Chương 29
Kỉ vật cũ của người bạn bên núi Ngự Bình

Ở giữa ngã ba đường đất mòn ven rừng, gần một xóm đồng bào ở vùng dưới tản cư lên, có gian hàng vừa cắt tóc vừa bán quà bánh và nước lá chè xanh, dựng bằng tre, lợp lá, bề ngoài lụp xụp như bất cứ một gian hàng bán nước nào ta gặp trên các nẻo đường nông thôn Việt Nam. Chủ nhà đã đứng tuổi, khoảng ngoài năm mươi, lúc nào cũng đeo cặp kính lão, mặt vuông, môi mỏng, tóc húi cao. Vóc người gã to cao, có vẻ chậm chạp, lù đù, lúc nào cũng mặc bộ quần áo bà ba đen, có vẻ không chú ý đến việc gì khác ngoài cái tông-đơ, cái kéo của gã. Tuy vậy, nếu ai là người tinh ý thì thấy gã tuy đang cặm cụi như có vẻ tập trung vào công việc của mình đang làm, nhưng tất cả những câu chuyện của khách hàng ngồi bên ghế hàng nước của vợ gã đều không lọt khỏi tai gã. Ngược lại với vóc người to lớn của chồng, vợ gã bé nhỏ, gầy yếu như người có bệnh lao. Mụ cũng ít nói, chỉ lặng lẽ rót nước, bày mấy cái kẹo, bao thuốc lá ra mời khách. Hai vợ chồng gã không con, ai hỏi thì đáp là có đã mấy lần nhưng đều không nuôi được cả. Gian hàng ấy, hai vợ chồng gã dựng đã lâu, từ ngày xóm này có nhiều đồng bào nơi khác tản cư đến. Hai vợ chồng ít tiếp xúc, chẳng hay đi đâu, tối đến đóng chặt cửa nên cũng chẳng ai để ý đến họ. Người ta gọi gã là “ông Sinh cắt tóc”. Ngoài cửa hàng gã có treo cái biển nhỏ với mấy chữ “Cắt tóc” bằng sơn đỏ. Đồ đạc trong nhà cũng chỉ có cái giường, cái chõng tre, một cái tủ bằng ván, thường lúc nào cũng khoá chặt, mấy cái quần áo luộm thuộm.
Mai Lan tìm đến cửa hàng của “ông Sinh cắt tóc” đó. Chị đứng nhìn cái biển treo ở cửa, nhận ra dấu hiệu người ta dặn chị. Chị nhớ lại sau khi nhận lời với Phan Thúc Định ra vùng giải phóng thì một buổi tối, Phan Thúc Định lái xe đến đón chị. Anh ta đưa chị đến một căn nhà riêng, ở đó có một người khoảng sáu mươi tuổi, mặc áo thầy tu, bệ vệ ngồi chờ. Chị nhìn khuôn mặt bì bì, lông mày rậm, quai hàm bạnh, cặp môi dày của người mặc áo thầy tu thấy hao hao giống khuôn mặt Ngô Đình Diệm mà nhà nào ở trong thành phố cũng phải treo ảnh. Người đó chăm chú nhìn chị, cái nhìn làm chị không giữ nổi sự e thẹn của giới tính. Lão hỏi chị về gia đình. Được sự dặn trước của Phan Thúc Định, chị nói về Lý Lâm và mấy đứa con. Lão hỏi chị về đường đi lối lại ra vùng giải phóng. Lão hỏi chị về những người quen của chị trước kia ở ngoài đó. Lão đặt ra một số câu hỏi có tính chất giả thuyết yêu cầu chị trả lời: nếu Việt Cộng hỏi giấy và lí do ra ngoài đó thì nói thế nào? Nếu Việt Cộng nghi ngờ giữ lại thì sẽ đối xử ra sao? Nếu không tìm thấy những người định liên lạc thì sẽ làm gì? Nếu tìm thấy rồi, nhận các thứ của người ta trao cho mà lỡ bị bắt thì sẽ xử trí như thế nào? Nếu có người theo dõi thì đối phó như thế nào?
