Chương 8
Những đòn đầu tiên của miền Bắc giáng xuống CIA

Vũ Long chăm chú ngắm tập ảnh… Xem xong mỗi chiếc, anh lại chuyển cho Trần Mai. Nhìn tấm ảnh chụp hai tên Mỹ đi giữa cảnh hoạt động của bến tàu Sài Gòn, Vũ Long nói:
- Đây là đối thủ của chúng ta. Cái tên cao là Lên-sđên. Tên mập hơn mặc sơ mi hoa này là Tô-ma. Chúng ta đã thắng bọn tình báo Pháp trong cuộc chiến tranh vừa qua. Bây giờ, đối với những đối thủ này, chúng ta còn ít hiểu biết về chúng quá. Bổn phận chúng ta là tìm hiểu kĩ về chúng, không thể chủ quan với bọn này được. Chúng có nhiều tiền, có phương tiên kĩ thuật tối tân, tiến hành phá hoại trên phạm vi toàn thế giới và đem những kinh nghiệm ấy áp dụng vào nước ta. Cuộc đấu trí, đấu sức giữa ta và chúng chắc chắn sẽ gay go, khó khăn và quyết liệt lắm đấy.
Có tấm ảnh chụp một chiếc tàu biển. Cái tài của người chụp là ở chỗ lấy được toàn bộ hình dáng con tàu lẫn số hiệu tàu rõ rệt vào ảnh. Vũ Long chỉ vào con tàu bảo Trần Mai:
- Theo báo cáo của X.30 gửi kèm cuốn phim về thì đồng chí đó muốn ta đặc biệt chú ý đến con tàu này. Tại sao hai tên trùm CIA lại xuống thăm con tàu này?
Vũ Long ngừng lại suy nghĩ. Theo thói quen, sự suy nghĩ ấy dẫn anh từ chi tiết nọ đến chi tiết kia của sự việc, bật ra sự liên hệ giữa các chi tiết đó. Anh vừa thủng thẳng nói, vừa cân nhắc:
- Theo điều tra của đồng chí X.30 thì hành trình của con tàu này là Sài Gòn – Hải Phòng và Sài Gòn – Phi Luật Tân. Hải Phòng thì hãy còn là khu vực tập kết của quân đội Liên hiệp Pháp, đang là chỗ đón những người dao động, lạc hậu, những kẻ chạy trốn cách mạng muốn bám theo địch đến cùng, đồng thời cũng đang là cái bàn đạp để kẻ địch tung bọn gián điệp thâm nhập vào miền Bắc vừa được giải phóng, tiến hành chiến tranh tâm lí, chiến tranh phá hoại. Phi Luật Tân là một căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ ở Thái Bình Dương, đồng thời cũng là nơi bọn Mỹ dùng để huấn luyện những thứ binh chủng đặc biệt của chúng. Sài Gòn – Hải Phòng, Sài Gòn – Phi Luật Tân, hai tên trùm CIA và một chiếc tàu… tất cả những điều ấy phải liên quan gì với nhau? Đồng chí có thấy những điều ấy liên quan với nhau không? Ý đồng chí thế nào?
Trần Mai không đáp ngay câu hỏi của Vũ Long mà hỏi lại anh:
- Anh đã đọc cái báo cáo của cơ sở chúng ta ở cảng Sài Gòn chưa?
Vũ Long gật đầu:
- Có, tôi đọc rồi. Cái báo cáo ấy cũng liên quan đến một con tàu. Cơ sở ta ở cảng phát hiện có một số tên khuân vác đáng nghi, ngày thường không thấy xuất hiện ở cảng, đã xuống một con tàu. Anh em theo dõi thì không thấy chúng lên nữa. Ấy đấy, nếu tổng hợp các chi tiết tưởng chừng rời rạc ấy lại với nhau thì sự việc đã tương đối rõ đấy nhỉ. Chúng ta có thể sơ bộ nhận định thế này: bọn CIA đang bí mật tung người ra tiến hành những âm mưu thâm hiểm đối với miền Bắc vừa được giải phóng. Đồng chí hãy gởi gấp phiên bản cuốn phim của đồng chí X.30, những báo cáo của cơ sở ta ở cảng Sài Gòn… lên cấp trên ngay. Đồng chí ghi rõ nhận định của chúng ta nữa.
