ốc tờ Silvio Barbato, là con chủ đất có nhiều chung cư cho mướn trên Đại lộ Thứ Mười. Người gốc gác nông dân Ý, nhưng không phải dân ngụ cư, không phải làm việc vất vả, không bóp hầu, bóp cổ những dân đồng hương mướn nhà, không vắt cổ chày ra nước, ăn không dám ăn, uống không dám uống, mới nuôi nổi con thành người. Đốc tờ Barbato còn trẻ, nhưng không hề nuôi ảo tưởng về lời thề Hippocrate. Xưa nay lời thề vốn không làm ai sống, cũng chẳng làm ai chết bao giờ? Ông ta trọng cha mình, và đủ thông minh để khỏi quá thương cảm những người dân Ý sống chui rúc như chuột dọc theo bức tường phía Tây thành phố. Nhưng còn tin đau khổ không phải là điều tự nhiên chưa trở nên hoàn toàn chai lì.
Ông biết Lucia Santa khá kỹ. Khi còn nhỏ, trước khi gia đình trở nên giàu có, ông đã sống ở Đại lộ Thứ Mười và kính trọng người đàn bà nghèo khỗ, cần cù đảm đang này. Ông không nỡ làm bà sợ hãi và hành động một cách hoàn toàn nhà nghề, chỉ biết chữa bệnh và đớp bạc. Nhưng mỗi khi bước vào căn nhà ổ chuột, ông thầm cảm tạ cha mình đã giúp thoát khỏi hẳn thế giới nghèo khổ, khôn khéo thúc đấy ông học nghề đốc tờ. Lúc nào chả có người ốm, nên chẳng bao giờ lo thiếu việc, mặc cho thiên hạ lăn ngay ra chết, đốc tờ luôn luôn mỏi tay đếm bạc, nếu chẳng phải là thứ gà nuốt dây thun.
Ông ta ngồi nhấm nháp cà phê. Bắt buộc phải uống, nếu không họ sẽ chẳng bao giờ dám gọi ông đến nữa. Ồ, cô con gái bà ta... ông chưa biết tên - nảy nở lắm rồi, phải gả chồng gấp, nếu không muốn gặp những khó khăn lấm cẩm do căn bệnh đói tình. Luôn luôn có quá nhiều người muốn chõ miệng giải thích về căn bệnh. Bạn bè và cố vấn gia đình đàm tiếu quanh điều này làm bất cứ đốc tờ nào. Nhất là bản mặt không sao thương nổi của mấy mụ già ăn không ngồi rồi.
Bệnh nhân đang nằm, có vẻ bình thản. Barbato bắt mạch, đo huyết áp. Ông không thấy gì lạ, nhưng chắc sau gương mặt cam chịu, đó là sự căng thẳng tột độ. Ổng đã biết đến nhiều trường hợp tương tự. Bao giờ cũng là đàn ông suy kiệt trước những huy hoàng nơi đất mới. Trái lại đàn bà chịu đựng khá hơn nhiều. Biết bao đàn ông Ý bị nhốt vào bệnh viện tâm thần.
Đốc tờ Barbato bắt Frank Corbo vào bệnh viện nằm một thời gian mới mong hồi phục. Nhưng hắn ta còn nặng gánh gia đình. Đốc tờ lui cui xem xét kỹ hơn:
- Chân ông sao thế này?
- Không sao đâu bác sĩ. Mặc tôi.
- Ông có nhức đầu không?
- Có.
- Bao lâu rồi?
- Đến khi tận thế.
Thì ra cha nội này có điên thật. Ông cho một đơn mua thuốc an thần thứ nặng. Ông đợi nhận thù lao khám bệnh, trong khi bà mẹ lúi húi đi lấy tiền từ một hang hốc nào đó.
*
Frank Corbo đi làm lại vào tuần kế. Ông đã khá hơn nhiều. Đôi khi trong đêm ông rên rỉ, nguyền rủa, nhưng chỉ trong ít phút, và thường sau nửa đêm, ông ngủ được. Nhưng chưa tới một tuần ông về nhà trước cả bữa trưa. Ông hốt hoảng bảo vợ:
- Ông chủ trả tôi về. Tôi bệnh quá không làm việc nổi nữa.