Sau khi thấy những câu trả lời của Mai Lan vừa ý mình, người mặc áo thầy tu có vẻ bằng lòng. Lão nói với chị:
- Con thấy việc làm này có khó khăn gì với con không? Con có ngần ngại gì không? Nếu có phần ngại gì thì cha không ép. Không à? Tốt lắm! Chúa sẽ phù hộ cho con! Con hoàn thành được việc này về thì con sẽ được thưởng rất nhiều tiền, con muốn hàng chục vạn đồng cũng được. Cha sẽ can thiệp để con có thể chung vốn buôn bán với mấy cửa hàng vải lớn.
Lão dặn chị tỉ mỉ khi ra vùng giải phóng thì đến đâu, cách nhận xét những dấu hiệu để liên lạc như thế nào… Cuối cùng lão đưa chị một tập giấy bạc và một viên thuốc tròn như viên dầu cá, nói:
- Con cầm lấy trước ít tiền mà mua sắm cho con cái. Đây mới chỉ là một phần nhỏ cha tặng riêng con trước, sau này, con sẽ nhận những phần lớn hơn. Còn viên thuốc này, con cầm lấy, cất cẩn thận, đề phòng lúc nào bị Việt Cộng bắt, con hãy ngậm vào miệng và cắn dập nó ra. Ấy là cha nói phòng xa thế thôi. Con cứ yên trí, các con con đã có cậu và ông Định đây lo lắng chu tất.
Rồi lão dặn một lời cuối cùng:
- Con cũng nên nhớ rằng những kẻ phản bội sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Thôi, con có thể về được. Cầu Chúa phù hộ cho con!
Mai Lan im lặng. Cầm số tiền và viên thuốc theo Phan Thúc Định đi ra. Ngồi trên xe hơi đưa chị về nhà, Phan Thúc Định hỏi:
- Chị nhớ tất cả những điều Đức Cha dặn chớ?
- Dạ, có!
- Chị làm ơn nhắc lại những lời Ngài dặn tôi nghe xem nào: đến đâu, gặp người như thế nào, nói những gì?
Mai Lan nhắc lại không sai một lời. Sau đó, chị nói:
- Tôi nghe lời ông dặn nên vừa rồi Đức Cha nói gì, tôi im lặng nghe. Bây giờ, tôi xin gởi lại ông số tiền này. Tôi ra đi tìm giúp ông người bạn cũ của ông là để tạ cái ơn ông đã nhiều lần giúp gia đình chúng tôi chứ không phải vì những đồng tiền này.
Phan Thúc Định gạt đi:
- Tôi hiểu tấm lòng tốt của chị và tôi cảm ơn chị đã giúp tôi. Tôi hoàn toàn không bao giờ dám đánh giá thấp chị, có ý nghĩ xấu là chị giúp tôi vì thế này, thế nọ. Nhưng đây không phải là tiền của tôi. Đức Cha cũng muốn giúp tôi, tạo điều kiện cho tôi tìm được người bạn cũ của tôi thôi. Chị cứ cầm lấy, nếu cần tiêu gì chị cứ tiêu, nếu chị không muốn tiêu, chị cứ để đấy, biết đâu chẳng có lúc cần đến. Chị chỉ cho tôi xin lại cái viên thuốc vừa rồi và chị đừng cho ai biết là chị đã đưa nó cho tôi.

°

° °

Mai Lan đã tìm đến cửa hàng nửa cắt tóc, nửa bán hàng nước này. Chị nhận ra cái biển cắt tóc sơn đỏ, nhìn kĩ người chủ nhà đeo kính lão, tóc húi cao. Lúc ấy, bên hàng cắt tóc vắng không có ai và bên hàng nước cũng không có khách. Chị lại gần gã chủ đang mài chiếc dao cạo trên một viên đá mài. Chị nói nhỏ vừa đủ lão nghe thấy:

- Chào ông, tôi có ít thuốc trụ sinh (60) của Nhật Bản muốn bán, ông có mua không?