Khi Trần Mai quay ra. Vũ Long tiếp tục xem lại từng bức ảnh, mong tìm ra thêm được những chi tiết đáng chú ý nữa. Kinh nghiệm cho anh thấy rằng có những bức ảnh, bức thư… chỉ xem, chỉ đọc một lần thường không phát hiện hết những điều đáng chú ý. Nhưng nếu ta xem, ta đọc thêm mấy lần sau nữa, có khi tìm ra được những điều rất thú vị. Anh nheo mắt ngắm bức ảnh chụp hai thằng trùm tình báo Mỹ mặc thường phục đi giữa những người Việt ở cảng Sài Gòn. Những ý nghĩ lúc nãy lại quay trở về với anh: “Đây là những đối thủ mới. Bọn này ghê gớm hơn bọn cũ rất nhiều. Tất nhiên ta chưa hiểu hết về chúng nhưng ta tin ở sức mạnh của nhân dân, tin ở sự sáng suốt của cấp trên. Nhân dân thuộc về ta. Chúng có nhiều tiền bạc, nhiều phương tiện tối tân, nhiều mánh khoé, thủ đoạn thâm hiểm, nhưng sang đây, chúng không thể sống riêng biệt chỉ có chúng nó với nhau được, chúng không thể vác cái mũi lõ, mắt xanh thâm nhập vào hàng ngũ của ta được. Chúng sẽ cần những người Việt Nam, cần những người thông ngôn, cần những cô thơ kí, cần những ông già quét dọn nhà cửa, cần những anh lái xe, cần những em nhỏ đánh giày… giúp việc cho chúng. Và những người ấy sẽ là tai mắt cho ta, sẽ là những người góp phần thầm lặng vào việc tống cổ chúng ra khỏi đất nước này. Tiền bạc của chúng có thể mua được một số tay sai nhưng chắc chắn không thể mua được tâm hồn, tấm lòng yêu nước của người dân Việt Nam. Phương tiện tối tân của chúng có thể gây nhiều khó khán cho ta nhưng chắc chắn không thể giúp chúng kiểm soát được những người ngay bên cạnh chúng, không thể giúp hiểu được mỗi người dân Việt Nam nghĩ gì. Mà người dân Việt Nam thì ai cũng yêu nước, ghét bọn ngoại bang xâm lược. Không thể chủ quan với chúng được, nhưng chắc chắn chúng cũng sẽ thất bại như bọn trước thôi, có khi còn thất bại đau hơn!”.
Vũ Long mỉm cười, cái cười của người bước vào trận đánh biết trước sẽ gay go, căng thẳng, đầy nguy hiểm nhưng tin ở sức mình. Anh tin ở ngày mai miền Nam cũng sẽ được hoàn toàn giải phóng như miền Bắc…

°

° °

Miền Bắc đã được giải phóng chỉ còn khu vực Hải Phòng ở trong thời hạn ba trăm ngày quy định theo hiệp định Giơ-ne-vơ cho các lực lượng vũ trang Liên hiệp Pháp tập kết rút đi. Chưa bao giờ người ta thấy được sự tương phản của hai chế độ đến như thế. Đường phố Hải Phòng đầy rẫy bọn tàn binh đủ các màu da. Chúng ở các trại lính. Chúng chiếm các nhà tư để đóng quân. Chúng căng lều ra khắp các vườn hoa, bãi đá bóng để trú trong lúc chờ đợi xuống tàu. Bao nhiêu thú tính của chúng trước đây tung ra ở khắp đồn bót chúng đóng trên miền Bắc, thì bây giờ thu lại, phá phách trên một cái thành phố nhỏ. Không thể kể hết được sự hỗn loạn, bẩn thỉu, mất dạy của đám bại binh đó gây ra. Nhiều người dân lương thiện Hải Phòng phải đưa con cái tránh lên Hà Nội.

