Chương 4

Lâm ngồi như hoá đá.  Mắt trân trối nhìn từng giọt cà phê đặc quánh nhỏ xuống đáy ly thủy tinh vừa mới tráng, còn sũng nước.  Chung quanh anh không có lấy một tiếng động nhỏ.  Trưa im lắng.  Trời đang mưa.  Mưa rơi ướt cửa dổ.  Mưa mong manh như bụi.  Những cơn mưa phùn vẫn thường làm anh co rúm, sợ hãi vô cớ.  Chút bàng bạc của bầu trời xám, chút lành lạnh của thời tiết và nhất là của buồn rầu, héo khô của những...chiếc lá chết.  Trời ơi! Những chiếc lá.  Những chiếc lá rơi tản mản, lao đao trong gió.  Trời hành.  Trời đày.  Mùa Thu làm thời tiết đổi thay.  Những chiếc lá co rúm vì lạnh.  Những chiếc lá chết non.  Cuộc phân ly đầy tức tưởi.  Những cuống lá đứt tiện khỏi cành cây thương yêu như những cuống rún còn chưa khô máu bị bứt ra, đoạn lìa con với mẹ.

Anh vẫn thường nghe lá khóc.  Nhất là những buổi chiều lộng gió và nhiều mưa như chiều qua.  Những chiếc lá va vào khung cửa kính phòng anh phát ra những tiếng kêu lạ lùng như tiếng khóc.  Tiếng khóc thút thít của những đứa bé chết oan.  Nhỏ nhoi và câm chịu.  Những đứa bé bị tống ra khỏi bào thai để đi từ sự hủy diệt này đến hủy diệt khác.  Những đứa bé còn thèm thuồng, tiếc nuối cái vòm nôi êm đềm trong bụng mẹ.  Thế là anh vội vàng mở toang cửa sổ. Lá bay ào vào.  Mưa bay vào. Những chiếc lá lạnh ngắt.  Nhỏ bé.  Những chiếc lá của một mùa Thu rất cũ, nhưng thật gần như hôm qua.

Mùa Thu, có thằng bé ngồi co ro trong ổ rơm  Tay chân lạnh cóng vì lạnh.  Nó đưa mắt buồn rầu nhìn lên cái bếp lạnh tanh.  Mẹ nó ngồi lặt mớ rau lang già nua, tím ngắt.  Những cọng rau nhai đi nhai lại mỗi ngày làm cho cơn đói đang bấn lên trong dạ dầy cũng chùng xuống thật nhanh.  Thỉnh thoảng mẹ ngừng tay, ngẩng lên nhắc chừng cậu nhỏ:

"Kìa ông nhỏ, sao lại thừ ra đó? Đã thuộc bài chưa nào? Nhỏ mà không học thì khi lớn chỉ tổ làm phu quét đường!"

Và thằng bé lại giật mình, cúi xuống lật qua lật lại xấp lá bàng đỏ ối trong tay.  Mấy hôm trước, trời gió ghê lắm.  Dãy bàng trước nhà nhớn nháo, quay quắt như mấy bà mẹ mất con.  Cơn gió đi qua.  Lá lìa cành vội vã, không kịp một lời từ giã những cành cây đã cưu mang, dưỡng nuôi chúng.  Những chiếc lá quay tít, xoắn trong đám bụi đỏ trên mặt đường.  Bố vội vàng bỏ dở công việc, đuổi theo những chiếc lá đang rơi ấy.  Bố chạy lăng quăng.  Tóc bố rối bời.  Thân hình bố chao ngã như con diều trước gió.  Manh áo mỏng lét trên lưng bố bay phành phạch.  Gíó như muốn xé tung chiếc áo cũ mèm ra làm nhiều mảnh. Bố nhặt từng chiếc lá mang về, cẩn trọng và đắc ý như người cha vừa mua được cho con mình một món đồ chơi quý giá.  Gương mặt bố xanh đi vì lạnh.  Hơi thở hào hển.  Bố dụi vào tay thằng bé quả bàng khô quắt.  Đứa con trai cười tít mắt.  Đêm hôm đó, bố ngồi tỉ mỉ viết từng mẫu tự a, b, c lên mỗi chiếc lá và dạy cho nó bài học đầu tiên....

