Dịch giả: Đàm Xuân Cận
Chương 1

     hi thấy Larry Angeluzzi vọt con ngựa đen tuyền qua khoảng đường trống nằm giữa hai bức tường lớn của dãy chung cư cho mướn, bọn trẻ dừng trò chơi trên lề đường, tròn mắt khâm phục. Chàng kỵ mã hiên ngang vung ngọn đèn hiệu đỏ thành một hình cánh cung lớn, đốm lửa xẹt tứ tung từ móng ngựa chạy rốn rảng theo đường hỏa xa, thật vui mắt. Theo sau chàng kỵ mã mang đèn đang hiên ngang thúc ngựa chạy là toa tàu chở hàng dài thòng, đang từ từ tiến về mạn bắc từ nhà ga St. John’s Park đường Hudson.
Năm 1928, Sở Hỏa xa Nữu Ước còn dùng đường phố làm chặng nối con thoi giữa các chuyến tàu ngược Bắc xuôi Nam, nên dùng kỵ mã để dọn đường cho tiện. Chỉ ít năm nữa là việc này chấm dứt vì một chiếc cầu tổ bố vắt ngang trên cao đang xúc tiến hoàn thành. Nhưng thằng Larry Angeluzzi đâu có biết, nên cái mặt cứ vênh lên, giống như cao bồi miền viễn tây thứ thiệt vậy. Nó đi giày da mỏng, mũi nhọn để thúc ngựa, đội nón phớt vành rộng có viền hàng chữ Liên Đoàn Công Nhân Hỏa Xa, bận quần may vải xanh, thứ quần của người làm nghề chân tay, có kẹp ở chân cho gọn gàng bằng chiếc kẹp mạ bạc sáng loáng.
Nó cho ngựa chạy từ từ qua đêm hè nóng bức, giữa sa mạc mênh mông... Các mụ đàn bà ngồi lê đôi mách trên những thùng gỗ, đàn ông thì phì phèo xì gà, đứng nghênh ngang ở mấy góc phố. Bọn con nít say mê lao đầu vào trò chơi nguy hiểm bám lên toa tàu đang chạy xình xịch nhiều khi bươu đầu mẻ trán la khóc tùm lum. Tất cả di động trong ánh sáng vàng ám khói từ những ngọn đèn đường và những tia sáng trắng từ cửa sổ những tiệm bánh kẹo. Cứ tới mỗi ngã tư làn gió mát từ Đại lộ Mười Hai trên bờ xi măng sông Hudson, phả tới khiến người ngựa thoải mái, làm dịu đi đầu máy đen nóng lâu lâu lại rít lên những tiếng chát chúa đằng sau.
Ở đường 27 bức tường bên tay mặt Larry Angeluzzi biến đi, để lộ một khoảng rộng. Đó là công viên Chelsea đầy nghẹt những bóng đen xì ngồi xổm, bọn con nít ngồi bệt trên đất coi phim ngoài trời miễn phí do Ủy Ban Định Cư Hudson bảo trợ. Trên màn ảnh trắng ở phía xa, Larry Angeluzzi ngó thấy một con ngựa và chàng kỵ mã đắm mình trong ánh nắng nhân tạo, đang phi nước đại về phía nó, làm cho ngựa giật mình. Nó thúc ngựa chạy qua ngã tư đường 28, bức tường dài lại nhô lên.
Larry đã về gần đến nhà. Có một chiếc cầu dành cho bộ hành vòng qua Đại lộ thứ Mười ở phố 30. Khi đi qua dưới cầu này, là tới nhà, công việc đã xong. Nó nắn lại cái mũ, ngồi ngay ngắn trên yên ngựa. Tất cả những người trên lề đường 30 và 31 đều là bà con, bạn bè. Larry phóng ngựa vun vút, lao lên phía trước.
