Chương 10
“Phương án Việt Mỹ I”

Sài Gòn lại một phen nhốn nháo, hỗn loạn.
Những chiếc xe bọc sắt, xe GMC chở đầy lính nguỵ thuộc đủ mọi binh chủng, quần áo dã chiến, “võ trang tận răng”, ầm ầm di chuyển trên các phố. Cần ăng-ten trên xe bọc sắt rung lên bên cạnh nòng những đại bác, đại liên lăm lăm chỉ chực nhả đạn. Bọn lính ngồi trên đoàn xe này nhìn bọn ngồi trên đoàn xe kia, giữa đơn vị này nhìn đơn vị kia, giữa binh chủng này nhìn binh chủng kia, tất cả gờm gờm như đề phòng lẫn nhau. Chúng di chuyển đi đâu, làm gì? Không ai biết! Ai ra lệnh cho chúng? Không ai biết! Chúng cũng không cần đặt ra những câu hỏi ấy vì từ khi khoác quần áo lính nguỵ, người ta đã biến chúng thành người máy chỉ biết phục tùng và bắn giết để tháng tháng được lĩnh một số lương ít ỏi và đẫm máu. Chúng đi và bắn vào bất cứ ai, kề cả họ hàng thân thích chúng, nếu kẻ trả lương chúng ra lệnh.
Thỉnh thoảng có một đoàn xe vận tải, vải bạt che kín mít, ầm ầm chạy ra ngoại thành. Đoàn xe chở gì? Đi đâu? Cũng không ai biết.
Có những đoàn người lạ mặt, bí mật vào các đồn cảnh sát, vào “Nha Tổng giám đốc Cảnh sát và Công an”. Lực lượng cảnh sát và công an nguỵ quanh khu Sài Gòn-Chợ Lớn tăng lên rất nhanh, trong đó có nhiều tên mới xuất hiện lần đầu, vũ khí kè kè toả ra các ngả đường. Các trụ sở Cảnh sát quận thấy xuất hiện cả trung liên, đại liên và súng cối. Những vũ khí ấy ở đâu ra? Chúng định làm gì? Cũng không ai biết.
Bởi vì Sài Gòn hồi này hầu như vô chủ. Hay nói đúng hơn đang có cuộc thay đổi chủ. Giữa bọn tay sai Pháp và bọn tay sai Mỹ diễn ra cuộc tranh ăn quyết liệt. Đằng sau chúng, bọn thực dân mới và bọn thực dân cũ giấu mặt đấu nhau. Đài phát thanh Sài Gòn uốn lưỡi ca ngợi Ngô thủ tướng “bao năm lê gót nơi quê người”… còn đài phát thanh riêng của quân đội nguỵ lại bóng gió đả kích Ngô Đình Diệm âm mưu chia rẽ quốc gia, thủ tiêu tự do dân chủ.
Tướng li khai Hoà Hảo Lê Quang Vinh (tức Ba Cụt) đem bốn nghìn quân cuồng tín phong toả Sài Gòn. Bên kia cầu chữ Y đài phát thanh của Bình Xuyên cả ngày chửi rủa Ngô Đình Diệm và thôi thúc nhân dân tản cư ra khỏi Sài Gòn. Các cửa tiệm đóng cửa. Một tiếng nổ to làm người ta giật mình, hốt hoảng. Giá thực phẩm, lương thực lên vùn vụt. Ai có việc gì cần thiết ra đường đều vội vã, mắt sau, mắt trước. Thỉnh thoảng vài chiếc máy bay bay thấp gầm rú trên bầu trời Sài Gòn. Một chiếc xe díp không mang biển số, gắn loa phóng thanh, chạy trên các đường phố vừa rải truyền đơn vừa kêu gọi “triệt để ủng hộ Ngô thủ tướng”. Nó bị cảnh sát của Lại Hữu Sang – người của Bình Xuyên – bắt giữ.
Báo chí Sài Gòn đã nhao nhao nói đến chuyện Mỹ có thể “thay ngựa giữa dòng”. Có tin đồn đại sứ Mỹ Cô-lin cũng muốn thay Diệm.
Sài Gòn như nằm trên một kho thuốc súng, có thể nổ tung bất cứ lúc nào.
Dinh Gia Long của Ngô Đình Diệm có lúc hầu như bị cô lập hoàn toàn. Chỉ có bọn lính trong tiểu đoàn đặc biệt do tên đại tá Phi Luật Tân Na-pô-lê-ông Va-lê-ri-a-nô và ba tên sĩ quan Phi Luật Tân khác tổ chức, huấn luyện, trực tiếp chỉ huy là ở lại với Diệm.