Rồi ông khóc, làm Lucia Santa lạnh cả người. Trông ông ốm tong ốm teo.
Bà đỡ ông ngồi ở chiếc bàn trong bếp, mang ra cà phê ông hoảng hốt:
- Tôi bệnh nặng phải không. Ông chủ nói tôi chạy máy quá nhiều, tôi lú lẫn quá rồi, tôi phải nghỉ một thời gian rồi mới đi gặp lại ông chủ. Nhưng đâu có bệnh đến thế, tôi sắp khỏe rồi. Tôi còn tỉnh táo lắm mà!
- Thôi ông đừng lo, hãy nghỉ cho khỏe đã. Chiều nay ông chịu khó bế Lena, hai cha con đi dạo mát.
Bà nhìn chồng cúi mặt xuống. Ông đang khỏe lên hay yếu đi đây? Bà chỉ còn biết chờ đợi.
Khi ông chồng bế Lena ra khỏi nhà, bà vợ đưa cho ông một đô la mua kẹo và xì gà.
Hai cha con về nhà vừa đúng bữa tối. Cả gia đình quây quần quanh bàn. Biết cha mất việc mấy đứa con đứa nào đứa nấy mặt buồn thiu. Nhưng ông lặng lẽ, đàng hoàng, sẵn sàng giúp đỡ bà vợ, khiến ai cũng thấy an ủi. Như thể con ma thất nghiệp đã làm ông tỉnh trí.
Ăn uống xong, Lucia Santa hỏi chồng có đi nhà thờ không? Ông ta trả lời không còn cần thằng cha Colucci chó đẻ nữa. Bà vợ ngạc nhiên. Có thể nào chồng mình đã chỉ lợi dụng Colucci để kiếm việc làm xong là cho hắn dọt. Nhưng còn cơn bệnh đang hành hạ? Bà thấy mọi sự rối như tơ vò. Thôi nghĩ ngợi nhiều mệt óc quá.
Lucia Santa ngồi mạng quần áo trong bếp tới nửa đêm. Nếu đến nửa đêm mà chồng chưa lên cơn, thì bà có thể yên tâm lên giường nằm nghỉ.
Đêm nay Frank Corbo nhìn bà xoi mói:
- Khuya rồi đi nằm đi mình. Chút nữa tôi sẽ đi ngủ.
Gần mười một giờ khuya. Mọi người đã đi ngủ, Larry đi làm. Lucia Santa khấp khởi mừng thầm bệnh của chồng đỡ hơn. Bà bảo chồng:
- Để tôi cho xong cái áo này đã.
Bà vợ khâu vá, ông chồng phì phèo điếu xì gà. Ông đưa cho vợ một ly rượu vang, chính ông cũng nhấm nháp một ly, dù đạo của Colucci cấm uống rượu. Quá nửa đêm ông bà mới đi nằm, bé Lena nằm gọn lỏn ở giữa. Đêm tối đen như chì, khi Lucia Santa choàng tỉnh nghe ông chồng nói rất tỉnh.
- Sao có con búp bê nằm giữa đây. Mang nó đi mau, không tao ném nó qua cửa sổ bây giờ.
- Frank, con đây mà mình. Mình sao thế?
- Tại sao mày để con búp bê ở đây?
- Bé Lena chứ búp bê nào đâu mình. Mình tỉnh lại chưa?
Yên lặng một lúc lâu, nhưng Lucia Santa sợ hãi không dám chợp mắt lại. Rồi cái giường run lên bần bật.
Ông nhào lên như một thiên thần phẫn nộ. Khắp nhà đèn đuốc sáng chưng. Ông đứng dó, quần áo chỉnh tề, mặt bừng bừng giận dữ. Ông quát vang như sấm:
- Cút hết, đồ chó đẻ đồ quỷ. Cút hết, không ông đập vỡ sọ bây giờ!
Bà mẹ ôm con vọt khỏi giường sang phòng, bảo Gino và Vincent đi kiếm Zia Louche gấp.
Vẫn lầm bầm chửi rủa, nhưng khi thấy Vincent, ông lại nói:
- Không, Vincenzo có thể ở lại đây, Vincenzo là thiên thần.
Bà vợ đẩy thằng Vincenzo ra khỏi nhà.
