Chúng tôi hy vọng rằng độc giả đã không quên bẵng - người lữ khách trẻ tuổi mà chúng tôi đã để lại trên con đường đi Flandre.Đến lúc không còn trông thấy người đỡ đầu của mình đứng ở trước ngôi nhà thờ cổ vương giả đưa mắt theo dõi mình, Raoul thúc ngựa phi lên trước hết để tránh khỏi những ý nghĩ đau buồn của mình và sau nữa để giấu Olivain nỗi xúc động đang làm mình biến sắc.Tuy nhiên một tiếng đồng hồ phóng nhanh chẳng mấy chốc xua tan những đám mây u ám đã làm rầu rĩ trí tưởng tượng đến là phong phú của chàng tuổi trẻ. Nỗi vui thú lạ lẫm được tự do - thú vui có cái ngọt ngào của nó, ngay cả đối với những kẻ chưa từng đau khồ vì sự lệ thuộc của mình - mạ vàng cho Raoul trời và đất, và nhất là cái chân trời xa xăm và xanh biếc của cuộc đời mà người ta gọi là tương lai.Song le sau nhiều lần thử chuyện trò với Olivain, anh nhận ra rằng những ngày dài đằng đẵng cứ trôi qua như thế cũng buồn lắm, và lời nói của bá tước thật là ngọt ngào, thật là dễ nghe, thật là thú vị lại hiện lên trong trí nhớ anh về những thành phố mà người ta đi qua, và về những nơi đó thì chẳng ại còn có thể cung cấp cho anh những tin tức quý báu như anh đã thu được ở Arthos, người hướng dẫn thông thái nhất và vui tính nhất.Một kỷ niệm khác lại khiến Raoul buồn rầu: đến Louvre, anh đã trông thấy khuất sau một rặng cây phong, một toà lâu đài gợi nhớ da diết lâu đài ở La Vallière đến nỗi anh dừng lại để ngắm nghía đến mười phút, rồi vừa thở dài vừa tiếp tục ra đi, chẳng buồn trả lời Olivain đã kính cẩn hỏi anh vì sao lại chú ý đến thế. Cái vẻ của những vật bên ngoài là một dây dẫn bí hiểm nó nối với những sợi tơ của trí nhớ và dôi khi đánh thức những sợi tơ ấy dậy ngoài ý muốn của chúng ta; một khi sợi dây ấy thức tỉnh thì giống như sợi dây của Ariane(1) nó dẫn dắt trong một mê cung tư tưởng, nơi người ta lạc lối do lần theo cái bóng của quá khứ mà người ta gọi là kỷ niệm. Cho nên việc nom thấy toà lâu đài ấy đã quẳng Raoul trở lại phía Tây năm mươi dặm và đưa anh đi ngược lại cuộc đời mình từ lúc chia tay với cô bé Louise cho đến khi anh mới gặp cô lần đầu, và mỗi bụi cây sồi, một cái chong chóng nhìn thấy trên cao, một mái ngói đá đen đều nhắc nhở anh là đáng lẽ trở về với các bè bạn thuở ấu thơ thì anh mỗi lúc một xa rời hơn và cũng có thể anh đã xa rời họ cho đến mãi mãi.Lòng buồn rầu, đầu nặng trĩu, anh sai Olivain dắt ngựa đến một cái quán nhỏ mà anh vừa trông thấy trên đường còn cách xa độ nửa tầm súng trường. Còn anh nhảy xuống đất và dừng chân dưới một lùm cây dẻ đang nở hoa rất đẹp xung quanh vo ve từng đàn ong mật.Ngay tại đây có một cái bàn như đặt sẵn để viết, anh dặn Olivain bảo chủ quán mang đến cho anh bút mực và giấy viết thư.Olivain tuân lệnh, còn Raoul ngồi xuống tỳ khuỷu tay lên bàn, cặp mắt mơ hồ chìm vào trong phòng cảnh mê hồn rải rác những cánh đồng xanh và lùm cây, thỉnh thoảng lại rắc hoa như tuyết rơi xuống người anh.Raoul ngồi đấy đến gần mười phút thì đã năm phút đắm mình trong mộng; chợt trong khoảng thời gian mà cặp mắt lơ đãng của mình bao quát, anh thấy ngọ nguậy một khuôn mặt đỏ gay, một chiếc khăn quấn quanh mình, một khăn vắt trên cánh tay, mũ vải màu trắng đội đầu tiến lại gần, mang đến cho anh gíấy bút và mực.