Chương 5
Số điện thoại 377

Phan Thúc Định đi dọc từ khách sạn về phía cầu Tràng Tiền. Buổi sáng, gió sông Hương nhè nhẹ thổi mát rượi.
Sông Hương chia Huế ra làm hai khu rõ rệt. Bên kia là khu cung điện cũ của bọn vua chúa phong kiến với những bức tường cao, những mái nhà cong có rồng chầu, phượng múa, những gác vọng lâu cổ kính. Đi vào khu thành cũ, người ta có cảm tưởng sống lùi lại hàng thế kỉ, thơ đấy, vàng son của dĩ vãng đấy, nhưng mới nặng nề, tù túng làm sao. Những toà cung điện, những bức tường thành rêu phong như đè trĩu mảnh đất xuống
Bên này sông là những công trình hiện đại, những cơ quan của bọn Pháp xây dựng như khách sạn, nhà bưu điện, nhà băng, sở lục lộ, toà sứ, viện dân biểu, và các trường học như trường Đồng Khánh, trường Khải Định (14), trường kĩ nghệ… Nổi bật là một số đồn bót, trại lính mới.
Cầu Tràng Tiền nối liền hai khu với nhau. Phan Thúc Định nhìn những người qua cầu: người đi làm, người đi chợ, các em thiếu niên đi học. Phong cách chung của người Huế là ung dung, từ các bà mệ điếu thuốc lá phì phào trên môi cắp rổ đi chợ, đến các cô nữ sinh mặc áo dài màu tím Huế cắp cặp đến trường, không một ai lộ vẻ gì vội vã. Phan Thúc Định hít một hơi dài không khí trong sạch, dịu ngọt buổi sáng vào lồng ngực, bồi hồi nhìn hình ảnh cái thành phố quen thuộc đã gắn bó với anh bao nhiêu kỉ niệm từ thời thơ ấu, quen sống với cái không khí vội vã, tấp nập, khẩn trương, náo động những âm thanh của các thành phố châu Âu, châu Mỹ nên lúc mới trở về, anh hơi ngỡ ngàng với cái không khí hơi trầm lặng của Huế – mặc dầu thuở nhỏ, anh đã sống ở đây – cái ngỡ ngàng ấy anh không có khi về đến Sài Gòn. Sài Gòn là một thành phố gần với những thành phố châu Âu. Cũng không khí vội vã, khẩn trương. Cũng những tiếng động ầm ì cả ngày, cả đêm. Cũng những xe tắc xi đi lại như những con thoi. Cũng những ngôi nhà nhiều tầng. Cũng những ánh đèn nê-ông và nhạc nhảy điên dại ở các khu ăn chơi. Tất nhiên có vẻ lộn xộn hơn, nhiều nét lam lũ hơn.
Cái không khí hơi trầm lặng – với con người, với tiếng nói nhẹ, dáng đi khoan thai đến cảnh sinh hoạt cùng mang nhiều nét cũ của dân tộc – anh chỉ tìm thấy ở Huế. Cái ngỡ ngàng của anh mất đi nhanh chóng. Chỉ mấy ngày sau, anh cảm thấy tất cả tình cảm thân thuộc, sâu sắc đối với Huế trong con người anh trỗi dậy.
Và không khí trầm lặng của Huế đã đem lại cho anh những phút nghỉ ngơi đáng quý sau những ngày giờ sống căng thẳng ở các thành phố xa lạ, xa lạ cả người, xa lạ cả cảnh.
