Dịch giả: Anh Vũ
Lời giới thiệu
Dịch từ nguyên bản tiếng Pháp: VINGT ANS APRÈS - A. Dumas, Agence Parisienne de distribution, Paris

 

Hai mươi năm sau là tập thứ hai trong thiên tiểu thuyết lịch sử gồm: "Ba người lính ngự lâm". "Hai mươi năm sau" và "Tử tước de Bragelonne" (hay Mười năm sau nữa).
Hai mươi năm sau diễn ra trong hoàn cảnh lịch sử nước Pháp những năm 1648-1649 khi mà các nhân vật của tập truyện thứ nhất đã thêm hai mươi tuổi đời. Lúc ấy, giáo chủ tể tướng de Richelieu và vua Luis XIII đã chết, vua Louis XIV nối ngôi mới có mười tuổi. Hoàng hậu Anne d'Autriche làm nhiếp chính và đưa người tình của mình là giáo chủ Mazarin gốc Ý lên làm tể tướng.
Tính tham lam, biển lận, xảo quyệt và những sự bóc lột tàn tệ của Mazarin cùng những hành vi chuyên quyền độc đoán của triều đình dấy lên lòng căm phẫn cao độ trong nhân dân và cả trong lớp hoàng thân, quý tộc bị chèn ép, khủng bố.
Thời gian ấy giai cấp tư sản ở châu Âu đã hình thành và phát triển, bắt đầu bộc lộ những mâu thuẫn gay gắt với giai cấp phong kiến thống trị triều đình của nó. Ở nước Anh, một nước công nghiệp phát triển sớm và mạnh, cuộc cách mạng dân chủ tư sản do Olivier Cromwell lãnh đạo rồi lôi kéo được nghị viện và quân đội chống lại vua Charles I, lật đổ vương quyền và tuyên bố nền cộng hoà, gây ảnh hưởng vang dội đến tình hình các nước châu Âu, đặc biệt là Pháp. Tại Pháp, những tầng lớp tư sản giành được sự đồng tình của nghị viện và một số nhà quý tộc lại được nhiều tầng lớp nhân dân, nhất là thị dân, ủng hộ, đã lập ra phong trào La Fronde chống lại Mazarin và triều đình, gây lên những cuộc bạo loạn và dựng những luỹ chiến đấu nổi tiếng ở giữa Paris, buộc triều đình phải trốn khỏi kinh đô và đàm phán.
Trong bối cảnh lịch sử rối ren và sôi động ấy, Alexandre Dumas đưa các chàng ngự lâm quân quen thuộc của chúng ta trở lại sân khấu chính trị - xã hội. D'Artagnan và Porthos phục vụ trong ngự lâm quân trực tiếp dưới quyền của tể tướng và hoàng hậu, còn Arthos và Aramis bí mật tham gia phong trào La Fronde. Những cuộc chạm trán bất ngờ và đọ kiếm nảy lửa giữa bốn người bạn tâm đắc thuộc hai phe đối lập tưởng như sẽ làm tan vỡ tình bằng hữu, trái lại lại đi đến củng cố tình bạn keo sơn sống chết có nhau. Vì bản chất của bốn con người ấy vẫn là trong sáng, nhân hậu, thuỷ chung, cùng yêu mến và căm ghét giống nhau, vì nghĩa lớn và tình riêng mà hành động, dù đường đi có khác nhau.
Tính cách của nhân vật được khắc hoạ trên các bối cảnh lịch sử đang trở dạ, sôi sục những cuộc bạo động và khủng bố, những cuộc đấu tranh giai cấp giữa chủ nghĩa tư bản đang lên và chế độ phong kiến đang suy tàn.
Hoạt động của các chàng ngự lâm quân trong bộ truyện này gắn bó hơn với những sự kiện lịch sử và có thể nói, tham gia trực tiếp vào đó. Cái chất sôi nổi, lãng mạn, hùng tráng của họ trước kia phát triển thành sâu sắc, chín chắn và thực tế hơn, còn mang tính hiện thực đậm đà. Dù ở phe bên này hay phe bên kia, họ đều nhìn thấy sự thối nát của triều đình, bản chất xấu xa ti tiện của tể tướng, tính độc đoán, tàn bạo và bạc bẽo của hoàng hậu, sự suy vong của các vương triều, sự lợi dụng của những kẻ cầm đầu tranh thủ nhân dân để phục vụ lợi ích của chính mình. Qua lời nói của các chàng ngự lâm quân, tác giả đã nhận xét.
"Ở Pháp lúc này mọi thứ đều tồi tàn nhỏ mọn. Chúng ta có một ông vua mười tuổi chưa hiểu mình muốn gì. Chúng ta có một hoàng hậu mà nỗi đam mê muộn mằn khiến trở thành mù quáng. Chúng ta cỏ một tể tướng cai trị nước Pháp như cai quản một trang trại lớn, nghĩa là bận tâm xem ở đó vàng có mọc lên được không khi cày bừa nó bằng âm mưu và thói xảo quyệt Ý. Chúng ta có những ông hoàng gây sự chống đối có tính cách cá nhân và ích kỷ chẳng đi tới đâu ngoài việc moi từ tay Mazarin mấy thỏi vàng và vài mảnh quyền thế".
"Còn nhân dân thì sao?… Tội nghiêp cho những con người kia! Họ tiến ra chỗ chết để người ta trả lại đất Sedan cho ông de Buiông, để người ta ban quyền tập chức đô đốc cho ông de Beaufort, và để ngài chủ giáo được phong làm giáo chủ!"
