Xí nghiệp may có vốn đầu tư một trăm phần trăm từ nước ngoài nằm lọt thỏm trong Khu chế xuất rộng mấy chục hecta có tường rào chắn xung quanh chắc chắn như một pháo đài. Quản đốc phân xưởng là bà Trần, tên đầy đủ trong giấy khai sanh là Trần Lệ Hà, ba mươi sáu tuổi chưa có mảnh tình khoác vai. Ở độ tuổi này chưa gần hơi đàn ông thể nào cũng dở dở ương ương! Tính khí cải lương, đồng bóng của bà Trần khiến người nhẫn nhịn nhứt cũng không thể nào chịu nổi. Ngay cả cách gọi tên cũng khiến mọi người khó chịu, thay vì gọi là bà Hà, chị Hà hay cô Hà thì bà buộc mọi người phải kêu là bà Trần, cô Trần..cho có vẻ giống với cách gọi của ông chủ người Hoa! Nói nào ngay, bà Trần cũng gốc Đài Loan nhưng sanh trưởng ở Việt Nam, rành ăn món rau muống luộc, mắm tôm cà pháo còn hơn người Việt. Những cô công nhân tội nghiệp chưn ướt chưn ráo không biết cứ nhè ngay tên Hà mà kêu, mà réo thì thế nào cũng bị bà chửi té tát vô mặt, thậm chí còn có thể bị phạt. Mỗi ngày, bà Trần ăn mặc rất diện và đến rất sớm. Sau khi giao ban, hội ý với Ban giám đốc bà chắp hai tay sau đít đi giáp vòng phân xưởng, cặp mắt một mí tinh tường ẩn sau lớp kính cận bốn độ bao quát khắp nơi, không bỏ sót cử động nào. Đây là phân xưởng may áo jacket. Hàng thành phẩm sẽ xuất sang châu Âu nên đòi hỏi những tiêu chuẩn rất khắt khe. Mấy cô gái vừa may cổ áo vừa tán gẫu chuyện bao đồng thì bất ngờ bà Trần xuất hiện. Gương mặt lạnh lùng của bà khiến các cô sợ khiếp đảm. Một cô đang ngậm kẹo me lập tức nuốt trộng vô bụng, lấy taychùi mấy hột đường còn dính tùm lum hai bên mép, cười toe. Bà Trần trừng mắt nói: - Sao không lo làm mà nói sàm nói dóc gì đó, tụi bây? Bộ muốn bị trừ tiền thưởng hả? Một cô nhanh nhẩu: - Dạ đâu có, tụi em đang trầm trồ cái áo của chị sao mà đẹp quá sá! - Đừng có nịnh nữa, nghe không lọt lỗ tai! Mày chỉ giỏi cái miệng, làm thì dở ẹc! Cô gái chống chõi: - Đâu mà, cả phân xưởng này tay nghề của em chỉ thua mỗi chị Hiếu. Bà Trần co chưn đá đá đống đồ may sẵn, khoát tay ra hiệu cho nhân viên chuyển đi rồi xây người đi ngược trở ra. Hiếu đang đánh suốt thì bà Trần bước tới, đưa tay đặt nhẹ lên vai. Hiếu ngoáy người lại, chưn vẫn đạp mô tơ: - Em chào chị Trần! - Chào em! Từ sáng tới giờ làm được nhiều chưa? Hiếu ngó xuống chưn. Bà Trần cúi xuống cầm một cái lên coi săm soi rồi gật đầu khen: - May rất khéo! Nếu cả phân xưởng này ai cũng như Hiếu thì tôi chẳng có việc gì phải lo lắng. Hiếu là người có thâm niên xếp vào hàng nhứt nhì ở Xí nghiệp. Tay nghề giỏi, chịu khó, năng suất lao động cao không ai bì kịp nên chẳng có gì ngạc nhiên khi cô luôn lãnh lương cao hơn mọi người. Hiếu lại là người không thích đụng chạm, chuyện mình mình làm không thích chúi mũi vô chuyện thiên ha. Cuộc sống nghèo khổ, nhọc nhằn cộng với bao trắc trở trong đời khiến cô trở thành một kẻ bàng quan lạnh lùng. Tháng trước Xí nghiệp xảy ra cuộc lãn công của công nhân đòi giới chủ phải thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng lao động. Người ta đề nghị Hiếu tham gia nhưng cô một mực chối từ. Chuyện làm ăn đang yên ổn, lương khá, chẳng tội tình gì mua dây buộc mình. Cuộc lãn công thắng lợi nhưng mấy người cầm đầu bị ép phải thôi việc. Dẫu các tổ chức Công đoàn, Liên đoàn