Nói xong chị cố tình quay chiếc làn xách tay có buộc ở tay một miếng kim loại trắng có hình nửa chữ thọ cho gã nom thấy. Nghe chị hỏi, lão giật mình, quay lại. Cặp kính trắng trệ xuống sống mũi, gã ngước mắt nhìn chị từ đầu xuống đến chân. Gã lắc đầu:
- Ở đây tôi chỉ cắt tóc thôi, không mua bán gì cả.
Nói xong, gã lại cúi xuống tiếp tục mài con dao cạo vào viên đá mài. Mai Lan ngạc nhiên. Sự việc diễn ra không đúng như lời người mặc áo thầy tu dặn chị. Hay là chị nhầm? Chị thử lại lần nữa, và vẫn giơ chỗ quai làn có buộc miếng kim loại ra phía trước, nói:
- Tôi có thuốc trụ sinh của Nhật Bản muốn bán. Có người mách bảo ông cần mua.
Gã chủ nhà lần này không ngẩng đầu lên, giọng có vẻ hơi bực như bị làm phiền:
- Tôi đã nói với chị là tôi không mua bán gì cả.
Mai Lan thất vọng. Chị đứng tần ngần, không biết nên xử trí ra sao. Có lẽ phải về không chăng? Không biết làm gì hơn, chị quay gót.
Chị vừa quay ra thì gã thợ cạo đứng dậy, bỏ dao vào ngăn kéo, rửa tay. Gã ra cửa nhìn theo chị. Gã thấy Mai Lan đi vơ vẩn như người mất phương hướng. Quãng đường vắng ngắt không có một bóng người.
Vùng này, đồng bào ở dưới đồng bằng tản cư lên làm nhà ở rải rác cái này cách cái kia hàng trăm mét vì sợ địch thả bom, bắn phá. Chị ta chẳng rẽ vào nhà ai. Rõ ràng đây là một người từ nơi khác đến. Cách ăn mặc, điệu bộ đi đứng đó phải là con người thành phố. Gã thợ cạo nhìn quanh một lượt. Vẫn không có một bóng người. Lúc này, Mai Lan đã đi đến một cánh đồi thông…
Lão chủ quán bước ra khỏi nhà, đuổi nhanh theo chị. Lão không theo con đường chị đang đi mà đi tắt theo một lốt khác. Mai Lan đang đi trên đồi thông, có tiếng gọi đằng sau:
- Này chị bán thuốc!
Chị giật mình quay lại. Gã thợ cạo đang rảo bước để kịp chị. Đến gần chị, gã nói nhỏ:
- Tôi mua thuốc trụ sinh của chị. Chị đưa tôi xem nào.
Tim Mai Lan đập rộn lên. Chị tháo mảnh kim loại thuốc ở quai làn ra đưa cho gã. Gã cầm lấy và lấy trong túi áo của gã ra một mảnh kim loại khác. Gã chắp hai mảnh vào nhau thấy vừa khít, nét hai nửa chữ thọ khớp vào nhau làm một. Gã đưa trả lại chị mảnh kim loại, thái độ khác hẳn:
- Xin lỗi chị. Chị biết rằng nghề của chúng ta cẩn thận không phải là thừa. Bọn chúng nó tinh quái lắm! Chị theo tôi.
Mai Lan đi theo gã. Gã dặn chị:
- Ai hỏi, chị bảo là cháu gọi tôi bằng chú. Gọi ngay từ bây giờ cho quen đi, tuyệt đối không được lẫn. Tìm đến chú để hỏi thăm chồng là bộ đội kháng chiến tập kết ra Bắc, đã bốn, năm năm nay không có tin tức…
- Dạ, Đức Cha cũng dặn như thế.