Hai người đứng gờm nhau. Mắt ông đã thất thần, giọng nói nhẹ nhàng nhưng đầy hằn học: “Mày mang con búp bê cút ngay”. Bà vợ nhìn vào cửa phòng Octavia. Ông gầm lên:
- Mày đuổi con Octavia xuống đường đừng để chính tao ra tay.
Cửa mở, Octavia xuất hiện, tay lăm lăm cầm chiếc kéo nhọn. Thấy ông dữ tợn quá, nàng cũng hết hồn hết vía luôn. Nàng đỡ bé Lena từ tay bà mẹ riu ríu dẫn Vinnie, Sal, Gino xuống cầu thang. Cả bọn tiu nghỉu như mèo bị cắt tai. Trong nhà chỉ còn Lucia Santa và ông chồng đang nổi điên:
- Tao đã nói bọn bay ra khỏi nhà hết.
Ông đi lại đẩy mạnh bà vợ ra.
Vừa lúc đó Larry và lão chủ lò bánh ùa vào. Ông bỏ bà vợ ra, nắm cổ thằng Larry đấm đá lia lịa:
- Mày dám can thiệp ư thằng khốn?
- Ba, tôi chỉ muốn giúp ba thôi. Cảnh sát sắp tới. Ông làm ơn im dùm đi chút.
Tiếng còi bỗng rít lên thảm thiết. “Hắn” chạy ra nhòm xuống cửa sổ, rồi lại chạy vô, rền rĩ:
- Cảnh sát có dùi cui. Không ai chống lại cảnh sát được!
Hắn ngồi thu lu trong ghế.
Hai cảnh sát viên, lực lưỡng, to con bước vào. Larry kéo họ ra một chỗ, nói nhỏ một lát. Hắn ngó trân trân. Rồi Larry lại bên hắn:
- Ba nghe tôi đây, sắp có xe cứu thương tới... Ba bệnh rồi. Đừng làm gì lộn xộn nữa.
Frank Corbo đẩy thằng nhỏ chúi mũi về phía trước. Hai cảnh sát viên nhào tới định can thiệp thì bà vợ vội vã níu tay họ lại.
Bà lại khuyên nhủ chồng:
- Van ông chịu khó đi nhà thương, khỏe rồi sẽ tính. Đừng để các con phải thấy cảnh sát đánh đập ông, lôi ông đi sền sệt. Ông chịu khó một chút. Tôi sẽ đến thăm ông mỗi ngày. Chỉ một tuần, hai tuần sau sẽ khỏe.
Ông đứng cù rù bên bàn rồi ngửng đầu lên bất ngờ:
- Mọi người phải uống cà phê. Tôi sẽ pha cà phê đãi tất cả.
Bà vợ ra hiệu cho hai cảnh sát viên kiên nhẫn chịu đựng ông già điên khùng một chút. Trong khi lúi húi pha cà phê ông lỉnh đi cạo râu trong bếp. Loáng mắt, ông lại xuất hiện, bày biện ly tách cà phê trên bàn. Octavia và mấy đứa trẻ uống cà phê để làm ông ta vui lòng, trong khi ông sai bà vợ đi kiếm một chiếc sơ mi sạch. Rồi đưa mắt đảo quanh.
- Lũ chó đẻ. Tất cả chúng mày chỉ là đầy tớ ma quỷ. Tao biết hai thằng cảnh sát đây, đêm khuya mò vào lò bánh nhậu uýt-ki. Chúng mày làm việc thế đấy à? Còn thằng chủ lò bánh, mày nấu rượu lậu sau nhà coi pháp luật như giấy lộn. Ồ, ban đêm tao vẫn thấy chúng mày, trong khi mọi người vẫn ngủ say tít. Tao thấy hết, thấy hết chỗ nào mà chẳng có mặt tao. Tao thấy đủ tội lỗi của loài người, đồ quỷ, đồ ác ôn côn đồ, đồ giết người uống máu không tanh. Tao biết tất cả bọn bay. Bọn bay muốn chơi cha với tao sao?
Hắn đẩy mạnh cái bàn, ly tách bể loảng xoảng.