Những tên lính khác rời bỏ dinh Gia Long. Diệm ngồi lì trong dinh. Cạnh Diêm, Ngô Đình Nhu rít thuốc lá liên tục bàn mưu, tính kế, bài binh bố trận. Hắn luôn luôn quay điện thoại liên lạc với các tướng lĩnh trong quân đội nguỵ mà hắn nắm được, các thủ lĩnh quân sự các giáo phái mà hắn mua được bằng tiền của Mỹ. Bọn này do sự nhạy bén của kinh nghiệm làm tay sai, biết rằng chủ Pháp đã hết thời trên đất Việt Nam nên chạy theo chủ mới qua quyền điều khiển của anh em Diệm – Nhu. Hơn nữa, ông chủ mới này trong túi loảng xoảng những đồng tiền vàng chạm nhau.
Có hai người nữa thường xuyên ở bên cạnh Ngô Đình Diệm: đại tá tình báo Mỹ Lên-sđên và… Phan Thúc Định. Ngô Đình Diệm đứng được trong lúc gay go này là nhờ ở sự ủng hộ của tên đại tá tình báo Mỹ cáo già. Hắn muốn dựng cốt, phết hồ, dán giấy cho một tên Mắc-say-say nữa ở Việt Nam như hắn đã làm ở Phi Luật Tân.
Tối nay, tại dinh Gia Long, Ngô Đình Diệm triệu tập một cuộc họp khẩn cấp, bí mật. Buổi họp có tính chất quyết định chỗ đứng của anh em họ Ngô, quyết định những biện pháp của anh em họ Ngô đối với các lực lượng chống đối.
Lúc Phan Thúc Định bước vào phòng làm việc riêng thì thấy hai anh em họ Ngô đang đọc mấy tờ giấy, nét mặt rất bực tức. Diệm chỉ mấy tờ giấy nói với Phan Thúc Định:
- Cháu xem, bọn chúng định dùng sức ép với bác. Đây là thư từ chức của bốn nhân viên Cao Đài trong nội các. Đây là thư từ chức của bốn nhân viên Hoà Hảo cũng có chân trong nội các. Bác đã dành cho chúng tám ghế trong nội các, để cho Trần Văn Soái cả chức quốc vụ khanh kiêm uỷ viên quốc phòng trong quân đội, để cho bọn Bình Xuyên nắm công an, cảnh sát mà chúng vẫn chưa thoả mãn. Sáng nay, tên Lại Hữu Sang đã công khai không phục tùng lệnh của thủ tướng. Còn tên Hộ pháp Phạm Công Tắc thì đánh điện cho Bảo Đại yêu cầu phải thay đổi nội các để “tránh cuộc đổ máu trong nội bộ những người quốc gia”. Chúng muốn gì? Chúng muốn lật ra. Chúng muốn nắm lấy tất cả mọi quyền hành. Nhưng chúng không biết rằng thời của chúng hết rồi. Người Mỹ nhất định sẽ không để cho người Pháp ở lại trên mảnh đất này. Người Mỹ sẽ quyết định chứ không phải là người Pháp! Chúng muốn nói đến chuyện đổ máu! Được! Bác sẽ cho chúng đổ máu. Bác chỉ còn đợi một ý kiến quyết định…
Hắn nhìn Phan Thúc Định trìu mến:
- Trong lúc khó khăn mới đánh giá được hết con người. Bác rất cảm động thấy trong lúc này, cháu vẫn luôn luôn ở bên cạnh bác. Cháu thực không phụ lòng tin của bác.
Phan Thúc Định hơi cúi đầu:
- Con vẫn nghĩ rằng: Chỉ theo cụ lớn mới có thể trả được thù và mới có thể làm nên sự nghiệp, giúp ích cho đất nước.
- Bác cảm ơn tấm lòng trung thành của cháu. Ngoài những người trong gia đình bác ra, bác chỉ còn mấy người thân cận như cháu.
Lên-sđên và Phi-sin bước vào. Diệm, Nhu niềm nở bắt tay và ân cần mời ngồi. Cuộc họp bắt đầu. Trước khi vào cuộc họp, Diệm quay sang hỏi Nhu:
- Chú có cần ra xem lại tình hình bọn lính canh gác ở ngoài cổng dinh không?
Nhu chưa kịp trả lời thì Lên-sđên đã gạt đi:
- Không cần! Theo chỗ tôi biết, bọn lính này là bọn rất trung thành với các ông. Đại tá Va-lê-ri-a-nô đã theo dõi thái độ từng thằng một. Bọn chống đối cũng không dám tấn công khi chúng tôi có mặt ở đây.
Hắn hỏi Ngô Đình Diệm:
- Sáng nay, tướng cao uỷ Pháp Ê-ly (40) đến gặp ngài thủ tướng phải không?
- Đúng. Tướng Ê-ly vừa từ Ba Lê đến Sài Gòn hôm qua. Sáng nay ông ta có đến hộ kiến với tôi. Ông ta có khuyên tôi nên thương thuyết với các lãnh tụ giáo phái để cứu vãn tình hình…
Lên-sđên ngắt lời Diệm:
- Xin lỗi ông, ông có thể nhắc lại nguyên văn lời ông ta nói không?