- Chị vừa mới lên đến đây?
- Dạ. “Cháu” vừa mới đến đây và tìm ngay đến nhà “chú”.
- Đức Cha dặn chị đi có việc gì?
- Ngài dặn ra gặp “chú” để “chú” đưa đi gặp “người bạn cũ bên núi Ngự Bình”.
Gã thợ cạo ờ ờ mấy tiếng trong cổ. Mai Lan vẫn nói tiếp:
- “Chú” cứ nói với người đó là “cháu” đã ra và “người bạn cũ” của ông ta muốn xin lại ông ta “những kỉ vật cũ”.
Gã thợ cạo lại ờ ờ mấy tiếng trong cổ họng.
Gã đưa Mai Lan quay trở về cửa hàng, bảo mụ vợ:
- Mụ này, “cháu” nó đến thăm.
Và gã quay sang bảo Mai Lan:
- Cháu chào “thím” đi. Nghỉ ngơi rồi ở đây ăn cơm với “chú thím”.
Mụ vợ gật đầu đáp lại lời chào của Mai Lan. Hình như mụ đã có thói quen không bao giờ hỏi lại chồng điều gì. Mụ cứ ngồi lẳng lặng, bé nhỏ sau cái chõng hàng nước. Gã chồng chỉ chỗ cho Mai Lan để làn, đưa chị vào sân, chỉ cho chị bể nước chỗ bếp thổi cơm. Gã nói:
- “Chú” lấy gạo, “cháu” thổi cơm ăn. Tối hôm nay “cháu” ngủ lại đây với “thím”. “Chú” đi đằng này một lúc.
Gã lấy củi, lấy gạo, lấy nồi cho Mai Lan thổi cơm, ra dặn mụ vợ mấy câu gì đó rồi đi.
Mal Lan đi thổi cơm. Mụ chủ nhà ngồi ngoài nhà trông nhà.
Cơm chín một lúc mới thấy gã thợ cạo về. Gã nói nhỏ với Mai Lan: “xong rồi” và giục mọi người đi ăn cơm.
Ăn xong, gã hỏi Mai Lan:
- Đức cha dạo này có khoẻ không?
- Ngài khoẻ lắm. – Mai Lan đáp.
- Đức Cha có dặn gì riêng tôi không?
- Ngài dặn rằng ngài rất bằng lòng và tin tưởng “chú”.
Gã có vẻ không chú ý gì đến điều đó, sau cặp kính lão, đôi mắt gã ngước lên thăm dò:
- Chỉ có thế thôi à?
- “Cháu” đã nói hết đâu… Ngài nói rằng số tiền của “chú” hàng tháng ngài vẫn để riêng ra. Nếu chú muốn gửi ngân hàng lấy lãi hoặc muốn góp vốn với công ty kinh doanh nào thì ngài sẽ giúp.
- Còn các con tôi?
Mai Lan nhắc lại những lời lão thầy tu dặn:
- Cậu lớn sắp được đi tu nghiệp ở trường võ bị bên Hoa Kỳ. Cậu thứ hai cũng sắp tốt nghiệp trường Đà Lạt.
Sau cặp kính lão, đôi mắt gã lấp lánh.
Từ lúc đó cho đến tối, gã không hỏi gì thêm Mai Lan nữa. Đến tối, gã đóng cửa, để Mai Lan nằm ngủ với mụ vợ gã trên giường, gã bắc chiếc chõng tre nằm ngay sát cửa. Mai Lan lạ nhà, nóng ruột, nghĩ ngợi mông lung không sao ngủ được. Cạnh chị, mụ chủ nhà, còm nhom, co quắp ngáy.
