ưới lùm cây xanh điểm những bông hoa trắng chúm chím, tay cầm hai que gỗ nhỏ, cô bé vừa gõ nhịp vừa hát: Tao-u-ra chi-ni-mơ pu-đi-ny-a Ta-u-ra gin-nơ măn-bi-a. Tiếng hát điệp khúc trong trẻo như tiếng nhạc rừng vang vọng lại phía sau với giai điệu hối hả của dòng nước trong len lỏi qua những lớp đá cuội giữa lòng con suối cạn. Tiếng hát thiết tha, huyền diệu, tựa hồ cô bé đang thì thầm với chính mình, than thở về số phận riêng tư, trong tâm trạng hãi hùng khi nhìn thấy đàn Kănguru từ bên kia núi kéo sang với những đôi chân khẳng khiu, nhảy múa chập chờn trong ánh hoàng hôn mờ ảo, như thể trêu ghẹo đứa bé, đến nổi quên cả ăn. Ta-u-ra chi-ni-mơ pu-di-ny-a Ta-u-ra gin-nơ măn-bi-a. ( Hỡi đàn Kănguru từ bên kia núi sang. Hiện về giữa ánh hoàng hôn mờ ảo Sao chẳng chịu đứng yên Mà cứ giơ cẳng chân đùa dỡn? ) Rồi tiếng hát tắt dần vào không gian vắng lặng, còn lại chỉ là những âm thanh lanh lảnh vọng từ lùm cây đen thẫm sát cạnh hàng hiên, những âm thanh phát ra từ hai que gỗ gõ vào nhau kêu cốc cốc, khiến ta có cảm giác cô bé không còn ngồi đấy. Mọi người đang ngủ say trong ngôi nhà dài xây bằng gạch mộc, mái lợp tôn cuốn, hay trong chiếc lán phía bên kia đống củi có mái gác trên những cột gỗ đuôi chồn. Nhưng cô bé vẫn chưa đi ngủ. Nó vẫn ngồi đó - một cô bé bản xứ lên chín - thu minh trong bộ áo chàm bạc màu. Dưới màn sương mờ, nước da nó đen sạm, mái tóc hoe hoe, đôi mắt màu hạt dẻ với những nét tư lự hiện lên trong khóe mắt. Nó vừa gõ nhịp, vừa hát, đôi mắt mơ màng nhìn lên cánh đồng thoai thoải lòng chảo phủ bằng một lớp đất màu đỏ và sỏi quặng sắt, trải rộng trước mặt, đến tận rìa khu rừng Munga xanh thẳm in hình nổi trên nền trời xanh nhạt. Bầu không khí lặng ngắt. Những chiếc quạt gió cao ngất nghêu, vạch vào không gian im ắng những đường nét khắc nghiệt ; những chiếc cánh quạt đứng im lìm, mặc dù những mái tôn nơi nhà kho, chuồng ngựa và lò rèn đang run bắn lên trong cơn nắng bốc lửa. Trên cánh đồng, những lớp đá sỏi đang phơi mình trong nắng cháy, hắt lên những tia sáng lấp lánh tựa hồ chúng đang nhún nhẫy nô đùa cùng nhau trên đồng nội. Một chú bồ câu mới nhú mào đậu trên một cành khô của cây đại thụ đứng ở góc vườn cũng như đang ngắm nhìn cánh đồng. Chú náu mình giữa những cành còn khô rúm, đuôi xòe ra, chấp chới như mái chèo rẽ sóng. Từ trên những ngọn cây cao, một đàn bướm vàng bỏ lại phía sau những bông hoa Munga để rồi xoắn xuýt bay lượn quanh người cô bé. Và trong hương vị của cỏ khô, hoa mật, cô bé mơ màng cảm thấy buồn ngủ, mặc dù đã quyết định thức để nhìn cánh đồng, đón chờ những con ngựa và cỗ xe đầu tiên từ Nunieoara đến. Đôi mắt nó chớp chớp nhìn theo đàn bướm, và xa xa phía trước nó nhận ra những túp lều lụp xụp màu nâu xỉn, lô nhô bên cạnh một cái giếng nhỏ nhưng khá sâu, cách con suối cạn một quãng ngắn. Gia đình Gơnanlơ đào cái giếng đó từ lâu và đặt tên cho nó là giếng Kunadu, giếng mát, hay giếng bóng cây. Cô bé cất