Chương 23

Mùa Xuân trở về, thời tiết ấm áp.  Những tàng cây mộc đào đã chi chít hoa; cánh trắng như bướm, hay hồng như áo lụa.  Luống rau trong khu vườn nhỏ của Huệ mọc lấp xấp.  Mấy bụi cà đã đâm được mốt ít lá bé tí.  Dây khổ qua với những chiếc lá xinh xắn nhỏ bé vươn quá đầu gối, không bao lâu lá sẽ rợp xanh hết cả giàn.  Khi những luống uất kim hương gần tàn hoa thì mấy gốc hồng trước nhà Huệ đã rộn ràng nở rộ.  Nhiều hoa và thơm hơn hết là bụi hồng vàng, hồng tím bạc.  Cây hồng vàng mới đầu mùa nở hơn hai chục đoá, hoa vàng từ gốc tới ngọn, mùi hương ngọt ngào, ngây ngất.  Hồng tím bạc ít hơn nhưng có mùi hương sang và thanh thoát nhất trong các gốc hồng khác của Huệ.  Mỗi buổi sáng mở cửa ra, hương hoa ngào ngạt.  Một cánh lá mới lúc ra, một nụ hoa mới hé là niềm vui của Huệ.  Sức sống chuyền sang từ cây cỏ làm cho một ngày của Huệ có nhiều niềm tin và vui vẻ hơn.

Công việc nhà bận rộn khiến cho Huệ không còn lo nghĩ gì nhiều đến Lâm.  Hoạ hoằn lắm, Huệ mới đến thăm Lâm một, hai lần, không phải đội sương tuyết đem cơm mỗi ngày như xưa.  Từ ngày về với vợ chồng Hoành, tuy Lâm vẫn còn quái dị, ngớ ngẩn, nhưng cũng tạm yên ổn.  Từ ngày có mặt Lâm trong nhà, vợ chồng Hoành bỏ ý định muốn cha dọn ra riêng, vì mặt mũi hay vì lòng hiếu thảo gì đó.  Riêng phần ông Phong, muốn giữ thể diện cho con nên nguôi ngoai ở lại.  Mỗi lần khách khứa đến nhà, ít mấy ai gặp được ông. Tờ bào Thân Hữu vẫn nhắc đến Lâm thường xuyên.  Khi thì thông báo đã góp được bao nhiêu tiền để Lâm đi nha sĩ.  Khi thì loan tin là Lâm đã nhổ được mấy cái răng, ai bỏ thì giờ đưa đi, phí tổn là bao nhiêu v.v... Tên những nhà từ thiện lớn này lúc nào cũng được đánh bằng chữ hoa thật lớn.  Dần dần, các nhà từ thiện bắt đầu làm thơ.  Thơ tình.  Thơ thiền.  Thơ quê hương.  Lời thơ lai láng. Câu nào cũng ứa gan, mửa mật.

Những kẻ tọc mạch thì kháo với nhau rằng Lâm rất khéo tay.  Tất cả những chuyện nặng nhọc gì anh cũng không từ chối.  Từ việc đốn cây, rửa máng xối, làm vườn, trồng cây, cắt cỏ.  Chỉ cần nói với vợ chồng Hoành một tiếng, và dúi cho Lâm vài đồng mua cà-phê, thuốc lá là xong.  Mỗi ngày cuối tuần, "anh em" trong nhóm Thân Hữu thay phiên nhau "đón" Lâm về nhà cho Lâm có... không khí gia đình và làm những công việc mà những người anh em không muốn làm.  Vợ chồng Hoàng vừa mở tiệc mời các người anh em đến chơi, xem hồ sen mới đào.  Thì lập tức, Lâm được đặc phái sang nhà họ liền tay.

Cả một buổi sáng lang thang ngoài vườn quanh mấy luống cây khiến Lâm như người say nắng.  Anh ngồi xuống bậc tam cấp, hút vội vã một điếu thuốc, khoanh tay nhìn chăm chú lên cái lồng chim treo trên nhánh cây sồi sà thấp.  Con chim yến, đỏ như trái ớt chín, đang nhảy loi choi tránh né những cái que cây đang xỉa vào lồng.  Hai đứa con của Hoành đứa thì cầm que thọc, đứa thì liền tay nhặt những hạt dẻ rớt quanh quẩn dưới đất ném lên.  Mỗi ngày chúng đều làm tình làm tội nó với những trò quỷ quái.  Khi thì kê miệng vào lồng ra lệnh chí choé:"Ăn đi chim! Uống đi chim!" Khi thì bảo như hét:"Hót đi chim!". Lúc thì cải nhau, đánh nhau với những cơn la hét kinh hoàng.  Từ khi bị nhốt vào lồng, con chim yến đỏ sống những ngày tháng căng thẳng ghê gớm.  Mỗi lần, nhìn ra những chòm lá xanh mướt lung lay chung quanh, ánh mắt của nó toả ra một sự khát khoa, thèm khát vô tận.  Thèm được đậu bên những chiếc lá kia, chót vót trên cao để lặng lẽ, thờ ơ nhìn xuống đời sống con người bên dưới.  Nhìn. Rồi bay đi. Bay đi. Vẫy vùng trong bầu trời tự do của riêng nó.

