Chương 15
Một vụ bắt cóc

Vứa đỗ xe trước cửa tiệm Liberty, Phan Thúc Định trông thấy một người từ xa yểu điệu bước lại. Cái dáng người thon mảnh với lối cầm “sắc” đung đưa trên tay ấy, anh không thể lẫn được. Vẫn như ngày nào cùng anh đi bên bờ sông Sen.
Anh mở cửa xe, đứng chờ. Chừng như cũng nhận ra anh, một nụ cười với hàm răng trắng bóng làm khuôn mặt Vân Anh tươi hẳn lên. Vân Anh bước nhanh về phía Định.
- Chào anh Định! Thật là một sự tình cờ quý hoá.
Đình đỡ lấy bàn tay mềm mại của Vân Anh.
- Vân Anh có khoẻ không? Bây giờ làm gì? Ở đâu?
- Anh trông em thì biết, em vẫn khoẻ. Còn làm gì ư? Làm nhiều thứ mà hoá ra không làm gì cả. Em chẳng muốn trói mình vào một công việc gì cố định, có thể làm mình mất tự do. Anh quên rằng em tốt nghiệp ở Cambridge về, mà Sài Gòn hiện nay đang sôi nổi phong trào đua nhau học tiếng Anh. Em thiếu gì việc làm. Còn anh?
Phan Thúc Định mỉm cười:
- Vẫn thế.
- Vẫn thế là thế nào?
Rồi Vân Anh trỏ vào Định:
- Không giấu em được đâu. Em biết bây giờ anh làm lớn rồi: “Cố vấn riêng của ngài tổng thống” cơ mà! Hay sợ em nhờ vả gì?
Định vẫn cười:
- Dù anh làm gì chăng nữa thì anh cũng vẫn là anh. Ý anh muốn nói thế. Anh sống vẫn chẳng khác gì hồi còn học ở bên Pháp cả. Hơn nữa, đối với em…
- Anh khéo bào chữa lắm. Bây giờ anh đi đâu thế?
Định chỉ vào tiệm Liberty:
- Nếu em vui lòng, xin mời em. Ở Sài Gòn này, ngoài giờ làm việc ra, anh chẳng còn thú vui nào khác nữa.
- À! Ông cố vấn trẻ tuổi, đẹp trai, bắt đầu ăn chơi rồi đấy! Thế mà anh nói anh vẫn thế… Nhưng xin lỗi, hỏi thực anh nhé: anh có “mèo” nào trong đó không? Em vào có phiền gì anh không?
Định nhún vai:
- Không sao cả.
Anh cũng bắt chước giọng đùa cợt của Vân Anh:
- Nếu mê cô nào trong đó, anh đã không dám mời em vào.
Hai người bước vào tiệm. Mấy cô gái nhảy trong tiệm quen mặt Định, thấy anh đi với một thiếu nữ lạ mặt, xinh đẹp vào, nghiêng đầu chào anh và mỉm cười tinh quái. Định nhìn một lượt khắp phòng, không thấy Thuý Hằng. Anh đưa Vân Anh vào một bàn trống.
Nhạc nổi lên một bài tăng-gô. Vân Anh nhìn Định:
- Anh còn nhớ không? Người Pháp rất thích tăng-gô. Em nhớ lại những ngày còn ở Pháp, nhớ lại cái bài hát trữ tình: “Bài tăng-gô đẹp nhất trong đời tôi”.
Định đứng dậy:
- Xin mời em. Đúng vậy… “Bài tăng-gô đẹp nhất trong đời tôi” là bài tăng-gô...” (Anh nhắc lại câu đầu bài hát đó bằng tiếng Pháp).
Vân Anh đưa tay ra cho Định. Trong tiếng nhạc ảo huyền, Vân Anh hất hàm về phía mấy tên Mỹ, đang đi những bước nặng nề trên sàn nhảy.
- Bọn kia chắc chỉ thích Suynh, Hu-la-húp. Một bọn người vô văn hoá, điên loạn, hợm hĩnh.
Định lắc đầu tỏ vẻ không đồng ý:
- Họ giàu và mạnh nhất thế giới. Họ đang giúp chúng ta.