Đến cầu Tràng Tiền, anh ngừng lại. Anh ngắm trìu mến chiếc cầu sắt bắc qua dòng sông Hương êm đềm. Chiếc cầu là hình ảnh của Huế trong lòng bất cứ người Huế nào phải xa nơi sinh trưởng của mình như hình ảnh Tháp Rùa trong lòng người Hà Nội, như hình ảnh chợ Bến Thành trong lòng người Sài Gòn. Bao nhiêu chiếc cầu đẹp đẽ, to lớn khác anh đã nhìn thấy trên quãng đường phiêu lưu của anh vẫn không xoá mờ được hình ảnh chiếc cầu này, không để lại trong tâm hồn anh một ấn tượng không thể phai mờ, một niềm nhớ nhung da diết như chiếc cầu này. Vì chiếc cầu này là chiếc cầu quê hương.
Hai bên bờ sông Hương lác đác có những con đò nằm ngủ muộn, sau một đêm sa đoạ. Những con đò biến thành những hộp đêm nổi mỗi khi bóng tối phủ trên mặt sông và trở thành trơ trẽn, lạc lõng, ngượng ngập mỗi khi mặt trời lên. Đó là nỗi xót xa cho những con người của thành phố Huế. Mấy cô nữ sinh trung học cắp cặp đi học qua trước mặt Phan Thúc Định. Những chiếc nón bài thơ, những tà áo dài, những dáng đi thướt tha như đem lại cho cảnh Huế buổi sáng một sức sống tươi mát. Sức sống hiện trên những đôi mắt thông minh, những nụ cười hàm răng trắng bóng của các cô. Qua câu chuyện ríu rít, thoáng nghe được, Phan Thúc Định thấy các cô đang nói về những tờ truyền đơn kháng chiến mà bàn tay bí mật nào đã dán trên các đường phố đêm qua. Các cô nói đến điều đó với một giọng vừa khâm phục, vừa say sưa. Phan Thúc Định mỉm cười. Bên trong cái vẻ trầm lặng bề ngoài của Huế, còn có một cuộc sống khác – một cuộc sống sôi sục như bên trong một núi lửa chưa có dịp phụt tung ra ngoài. Cái mạch ruột núi lửa ấy như đang chạy khắp vùng người Pháp còn chiếm đóng. Cho đến những ngày đầu năm 1954 này, mọi người đều cảm thấy những đồn bót của người Pháp đã rung rinh trên cái núi lửa khổng lồ đó.
Tiếng động cơ rầm rầm làm Phan Thúc Định quay lại. Một đoàn xe nhà binh Pháp chạy về phía An Cựu. Mở đầu là mấy xe thiết giáp chĩa lăm lăm trọng liên ra phía trước, xích sắt nặng nề nghiến xuống đường nhựa để lại những vết như dao băm. Theo sau là hơn hai chục chiếc xe vận tải GMC, xe nào cũng đầy bọn lính Pháp đội mũ sắt, quần áo dã chiến, trang bị đến tận răng, mắt như mắt những con thú dại. Cuối cùng là mấy chiếc háp-trắc lừ lừ vươn nòng pháo ra phía trước, ngất nghểu chiếc cầu thông tin dài ngoằng, bụi cuốn mù mịt. Một cuộc hành quân đi tiếp viện đâu đây? Chúng định đi bịt miệng núi lửa? Nhiều người đi đường dừng lại nhìn bọn chúng. Mọi người đều im lặng. Một sự im lặng đầy ý nghĩa.
Bất giác, Phan Thúc Định nhớ đến thời kì bọn thực dân Pháp mới trở lại năm 1946 mà anh đã được chứng kiến. Lúc ấy, cũng trên những chiếc xe nhà binh này còn nguyên màu sơn mới vừa ở nhà máy sản xuất của Mỹ ra, bọn lính Pháp mới vênh vang, đắc chí làm sao. Chúng ngồi trên xe đi duyệt binh và chúng tưởng tất cả đất nước này ở trong tay chúng. Tám năm qua, bao nhiêu những chiếc xe ấy đã biến thành thép rỉ, những chiếc còn lại bạc màu, lấm lem, ì ạch. Bao nhiêu tên lính ngồi trên xe vênh vang lúc đó đã biến thành xương mục, cỏ mọc xanh mồ. Những tên còn lại ngồi trên xe kia bơ phờ, hốc hác. Những chiếc xe chở chúng đi tiếp viện như chở chúng xuống địa ngục.