Bố và mẹ có nhiều mơ ước lắm! Mơ con mình được cắp sách đến trường.  Mơ cơm ăn.  Mơ áo mặc. Mơ vườn rau xanh um.  Mơ một đời sống cần cù, đạm bạc.  Phần anh, anh mơ là người gói những ước mơ ấy đặt dưới chân bố mẹ.  Vậy mà...

"Anh Lâm! Anh Lâm!"

Lâm quay lại.  Đôi mắt ơ hờ nhìn Huệ đang đứng sát bên anh tự bao giờ:

"Chị..."

Huệ ồn ào:

"Anh làm gì mà như người mất hồn.  Tui réo anh nãy giờ từ ở ngoài cửa!"

Lâm cười ngây.  Bình thường.  Lâm có nụ cười đẹp lắm.  Hàng răng là điểm nổi bật nhất trên gương mặt của anh.  Đều đặn.  Láng bóng.  Trắng thật trắng! Nhưng bây giờ, nụ cười ấy bỗng trở nên lạ lùng, ngây dại.  Lâm trả lời nhẹ nhàng:

"Tôi bận pha cà-phê mà chị.  Đi đâu đây?"

Huệ đặt giỏ đồ ăn xuống bên cạnh anh:

"Đem cho anh tí rau."

"Phiền! Tôi đâu có ăn uống gì đâu chị!"

Huệ liếc ngang:

"Chứ không phải anh thích rau lắm sao? Còn...khách sáo!"

"..."

"Anh khoẻ không? Lần trước gặp, chưa nói gì đã bỏ đi!"

"Cám ơn chị! Tôi cũng thường."

Huệ co ro.  Bàn tay lóng cóng xoè ra vuốt liền liền lên hai cánh tay.  Mắt nhìn quanh quất:

"Trời ơi! Nhà cửa gì mà lạnh ngắt vầy nè anh Lâm?"

Lâm cười nhếch môi, nói như hát:

"Nhà ma, nhà mồ, nhà hoang...nhà tôi!"

Huệ gắt:

"Và cũng sắp thành nhà thương, nhà xác rồi đó, ông ơi!"

Lâm cười hềnh hệch.  Trông thấy hai cánh cửa ngay giữa phòng khách mở toang hoang, thành cửa sổ ướt sũng, dăm ba chiếc lá úa rớt trên mặt thảm dơ cảy, Huệ hét như giặc:

"Ông nội ơi! Trời này mà mở cửa? Anh điên rồi hả? Nước mưa tạt ướt thảm hết rồi kìa!/

Lâm nhăn mặt:

"Bỏ đi!"

Huệ lắc đầu bỏ mặc Lâm, tất tả loay hoay đi kiếm khăn lau.  Cô bận rộn dọn cái này, cất cái kia.  Thoáng liếc thấy Lâm lừ lừ vô bếp với ly cà-phê trên tay, cô ngoe ngoét mắng mỏ:

"Nè, nè, anh uống cà-phê gì mà ghê vậy? Cà phê gì mà như thuốc phiện.  Uống riết rồi đem anh đi chôn luôn cho mà coi!"

Lâm lui húi lấy đường trong cái lọ bẩn ngoét bỏ vào ly, thọc muỗng vô khuấy, lắc lắc rồi đưa lên miệng uống ừng ực.  Huệ trợn tròn mắt, lắc đầu ngao ngán.  Cô xắn tay áo, vặn nước rửa đống chén đầy ứ trong bồn.  Miệng huyên thuyên:

"Chén bát sao để cả đống vầy nè? Hôm nay anh có đi làm không?"

"Chiều, làm ca đêm mà!"

Huệ dịu giọng:

"Sao anh không ráng mua chiếc xe! Đêm không có xe buýt phải đi bộ về lạnh lắm!"

Lâm cười sằng sặc:

"Dân cu li rửa chén mà đi xe hơi sao được chị?"

Huệ nhăn mặt:

"Bộ rửa chén không có quyền đi xe hả?"