lao động có ra tay can dự nhưng không kết quả. Một khi người ta không thích thì có cả vạn lý do để tống cổ những công nhân cứng đầu cứng cổ ra khỏi cổng Xí nghiệp mà không phải thanh toán một xu. Bản thân Hiếu cũng đã từng là nạn nhân trước tính khí lúc nóng, lúc lạnh thất thường như thời tiết của bà Trần. Không hiểu sao dạo này, bà Trần bỗng dưng thay đổi tánh nết trong cách xử sự với Hiếu. Chuyện này quả thiệt là đáng lo hơn mừng. Bà ta luôn để ý, săn sóc Hiếu quá ư là kỹ lưỡng và thường xuyên ghé chỗ Hiếu làm và rốn lại rất lâu. Trong lúc trò chuyện bà luôn nhìn chằm chằm vào cặp ngực phập phồng nấp sau làn áo mỏng, đôi mắt ánh lên những tia sáng kỳ lạ. Rừng rực. Thèm khát. Thậm chí có lần bà còn đưa tay bóp nhẹ lên ngực Hiếu: - Ái chà, lớn tuổi rồi mà ngực còn cứng ghê ha! Hiếu giựt thót, ốc ác đâm tua đâm tủa khắp lỗ chưn lông, đưa tay gạt ra. Bà Trần cười: - Cũng là đàn bà với nhau có gì đâu mà! Em làm như tôi là thằng cha dê xồm nào! – Đoạn bà ta cười ré lên:- Hôm nào ghé nhà tôi, tôi có mấy bộ đồ lót vừa cỡ với em. Nè, cặp ngực đẹp vậy đừng để cho thằng nào bóp nghe chưa! Hiếu co người lại, nhìn bà ta bằng ánh mắt chú gà con tội nghiệp đang chạy trốn móng vuốt diều hâu. Cảm giác lộn mửa tràn lên cuống họng. Hiếu muốn gào lên, đồ dịch vật! Hãy để tui yên! Nhưng Hiếu chỉ nghĩ vậy chớ không dám thốt ra. Bản chất Hiếu là rùa, hễ đụng chuyện là rụt cổ vô chiếc mu cứng để tìm sự bình yên. Tranh thủ những lúc rảnh việc, bà Trần thường lân la đến chỗ Hiếu. Trong lúc trò chuyện, đôi bàn tay như hai con rắn độc liên tục cựa quậy khắp chỗ kín trên người Hiếu. Thấy Hiếu có vẻ không thích, lập tức bà rụt tay lại, cười hề hề: - Có gì đâu mà. Cả Xí nghiệp này chúng nó khinh tôi như chó chỉ có Hiếu coi tôi là người! Tôi thích Hiếu vì lẽ đó. Bà Trần liệng cái áo jacket xuống đất, áp sát ngực vô lưng Hiếu. Mùi dầu thơm mắc tiền xông vô mũi gây cho cô cảm giác khó chịu. Bất chợt bà Trần đưa gí sát mũi lên mái tóc đen nhánh của Hiếu rồi làm bộ la lên thất thanh: - Em xài dầu gội đầu loại gì mà hăng quá vậy? Hiếu cười ngượng nghập: - Dầu gì đâu! Em xài toàn xà bông cục giặt đồ! - Bà Trần nói: - Chiều thứ Bảy tuần này em đến nhà tôi, tôi có cả lố dầu gội ngoại chưa xài tới. Hiếu khước từ: Thôi, em quen xài một thứ rồi, thay đổi tùm lum dễ có gàu. - Bà Trần liệng cái nhìn vừa mơn trớn, vừa nghiêm nhặt về phía Hiếu rồi nói: - Em phải tới! Đó là lịnh. Nét mặt bà Trần chợt dùn ra:- Mà tôi đâu có ăn tươi nuốt sống ai đâu mà em sợ dữ vậy? Hiếu đáp: Không, chẳng qua là em không muốn phiền phức tới người khác. Bà Trần bĩu môi: Phiền gì mà phiền! Đúng năm giờ chiều nghen. Tôi chờ. Hiếu ngồi chết trân, khắp người xuất hãn mồ hôi hột. Lúc sau Hiếu rụt rè hỏi: Em nghe Xí nghiệp sắp cắt bớt hợp đồng? Bà Trần: Sao em biết? Hiếu cười nhẹ: Em chỉ nghe phong thanh. Bà Trần im lặng một lúc rồi gật đầu: Đúng vậy. Hàng hóa xuất qua Âu Châu gặp trúc trắc...Nhưng có tôi đây thì em khỏi phải lo lắng gì ráo. Hiếu nói lí nhí: Cám ơn chị. Bà Trần tươi cười: Ơn nghĩa gì. Nhớ thứ Bảy này tới đúng hẹn là được rồi! Hiếu gật đầu một cách máy móc. Bà Trần cười mãn nguyện: - Thôi, em làm việc. Tôi còn phải đi kiểm tra lũ tiểu yêu làm ăn như thế nào, lơ tơ mơ là không