yếu đuối như cái bong bóng nước mà bao năm nay ông phải giữ gìn chăm chút, chỉ cần một gợn sóng nhỏ thôi, nàng sẽ vỡ tan và biến đi trong lòng biển u ám.
Tiếng kêu của Ánh khiến người đàn ông giật mình:
"Sao cưng?"
Nàng ngẩng lên nhìn ông:
"Bố đói không ?"
"Không!"
Ánh liếc về cầu thang:
"Con ăn xong rồi, đang ngủ trên gác! Chỉ còn em với bố chưa ăn!"
Người đàn ông nhìn đồng hồ. Ngập ngừng:
"Em ăn trước nhé! Tối nay anh phải đi họp một chút. Lâu quá không đi, mấy ổng cằn nhằn chết."
Ánh nhẹ cau mày nhưng miệng thì cười hiền:
"Họp với hành gì mà khuya khoắt. Bố nhớ về cho sớm"
Ông Thanh gượng gạo:
"Em cứ vậy...mấy ổng đang tính lập hội, lập hè gì đó mà!"
Ánh cười nhẹ:
"Chi mà mệt quá vậy!"
Ông Thanh cầm lấy cái bao giấy, chậm rãi lấy mấy thứ vặt vãnh bỏ vào. Mắt không nhìn vợ:
"Anh đem ít đồ cho mấy người bạn."
Ánh lặng thinh. Người chồng bước lần về cửa:
"Em khóa cửa chắc nghe. Ăn cơm đi, tối anh về."
Người đàn ông ra khỏi nhà. Trời tối mờ. Ông hấp tấp mở cửa xe, đặt bao đồ xuống ghế sau. Ông bồn chồn nôn nóng, vừa bứt rứt vì phải dối vợ, vừa hối hả muốn gặp Ngâu. Giờ này không biết Ngâu có ở nhà không ? Ông lái xe ra khỏi sân. Đi về hướng phố. Một chiếc xe chạy vút qua. Tiếng nhạc ồn ào. Những điếu thuốc lập loè. Đám Mỹ con trên xe chu mấy cái miệng xì khói nhìn ông la lối, chê ông rù rờ, chậm chạp. Thành phố đã lên đèn từ lâu. Chưa tới muời phút đã đến nơi. Ông Thanh đậu xe bên lề đường. Ông bối rối, ngồi yên sau tay lái, thỉnh thoảng ngước mắt nhìn lên ô cửa sổ phòng Ngâu. Ánh đèn trong phòng toả ra khiến ông thấy mạnh dạn hơn. Nhưng lòng ông lại chùng xuống thật nhanh khi nhớ đến vợ. Ông thở hắt, bước xuống xe. Quay lưng lôi cái túi giấy trên ghế bên kia cầm trên tay, ông lầm lũi bước về phía chung cư.
Người đàn ông bước ra khỏi thang máy. Hành lang dài im ỉm. Người đàn bà Mỹ đi ngược về phía ông. Những ống cao su đủ màu treo tòng teng trên những lọn tóc đỏ hung hung như bả trầu. Gương mặt lạnh như quét vôi. Kệ! Cười với bà ta một cái, mất mát gì. Ông Thanh gật đầu. Môi cười thân thiện. Người đàn bà nghếch mũi dửng dưng. Ánh mắt chăm chú vào dãy hành lang mờ tối. Những cánh cửa đóng bưng bít như chưa một lần mở ra đối mặt với đời sống. Ông thở dài, dừng lại trước cánh cửa trắng mang số 45. Vòng dây khô treo trước cửa đính những cánh hoa bất tử xinh xinh. Ông đưa tay gõ cửa ngập ngừng. Bên trong, giọng Ngâu gằn lên bằng tiếng Anh:
"Ai đó?"
Người đàn ông bối rối đứng im. Giọng Ngâu càng thôi thúc hơn:
"Ai đấy? Cần gì ạ?"
Người đàn ông luống cuống:
"Ngâu....Bác....đây!"
Tiếng then cửa lách cách. Ngâu ló đầu ra, khựng nhìn ông:
"Ồ bác!"