Cùng với bọn bại binh đó là tất cả bọn lưu manh, bọn mất gốc, bọn đĩ bợm, bọn có nợ máu với nhân dân… xưa nay sống bám vào gót giày quân xâm lược từ khắp miền Bắc cũng theo thầy đổ dồn về như những rác rưởi bị dòng thác lũ cuốn trôi, dồn vào một góc, trước khi bị tống ra biển. Chúng ăn uống vội vã, trác táng vội vã, vơ vét vội vã như đã nhìn thấy thần chết bay trên đầu chúng bấy giờ. Những chiếc tàu há mồm, những chiếc máy bay vận tải cỡ lớn sơn màu tam sắc, cờ sao vạch trắng ùn ùn đến hốt chúng. Cho đến giờ phút chót ấy, chúng vẫn chưa li khai với tội ác. Chúng cưỡng bức, dụ dỗ, bắt cóc người khác đi theo chúng. Chúng như những con rắn độc thỉnh thoảng luồn lên Hà Nội.
Trong khi đó, Hà Nội nhộn nhịp, tươi vui cuộc sống mới, cuộc sống của những người dân làm chủ đất nước mình, làm chủ cuộc đời mình. Không ai quên được cái ngày cả Hà Nội tưng bừng đón Đảng và Chính phủ về thủ đô. Không ai quên được những buổi đại hội văn công đầy màu sắc mà nhiều người thủ đô xem muốn ứa nước mắt vì xúc động dậy lên tình cảm dân tộc, đất nước. Không ai quên được những buổi họp bàn việc quản lí các nhà máy, các trường học, các công sở, các bệnh viện… ngày nay đã thuộc về mình.
Ga Hà Nội như sống lại. Các chuyến xe lửa hừng hực chạy đi các ngả và từ các ngả chạy về giúp việc lưu thông các mạch máu trên một cơ thể hồi sinh, cường tráng, mạnh mẽ hơn trước. Hành khách lên xuống tấp nập. Những người công nhân quần áo xanh chạy đi chạy lại. Những cô gái đường sắt giữ trật tự đeo băng đỏ trên tay hướng dẫn khách đi về.
Trong một đầu máy xe lực lưỡng như toát ra sức mạnh, hai đồng chí công nhân lái tàu, một già một trẻ đang chuẩn bị cho đoàn xe chạy. Các toa xe đã nối vào đầu máy. Trong toa xe, các bà mẹ có con mọn vừa nựng con vừa chỉ trỏ ra ngoài cửa sổ, nói chuyện với con, các thanh niên nam nữ sôi nổi bàn về nhà máy mới mà mình sắp đi xây dựng, các ông già trầm ngâm ngồi đọc số báo mới phát hành, các bà phụ nữ lao động sắp xếp lại quang gánh sao cho gọn gàng. Chiếc đầu máy sung sức sẵn sàng vượt quãng đường dài. Khoang lò đầu máy lửa than cháy rừng rực. Khoang sau đầu máy chứa đầy than, những miếng than hình chữ nhật dẹp, to hơn viên gạch nằm dự trữ. Bác công nhân già xem lại các đồng hồ của đầu máy, quệt mồ hôi đẫm trán, bảo anh công nhân trẻ:
- Cho thêm than vào lò, chuẩn bị.
Anh công nhân trẻ cầm từng miếng than trên tay ném mạnh vào lò. Một miếng… hai miếng… ba miếng… bốn miếng… Đến miếng thứ năm, đang dang tay định ném vào lò, anh công nhân trẻ bỗng rụt tay lại. Anh ngắm nghía miếng than. Nó cũng một màu đen, cũng kích thước như mọi miếng than khác. Anh định ném tiếp nhưng nghĩ thế nào, anh lại tung thử nó trên tay. Bác công nhân già giục giã:
- Khẩn trương lên chứ. Sắp đến giờ rồi.
Anh công nhân trẻ rụt rè:
- Bác ạ, miếng than này cháu thấy nó khang khác.
Bác công nhân già cau mày:
- Nó làm sao? Nó bé hơn à?
Anh công nhân trẻ lắc đầu:
- Không phải, cháu thấy kích thước nó cũng bằng những miếng khác, nhưng tại sao nó nhẹ hơn và cầm không thật tay.