Vọt nhanh qua dưới cầu, vẫy tay chào những đứa trẻ đang tựa trên thành cầu bên trên đầu nó. Và quay đầu ngựa về phía những người trên lề đường bên phải, rồi quay ngựa về bên trái, hướng tới những chiếc sân lộ thiên của Sở Hỏa xa kéo dài mãi tới tận con sông Hudson.
Sau nó, chiếc đầu máy đen khổng lồ thở ra những đám hơi nước trắng xóa, và như trong truyện thần tiên, chiếc cầu và bọn trẻ con biến mất, chỉ còn những tiếng reo hò sung sướng vươn lên những vì sao mờ nhạt trên cao. Con tàu chở hàng hóa đi vòng vào sân ga, chiếc cầu lại hiện ra và bầy trẻ đang túa xuống dọc đại lộ.
Larry buộc ngựa vào chiếc cột bên cạnh túp lều người gác dan và ngồi lên chiếc ghế kề tựa vào tường. Bên kia bờ Đại lộ thế giới quen thuộc thân yêu của nó hiện ra dần dần như trên màn ảnh.
Lò bánh sáng trưng ở gần góc đường 30, bọn trẻ đang vây quanh quầy bán đá chanh, có trang hoàng lòe loẹt. Chính panettiere (ông chủ) bỏ những viên đá đủ màu trông thấy mê vào những bao tách giấy có viền trắng. Ông ta bỏ nhiều vì nay đã giàu có. Nhiều khi còn dám nổi hứng bất tử mang tiền đi đốt bậy ở Trường đua mới hách chứ.
Kế bên lò bánh, về phía đường 31 là tiệm thực phẩm, bán toàn những thứ hợp với khẩu vị người Ý, nhìn đã muốn rỏ nước miếng ra rồi. Rồi đến tiệm hớt tóc đã đóng cửa, nhưng bên trong đang có cuộc sát phạt; ông thợ hớt tóc ngay khi đó còn chịu quan sát thay cái đầu nào mới hớt mà không phải của mình là lại thấy bực tức dĩ nhiên không nói ra được. Bọn trẻ bu trên lề đường lao xao như kiến, còn các bà ẩn khuất trong những bộ quần áo đen, ngồi tụ tập trước các thềm cửa. Họ nói chuyện thật huyên náo. Bầu trời mùa hạ đầy sao.
Ông già gác dan lùn tịt bước tới, cất cái giọng khàn khàn: “Đêm nay hết tàu rồi đó mày”. Larry nhảy lên yên, rồi quay ngựa lại.
Khi ngựa vươn mình trong không khí, dãy chung cư cho mướn, bức tường phía Tây thành phố như lượn sóng lớn ào tới. Trong cửa sổ mở nhà nó trên tầng chót chung cư trước mặt, Larry thấy bóng đen của thằng em Vincent, chứ không ai khác. Larry vẫy tay lần thứ hai mới thấy trả lời. Trên tường chỉ còn ít khung cửa có ánh sáng hắt ra. Hầu như ai cũng xuống đường phố, ai cũng ngó thằng Larry gồ ghề này. Nó vỗ mạnh vào cổ ngựa và phi nước đại trên Đại lộ số Mười trải đá đến chuồng ngựa ở mãi tận đường 36.
Cùng hôm đó, lúc trời chạng vạng, khi Larry Angeluzzi lên yên ngựa ở St John’s Park thì bà mẹ nó, Lucia Santa-Angeluzzi-Corbo, cũng là mẹ của Octavia và Vincenzo Angeluzzi, góa phụ của Anthony Angeluzzi, bây giờ là bà Frank Corbo và thân mẫu của ba đứa con sau: Gino, Salvadore và Aileen, sửa soạn rời căn nhà trống không, tránh cơn nóng bức ngột ngạt mùa hè; đi đấu láo suốt buổi tối với các bà bạn hàng xóm, và nhất là để mắt coi chừng những đứa con nô đùa trên đường phố tối tăm.
Đêm nay Lucia
!!!15158_17.htm!!! thở. Về sau mà nó còn nhớ mãi!