Người đàn ông nói nhanh:
"Bác có việc đi ngang qua đây, nhân tiện ghé thăm con. Con...khỏe không ?
"Con vẫn thường, thưa bác".
Ngâu cúi đầu, tránh ánh mắt bẽ bàng của người đàn ông lớn tuổi. Mái tóc rủ xuống vầng trán. Gương mặt ngỡ ngàng, chịu đựng. Lòng dâng niềm thương hại; chợt nhớ ra nãy giờ ông vẫn còn đứng bên ngoài, cô mở rộng thêm cánh cửa, nhẹ giọng:
"Mới bác vào chơi."
Nét mừng rỡ hiện lên trong ánh mắt, người đàn ông nhẹ gật đầu, lặng lẽ theo Ngâu vào trong. Căn phòng nhỏ ấm áp, ngăn nắp. Ông đưa mắt nhìn quanh quất. Lòng lặng đi trong niềm sung sướng khi được bước vào thế giới của Ngâu, gần gũi với cái quá khứ mà ông đã từ bỏ. Đôi mắt ông dừng lại trên kệ sách. Tấm ảnh đen trắng đã ngã mầu khiến ông càng thêm luống cuống. Ánh mắt của người đàn bà trong hình như nhìn thấu suốt tim gan ông, vừa bao dung, vừa doạ dẫm tố cáo ông, một người chồng mang tội song hôn, một người đàn ông vô thủy vô chung không một lần rung động trước người vợ mà ông chưa một lần nhìn thấy mặt cho đến ngày đám cưới. Người đàn ông nén tiếng thở dài, dấu cơn buồn bã, vờ trỏ chậu trầu bà trên kệ:
"Cây nầy tốt nhỉ?"
Ngâu cười nhẹ:
"Vâng!"
"Giống này dễ trồng, không bao lâu dây sẽ ra dài lắm."
Ngâu gật đầu im lặng. Chờ đợi. Hoang mang. Sự hiện diện của ông Thanh mang đến cho cô một cảm giác cực kỳ bất an. Từ lâu rồi, ngay hôm đầu tiên gặp gỡ, giữa ông và cô có những khoảng cách thật đau lòng.
"Bác vẫn khoẻ chứ?"
"Ừ, con xanh quá!..."
"Vâng! Mấy hôm nay con ốm...nhưng sắp khỏi rồi. Dì và các em vẫn thường ạ?"
"Dì con thì lu bu với cửa hàng cả ngày!"
"Lu bu có nghĩa là khá đấy bác ạ, mai mốt mở thêm tiệm khác không chừng!"
"...Cũng chả ham. Thêm mệt con ơi!"
Ngâu cười nhẹ, lẳng lặng ngồi xuống đối diện ông Thanh. Hai bàn tay úp dài lên đầu gối. Cô ngồi yên, chờ đợi. Người đàn ông nhẹ đằng hắng:
"Mẹ có thư qua không? Các em thế nào?
"Cám ơn bác, mẹ con vẫn...vậy! Các em...cũng thế! Mẹ có nhắc đến..bác. Lo lắng cho bác và vẫn hối thúc con đi tìm bác!"
Lòng se thắt vì giọng nói thản nhiên, lạnh lùng của Ngâu, ông Thanh ngập ngừng:
"Mẹ...vẫn...không biết?"
Ngâu quay đi thật nhanh:
"Vâng, bác ngồi chơi...con đi pha trà!"
Người đàn ông chớp mắt, khoát tay:
"Thôi con! Cuối năm nay ra trường rồi hả? Mẹ sẽ mừng lắm!"
"Vâng!"
"Con đi làm thường ? Chỗ cũ đấy chứ ?"
"Vâng!"
"Làm cho nhà thờ vẫn tốt".
"Vâng!"
Ông Thanh ngập ngừng:
"Thầy Đính dạo nầy khoẻ không ?"
Ngâu ngước cặp mắt đen láy nhìn ông như cố đọc những ý nghĩ trong đầu ông, đôi lông mày hơi nhíu lại:
"Vâng....nhưng ông ấy không phải là thầy dạy con."