Mai Lan ở lại đã ba hôm vẫn chưa gặp được “người bạn cũ bên núi Ngự Bình”. Hàng ngày, lão Sinh vẫn ở nhà, thấy ai là cán bộ vào quán, gã đều hỏi thăm tin tức của người cháu rể “tập kết ra Bắc”. Rồi chỉ vào Mai Lan, gã giới thiệu:
- Vợ nó đó… Tội nghiệp! Không rõ chồng nó ở nơi mô mà hỏi không ai biết đến.
Đêm ấy, vào lúc 12 giờ, Mai Lan đang thao thức thì bỗng nghe có tiếng gõ cửa se sẽ. Gã chủ nhà bật ngay dậy, nghe từng tiếng một. Sau khi nhận đúng ám hiệu, gã không châm đèn, nhè nhẹ rút then cửa. Một bóng người dong dỏng cao lách vào. Cánh cửa đằng sau cái bóng khép nhanh lại. Một ánh đèn pin nhỏ bằng hạt đỗ, ở một chiếc đèn đã được bịt cẩn thận, soi đường.
Gã chủ nhà sẽ lay Mai Lan. Mai Lan vẫn để ý tất cả mọi việc xảy ra nhưng giả vờ như lúc ấy mới choàng tỉnh dậy. Tiếng gã thì thào:
- Mang hàng mẫu đi theo tôi!
Vẫn ánh đèn pin nhỏ như hạt đỗ soi đường, ba bóng người đi xuống bếp. Đêm tối làm Mai Lan không nhìn rõ mặt người mới đến. Người mới đến hỏi chị:
- Nghe nói chị có thuốc trụ sinh của Nhật Bản muốn bán. Chị làm ơn cho tôi xem.
Tiếng nói từ tốn thanh nhã chứng tỏ của một người có học. Mai Lan đưa mảnh kim loại ra. Người lạ mặt đó lấy và cũng so vào miếng kim loại gã cầm ở tay. Ánh đèn pin soi vào. Chữ thọ khép làm một. Ánh đèn pin tắt đi và người lạ mặt đưa trả mảnh kim loại cho Mai Lan. Gã quay về phía chủ nhà:
- Anh ra gác ngoài cửa cho tôi.
Gã chủ nhà lẳng lặng vâng lệnh, đứng lên.
Còn lại hai người, người lạ mặt hỏi Mai Lan:
- Chị cho biết chị cần gì?
Mai Lan dõng dạc nói:
- “Người bạn cũ bên núi Ngự Bình” hỏi thăm ông và muốn “xin ông những kỉ vật cũ”.
Người ấy có vẻ xúc động. Gã ngồi im một chút rồi nói:
- Tôi vẫn mong tin! Tôi mong tin quá!
Gã lại hỏi:
- Bạn tôi có nhắn gì tôi nữa không?
- Có! Nhắn với ông là sắp đón ông về. Ông chuẩn bị để về.
Người lạ mặt thở mạnh. Gã móc từ túi áo trong ra một ống sắt nhỏ dài, giống như bất cứ một ống đựng hai mươi viên thuốc tân dược nào, đưa cho Mai Lan:
- Chị đưa hộ tôi “kỉ vật” này cho bạn tôi. Chị phải giữ hết sức cẩn thận, đây là tính mệnh của chị, của tôi đấy. Chúng ta có thể chết chứ không để “kỉ vật” này lọt vào tay người khác.
Người lạ mặt đứng dậy, nói rất nhỏ:
- Chị cất kĩ đi. Đừng cho lão chủ nhà biết. Không phải sợ lão phản đâu, nhưng nguyên tắc là người nào biết việc của người ấy. Đêm nay chị không ngủ thì càng tốt. Sáng mai, chị nên lên đường về sớm. Tôi xin nhắc lại: hết sức cẩn thận nhe! Đó là tính mệnh của chị đấy! Còn tôi… việc xong rồi, tôi sẽ xoá hộp thư sống này… Chị báo cáo với anh bạn của tôi như vậy.