Tiếng cười sặc sụa bỗng im vắng.  Giọng người con trai chìm lỉm:

"Tôi phải rửa bao nhiêu đống chén dĩa mới được một chiếc xe hả chị?"

Huệ nhìn Lâm bằng đôi mắt ái ngại:

"Anh thử kiếm một việc khác thích hợp hơn xem sao!"

Lâm lại cười:

"Để làm gì?"

"....."

"Bao nhiêu năm chiến tranh...Bây giờ chị bảo tôi phải làm gì?"

"Anh Lâm, mình sinh ra trong một nước chiến tranh mà! Lính tráng là chuyện thường.  Qua đến đây ai cũng như mình.  Tất cả đều làm lại từ đầu.  Ai cũng cu li hết chứ có riêng gì anh đâu?"

Lâm cau mày.  Từng thớ thịt trên mặt người con trai nhăn nhúm.  Đôi mắt dại đi trong một màu đỏ uất:

"Chị lầm rồi! Họ không làm lại từ đầu đâu.  Họ giàu lắm.  Người ta bán nước.  Người ta có nhiều vàng lắm.  Trời ơi! Chị không biết đâu, vàng nhiều lắm...nhiều lắm chị ạ! Vàng rơi vãi trên đường tị nạn.  Vàng rơi bên những xác người.  Vàng rơi trên boong tàu, rớt như lá úa xuống chỗ bố tôi nằm, như mớ giấy vàng mã xui xẻo.  Với số vàng ấy họ chết mang theo để đút lót cho bọn quỉ ngục còn không hết.  Vậy mà bố tôi phải chết vì một thỏi vàng rơi ấy!"

Huệ đứng ngẩn ngơ nhìn người con trai nói như mê.  Giọng căm hờn muốn khóc:

"Chị biết không? Chúng nó hô hoán lên là bố tôi ăn cắp vàng của nó.  Thế là mấy thằng quân cảnh Mỹ ào đến bắt bố tôi.  Chúng trói quặp ông lại, tròng vô cổ ông tấm bảng lớn với hàng chữ đỏ:"Kẻ cắp!" Ban ngày chúng áp tải ông đi vòng vòng trên boong tàu.  Ban đêm chúng xiềng ông lại.  Chúng lôi ông đi giữa con nắng chói chang.  Trèo lên, bước xuống mấy chiếc thang dây.  Mồ hôi ông nhỏ xuống từng giọt như những giọt máu.  Đôi mắt của ông lúc ấy thật lạ lùng.  Ông không bao giờ nhìn tôi.  Ông gần như dửng dưng khi nhìn thấy tôi khóc.  Đôi mắt của ông khi thì sáng quắc, khi thì đục câm như không thấy gì hết, ngay cả tôi, ông cũng không nhìn thấy.  Bố tôi là người vô tội! Vậy mà tôi không giúp được ông.  Không thể giải oan cho ông.  Tôi là một thằng con trai bất tài! Còn bố tôi? Thanh liêm một đời, trong sạch một đời rồi rốt cuộc cũng bị chiến tranh làm cho hoen ố!"

Đôi môi Lâm xám ngoét.  Hai tròng đen trong mắt anh co nhỏ lại.  Tròng trắng căng nở ra, trồi lên như hai quả trứng luộc.  Anh ngã vật xuống bàn như cây chuối ung rễ, không còn chút đất bám.  Một cây chuối bũng nước.  Cả người anh run bần bật.  Người đàn bà chỉ kêu lên được hai tiếng:"Anh Lâm" rồi run run đứng im.  Ngoài sân, gió trở mình trên ngọn khô.  Cành lung lay.  Lá bay vèo.  Trưa không một chút nắng.  Bầu trời thê lương như ngày rằm tháng bảy.

Tối, khi lão chủ quan béo trùng trục ì ạch khoá cánh cửa sau lưng Lâm thì đã hơn một giờ sáng.  Lâm ngầy ngật bước lầm lũi một mình trên con phố vắng.  Hai bàn tay nham nhám, nhăn rúm vì ngâm trong nước suốt tám tiếng đồng hồ.  Mười đầu ngón tay tê rần, đỏ hồng như mới trụn.  Khuỷu tay ngứa ngáy, khó chịu.  Chân mỏi nhừ trong đôi vớ ẩm ướt.  Những ngón chân rin rít, lóng cóng lạnh.  Đầu tóc, quần áo anh ngấy lên đủ mùi thức ăn.  Lâm thọc hai tay vô túi quần, lê từng bước mệt mỏi.

