Dịch giả: THẾ UYÊN
Phần 1 - 01

     háng mười một 1946
Phi cơ nhấp nhổm trên phi đạo rồi ngừng lại trước tấm bảng lớn: CHYPRE HÂN HOAN CHÀO ĐÓN QUÝ KHÁCH. Dán mặt vào cửa sổ, Mark Parker nhận thấy phía xa (....) lởm chởm của ngọn Ngũ Chỉ, đỉnh cao nhất của dãy (....) duyên hải miền Bắc. Một giờ nữa thôi, chàng sẽ vượt (....) đưa tới Cyrénia. Tiến theo hành lang, chàng xiết lại nút cà-vạt, hạ tay áo sơ mi xuống và mặc áo vét-tông.
“Chypre hân hoan đón chào quý vị” đúng rồi, đó là ở trong cuốn Othello [1] nhưng chàng không sao nhớ lại được phần sau của câu văn ấy.
- Có gì khai báo không?
- Hai kí-lô á phiện và một mớ sách về nghệ thuật khiêu dâm - Mark lầu nhầu trả lời.
Khi chàng vượt qua quan thuế, một nữ tiếp viên phi cảng tiến lại.
- Ông là Mark Parker phải không? Có tin nhờ chuyển tới ông: Bà Kitty Fremont gửi lời xin lỗi vì bận việc không ra được. Bà xin ông đến thẳng Cyrénia khách sạn Dôme, bà đã giữ sẵn phòng tại đó.
- Cám ơn cô bé. Tôi có thể kiếm taxi chỗ nào để đến Cyrénia?
- Xin để tôi lo việc này. Xin ông vui lòng đợi vài phút... Quán rượu ở đầu bên kia chỗ “hành khách đến”.
Mười lăm phút sau, trong chiếc taxi đưa về thành phố, Mark ngả người về phía sau và nhắm mắt lại. Thực ra, chàng thích Kitty bị kẹt không tới đón chàng ở phi cảng. Nhiều năm đã đi qua kể từ lần gặp chót, hai người sẽ có biết bao nhiêu điều để kể cho nhau nghe, biết bao nhiêu kỷ niệm để nhớ lại... Nghĩ tới rằng sau hết lại được gặp nàng, chàng cảm thấy sự xúc cảm ấm áp dữ dội, một xúc động sâu xa lẫn với một bồi hồi thầm kín trong cơ thể. Kitty, con người xinh đẹp, nàng Kitty quyến rũ. Liệu chàng có thể lập nổi một trật tự đại khái cho vô vàn hình ảnh nàng đang dồn dập tới với chàng không?
Kitty Fremont, cô bé “hàng xóm láng giềng” như người ta thường nói ấy, với tóc kết bím, mặt lấm tấm tàn nhang, dáng điệu con trai, miệng đương nhiên là có mang máy sửa lại hàm răng cho thẳng: mẩu điển hình cho các cô gái nhỏ Hoa Kỳ. Rồi vào một ngày nào đẹp trời, con sâu xấu xí đã lột thành con bướm duyên dáng: Bộ máy sửa răng đã biến mất, đôi môi mấp máy một màu đỏ không nhờ gì thiên nhiên, các chiếc áo thung phồng căng hai trái chín mời mọc. Một thứ cây tươi mát, lành mạnh, ngon lành..
Cũng có cả Tom Fremont nữa. Lại một mẩu người điển hình Hoa Kỳ: Cậu bé khỏe mạnh tóc ngắn, nụ cười vừa trẻ con vừa chế nhạo, thể thao có hạng và ham mê làm những đồ lặt vặt. Người bạn thân nhất và tốt nhất của Mark, kể từ khi... nói chung, kể từ trước cho tới giờ. Các bà mẹ đã cai sữa họ vào cùng một thời, đã thả họ trên cùng một bãi cỏ, nhìn họ chơi cùng một trái banh.
Tom và Kitty... bánh táo và kem... xúc xích nóng và mù tạc... Một cô gái một trăm phần trăm Hoa Kỳ, một cậu con trai cũng một trăm phần trăm Hoa Kỳ, trong khung cảnh một trăm phần trăm Hoa Kỳ của tiểu bang Indiana. Kitty và Tom như trời sinh họ ra để lấy nhau, bổ túc cho nhau như mặt trời và mùa xuân.