Bác công nhân già quệt mồ hôi trán, bước gần lại chỗ người đồng nghiệp trẻ:
- Cậu đưa tôi xem nào?
Bác cầm miếng than trên tay, cũng tung thử trên bàn tay chai sạn, đầy dầu mỡ của mình.
Bác đưa lên tai lắc thử nghe ngóng rồi chuyển sang lòng bàn tay trái và dùng ngón tay phải gõ thử. Vẻ mặt trầm hẳn xuống, bác gật đầu nói với anh công nhân trẻ:
- Nó khác thật. Cái này là phải cảnh giác đây.
Bác nhớ đến lời các đồng chí lãnh đạo luôn luôn dặn dò: “Phải hết sức cảnh giác. Bọn địch đã phải rút đi, nhưng chúng không muốn nhân dân ta được sống trong hoà bình. Chúng luôn luôn tìm cách phá hoại cuộc sống hoà bình và công cuộc xây dựng của chúng ta”. Bác nhớ mới tuần trước đây thôi, nhân dân gần kho xăng Gia Lâm đã phát hiện giúp công an hai kẻ lạ mặt lảng vảng quanh kho xăng. Đúng là hai tên mà công an đang theo dõi. Công an đã bố trí bắt được quả tang chúng định mang chất nổ vào phá kho xăng. Nghe nói chúng đã được đào tạo từ một đảo xa xôi nào của Mỹ trên Thái Bình Dương. Ngẫm nghĩ, bác bảo anh công nhân trẻ:
- Tàu khởi hành chậm lại một chút cũng được, tính mạng hàng trăm hành khách ở trong tay chúng ta. Cậu mang ngay miếng than này lên báo cáo với trưởng ga để điện sang bên công an ngay…
Anh công nhân trẻ với cái khăn, lau qua đôi tay lem luốc, cầm miếng than, nhanh nhẹn đi ra. Bác công nhân già băn khoăn nhìn từng bộ phận của đầu máy, chiếc đầu máy mà bác đã góp phần đấu tranh giữ nó lại không cho bọn địch cướp đi, để trao nó vào tay chính quyền cách mạng, vào tay nhân dân, chiếc đầu máy mà bác coi như cơ thể của bác. Bọn địch định giơ bàn tay gớm ghiếc, bẩn thỉu, đẫm máu đụng vào nó chăng? Bất cứ chúng là đứa nào, bác cũng đập cho vỡ sọ…
Anh công nhân trẻ đã quay về cùng với mấy đồng chí công an. Miếng than khác thường kia đã được xét nghiệm: đó là một quả mìn có sức công phá mạnh, làm giả dạng giống miếng than như thật. Các đồng chí công an phối hợp cùng hai đồng chí công nhân kiểm tra lại toàn bộ đống than dự trữ trên đầu máy, kiểm tra lại từng bộ phận máy móc. Cả đoàn xe cũng được kiểm tra lại. Hành khách trên xe vui vẻ xem lại chung quanh chỗ ngồi của mình theo sự hướng dẫn của các đồng chí công an.
Một lát sau, đoàn xe kéo một hồi còi dài đắc thắng, từ từ chuyển bánh, tốc độ mỗi lúc một nhanh, băng băng suốt quãng đường dài.
Anh công nhân trẻ ném thêm than vào lò. Bác công nhân già hất cao chiếc mũ công nhân, chăm chú nhìn quãng đường sắt phía trước, nhìn phố xá đang nhộn nhịp xe cộ, nhìn chiếc cầu vươn mình qua dòng sông và những bè gỗ nứa lững lờ trôi trên mặt sông từ miền ngược về giúp miền xuôi xây dựng, nhìn những cánh đồng mênh mông một màu xanh lúa chín, nhìn mây trắng đang nhởn nhơ bay trên nền trời xanh bao la, mỉm cười…
Tiếng nổ mà bọn địch mong đợi nghe thấy ấy, chỉ nổ ra sau này ở miền Nam vào bất cứ chỗ nào có bọn xâm lược Mỹ…