xong với chúng. Nhành và Trang ngồi kế bên nhau ở chính giữa xưởng may. Nhành may cổ áo. Trang may túi. Chỗ Huệ làm ở tuốt trong kẹt dãy bên kia. Lúc này là gần mười giờ sáng, tất cả đều vùi đầu vô công việc. Âm thanh phát ra từ những chiếc máy may công nghiệp rào rào như tằm ăn lá. Trang múa tay thoan thoát, vừa nói chuyện với Nhành: - Chị Ngân mới vìa nhà mình, chị đánh giá như thế nào? Nhành, dừng chưn giậm mô tơ, tay cầm kéo cắt chỉ, nói: - Đẹp. Có học thức. Trang nói: - Ấy là em muốn nói đến tánh tình kia. Nhành nói: - Mới về làm sao biết được, nhưng chắc là không đến nỗi xấu. Trang lái sang chuyện khác: - Năm nay chị có ý định vìa nhà ăn Tết hôn? Nhành day mặt về phía Trang, ngạc nhiên nói: - Mới đầu năm mà đã nói tới chuyện tết nhứt rồi sao. Con nhỏ này thiệt là lẩn thẩn! Trang cười cười: - Không có chuyện gì để nói, buồn miệng hỏi chơi thôi! Nhành đáp: - Về chớ, cày hùn hục như trâu cả năm cũng phải nghĩ xả hơi lấy sức. Với lại ông già khó tánh lắm, không về là không xong với ổng đâu. Còn mày thì sao, bộ có chuyện gì hả? Trang thở dài, nói nhắp nhứ trong cuống họng: - Có lẽ từ rày em sẽ ăn tết luôn ở Sài Gòn, vìa nhà chỉ gặp toàn chuyện buồn. Tết nhứt mà trong nhà không có lấy hột gạo. Má em bị bịnh nằm mẹp, ho khù khụ trên giường mà không bói đâu ra một viên thuốc. Nhìn mấy đứa cháu đen sặm đang tuổi ăn, tuổi lớn ngồi cho hỏ trước thềm nhà, mà thương đứt ruột. Em đã nghĩ kỹ rồi, thấy không vìa là tốt nhứt. Nhành băn khoăn: - Mày làm vậy là không đúng đâu, chim có tổ người có tông. Trang gật đầu: - Em biết, nhưng làm sao bây giờ? Nội tiền chi phí đi đứng cũng đủ cho cả nhà ăn cái tết tàm tạm. Rồi cô thở dài chán nản:- Ở thành phố này sao có nhiều người giàu quá trời quá đất! Họ xài tiền như rác. Còn chị em mình kiếm được một đồng đến chảy máu mắt! Nhành cười buồn: - Ai biểu chị em mình đầu thai lộn chỗ. Đời là vậy đó, có kẻ giàu, người nghèo thì mới tạo nên một xã hội. Ai cũng như ai thì nói làm chi. – Nhành im lặng một lúc rồi buông ra một câu:- Cũng tại kiếp trước, mấy đứa mình vụng tu! Chợt có tiếng nạt nộ giận dữ của bà Trần phát ra từ phía sau. Nhành, Trang xây lại thì thấy bà Trần cầm chiếc áo jakect quất túi bụi vô mặt cô công nhân có gương mặt xanh mét. - Đồ khốn! Mày làm ăn như vầy đó hả? Mắt mũi mày để đâu? Vừa nói bà Trần vừa vụt tới tấp lên người cô gái. Cô bé tội nghiệp không dám phản ứng mà chỉ trân người ra hứng chịu cơn thịnh nộ. Quất mỏi tay bà Trần ra lịnh cho cô gái đứng dậy, bước ra ngoài: - Mày đứng đây chờ tao kiểm tra một lượt rồi tính sổ luôn thể. Nói xong bà hậm hực đi kiểm tra hàng loạt. Lúc sau đã có thêm sáu cô công nhân nữa, trong số này có cả Huệ. Huệ không tỏ vẻ sợ sệt thái quá như mấy người khác, cô cúi xuống đất không phải vì sợ mà để nín cười. Cũng tại miệng cười mất trật tự của Huệ mà bà Trần càng thêm lộn ruột. Nó chọc quê mình đây! Bất ngờ bà ta nắm lấy ngực áo Huệ kéo mạnh về phía mình: - Mày là đứa vô tích sự nhứt! Tháng rồi làm hư cả chục sản phẩm, bây giờ lại tiếp tục tái diễn. Có phải mày cố tình chống chọi với tao phải không? Huệ thanh minh rành rọt tại máy cũ quá nên liên tục bị trục trặc chớ không phải cố tình làm vậy, chẳng ai dại dột muốn rước phiền phức vô mình, nếu không