Ngay khi còn rất trẻ, Kitty đã lặng lẽ, bí ẩn, trầm tư. Nhưng cũng can đảm đặc biệt, chính chắn, thực tế. Mark có lẽ là kẻ duy nhất khám phá ra trong ánh nhìn của nàng một vẻ buồn mơ hồ.
Chàng tự hỏi tại sao nàng có vẻ lôi cuốn hấp dẫn như vậy. Chắc bởi vì nàng ở ngoài tầm tay chàng. Ngay từ hồi nhỏ nhất, Kitty đã là cô bạn dịu hiền của Tom. Còn Mark chàng chỉ còn cách ước ao địa vị của bạn mà thôi.
Ở viện Đại học của tiểu bang, Tom và Mark sống chung một phòng. Trong năm đầu tiên, Tom buồn rầu không nguôi vì phải xa Kitty. Trong nhiều giờ liền, Mark kiên nhẫn và thông cảm, lắng nghe Tom than thở. Đến các kỳ hè, Kitty đi tiểu bang Wisconsin cùng gia đình vì ba mẹ; nàng hy vọng xa cách sẽ làm giảm bớt sự luyến ái quá cuồng nhiệt, ngoài mức ông bà có thể chấp nhận được. Còn về Tom và Mark, hai người đi bằng cách quá giang xe đến các mỏ dầu ở Oklahoma, nơi mà các chàng trai khỏe mạnh bao giờ cũng chắc chắn tìm thấy việc làm.
Đến kỳ khai trường, nhiệt tình của Tom đã lạnh bớt đi nhiều. Khoảng cách giữa các bức thư của Tom trao đổi với Kitty mỗi ngày một dài ra theo các buổi hẹn hò với các cô gái khác mỗi ngày một nhiều hơn lên. Đến nỗi cuối năm thứ ba và cũng là niên học chót, Tom hầu như quên luôn là có Kitty trên đời. Được tâng bóc chiều chuộng, như một ngôi sao số một của viện đại học, ngôi sao sáng của đội bóng rổ, nói tóm tắt một vị anh hùng mà các thổ lộ tâm tình qua thư từ không còn thể gây chú trọng được nữa. Còn Mark, chàng an phận với các ánh sáng rực rỡ của Tom phản chiếu sang con người khiêm tốn của chàng, cùng với cái danh là tên học trò bết nhất chưa từng thấy bao giờ trong lớp học về báo chí.
Mọi sự là như thế cho tới khi Kitty cắp sách đi học cùng trường đại học này, sự hiện diện của nàng làm cho Tom bị mê đắm đến gần như mất lương tri. Đúng một tháng trước các kỳ thi khảo hạch cuối năm, Tom bắt cóc Kitty mang đi, mang theo Mark cùng vị hôn thê là Ellen để làm chứng, đôi tình nhân chạy trốn trên một chiếc xe Ford cổ lỗ sĩ, và ngay sau khi vừa vượt biên thùy tiểu bang, họ đến trình diện ngay một vị thẩm phán để làm lễ cưới theo luật định. Cả hai cộng lại mới có được số tiền là bốn đô la mười xu nên cặp vợ chồng mới cưới đành qua đêm tân hôn trên băng sau của chiếc xe hơi cũ, và một cơn mưa bất tận đã biến mui xe thành một hương sen tưới nước. Nhưng nói cho cùng, đối với cặp vợ chồng đặc biệt Hoa Kỳ này, đời sống chung như vậy kể như bắt đầu với điềm tốt lành.
Tom và Kitty chỉ loan báo hôn nhân của họ một năm sau. Khi ấy, người chồng trẻ sau khi đã lấy được bằng tốt nghiệp, đã tìm được việc làm khiêm tốn nhất trong một hãng quảng cáo quan trọng, và người vợ trẻ đã học xong khóa điều dưỡng. Theo Mark nghĩ thì nghề điều dưỡng quả thực thích hợp với Kitty: Nàng như được sinh ra đời để tận tụy hy sinh cho kẻ khác.