Vân Anh hơi ngạc nhiên:
- Sao anh không cộng tác với họ?
Định vẫn bước những bước nhẹ nhàng, ung dung.
- Anh phụng sự Ngô tổng thống. Tổng thống, người rất sáng suốt, sẽ chỉ cho chúng ta nên đi theo con đường nào.
Định phản công lại ngay:
- Em có nhận được tin gì của Lê Mậu Thành không?
- Từ ngày ra gặp anh ấy đến nay, em không nhận được tin gì của ảnh cả.
- Nếu Thành không về, cứ đi theo Việt Cộng?
Vân Anh cũng tỏ ra không vừa:
- Anh Thành không phải chỉ là người yêu của em mà còn là “người bạn cũ bên núi Ngự Bình” của anh nữa.
Nét mặt Định không thay đổi:
- Mọi việc đều khác trước rồi. Bây giờ chống Cộng là quốc sách.
Vân Anh đánh trống lảng:
- Trời ơi! Anh trở thành một chính khách thực sự rồi.
- Anh chỉ làm mọi việc để trả thù nhà. Ba anh cũng bị chết như ba em. Phụng sự tổng thống là con đường để anh vừa trả thù nhà, vừa đền được nợ nước.
Rồi anh nhìn vào cặp mắt có hàng mi dày và cong của Vân Anh:
- Bên cạnh em, anh không là chính khách, không là gì cả…
Hàng mi dày và cong ấy chớp chớp, cúi xuống:
- Em thèm được là nam giới như các anh để có thể làm được nhiều việc, để có thể đi theo… anh. Là phụ nữ, em yếu đuối quá, bất lực quá. Ba mẹ không còn. Chú em còn phải lo nhiều đến gia đình và bước đường công danh. Có người yêu thì người ấy đi theo con đường khác rồi, chẳng còn mong khôi phục lại những tình cảm như xưa nữa. Anh xem, em còn biết dựa vào ai nữa, giữa cuộc đời đầy bão táp này? Nhiều khi, em cảm thấy cô đơn quá, buồn tủi quá. Trong khi đó, thời gian cứ đi, lạnh lùng, tàn nhẫn. Thời gian cứ đi và nỗi cô đơn buồn tủi càng tăng lên… Em sẽ sống ra sao đây?…
Vân Anh thở dài. Những lời nói nho nhỏ của Vân Anh thoáng chốc như một bàn tay nhè nhẹ, len lét bóp dần trái tim Phan Thúc Định. Một mùi nước hoa kiêu kì từ mái tóc uốn chải rất khéo của Vân Anh thoang thoảng bay vào khứu giác anh. Điệu nhạc huyền ảo…
Đầu óc Phan Thúc Định rối bời. Vân Anh là người như thế nào? Cuộc gặp gỡ hôm nay có phải là vô tình không? Cô ta có còn liên hệ gì đến Lê Mậu Thành không? Những lời tâm sự của cô ta là thực hay là giả? Con người cô ta thực ở chỗ nào, giả ở chỗ nào? Không có lẽ những lời tâm sự ấy là giả dối ở một người đẹp và trong một hoàn cảnh đáng thương như vậy.
Tiếng Vân Anh vẫn nho nhỏ chen lẫn trong tiếng nhạc ảo huyền:
- Nhớ lại mới ngày nào anh và em còn ở xóm Latinh nhỉ. Em thấy cứ y như mới hôm qua vậy. Giá hồi ấy em chưa yêu anh Thành, chưa đặt hết hi vọng những dự định tương lai vào anh ấy! Thế mà chóng thực, đã mấy năm qua rồi! Bao nhiêu thay đổi đã diễn ra, bao nhiêu con người cũng đã đổi thay. Còn em, vẫn dở dang thế thôi.
