Chương 37 & 38
Một bữa ăn ngày xưa

Cuộc hội kiến thứ hai của bốn chàng ngự lâm quân cũ không long trọng và rần rộ như cuộc đầu tiên. Với lý lẽ bao giờ cũng trội hơn của mình, Arthos phán đoán rằng bàn ăn sẽ là trung tâm tụ họp nhanh chóng nhất và đầy đủ nhất. Và vào cái lúc mà bạn bè anh kiêng nể sự tao nhã và tiết độ của anh chàng dám đá động đến một trong số những bữa thịnh soạn ngày xưa ăn ở quán Pomme-de- Pin hoặc quán Parpaillot, thì anh là người đầu tiên đề nghị gặp nhau quanh một bàn ăn thật đàng hoàng và mỗi người có thể buông theo tính tình và phong cách của riêng mình, sự buông thả tự nhiên ấy đã duy trì sự thông cảm và hoà hợp nó khiến các anh được người ta gọi là những người bạn nối khố.
Lời đề nghị thật là thú vị đối với mọi người nhất là d'Artagnan, anh đang khao khát thấy lại những bữa ăn ngon và niềm vui vẻ chuyện trò của thời trai trẻ; bởi vì đã từ lâu, tâm hồn tinh tế và khoái hoạt của anh chỉ toàn gặp những thoả mãn nửa vời, những thức ăn tồi, như anh thường nói. Porthos vào lúc có cơ làm Nam tước rất vui mừng có được cơ hội để nghiên cứu ở Arthos và Aramis lời ăn tiếng nói và các cung cách của những người cao sang. Aramis muốn qua d'Artagnan và Porthos để biết tin tức trong hoàng cung và trong mọi cơ hội muốn giành cho mình những người bạn thật là tận tụy ngày xưa và từng hỗ trợ anh trong các cuộc quyết đấu với những đường kiếm đến là nhanh nhẹn và không ai có thể thắng nổi.
Còn về Arthos, anh là người duy nhất không có chút gì chờ đợi hoặc thu nhận ở những người kia, mà chỉ được thúc đẩy bằng một tinh thần cao thượng giản đơn và tình bạn bè thuần tuý.
Thế là họ thỏa thuận với nhau rằng mỗi người sẽ cho biết địa chỉ rất rõ ràng của mình và khi nào một người cần đến thì cuộc hội họp sẽ được triệu tập tại nhà một chủ quán nổi tiếng ở phố Monnais có tấm biển đề  L'Ermitage. Cuộc hẹn dầu tiên ấn định vào thứ tư sau, đúng tám giờ tối.
Đúng ngày  hôm ấy, bốn người bạn đến rất đúng giờ và mỗi người từ một phía. Porthos cần thử một con ngựa mới, d'Artagnan rời phiên gác ở cung Louvre, Aramis đã phải đi thăm một bà sám hối của mình trong xóm, còn Arthos đã thuê nhà ở phố Guénégaud, hầu như ở sát gần, họ rất bất ngờ gặp nhau ở ngay cửa quán L'Ermitage, Arthos từ Cầu Mới ra, Porthos từ phố Gỗ xẻ đến, d'Artagnan từ phố Hào Saint-Germain-L'Auxerrois - và Aramis từ phố Béthisy tới.
Những lời lẽ đầu tiên trao đổi giữa bốn người bạn đúng là do cố ý làm bộ dạng cho nên có phần hơi gượng gạo và ngay bữa ăn cũng bắt đầu với một vẻ tẻ nhạt, cứng ngắt thế nào ấy. Người ta thấy rõ là d'Artagnan cố gượng để cười, Arthos để uống, Aramis để kể chuyện và Porthos để im tiếng. Arthos nhận thấy sự lúng túng ấy và đề có phương thuốc cứu chữa ngay anh gọi mang đến bốn chai rượu sâm-banh.
Trước tiếng gọi ấy ban ra với vẻ điểm tĩnh thông thường của Arthos, người ta thấy khuôn mặt chàng Gascon dãn ra, và vầng trán Porthos rạng rỡ hẳn.
Aramis ngạc nhiên. Anh biết rằng Arthos không những không uống rượu nữa, mà còn cảm thấy phần nào ghê sợ rượu.
Aramis càng ngạc nhiên gấp bội khi thấy Arthos rót rượu đầy phè và uống với niềm hào hứng xưa kia. D'Artagnan rót rượu ra cốc và cạn ngay; Porthos và Aramis chạm cốc nhau. Loáng một cái, bốn chai rượu đã rỗng không. Dường như các thực khách vội vã tuyệt giao với những ẩn ý của mình.
Thoáng một cái môn thuốc đặc hiệu ấy đã xua tan đến những bóng mây nhỏ nhất còn đọng lại trong lòng họ. Bốn người bạn bắt đầu nói to hơn, chẳng đợi người này dứt lời, người kia đã lên tiếng, và mỗi người ngồi ăn theo kiểu mình thích. Chẳng mấy chốc, thật là điều ghê gớm. Aramis tháo hai sợi dây ngù buộc áo chẽn của mình, thấy vậy Porthos cởi phăng tất cả dây áo của anh.