Bây giờ đến lượt người Mỹ…
Phan Thúc Định đi thẳng đến nhà bưu điện. Anh trả tiền rồi vào buồng thuê điện thoại (ở khách sạn anh trú cũng có điện thoại nhưng anh không muốn dùng). Khi có một mình ở trong buồng điện thoại, anh gọi số 377. Anh hỏi bằng tiếng Pháp:
- A lô. Có phải bàn giấy hãng “Pháp Quốc Hàng Không” không?
Tiếng một người phụ nữ Pháp ở bên kia đầu dây:
- Vâng, tôi nghe đây.
- Xin vui lòng cho tôi gặp ông phụ trách chi nhánh của hãng.
- Ông đợi một chút nhé.
Im lặng. Phan Thúc Định cầm ống nghe chờ. Hai phút sau, trong ống nghe có tiếng động. Tiếng một người Pháp hỏi:
- Alô, ai đấy?
- Có phải ông Rơ-nê đấy không?
- Vâng, tôi đây.
- Chào ông. Tôi là Phan Thúc Định đây.
- A… chào ông.
- Tôi xin báo để cho ông biết tôi chưa sử dụng được chiếc vé khứ hồi về Sài Gòn. Tôi có việc cần phải ở lại Huế mấy ngày nữa. Khi nào xong việc, tôi sẽ gọi dây nói báo ông chuẩn bị chỗ cho về Pháp ngay nhé!
- Vâng, có thế thôi ư? Ông có căn dặn gì thêm không?
- Vâng, có thế thôi. Xin cảm ơn ông và chào ông.
- Xin chào ông và chúc ông may mắn.
Phan Thúc Định rời nhà bưu điện. Anh quan sát một lượt những người xung quanh rồi lững thững đi qua nhà thờ Sainte Marie, xuôi xuống phía cầu An Cựu, đến một biệt thự hai tầng, có hàng rào sắt sơn đỏ lại có tôn che kín chung quanh, anh bấm chuông. Một người đầy tớ gái mở cửa. Lúc ấy, anh mới nhìn thấy Cao Xuân Đăng đang đứng thọc tay vào hai túi quần trên sân sỏi nói chuyện với một gã mặc quân phục rất thẳng nếp, vai đeo hai gạch vàng. Hai gã nhìn ra. Phan Thúc Định gật đầu chào, rồi hỏi người đầy tớ:
- Cho tôi hỏi cô Vân Anh có nhà không?
Người đầy tớ chưa kịp trả lời thì Cao Xuân Đăng đã nói vọng ra:
- Chào anh Định. Có phải anh hỏi cháu Vân Anh không? Cháu đi vắng, chưa về. Mời anh vào chơi đã.
Phan Thúc Định bước vào. Chiếc cổng sắt khép lại. Cao Xuân Đăng chìa tay bắt tay anh và giới thiệu:
- Đây là trung uý Thiệu, một người bạn của tôi. Đây là anh Phan Thúc Định, bạn của cháu Vân Anh, tiến sĩ luật ở Pháp về.
Định và gã trung uý bắt tay nhau. Đó là một gã ngoài ba mươi tuổi, mặt nhỏ và nhẵn nhụi, tóc đen mượt ép vào hai bên sọ, mắt bé có vẻ gian xảo, thâm hiểm. Cao Xuân Đăng giơ tay:
- Xin mời hai anh vào trong nhà chơi.
Phan Thúc Định hỏi:
- Tôi có làm phiền gì hai ông không?
- Không. Chúng tôi đang nói chuyện thời thế. Không có chuyện gì riêng tư đâu.