Mới tuần trước đầy, khi những cành sồi cùng với muôn loài cây cỏ khác vừa xanh lá, nó còn bay lượn khắp nơi trên những cánh rừng.  Có khi mặt trời còn chưa lên cao lắm, nó và các bạn đã lởn vởn nơi bìa rừng sát bên hàng rào nhà Hoành.  Khi đấu hót.  Khi bay cao.  Khi nhảy nhót dưới những tàng hoa mộc đào.  Thật là vui sướng lắm! Nhưng bây giờ nó đã bị vướng vào cái thế giới hoàn toàn không có tự do của con người.  Từ ngày bị nhối, đôi cánh của nó như dài ra và nó cũng mất đi cái vẻ vô từ, liếng thoắng.  Ngày nào cũng ủ rũ như đang ốm.  Ánh mắt đau đớn, thèm khát sự tự do của nó khiến Lâm bồn chồn, se thắt. Ánh mắt con chim, trở nên một nỗi ám ảnh đeo đuổi theo Lâm suốt đêm ngày, không ngừng nghỉ.

Tiếng dép lẹp xẹp dừng lại sau lưng Lâm.  Ông Phong đứng bên cửa đưa mắt nhìn ra sân.  Trên thảm cỏ xanh dầy của nhà bên kia, bà hàng xóm trẻ tuổi đang nằm phơi nắng trên chiếc ghế bố dài, thịt da hớ hênh.  Ông ngán ngẩm, quay sang gọi cháu:

"Này, trưa nắng như vầy mà đứng đó! Mấy đứa cứ quần nó cả ngày làm sao nó chịu nổi.  Vào nhà mau lên."

Thấy hai đứa bé vẫn châu đầu vô lồng, đứng ì một chỗ, ông khẽ gắt:

"Đạt, mang em vào nhà đi con!"

Thằng bé ngơ ngác quay lại nhìn.  Thấy ông kêu, nó quẳng ngay cái que xuống đất vội vã quay sang kéo tay em gái.  Con bé vùng vẫy khỏi tay anh, mất thăng bằng té bệch xuống cỏ, khóc ré lên.  Con chim yến đỏ lẫn thằng bé đều giật bắn cả người.  Đạt lính quính, vừa kéo em gái đứng lên vừa nói như năn nỉ.  Nhưng con bé đã dẩy ra cỏ đành đạch như con rùa bị lật ngửa.... Càng dẩy dụa, càng khóc lớn.  Nghe tiếng ồn ào, vợ chồng Hoành chạy ùa ra.  Thu nhìn thấy cảnh giằng co giữa hai đứa nhỏ vội cau mày, hét:

"Đạt, làm gì mà lôi kéo em vậy?"

Thấy bố mẹ, con bé càng khóc lớn hơn.  Đạt luống cuống:

"Ông nội kêu 'mình' vào nhà, mà nó hổng chịu."

Ông Phong giả lã:

"Trưa đứng bóng như vầy mà tụi nó dang nắng cả tiếng đồng hồ rồi."

Nhìn gương mặt bù lu bù loa, đỏ rần vì nắng và cơn khóc chưa đã nư của con bé cùng vẻ bực bội của vợ, Hoành chẳng nói chẳng rằng, hầm hầm sấn đến bên con trai xán một tát tai nẩy lửa lên má thằng bé, quát:

"Vào nhà!"

Thằng bé lảo đảo, ôm má bước xiểng niểng vào trong, nước mắt ràn rụa, mặt mày tái mét.  Thấy anh bị đòn, đứa bé đang gân cổ khóc vội vàng nín khe.  Thu buông con gái, xoay qua nhìn chồng bằng cặp mắt trân tráo, mặt tím đi vì giận.  Hoành lập tức quay lưng bỏ đi.  Thu lôi con lướt ngang qua mặt ông Phong như rượt theo chồng.  Trong nhà, giọng nói của Thu át hết cả tiếng khóc của hai đứa nhỏ.  Ông Phong ngao ngán khép nhẹ cánh cửa, ngồi bệch xuống bên Lâm.  Người thanh niên nhặt một cành khô dưới chân, tựa cằm lên đầu gối, vẽ ngòng ngoèo trên mặt đất.  Bỗng nhiên anh ngừng tay, đầu nghiêng nghiêng, mắt dáo dác nghe ngóng, nói trổng không:

"Có nghe tiếng chuông không? Chuông chùa đấy..."

