Những ngày cuối tháng mười một âm lịch đối với Huệ quả là quá bận rộn. Năm nay, không hiểu sao người ta lại chết nhiều quá sá! Cứ như là tranh nhau chết không bằng, Huệ nghĩ vui, có lẽ, do đất đai lên giá vùn vụt nên chết sớm chừng nào đỡ tốn chừng ấy! Thời gian gần đây người dân thành phố thường chọn cách thực dụng nhứt, là đem đi hỏa táng. Bằng cách này vừa đỡ tốn kém vừa khỏi mất công cúng bái, vẫy mả hàng năm, coi như nhứt cử tam tiện! Người quá cố được đưa vô lò thiêu xác cả ngàn độ xê, sau đó tro cốt được đem gởi vô chùa, nghe tiếng kệ lời kinh đặng mau siêu thoát. Huệ cứ băn khoăn, liệu những linh hồn bất hạnh đó có lên thiên đàng hay vất vơ vất vưởng nơi dương thế vì lũ cháu con tôn thờ chủ nghĩa thực dụng hơn chữ nghĩa nhơn. vừa từ địa ngục ngoi lên, đến sô cuối cùng thì Huệ hoàn toàn kiệt sức. Nước mắt đã cạn kiệt như cái giếng khô rang giữa cái hạn bà chằn, không sao nặn ra một giọt cho có. Đến nỗi chủ nhà đã phải la bài hãi: - Cô khóc hay là cô rống vậy? Làm ăn cái kiểu này mà dám xòe tay nhận tiền bộ không biết mắc cỡ sao? Cô biến đi để tôi đỡ ngứa con mắt! Huệ mừng húm, phóng xe như bay, mong sớm về nhà nghĩ ngơi cho lại sức. Ngày mai sẽ là một ngày bận rộn nữa đây! Huệ nhẩm tính, sáu sô cộng thêm tiền boa cả thảy gần năm trăm! Cha, phen này mình giàu tới nơi rồi! Ý nghĩ đó như liều thuốc tăng lực khiến cô quên đi cả mệt nhọc, phiền muộn trong công việc. Cô hân hoan tưởng tượng về ngôi nhà xinh xắn, người chồng và những đứa con… Khi đổ dốc cầu, Huệ thấy hai bên lề đường có bán trái cây, bèn tấp vô mua mỗi thứ một ít, tọng đầy một bịch ny lon. Về tới đã thấy mọi người tề tựu đông đủ ở dưới nhà. Họ đang trao đổi điều gì đó có vẻ bí mật, căng thẳng, thấy Huệ liền lập tức im re, cử chỉ lúng túng. Huệ dựng xe ngay đầu hẻm. Nói rổn rẻng: - Chào cả nhà! – Huệ thảy túi trái cây ra giữa nhà:- Ăn đi! Không ai động đậy. Huệ ngơ ngác dòm Hiếu. Hiếu ngoảnh sang chỗ khác, nén tiếng thở dài, cả Nhành và Ngân cũng vậy, sanh nghi, Huệ liền hỏi Trang: - Ở nhà có chuyện gì xảy ra phải hôn? Mày nói đi! Trang không trả lời, chỉ lẳng lặng đưa cho Huệ bức điện tín. Linh cảm chuyện không lành xảy ra bất giác Huệ thấy lạnh toát xương sống, bàn tay cầm bức điện mà người cứ run lên bần bật, đôi mắt bỗng tối sầm lại không sao nhìn thấy chữ. - Khỏi cần đọc! Nội chết rồi! – Nhành buồn rầu nói:- Mới sáng nay. Cả nhà đã nhiều lần liên lạc với mày nhưng không được bộ “ di động “ bị hết pin hả? - Hả! – Huệ thảng thốt - Nội chết thiệt rồi sao? Sao lại chết? Nội còn mạnh giỏi lắm mà. Mấy người đừng gạt tui! Huệ bơ ngơ báo ngáo như ăn nhằm cháo lú mất hồn: - Nói thiệt đi, mấy người giỡn phải hôn? Ai giả mạo bức điện này để chơi trác tui vậy, hả? – Huệ nói trều trào mắt mở trao tráo mà không nhìn thấy gì. Ngân rướm nước mắt, đưa tay choàng qua vai Huệ lựa lời dỗ dành, an ủi: - Huệ! Đây là sự thật. Tất