- Ông ta nói rằng: “Phải nhìn nhận tất cả rối rắm sẽ đưa lại một sự đổ vỡ tức thời. Phải tìm mọi cách để tránh hành động chiến tranh, những hành động sẽ đưa lại nhiều hậu quả không thể lường được và chỉ có lợi cho Việt Minh Cộng sản”. Để cứu vãn tình hình hiện nay, ông ta đề nghị tôi và các lãnh tụ giáo phái phải mở lại các cuộc thương thuyết ngay lập tức. Ông ta có ý khuyên tôi nhượng bộ.
Phi-sin mỉm cười với Lên-sđên, nhận xét:
- Người Pháp vẫn muốn quay lại.
Lên-sđên tiếp tục hỏi Diệm:
- Vậy ông đã trả lời như thế nào trước sự gợi ý đó?
- Tôi không nói rõ cho ông ta biết ý đồ cụ thể của tôi, bởi vì tôi phải đợi tham khảo ý kiến các ông. Tôi chỉ nói: tôi sẽ cứu xét tất cả các ý kiến và sẽ tiếp xúc với những nhân vật cần thiết. Chừng như ông Ê-ly không được hài lòng với câu trả lời của tôi nên ông ta lại lưu ý tôi cứu xét tình hình mau lẹ, nếu chậm sẽ dẫn đến một sự đổ vỡ mà tai hại không thể lường được.
Phi-sin lại có nhận xét:
- Người Pháp doạ ông đấy.
Ngô Đình Diệm trịnh trọng:
- Tình hình rất khẩn trương, không cho phép chúng ta chậm chạp, do dự. Tôi mời các ông đến để bàn cách giải quyết. Chúng ta hãy xem xét lại tình hình, những âm mưu và hoạt động của bọn chúng. Tôi đã uỷ cho anh Phan Thúc Định theo dõi tình hình hoạt động của bọn chúng. Anh Định đã làm tốt việc đó. Anh có thể trình bày tổng quát lại cho tôi và các vị đây cùng nghe.
Phan Thúc Định rút trong cặp da ra một tập hồ sơ. Qua Hai Pôn – con trai Bảy Viễn, qua tên thư ký riêng của Trần Văn Soái, Phan Thúc Định đã nhanh chóng tổ chức được những “nguồn” riêng trong hàng ngũ các giáo phái chống đối Ngô Đình Diệm, thu thập được khá nhiều tin tức. Khi Phan Thúc Định trình bày thì Lên-sđên cũng mở cái cặp da của hắn, rút một tập hồ sơ ra. Định hiểu ngay tên đại tá tình báo này muốn thẩm tra những tin tức anh trình bày có đúng với những tin tức của màng lưới tình báo Mỹ nắm được không. Anh liếc mắt nhanh nhìn tập hồ sơ của hắn, thấy có cả những chiếc ảnh chụp kèm theo. Anh biết rằng những hoạt động của các giáo phái chống Ngô Đình Diệm mà anh trình bày đây, ngoài anh nắm được ra, không những nó đã được cơ quan CIA theo dõi đầy đủ mà còn được những màng lưới riêng của Trần Kim Tuyến, của Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Thục tốn công, tốn của tìm hiểu nữa. Bởi vì những hoạt động ấy có ảnh hưởng tới sự sống còn của anh em họ Ngô. Bởi vì cả mấy thằng trùm tình báo Mỹ lẫn anh em họ Ngô cũng muốn nhân dịp này, im lặng đo sự thành thực của Phan Thúc Định đối với bọn chúng.
Phan Thúc Định nói:
- Bẩm cụ lớn, con vẫn hằng trình bày thường xuyên những tin tức con nắm được với cụ lớn. Hôm nay, con xin trình bày những nét tổng quát theo lời cụ lớn dạy với các vị đây…
Như các vị đã biết, việc cụ Ngô về nắm chính quyền, cựu hoàng Bảo Đại không bằng lòng một chút nào. Dưới sự thuyết phục của đại sứ Mỹ và không thể làm trái với lời khuyên bảo của chính phủ Pháp, Bảo Đại bắt buộc phải nhận để cụ Ngô tổ chức nội các. Nhưng ngay từ đầu, Bảo Đại đã ra điều kiện: trong nội các phải để từ tám đến mười hai ghế quan trọng cho những người thân Pháp, tay chân của ông ta. Ông ta muốn rằng dù đứng đầu nội các là cụ Ngô nhưng người của ông ta vẫn lũng đoạn nội các; nội các vẫn là một nội các hoàn toàn trung thành với ông ta. Sự việc diễn ra không đúng như ý ông ta muốn. Mới chỉ một vài tháng cầm quyền thôi, cụ Ngô đã chứng tỏ cho Bảo Đại biết cụ là người cương quyết có đường lối riêng của mình.