Vẫn cái phòng khách bày toafn đồ đạc cổ kính mà Phan Thúc Định đã nói chuyện với Vân Anh ở đây một lần. Cao Xuân Đăng bảo người đầy tớ gái pha trà. Ba người ngồi xuống ghế xa lông gỗ lát có phủ đệm bông. Trên bàn là bộ đồ trà, đĩa mứt sen và hộp thuốc lá “555”.
Tên trung uý nhón ngay hột mứt sen bỏ vào miệng:
- Anh Đăng có biết “maitre” (15) Phúc Sơn không? Người xem tướng và bói bài tây nổi tiếng từ hai mươi năm nay ấy mà. Hôm trước ghé qua Sài Gòn, vợ chồng tôi có nhờ lão coi tướng giùm.
- Hắn bảo anh sao?
- Chà chà, thằng cha nói giỏi thật.
Hắn giơ chiếc bàn tay trắng trẻo ra trước mặt mọi người:
- Hắn coi chỉ tay kết hợp với tướng mặt, tính tôi năm trăm đồng. Vợ tôi mất năm trăm đồng nữa là một ngàn. Mất một ngàn cũng đáng. Hắn nói rất đúng. Hắn bảo xưa nay số tôi rất an nhàn, có quý nhân phù trợ. Đúng vậy. Anh xem bao nhiêu lần chúng nó định đẩy tôi ra trận mà tôi cứ ngồi đàng hoàng chỗ tốt nhất trong cái đệ nhị quân khu này thôi. Các vị tướng Pháp đều quý hoá, yêu mến tôi. Trước đây, tướng Sa-lăng định giúp tôi vào quốc tịch Pháp. “Ma-phăm” (16) cứ xui tôi nhận lời. Tôi nghĩ kể ra nhập quốc tịch Pháp cũng có nhiều cái lợi, trước hết là người Pháp sẽ tín nhiệm hơn nhưng sau nghĩ mình còn là sĩ quan trong quân đội quốc gia thì chưa nên vào vội. Mình phải khôn khéo, tính sâu hơn đàn bà một chút chứ.
Cao Xuân Đăng mời trà. Tên trung uý vẫn say sưa ngắm bàn tay của mình và nói về mình:
- Phúc Sơn nói về tương lai của tôi mà tôi giật mình. Mới đầu, hắn tưởng hắn lầm không dám nói ra ngay. Về sau, hắn cứ chặc chặc lưỡi, dùng thước đo đi tính lại trên bàn tay của tôi, gặng mãi hắn mới nói số tôi về sau này giàu sang không biết thể nào mà kể hết, uy danh lừng lẫy. Không hiểu có nên tin hắn không nhưng về quá khứ hắn nói như thế rất là đúng. Vợ tôi cũng rất phục hắn. Sau khi co tướng cho vợ tôi rồi, hắn khẳng định lời tiên đoán của hắn về hậu vận tôi là đúng, vì số báo trước về hậu vận vợ tôi cũng rất phù hợp với tôi, hắn còn khoe với tôi là trước đây hắn đã từng coi tướng cho cả quốc trưởng Bảo Đại, cả toàn quyền Brê-vi-ê và được hậu thưởng rất nhiều.
Tên trung uý có vẻ không thích uống trà, chỉ nhón mứt sen ăn, cũng như có vẻ không thích nói chuyện gì khác, chỉ thích nói về mình:
- Hắn có nói nhỏ với tôi một điều mà tôi suy nghĩ mãi. Hắn bảo lần này thì quý nhân phù trợ tôi không phải từ phương tây mà từ một phương trời xa hơn nữa đến. Khi gặp quý nhân thì phải biết lợi dụng ngay kẻo dịp may nhiều khi chỉ đến với người ta một lần thôi. Hắn có xin tôi ngày sinh tháng đẻ để lấy một lá số tử vi thì rõ ràng hơn và hẹn lần sau nếu tôi đến một mình, hắn có thể nói nhiều điều chi tiết hơn. Mất với hắn ngàn rưỡi đồng một lá số tử vi nữa, biết rõ quý nhân từ phương trời xa đến là ai?