Những trận đánh, những chặng đường dài, những nhát gươm nhận được và ban đi là những điều tươi mát đầu tiên của cuộc chuyện trò. Rồi người ta chuyển sang nhưng cuộc đấu tranh ngấm ngầm chống lại người mà bây giờ người ta gọi là vị giáo chủ vĩ đại.
- Thực tình - Aramis cười nói. - là đã khá nhiều lời ca tụng những người đã chết rồi, bây giờ ta hãy chê bai người sống một chút.
- Tôi muốn chê bai lão Mazarin một ti, có được không?
- Được chứ! - D'Artagnan bật cười nói - được chứ. Cậu cứ kể chuyện đi, nếu hay tôi sẽ tán thưởng.
Aramis bắt đầu kể:
- Mazarin đang cần liên minh với một vị đại hoàng thân. Lão yêu cầu ông ta gửi cho lão bản liệt kê những điều kiện theo đó hai người có thể kết giao được. Hoàng thân vốn ghét thương lượng với một kẻ thô bỉ như lão, đành miễn cưỡng làm bản liệt kê và gửi cho lão. Trong bản đó có ba điều kiện không vừa lòng Mazarin, lão đề nghị ông từ bỏ ba điều kiện ấy để đổi lấy mười nghìn êquy.
- A, a! - Cả ba người bạn reo lên, - chẳng đắt đâu, và lão chẳng sợ bị cột vào lời nói hớ đâu. Thế hoàng thân bảo sao?
Hoàng thân lập tức gửi ngay năm mươi nghìn livres cho Mazarin và yêu cầu lão đừng bao giờ viết cho ông nữa và còn sẵn sàng biếu thêm hai mươi nghìn livres nếu như lão cam kết là không bao giờ nói gì với ông nữa.
- Thế Mazarin làm gì?
- Lão tức giận chứ? - Arthos hỏi.
- Chắc là lão cho đánh đòn người đưa thư? - Porthos hỏi.
- Lão nhận số tiền phải không? - D'Artagnan nói.
- Cậu đoán đúng, Artagnan ạ, - Aramis bảo.
Và tất cả phá ra cười ầm ĩ đến nỗi chứ quán chạy lên và hỏi xem các ông ấy cần gì. Gã cứ tưởng họ đánh nhau.
Trận cười rồi cũng yên.
- Có thể cho ông de Beaufort một đòn không nhỉ? - D'Artagnan hỏi, - Tôi rất muốn đây.
- Cứ làm đi, - Aramis nói, anh biết đến tận gan ruột cái anh chàng Gascon thật là tinh ma và thật là dũng cảm này, hẳn không bao giờ chịu lùi một bước trên bất cứ đấu trường nào.
- Anh thấy thế nào, Arthos? - D'Artagnan hỏi.
- Tôi lấy danh dự quý tộc mà thề, - Arthos đáp, - nếu cậu nói dấm dớ thì chúng tôi sẽ cười cho đấy.
- Tôi xin bắt đầu, - D'Artagnan nói - Một hôm trong lúc chuyện trò với một người bạn của Ngài Hoàng thân, ông de Beaufort kể với người ấy rằng; có một lần ông tranh luận với De Chavigny về những cuộc tranh chấp đầu tiên giữa Mazarin và nghị viện. Thấy Chavigny gắn bó với tể tướng mới, mà chính hắn xưa kia đã từng ra sức ôm chân tể tướng cũ, ông de Beaufort bực lắm và đã đánh cho hắn một trận ra trò.
"Người bạn ấy biết ông de Beaufort vốn có bàn tay rất nhẹ nhàng, nên sửng sốt về việc đó và vội chạy đến kề lại cho Ngài Hoàng thân nghe. Câu chuyện lan rộng ra ngay và ai nấy đều quay lưng lại Chavigny. Hắn rất thắc mắc về thái độ lạnh nhạt chung ấy của mọi người, nhưng người ta ngại cho hắn biết nguyên do. Cuối cùng có một người đánh bạo nói với hắn rằng mọi người rất lấy làm lạ vì sao hắn để cho ông de Beaufort thụi hắn, dù ông ta có là hoàng thân chăng nữa.
"Thì ai nói là Hoàng thân de Beaufort thụi tôi? - Chavigny hỏi.
"Thì chinh Hoàng thân chứ ai, - người bạn đáp.
"Người ta bèn đi ngược nguồn tin và tìm thấy người mà hoàng thân đã kể cho nghe chuyện ấy, ông ta lấy danh dự ra thề là đã nói sự thật, lại còn nhắc lại và khẳng định nữa.
"Chavigny phẫn uất về một chuyện vu cáo như vậy mà hắn chẳng hiểu tí gì, tuyên bố với bạn bè là hắn thà chết, chứ không thể chịu dựng một sự lăng nhục đến thế. Cho nên hắn cử hai người làm chứng đến gặp hoàng thân, với nhiệm vụ là hỏi ông xem có đúng là ông có nói rằng ông đã thụi De Chavigny không.
"Tôi đã nói như thế, - Hoàng thân đáp, - và tôi xin nhắc lại, vì đó là sự thật.