Bên ngoài, Bảo Đại phải im lặng. nhưng bên trong ông ta tìm mọi cách để lật cụ Ngô. Vào cuối tháng chín năm 1954, đã có một cuộc gặp gỡ giữa Bảo Đại và Bảy Viễn tại thị trấn Can-nơ trên đất Pháp. Trong cuộc gặp gỡ này, Bảo Đại phàn nàn với Viễn rằng cụ Ngô đã ra mặt chống ông ta bằng cách gạt những người thân cận của ông ta ra khỏi nội các. Bảo Đại hứa nếu Bảy Viễn lật được cụ Ngô, lập được chính phủ “Liên hiệp quốc gia” thì sẽ tấn phong Viễn làm thủ tướng.
Trở về Sài Gòn, Viễn hoạt động ráo riết vận động các lãnh tụ của hai giáo phái lớn có quân đội riêng của Cao Đài và Hoà Hảo, liên kết thành một lực lượng thống nhất, âm mưu lật đổ cụ Ngô. Cố vấn chính trị của Viễn là Lại Hữu Tài liên tiếp gặp Hộ pháp Phạm Công Tắc và tướng Trần Văn Soái, tướng Lê Quang Vinh. Ngoài ra, Bảy Viễn thường bí mật gặp tướng Nguyễn Văn Hinh. Sự hoạt động của Bảy Viễn và Lại Hữu Tài có sự khuyến khích nâng đỡ ngầm của Bảo Đại, Nguyễn Văn Hinh, đã dẫn tới việc thành lập một cái gọi là “Mặt trận Thống nhất toàn lực quốc gia” vào giữa tháng ba 1955 vừa qua.
Cái mặt trận này ra một thông cáo báo tin tám tổng trưởng, bộ trưởng Cao Đài, Hoà Hảo trong nội các từ chức để làm cho nội các do cụ Ngô lãnh đạo tan rã. Bản thông cáo này do Bình Xuyên thảo ra và cho phổ biến, chỉ lấy ý kiến của Phạm Công Tắc, Trần Văn Soái, Lê Quang Vinh. Một số tưởng lĩnh khác của Cao Đài, Hoà Hảo không được hỏi ý kiến trước. Vì thế, hai tướng Trịnh Minh Thế và Nguyễn Thành Phương của Cao Đài có chân trong nội các, đã phản đối kịch liệt và tuyên bố không từ chức, tỏ ý vẫn tiếp tục hợp tác với cụ Ngô.
Ngày 28 tháng 3, chủ tịch đoàn “Mặt trận thống nhất toàn lực quốc gia” do tướng Lê Văn Viễn triệu thỉnh, họp phiên đặc biệt. Dự phiên họp có tướng Lê Văn Viễn đại diện nhóm Bình Xuyên; Hộ pháp Phạm Công Tắc đại diện nhóm Cao Đài; tướng Trần Văn Soái đại diện nhóm Hoà Hảo; tướng Lâm Thành Nguyên đại diện tướng Hoà Hảo Lê Quang Vinh. Họ đã quyết định:
1) Yêu sách thủ tướng Ngô Đình Diệm phải thương nghị với “Mặt trận thống nhất toàn lực quốc gia”. Địa điểm họp phải do Mặt trận định, không đồng ý thương nghị tại dinh Gia Long vì sợ đại diện của Mặt trận bị bắt hoặc bị ám sát.
2) Khai trừ tướng Nguyễn Thành Phương của Cao Đài vì tướng Phương không chịu rút khỏi nội các của cụ Ngô. Giáo chủ Cao Đài cử tướng Lê Văn Tất thay thế tướng Phương làm đại diện quân đội Cao Đài trong Mặt trận. Tướng Trịnh Minh Thế của Cao Đài rút ra ngoài Mặt trận được ghi vào biên bản và cũng sẽ có chủ trương xử lí sau.
3) Bắt buộc các quốc vụ khanh, tổng bộ trưởng Cao Đài và Hoà Hảo phải từ chức, bất hợp tác với nội các của cụ Ngô, gây một sự rối loạn nghiêm trọng dẫn đến sự tan vỡ của nội các đó.
4) Cấp tốc chấn chỉnh lại các lực lượng võ trang của các giáo phái. Giao trách nhiệm cho Hoà Hảo phong toả kinh tế trong đô thành. Dùng lực lượng võ trang của ba giới phái nắm trong tay, có sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát, công an của Lại Hữu Sang, với sự ủng hộ ngầm của tướng Nguyễn Văn Hinh, cướp lấy chính quyền trong tay cụ Ngô, thành lập một nội các thân Pháp.
Các vị cũng đã biết: ngay sau đó một “Uỷ ban phong toả kinh tế đô thành” được thành lập do tướng Hoà Hảo Ba Cụt chỉ huy.