cả mọi người đều rất đau lòng về chuyện này. Huệ hãy can đảm đối mặt với thực tại đừng chạy trốn nữa. Lúc này Huệ cần phải thật bình tĩnh để lo chuyện hậu sự cho bà. - Nội ơi! – Huệ thốt lên quằn quại rồi ngồi bất động. Nỗi đau hóa đá. Trên gương mặt tột cùng đau đớn không mảy may một giọt nước mắt. Hiếu ấn chiếc phong bì vô tay Huệ: - Mất mát này là của chung, các chị vì công việc không thể đi với em được, hãy nhận đây là chút tấm lòng chia sẻ. Ba giờ sáng mới có chuyến xe đầu tiên. Em hãy thiệt bình tĩnh, nghỉ ngơi dưỡng sức đặng khuya đi sớm. Huệ hóa câm. Gương mặt thất thần như người bị mộng du rồi cô lặng lẽ bước lên gác. Trang định bước theo, Nhành nắm tay kéo lại, nói: - Lúc này Huệ cần được yên tỉnh, đừng quấy rầy nó, nỗi đau này không ai có thể gánh hộ. Cầu mong mọi việc đừng quá bi đát! Chị Hai cạo heo từ đầu rình bên cửa, lắng nghe câu chuyện, bị muỗi cắn mà không dám đập, vừa thấy Huệ leo lên gác, liền sà vô nhiều chuyện: - Con nhỏ đó thiệt là vô tâm, bà nội chết mà không nhỏ cho một giọt nước mắt! Đúng là cái thứ nợ báo oan gia! Mọi khi chị Hai thường hay bị Huệ làm cho bẽ mặt vì cái tật thích thọc gậy bánh xe. Chuyện nhỏ xíu bằng cọng lông, qua miệng vợ Hai cạo heo sẽ khuếch đại lên thành con gà! Đây là dịp chị ta “ trả thù “ cái con “ nước mắt cá sấu “. Chẳng thèm để ý đến những ánh mắt khó chịu đang dòm mình, chị ta tiếp tục kể tội Huệ: - Tao biết tại sao con Huệ không rớt nỗi một giọt nước mắt rồi, bởi vì nó dành nước mắt khóc cho thiên hạ, cho chuyện kiếm tiền thì còn đâu để khóc cho người thân kẻ thích nữa. Với lại thứ nước mắt cá sấu đó nào có nghĩa lý gì, cứ chảy tồ tồ như nước phông ten. Lạt nhách! Đoạn chị ta gãi sồn sột khắp người. Câu chuyện được tiếp tục bằng giọng the thé, chị Hai cố tình nói lớn cho Huệ nghe: - Nước mắt là tặng vật của ông Trời dành cho người trần thế để bày tỏ tình cảm của người với người, mà đã gọi là báu vật thì phải biết hà tiện, chắt chiu chớ không phải bạ đâu khóc đó, biến nó thành phương tiện kiếm tiền! Tao chẳng thà nghèo chết bỏ chớ không làm cái cái việc trời ơi đất hỡi đó đâu! Có lẽ, chị Hai sẽ ngồi mọc rễ, nếu như không thấy bóng anh Hai khệnh khạng từ đầu hẻm bước vô, bên nách kè kè chai rượu tắc kè đầy nhóc, chị ta lập tức “ tắt đài “ lật đật chạy về nhà, cầm chổi quét lia lịa. Trang nhìn mọi người hỏi: - Anh Hoạt đã biết tin chưa? - Chưa! – Hiếu trả lời:- Hoạt đưa đoàn khách du lịch đi Nha Trang rồi, tuần sau mới về. Tội nghiệp con nhỏ dự tính tết này dẫn người yêu về ra mắt bà nội coi như đã không thành. Khuya nay Nhành đưa nó ra bến xe. - Ờ, chuyện đó để tui lo. – Nhành nói nức nở:- Hôm nọ thấy nó đem về mấy xấp vải với hộp sâm Cao Ly, tui hơi ngạc nhiên vì tánh nó vốn tiện tặn. Hỏi, nó nói, cả đời Nội toàn ăn bận rách rưới, bây giờ có tiền, phải lo cho Nội tiêm tất một chút. Sâm, để bồi dưỡng cho Nội sống