"Thưa Đức ông, - một người nhà Chavigny bèn nói, - Xin phép cho tôi được thưa với Điện hạ rằng, những cú đánh vào một người quý tộc làm hạ phẩm giá của cả người đánh lẫn người bị đánh. Vua Louis XIII trước kia đã không muốn dùng những người quý tộc làm hầu phòng để có quyền đánh đập hầu phòng.
"Ơ kìa, - ông de Beaufort ngạc nhiên hỏi, - nhưng mà ai đã bị đánh đòn và ai nói đến chuyện đánh đòn cơ chứ?
"Thì chính Đức ông bảo là đã đánh…
"Đánh ai?
"Ông de Chavigny.
"Tôi ấy à?
"Thì ngài đã chẳng thụi ông de Chavigny rồi sao, ít ra là theo như ngài nói.
"Đúng vậy.
"Ồ! Nhưng ông ta cải chính.
"À ra thế, - hoàng thân nói, - tôi đã thụi cho ông ta ra trò, mà nguyên văn lời tôi nói như thế này. - Ông de Beaufort nói với tất cả về oai nghiêm mà các cậu đã biết đây!
"Ông Chavigny thân mến ơi, ông thật là đáng chê trách vì đã giúp sức cho một tên vô lại như lão Mazarin kia".
"A! Thưa Đức ông, - nhân chứng thứ hai reo lên, tôi hiểu rồi, chắc là ý ngài muốn nói quở trách.
"Quở trách với thụi(1) thì có sao nào? - Hoàng thân nói - chẳng phải cũng đúng cả ư? Quả các nhà soạn chữ nghĩa của các ông thực là thông thái rởm!
Mọi người cười đến vỡ bụng về điều sai lầm ngôn ngữ học đó của ông Beaufort mà những sai lầm loại ấy bắt đầu trở thành truyền thuyết. Cũng như thừa nhận rằng ý thức đảng phái đã bị loại trừ lẫn nhau ra khỏi các cuộc hội họp thân mật này, d'Artagnan và Porthos có thể chế giễu các ông hoàng với điều kiện là Arthos và Aramis có thể thụi cho lão Mazarin.
- Thực tình - D'Artagnan nói với hai bạn, - các anh muốn điều ác cho Mazarin cũng đúng thôi, bởi vì về phía lão ta, tôi xin thề rằng lão cũng chẳng muốn điều lành cho các anh.
- Lạ nhỉ! Thật không? - Arthos nói. - Nếu tôi biết rằng, cái lão đê tiện ấy biết tên tôi, thì có lẽ tôi sẽ phải đổi tên, vì sợ rằng người ta sẽ tưởng là tôi quen biết hắn.
- Lão ta không biết anh do tên tuổi, mà do việc làm của anh. Lão biết rằng có hai người qui tộc tham gia một cách đặc biệt vào vụ vượt ngục của ông de Beaufort và đang ráo riết cho tìm kiếm; tôi xin bảo đảm với anh như vậy.
- Cho ai đi tìm kiếm?
- Tôi.
- Sao, cậu à?
- Phải, mới sáng nay thôi lão cho gọi tôi đến để hỏi xem có tin tức gì chưa?
- Về hai người quý tộc ấy à?
- Phải.
- Thế cậu trả lời thế nào?
- Là tôi chưa có tin tức gì, nhưng tôi ăn cùng với hai người họ có thể cung cấp tin cho tôi.
- Cậu bảo lão ta thế à? - Porthos hỏi với cái cười hô hố nở nang trên khuôn mặt to bè của anh. - Hoan hô! Thế việc ấy không làm cho anh lo sợ à, Arthos?
- Không? - Arthos nói, - chẳng phải tôi sợ việc tìm kiếm của Mazarin.
- Thế anh hãy cho tôi biết một chút anh sợ cái gì nào? - Aramis hỏi.
- Chẳng sợ gì đâu, ít ra là trong hiện tại thật đấy.
- Thế còn trong quá khứ? - Porthos vặn lại.
- A! Trong quá khứ lại là chuyện khác - Arthos thở dài nói, - trong quá khứ và trong tương lai…
- Phải chăng anh lo sợ cho Raoul của anh? - Aramis hỏi.
- Không? - D'Artagnan nói - chẳng ai chết trong trận đầu tiên đâu.
- Trận thứ hai cũng vậy, - Aramis nói.
- Cả trận thứ ba cũng thế thôi, - Porthos nói. - Và lại khi người ta bị giết thì người ta khỏi chết, chứng cớ là chúng ta vẫn còn cả đây.
- Không, Arthos nói, - cũng không phải chuyện Raoul làm tôi lo ngại bởi vì tôi hi vọng rằng nó sẽ cư xử như người quý tộc và nếu nó bị giết thì chắc là chết một cách dũng cảm, nhưng này, nếu như tai hoạ ấy đến với nó, thì… - Arthos đưa bàn tay lên vầng trán tái xanh.
- Thì sao? - Aramis hỏi.
- Thì tôi sẽ coi cái tai hoạ ấy như một sự chuộc tội.
- A, a! - D'Artagnan nói, - tôi biết anh định nói gì rồi.
- Và tôi cũng vậy, - Aramis nói - nhưng không nên nghĩ đến chuyện đó, Arthos ạ: quá khứ đã qua rồi.
- Tôi không hiểu, - Porthos nói.