Nhiều lúc em muốn đùa vui cho quên mọi chuyện đi mà cũng không thể nào quên được. Hình như đời em chỉ là những tan vỡ, những dở dang, những buồn tủi nối tiếp nhau… Thỉnh thoảng, em muốn gặp anh lại như những ngày nào, kể nhiều chuyện cho anh nghe. Có một người để tâm sự, em hi vọng nỗi buồn sẽ vơi bớt nhiều…
Bàn tay vô hình nào đó lại nhè nhẹ bóp chặt thêm trái tim Phan Thúc Định. “Thực hay là giả đây? Vân Anh là một cô gái diễm kiều, có học thức, mang một tâm sự u buồn, một tình yêu chung thuỷ nhưng dở dang đáng thương hay là một con người nào khác? Vân Anh đang cô đơn cần một chỗ dựa, cần một tình cảm để sưởi ấm cuộc đời giá lạnh của mình hay đằng sau cô ta đang có một thế lực nào khác? Nếu có sự giả dối nấp bên trong vẻ kiều diễm, duyên dáng nầy thì thực buồn và đáng sợ quá. Có lẽ nào. Không. Có lẽ nào… Nhưng…”.
- Tại sao anh không kể chuyện về anh cho em nghe nhỉ? – Cặp lông mi dày và cong ngước lên nhìn Phan Thúc Định nũng nịu. – Anh tham lắm, anh chỉ nghe chuyện em thôi mà chẳng nói gì về anh cả.
Phan Thúc Định như chợt tỉnh. Trái tim anh trở lại nhịp đập bình thường:
- Chuyện đời anh đơn giản lắm. Đi học, tốt nghiệp xong về nước đi làm, chẳng có gì đáng kể cả.
Tiếng nhạc dứt. Ánh đèn bật sáng. Phan Thúc Định đưa Vân Anh trở lại bàn. Vân Anh vẫn nhìn anh, giữ nguyên vẻ nũng nịu, hờn dỗi:
- Một cuộc đời khi ở Pháp, khi ở Mỹ, khi về Việt Nam, một cuộc đời từ anh sinh viên nghèo, chiếm được sự tin cẩn đặc biệt của Ngô tổng thống, lên đến cố vấn riêng của tổng thống mà anh bảo là đơn giản. Em chẳng tin…
Phan Thúc Định nhún vai, thản nhiên:
- Rất đơn giản vì anh đi đâu, làm gì cũng là theo lệnh của cụ Ngô mà thôi.
Thấy vẻ thất vọng hiện trên khoé mắt Vân Anh, Phan Thúc Định mỉm cười, thân mật:
- Trong những người quen cũ, anh chẳng bao giờ quên em cả. Anh rất quý mến em, rất muốn gặp em luôn. Bất cứ lúc nào, em cần gì, em cứ cho anh biết.

°

° °

Lúc Phan Thúc Định và Vân Anh ra về thì trời đã khuya. Định bảo Vân Anh:

- Anh đưa em về.
- Em ở một căn phòng nhỏ ở Khánh Hội.
Chiếc xe con của anh lăn bánh. Anh không ngờ một chiếc xe Xi-tro-en đen cỡ 15 mã lực cũng lăn bánh bám sát xe anh. Trước khung kính xe anh, thấp thoáng xe tắc xi, xe nhà binh, xe gắn máy, ánh đèn nê-ông… vùn vụt chạy vế hai bên.
Xe anh rời những phố đông,đến một quãng phố vắng. Chiếc xe Xi-tro-en phía sau vượt lên ngang xe anh. Từ trong xe, có một tiếng hô vọng sang xe anh như ra lệnh: “Đứng lại!”. Chiếc Xi-tro-en đã vượt lên trước và làm xe anh đỗ lại.
Vân Anh níu lấy tay Định, hoảng hốt:
- Cái gì thế anh?
Định hãm phanh xe:
- Anh cũng không biết. Nhưng em cứ bình tĩnh.
Cánh cửa xe Xi-tro-en như đã mở sẵn. Một người mặc áo bà ba đen, đội chiếc mũ phớt sụp xuống sát lông mày, nhảy ra. Người ấy đến bên xe của Phan Thúc Định, mở cửa xe của anh, lễ phép:
- Chào anh… à cả chị nữa. Không ngờ có cả chị nữa. Chị gì nhỉ, xin lỗi chúng tôi chưa được biết.
Vân Anh nghiêm nét mặt:
- Tôi không có hân hạnh được biết ông.
