- 1 -
TRẬN ĐÒN

Nhà ông đồ Trình đang có việc. Từ sáng sớm, bà đồ đã lục đục dưới bếp đồ xôi, làm thịt gà. Mọi người lặng lẽ, trang nghiêm hơn lệ thường. Hình như trời không có gió, cả đến tàu chuối sau vườn cũng im phắc, không ưỡn lên reo mừng khi cu Liệu lò dò từ giường ra, mắt nhắm mắt mở tè vào gốc như mọi khi.
Thường nhà có cỗ thì con trẻ phải mừng. Nhưng Liệu ta lại buồn rười rượi. Hôm nay cụ đồ làm lễ khai tâm([i]) cho cậu út vừa tròn sáu tuổi. Sau bữa ăn, Liệu phải lên Hạnh Lâm trọ học. Xa anh Đích, anh Hích, lấy ai đánh khăng đánh đáo cùng. Và nhất là tối đến không còn được rúc vào tí mẹ hít hà mùi mồ hôi nồng nàn, ngầy ngậy. Bà đồ yêu cậu út nhất nhà. Ra ý phải xa con, bà cứ tần ngần, lẩm bẩm những câu chỉ mình nghe. Lúc xóc gạo, bà quên bỏ cả máy hạt muối. Chõ xôi nhạt hoét.
Khác với vợ con, ông đồ giữ vẻ nghiêm nghị. Những lời sai bảo phát ra uy nghi hơn lệ thường. Việc trọng, nghĩa cả, sang vai thằng bé sáu tuổi thì không thể nhu mì để nó quen thói con trẻ. Dứt khoát nó phải gánh cái sứ mạng mà ông mang vác cả đời chả xong: thành người đỗ đạt. Vậy nên mọi thứ cứ phải răm rắp. Cấm bàn lui. Ông căn dặn vợ nghiêm hơn mọi ngày, đừng để nước mắt làm mềm lòng thằng bé.
Mâm cỗ đã dọn lên. Ông đồ thắp hương, thành kính khấn. Đoạn, nhỏ nhẹ nhưng đủ nghiêm khắc, bảo Liệu: “Con khấn tiên sư, tổ sư đi?”.
- Tiên sư, tổ sư là gì ạ? - Cậu bé ngơ ngác.
Ông đồ chỉ vào bức tranh vẽ cụ già lùn tịt, răng vổ, mũ áo giống các cụ mặc khi tế ngoài đình làng.
Tiên sư, tổ sư đấy. Nhưng Liệu lại hỏi:
- Con khấn gì ạ?
- Con quên rồi à? - ông đồ gằn giọng, nhưng đã kịp dịu lại. - Con xin cụ cho học giỏi, đỗ đạt, sau ra làm quan.
Liệu “đọc” lầm rầm khiến ông đồ phải nhắc “to lên”“. Đến lượt anh cả Chước thì không phải nhắc nhở gì cả. Người thanh niên nổi tiếng thông minh ấy đi thi Hương từ năm mười ba tuổi, đã quá quen với nghi lễ. Lúc lâu sau, các thủ tục cũng xong, cả nhà ngồi vào mâm: ông đồ, bà đồ, anh Chước, chị Riêu, chị Tự. Liệu được ưu tiên gặm đùi gà. Rồi anh Chước lại gắp đầu cánh bỏ vào bát cậu út, nhỏ nhẹ: “ăn đi rồi còn bay xa”. Ông đồ cũng sẻ sang bát con cái đầu gà, thứ cậu út rất thích nhưng không mấy khi được ăn.
Đang cắm cúi gặm sồn sột, Liệu nhận thấy mọi người lặng lẽ quá. Mọi hôm ăn độn, lát khoai cõng dăm bảy hột cơm, mà chuyện rào rào. Mà bà đồ chỉ đưa đẩy vài đũa rồi chạy đâu đâu. Liệu mò xuống bếp, thấy mẹ đang ngồi cạnh ông đầu rau lạnh ngắt.
- Mẹ không ăn à? Con ăn hết thịt gà bây giờ.
- Con ăn hết đi. - Giọng bà đồ nghèn nghẹn.
- Mẹ sao thế? Sao mắt mẹ ướt?