muốn sản phẩm tiếp tục bị hư thì nên thay cái khác. Nhìn vẻ mặt nhơn nhơn của Huệ, bà Trần điên tiết đến sùi bọt mép, giơ thẳng cánh tay giáng xuống mặt cô, nhưng Huệ đã nhanh tay giữ lại, nói khít qua kẽ răng: - Tui làm hư thì bà trừ lương, cấm bà không được xúc phạm đến nhân phẩm của tui! Bà Trần cười nhạo báng: - Cái nhân phẩm của mày đáng giá bao nhiêu? Tao phỉ nhổ vô cái giá trị thúi tha của lũ chúng mày. Đoạn bà ta nhìn nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống đám công nhân đang run cầm cập:- Theo tao ra ngoài đây! Bà Trần trừng phạt bằng cánh cho bảy cô công nhân đứng úp mặt vô tường ngay trước cổng chánh. Lúc này cả phân xưởng bắt đầu nhốn nháo cả lên. Nhiều người bỏ dở công việc chạy ùa ra phía ngoài nhao nhao phản đối. Nhành là người tỏ ra gay gắt nhứt, cô “ tả xung hữu đột “ dẫn đầu đám đông tiến ra gặp bà Trần đang đứng la lối um sùm giữa sân: - Tui đề nghị bà chấm dứt ngay tình trạng này, nếu không chúng tôi sẽ thưa bà về tội làm nhục công dân. Ánh mắt bà Trần lóe những tia hằn học sau lớp kính cận: - Cũng lại là mày, đứa chuyên trị cầm đầu nỗi loạn! Tao đâu có đụng chạm tới mày, sao mày lại thích xía vô chuyện của tao? Dòm thấy mày là tao phải tránh xa rồi! - Bà cũng vừa või gì! - Nhành nói:- Tui yêu cầu bà phải tôn trọng quyền con người. - Cóc nhái tập tọe làm người cũng học đòi nói lý lẽ! Bây giờ tụi bây kéo bè, kéo đám tính làm loạn hả? Tao cho Bảo vệ gô cổ cả lũ! Nhành nói: - Bà muốn làm gì thì cứ việc nhưng phải dựa theo luật pháp. Nếu bà còn tiếp tục đối xử với công nhân như súc vật nhứt định chúng tôi sẽ không để yên. - Tụi bây sẽ làm gì tao? – Bà Trần đứng dạng chưn, chống nạnh thách thức. Thấy tình thế bất lợi, bà Trần bèn khoát tay ra hiệu cho đám nhân viên bảo vệ xông ra can thiệp. Nhưng lúc này hầu như toàn bộ công nhân đã túa hết ra ngoài. Rộn rạo dưới sân. Họ gào thét phản đối. Thậm chí có người quá khích bắt đầu đập phá cửa kiếng, đồ đạc...Số bảo vệ ít ỏi không chống lại đám đông đành phải tìm đường lẩn trốn. Bà Trần bị quây vô giữa, bị xô đẩy như trái banh tennis, áo quần xốc xếch, nhàu nát, cặp kiếng cận bị bể nát dưới gót chưn. Một nữ công nhân không kìm chế đã xông vô, nắm cổ áo bà Trần giựt mạnh làm mấy chiếc nút áo bắn ra để lộ cặp ngực trắng nõn, chảy xệ. - Cởi truồng con mụ độc ác đó ra đi! Lập tức đám đông phẫn nộ xông vô đè giẹp bà quản đốc xuống nền xi măng. Nhành cùng hai người nữa giữ chặt vai mụ. Huệ phụ họa với đám đông cởi tuột chiếc váy.. Ông phó giám đốc phụ trách nhân sự lính quýnh chạy ra, trợt chưn trên bậc tam cấp lộn mèo mấy vòng. Quên cả đau, lập tức lồm cồm ngồi dậy, xông vô giữa đám đông hỗn loạn: - Không được manh động! Có việc gì thì bỉnh tĩnh thương lượng, giải quyết. Các anh chị làm nhục công dân là vi phạm pháp luật. Xin hãy nghe tôi nói. - Vậy bả làm nhục chúng tôi thì ai phán xử? – Một người trong đám đông gào lên:- Cho bả biết tay đi! Mọi chuyện chỉ chấm dứt khi mấy anh công an phường có mặt. Bà Trần, xây xước, bầm giập như trái dưa gang chín rục, được hai tay bảo vệ hộ tống về phòng riêng thay quần áo. Khoảng mười phút sau vài cán bộ ở Liên đoàn lao động thành phố bắt đầu xuất hiện trước cổng Xí nghiệp để giải quyết chuyện xô xát vừa xảy ra.