- A, a! - cái quái tượng hiện hình nói - tuồng như tất cả các nhà quý tộc đều có những ý nghĩ giống nhau: chỉ cách đây mới mười lăm phút một vị lãnh chúa trẻ, cưỡi ngựa tốt như ông dáng mạo cao kỳ như ông tuổi trạc bằng ông, cũng nghỉ chân trước bụi cây này, sai mang bàn ghế ra đây và đã ăn ở đây với một bác già có vẻ là viên quản lý của ông ta xơi gọn một cái bánh nướng không để lại một mẩu và nốc cạn một chai rượu vang Mâcon không để lại một giọt; nhưng may thay chúng tôi vẫn còn loại rượu ấy và bánh ấy, và nếu ông muốn sai…- Không, không, ông bạn ơi, - Raoul mỉm cười nói, xin cảm ơn ông, lúc này tôi chỉ cần đến những thứ đã bảo ông: song tôi sẽ rất sung sướng nếu mực thật đen, bút thật tốt, được như vậy tôi sẽ trả ông tiền bút bằng giá chai rượu và tiền mực bằng giá cái bánh nướng.- Thế thì thưa ông, - chủ quán nói, - tôi sẽ cho tên đầy tớ của ông cái bánh và chai như vậy là ông sẽ được kèm thêm bút và mực không phải trả tiền.- Tùy ý ông, Raoul nói, anh bắt đầu cuộc tập sự của mình với cái tầng lớp thật đặc biệt này của xã hội, trước kia khi còn trộm cướp trên những đường cái lớn thì nó thông đồng với chúng ta, và từ khi không còn trộm cướp thì nó tha hồ thay thế chúng.Chủ quán yên tâm về khoản tiền thu, đặt giấy và bút mực lên bàn. Cũng may là bút cũng khá tốt, và Raoul hạ bút viết.Chủ quán đứng trước anh và ngắm nghía với niềm thán phục bất ý khuôn mặt tuyệt đẹp vừa nghiêm trang vừa dịu dàng. Sắc đẹp bao giờ cũng đã và sẽ là một hoàng hậu.Lúc ấy Olivain ra xem Raoul có cần gì không, thì chủ quán nói:- Không phải một thực khách như ban nãy đâu, ông chủ trẻ của anh không đói đâu.- Trước đây ba hôm, ông tôi ăn vẫn ngon, nhưng biết làm thế nào, từ hôm kia đến giờ ông ấy chăng thiết ăn uống.Rồi Olivain và chủ quán quay về tiệm. Theo thói quen của những tên đầy tớ mãn nguyện về thân phận của họ, Olivain kể cho chủ quán nghe tất cả những gì hắn có thể nói về người quý tộc trẻ.Trong khi ấy thì Raoul viết:"Thưa ông, Sau bốn giờ đi đường, tôi dừng lại để viết cho ông, bởi vì lúc nào tôi cũng thấy thiếu ông, và lúc nào tôi cũng chỉ chực quay đầu lại như để trả lời khi ông nói với tôi. Tôi thật bàng hoàng trước sự ra đi của ông và thật đau lòng về sự chia ly của chúng ta, đến nỗi chỉ biểu hiện được một sự nhỏ nhoi là tất cả những gì tôi cảm thấy là trìu mến và biết ơn đối với ông. Thưa ông, ông sẽ tha thứ cho tôi, vì rằng lòng ông rất hào hiêp, ông đã hiểu cả những gì diễn ra trong lòng tôi.Mong ông hãy viết thư cho tôi, bởi vì những lời khuyên nhủ của ông là một phần của cuộc đời tôi. Tiếp thêm nữa, nếu tôi dám nói với ông, tôi rất lo lắng, hình như chính ông, ông cũng đã chuẩn bị cho một cuộc phiêu lưu nguy hiểm nào đó