Quân Hoà Hảo đã chặn các đường vào Sài Gòn-Chợ Lớn. Tướng Lê Văn Viễn rút về phía bên kia cầu chữ Y, đặt đại bản doanh Bình Xuyên tại đó. Tướng Nguyễn Văn Hinh đã bí mật chuyển một số lớn vũ khí, đạn dược của quân đội Liên hiệp Pháp cho bọn Bình Xuyên từ Rừng Sác kéo về. Rất nhiều quân của Bình Xuyên đã được bí mật bổ sung vào các đơn vị cảnh sát thuộc quận 6, quận 7 và quận 8 ở Chợ Lớn. Trụ sở cảnh sát trung ương ở đại lộ Trần Hưng Đạo được tăng cường lên đến 3 tiểu đoàn. Họ đã chuẩn bị xong tất cả. Theo tin tức tôi được biết, chắc chắn ngày mai họ sẽ nổ súng…
Phan Thúc Định vừa trình bày, vừa quan sát thái độ của những người ngồi nghe. Mỗi lần nghe thấy nhắc đến những hành động, âm mưu chống đối mình, Ngô Đình Diệm không giấu nổi vẻ căm tức, bực bội. Bàn tay to bè, ngắn ngủn của hắn để trên bàn nắm chặt lại. Ngô Đình Nhu không tỏ thái độ gì, im lặng rít thuốc lá, mắt ngước lên trần nhà như đã có chủ định sẵn. Lên-sđên ra vẻ mải đọc tập hồ sơ riêng của hắn, nhưng Phan Thúc Định biết hắn đang theo dõi từng lời nói của anh. Phi-sin thỉnh thoảng gật đầu như chợt nảy ra một ý kiến gì đó qua lời trình bày của Phan Thúc Định. Khi Định trình bày xong. Phi-sin buông một câu:
- Bọn chúng quên rằng người Pháp đã thất bại rồi.
Lên-sđên không nói gì, đưa cho Ngô Đình Diệm và Phan Thúc Định xem mấy cái ảnh, vẻ tự đắc. Đó là ảnh cuộc gặp gỡ giữa Bảo Đại và Bảy Viễn ở Can-nơ, ảnh cuộc họp giữa Bảy Viễn và các tướng lãnh trùm giáo phái Cao Đài, Hoà Hảo, ảnh nhũng chiếc xe vận tải GMC bịt kín của quân đội Liên hiệp Pháp đi qua cầu chữ Y, ảnh một đồn cảnh sát ở Chợ Lớn đang bố trí chuẩn bị chiến đấu…
Tên trùm CIA muốn tỏ cho mọi người biết bọn CIA, chỗ nào cũng có mặt, những tin tức mà Phan Thúc Định vừa nói, bọn chúng cũng biết hết cả rồi và hơn nữa lại có tài liệu cụ thể rõ ràng bằng những bức ảnh chụp. Thái độ của Lên-sđên như ngầm nói: tất cả mọi việc đều không thể lọt qua được mắt CIA.
Trong khi Phan Thúc Định nhìn bức ảnh, đoán xem chúng được chụp bằng loại máy gì và người chụp đứng ở góc độ nào thì Ngô Đình Diệm trầm trồ:
- Tôi có cảm tưởng cả thế giới ở trong tay các ông.
Lên-sđên nhếch một nụ cười tự mãn. Ngô Đình Diệm quay về phía Nhu:
- Chú có ý kiến gì không?
Thường thường Nhu ít nói, nhưng khi hắn nói thì giọng hắn đanh lại, quỷ quái, thâm độc, tàn nhẫn như những ý nghĩ hắn vẫn nung nấu trong đầu:
-… Thưa thủ tướng và các vị. Theo ý tôi, chúng ta đã nhượng bộ nhiều rồi. Trước khi về nước chấp chính, trong cuộc gặp gỡ với Bảo Đại ở Pháp, thủ tướng đã thoả thuận với Bảo Đại để dành từ 8 đến 12 ghế tổng, bộ trưởng, thứ trưởng cho các phe phái ủng hộ hắn trong nội các của thủ tướng. Bởi vì lúc ấy chúng ta nghĩ rằng: chúng ta chỉ có một kẻ thù là Cộng sản; chúng ta chỉ có một nhiệm vụ là chống Cộng sản. Chúng ta có thể bắt tay và thoả hiệp bất cứ ai chống Cộng như chúng ta. Chúng ta nhượng bộ Bảo Đại và những người của hắn với mục đích làm cho công cuộc chống Cộng có hiệu lực, kết quả nhất, chớ không để đi đến chỗ thất bại như người Pháp đã làm.
(Lên-sđên và Phi-sin gật đầu tán thưởng).
Chứ đối với chúng ta, Bảo Đại có nghĩa lí gì. Một đứa con hoang được dựng lên làm vua, chẳng có quyền hành gì, thấy ai mạnh thì theo để tìm cách hưởng lạc. Đã đầu hàng Cộng sản năm 1 945 rồi lại quay sang theo Pháp. Cuộc đời của hắn chỉ có tiền và gái. Hắn còn đòi hỏi cái gì nữa, khi ta vẫn để nguyên cho hắn hưởng tiền và gái. Hắn và lũ người theo hắn không hiểu thiện chí của chúng ta, không như chúng ta: phục vụ sứ mệnh cao cả thiêng liêng mà Chúa đã trao cho chúng ta như một thiên mệnh, là chống Cộng và chăn dắt dân lành.