Cao Xuân Đăng đưa đẩy:
- Có điều chắc chắn là: Với cái tài của anh, tôi tin rằng anh sẽ còn được thăng cấp nhiều.
Tên trung uý cười tự mãn:
- Thời thế này, người Pháp đang cần đến bọn mình. Anh xem đấy, khối thằng cha vô học chỉ là lính khố đỏ, cai đội khố xanh như mình bây giờ đã lên cấp tá, cấp tướng ầm ầm. Thật đúng là “thời thế tạo anh hùng”.
Cao Xuân Đăng rót thêm trà vào chén của Phan Thúc Định:
- Nhưng thời thế gần đây tôi lo lắm. Mấy mũi tấn công của tướng Na-va vào vùng địch đã không… thành công. Bọn lính đào ngũ nhiều lắm phải không?
Tên trung uý nhún vai:
- Ô, bao giờ chúng tôi chẳng đánh xong rồi lại rút. Những địa điểm nào không có lợi về chiến lược thì giữ làm gì. Còn bọn lính đào ngũ bao nhiêu thì bắt bọn khác thay vào. Chỉ càng giàu cho bọn OD (17) thôi.
À, hôm nọ có một phái đoàn quân sự Hoa Kỳ đến thăm bộ tham mưu đệ nhị quân khu chúng tôi, có lộ vẻ ngạc nhiên hỏi chúng tôi tại sao đi toàn xe “díp” cũ, vì họ giúp cho người Pháp toàn xe mới cả. Chúng tôi trả lời không biết… Mấy ngày hôm sau thấy người Pháp cho thêm năm xe “díp” mới nguyên.
Thấy câu chuyện như hết chỗ để khoe về cái tôi rồi, tên trung uý đứng dậy vuốt cái đầu mượt, cầm lấy cái mũ bình thiên có gắn huy hiệu hai con rồng châu vào một miếng ba vạch, đứng dậy:
- Thôi, xin phép, tôi phải về xem việc giải quyết cho mấy đứa cháu vào học trường Đalat xong chưa.
Hắn chìa tay bắt tay Cao Xuân Đăng và Phan Thúc Định.
- Ô-rơ-voa (18).
Cao Xuân Đãng tiễn hắn ra đến cửa. Lúc quay vào, Đăng nói như thanh minh với Phan Thúc Định:
- Trung uý Nguyễn Văn Thiệu này là người nhiều thủ đoạn thâm hiểm lắm. Tuy giao thiệp tôi cũng chỉ quan hệ có mức độ thôi. Anh nghe nói chuyện thì biết tính nết anh ta đấy. Bọn sĩ quan quốc gia đều như thế cả.
Rồi Cao Xuân Đăng nói sang chuyện khác:
- Tôi sốt ruột về cháu Vân Anh quá. Cháu bảo đi chơi với mấy người bạn gái ở Đà Nẵng, hẹn hôm nay về mà chưa thấy về. Nếu mai chưa thấy cháu về, tôi phải đánh điện vào anh bạn quen ở Đà Nẵng nhờ anh ta hỏi hộ xem.
Phan Thúc Định lịch sự:
- Chắc Vân Anh vui bạn chưa kịp về. Ông cứ an tâm, vùng Đà Nẵng cũng an ninh.
Cao Xuân Đăng lắc đầu:
- Anh mới về nước chưa hiểu biết tình hình đấy. Có vùng nào là an ninh tuyệt đối đâu. Ban ngày là quốc gia, ban đêm là Việt Minh rồi. Ngay giữa những vùng người Pháp coi là an ninh tuyệt đối, Việt Minh vẫn hoạt động nhiều lúc công khai. Nguy hiểm cho chúng ta là dân lại che chở, giúp đỡ họ.