- Chuyện ở Armentières ấy mà, - D'Artagnan khẽ nói.
- Chuyện ở Armentières nào nhỉ? - Porthos hỏi.
- Milady…
- A! Phải rồi, - Porthos nói, - tôi quên bẵng đi mất rồi.
Arthos nhìn anh bằng con mắt sâu xa và hỏi:
- Cậu đã quên chuyện ấy rồi ư?
- Thực tình, - Porthos đáp, - chuyện ấy cũng xa xôi lắm rồi.
- Điều ấy chẳng đè nặng lên lương tâm cậu hay sao?
- Quả  là không! - Porthos nói.
- Thế, còn cậu, Aramis?…
- Ấy thỉnh thoảng tôi cũng có nghĩ đến, nhưng giống như một trong những điều khó xử nó có tính cách giúp cho sự nghị luận nhiều hơn.
- Còn cậu thì sao, d'Artagnan?
- Tôi thú thật là khi nào nghĩ lại thời kỳ khủng khiếp ấy, tôi chỉ nhớ đến kỷ niệm về tấm thân lạnh giá của bà Bonacieux tội nghiệp mà thôi. Đúng, đúng, biết bao lần tôi thương tiếc nạn nhân, nhưng không bao giờ hối hận đối với kẻ ám sát nàng.
Arthos lắc đầu, vẻ hoài nghi.
- Anh hãy nhớ rằng, - Aramis nói, - nếu như anh chấp nhận công lý của Trời và sự tham gia của nó vào các việc ở trên đời này, thì người đàn bà ấy đã bị trừng phạt theo ỷ Chúa. Chúng ta chỉ là nhưng công cụ, có thế thôi.
- Thế còn sự tự do ý chí thì sao, Aramis?
- Quan toà làm gì nào? Ông ta có tự do ý chí của mình và kết tội mà chẳng sợ hãi gì. Đao phủ làm gì nào? Hắn làm chủ cánh tay của hắn và chém mà không ân hận.
- Đao phủ… - Arthos lẩm bẩm.
Và người ta trông thấy anh dừng lại ở một kỷ niệm.
- Tôi biết là chuyện ấy kinh hoàng thật, - D'Artagnan nói - nhưng khi nghĩ rằng chúng ta đã giết những người Anh, những người dân thành La Rochelle, bọn Tây Ban Nha, Rochelais cả người Pháp nữa, họ chẳng làm điều gì ác nào khác ngoài việc nhằm bắn chúng ta nhưng bắn hụt họ chẳng có điều sai lầm nào khác ngoài việc chạm kiếm với chúng ta và không kịp đỡ, tôi xin tự biện giải cho mình trong vụ giết người đàn bà ấy, xin lấy danh dự mà thề như vậy.
- Còn tôi, - Porthos nói, - bây giờ các anh nhắc lại chuyện ấy. Arthos ạ, tôi thấy quang cảnh ấy hiện lại rành rành như lúc mình đã chứng kiến: Milady ở chỗ kia, anh ở đấy (Arthos tái mặt); còn tôi ở chỗ d'Artagnan đang ngồi đây. Tôi đeo bên mình một thanh kiếm sắc như nước… Aramis, cậu còn nhớ thanh kiếm ấy chứ? Cậu vẫn gọi nó là Balizarde mà. Thật đấy, tôi xin thề với cả ba anh rằng nếu như không có gã đao phủ xứ Béthune ở đấy… Xứ Béthune phải không nhỉ?… Phải, nếu không có hắn ở đấy, thi thực tình tôi đã chém cổ con mụ phản trắc ấy một nhát đứt phăng không cần làm lại, mà dù có phải làm lại đi nữa… Đó là một mụ đàn bà độc ác.
Với các giọng điệu triết lý vô tư mà anh có từ khi đi tu nhà thờ và trong đó chất vô thần nhiều hơn tin tưởng ở Chúa, Aramis nói:
- Mà nghĩ đến tất cả những chuyện ấy làm gì kia chứ. Việc gì đã xong là xong rồi. Việc ấy chúng ta sẽ xưng tội vào lúc lâm chung và Chúa sẽ hiểu rõ hơn chúng ta đó là một tội ác, một lỗi lầm hay là một hành động đáng khen thưởng. Các anh bảo tôi có hối hận không ư? Thực tình là không. Xin thề trên danh dự và trên cây thánh giá vả tôi chỉ ân hận vì người ấy là đàn bà.
- Cái điều đáng yên tâm nhất trong tất cả câu chuyện ấy, - D'Artagnan nói, - là nó không còn để lại một dấu tích gì.
- Mụ ấy có một đứa con trai, - Arthos nói.
- À phải, tôi biết rõ, - D'Artagnan nói, - và anh cũng đã nói với tôi: nhưng ai biết nó bây giờ ra sao? Rắn chết thì hết đời ổ trứng? Anh tưởng rằng de Winter bác của nó đã nuôi nấng con rắn con đó sao? De Winter sẽ kết tội đưa con trai như đã kết tội mẹ nó.
- Thế thì, - Arthos nói, - thật tai hoạ cho de Winter, bởi vì đứa con chưa thấy làm gì.