Đang bực bội, ông Phong cau mày, đứng phắt lên sau khi trả lời cộc lốc:"Không, ở đây làm gì có chùa mà chuông với mõ!". Không buồn nhìn ông Phong, Lâm để hết tâm sức dáo dác quan sát, lắng nghe từng tiếng động nhỏ chung quanh anh.  Trong nhà, tiếng của Thu vọng ra ồn ào, chát chúa.  Một hồi lâu vẫn không nghe thấy gì.  Lâm thất vọng tựa cằm xuống đầu gối, cúi đầu tiếp tục chăm chú vẽ những đường rối ren như trước.  Tiếng chuông ở đâu lại ngân lên từng hồi, từng hồi.  Nhịp nhàng.  Đều đặn.  Người thanh niên nhìn sững lên mặt đất, quẳng cái cành khô trên tay, nét mặt cực kỳ nghiêm trọng pha lẫn chút mừng rỡ, anh quỳ xuống, nhìn đăm đăm trên vạt đất lưa thưa cỏ rồi hấp tấp nằm dài cuống áp tai lắng nghe.  Vừa nghe, vừa lấy tay cào bới.  Trong tiếng thở nhịp nhàng của đất, anh nghe rõ ràng từng tiếng chuông nhẹ ngân, thanh tao, siêu thoát...

Cơn giận hờn của vợ chồng Hoành kéo dài suốt mấy ngày.  Ngoài hai đứa nhỏ, không ai nói chuyện với ai.  Ông Phong ở miết trong phòng.  Hoành lầm lì, chúi mũi vô ti-vi cả ngày.  Còn Thu thì quanh quẩn bên con gái.  Thằng bé Đạt cô đơn một mình, không buồn đùa giỡn, nó cũng không màng phá phách chú chim đang bị treo trên cành sồi nữa, chỉ ngồi xa xa, nhìn tới, mặt mày héo hắt.  Cái tát tai trên má đau rát khiến cho nó cảm thấy mình có tội.  Tội gì? Nó cũng không biết.  Nó đã làm ông nội buồn rầu, khiến ba mẹ nó cãi nhau, chọc cho em khóc, mẹ nói, em khóc muốn đứt gân cổ.  Trên ti-vi, khi người ta bị đứt gân cổ thì sẽ chết mất.  Nếu em nó chết thì tội của nó càng nặng lắm.  Mấy ngày nay, nó không dám bén mảng đến gần ai.  Nó chỉ cảm thấy an toàn khi quanh quẩn bên Lâm. Nhưng Lâm thì lúc nào cũng bận bịu, ngay cả khi không phải làm việc gì.  Vầng trán căng ra vì sự trì kéo của những dây thần kinh xanh, gồ ra hai bên thái dương như không ngừng vật vã với những điều suy nghĩ.

Buổi sáng im ắng.  Mặt trời đã lên cao.  Vợ chồng Hoàng đã chở con gái đi đâu từ sớm.  Thằng Đạt lủi thủi thức dậy, ăn vội vàng chén céréal của ông nội lấy cho rồi lủi ra vường.  Lâm đang ngồi trên bậc tam cấp cố hữu với điếu thuốc trên tay.  Thấy Lâm, nó ngần ngừ đứng lại.  Đôi mắt lấm lét.  Lâm chăm chú nhìn thằng bé, vỗ nhẹ xuống nền xi-măng:

"Tới đây!"

Nó chần chừ rồi không hiểu sao lại ngoan ngoãn đến ngồi xuống cạnh Lâm.  Nó chống tay lên đầu gối, im lặng chờ đợi, lơ đãng nhìn lên cành sồi.  Con chim đỏ đứng rũ trong lồng, dáng điệu dàu dàu như đang ốm nặng.  Lâm nhìn thằng bé, mặt nghiêm trọng:

"Có nghe gì không?"

Đạt ngơ ngác, lắc đầu, mắt mở tròn xoe.  Lâm nghiêng đầu, chắc lưỡi:

"Không nghe thật à?!

Nhìn tằng bé lại lắc đầu, Lâm lầu bầu:

"Đâu phải ai cũng nghe được, dễ gì...Này, có biết "tai trâu" là gì không?"

Đạt bẽn lẽn cười, lắc đầu.  Lâm nói một hơi:

"Tai trâu là tai không biết lắng nghe người khác, không nghe thì không biết cảm thông; không biết phân biệt được lời hay tiếng xấu, tiếng chuông và tiếng súng, tiếng chim hót và tiếng chim than, tiếng mưa và tiếng khóc.  Tai trâu là tồi, là vô dụng."