Hắn đưa thuốc lá mời Phan Thúc Định, hỏi:
- Rất nhiều người tính đến chuyện rút ra nước ngoài. Theo ý anh, tôi có nên sang Pháp không? Anh ở bên ấy về, anh thấy tình hình bên ấy như thể nào? Có thể sống yên ổn và làm ăn được không?
Phan Thúc Định châm điếu thuốc lá. đáp:
- Thưa ông, suốt thời gian ở Pháp tôi bận học nên không chú ý gì đến chính trị cả.
Cao Xuân Đăng nói như nói với chính mình:
- Bọn họ có tiền, có quyền nên dễ hơn mình anh ạ. Ông Nguyễn Đệ, đổng lí văn phòng của quốc trưởng, đã góp cổ phần với hãng dệt Đoóc-mơi, lại có cổ phần ở hãng dầu xăng. Ông Phan Văn Giáo, thủ hiến Trung Phần này thì mua rất nhiều cổ phần của hãng rượu Mác-ti-ni, lại khối tiền gởi nhà băng Pháp. Ai cũng vơ cho thật nhanh để chuẩn bị đường rút cả rồi. Tôi thì mới làm việc được ít lâu, phải thù tạc chạy chọt nhiều, dành dụm mãi mới mua được cái biệt thự này và cái xe hơi. Bây giờ chẳng lẽ lại bỏ đi. Sang bên ấy, mình là người tay trắng thì sống ra làm sao? Thực khó nghĩ quá.
Hắn ghé cái mặt bè bè phì nộn vào sát Phan Thúc Định đến nỗi cả mùi sáp bóng hắn bôi đầu cũng bay vào mũi anh, hỏi:
- Nghe cháu Vân Anh nói anh cũng qua Mỹ một thời gian phải không?
Phan Thúc Định nhìn thẳng vào mắt hắn:
- Vâng. Tôi có sang đó trong một chuyến du lịch.
Giọng hắn nhỏ xuống:
- Tôi hỏi thực anh nhé: anh có gặp cụ Ngô không?
Phan Thúc Định tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Xin lỗi ông, cụ nào ạ?
- Cụ Thượng Ngô Đình Diệm ấy mà. Nghe nói cụ ấy đang ở Mỹ và người Mỹ chuẩn bị đưa cụ ấy về nước.Ông sang Mỹ mà không biết gì ư?
Phan Thúc Định lắc đầu:
- Không. Tôi không được biết gì cả. Vì đi du lịch nên tôi chỉ thăm phong cảnh mấy thành phố lớn. Vả lại, như tôi đã nói với ông, tôi mải học nên chẳng còn tâm trạng nào để ý đến chính trị cả.
Cao Xuân Đăng thất vọng nhìn về phía chiếc lọ cổ để góc phòng:
- Rất tiếc anh không biết mà tìm gặp cụ Ngô xem ý kiến cụ ấy ra sao. Tôi cảm thấy thời thế sắp đổi thay. Anh bảo anh không biết gì đến chính trị, ấy là lúc đi học. Chứ bây giờ đã học xong rồi, ra làm việc thì muốn hay không, anh cũng phải để ý đến. Vì nó liên quan ngay đến chỗ đứng của anh, chức vị của anh, nguồn sống của anh, đồng tiền anh kiếm được. Tôi nhiều tuổi hơn anh, tôi khuyên anh thực: Sống phải biết theo thời thế anh ạ. Cây gỗ cứng thường hay gãy. Cây mềm gió chiều nào, uốn theo chiều ấy thì chẳng bao giờ gãy cả.
- Xin cảm ơn ông…
- Dạo này ở Huế nhiều người nhắc đến cụ Ngô. Có người đã bí mật đến thăm cậu Cẩn rồi. Thiên hạ lắm anh bợm thật.
- Thưa ông, họ nhắc đến cụ Ngô như thế nào?