- Thằng bé ấy chết rồi, không thì quỷ bắt tôi đi, - Porthos nói. - Theo d'Artagnan nói thì ở cái xứ sở khốn khổ ấy, sương mù lúc nào cũng dày đặc, ít ra thì…
Vào cái lúc mà câu kết luận ấy của Porthos có lẽ sắp tô lại niềm vui trên những vầng trán ít nhiều u ám ấy, thì có tiếng động vang lên ở cầu thang và có tiếng gõ cửa.
- Cứ vào - Arthos bảo.
- Thưa các ông, chủ quán nói - có một tên hầu có việc rất gấp xin gặp một trong các ông ở đây.
- Gặp ai? - Cả bốn người cùng hỏi.
- Gặp vị nào là bá tước de La Fère.
- Tôi đây, - Arthos nói, - thế tên hầu ấy tên là gì?
- Grimaud.
- A! - Arthos tái mặt thốt lên. - Hắn đã về rồi ư? Có chuyện gì xảy ra với Bragelonne rồi chăng?
- Cho hắn vào! - D'Artagnan bảo. - Cho hắn vào!
Nhưng Grimaud đã lên hết cầu thang và đang đợi ở thềm; bác lao vào trong phòng và ra hiệu bảo chủ quán đi ra.
Chủ quán đóng cửa lại. Bốn người bạn đợi chờ. Vẻ xáo động của Grimaud, khuôn mặt tái mét và ròng ròng mồ hôi bụi bậm lẩm đầy quần áo bác, tất cả báo hiệu rằng bác mang đến một tin quan trọng và khủng khiếp nào đó.
- Thưa các ông, - bác nói - người đàn bà ấy có một đứa con, đứa con ấy đã thành người lớn; hổ cái có một hổ con, con hổ ấy đã được thả ra, nó sẽ tìm đến các ông, phải đề phòng!
Arthos nhìn các bạn với một nụ cười buồn thảm.
Porthos tìm thanh kiếm ở bên mình, nó được treo ở tường.
Aramis vớ con dao; d'Artagnan đứng dậy và hỏi:
- Bác định nói gì vậy, Grimaud?
- Con trai của Milady đã rời nước Anh, nó đang ở Pháp, đi đến Paris nếu không phải là nó đã có mặt ở đây rồi.
- Quái quỷ thật! - Porthos nói, - bác có chắc chắn không?
- Chắc! - Grimaud đáp.
Một lát im lặng dài tiếp đón điều tuyên bố ấy.
Grimaud thở hổn hển, mệt rã rời ra và ngồi phịch xuống ghế. Arthos rót một cốc sâm-banh và đưa bác.
- Ồ! Dù sao, - D'Artagnan nói, - nếu nó còn sống, nếu nó đến Paris: thì chúng ta cũng đã thấy lắm chuyện ghê gớm hơn thế! Nó cứ việc đến!
- Phải, - Porthos vuốt ve bằng ánh mắt thanh kiếm treo trên tường và nói - Chúng ta chờ đợi, nó cứ việc đến.
- Vả chăng nó cũng chỉ là một đứa trẻ con, - Aramis nói.
- Trẻ con? - Grimaud nói. - Ông có biết cái thằng trẻ con ấy đã làm gì không? Cải trang làm mục sư hắn đã khám phá ra tất cả câu chuyện do nghe đao phủ xứ Béthune xưng tội, và sau khi đã nghe xong, sau khi đã biết rõ tất cả, để xá tội, hắn đã cắm vào tim kẻ sám hối lưỡi dao găm này đây. Các ông xem, lưỡi dao vẫn còn đó lòm và ẩm ướt, vì nó được rút ra khỏi vết thương chưa đầy ba mươi tiếng đồng hồ.
Và Grimaud quẳng lên giường con dao mà gã mục sư đã để quên trong vết thương của tên đao phủ.
D'Artagnan, Portox và Aramis đứng bật dậy và thình lình chạy cả ra chỗ để kiếm.
Riêng Arthos vẫn ngồi ở ghế, bình tĩnh và trầm ngâm.
- Grimaud, bác bảo là hắn mặc áo mục sư à?
- Vâng, mục sư Augustins.
- Người như thế nào?
- Theo chủ quán nói thì hắn trạc vóc người tôi, gầy, da tai tái, mắt xanh nhạt và tóc hoe vàng.
- Và hắn không gặp Raoul chứ? - Arthos hỏi.
- Trái lại họ đã gặp nhau và chính Tử tước đích thân dẫn hắn đến bên giường kẻ sắp chết.
Arthos không nói một lời, đứng dậy và đến lượt mình ra lấy thanh gươm.
- Ái chà! Các cậu ơi! - D'Artagnan gượng cười nói, - các cậu có thấy rằng chúng ta có vẻ giống như các tiểu thư liễu yếu đào tơ không? Thế nào mà chúng ta, bốn người đàn ông đã từng đương đầu với những đội quân mà chăng hề phải chau mày, bây giờ lại run sợ trước một đứa trẻ con ư!
- Ừ! Arthos nói, - nhưng đứa trẻ con ấy nhân danh Chúa mà đến.
Và họ vội vã ra khỏi khách sạn.
Chú thích:
(1) De Beaufort có tật nói hay lẫn những từ gần giống nhau: Gourmer là thụi, đánh; còn Gourmander là quở trách, la mắng.