"Dân chúng không kêu ca gì cho các vị hoàng thân, mà lại nổi dậy vì Broussel chính vì đây là một người thuộc tầng lớp bình dân, và bảo vệ Broussel dân chúng cảm thấy một cách tự nhiên rằng họ bảo vệ chính mình".
Sức mạnh của quần chúng nhân dân khi đã vùng lên là cơn bão táp ghê gớm, thậm chí chỉ một gã trùm ăn mày mà "Chẳng ai hồ nghi rằng hai bàn tay của hắn vừa mới giúp kéo ra khỏi toà kiến trúc xã hội hòn đá nền tảng của vương quyền".
Với thái độ thiện cảm, tác giả nhìn Olivier Cromwell như "một thủ lĩnh tài ba và vững vàng, kiên quyết chống lại một vương triều thối rữa và mọt ruỗng nó sắp sụp đổ một sớm một chiều như một túp lều cũ nát".
Viết tiếp "Hai mươi năm sau", A. Dumas chứng tỏ ngòi bút khoẻ khoắn, linh hoạt và sức tưởng tượng dồi dào, phong phú của mình. Vẫn những chàng ngự lâm kia nay đã sang tuổi trung niẻn, rất ít những chuyện đấu kiếm hoặc yêu đương, tập truyện vẫn hấp dẫn người đọc bằng sự kiện, những tình tiết luôn luôn bất ngờ, lý thú và hồi hộp, bằng hơi văn sinh động, tự nhiên, pha chút châm biếm mỉa mai. Tính cách mỗi nhân vật đều độc đáo, phát triển lôgích và đậm nét.
D'Artagnan suốt hai chục năm ròng chỉ là một anh trung uý ngự lâm bị lãng quên, bạc đãi, vẫn là con người vừa trung hậu, tận tâm, vừa thực tế sắc sảo, bằng tài trí và mưu lược của mình nổi bật lên như một ngôi sao sáng mà bao kẻ quyền cao chức trọng khó bề sánh kịp.
Arthos mà lòng nhân ái và cao thượng đã thành truyền thuyết suốt đời, không màng danh lợi, không quản hy sinh, đến mức cứu cả kẻ tử thù và suýt mất mạng vì nó. Tuy nhiên mối tình bất ngờ và ngắn ngủi với bà công tước cải trang trên đường đi trốn, mang tính người hơn và tình phụ tử với đứa con chung - tử tước de Bragelonne - đã giải thoát anh khỏi nỗi thất vọng nặng nề của mối tình đầu thuở hoa niên bị đầu độc.
Aramis, con người khi là lính ngự lâm thì luôn luôn mơ ước được khoác áo tu viện trưởng, nhưng khi đã trở thành tu viện trưởng lại mang tính ngự lâm hơn bao giờ hết, vẫn thể hiện đúng bản chất nhất quán của mình và tự anh đã vạch trần những mặt trái nực cười của các tu viện và giáo chức.
Vẫn đáng yêu với tính huênh hoang chất phác nhưng bộc tuệch và chân thành của mình, chàng hộ pháp Porthos là một nét tương phản đặc sắc bổ sung cho hình tượng các chàng ngự lâm quân.
Mordount, đứa con trai sống sót của Milady, bước vào truyện với chí báo thù cho mẹ quyết liệt và dai dẳng như chính Milady hiện thân, là một bóng ma, một định mệnh luôn luôn đeo đẳng, ám ảnh, hãm hại các chàng ngự lâm quân và trở thành một đối tượng ghê gớm gây nên biết bao tai hoạ, biết bao tình huống gay go khốc liệt cho những địch thủ của mình, mang đầy kịch tính xuyên suốt cả cuốn truyện.
Những sự biến cách mạng ở Pháp và Anh thời bấy giờ thường sơ lược và khô khan trên các trang sử ký đã sống dậy dưới ngòi bút tài tình của A. Dumas, với nhũng quang cảnh, những con người, những tình tiết sinh động, linh hoạt, sôi nôí của những cuộc nổi dậy, những cuộc chinh chiến, những cuộc đấu tranh phức tạp, một mặt phơi bày tính chất phản động, xảo quyệt và ngoan cố của giai cấp thống tri, mặt khác làm nối bật khí thế dũng mãnh, hào hùng, hình ảnh cao đep của quần chúng cach mạng, nó như những cơn bão táp đầu tiên trong lịch sử làm rung chuyển nền móng của các ngai vàng và của mọi chế độ bóc lột. Rất thú vị là giống như trong nhiều tác phẩm của Victo Hugo, những cơn bão táp ấy làm thức dậy và lôi cuốn theo cả vào làn sóng cách mạng những tầng lớp "cặn bã" của xã hội, "những thằng nhóc Paris" đáng yêu và những đội quân hành khất bí hiểm và kỳ lạ.
Đọc "Hai mươi năm sau" chúng ta càng yêu mến các chàng ngự lâm và bùi ngùi cho số phận của họ, số phận của những con người. Cuộc đời của họ rồi sẽ ra sao? Họ vẫn gắn bó với lịch sử, sẽ sống với lịch sử, và cuốn hút chúng ta trong tập truyện cuối cùng "Tử tước de Bragelonne".
Anh Vũ
Dịch giả: Anh Vũ
Nguồn: NXB Văn Học, 2006
Dịch từ nguyên bản tiếng Pháp: "VINGT ANS APRÈS - A. Dumas, Agence Parisienne de distribution, Paris"