Người lạ mặt mỉm cười:
- Cũng chẳng sao. Việc này không dính dáng gì đến chị. Nhưng dù sao sự có mặt chị ở đãy cũng phiền quá. Xin mời anh chị xuống xe, tôi nói chuyện một chút.
Phan Thúc Định lắc đầu:
- Rất tiếc là tôi cũng chưa được biết ông là ai? Tôi thấy chẳng cần xuống xe làm gì. Ông muốn hỏi gì xin cứ hỏi, tôi sẵn sàng trả lời ngay đây.
Người lạ mặt không cười nữa, ló ra một khẩu súng ngắn chĩa vào Định:
- Có việc cần mớ phải nói chuyện với anh. Xin mời anh chị xuống và xin báo trước rằng: chỉ cần một tiếng kêu, một cử chỉ kháng cự nhỏ của anh chị là tôi nổ súng ngay.
Định hơi cau mày. Anh quay sang Vân Anh:
- Chúng ta xuống xem “ông bạn” hỏi gì.
Anh thong thả bước ra khỏi xe và coi như không có gì xảy ra, đưa tay đỡ Vân Anh ra theo. Trong khi đó, mắt anh liếc nhanh quan sát chiếc xe Xi-tro-en phía trước. Qua khung cửa khoang sau của chiếc Xi-tro-en, anh thoáng thấy một người đàn ông lạ mặt thứ hai đang nhìn ra và cũng lấp ló một nòng súng ngắn chĩa về phía anh. “Tình hình bất lợi. Lại còn Vân Anh nữa. Thế này là thế nào?”. Một ý nghĩ thoáng chạy qua óc Định.
Người lạ mặt đã đóng sập ngay cửa xe Định lại, hất hàm về phía trước:
- Xin mời anh chị lên xe trước.
Định nhìn trước, nhìn sau: nòng hai khẩu súng ngắn chĩa về phía mình, chặc lưỡi:
- Thì ra là một vụ bắt cóc.
Bàn tay Vân Anh nắm chặt lấy tay anh. Anh nắm lấy bàn tay đó kéo sát về phía mình.
Cánh cửa sau chiếc Xi-tro-en mở rộng. Người đàn ông trên xe đó cũng bước ra khỏi xe. Người thứ hai này không đội mũ, mặt sơ mi cộc tay trắng bỏ ngoài chiếc quẫn xám, lạnh lùng hất miệng súng, ra hiệu cho Phan Thúc Định và Vân Anh lên xe. Trên xe còn một gã lái xe nữa, không ngoảnh đầu lại, tay để sẵn ở vòng lái.
Tiếng máy xe vẫn nổ đều đều. Khi Định và Vân Anh bước lên xe rồi thì người mặc áo sơ mi trắng chui vào khoang sau đóng sập cửa lại, ngồi cùng với hai người, tay vẫn lăm lăm khẩu súng ngắn. Người mặc áo bà ba đen mở cửa khoang trước, lên ngồi cạnh gã lái, nhưng quay mặt hẳn về phía sau, có ý giám sát hai người. Chiếc xe chạy ngay, quanh co mấy phố rồi hướng về phía ngoại thành.
Chiếc xe đỗ trước một ngôi nhà hai tầng, kiểu biệt thự, có cổng sắt. Người mặc bà ba xuống trước, mở cổng ngôi nhà, rồi đứng sang một bên. Lúc ấy, người mặc sơ mi trắng mới cất tiếng ra lệnh cho gã lái xe:
- Anh ở lại xe trông chị này… (và người ấy quay sang Phan Thúc Định) còn anh, mời anh vào trong nhà, ta nói chuyện với nhau.
Bàn tay Vân Anh muốn níu Định lại. Anh ngần ngừ một chút, từ từ rút tay khỏi bàn tay Vân Anh, bước ra khỏi xe.