Rơm ẩm nên lắm khói, mẹ cay mắt.
- Đun gì mà cay…
- Lên nhà kẻo bố mắng. Mẹ lên ngay đây.
Liệu ngồi vào mâm, rấm rứt ăn hết bát xôi dưới sự soi xét im lìm của bố. Giường bên, bà đồ ngồi gói tay nải, đút vào con khăng cho đứa trẻ đi xa.
- Mẹ để cái này vào. Nhưng chơi ít thôi. Con trai lớn rồi phải học chăm nhá.
Bà nói vậy rồi chạy vội ra đầu ngõ, giả bộ đi thăm người ốm. Giờ khắc thằng bé đi nặng nề lắm đối với bà.
- Nào! Đi! Đến Hạnh Lâm rảo hết một buổi, đi giờ là vừa.
Liệu sợ hãi nhìn quanh rồi co cẳng phóng ra cổng, bị anh Chước túm lại. Ông đồ Trình đã khoác tay nải, dứ dứ chiếc roi mây: “Mày có đi không thì bảo?”.
- Con không đi Hạnh Lâm. Con không đi học.
- Không đi này? Không ăn chữ Thánh hiền thì ân roi này…
Mỗi lần “không đi này” là một lần sợi mây vút lẳn vào đít. Chị Tự, chị Riêu cũng chạy đâu cả, chỉ còn anh Chước đứng ngó ra chỗ khác. Cuối cùng ông đồ cũng rong được Liệu ra ngõ. Trông thấy anh Hích, anh Đích và mấy đứa bạn ẵm em đứng nhìn, cậu bé đu chặt lên cánh cổng, lằn roi lại vút xuống. Cơn mưa đòn kéo dài qua mỗi lần níu kéo, mỗi roi là thúc thêm mươi bước xa nhà.
Hết búi tre, bụi duối là cánh đồng, cuộc phản kháng tạm thời ngưng lại. Đã trông thấy cây gạo, mái cong cong phủ Dầy thờ bà Chúa Liễu, những chỗ mọi ngày Liệu được rong chơi xa nhất. Ta còn có thể nhởn nhơ trốn tìm ở đây không? Có còn được rúc vào bệ thờ ẩm mốc đầy mạng nhện không?
Không còn được cụ từ hiền từ gọi ra cho lộc Thánh Mẫu nữa a? Và không có mẹ để nắn chân, nắn lưng cho ta nữa… Liệu ngồi phệt xuống bờ đầm không nói không rằng. Ông đồ cũng chẳng thèm thúc giục ra roi, bao nhiêu cáu giận dồn cả vào đôi tay nhấc bổng thằng bé lên.
“Ùm!”
Liệu luống cuống giữa bùn nước, cuống cuồng vì bị sặc. Cũng may là biết bơi nên không đến nỗi no bụng nước. Lóp ngóp vào được bờ, thì hào khí làm loạn tắt hẳn. Liệu cum cúp đi trên con đường thiên lý. Xung quanh, những bụi cứt lợn trăng trắng tỏa mùi ngai ngái. Đồng lúa đang vào đòng thơm ngào ngạt. Gần đến Hạnh Lâm thì cậu út đã quên hẳn, lại chuyện trò ríu ran. Không biết rằng đi sau, ông đồ đang thở phào đút cây roi vào đẫy. Thằng bé bướng nữa, chắc ông không còn lòng nào ra gan, đận về cũng chả thể kể hết với mẹ nó.
Và cậu út cũng không thể ngờ từ đây đến cuối cuộc đời sứ mạng của cậu là đèn sách. Đã có lúc tới tột đỉnh của danh vọng, làm Bộ trưởng, Phó Chủ tịch ủy ban Dân tộc giải phóng năm 1945, thì trước sau, chỉ có chữ nghĩa mới là trường đắc địa của cậu.
Năm 1907, lên sáu, cậu bé không thể ngờ mình sẽ là chứng nhân, can dự vào những sự kiện lớn nhất của đất nước trong bảy mươi năm nữa. Để sau này, khi kể lại và đánh giá chúng, Trần Huy Liệu có thể nói vui, nhưng lại đầy tự hào: “Tôi là con người của thế kỷ đây…”

[i] cho đi học Vỡ lòng