Giờ này đường xá vắng hoe.  Ngôi nhà thờ xây bằng đá xanh, nhỏ bé nằm im ỉm sau lớp hàng rào làm bằng những dãy song sắt nhọn hoắt như phi lao.  Ngọn đèn vàng ảo bên ngã tư chiếu chút ánh sáng mờ mờ xuống bãi tha ma nằm trong nhà thờ.  Những tấm mộ bia trồi lên, thụt xuống không đều trông như những tai nấm dại.  Lâm dừng lại, nhón chân, chìa mặt vô hàng rào la lớn:

"Ê! Tiên sư mấy người! Sướng nhé, tớ cày cả đêm mới được mấy bát cơm trong khi mấy người nằm thẳng cẳng đấy nhá!"

Lâm bật cười khanh khách.  Tiếng cười dội vào dãy mộ bia, ném ngược vào trái tim anh những cảm giác não nề, lạnh thắt.  Nhà thờ được xây ngót hơn hai trăm năm, thuở người Pilgrim vừa mới chân ướt chân ráo đến dành đất dựng nhà lập nước.  Những ngôi mộ xiêu đỗ nằm chơ vơ bên phố xá.  Người chết cả trăm năm.  Hồn tan.  Xác mục.  Hồn đã thật sự bỏ xác rồi sao? Bỏ cuộc đời.  Bỏ nợ nần.  Bỏ đi đâu? Những con người nằm trong mộ tối kia đã có lần mở mắt nhìn cuộc đời.  Trăm năm về trước, đời có đẹp hơn bây giờ không? Sao bây giờ đời vô vị thế? Nói cho tôi biết đi! Khi bạn nhắm mắt thì cuộc đời màu gì? Đen hay trắng? Nhắm mắt thì thấy mẹ gì nữa! Không trắng, không đen gì cả! Nhắm mắt là không nhìn thấy cuộc đời! Không nhìn thấy gì hết.  Dứt khoát không nhìn thấy! Mở mắt thì cuộc đời cũng chả đẹp đẽ gì hơn đâu? Thôi thì nhắm mắt cho được việc! Nhắm mắt nhìn cuộc đời ư? Mở mắt hay nhắm mắt gì cũng thế! Đời sống chả có gì vui nên những con ma rủ nhau đi tự tử thêm một lần nữa.  Hai lần chết là hai lần hy vọng được sống.  Một linh hồn phải chết mấy lần mới tìm được sự sống và tìm ra chỗ mình muốn đến?...

Đêm lạnh.  Vài cái bar nằm rải rác hai bên đường đã bắt đầu đóng cửa.  Đám con gái tóc vàng, tóc nâu đứng châu đầu dưới cột đèn.  Tiếng cười đâm thủng đêm im vắng.  Họ trây trúa kể cho nhau những mẫu chuyện tục tỉu.  Những chiếc váy ngắn bằng hai gang tay.  Những cái mông nây nẫy.  Da thịt trắng xác.. Màu mắt xanh lè.  Màu son đỏ choét.  Những cái áo thun bó sát chỉ che đủ đôi múm vú và cái bụng thon thả.  Lũ mèo đêm đánh hơi đàn ông, ngừng trững giỡn.  Cái nhìn rờn rợn.  Mấy con mắt rợn tình đổ dồn về phía người con trai Á-Đông.  Vài cái liếc mắt.  Vài cái nhún vai.  Như bầy mèo hoang đang đánh giá con mồi trước mặt. Rồi không ai bảo ai, cả bọn lại chúi mũi vào câu chuyện đang bỏ dỡ.  Gió đong đưa, chuyển hết cành này sang cành khác.  Lạnh.  Cái lạnh như thấm sâu vào xương tủy.  Trời lồng lộng.  Mấy chòm sao lấp lánh trên cao kết thành một tấm thảm bạc trải óng ánh một góc đêm.