(Ngô Đình Diệm gật đầu hể hả).
Bây giờ mới bộc lộ rõ: họ chỉ mượn nhãn hiệu chống Cộng để kiếm ăn, để làm giàu, để đòi chia quyền hành. Đã đến lúc họ chỉ làm cản trở công việc chống Cộng của chúng ta. Nay, họ đòi hỏi chúng ta điều này; mai, họ đòi hỏi chúng ta điều khác. Họ không hiểu mình, hiểu người một chút nào. Họ tưởng với mười ngàn khẩu súng trong tay, họ có thể làm chúng ta phải khuất phục. Nhưng họ muốn là một việc, thực tế lại là một việc khác. Sẽ có nhiều cái bất ngờ xảy ra đối với họ và những cái bất ngờ ấy sẽ dẫn họ đến chỗ… chết. Tôi xin phân tích để thủ tướng và các vị thấy rõ.
(Càng nói, giọng Ngô Đình Nhu càng trở nên hùng hồn khi thấy thái độ Phi-sin và Lên-sđên tán thưởng, chăm chú theo dõi).
Đầu tiên. đúng như ngài giáo sư Phi-sin vừa có nhận xét mỉa mai về bọn họ: họ quên rằng người Pháp, chỗ dựa của bọn họ, đã bại trận rồi. Người Pháp khuyến khích ngầm họ, nhưng sẽ không dám công khai giúp đỡ họ. Lời tuyên bố của tướng Ê-ly là một chứng cớ. Ông ta muốn xoa dịu tình hình nhưng không dám nói một câu nào cụ thể ủng hộ Bảo Đại và những người của hắn. Các quan chức người Mỹ đã hứa hẹn với chúng ta chắc chắn người Pháp sẽ hoàn toàn rút khỏi Việt Nam. Người Pháp rút khỏi, sẽ không có chỗ đứng cho bọn họ.
Việc chống Cộng ở Việt Nam đã do người Mỹ chính thức giúp đỡ. Các quan chức Mỹ đã tỏ ý không muốn Bảo Đại và những người của hắn có mặt trong hàng ngũ những người chống Cộng mới và thực sự chống Cộng như chúng ta.
(Ngô Đình Nhu nhìn Lên-sđên và Phi-sin để xem phản ứng của hai tên này. Lên-sđên gật đầu. thêm vào: - Trước hết là cơ quan CIA chúng tôi hiểu rõ hơn ai hết sự bất lực của họ).
Thứ hai là: bề ngoài tuy họ có vẻ thống nhứt đứng sau Bảo Đại nhưng bên trong họ năm bè bảy mối. Trong quân đội, trừ tướng Nguyễn Văn Hinh và một số người thân cận của Hinh ra thì tuyệt đại đa số đã chán ghét người Pháp sau kì bại trận và phải rút khỏi miền Bắc. Tâm lí họ đang háo hức đón chờ người Mỹ, chờ đợi sự giúp đỡ giàu có của nước Mỹ. Họ đang ao ước được Mỹ hoá. Họ cũng biết người Mỹ chỉ ủng hộ thủ tướng Ngô Đình Diệm. Tôi có liên lạc với nhiều sĩ quan cao cấp trong quân đội. Họ không trung thành với tướng Hinh nữa, nhất là những sĩ quan trẻ. Họ đang muốn có sự thay đổi. Họ sẵn sàng chờ lệnh chúng ta. Họ sẵn sàng bày tỏ lòng trung thành với thủ tướng. Lính tráng thì ai chỉ huy cũng được, đánh ai cũng được, miễn là trả họ nhiều tiền. Họ cũng đang hi vọng người Mỹ trực tiếp viện trợ, họ sẽ được mặc quần áo đẹp, lương được tăng, có nhiều tàu bay và ô tô đi.
Về các giáo phái thì nhờ có sự giúp đỡ của ngài đại tá Lên- sđên đây, chúng ta đã “mua” được tướng Nguyễn Giác Ngộ của Hoà Hảo, tướng Nguyễn Thành Phương của Cao Đài… các tướng tá đó đã ra tuyên bố chống lại Phạm Công Tắc và Trần Văn Soái, trung thành với thủ tướng Ngô Đình Diệm. Nếu có nổ súng, họ sẽ đem quân bản bộ theo chúng ta đánh lại những thủ lĩnh của họ trước đây. Do đó ta thấy thực lực của Cao Đài, Hoà Hảo suy yếu nhiều. Còn Bình Xuyên thì là một bọn đầu trộm đuôi cướp ô hợp, lúc dựa dẫm vào nhau đắc thế thì hò hét nhặng xị, lúc một hai đứa bị đánh đau thì sẽ bỏ chạy như vịt.