mà tôi đã không dám hỏi ông, vì ông chẳng nói với tôi gì cả. Cho nên ông thấy đấy, tôi rất cần có tin tức của ông. Từ khi không có ông ở bên cạnh, lúc nào tôi cũng sợ sai hỏng. Thưa ông, ông đã nâng đỡ tôi mạnh mẽ biết chừng nào và bây giờ tôi xin thề rằng tôi thấy mình rất lẻ loi. Thưa ông, nếu ông có tin tức gì ở Blois, xin ông làm ơn nói cho tôi nghe vài lời về cô bạn gái nhỏ La Vallière của tôi, khi chúng ta ra đi, sức khỏe của cô ấy có điều đáng lo ngại. Thưa với ông và người che chở thân mến của tôi, mong ông hiểu cho rằng những kỷ niệm trong cái thời tôi được sống bên ông đối với tôi quý báu và cần thiết biết chừng nào. Đôi khi, tôi hy vọng rằng ông cũng nghĩ đến tôi và nếu trong một lúc nào đó, nếu ông cảm thấy thiếu tôi, mong nhớ tôi một chút, thì tôi sẽ vô cùng sung sướng nghĩ rằng ông đã cảm thấy tình yêu thương và lòng tận tuy của tôi đôi với ông, và rằng tôi đã biết làm cho ông hiểu những điều đó trong thời gian tôi có diễm phúc được sống bên ông".Thư viết xong, Raoul thấy mình thanh thản hơn, anh nhìn kỹ xem Olivain và gã chủ quán có rình trộm mình không và đặt một cái hôn lên mảnh giấy, một cái vuốt ve xúc động và thầm lặng mà trái tim của Arthos có thể đoán ra khi mở phong thư.Trong khoảng thời gian ấy, Olivain đã nốc chai rượu và ăn xong cái bánh nướng; ngựa cũng đã ăn uống nghỉ ngơi. Raoul ra hiệu gọi chủ quán đến, ném một đồng êquy lên bàn, lên ngựa và khi đến Senlis thì bỏ thư vào bưu trạm.Chầu nghỉ ngơi đã cho phép người và ngựa tiếp tục đi, đường không dừng lại. Đến Verberie, Raoul sai Olivain hỏi tin tức về người quý tộc trẻ tuổi đi trước họ; người ta cho biết là có trông thấy anh ta đi qua trước đó bốn mươi lăm phút, nhưng vì cưỡi ngựa rất tốt như gã chủ quán đã nói, cho nên đi rất nhanh.- Chúng ta hãy cố đuổi kịp vị quý tộc ấy, - Raoul bảo Olivain - - Ông ấy cũng đến quân đội như chúng ta, và đó sẽ là bạn đường thú vị.Bốn giờ chiều thì đến Compiègne. Raoul nghỉ chân và ăn thấy ngon miệng. Anh lại hỏi thăm về người quý tộc trẻ đi trước mình.Cũng như Raoul, anh ta dừng ở khách sạn "Quả chuông và cái chai" (2 )là quán sang nhất ở Compiègne, rồi lại tiếp tục lên đường và nói rằng muốn đến ngủ ở Noyon.- Ta đến ngủ ở Noyon, - Raoul nói.- Thưa ông, - Olivain kính cẩn đáp, - cho phép tôi nhận xét rằng sáng nay ta đã làm cho ngựa mệt nhoài rồi. Tôi thiết nghĩ ta ngủ lại đây để sáng mai đi sớm thì tốt hơn. Chặng đường đầu tiên đi mười tám dặm là vừa rồi.- Bá tước de La Fère muốn rằng tôi phải đi gấp, - Raoul nói, - và tôi cần phải theo kịp Hoàng thân vào buổi sáng hôm thứ tư. Vậy ta hãy cố đến Noyon, chặng này cũng chỉ bằng ta từ Blois đến Paris thôi mà. Tám giờ tối là tới nơi. Ngựa sẽ được nghỉ suốt đêm và sáng mai năm giờ ta sẽ lại lên đường.Olivain chẳng dám phản đối; nhưng hắn vừa đi theo vừa lầu bầu nói qua kẽ răng:- Này này, hãy vứt cái hăng hái ngày đầu tiên ấy đi. Ngày mai, thay cho hai mươi dặm một ngày cậu sẽ đi mười dặm, ngày kia năm dặm