Mai Lan không hiểu gã định nói gì ở câu cuối “sẽ xoá hộp thư sống này”, định hỏi lại thì gã đã chìa tay ra:
- Thôi, chào chị. Hẹn tái ngộ ngày thắng lợi.
Người lạ mặt quay ra. Cái bóng dong dỏng cao của gã nhoà lẫn với bóng tối. Gã đứng lại dặn chủ nhà mấy câu gì đó. Tiếng mở cửa nhè nhẹ. Bóng đêm tối đen nuốt lấy gã.
Sáng hôm sau, Mai Lan dậy từ sớm, lên đường trở về nhà.

°

° °

Ngô Đình Thục thận trọng mở cái ống sắt nhỏ như ống thuốc viên tân dược ấy ra. Trước cặp mắt chăm chú của Ngô Đình Cẩn, lão moi ra một cuộn phim nhỏ xíu mà bề ngang chỉ bằng 8 mm. Sau khi dùng một chiếc kính lúp đặc biệt soi vào cuộn phim ấy qua ánh đèn, lão không giấu nổi vẻ vui mừng:

- Tốt lắm! Tốt lắm! Lạy Chúa!
Lão nói tiếp:
- Phải đưa phòng chuyên môn phóng to ngay ra!
Lão móc tiếp trong ống ra một tờ giấy to, mỏng, gấp rất cẩn thận. Lão trải tờ giấy ấy ra bàn. Tờ giấy trắng ghi những con số, những chữ mà người khác nhìn vào thấy rất lộn xộn, vô nghĩa: “… 57 Sa Đéc, Trường Sơn, tín hiệu 448, núi Vọng Phu, Sài Gòn nắng, Pleiku, Ngô Tòng Chu, Nguyễn Ánh, 721 Cửu Long…
Ngô Đình Thục móc từ túi ngực bên trong áo thụng đen ra một quyển sổ tay bìa da rất đẹp. Lão đọc từng chữ trên tờ giấy và tra trong quyển sổ tay như tra từ điển. Mỗi một chữ hiện ra làm nét mặt lão rạng rỡ thêm một chút. Lão đọc hết một lần, đọc lại một lần nữa và giảng giải cho Ngô Đình Cẩn nghe. Niềm vui sướng của lão thầy tu truyền cho gã em. Ngô Đình Thục nhấn mạnh:
- Lạy Chúa! Phải hành động ngay rồi! Kế hoạch “Gió đã xoay chiều” của chúng ta vẫn chưa hoàn toàn thất vọng. Trên mặt trận quân sự, chúng ta sẽ thử sức quyết định với bọn Việt Cộng.
Rồi lão gật đầu, tay vuốt ve chiếc thánh giá lủng lẳng trước ngực:
- Thế mới biết chú Diệm nghĩ xa thật! Giáo sư Lê tuy không tổ chức được một hệ thống người của ta như điều mong muốn nhưng đã làm được việc lớn này: cung cấp cho chúng ta những tin tức, hoạt động. tổ chức và địa điểm, vị trí một số cơ quan của Việt Cộng. Đề nghị của giáo sư tấn công vào căn cứ địa của Việt Cộng cũng phù hợp với kế hoạch “Gió đã xoay chiều” của chúng ta. Đó là cái nút của kế hoạch. Cuộc tiến công tiêu diệt bộ não của Việt Cộng này mà thành công thì bọn Việt Cộng sẽ bị tê liệt, thì tất cả những thất bại của ta trong việc thực hiện kế hoạch “Gió đã xoay chiều” từ trước đến nay đều vô nghĩa lí. Đánh một đòn bất ngờ bể đầu chúng nó ra thì bọn tay chân chúng ở trong vùng ta kiểm soát chỉ có cuống quýt chui vào rọ của chúng ta thôi! Chúng ta phải ghi công cho giáo sư Lê, một người quốc gia chân chính, một người đã quên thân mình cho sự nghiệp chống Cộng cao cả.