Tóm lại, bọn họ cả về thế lẫn lực đều suy yếu, không có gì đe doạ nổi chúng ta.
Ngô Đình Diệm mỉm cười như đã nhìn thấy sự thất bại của bọn chống đối. Lên-sđên nghiêm trang hỏi Ngô Đình Nhu:
- Các ông cho biết kế hoạch hành động của các ông?
Nhà “chiến lược gia” kiêm “lí luận gia” của gia đình họ Ngô không cần mở một quyển sổ, một tờ giấy ra xem. Tất cả mọi kế hoạch như đã sắp sẵn trong đầu hắn. Hắn nói ngay, rành mạch từng điểm một, theo sự rõ ràng rành mạch của nghề thư mục cũ của hắn:
-… Tôi cho rằng muốn tập trung lực lượng để diệt trừ Cộng sản thì trước hết phải gạt bỏ hết những kẻ chống đối chúng ta ở miền Nam này. Quân đội cộng hoà và cảnh sát công an phải ở trong tay chúng ta, ở trong tay những người tuyệt đối trung thành với chúng ta. Lúc này, Việt Minh đã tập kết ra Bắc, là cơ hội tốt nhất để chúng ta rảnh tay thanh toán bọn chống đối. Tôi đề nghị:
1. Cải tổ lại quân đội cộng hoà và lực lượng cảnh sát công an. Cấp tốc bố trí những người trung thành với chúng ta vào các cấp chì huy. Sử dụng viện trợ trong việc “mua” các tướng cũ trong quân đội Liên hiệp Pháp. Mời thêm các cố vấn Hoa Kỳ thay thế cố vấn Pháp, tiến tới hoàn toàn nhờ chánh phủ Hoa Kỳ giúp đỡ việc tổ chức, huấn luyện, trang bị… Gạt Nguyễn Văn Hinh và những người của hắn ra khỏi bộ quốc phòng, gạt nhóm Bình Xuyên ra khỏi lực lượng cảnh sát, công an. Về việc gạt Nguyễn Vãn Hinh và nhờ chính phủ Hoa Kỳ giúp thêm cố vấn, tổ chức, huấn luyện, trang bị lại cho quân đội cộng hoà, lực lượng công an cảnh sát, chúng tôi nhờ đại tá Lên-sđên và giáo sư Phi-sin có mặt ở đây chuyển giùm ý kiến của chúng tôi tới đại tá Cô-lin và chánh phủ Hoa Kỳ.
2. Thanh toán lực lượng võ trang của các giáo phái, các đoàn thể chính trị đối lập bằng hai cách:
a. Thuyết phục các lãnh tụ đối lập đem lực lượng quân sự họ sáp nhập vào quân đội cộng hoà gọi là “quốc gia hoá” như trường hợp đối với tướng Trịnh Minh Thế và tướng Nguyễn Thành Phương. Trước mắt, thực hiện ngay việc phân tán năm nghìn quân Cao Đài của tướng Nguyễn Thành Phương và cũng làm như thế đối với quân Hoà Hảo của Nguyễn Giác Ngộ.
Tôi xin có ý kiến thêm: bọn này dù đã đầu hàng ta, chúng ta cũng không thể tin chúng, không thể nuôi ong tay áo để rồi có ngày chúng có thể hại ta. Quân thì chúng ta phân tán, tướng thì chúng ta cũng phải trị bằng… “một viên đạn đằng sau” – tất nhiên không phải là ngay bây giờ – để khỏi lo hậu hoạn. (Cả Ngô Đình Diệm, cả Lên-sđên và Phi-sin đều gật đầu).
b. Dùng võ trang đè bẹp ngay các cuộc nổi loạn chống đối hiện nay của các tướng Bảy Viễn, Năm Lửa và Ba Cụt. Ở miền Trung, thì quét sạch bọn Đại Việt. Chúng ta sẽ tiêu diệt chúng một cách không thương tiếc. Chúng ta sẽ nổ súng trước khi chúng hành động.
3. Phải sớm chấm dứt chế độ quốc trưởng với vai trò của Bảo Đại. Chỉ có một người lãnh đạo ở miền Nam này là Ngô thủ tướng, tiến tới một chế độ chính trị như ở Hoa Kỳ và thủ tướng Ngô Đình Diệm sẽ làm tổng thống. Phải xây dựng hậu thuẫn vững mạnh cho thủ tướng Ngô Đình Diệm ngay từ bây giờ.
Hiện nay, ảnh hưởng của Pháp còn khá mạnh trong các từng lớp thượng lưu và trung lưu, ảnh hưởng của Cộng sản còn mạnh trong các tầng lớp lao động. Truất phế Bảo Đại là một cách loại trừ ảnh hưởng của Pháp. Đồng thời, chúng ta gấp rút phát triển đảng Cần lao nhân vị và phong trào cần lao trong các giới, các ngành để thu hút quần chúng, loại trừ ảnh hưởng của Cộng sản.