Búng mẩu tàn thuốc ra xa, Lâm vui vẻ hỏi trổng:

"Muốn nghe kể chuyện không?"

Thằng bé nhoẻn miệng cười, gật đầu lia lịa.  Lâm tằng hắng, chỉ tay vô ngực nó, nghiêm nghị như thầy giáo:

"Muốn nghe thì phải lắng tai nghe, đôi tai nằm ở trong trái tim chứ không phải đôi tai đầy cứt ráy trên đầu đâu!"

Mặc cho thằng bé chớp đôi mắt ngơ ngác nhìn mình, Lâm cất giọng đều đều kể:

"Ngày xưa, xưa thật là xưa...khi con người chưa hiện hữu.  Trái đất là một nơi cằn cỗi, mưa không ướt đất.  Quanh năm hạn hán.  Đất nứt nẻ ra.  Muôn loài cầm thú chết hằng hà sa số! Nhiều nhất là loài sâu bọ và vô số chim muông.  Tiếng nhạn hồng kêu thương vào mỗi buổi chiều nghe thê thiết lắm! Có một cây cổ thụ kia động lòng trắc ẩn bèn nguyện làm chỗ trú thân cho muôn loài cầm thú.  Khi nắng thì vươn cành che nắng.  Khi mưa thì xoè lá ra hứng nước để dành cho các chim muông, côn trùng, cùng thú dữ uống.  Từ đó, các con vật không những có chỗ nương thân còn biết tới đó tìm nước uống.  Lòng từ tâm của cây ấy dấy động đến ba nghìn thế giới.  Ngọc Hoàng bèn sai thần mưa xuông cho mưa.  Sau này, khi cây linh mộc ấy chết đi liền hiện thân thành bồ tát.

Thằng bé rụt rè hỏi:

"Bồ tát là cái gì?"

Lâm cười khề khà:

"Là một người tốt bụng, cho dù nhỏ bé như sâu bọ hay chim chóc cũng đều được người ấy đối xử tử tế."

Thằng bé ngước đôi mắt long lanh nhìn về phía cái lồng chim, mạnh dạn hỏi:

"Ba mua lồng cho chim ở, mua thứa căn cho chim và cho chim uống nước thì ba cũng thành bồ tát hở chú?"

Nụ cười trên môi Lâm vụt tắt nhanh như sao băng.  Anh cau mày, mặt phừng phừng:

"Không! Là quỷ sứ thì có..."

Thấy Lâm bỗng dưng nổi cơn, thằng bé co rúm người, mặt lấm lét. Lâm quơ tay lên khoảng không:

"Người ta đâu cần có thức ăn thức uống gì! Tự dưng bắt người ta nhốt vào cái lồng chó ấy! Dồn người ta tới chỗ chết...ĐDể đấy mà xem, nó sắp chết rồi đấy! Không thả nó ra, nó sẽ chết.  Thấy chưa, nó có ăn uống gì đâu."

Thằng bé cúi mặt, tiu nghỉu.  Mắt rơm rớm. Lâm hằn học đứng lên, bỏ đi lần về phía cuối vườn.  Trong khoảng sân rộng bên kia hàng rào, bà hàng xóm lại đang tắm nắng trên chiếc ghế bố dài.  Mái tóc bới lên cao.  Mảnh quần tắm hình tam giác màu xanh da trời xanh lơ trên làn da bạch tuột.  Chiếc áo tắm rớt thỏng thợt trên ghế. Liếc nhanh về phía khói thuốc đang toả lên trên tay Lâm; bà chồm dậy nửa người, với lấy ly nước ngọt trên chiếc bàn con kế bên, ngửa cổ uống một hơi dài.  Cái lưỡi bò ngang trên vành môi.  Đôi bầu vú đong đưa.  Người đàn bà khép mặt, chườm ly nước lên ngực, nhẹ lăn.  Tiếng nước đá khua vào nhau líc lắc.  Lâm khựng lại nhìn, nhổ toẹt một bãi nước miếng xuống cỏ, lầm bầm:

"Làm trò khỉ gì thế?"

Anh đi xăm xăm laị trước luống cà.  Những nhánh cà oằn trái đang sà cả xuống đất.  Mấy nhánh cây khô anh cắm chung quanh làm cọc cho chúng đã bị hai anh em Đạt nhổ sạch tự bao giờ.  Lâm chắc lưỡi; mò mẫm đi lượm mớ cành khô rớt quanh hàng rào, quỳ xuống cắm quanh mấy bụi cà.  Dưới gốc cây sồi, thằng Đạt chơi lủi thủi một mình, chốc chốc cứ ngước mắt nhìn lên lồng chim với đối mắt trẻ thơ đầy hoang mang bối rối.