°°°°
Chương 38
BỨC THƯ CỦA VUA CHARLES ĐỆ NHẤT
Bây giờ mời độc giả vượt qua bên kia sông Seine với chúng tôi đến nguỡng cửa của nữ tu viện Carmel trên phố Saint Jacques.
Bấy giờ là 11h sáng và các nữ tu đạo đức vừa xong buổi dâng lễ cầu nguyện chiến thắng cho đoàn quân của Vua Charles đệ Nhất. Rời khỏi giáo đường, một người đàn bà và một thiếu nữ mặc bộ áo đen của quả phụ và cô nhi quay trở về phòng riêng.
Người đàn bà quỳ xuống trước tượng Chúa chịu hình bằng gỗ sơn, còn nguời con gái đứng cách bà ta một khoảng gần, dựa vào chiếc ghế, lặng lẽ khóc.
Người đàn bà hẳn đã từng là một giai nhân, nhưng nỗi đau buồn đã làm bà già xọm đi. Thiếu nữ thì đang độ xuân sắc, và những giọt lệ rơi chỉ làm sắc đẹp nàng lộng lẫy hơn. Người mẹ đã khoảng 40 tuổi, còn người con chỉ mới 14.
“Chúa ơi,” người quỳ gối khẩn nài “xin hãy che chở chồng con, bảo bọc con trai con, và cứ lấy đi mạng sống khổ ải cơ cực này thay vào!”
“ Chúa ơi,” thiếu nữ nghẹn ngào “hãy giữ mẹ lại với con!”
“Mẹ thì có ích gì cho con trên đời bây giờ, Henriette,” vị mệnh phụ nói, khẽ xoay mình lại nhìn nàng, “khi không còn cả ngôi báu lẫn chồng. Ta không có gì hết: con trai, tiền, hay bạn bè. Cả thế giới, con ơi, đã bỏ rơi mẹ!” Và bà ngã vào vòng tay con gái giang ra mà bật khóc.
“Dũng cảm lên, cần phải dũng cảm lên, mẹ thân yêu ơi!” Cô gái nói.
“Ôi, thật là một năm đen tối cho các vì vua,” nguời mẹ nói, đầu gục vào lòng con; “Chẳng còn ai lo đến chúng ta, vì ai cũng còn phải lo thân mình. Giá anh con còn đây thì nó còn an ủi mẹ đuợc, nhưng nó cũng đi mất và biệt luôn tăm tích, cả cho mẹ lẫn cha con. Mẹ đã phải cầm hết nữ trang, bán quần áo của hai mẹ con ta để trả lương cho bọn hầu cận của nó, nếu không chúng sẽ bỏ nó mà đi. Cuối cùng thì ta chỉ còn biết đến đây nương nhờ vào nhà Chúa; chúng ta đã bần cùng, đã bị Trời chà đạp thật rồi.”
“Sao mẹ không liên lạc với hòang hậu, chị mình?”
“Chao ôi, hòang hậu có còn là hòang hậu nữa đâu. Bà chỉ ngồi làm vì cho kẻ khác đấy thôi. Rồi một ngày con sẽ hiểu tất cả.”
“Thế thì với cháu mẹ vậy, nhà vua ấy. Con sẽ đến gặp nguời nhé? Mẹ biết nguời thương yêu con đến mực nào...”
“Con ạ, cháu ta cũng chưa là vua hẳn, và con cũng biết là Laporte đã nói với chúng ta bao nhiêu lần rằng chính chàng cũng thiếu thốn đủ đường.”
“Thế thì chỉ còn cách cầu nguyện mà thôi,” thiếu nữ nói.
Hai người phụ nữ đang quỳ gối cầu nguyện ấy như vậy chính là con gái và cháu ngoại của vua Henry IV, cũng là vợ và con của Charles I.
Họ vừa cùng cầu nguyện xong, thì có tiếng gõ nhẹ ngoài cửa.
"Mời xơ vào," hoàng hậu nói, gạt lệ và đứng dậy.
Con người mộ đạo kính cẩn bước vào cửa.
"Xin lệnh bà thứ lỗi đã quấy rầy người cầu nguyện, nhưng một nhà quý tộc đã đến đây từ nước Anh, và đang đợi ngoài phòng khách để được yết kiến và trao thư cho lệnh bà."
"Thư à! Thư của hoàng thượng, có lẽ. Tin của cha con, con có nghe không, Henriette?
"Con nghe, mẹ ạ, và con cũng hy vọng là thế."
"Thế nhà quý tộc xơ nói đó đó là ai?"
"Một người trạc độ 45 cho đến 50 tuổi."
"Còn tên ông ta? Ông ta có xưng tên không?"
"Milord de Winter."
"Milord de Winter!" hoàng hậu thốt lên. "người bạn của chồng ta. Nhờ xơ mời ông ấy vào đây."
Và bà bước ra để đón người sứ giả, rồi nắm tay ông ta thật thân thiết, trong khi ông ta quỳ gối trình lên lá thư trong một cái hộp bằng vàng.
"Milord ạ, ngài thật đã mang cho ta ba thứ từ lâu lắm ta không còn nhìn thấy lại: vàng, một người bạn tín cẩn, và lá thư của hoàng thượng, chồng và chủ nhân của chúng ta."