Cao Xuân Đăng quay lại nhìn Phan Thúc Định:
- Sao anh vừa nói anh không quan tâm gì đến chính trị?
Phan Thúc Định thản nhiên:
- Ông chẳng vừa nói: tôi sắp ra làm việc, cần phải hiểu biết thời thế là gl. Tôi nghe lời khuyên của ông muốn hỏi để biết đôi chút thôi; hướng sau này của tôi là mở phòng luật sư hoặc đi dạy học chứ không muốn làm một công chức.
Cao Xuân Đăng cười:
- Tất nhiên họ sẵn sàng theo cụ Ngô nếu cụ Ngô vẫn giữ nguyên được cho họ những cái gì họ có được trong mấy năm nay.
Uống cạn chén trà, Phan Thúc Định đứng dậy cáo từ:
- Xin phép ông, tôi về. Hôm khác, mong lại đến hầu chuyện ông. Nếu Vân Anh có về, ông làm ơn nói hộ tôi đến thăm và Vân Anh gọi điện báo cho tôi biết. Tôi ở khách sạn Thuận Hoá, số điện thoại 1203…
Cao Xuân Đăng tiễn Phan Thúc Định ra đến cổng sắt, chìa tay ra:
- Tôi sẽ nói lại với cháu. Lúc nào rảnh rỗi, mời anh lại chơi. Tôi cũng đang mong cháu.
Phan Thúc Định lững thững đi về phía khách sạn mình ở.
Anh nghĩ miên man: bọn này đã cảm thấy sự thất bại của Pháp, đang đi tìm quan thầy mới. Nhưng từ đâu đã tung ra những tin đồn về Ngô Đình Diệm? Tại sao những tin đồn ấy loan ra nhanh vậy! Việc về của Ngô Đình Diệm đã được chuẩn bị như thế nào?
Anh không biết rằng trong một khoang thuyền đậu bên bờ sông An Cựu, có một người đàn ông đeo kính đen nhìn theo anh. Anh đi được một quãng, người ấy cũng rời thuyền, lên bờ. Trên thuyền chỉ còn một gã Hoa kiều thản nhiên bắc bếp nấu cơm…
Huế vẫn trầm lặng, vẫn thơ, vẫn mộng…

°

° °

Khi nhận được điện thoại của Vân Anh báo tin, Phan Thúc Định lại đến ngay nhà Cao Xuân Đăng.

Vân Anh đã đợi anh ở phòng tiếp khách. Cô mặc quần áo lụa trắng. Người trau chuốt như vừa tắm gội xong, nhưng cặp mắt có quầng và dáng điệu mệt mỏi chứng tỏ cô đã mất ngủ vì suy nghĩ. Cô chìa bàn tay mềm mại cho anh:
- Chắc anh mong em lắm.
Phan Thúc Định đỡ lấy bàn tay đã được tô màu lại từng cái móng rất cầu kì:
- Ở Huế này chỉ có em là người quen biết cũ nên em đi vắng cũng nhớ. Em đi về có khoẻ không?
Vân Anh uể oải:
- Không được khoẻ, anh ạ. Có nhiều cái ngoài sức chịu đựng của em.
- Sao vậy?
- Ăn uống kham khổ, đi bộ nhiều, luôn luôn lo lắng, suy nghĩ, anh bảo em khoẻ làm sao được.
- Em kể chuyện vùng Việt Minh cho anh nghe với. Anh không hình dung được ở ngoài đó họ sống ra sao.
Vân Anh đưa tay hất tóc xoà xuống một bên mắt, lắc đầu:
- Em chẳng còn lòng dạ nào kể chuyện cho anh nghe bây giờ. Tâm trí em đang rối loạn…
Phan Thúc Định nhìn Vân Anh dò hỏi:
- Chắc vì chuyện Lê Mậu Thành? Em có gặp Thành không?