Nếu trước đó Tom đã sống một cuộc đời hơi buông thả thì bây giờ chàng từ bỏ hết sức dễ dàng sự tự do của đời sống độc thân để trở thành một trong những ông chồng gương mẫu nhất. Lập nghiệp ở Chicago, nơi Kitty đã tìm được việc làm ở bệnh viện nhi đồng, cặp vợ chồng trẻ, vẫn trung thành với truyền thống tốt đẹp nhất của Hoa Kỳ, bắt đầu xây dựng cơ nghiệp của mình từng bước một: mới đầu là một buồng nhỏ trong chung cư, rồi là một căn nhà nhỏ, một chiếc xe hơi mới, và những niềm hy vọng lớn lao. Kế đó, Kitty có mang Sandra...
Mark mở mắt, khi chiếc taxi đi chậm lại, đi vào vùng ngoại ô của Nicosie, thủ phủ đảo, thành phố nằm dài trong đồng bằng màu nâu, giữa các dãy núi duyên hải phía bắc và phía nam. Còn năm phút nữa thôi là tới chính thành phố với các nhà bằng đá vàng mái lợp ngói đỏ chói đầy các cây chà là. Mark vừa nghĩ vừa cố ngăn một tiếng ngáp: “Giống hệt như là Damas”. Đại lộ chạy dọc theo bức tường thành xây hoàn toàn tròn bao quanh lấy thành phố cổ. Mark nhìn thấy những tháp đôi của giáo đường Hồi giáo của khu Thổ Nhĩ Kỳ nhô lên khỏi đỉnh cao của bức tường thành vĩ đại. Những tháp đôi của Sainte-Sophie, một nhà thờ rất đẹp do các Thập Tự quân xây nên và bị biến cải thành giáo đường Hồi giáo sau khi họ bị thất trận. Sau khi đi vòng theo một nửa vòng đai thành, chiếc taxi đi qua vài đường nhỏ và ra khỏi Nicosie, tiến về phía bắc. Hai bên đường các làng giống nhau như hệt, với các căn nhà tồi tàn lụp xụp bằng gạch xám qui tụ quanh một cái giếng độc nhất bao giờ cũng có chữ đề: “Giếng này được xây cất do lòng đại lượng của Đức Vua Anh quốc”. Trong những cánh đồng nhòa màu sắc vì mặt trời chói chang, các nông phu đang đào khoai với sự trợ giúp của những con lừa đẹp đẽ nhưng bướng bỉnh nuôi trên đảo.
Xe tăng thêm tốc độ, Mark lại nhắm mắt lại để suy nghĩ tiếp.
Chàng đã cưới Ellen và vài tháng sau hôn lễ của Tom và Kitty. Ngay từ ngày đầu tiên, đây đã là một cuộc hôn nhân thất bại hoàn toàn, một nhầm lẫn rõ ràng: một chàng trai tốt, một cô gái tốt, nhưng sinh ra không phải để lấy nhau. Không có lòng tử tế và tận tâm của Kitty, chắc họ đã xa nhau ngay. Kitty bao giờ cũng sẵn lòng nghe người này than thở về người kia, dẹp bỏ các hiềm thù, khuyến cáo nên kiên nhẫn. Nhờ có nàng, hôn nhân này mới kéo dài hơn là người ta có thể tưởng. Nhưng rồi đột nhiên, thảm kịch không thể cứu vãn xảy đến và kế đó là ly dị. May mắn thay là họ không có con.
Bàng hoàng và bơ vơ, Mark rời Chicago đi về các miền phía Đông. Trong nhiều năm chàng sống một cuộc đời trơ trọi, luôn luôn thay đổi chỗ làm: chàng là một ký giả dở nhất Hoa Kỳ sau khi đã là người học trò bết nhất trong các lớp dạy về báo chí. Bây giờ chàng thuộc về giới những kẻ lang thang bất tận mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu trong thế giới nhỏ bé của giới báo chí. Không phải là tại chàng thiếu tài năng hay thông minh, mà chỉ tại vì chàng không sao tìm được đất dụng võ thích hợp. Tạo hóa đã ban cho chàng một tinh thần sáng tạo vậy mà những công việc lấy tin thường nhật đều đều lại khó hòa giải được với thứ tài năng chống lại mọi thứ cưỡng chế. Tuy thế chàng lại không cảm thấy đủ can đảm - và cả ước muốn nữa - để lao vào nghề văn. Chàng biết quá rõ là mình không có bản chất của một nhà văn. Vì thế chàng vẫn tiếp tục sống cuộc đời lẹt đẹt.