và sau ba ngày nữa cậu sẽ nằm giường. Đến đây thì chắc hẳn cậu phải nghỉ thôi. Tất cả các cậu thanh niên ấy đều là những tay huênh hoang khoác lác thực sự.Ta thấy rõ là Olivain không được dạy dỗ ở trường học của các Planchet và Grimaud.Quả tình Raoul thấy mệt rồi; song anh muốn thử sức mình, và được nuôi dưỡng bằng những nguyên tắc của Arthos, chắc chắn là đã nghe nói hàng nghìn lần những chặng đường hai mươi dặm, anh không muốn mình ở dưới tầm người mẫu của mình. d'Artagnan, con người thép ấy, dường như thân thể chỉ toàn những gân cốt và bắp thịt đã khiến anh rất khâm phục.Thế là anh lại tiếp tục đi và mặc dầu những lời nhận xét của Olivain, anh càng thúc ngựa mau hơn, và đi theo một con đường nhỏ dẫn đến một bến phà sẽ ngắn hơn đi đường cái một dặm như người ta đã nói chắc với anh; khi đến đỉnh một ngọn đồi, anh trông thấy trước mặt là con sông. Một nhóm người cưỡi ngựa đứng ở bờ sông và sẵn sàng xuống phà. Raoul không còn hồ nghi là trong đám ấy có chàng quý tộc trẻ và tuỳ tùng. Anh cất tiếng gọi nhưng còn xa quá; thế là ngựa đang mệt phờ anh cũng thúc nó phi nước đại; nhưng một quãng nhấp nhô lên che lấp dám lữ khách, và khi anh lên đến một chỗ cao hơn thì đã thấy phà rời bến đi sang bờ bên kia.Đã lỡ không kịp sang phà cùng với đám lữ khách, Raoul dừng lại đợi Olivain.Vừa lúc ấy có tiếng kêu vang lên từ ngoài sông. Raoul quay lại xem và phải lấy tay che mắt vì bị chói nắng xế chiều.- Olivain! - anh kêu lên, - ta nhìn thấy cái gì ở ngoài kia nhỉ?Một tiếng kêu thứ hai nổi lên còn chói tai hơn nữa.- Ôi, ông ơi - Olivain nói, - dây kéo phà đứt và phà bị trôi.- Nhưng cái gì ở dưới nước kìa? Nó đang giãy giụa.- À, đúng rồi! - Raoul vừa nói vừa chăm chăm nhìn vào một điểm ở trên sông mà tia nắng mặt trời chiếu lên rực rỡ thì thấy một con ngựa và một kỵ sĩ.- Họ đang chìm, - Olivain kêu lên.Đúng thế và Raoul cũng vừa mới cảm thấy chắc chắn một tai nạn xảy ra và một người sắp chết đuối. Anh nới tay cương, thúc đinh vào bụng ngựa, nó đau quá và cảm thấy không vướng víu gì nữa bèn nhảy vọt qua một hàng lan can bao quanh bến đò và rơi tõm xuống sông làm nước và bọt bắn tung tóe ra xa.- Ôi! Lạy Chúa? - Olivain kêu lên. - Ông làm cái gì thế, ông ơi!Raoul điều khiển con ngựa đến phía kẻ khốn khổ đang bị nguy ngập. Đó chẳng qua là một trò tập dượt quen thuộc đối với anh.Được nuôi nấng bên bờ sông Lois có thể nói anh được ru trên sông nước; hàng nghìn lần anh bơi qua sông và hàng trăm lần anh cưỡi ngựa bơi qua. Arthos lo xa đến thời cho cậu tử tước vào lính đã rèn cho cậu dày dạn trong tất cả những cuộc tập dượt đó.- Ôi, lạy Chúa, - Olivain lại thất vọng kêu lên, - nhìn thấy ông thế này, bá tước sẽ nói sao?- Bá tước sẽ làm như tôi, - Raoul đáp và thúc mạnh con ngựa.- Nhưng còn tôi, còn tôi! Tôi sang bằng cách nào? - Olivain thất vọng, mặt tái mét, vừa kêu to vừa hoa chân múa tay ở trên bờ sông.- Nhảy xuống đi, đồ nhút nhát? - Raoul bảo và vẫn bơi.Rồi anh nói với người lữ khách đang giãy giụa ở cách anh hai chục bước.