Người đàn ông gượng cười xoà:
"...Ừ, bác quen gọi thế! Ông ấy...khá lớn tuổi con nhỉ? Ông ta còn làm việc cho trường trung học gì đó không ?"
"Vâng!"
"Siêng nhỉ! Vậy mà ông ta cũng có thì giờ tham gia vào các công cuộc đấu tranh khắp nơi!"
Như nhìn thấu sự khó chịu của Ngâu; ông trầm ngâm, dè dặt:
"Ngâu ạ, bác biết bác không có quyền gì để xen vào chuyện tình cảm của con. Con nên dè dặt trong việc giao du với thầy Đính. Bác nghe người ta nó ông ấy đã có vợ..."
Ngâu ngước mắt nhìn ông Thanh, giọng thật sắc:
"Đối với con, ' người ta ' không là cái gì cả! Từ ngày đặt chân đến thành phố này, con không có sự chọn lựa nào hơn là đặt những lời nói của ' người ta ' dưới hai bàn chân."
Ông Thanh bàng hoàng trước phản ứng của Ngâu. Lòng ngập nỗi ăn năn. Ông nhìn Ngâu bằng ánh mắt đau đớn:
"Ngâu, bác xin lỗi con! Thật ra bác cũng không muốn thế. Định mệnh đưa đẩy...Hãy tha thứ cho bác."
Ngâu cười nhẹ:
"Nếu trên đời này thật sự có 'định mệnh' thì con sẽ không tha thứ cho nó và càng không bao giờ tha thứ cho bác!"
Người đàn ông nén tiếng thở dài, đánh trống lảng:
"Bác đem cho con ít đồ dùng!"
Ngâu mím môi. Cơn giận đổ chụp về, cuốn cô đi phăng phăng. Cô lạnh lùng nhìn ông Thanh đang loay hoay lôi những thứ lỉnh kỉnh trong bao giấy ra sắp lên bàn. Một hộp trà, chai maggi, nước mắm, dăm hộp thuốc. Cổ họng Ngâu khô đắng. Sao ông lại chịu đựng và bất lực đến như thế? Sao ông đến tìm cô làm gì để phải lấm lét như một người phạm tôi. Hèn. Cô không hận ông nhiều bằng hận cái hèn của ông. Dù giữa hai chúng ta không có chút tình cha con, tôi vẫn thèm khát được kính trọng bác kia mà. Ngâu cười gằn, nuốt nhanh mớ cảm xúc vừa bùng cháy xuống trong lòng.
Hình ảnh của mẹ cô thoáng qua nhanh. Bao dung. Nhẫn nhục. Nỗi tức tối lắng xuống lạnh ngắt. Cô ơ hờ nhìn ra nỗi cố chấp của mình. Cô cảm thấy mình thật thua kém mẹ. Có hề chi đâu một chút tình cảm rườm rà. Bà đã quá quen rồi với những mớ tình cảm rối nùi không lối thoát ấy. Suốt cuộc đời, bà sống trong đợi chờ mòn mỏi. Chờ những chuyến đi rất lâu và những lần trở lại rất ngắn của bố. Chờ tin hai người anh trai bị những người trong chiến khu bịt mắt dắt đi trong đêm tăm tối. Cửa nhà ly tán. Anh em thì kẻ Bắc, người Nam. Nỗi cơ cực của đời sống không cho phép bà cúi đầu nhỏ lệ. Khi những người miền Bắc được giải phóng khỏi những ngày tối tăm nghèo đói và khi một trong hai người anh còn sống sót trở về thì bà bị mất sạch. Người anh bất lực không thể đem những huy chương và bốn mươi năm tuổi đảng ra để bảo đảm căn nhà nhỏ mà mẹ con Ngâu đang sống. Căn nhà, dù sao vẫn còn giá trị của nó. Những ngày đầu