lâu đặng mà dự đám cưới của nó. Trang nói thêm bằng giọng ồ ồ: - Chỉ hà tiện tối đa, dành tiền để mua nhà, rước bà nội về ở chung. Đúng là người tính không bằng trời tính! Tối nằm bên cạnh, chỉ toàn nói chuyện về anh Hoạt, về Nội. – Trang chép miệng:- Trên đời, chị Huệ chỉ có hai người thân yêu, một đã ra đi, một thì vừa thương vừa nơm nướp lo sợ thử hỏi làm sao mà không đau lòng cho được. Hiếu rầu rĩ: - Chuyện của nó với Hoạt, tao thấy cũng lo lo. Cầu Trời, khẩn Phật cho mọi việc diễn ra bình an, suôn sẻ. - Còn chuyện tình của chị tới đâu rồi? – Ngân day mặt về phía Nhành, hỏi. - Chẳng đâu ra đâu! Mỗi tuần gặp nhau một lần tại quán nhậu nào đó và kết thúc nơi nhà trọ, xong xuôi, đường ai nấy đi. Nghĩ cũng tức cười, người ta yêu nhau hẹn hò những nơi trữ tình, lãng mạn, công viên, rạp hát, những nơi yên tĩnh, còn mình thì cứ nhè mấy cái quán nhậu dơ dáy, thô tục mà đâm đầu vô. Lời yêu thương say khướt hòa quyện với mùi nước tiểu khai mù từ nhà vệ sinh hắt ra! Đúng là thứ tình yêu thời thổ tả! Hiếu trách: - Chuyện này cứ tiếp tục kéo dài là không thể chấp nhận được. Hôm nào hai người giữ cho đầu óc tỉnh táo, đem chuyện này ra bàn bạc một cách nghiêm túc, coi sao. Nếu anh chàng Lưu Linh gì đó thiệt lòng yêu thương nhứt định sẽ tính chuyện xa hơn còn không thì liệu đường mà rút lui sớm, chớ cứ sống theo kiểu vợ tạm chồng hờ như vầy hoài, tao thấy không xong. Trang cứ thắc mắc, chị Nhành vốn là người chín chắn, đàng hoàng, mọi cử động, lời ăn tiếng nói đều rất cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng sao bây giờ̀ bỗng nhiên trở nên dễ dãi, bung thùa quá vậy! Đúng là, một khi đã ăn nhằm bả tình rồi thì người khôn cũng hóa dại, người tỉnh cũng cũng hóa ra điên tuốt luốt! coi sao. Hổng chừng coi vậy mà hổng phải vậy. Chị em mình toàn là một lũ điếc không sợ súng, chẳng hiểu mô tê gì đối tượng của mình mà vẫn cứ điềm nhiên lên giường! Đích thị là căn bệnh khát tình của mấy cô gái già! – Hiếu nói. đừng mà chưn thì cứ bước! Huệ ngồi bất động trên ban công, mắt đăm đăm nhìn về phía xa xăm. Trước nỗi đau quá lớn, cô thèm được khóc, nhưng nước mắt đã ban phát hết cho người xa kẻ lạ chẳng còn nổi một giọt để khóc cho người thân, đành khóc khan không nước mắt. Cô nhớ đến Nội, nhớ đến một bà già nhăn nheo, lưng cong oằn, mặt gần chấm đất. Nội nghèo nhưng là nghèo cơm nghèo áo, nghèo tiền nghèo bạc chớ không nghèo nhơn nghèo nghĩa. Nếu biết cô làm nghề khóc mướn, chắc chắn Nội sẽ buồn và giận lắm. Nội không thể nào ngờ đứa cháu duy nhứt, mà Nội luôn đặt trọn niềm tin lại dám làm cái chuyện tày đình như vậy. Cô hoàn toàn giấu nhẹm chuyện xấu này, nói dối đang làm thợ chánh ở tiệm uốn tóc kiếm cũng bộn tiền. Nội mừng ra mặt, nhờ con bé Na viết thơ khuyên cô hãy cố gắng, đừng lo gì cho Nội. Chừng nào về quê uốn cho cái đầu là Nội mừng lắm rồi. Huệ cười vang, ấy là Nội nói vui