- Cố gắng lên, ông ơi, tôi đến giúp ông đây.Olivain tiến lên, lùi lại, cho ngựa chồm lên, cho nó quay vòng cuối cùng sợ xấu hổ, hắn băng lên như Raoul đã làm, nhưng cứ lải nhải mãi: "Tôi chết mất! Chúng ta toi mạng rồi".Trong khi ấy, chiếc phà trôi xuôi vun vút theo dòng nước và người trong phà kêu la om sòm.Một người đàn ông tóc hoa râm nhảy từ trên phà xuống và bơi ráo riết về phía kẻ đang chìm, nhưng ông ta tiến chậm chạp vì phải bơi ngược dòng.Raoul tiếp tục bơi và tiến nhanh rõ rệt, nhưng con ngựa và người kỵ sĩ mà anh không rời mắt cứ chìm đi trông thấy: con ngựa chỉ còn hở lỗ mũi trên mặt nước, còn người kỵ sĩ đã bỏ dây cương và vùng vẫy tay giơ lên, đầu đã ngã ra phía sau. Chỉ một phút nữa thôi là tất cả mất hút.- Cố lên! Cố lên! - Raoul gào to.- Muộn quá rồi? - Muộn quá rồi! - Người thanh niên lẩm bẩm.Nước trào qua đầu anh và dập tắt tiếng nói trong miệng anh.Raoul nhào ra khỏi con ngựa của mình mà anh để nó tự xoay xở, và bơi ba bốn sải đã tới bên chàng quý tộc. Anh túm ngay lấy cái dây buộc hàm thiếc ngựa và nâng đầu nó lên khỏi mặt nước; con vật thở dễ hơn, và dường như hiểu rằng người ta đến cứu, nó gắng sức lên.Đồng thời Raoul nắm lấy một tay người thanh niên và đẩy anh lên bờm ngựa, anh ta vội vàng bám chặt lấy đúng như người sắp chết đuối. Biết chắc rằng anh ta sẽ không buông ra nữa, Raoul chỉ còn lo cho ngựa, anh dẫn nó bơi về phía bờ đối diện, cắt chéo dòng nước và chậc chậc lưỡi để khuyến khích nó.Bỗng nhiên con ngựa vấp vào một mô đất ngầm và chạm chân lên cát.- Thoát rồi! - Chàng quý tộc bất giác lẩm bẩm, rồi buông bờm ngựa ra trườn từ trên yên ngựa xuống vòng tay Raoul.Chỉ còn cách bờ có mười bước, Raoul vác kẻ bị nạn đã ngất đi vào bờ, đặt lên bãi cỏ, cởi dây cổ áo, tháo các khuy và kẹp áo chẽn.Một phút sau người đàn ông tóc hoa râm đã tới bên anh.Olivain cuối cùng cũng tới được bờ sau bao nhiêu lần làm dấu thánh và những người trên phà cũng ráng sức chống vào bờ nhờ một chiếc sào vớ được ở trong phà.Nhờ sự săn sóc của Raoul và của người nhà chàng kỵ sĩ, sự sống trở lại trên đôi má nhợt nhạt của kẻ sắp chết, đôi mắt anh mở ra lúc đầu ngơ ngác, nhưng rồi liền sau đó nhìn chằm chằm vào người đã cứu mình.- A! Ông ơi, - anh kêu lên, - Chính ông là người tôi đang tìm đây: không có ông thì tôi chết rồi, ba lần chết rồi.- Nhưng người ta sống lại chứ, ông thấy đấy, - Raoul đáp, - và chúng ta cũng chỉ phải một mẻ tắm thôi.Người tóc hoa râm nói:- Ôi, thưa ông, đội ơn ông nhiều lắm?- A, kìa ông, ông Arminges quý hoá của tôi! Tôi làm ông sợ hết hồn phải không? Ông là gia sư của tôi, tại sao ông không dạy tôi bơi giỏi hơn.- Ôi thưa bá tước, - Ông già nói, - nếu ông có mệnh hệ nào, tôi sẽ chẳng bao giờ dám ra mắt ngài thống chế.- Nhưng chuyện ấy xảy ra như thế nào nhỉ? – Raoul hỏi.Người được tôn là Bá tước đáp:- A, thưa ông, xảy ra một cách thật là đơn giản. Chúng tôi ra được non một phần ba sông thì dây phà đứt. Người đi phà kêu la và nhốn nháo làm cho con ngựa của tôi hoảng sợ và nhảy xuống nước.