De Winter khấu đầu một lần nữa, không cất lời được vì cảm xúc tràn trề.
"Milord," hòang hậu nói, tay giơ lá thư, "ngài cũng hiểu ta thật nóng lòng muốn đọc lá thư này."
"Vậy chắc thần xin rút lui, thưa lệnh bà."
"Ồ không, xin ngài ngồi lại, ta sẽ đọc ngay đây thôi. Còn hàng triệu câu ta phải hỏi ngài về chuyến đi này nữa chứ."
De Winter bước lui một vài bước, rồi đứng chờ trong yên lặng.
Người mẹ và con gái rút về hướng khung cửa sổ, hăm hở đọc lá thư:
"Hòang hậu, vợ yêu dấu - Chúng ta đã đi đến giờ phút quyết định rồi. Trẫm đã tập trung ở trại Naseby này tất cả lực lượng mà Hoàng thiên còn để lại trong tay trẫm, và vội vàng viết cho nàng từ nơi đó. Bây giờ trẫm sẽ chờ đợi đoàn quân của bọn loạn dân. Trẫm sẽ giao tranh trận cuối cùng với chúng. Nếu thắng trận này, ta sẽ tiếp tục tranh đấu; nếu thua trận này, kể như ta mất tất cả. Trong trường hợp sau (hỡi ôi, người ta phải chuẩn bị cho mọi thứ, trong hòan cảnh của chúng ta) trẫm sẽ cố gắng vượt thoát sang tới bờ biển nước Pháp. Nhưng họ có thể, hay có chịu, đón tiếp một vị vua thất thế, kẻ mang thêm một câu chuyện bi thảm tới cho một quốc gia vốn đã sôi sục trong bạo loạn? Sự khôn ngoan và tình yêu của nàng sẽ chỉ đường cho trẫm. Người mang thư này sẽ cho nàng biết những điều ta không dám đặt lên giấy vì sợ rủi ro dọc đường. Y sẽ giải thích cho nàng những việc mà trẫm mong nàng sẽ thực hiện. Trẫm cũng gửi y mang theo lời chúc phúc của trẫm cho các con và chân tình từ trong hồn trẫm vẫn dành cho nàng, hỡi người thương yêu nhất."
Dưới thư ký tên, không còn là "Vua Charles" mà là "Charles, vẫn còn là vua."
Bức thư buồn thảm này, khi De Winter theo dõi những ấn tượng trên mặt hai người đọc, không ngờ lại làm mắt họ sáng lên một tia hy vọng.
"Cứ để cho người đánh mất ngôi báu," hoàng hậu kêu lên." Cứ để người bị chiếm đoạt tất cả, bị lưu đày, tuyệt vãng, chỉ cần người còn sống. Than ôi! Những ngày này, ngai vàng thật là một chỗ quá nguy hiểm nên ta cũng chẳng mong người lưu lại nơi ấy. Nhưng thưa Milord, cho ta biết," bà tiếp "đừng giấu gì cả - thật sự ra, tình thế của nhà vua bây giờ như thế nào? Có thật là đã tuyệt vọng như người nghĩ không?"
"Than ôi, thưa lệnh bà, còn tệ hơn thế nhiều. Trái tim của Hòang thượng quá đỗi cao cả, ngài không hiểu nổi sự thù hận, và quá trung hậu nên không biết nghi kỵ sự phản phúc! Anh quốc đã bị chia cắt bởi một ám ảnh của bạo loạn, mà thần sợ rằng chỉ có máu mới trục hết được.
"Nhưng còn Lord Montrose?" hòang hậu trả lời. "Ta đã nghe nói về những trận đại thắng thần tốc của ông, ở Inverlochy, Auldearn, Alford và Kilsyth. Ta còn nghe nói ông đang tiến quân về phía biên giới để nhập vào đòan quân của Hoàng thượng."
"Đúng vậy, tâu lệnh bà, nhưng gần biên giới ông đã đụng phải Lesley. Ông đã phải quyết thắng bằng cả nỗ lực vượt quá sức người. Cuối cùng thì tình thế đã phản lại ông. Montrose bị đánh bại ở Phillipaugh, phải giải tán đòan quân còn sót lại và cải trang thành một tên đầy tớ để trốn thóat. Hiện giờ ông đang ở Bergen nước Na Uy.
"Trời phù hộ ông ấy!" Hòang hậu nói. "Ít nhất ta cũng thấy an ủi là một người đã bao phen liều mình vì hòang gia nay đã được an tòan. Bây giờ, thưa đại nhân, trước tình thế tuyệt vọng như vậy, hãy cho ta biết sứ mệnh phu quân ta đã trao cho ngài."
"Phải lắm thưa lệnh bà. Hòang thượng muốn bà khéo léo tìm hiểu được chủ định của nhà vua và thái hậu (N.D. nước Pháp) đối với ngài."
"Than ôi, như ngài đã biết, nhà vua chỉ là một đứa trẻ và thái hậu là một người đàn bà yếu thế. Ở đây, Đức ông Mazarin là tất cả quyền hành."