Theo sự ra hiệu của người mặc áo sơ mi trắng, anh bước vào một căn buồng đèn sáng, có kê một cái tủ lạnh, một cái bàn dài, hai bên mỗi bên có bốn chiếc ghế dựa như chỗ để ngồi họp. Lúc này, dưới ánh đèn sáng, anh mới nhìn rõ mặt người mặt áo sơ mi trắng. Đó là một người đàn ông đã bốn mươi tuổi, mặt vuông, lông mày rậm, cái nhìn xoi mói. Người ấy chỉ một chiếc ghế mời anh ngồi và kéo ghế ngồi đối diện anh, giọng dịu dàng:
- Xin lỗi đồng chí Định nhé. Vừa rồi phải làm thế để mời đồng chí đến đây vì phải che mắt cô gái cùng đi với đồng chí vừa rồi, và cũng vì không hiểu tại sao quyết định của cấp trên mời đồng chí ra báo cáo công tác, gởi cho đồng chí qua đường dây từ tuần trước mà không thấy đồng chí ra. Đồng chí có nhận được quyết định ấy không? Đồng chí vẫn nhận được liên lạc thường xuyên đấy chứ?
Phan Thúc Định không trả lời, chăm chú nhìn người lạ mặt. Người lạ mặt cười để lộ hàm răng ám đen khói thuốc lá.
- Đồng chí không nhận được ra tôi đâu, vì tôi chuyển về cơ quan sau khi đồng chí đã vào nội thành rồi.
Thấy Phan Thúc Định vẫn ngồi im, người lạ mặt không cười nữa:
- Đồng chí vẫn nhận được liên lạc thường xuyên đấy chứ? Tại sao đồng chí không trả lời tôi? Tôi hỏi vậy vì tổ chức yêu cầu đồng chí cho biết: tại sao gần đây những báo cáo của đồng chí gửi về chậm và ít hơn trước?
Định thản nhiên:
- Các ông nhầm rồi. Tôi không phải là người các ông định gặp đâu. Tổ chức nào và báo cáo nào? Tôi chẳng hiểu ông nói gì cả.
Người lạ mặt lấy ra một tờ giấy, đặt trên bàn trước mặt Định
- Đồng chí cẩn thận thế là phải. Đây, đồng chí đọc chứng minh thư của tôi thì đồng chí sẽ biết. Đồng chí hãy an tâm, nhà này là một trong những cơ sở bí mật của chúng ta ở nội thành.
Phan Thúc Định không nhìn vào tờ giấy, cương quyết:
- Tôi đã nói: các ông nhầm rồi. Các ông hãy để tôi ra khỏi đây. Nếu không, các ông sẽ không tránh khỏi phải trả lời trước Tổng nha cảnh sát và công an về việc này. Thì ra các ông ở trong một tổ chức bí mật chống lại chính quyền quốc gia. Các ông có biết hoạt động chống lại chính quyền quốc gia sẽ bị xử thế nào không?
Người lạ mặt đổi giọng, đanh thép:
- Anh không được nói năng như vậy. Anh nên nhớ rằng: tôi thay mặt tổ chức đến đây nói chuyện với anh. Tôi buộc anh phải trả lời những câu hỏi của tôi để kiểm tra toàn bộ hoạt động của anh gần đây. Hay anh đã đầu hàng bọn Mỹ nguỵ rồi? Có phải đồng đôla và cuộc sống ăn chơi sung sướng đã làm anh quên cả nhân dân, quên cả Tổ quốc rồi không?
Phan Thúc Định thẳng thắn trả lời:
- Tôi cấm anh không được dùng những lời lẽ vô lễ như vậy đối với Hoa Kỳ và chính quyền quốc gia. Ai đã bắn chết ba tôi? Ai đã làm cơ nghiệp nhà tôi tan nát? Nếu anh muốn biết báo cáo tôi gửi đâu thì tôi có thể trả lời thẳng cho anh biết: tôi gởi lên Ngô tổng thống.
Người lạ mặt cười gằn:
- À, anh đã công khai thú nhận sự phản bội của anh rồi đấy nhé. Anh đã phụ lại lòng tin của các đồng chí đối với anh. Anh có biết tội phản bội là tử hình không? Tôi cho phép anh mấy phút suy nghĩ. Anh hãy lấy lại lòng tin của tổ chức đối với anh bằng cách nói rõ thêm những việc anh làm gần đây, ngoài những điều anh đã viết trong báo cáo gửi về chúng tôi.