Mỗi tuần, bưu tín viên mang lại cho chàng một bức thư của Tom, hai trang giấy đầy hăng hái trong đó người bạn thân nói về nghề nghiệp cùng những chặng đường hắn đã vượt qua dễ dàng, cùng tình yêu bao giờ cũng trọn vẹn đối với Kitty, sự cưng chiều dành cho Sandra, con gái họ, đã bắt đầu biết đi, học nói và chơi búp bê. Kitty cũng viết thư đều đặn cho chàng, những bức thư điềm tĩnh hơn trong đó bao giờ nàng cũng khéo léo hỏi thăm về số phận của vợ chàng - cho tới khi vợ chàng tái giá.
Năm 1938, một tình cờ đã mang lại một may mắn lớn cho cuộc đời Mark. Một đại diện của American New Syndicate, một trong những hãng thông tấn chính của Hoa Kỳ xin được thay thế, và Mark được chỉ định thay thế: trong một sáng một chiều chàng thoát ra được khỏi công việc nhỏ nhặt để thành thông tín viên đặc biệt.
Vừa đặt chân tới thủ đô Đức quốc, chàng đã chứng tỏ được mình là một phóng viên có tài năng đặc biệt. Được giải thoát khỏi sự khống chế của các viên thư ký tòa soạn, sau cùng chàng đã có dịp viết theo ước muốn riêng, tạo được một bút pháp riêng, cho phép chàng nổi danh khá nhanh. Chẳng bao lâu tên tuổi chàng được coi là cao giá trong thế giới báo chí. Hơn nữa chàng còn có linh khiếu tối cần thiết cho các đặc phóng viên lớn: linh khiếu của một tay săn rình rập các biến cố giật gân đang thành hình.
Một năm sau, chàng đã leo được lên mức thang chót để trở thành người tối cần thiết, một đặc phái viên sáng giá chuyên nghiệp có cái nhìn sâu sắc xem xét toàn thể thế giới. Bây giờ chàng đã có tất cả những gì cần thiết để sung sướng: chàng “bao phủ” mọi cơn chuyển biến của Âu châu, Á châu, Phi châu, chàng có uy tín và làm một công việc mình thích thú say mê, chàng được hưởng một lòng ưu ái vững chắc trong các quầy rượu của các dinh thự, khách sạn lớn cũng như trong các quán rượu nhỏ mà chỉ những khách quen mới biết được địa chỉ, và trong mỗi một thành phố, chàng có một bảng danh sách vừa dài vừa hấp dẫn những cô bạn gái mỗi đêm.
Khi chiến tranh bùng nổ, sau một cuộc du hành chớp nhoáng suốt Âu châu đang điên sợ, Mark chọn nơi trụ sở là Luân Đôn, trong một sự yên tĩnh rất là tương đối. Vào đầu năm 1942, Tom Fremont, qua một bức thư vẫn nồng nhiệt như bao giờ, loan báo đã gia nhập binh chủng Thủy quân lục chiến. Sáu tháng sau, một bức thư ngắn của Kitty cho biết chồng nàng đã tử trận trên một bãi biển vùng Guadalcanal. Hai tháng sau nữa, con gái của hai người là Sandra bị chết vì bệnh tê liệt.
Mark xin phép nghỉ khẩn cấp để trở về Hoa Kỳ. Nhưng sau khi thanh toán xong các thủ tục thông thường và vượt Đại Tây dương, Kitty Fremont đã biến mất. Mark tìm nàng khắp nơi trong nhiều tuần lễ, cho tới khi hết hạn nghỉ phép. Nhưng các cố gắng của chàng đã vô ích: không sao tìm được dấu vết Kitty. Và khi chiến tranh chấm dứt rất thuận lợi để chàng có thể mở lại các công cuộc tìm kiếm người xưa, thì những dấu vết hiếm hoi của hai năm trước đây đã lưu mờ rồi.