Gã con trai bước ra khỏi quán rượu.  Hắn dừng lại, gắn điều thuốc lên môi.  Ngọn đèn đường rọi trên đầu làm cho tóc hắn càng vàng hơn.  Đôi mắt mèo đêm nhìn Lâm đăm đăm.  Xanh biêng biếc.  Bàn tay đưa lên. Giọng nói ân cần, mời gọi:

"Ê, ông bạn! Về đâu? Cần quá giang không?"

Lâm lầu bầu:

"Về đâu? Về chỗ nằm chứ về đâu!"

Anh lướt qua trong tiếng nhì nhằng ỉ ôi của hắn:

"Thôi thì khi khác nhé?"

Một chiếc xe rề rề bên lối Lâm đi, rồi ngừng hẵn.  Cánh cửa bên phía tài xế mở toạt ra vội vàng.  Người đàn bà trong chiếc áo choàng trắng lao ra khỏi xe, ríu rít:

"Anh Lâm! Anh Lâm!"

Lâm nhận ra vẻ tất tả, vồn vã của Huệ.  Anh thủng thỉnh bước đến gần.  Nụ cười trắng bóng:

"Kìa, lại là chị! Đi đâu đây?"

"Đi đón anh chứ đi đâu! Lên xe đi, tui chở về!"

Lâm cười cười, lửng thửng bước tới xe Huệ, mở cửa chui vào.  Huệ chỉ gã đàn ông còn đứng lớ ngớ bên lề:

"Ai vậy?"

"Ai biết đâu! Hình như tôi vẫn hay thấy hắn!"

Huệ cười thành tiếng:

"Thằng chả coi bộ mết anh dữ hén?"

Lâm ngơ ngác.  Huệ chỉ vào quán rượu, cười ngoặt ngoẻo:

"Quán này của dân đồng tính luyến ái, anh không biết sao?"

Lâm ầm ừ:

"Ừ! Chị đi đâu đây?"

Huệ phân trần:

"Ngủ không được nên lấy xe đi đón anh.  Trời lạnh quá! Anh đi bộ biết chừng nào mới đến nhà?"

Nét mặt Lâm lạnh lùng:

"Quen rồi!"

Giọng Huệ dịu dàng:

"Không biết mấy giờ anh ra nên lái xe vòng vòng nãy giờ.  Anh làm trễ vậy à?"

Lâm cau mày:

"Ừ, hôm nay nhiều chén quá! Rửa hoài không hết! Thằng chủ bắt phải rửa hết mới được về!"

"....."

"Thằng khốn nạn! Có ngày tôi sẽ đập nó vỡ mặt!"

Huệ nín thính.  Cô đưa tay vặn máy sưởi trong xe lên cao.  Vừa lúc ấy, đám con gái cuối đường xô nhau chạy túa.  Tiếng giầy tất tã trên vỉa hè.  Hai ba chiếc xe cảnh sát ấp tới một lúc.  Ánh đèn xanh đỏ quay mòng mòng trên nó xe.  Các cô cuống quýt.  Những vành môi cong cớn văng ra từng tiếng chưởi thề liên tục.  Bốn năm người cảnh sát lăm le dùi cui trong tay hối hã chạy ùa theo.  Bầy mèo hoang biến vào trong các ngõ cụt.  Huệ còn dùng dằng chưa biết chuyện gì xảy ra thì đã nghe tiếng quát:

"Đứng im!"

Ngọn đèn pin chói loà.  Một khuôn mặt gân guốc dán chặt vô kính xe.  Đôi mắt mở trừng trừng.  Cái miệng há toạt.  Giọng nói như hét:

"Bước xuống xe! Chậm chậm...từ từ..."

Cánh cửa phía bên Lâm ngồi mở rộng.  Hai ba tên cảnh sát cũng đang quát tháo Lâm từng chập.  Huệ riu ríu mở cửa, leo xuống.  Miệng lắp bắp:

"Chuyện gì?"

"Câm miệng! Đứng dựa vào xe!"

Tên cảnh sát bắt đầu lục soát trên người Huệ.  Hay bàn tay sục sáo.  Huệ rơm rớm nước mắt:

"Tui có tội gì?"