thôi, đầu Nội còn tóc đâu để mà uốn. Huệ khoe đã có người yêu đẹp trai, giỏi giang lại có học, Nội lập tức đòi lên thành phố để nhìn tận mặt đứa cháu rể tương lai. Cô cản, Nội tuổi già sức yếu, xe cộ cực lắm, lần này về quê ăn tết con sẽ đưa anh Hoạt ra mắt Nội luôn thể. Vậy mà chưa chi Nội đã vĩnh viễn ra đi mất rồi! Có phải Nội giận con, không muốn nhìn mặt con nhỏ hư hỏng này nên mới ra đi vội vàng như vậy? Nội ơi, Nội bỏ đi rồi, con biết sống với ai đây? Huệ nhớ lại hồi còn ở nhà, thấy Nội cơ cực, hàng ngày phải lê tấm thân già nua khắp đầu đường xó chợ để kiếm miếng ăn cho đứa cháu cưng. Huệ đau lòng lắm, vừa và cơm vô miệng, vừa khóc: - Con thề với Nội sẽ kiếm thiệt nhiều tiền sắm nhà cao cửa rộng rồi rước Nội về sống chung để đời Nội bớt cơ cực, con sẽ đền đáp trọn vẹn công lao của Nội. Lúc đó Nội cười móm mém: - Nội già rồi sống nay chết mai chẳng cần ăn ngon bận đẹp, nhà cao của rộng làm gì miễn sao con hạnh phúc, sung sướng tấm thân là Nội mừng lắm rồi. Nếu thương Nội con hãy sống cho ra dáng một con người, chừng nào nhắm mắt xuôi tay chỉ cần con nhỏ cho Nội vài giọt nước mắt là Nội mãn nguyện ngậm cười nơi chín suối! Nghĩ đến đây, Huệ bỗng thấy nhói ngay tim. Trong cô trào dâng cơn gào thét lặng câm: - Trời ơi! Con đã không thực hiện được ý nguyện cuối cùng của Nội! Nội chết mà con không rớt nổi một giọt nước mắt! Ông Trời ơi! – Huệ dang thẳng cánh tay tán mạnh vào mặt mình. Sưng húp:- Xin ông làm ơn vật chết đứa cháu bất hiếu bất nghì này đi! Tui không đáng làm con người góp mặt trên dương gian này! Huệ gục đầu vào thành lan can, toàn thân run rẩy như chiếc lá cuôi mùa đông giá rét sắp sửa xa cành. Lúc này đây hơn bao giờ hết, cô cần biết bao một giọt nước mắt. Một giọt nước mắt mà cô nguyện sẽ đánh đổi tất cả những gì quý giá nhứt để có được, giọt nước mắt bi ai chân thành dành cho Nội, cho chính mình nhưng, trời ơi, cô đành ngậm ngùi bất lực bởi vì cả suối nguồn nước mắt cô đã dành trọn vẹn cho người dưng. Cứ thế, Huệ ngồi kể lể suốt đêm. Mười hai kiểu khóc thầy Trình dạy ngày nào cứ ào ạt tuôn ra một cách vô thức. Những âm thanh ngậm ngùi ai oán mọi ngày cô dành cho người xa kẻ lạ bây giờ cô dành cho Nội, cho chính mình. Giữa đêm khuya tĩnh mịch tiếng cô não nùng như tiếng mèo con lạc mẹ nghe rờn rợn, thê lương. Trong đời mỗi kiếp nhân sinh có mấy ai đau lòng vĩnh biệt người thân lìa trần bằng những lời nỉ non đóng khung như định lý Pytagor, bằng những tiếng thét gào ai oán đã được lập trình sẵn vào bộ nhớ, tuyệt nhiên không tìm ra một giọt nước mắt để gọi là người, lúc ấy ta mới thấu hiểu được nỗi đau truyền kiếp mà hóa công bắt sinh linh phải gánh chịu. Thượng Đế vốn hồn nhiên, lểnh lảng như đứa trẻ hay quên. Vô tâm. Thiên vị! Tạo hóa vốn đã bất công thì làm sao cõi nhân gian có lẽ công bằng. Gần ba giờ sáng Nhành đưa cô ra bến xe Miền Tây, đi chuyến đầu tiên.