- Tôi bơi kém quá nên chẳng dám lao xuống sông. Đáng lẽ lựa theo những cử động của con ngựa thì tôi lại làm cho nó tê liệt và tôi đang chết đuối một cách tao nhã nhất đời thì ông đến vừa đúng lúc để kéo tôi lên. Cho nên thưa ông, nếu ông vui lòng, thì từ nay trở đi chúng ta sẽ là những kẻ sống chết có nhau.- Thưa ông, - Raoul cúi mình thi lễ, - tôi sẽ hết mình làm kẻ bộ hạ của ông, tôi xin đảm bảo như vậy.- Tôi là bá tước de Guise, - chàng kỵ sĩ nói tiếp, - cha tôi là thống chế Grammont. Và bây giờ ông biết rõ tôi rồi, xin ông ban cho tôi vinh dự được biết ông là ai?- Tôi là tử tước de Bragelonne, - Raoul đáp và đỏ mặt lên vì không thể nói tên của cha mình như bá tước de Guise đã nói.- Thưa tử tước, gương mặt ông, lòng tốt của ông và tinh thần quả cảm của ông thu hút tôi đến với ông, ông đã nhận tất cả lòng biết ơn của tôi. Chúng ta hãy ôm hôn nhau, tôi cầu xin tình bạn của ông.Raoul ôm bá tước mà nói:- Thưa ông, tôi đã hết lòng yêu mến ông rồi đó. Tôi mong ông hãy coi tôi như một người bạn tận tụy.- Bây giờ tử tước đi đâu? - De Guise hỏi.- Đi đến quân đội của ngài Hoàng thân, bá tước ạ.- Tôi cũng vậy, - chàng thanh niên mừng rỡ kêu lên.- À? Hay lắm, chúng ta sẽ cùng đi bắn phát súng đầu tiên.- Tốt lắm, các ông hãy thương yêu nhau? - Viên quản lý nói.Cả hai đều trẻ tuổi, chắc hẳn có cùng một ngôi sao dẫn đường và ắt phải gặp nhau.Hai chàng thanh niên mỉm cười với niềm tin cậy của tuổi trẻ.- Và bây giờ, - viên quản lý nói, - Các ông phải thay quần áo, lúc bọn đầy tớ ra khỏi phà, tôi đã sai chúng về sửa soạn, chắc giờ đã tới khách sạn. Quần áo và rượu vang làm ấm người lên đấy. Ta về đi.Hai chàng trai chẳng có gì để phản đối đề nghị đó; trái lại còn thấy là tuyệt diệu. Họ liền lên ngựa, cùng nhìn nhau và ngắm nghía nhau: quả thật đó là hai kỵ sĩ phong nhã có vóc người dong dỏng và mảnh dẻ, khuôn mặt cao quý với vầng trán rộng, cái nhìn dịu dàng mà kiêu hãnh, nụ cười trung hậu mà tinh ranh. De Guise có lẽ mười tám tuổi, nhưng chẳng lớn hơn Raoul mới mười lăm tuổi.Bằng một động tác bất ngờ, họ giơ tay ra với nhau, và thúc ngựa, cùng đi bên nhau quãng đường từ bờ sông đến khách sạn; một người thấy rằng cuộc đời mà mình suýt mất thật tử tế và tươi cười, còn người kia thì cảm ơn Thượng đế đã cho mình sống khá đủ để làm được một điều gì khiến người đỡ đầu của mình vui lòng.Còn Olivain, hắn là kẻ duy nhất không thoả mãn hoàn toàn về hành động đẹp đẽ của chủ mình. Hắn vắt nước các cánh tay áo và đuôi áo của mình và tiếc rằng một cuộc nghỉ ngơi ở Compiègne chắc hẳn không những tránh cho hắn khỏi tai nạn vừa mới thoát mà còn tránh cho hắn cả những chứng sưng phổi và tê thấp dĩ nhiên sẽ đến.Chú thích:(1) Theo thần thoại Hy Lạp, Ariane là người con gái đã cho Têdê một cuộn dây để đi khỏi lạc khi vào mê cung giết con quái vật Minôtô. Quả chuông và cái chai = 'Hôtel de la Cloche et de la Bouteille,