Vân Anh thở dài:
- Anh ấy bây giờ đổi khác. Việt Minh đã nhuộm đỏ anh ấy rồi. Em thấy anh ấy gầy và đen đi nhiều quá! Anh ấy khăng khăng không chịu về. Tình yêu của em không lay chuyển được quyết tâm của anh ấy. Giữa em và anh Thành đã có một hố sâu ngăn cách. Em và anh Thành đã đi theo hai con đường khác nhau rồi. Thế là không hàn gắn nổi. Thế là tan vỡ. Anh khuyên em nên làm gì bây giờ?
Phan Thúc Định an ủi:
- Em hãy cố gắng chờ đợi.
Đám mây buồn cố hữu lại che rợp hàng mi dài và đẹp của Vân Anh:
- Khi người ta đã khác nhau về lí tưởng, người ta làm gì còn hi vọng gần nhau trong cuộc sống?
Một lát sau, cô ta chợt nhớ ra:
- Xin lỗi anh, em mải nói chuyện riêng của em nên quên mất chuyện của anh. Em có chuyển lời hỏi thăm của anh đến anh Thành. Anh ấy cảm ơn anh và nhờ em nói hộ với anh là anh ấy không bao giờ từ bỏ sự nghiệp anh ấy đang theo đuổi cả. Anh ấy nói thêm: “Sự nghiệp lớn nằm trong tay những người quyết tâm và sự nghiệp lớn của anh ấy sắp hoàn thành rồi”.
Đầu óc Phan Thúc Định ghi nhớ rất nhanh những lời Vân Anh nói, anh mỉm cười:
- Anh Thành thực là một người kiên định. Chắc xong sự nghiệp rồi anh ấy sẽ tìm em.
- Nhưng anh quên rằng sự nghiệp của anh ấy không có chỗ dung em.

°

° °

Chiều hôm ấy, Phan Thúc Định sang bên kia cầu, vào mấy hiệu tạp hoá mua vài thứ lặt vặt, rồi đến một hiệu sách nằm giữa phố Trần Hưng Đạo. Lúc đó, hiệu sách không có khách. Chủ tiệm là một người đàn ông trung niên, tóc lốm đốm bạc, đeo kính trắng, đang ngồi mải mê đọc sách. Phan Thúc Định đứng nhìn một lượt những kệ sách, rồi hỏi:

- Ngoài những sách bày đây, ông còn những tiểu thuyết cũ bán không?
Người chủ hiệu đặt quyển sách đang đọc xuống, hỏi lại Phan Thúc Định:
- Ông cần mua những loại tiểu thuyết nào?
Phan Thúc Định đáp:
- Tôi muốn mua những tiểu thuyết lịch sử xuất bản thời kì 1930 đến 1945.
Người chủ quán sách niềm nở:
- Chúng tôi còn có tiểu thuyết tâm lí xã hội từ 1945 đến nay thôi. Nếu ông cần, chúng tôi sẵn sàng để lại.
Hai người nhìn nhau cười. Phan Thúc Định chỉ mấy quyển sách bày trên giá, nhờ người chủ gói hộ. Lúc móc tiền ở ví trả, anh kẹp ở giữa hai tờ giấy bạc một tờ giấy mỏng anh đã viết sẵn rồi chào người chủ, quay ra.
Người chủ hiệu sách im lặng, nhìn theo anh.
Sau đó, Phan Thúc Định trở về bưu điện gọi số điện thoại 377.
- A lô, cho tôi gặp ông Rơ-nê.
Lúc Rơ-nê ra cầm máy, Phan Thúc Định nói:
- A lô, ông Rơ-nê đấy phải không? Chào ông. Tôi là Phan Thúc Định đây. Xin báo ông biết, công việc của tôi ở Huế xong rồi. Ngày mai ông giữ cho tôi một chỗ đi Sài Gòn và một chỗ đi Pháp trong chuyến bay sắp tới của hãng nhé. Xin cảm ơn ông…