Sau khi đã thanh toán các phe đối lập, củng cố vững vàng sự chấp chính của Ngô thủ tướng rồi chúng ta sẽ dốc toàn tâm, toàn lực vào tiêu diệt chủ nghĩa Cộng sản trên mảnh đất Việt Nam này…
Nghe Nhu nói đến đâu, các thớ thịt trên bộ mặt thiết bì, thô bỉ của Ngô Đình Diệm nở giãn ra đến đó. Lên-sđên và Phi-sin cúi xuống trao đổi nhỏ với nhau. Sau khi trao đổi, Lên-sđên nói với Diệm và Nhu:
- Chúng tôi tán thành ý kiến của ông cố vấn vừa trình bày. Kế hoạch hành động ông phác ra phù hợp với việc thực hiện kế hoạch của CIA chúng tôi đã thống nhất với ngài thủ tướng trước khi ngài về nước. Tại sao các ông chưa hành động cương quyết?
Ngô Đình Diệm nhìn hai tên Mỹ, chậm chạp vừa nói, vừa thăm dò:
- Chúng tôi còn đợi… thái độ của… người Hoa Kỳ. Không kể dư luận một số báo chí Mỹ gần đây, nhưng theo tin tức riêng và sứ quán của chúng tôi ở Hoa Thịnh Đốn cũng điện về cho biết, có thể các ông sắp sửa thôi ủng hộ tôi. Chúng tôi muốn được biết rõ điều đó!
Lên-sđên ngửa mặt lên cười lấp câu hỏi của Diệm:
- Chúng tôi đã nói với ông là ai cũng thấy Việt Nam cần có một người lãnh đạo… Ông vẫn là thủ tướng. Chứng tôi vẫn ủng hộ ông. Tôi xin nhắc lại: Chúng tôi vẫn ủng hộ ông. Riêng cá nhân tôi, tôi hoàn toàn ủng hộ ông ở cương vị hiện nay.
Ngô Đình Nhu phấn khởi cương quyết:
- Thế thì chúng tôi có thể hành động ngay được.
Lên-sđên trở lại thái độ nghiêm trang ngay:
- Tôi xin nói rõ thêm: để bảo đảm được sự ủng hộ của chính phủ Hoa Kỳ, các ông cần cam kết sẽ đè bẹp được hoàn toàn các lực lượng thân Pháp chống đối và phải dốc hết mọi cố gắng vào việc chống Cộng.
Không cần suy nghĩ, Ngô Đình Diệm gật đầu:
- Tôi xin cam kết thực hiện điều đó. Các ông đồng ý chứ?
- Tốt. Các ông coi tất cả những điều gì không phải chúng tôi nói với các ông đều là những tin đồn không căn cứ.
Ngô Đình Diệm nhìn hai tên Mỹ, trịnh trọng:
- Nếu các ông đã nhất trí, không có gì bàn thêm, cho phép tôi tuyên bố: phương án chính trị do ông cố vấn vừa trình bày được mệnh danh là “Phương án Việt Mỹ I” có hiệu lực từ giờ phút này…
Nhìn đồng hồ, hắn nói:
- Không giờ ba mươi lăm phút.
Hắn quay lại phía Ngô Đình Nhu:
- Chú ban lệnh phản công và ngay buổi sáng phải nổ súng, nổ hết cỡ. Tung hết lực lượng ra, không ngại gì nữa. Bảo viết sẵn cho tôi một bản hiệu triệu dân chúng, lời lẽ thật thống thiết vào.

°

° °

Gần sáng, từng đoàn xe thiết giáp rầm rộ từ trung tâm Sài Gòn theo đại lộ Trần Hưng Đạo tiến vào Chợ Lớn. Lính bộ được lịnh báo động lên xe cơ giới chuyển đi các ngả. Lính dù, quần áo loang lổ chẽn lấy người, hung hãn vác tiểu liên chặn các đường phố, vây các đồn cảnh sát; xe tăng xe bọc sắt lù lù chặn các ngã tư giao thông.

Chín giờ sáng, súng nổ dữ dội vào quân Bình Xuyên và các giáo phái.
Trong dinh Gia Long, Diệm xoa hai bàn tay vào nhau, hể hả.
Ở cơ quan kỹ thuật số 5 của phân bộ CIA Sài Gòn, tên đại tá Lên-sđên vừa chỉ thị cho Tô-ma theo dõi tình hình cuộc tranh chấp, vừa điện về cho tên trùm CIA A-len Đa-lớt:
“Diệm là người tuyệt đối trung thành với Mỹ, là người triệt để chống Cộng sản. Đề nghị ngài báo cáo lại với ngài ngoại trưởng Phô-stơ Đa-lớt giữ lại Diệm và huỷ bỏ bức điện vừa qua của ngài ngoại trưởng gửi đại sứ Cô-lin ở Sài Gòn tìm người thay thế Diệm”.
Hôm đó là ngày hai mươi tám tháng tư năm một ngàn chín trăm năm mươi lăm.