Gã cảnh sát lạnh lùng:

"Thôi đừng ởm ở nữa!"

Huệ khổ sở, giọng đầy sợ hãi:

"Tui muốn biết, tui có tội gì?"

"Bán dâm!"

"Trời ơi! Tui...tui không có!"

"Còn cãi nữa hả? Ăn mặc như vầy, không bán dâm thì bán cái gì?"

Huệ giật thót.  Cô sực nhớ khi rời phòng ngũ, cô đang mặc chiếc áo lụa mỏng. Quay quắt trong cơn khủng hoảng của Lâm hồi chiều, cô lo lắng kinh khủng.  Giải thích qua loa vài câu với Wayne, cô khoác nhanh cái áo măng tô dầy vào người rồi vội vã đi đón Lâm.  Đâu ngờ vì một phút cẩu thả mà bây giờ lại ra nông nỗi.  Bên kia xe, Lâm bị xô chúi nhủi.  Anh vùng vằng, bất mãn.  Cũng như với Huệ, họ trói quặp tay Lâm ra phía sau bằng đôi còng sắt.  Lâm luôn miệng nguyền rũa.  Một bàn tay túm lấy tóc Lâm, đè dí khuôn mặt anh xuống thành xe.  Dưới ngọn đèn đường, Huệ có thể nhìn thấy đôi mắt Lâm đỏ ngầu như một con chó dại.  Ánh mắt đó khiến cho Huệ cảm thấy cực kỳ lo lắng.  Lâm không ngớt dãy dụa.  Anh cong rướn người lên trong nỗi đau khổ cực kỳ.  Cái dùi cui.  Bộ quân phục.  Tiếng quát tháo.  Tất cả những thứ đó làm nên một mớ hình ảnh rối nùi trong anh.  Gương mặt già nua tủi nhục của cha anh chợt hiện về như chiêm bao.  Mồ hôi ông nhỏ từng giọt từng giọt, chan hoà như nước mắt.  Mái tóc bạc buồn rầu bay phất phơ.  Ông đi giữa đám người tị nạn lúc nhúc chung quanh.  Hai tay trói go.  Mắt vương đầy thống hận.  Tấm bảng "Kẻ cắp" viết lớn bằng mực đỏ được tròng vô cổ ông như một tờ khai tử.  Hai thằng quân cảnh đi kè kè hai bên tội nhân.  Chúng áp tải  ông đi cùng khắp boong tàu để ngấm ngầm cảnh cáo một điều gì đó.  Mắt Lâm mờ đi.  Anh lồng lộn, tuôn ra từng tràng tiếng Việt:

"Thả bố tao ra! Chúng mày mới là đồ ăn cắp! Thả bố tao ra! Ổng có tội gì?"

"Câm họng!"

"Thả bố tao ra! Trời ơi! Thả bố tao ra!"

"Đã bảo câm họng mà! Tao đánh thấy mẹ bây giờ!"

Lời nói chưa dứt, dùi cui đã vung lên. Huệ rú lên:

"Trời ơi! Đừng đánh!"

Rồi cô quay sang Lâm nói như khóc:

"Anh Lâm! Anh đứng im đi anh, không sao đâu!"

Lâm đâu còn nghe Huệ nói gì nữa.  Anh co chân đạp tên cảnh sát đứng gần mình nhất. Cái dùi cui lại vung lên. Lâm ngã xuống.  Anh thây mặt trời hiện ra trên đỉnh đầu, đỏ lòm nhu cục máu, nhảy loi choi từ trên không xuống mặt nước như một chú bé tinh ranh, rồi bay bềnh bồng trên những con sóng.  Biển nhuộm một màu máu đỏ.  Mọi người trên thuyền nhớn nháo la lên:"Chúa ơ! Có người tự tử!".  Người con trai chen chân đến bên hông tàu.  Tấm bảng "Kẻ cắp" trôi lềnh bềnh trên mặt biển. Màu mực đỏ phai dần trong nước.  Gờn gợn.  Phơn phớt. Biển im lìm.  Mọi người im lìm....Lâm hét lên một tiếng:"Bố ơi!" rồi ngất lịm....