tiên, người ta bắt bà đem con ra đường cầm cờ đón mừng giải phóng. Và không lâu lắm, họ ngang nhiên đuổi mẹ con Ngâu ra đường, đòi...giải phóng mớ tài sản không có bao nhiêu của cái gia đình một mẹ, ba con của Ngâu. Ôi! Một lần nữa, đời sống lại càng phù du hơn. Vậy mà bà vẫn bươn chải để nuôi con. Vậy mà ba đứa con cũng lớn lên. Lớn lên bằng những ước mơ, bằng những "huyền thoại" về một người cha không còn nhớ mặt. Lục lọi trong mớ ký ức cũ càng, Ngâu chỉ hình dung được "bố" là một cái bóng khi ẩn khi mờ bên cạnh mẹ con Ngâu. Ông chẳng mấy khi ở nhà và suốt quảng đời thơ dại Ngâu cũng chưa hề nhìn thấy ông một lần âu yếm mẹ. Những ngày ngắn ngũi ở nhà, ông quanh quẩn bên chị em Ngâu, khuyến khích chuyện học hành, săn sóc miếng ăn, giấc ngủ, hay ngồi trước sân uống trà, ngắm trăng rằm và xem chị em Ngâu múa hát những bài hát rất trẻ thơ. Năm lên đệ thất, Ngâu được đứng hạng ba, ông đến tận trường đèo Ngâu về trên chiếc Vespa. Ngâu ngồi ôm gói phần thưởng bọc giấy gương đỏ trong tay, lòng vui sướng nghe bố nói:"Lần sau, con đứng hạng nhất, bố sẽ về chơi với con thật lâu."
Tháng sau, Ngâu đem bảng danh dự về, nhưng bố chẳng bao giờ về nữa. Hạng nhất, hạng nhì, hạng ba; cũng làm bố quên luôn lời hứa nhỏ.
Sau này, mỗi lần đứng trên bãi nhìn về nơi cuối biển, cô hình dung con tàu của bố chập chùng trên sóng lớn. Con tàu đưa bố sang phía bên kia bờ đại dương xa lắc. Cô mơ được đi về phía cuối góc trời kia. Cô sẽ nhìn thấy bố, sẽ cầm được tay ông gọi hai tiếng "bố ơi", dụi đầu vào ngực ông và sẽ cùng ông nhỏ những giọt nước mắt xuống cho những người thân còn ở laị. Mười tám tuổi đầu, cô tìm đến ông bằng con thuyền nhỏ. Hành trang là bức ảnh của bố. Đứa con gái vượt bao nhiêu là sóng dữ, qua mấy trại tù. Vậy mà hôm nay trước mặt ông, cô với ông vẫn còn xa lắm. Xa nghìn trùng hơn biển lớn.
Dạo mới đến, người ta đã ráo riết giúp cô tìm bố. Người vợ mới của bố lạnh lùng, trầm tĩnh. Ông thì ngập ngừng, sợ hãi. Và cuối cùng ông cũng từ chối cái tiếng "bố" mà cô trân trọng dành cho ông. Những người Việt trong vùng xầm xì bảo ông sợ đi tù hay sợ bị trục xuất về nước vì lỡ khai gian lúc nhập cảnh. Vài người khác dè bĩu Ngâu thấy sang bắt quàng làm họ, vì dù sao ông Thanh cũng khá giả nhất trong đám người tị nạn ở đây, làm chủ một cái chợ nhỏ. Ánh, người vợ sau của ông là một người đàn bà trắng da dài tóc. Trẻ hơn chồng cả chục tuổi. Điềm đạm, ít nói. Ngay lúc ban đầu, bà ngọt ngào sửa Ngâu khi cô lúng túng gọi bà bằng "dì". Giọng bà ngọt sắc:
"Thôi, gọi là cô được rồi. Em mới qua lạ nước lạ cái, cần gì thì cứ nói! Giúp được cô sẽ giúp !"