tiếng oa oa chào đời bên cạnh giếng Kunadu, và từ đó, người ta đặt tên cho nó là Kunadu. Những túp lều kia là của những người dân bản xứ, những kẻ cùng dòng máu với nó. Dọc theo đôi bờ con suối cạn là những hàng cây Munga đang khoe màu da trắng nõn, và xa xa là những quả đồi trọc bạc màu, sườn đồi thoai thoải, chằng chịt cây gai. Những con ngựa kéo cỗ xe từ Nunieoara ngày mai sẽ chở Iuni vượt con suối rồi leo dốc đưa cậu qua bên kia dãy núi. Chiếc xe sẽ đi xa, đi xa mãi, dọc theo một con đường ngoằn ngoèo trên những cánh đồng và những miền quê, những khu rừng Munga, một giống cây dù chết tự bao giờ vẫn đứng hiên ngang, rắn rỏi, khoe màu da trắng lấp lánh ánh bạc dưới ánh nắng mặt trời. Xa, xa nữa và xa mãi, vượt quá sức tưởng tượng của Kunadu, xa tận bên kia núi xanh thẫm, tiếp đến những cánh rừng Munga và xa, xa mãi, đến bên bờ mênh mông. Tao-u-ra chi-ni-mơ pu-đi-ny-a Kunadu hát trong nức nở. Tiếng khóc não nùng, đầy lo âu, khắc khoải. Cớ sao Iuni, bạn của Kunadu, lại đi vắng xa và lâu ngày làm vậy? Pu-đi-ny-a măn-bi-na, măn-bi-na, măn-bi-na! Kunadu thốt lên những lời sầu thương, trong khi những con bướm vàng vẫn chấp chới bay qua bay lại trước mặt nó, và những đốm đen lung linh trên cánh bướm đang vạch vào không gian những đường nét uyển chuyển, nhịp nhàng như khi đàn Kăngguru giơ chân múa, hay những đôi hoa trắng rơi trong không khí. Những đôi chân Kăngguru nhỏ nhắn, những cánh bướm xập xòe và những đài hoa rơi là những mối tơ vương đè nặng lên Kunadu, khiến nó thêm mệt mỏi. Trong trạng thái miên man, ủ ê ấy, những lời than vãn của nó qua tiếng hát chỉ còn là những âm thanh yếu ớt rồi tắt hẳn. Nó gục đầu, mái tóe xoăn mềm mại rủ xuống, quật vào đôi má. Tĩnh giấc, nó lại cất tiếng hát. Kunadu vùng ngồi dậy. Nó quyết không đi ngủ. Nhưng chờ mỏi mắt mà vẫn không thấy một tí gì động đậy trên cánh đồng bao la trước mặt trừ mỗi cái đuôi con chim bồ câu có mào đậu trên cành cây khô, cạnh cổng vườn đằng xa. Cái đuôi chấp chới trong khi đôi chân đỏ vằn bám chặt một cành cây nhỏ xíu. Tao-u-ra gin-nơ măn-bi-na... Kunadu bóp mạnh hai que gỗ nhỏ trong tay. Nhịp gõ bỗng trở nên gấp hơn, và những âm thanh phát ra càng đanh sắc. Nó vẫn một mực ngồi thức và sẵn sàng nô đùa khi cậu con trai Iuni xuất hiện từ trong ngôi nhà. Phải chăng ngày mai Iuni sẽ đi xa? Đi học ư? Thế là hai đứa sẽ không còn được vui đùa cùng nhau nơi khu vườn dưới kia, cánh chiếc quạt gió. Trong vườn trồng nào cải bắp, xu hào, xà lách, hành tỏi, đủ các thứ rau xanh trên đời. Bà Bêxi rất lấy làm tự hào có được một mảnh vườn như vậy. Những người da đen gọi bà là Măm [a1] , bởi vì khi bắt đầu học nói, Hiu Iuni, con trai bà, thường lắp bắp gọi: Mămi, Mămi, mặc dù trong tiếng thổ dân Mămi lại có nghĩa là “cha” và càng không có nghĩa là Bêxi, bà chủ trại Uytaliba kể từ khi ông Tét Oát chồng bà, chết đi cách đây đã khá lâu, trước khi Hiu Iuni biết nói, và từ đó đến nay bà vừa là cha, vừa là mẹ đối với đứa con trai của mình. Con chim bồ câu xòe đôi cánh xám mượt vỗ phành phạch rồi bay vút đi chỗ khác. Vừa lúc đó Hiu Iuni chạy qua gian nhà bếp ra đứng dưới mái hiên. Iuni! Cậu nhận thấy gì không? Tiếng hát của Kunadu bỗng vút lên giục giã, giữa lúc Hiu Iuni còn đứng lâng lâng trong cái cảm giác dễ chịu sau khi vừa tắm xong. Cậu đứng đó - nó cùng tuổi với Kunadu - tay nhét nhét chiếc áo sơ mi trúc bâu vào trong chiếc quần màu xanh đã sờn gấu và phai màu. - Ê Kunadu! Lại đây, nhanh lên! - vừa gọi, nó vừa dang rộng đôi chân tẩy đỏ vì ánh nắng mặt trời nóng bỏng, khuôn mặt mũm mĩm rám nắng, chiếc mũi nhỏ, tẹt và hếch. Với đôi mắt màu xanh, dáng bộ ông chủ, rất tự tin, nó nhanh nhẩu đi tìm Kunadu, vì biết chắc cô bé chỉ quanh quẩn đâu đây. Bỗng nó nhìn thấy cô bé bò ra từ trong bụi cây xanh. - Nào, lại đây nào! Kunadu gọi. Nhưng rồi cô ù té chạy. Hiu đuổi theo cho đến tận chiếc cổng quay của khu vườn, nâng chiếc vòng đai bằng dây thép giữ chiếc cánh cổng tựa chặt vào hàng rào dây thép gai bao quanh khu vườn xanh tươi của bà Bêxi, rồi cả hai cùng bước vào vườn. Lại có thêm hai đứa trẻ khác từ xóm thổ dân lon ton chạy đến, một cậu con trai cao lớn, cục mịch và một cô bé mũm mĩm, ít tuổi hơn Kunadu. Chúng ẩy mạnh chiếc cánh cổng mà Hiu và Kunadu vừa mở tung đang đung đưa, rồi kéo nhau vào vườn. - Này, chúng mày! - Hiu nói, giọng the thé, khó chịu. - Xem tao đây này! Nói đoạn chú bé cất bước chạy, vừa chạy vừa quay đầu nhìn đôi gót chân khuất trong bụi mù đất vừa bị hất tung lên trắng xóa xuýt xung quanh người nó. Bọn trẻ da đen cười ngặt nghẽo, vừa vỗ tay hoan hô, vừa reo lên ầm ĩ. - Nào, Bây giờ đến lượt Kunadu! Sau đó đến Oanna, rồi đến oắt con béo phì này! - Hiu ra lệnh. Kunadu bắt đầu chạy, chiếc váy màu chàm căng phồng vòng quanh đôi chân đen sạm, gầy khô như que củi. Nó chạy, đôi chân lẹ làng như hai bàn tay vẫy nhẹ vào không gian. Hiu reo lên vui sướng. Giỏi lắm, giỏi lắm! Kunadu giỏi lắm! Badi đâu rồi? bây giờ đến lượt Badi, đúng không? - Cô bé béo phì, thấp lùn chùn vừa kêu lên vừa nhảy tâng tâng vui sướng.. Không, Bây giờ đến lượt Oanna. Oanna là một cậu cao lớn có đôi mắt thao láo như mắt khỉ đột với một nhúm tóc đen bết bụi, chiếc quần bằng vải vốn cũng trắng trẻo, nhưng nay đã ngã màu cháo lòng, bê bết dầu và đất đỏ. Nó bắt đầu chạy ngoằn ngoèo, uốn éo một cách vụng về. Này, Badi, bây giờ đến lượt mày! Badi - cô bé có cái tên trùng với tên một loài kiến có trứng trắng mà người da đen thích ăn - bắt đầu chạy một cách khó nhọc. Cô bé vừa chạy vừa cười ngặt nghẽo. Những đứa khác nhảy múa, reo hò ầm ĩ khi nó vấp ngã trong đất bụi. Hiu lại chạy làm mẫu cho các đứa khác xem Kunadu làm theo cậu, chân bước nhẹ nhàng, thanh thoát như bơi trong không khí. Nó nhảy tâng tâng cho mái tóc hoe của mình rũ sạch mùn đất đỏ. Mỗi khi bọn trẻ chống hai tay xuống đất, thu mình, bật tung lên phía trước như một con rắn rồi đứng phắt dậy, thì lại rộ lên