Phan Thúc Định nhìn thẳng vào cặp mắt xoi mói của người lạ mặt:
- Chống lại chính nghĩa quốc gia, chống lại Ngô tổng thống mới là tội tử hình, luật 10-59 không dung thứ cho bất cứ ai. Nhưng mặt khác, Ngô tổng thống và chính quyền quốc gia bao giờ cũng khoan hồng với những người hồi chánh. Tôi thành thực khuyên anh ra đầu thú đi.
Người lạ mặt dịu giọng, kiên nhẫn:
- Thôi, anh đừng đóng kịch nữa. Chúng ta với nhau cả. Cái vỏ trung thành với Ngô tổng thống ấy, anh hãy để ra khỏi đây, về đến dinh tổng thống hãy khoác vào. Bây giờ, tổ chức chỉ yêu cầu anh báo cáo lí do tại sao báo cáo anh gửi ít hơn trước, nhiều chỗ chưa rõ ràng và thậm chí nhiều việc anh làm anh cũng không báo cáo. Chúng ta là đồng chí với nhau, tôi chỉ muốn giúp anh, hứa sẽ phản ảnh trung thành những điều anh nói, sẽ bảo vệ anh. Nếu anh có ý gì giấu tổ chức, tôi buộc lòng phải chấp hành lệnh tổ chức xử tử anh. Lúc ấy, anh đừng oán tôi.
Nòng súng của người lạ mặt lăm lăm chĩa về phía Định. Định cũng không nhìn đến cái họng súng đó, dõng dạc:
- Các anh hãy ra đầu thú đi. Các anh không thể chống lại chính quyền quốc gia được đâu. Đừng làm cái việc châu chấu đá xe ấy. Các anh sẽ đưa đầu vào máy chém hoặc gửi xác ở Côn Sơn. Tôi cũng thành thực khuyên các anh chỉ có con đường sống là về phụng sự chính nghĩa quốc gia, phụng sự Ngô tổng thống. Các anh sẽ được trọng dụng.
Người lạ mặt đập bàn:
- Câm ngay. Đồ phản bội! Mày lại định tuyên truyền cả tao nữa à? Tao sẽ giết mày như giết một con chó. Giơ tay lên. Tao đếm từ một đến ba. Từ một đến ba là khoảng thời gian để mày suy nghĩ và trả lời. Quay mặt vào tường ngay.
Phan Thúc Định từ từ giơ tay và quay mặt ra phía sau:
- Tao sẵn sàng chết vì Ngô tổng thống. Đừng hòng tao nói điều gì.
Tiếng người lạ mặt đằng sau lạnh lùng:
- Một…
Phan Thúc Định không nhúc nhích.
Tiếng đếm đằng sau anh ghê rợn như tiếng cồng ở pháp trường.
- Hai…
Bỗng, nhanh như chớp, Phan Thúc Định đã cúi rạp xuống, chiếc bàn bị hất đổ về phía người lạ mặt đánh rầm, suýt đè ngang lên nửa người gã. Gã hoảng hốt nhảy tránh vội về phía sau. Chưa kịp định thần thì gã đã thấy Định ở ngay sát cạnh và khẩu súng ngắn bị văng khỏi tay. Cổ tay cầm súng của gã đau nhói tưởng chừng gãy xương. Gã hét lên một tiếng, nhảy bổ ra cửa bỏ chạy. Khẩu súng đã ở trong tay Định. Anh chĩa nòng lên trời bấm cò. Tiếng súng nổ inh tai. Người mặc bà ba đen gác cửa cũng hoảng hốt chạy vội theo người mặc áo sơ mi trắng.
Phan Thúc Định chạy ra đến cửa đã thấy hai gã nhảy vào chiếc Xi-tro-en. Chiếc xe vọt lên, lao bắn đi. Vẳng từ trong xe ra một tiếng kêu thét của Vân Anh bị tắt ngấm nửa chừng. Biển số xe nhìn không rõ.
Phan Thúc Định nhìn kĩ lại gian nhà. Anh bước ra chỗ sáng ngắm khẩu súng ngắn của người lạ mặt trên tay: khẩu súng mới toanh mang nhãn hiệu Mỹ. Một nụ cười thoáng trên môi anh. Anh chạy vội ra đón một cái tắc xi, đến một đồn cảnh sát gần nhất.