Tấn hài kịch đến lúc hạ màn. Lucia Santa nắm tay lôi ông ta ra khỏi nhà có Larry phụ giúp. Cảnh sát và nhân viên cứu thương theo bén gót.
Đại lộ vắng người. Gió rít quanh chiếc xe cảnh sát đậu sát ở chung cư, Frank Corbo đứng đối diện vợ, trên đường phố tối tăm. Ông thều thào:
- Lucia Santa, hãy cho tôi về nhà. Đừng để họ bắt tôi đi. Họ bắn tôi mất!
Bên kia đường xe bắt đầu nổ máy. Người vợ cúi đầu, bước ra xa. Hai nhân viên cứu thương lẹ làng sóc nách Frank Corbo lên xe cứu thương. Hắn không kêu. Bà vợ Và Larry đứng như chôn chân. Xe cứu thương vọt đi, chỉ còn một cảnh sát viên ở lại.
Trên trời những vì sao chiếu sáng yếu ớt. Lucia Santa khóc lặng lẽ, còn Larry thì cho cảnh sát viên biết tên tuổi mọi người trong gia đình, và kể lại vắn tắt diễn tiến sự việc.
*
Chủ nhật sau bệnh viện mới cho phép thân nhân vào thăm. Sau bữa cơm chiều Lucia Santa hỏi con gái:
- Theo con đưa ổng về nhà được chưa? Có nên không?
Octavia rùn vai, không dám trả lời thắng câu hỏi. Nàng ngạc nhiên về vẻ lạc quan của mẹ.
Larry góp lời:
- Mẹ muốn để ba chết dần chết mòn trong nhà thương thí Bellevue, chỉ vì ba nổi cơn điên sao? Chúng ta phải đưa ba về nhà, không sao đâu.
- Ôi, mày nói như người hùng vậy. Nhưng mày có ở nhà đâu? Mày còn bận đi cặp bồ mà. Trong khi đó thì ổng dám cắt cổ mẹ, tao và các em lăm chứ phải chơi đâu. Lúc đó chắc mày buồn lắm, nhưng mày sống nhăn còn cả nhà chết hết rồi. Mày nghĩ lại coi, Larry.
- Ôi, chị chỉ được cái làm lớn chuyện. Sau khi hít mùi nhà thương thí Bellevue, ổng sẽ hết bệnh mà. Bảo đảm. Nhưng chị vẫn ghét ba mà.
- Thôi cho tao xin mày ơi!
Lucia Santa nghe hai đứa con cãi nhau, rầu thúi ruột. Thế nhưng bà cho rằng chúng có biết gì đâu mà nói.
Người đàn bà quê mùa dốt nát này tự cho mình có quyền sống chết đối với những người thân. Mỗi ngày mỗi năm chúng ta thấy người chết, kể cả người thân, mà có làm được đâu? Lucia Santa không phải loại người tình cảm lẩm cẩm. Thế nhưng không phải bà đã hoàn toàn chai đá, hết yêu, hết thương.
Người đàn ông đã cứu vớt bà khỏi cảnh góa bụa tuyệt vọng, đã chung chăn chung gối chạ, thế mà giờ đây đã đổi tính đổi nết. Nếu ông ta có mặt, gia đình sẽ lộn xộn kinh khủng. Octavia sẽ phải lấy chồng để thoát khỏi hoàn cảnh éo le này. Ông ta không còn giúp đỡ cuộc sống mà còn là trở ngại nữa. Bà có trách nhiệm nặng nề với con cái. Bà loại bỏ thứ tình yêu cá nhân, xa xỉ không có lợi cho ai cả.
Ngoài tình yêu, còn danh dự, còn bổn phận, còn chút duyên thừa, Frank Corbo chưa bao giờ phản bội, ông ta chỉ bất lực mà thôi. Ruồng bỏ ông về sau làm sao giải thích, ăn nói với máu huyết của ông ta là mấy đứa con mang nặng đẻ đau.
Bà mẹ quyết định đón ông ta về nhà.
Thằng Larry đi với bà. Trước khi đi, nó bảo em:
- Nhớ lúc cha về, bọn bây đừng quấy nghịch nhiều quá nhé. Phải tỏ ra ngoan ngoãn, biết vâng lời.
Bà mẹ hởi lòng hởi dạ.