tiếng reo hò, tiếng cười hoan hĩ và những lời bàn tán xôn xao. Đến lúc đã chán trò chơi này, Hiu liền lao đi chỗ khác, vừa chạy vừa kêu to: Ma! Ma, chúng mày ơi! Thế là bọn con gái chạy ùa theo, để mặc Oanna lẽo đẽo theo sau một mình. Chúng nó đuổi theo nhau quanh vườn, nhảy phốc qua những luống cải bắp, luống hành, xu hào và xà lách, dưới những rặng nho mà bà Bêxi đã uốn cho leo dọc theo bờ đậu, chạy qua dưới chân chiếc quạt gió. Badi giả làm ma để Kunadu đuổi theo. Hiu chạy sau cùng. Nó đóng vai hồn ma điên dại, khủng khiếp của một con đại bàng hung dữ đuổi bắt những con chim nhỏ, một loài thú mà người da đen ai cũng khiếp sợ và hễ thấy nó là chạy trốn. Trong khi bọn trẻ đang reo vui, cười nói ầm ĩ, thì bỗng nhiên Kunadu dừng lại, đứng yên như phỗng. Kìa, ông Xam đến đây rồi! - nó kêu lên. Hiu, Badi và Oanna cùng nghễn cổ nhìn về phía chân trời. Xa xa, nơi con suối vắt ngang khu rừng xanh thẫm, thấp thoáng trong mây mù, một đám bụi tung lên cao, cuồn cuộn như một cột khói. A ha, ông Xam đến đây rồi! - Tất cả bọn trẻ kêu lên. Trong ngôi nhà dài thấp xây bằng gạch mộc, quét vôi trắng, mái lợp tôn cuốn, có tiếng sột soạt tựa hồ có người ngái ngủ đang trăn trở. Những người da đen tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài dưới lùm cây cao đưa mắt nhìn qua cánh đồng. Bandoghera rút từ trong túi áo ra một tẩu thuốc rồi cúi xuống bếp lửa, lấy một que củi đang cháy dở và châm thuốc hút. Mini nhìn ra phía con đường cắt ngang con suối một lút rồi rảo bước về phía ngôi nhà, với những bước đi uể oải trong bộ quần áo dài màu xanh thẫm. Bà Bêxi từ trong phòng bước ra, dừng lại chỗ mái hiên, và nhìn đám bụi mù đang bốc lên cuồn cuộn. Mini! bà gọi to, giọng the thé, rồi thoăn thoắt bước vội dọc theo hàng hiên, gương mặt rạng rỡ. Bà mặc bộ quần áo trắng và đi đôi giày đế thấp. Cỗ xe ngựa đang ngày một đến gần, hất tung đất mùn, tạo thành những lớp sóng tỏa khắp cánh đồng. Bạn trẻ ùa ra mờ cổng. A ha, xe chở Bốp lẻ và ông Xam, Kunadu kêu lên khi cỗ xe đang rập rình tiến gần đến chỗ bọn trẻ đang đứng. – A ha, có cả Ara nữa! Hình như thế. Rất ít khi có khách đến thăm Uytaliba nên đón xem xe ngựa từ xa đến tự nó đã là một thú vui, chứ không phải vì Xam Giêry là người lạ hoàn toàn đối với bọn trẻ. Chúng biết ông ta khá tường tận và ông ta cũng biết chúng, thậm chí cả tên từng đứa một. Khi cỗ xe ngựa cũ kỹ, cao lêu nghêu, lăn bánh rập rình rồi dừng lại trước ngôi nhà, Xam Giêry liền ngoái cổ nhìn về phía chiếc cổng nơi lũ trẻ đang chạy theo sau chiếc xe. - Kia là Kunadu, con gái của Giô Kunadu phải không? - Ông ta hỏi một cậu bé da đen đứng cạnh Bốp. - Mẹ nó là mụ Maria chết cách đây hai năm, và hồi đó thiên hạ làm om sòm lên ghê lắm, phải không? Vâng ạ, cậu bé trả lời, vừa nói vừa cầm lấy cương ngựa, rồi đưa mắt nhìn đi chổ khác. Vừa lúc đó, bà Bêxi từ trong nhà bước ra chào Xam Giêry.
[a1]Tiếng Anh: mẹ (gọi âu yếm)
[a1]Tiếng Anh: mẹ (gọi âu yếm)