Thỉnh thoảng vì nỗi mặc cảm nào đó, ông lén lút đến thăm cô. Cô gọi ông bằng "bác". Ông gọi cô bằng "con". Tiếng "con" thật...mơ hồ. Tự ái chỉ cho phép cô tiếp ông bằng cái lịch sự tối thiểu. Cả cộng đồng Việt Nam đều biết ông là cha của cô. Ông không nhìn cô. Hội từ thiện đành phải cưu mang cô. Cô sống lây lất giữa xứ người. Cô không trách cha. Mỗi con người đều có quyền chạy đuổi theo hạnh phúc riêng tư của mình, ngay cả chạy theo với một thái độ vô tình hay bội bạc.
Ngâu cố giữ giọng bình thản:
"Con đã nói với bác nhiều lần. Bác đến chơi, đừng đem gì cho con hết! Xin bác đừng để cho dì phải phiền."
Ông Thanh gượng gạo:
"Vài thứ vặt vảnh, có đáng gì đâu?"
Ngâu lạnh lùng:
"Những thứ này con tự mua được?"
Ông Thanh làm thinh. Đôi mắt đầy vẻ bất lực. Giọng Ngâu càng lạnh hơn:
"Bác đem về đi. Con không cần những thứ ấy!"
Người đàn ông nhẫn nhục, chịu đựng:
"Được rồi! Lân sau bác sẽ không làm vậy nữa."
"Bác ngồi chơi..con đi pha trà!"
"Thôi để khi khác. Bác còn phải đi có tí chuyện!"
"Vâng."
Ông đứng lên, nói như phân trần:
"Mấy ông... cộng đồng mời bác đến họp!"
Ông Thanh bước dần ra cửa. Ngâu đứng im. Cánh cửa khép vội vàng, không chút bịn rịn. Đôi mắt của người con gái bắt đầu đỏ hoe. Hình ảnh Đính quay tít trong cô. Nỗi tủi thân ùa lên như đê vỡ.
Từ cái đêm ở chợ khuya về, cô đã nhiều ngày không gặp Đính. Cô lẩn trốn hết tất cả mọi người. Ngoài giờ làm và giờ học, thời giờ còn lại cô giam mình trong phòng trọ, ngay cả điện thoại cũng không nghe. Càng lánh mặt Đính, nỗi nhớ nhung càng ngút ngàn, vô tận, nhất là đêm nay. Đêm nay nỗi nhớ đã tràn đầy. Giờ này, Đính đang làm gì? Và đang nghĩ đến ai?
Cô nhắm mắt, lưng dựa thẳng vào cửa, tay ôm lấy ngực, lắng nghe từng hơi thở đang dồn dập. Ngâu cảm thấy lạnh. Cái lạnh rờn rợn bủa ra từ sống lưng, lan dần lên cổ và xuống tay chân. Cô thèm một tách trà nóng. Thèm miếng gừng cay. Thèm bàn tay dịu dàng chăm sóc của Đính. Không! Đừng tự mâu thuẫn nữa Ngâu ơi! Hãy để cho Đính là cái bong bóng hạnh phúc màu hồng bay lơ lững giữa bầu trời xanh lơ. Đừng chụp bắt. Đừng chiếm hữu. Bất cứ sự đuổi bắt nào cũng làm cho cả hai cùng mệt nhoài, sợ hãi. Bình yên. Hãy cho tôi sự bình yên!
Lòng lắng dần theo nhịp thở. Ngâu mở mắt, đi lần đến ghế trường kỹ, ngồi xuống, với tay sang kệ sách kế bên, mở nút nhạc. Tiếng hát trôi bềnh bồng. Ngâu cuộn tròn trong ghế, mệt lả. Cô nhắm mắt. Thiêm thiếp. Đừng nghĩ gì nữa hết Ngâu ơi! Buông hết đi thì sẽ được nhẹ nhàng hơn. Giọng hát như ru, đưa người con gái đi dần vào một cảnh sắc kỳ quái. Ở đó, có giòng sông trắng như tóc mẹ già và có một người con gái mặc áo đỏ đang đi dọc theo bờ sông, đôi bàn chân trần nhảy múa mơ hồ bên mé nước. Và ở đó, có cái bong bóng màu hồng bay là đà trên lớp băng rồi bất chợt bị gíó hốt quăng lên, xoắn xuýt trong bầu trời đen thẳm...