Lucia Santa và thằng Larry ngồi đợi trong căn phòng chật người. Thật lâu mới có người ra bảo họ vào gặp bác sĩ.
Bà mẹ ngạc nhiên thấy bác sĩ trẻ măng. Họ vừa ngồi xuống, ông ta đã nói hôm nay họ chưa gặp Frank Corbo được!
Bà mẹ cô sức giảng giải nguyên do cơn điên loạn, vì ông buồn bực gia đình hay tủi phận hấm hiu. Nhà nghèo, mà ông ngã bệnh rồi, không đi làm được. Mùa đông, ông ta không có đến chiếc mũ, cơn lạnh thấu xương chắc làm hư óc não hết trơn. Bà cũng không quên nhắc khi ông đi làm phu đào đường hầm ở Đại lộ Thứ Tám, đất sụp ông bị thương ở đầu và ông bị chôn vùi trong ít phút.
Ông bác sĩ chăm chú nghe, cô tỏ ra lễ độ.
- Thưa bà, ông nhà bệnh nặng lắm. Bệnh đến nỗi bệnh viện này có lẽ cũng khoanh tay, dĩ nhiên càng không thể để ông sống ở nhà. Ông phải ở riêng. Có lẽ một hai năm sau ông sẽ khỏi. Nhưng không ai biết chắc được cả. Xin bà ký cho tờ giấy ưng thuận này.
- Tôi không ký đâu bác sĩ. Tôi muốn nói chuyện với nhà tôi một chút.
Ông bác sĩ nhìn Larry, lắc đầu nhẹ:
- Thưa bà, nếu ông nhà bị cảm, bà sẽ không để ông đi làm, nếu ông gãy chân, bà sẽ không để ông đi chứ. Nói thật, ông không đủ sức sống bình thường nữa rồi! Nếu bà thương ông xin bà ký giấy này.
- Không, tôi không ký.
- Tôi cũng đành thua vậy. À, bà muốn đưa gói này cho ông phải không? Bà có muốn tự tay mang vào không. Bà sẽ không được ở lâu, nhưng chốc lát thì được.
Bà vợ mừng rỡ gật đầu.
- Xin bà theo tôi. Còn cậu nên ngồi đợi ở đây.
Lucia Santa theo sau người mặc chiếc áo trắng trong bóng tối, qua những hành lang tù ngục, rất lâu trước khi bước vào một phòng lớn có nhiều bồn tắm, một số có che màn. Bác sĩ dẫn bà đến trước một bồn tắm, một tay nắm chặt vai người đàn bà, một tay kéo tấm màn.
Một người đàn ông trần truồng, hai tay bị buộc chặt, ngồi trong bồn nước. Bà vợ kêu lên thảng thốt Frank cái đầu nọ quay về phía bà, khuôn mặt dài ngoằng, với nụ cười nhăn nhó của con thú dữ sa bẫy. Đôi mắt trơn tuột như thủy tinh, lạc hết sinh khí. Đôi mắt không nhìn ai mà ngó lên khung trời vô hình ở trên. Đó là khuôn mặt điên loạn hoàn toàn tuyệt vọng, người bác sĩ khép tấm màn lại, người đàn bà rú lên hãi hùng, buông rơi gói đồ ăn xuống sàn rớt tung tóe.
Trong văn phòng, Larry cố gắng làm mẹ ngưng khóc, nhưng vô ích. Bà khóc cho mình phải chịu góa bụa lần nữa, từ nay mãi mãi... qua đêm trên chiếc giường cô độc, khóc cho những đứa con mất cha, khóc cho số phận hẩm hiu. Lần đầu tiên từ bao năm bà thấy sợ hãi, đã yêu thương một người, đã sinh con đẻ cái, và giờ gặp lại ông, còn sống, nhưng chỉ là xác vô hồn.
Bà ký giấy, cảm ơn bác sĩ. Hai mẹ con rời bệnh viện lên tắc xi về nhà. Thằng Larry hết sức lo lắng. Nhưng khi bước xuống Đại lộ Thứ Mười, bà đã hoàn toàn hồi tỉnh. Bà tự đi lên cầu thang một mình. Hai mẹ con không nhìn thấy Gino, Vinnie và Sal co ro đứng ở góc đường.