*

Đám cưới thiệt vui, ai cũng hết lời khen ngợi, Lucia Santa mời gia đình Piero Santini dự bữa cơm thân mật vào chiều chủ nhật tới, để Gino có dịp gặp Carterina và sau đó có thể dẫn cô bé đi xem thành phố. Lâu nay cô bé chỉ sống ở vùng quê Tuckahoe, chưa biết cảnh phồn hoa đô hội.

*

Một người từng trải như Piero Santini không câu nệ, tự ái không đâu. Một tay đã kiếm được bốn chiếc xe vận tải và vận động bao thầu đổ rác cho thành phố, tất phải lì lợm. Đúng hẹn hắn đưa cả gia đình đi dự tiệc.
Lần này Lucia Santa rất cẩn thận. Sáng hôm đó bà cầm muỗng đập vào đầu Gino một cái choáng người, ra lệnh cho nó phải ở nhà, không được đi đá banh. Rồi bà vào bếp sửa soạn nấu nướng.
Gino được xếp ngồi cạnh Caterina, có vẻ ngượng ngập. Sau bữa ăn, Vincenzo bói bài cho bà Santini. Salvatire và Lena dọn bàn, rửa bát. Sau hết, Gino thi hành lệnh ngầm của mẹ, mời Caterina đi coi chớp bóng. Theo đúng sách vở, cô bé nhìn cha dò ý.
Piero Santini thấy khó xử quá. Thằng nhỏ tiến hơi nhanh hơn dự trù. Nhưng làm sao được đây là đất Mỹ mà. Hắn gật đầu, nhưng nói thêm:
- Đừng về muộn quá nghe con, mai ba phải đi làm.
Lucia Santa rất sung sướng, dẫn đôi trẻ ra cửa. Bà rót thêm cho Piero Santini một ly rượu vang, mời bà vợ Santini ăn bánh ngọt. Lúc đó Larry và Louisa mới ra góp chuyện, uống một ly cà phê đặc sánh có pha thêm rượu anisette. Piero Santini và Lucia Santa nhìn nhau thỏa ý. Họ nói chuyện thân mật cứ như sắp thành sui gia với nhau đến nơi. Chưa tới một giờ sau, Caterina từ đâu chạy bổ vào nhà, một mình, ngơ ngác, khuôn mặt còn ngấn lệ, cô bé đến ngồi lại bàn không nói một lời.
Ai nấy chưng hửng. Trời đất, có cái gì ghê gớm xảy ra vậy? Santini chửi thề ầm ĩ. Lucia Santa lầm bầm cầu nguyện. Thằng thú vật Gino đã hiếp con gái cưng người ta ở hốc hẻm nào dó, hay ngay trong rạp hát đây hả trời? Lúc đầu Caterina không chịu nói, mãi sau cô bé mới hé môi chút xíu, cô bé bỏ mặc thằng Gino trong rạp hát, thằng cù lần coi một cuốn phim mà cô bé không thích. Chẳng có gì quan trọng.
Ai mà tin cô bé? Chẳng ai tin cả. Mới vừa nói nói cười cười mà nay chẳng ai buồn lên tiếng tình thân ái phút chốc nhuốm màu thù hận. Nhưng thử bình tâm suy xét coi cái gì đã xảy ra chứ? Bọn trẻ thời nay gớm thật, hỗn như gấu, ác như quỷ. Nhưng dỗ ngon dỗ ngọt làm sao Caterina cũng nhất định chẳng thèm nói thêm gì hết, Lucia Santa sượng sùng ra mặt, hai vợ chồng lủi thủi dắt con gái về.
Gia đình Angeluzzi Corbo ngong ngóng chờ thằng bợm. Sau cùng, Gino lững thững dẫn xác về, ngơ ngác thấy bao con mắt ngó nó trân trân.
Lucia Santa giận run người.
- Thằng khốn, mày đã làm gì con gái bác Santini trong rạp chớp bóng?
Gino ngẩn tò te:
- Con có làm gì đâu?
Câu trả lời làm Lucia Santa càng bực mình, thằng này điên thật rồi, nó chẳng biết phân biệt xấu tốt gì ráo.
Bà ráng kiên nhẫn:
- Cớ sự tại sao Caterina bỏ mày về trước?
Gino rùn vai:
- Thì cô ta nói có việc ra ngoài một chút. Cô ta mang cả áo ngoài đi luôn. Khi cô ta không trở lại, con nghĩ cô ta không thích con. Con cũng chẳng thiết nữa. Con ngồi coi phim một mình. Má, nếu cô ta không thích con, má và bác Santini tìm cách cho bọn con đi với nhau làm chi? Cô ta có vẻ khác lạ làm sao ấy, nói chuyện cũng không chịu nói.
Larry lắc đầu thương hại. Nó nói đùa:
- Má, phải tay con, nhà ta đã có thêm mấy chiếc xe vận tải rồi.
Louisa cười nụ. Vinnie bảo Gino:
- Mày ngu quá mày. Cô ấy mê mày tít thò lò mà mày không biết?
Mọi người cười vui thoải mái, quên đi tai họa tưởng tượng. Nhưng Lucia Santa vẫn chưa hết giận. Bà muốn lấy roi quất cho thằng nhỏ một trận tan tành xí quách, quả thật nó cũng thuộc loại điên khùng như cha nó trước đây.
Ôi một thằng con trai bị gái chê mà không có phản ứng nào, tức thị thuộc loại gà nuốt dây thun rồi. Như vậy nó coi Caterina ra sao? Thương hay ghét? Con nhà người ta tốt lành như vậy mà ngoảnh mặt bỏ qua sao? Con gái nhà triệu phú dư sức bảo đảm cho đời sống và tương lai của nó, thân hình thứ tốt, da thịt mây mẩy, thế mà thằng nhỏ tỉnh bơ khi một đứa con gái quý giá như vậy không thích sao? Dĩ nhiên là thích mê nhưng nó phải biết cách cư xử đúng điệu chớ? Nó tưởng nó là vua sao? Nhưng thật ra nó cù lần hết thuốc chữa. Nhất định nó cũng nửa điên nửa khùng như cha nó vậy. Một thằng hết sức buồn cười!