"Ông ta có phải muốn trở thành một Cromwell thứ hai ở Pháp chăng?"
"Ồ không, ông ta là một tên người Ý thâm trầm, vô lương tâm, và không có cái gan phạm tội ác, mặc dù có thể cũng ngấm ngầm mơ ước đấy. Hơn nữa, ở Anh thì Cromwell mới nắm các viện trong tay, còn ở đây ngược lại, Mazarin phải dựa vào thái hậu để chống lại nghị viện.
"Thế lại càng thêm lý do cho ông ta hỗ trợ một vị vua bị nghị viện săn đuổi."
Hòang hậu lắc đầu một cách chán chường:
"Cứ như ta thấy, Milord ạ, thì ông Giáo chủ này sẽ không làm gì giúp ta cả, mà có khi còn chống lại ta nữa. Sự có mặt của mẹ con ta ở nước Pháp đã làm ông khó chịu lắm rồi, còn nói gì đến nhà vua. Milord ạ," Henriette nói thêm với nụ cười buồn bã " thật là thê thảm và gần như hổ thẹn khi ta phải nói rằng chúng tôi đã trải qua mùa đông trong điện Louvre không có tiền bạc, không vải trải giường, gần như không có bánh mì, và thường phải nằm lì trên giường vì phòng không có lửa sưởi."
"Thật kinh khủng!" De Winter thốt lên, "Con gái của vua Henry IV, vợ vua Charles! Thế sao lệnh bà không chuyển đạt những việc ấy cho người đầu tiên của bên mình mà bà gặp được?"
"Đấy là sự hiếu khách dành cho một hòang hậu từ một vị tể tướng sau khi chính nhà vua đã yêu cầu ông ta."
"Nhưng thần còn nghe nói phong thanh về ý định một cuộc hôn nhân giữa Hoàng tử xứ Wales và công nương d'Orleans."
"Đúng, đã có lúc ta cũng mong đợi chuyện ấy. Hai đứa trẻ cũng thấy tình ý hợp với nhau, nhưng hòang hậu, trước kia thì tán thành tình cảm của chúng, sau lại đổi ý, và Đức ông, Công tước Orleans, người đã thúc đẩy cho chúng gần gũi nhau, đã cấm con mình không được nghĩ gì thêm đến chuyện hôn nhân ấy nữa. Milord ạ", hòang hậu tiếp, không cầm được nước mắt "thà rằng được ra chiến đấu, như Hòang thượng bây giờ, rồi chết như ngài có lẽ sẽ chết, còn hơn sống trong cảnh ăn mày như ta."
"Hãy vững lòng lên, thưa lệnh bà, hãy vững lòng lên chứ. Chưa phải lúc chán nản kia mà. Quyền lợi của ngai vàng nước Pháp, đang bị đe dọa trong hoàn cảnh này, đòi hỏi phải ngăn chặn nạn phiến lọan tại quốc gia láng giềng. Là chính khách, chắc chắn Mazarin hiểu được nhu cầu chính trị."
"Ngài có chắc rằng ngài không bị chặn tay trước rồi không?" Hòang hậu hỏi vẻ nghi ngờ.
"Bởi người nào?"
"Những kẻ như Joyce, Pride, Cromwell."
"Tên thợ may, tên đóng xe ngựa, và tên nấu bia ư! A, thưa lệnh bà, tôi hy vọng là ông Giáo chủ không đi thương lượng với lọai người ấy chứ!"
"Bản thân ông ta lại là lọai người nào?" Hòang hậu Henrietta hỏi.
"Nhưng còn danh dự của nhà vua- của hòang hậu."
"Ừ, thì ta hãy hy vọng ông ta sẽ làm gì vì danh dự của họ." Hòang hậu Henrietta nói. "Sự hùng biện của một người bạn chân thành có tác dụng thật mạnh mẽ, thưa Đại nhân, nên cuối cùng ngài đã trấn an được ta. Chúng ta hãy bắt tay và đến gặp tể tướng."
"Thưa lệnh bà," De Winter nghiêng mình "ngài ban cho thần quá nhiều vinh hạnh".
Tuy nhiên," bà nói thêm, "giả sử ông ta từ chối và Hòang thượng thua trận này?"
"Hòang thượng sẽ tỵ nạn tại Hà Lan, nơi mà nghe nói Hòang tử xứ Wales cũng đang lưu lại."
"Vậy Hòang thượng có còn nhiều thần dân trung thành như ngài trong cuộc chiến này chăng?"
"Thưa lệnh bà, không" De Winter trả lời "nhưng tình thế đã sắp đặt như vậy và thần đang cố tìm thêm đồng minh ở nước Pháp này."
"Đồng minh ư!" Hòang hậu lắc đầu.
"Thưa lệnh bà," De Winter đáp, "chỉ cần thần tìm lại được một số bạn bè tốt ngày xưa, thần có thể lo liệu mọi việc."
"Vậy chúng ta đi thôi, thưa Đại nhân" hòang hậu nói với sự hòai nghi đau khổ của những người đã trải qua nhiều bi kịch "Đi thôi, và mong Trời chứng giám những lời của ông."
Hòang hậu bước lên xe, và De Winter, trên lưng ngựa, theo sau có 2 người hầu, cùng tiến ra cổng.