Vào tháng 11-1945, Mark được cử làm đại diện cho hãng thông tấn về vụ án Nuremberg [2] và với tư cách này chàng được hưởng đặc quyền không mấy vui là dự khán buổi xử giảo các lãnh tụ quốc xã. Sau đó mọi người miễn cưỡng phải cho chàng nghỉ phép vài tuần. Và mặc dù rất là cần nghỉ ngơi, chàng vẫn phung phí những ngày nghỉ theo cách thế riêng của mình - bằng cách theo đuổi một thiếu nữ Pháp có nụ cười đa tình mà chàng đã có dịp quen biết sơ sơ ở Liên Hiệp Quốc. Sau hết chàng đã tìm gặp được lại nàng ở Nhã Điển [3] trong cơ quan U.N.R. và tiếp tục công cuộc chinh phục nàng.
Nhưng định mạng không cho phép chàng được hưởng thành quả của công trình chinh phục này. Một buổi tối, trong khi đấu láo với một đồng nghiệp người Anh mới từ Macédoine về, chàng được nghe nói tới một nữ điều dưỡng Hoa Kỳ đã thành lập ở Salonique một công trình rất đáng ngợi khen để thu nhận các trẻ em mồ côi Hy Lạp. Nàng nữ điều dưỡng này tên là Kitty Fremont...
Hai giờ đồng hồ sau, bám sát máy điện thoại, Mark được biết là Kitty đã đi nghỉ dưỡng sức ở đảo Chypre.
Bây giờ chiếc taxi đang khó nhọc leo những khúc đường ngoằn ngoèo dẫn đến đèo Ngũ Chỉ. Và khi đã leo tới đỉnh, Mark yêu cầu tài xế cho xe đỗ lại ven lề.
Chàng bước xuống và tiến về phía bờ đối diện. Dưới chân chàng, thị trấn Cyrénia nằm giữa biển và núi như một đồ trang sức quý giá. Phía bên trái chàng, cao hơn đèo, là lâu đài Saint Hilarion vươn hình hài cao và đổ nát lên trời chiều. Chính trong sự che chở của các bức tường thành vĩ đại của nơi này, Richard Coeur de Lion [4] đã yêu nàng Bérengère mỹ miều. Mark thầm nghĩ: “Một nơi ta sẽ trở lại viếng thăm cùng Kitty”.
Chiếc xe tiến vào Cyrénia lúc trời đổ tối. Những ngôi nhà trắng ngói đỏ, những ngõ hẻm ngoạn mục, và nhất là một cảm tưởng bình an sâu xa mà Mark chưa từng bao giờ cảm thấy. Một hải cảng bé xíu đầy thuyền câu và du thuyền ăn sâu vào giữa hai dãy của một con đê vĩ đại. Một dãy đê dùng làm cầu tàu, và trên dãy kia là công sự phòng thủ cũ, đồn Thánh nữ Đồng trinh.
Cách hải cảng vài bước, khách sạn Dôme phá vỡ sự hòa hợp xưa cũ của khung cảnh bằng khối lượng đồ sộ của mình. Nổi tiếng khắp Đế quốc Anh như là một nơi hẹn hò chọn lọc của các thần dân của Anh hoàng, khách sạn Dôme trải dài các phòng của mình theo cả một loạt những thềm hiên vươn ra ngoài biển. Một con đê dài chừng trăm thước nối liền khách sạn với một đảo nhỏ dùng làm bãi tắm riêng.
Khi xe ngừng trước cửa khách sạn, một nhân viên chạy tới xách hành lý. Vừa trả tiền xe, Mark vừa nhìn chung quanh. Dù đã vào sâu trong mùa - bây giờ là tháng mười một - không khí vẫn còn giữ một hơi ấm dễ chịu. Và còn thứ thanh tịnh, yên tĩnh thần thánh này nữa: quả thực là một nơi lý tưởng để gặp lại Kitty Fremont sau bao nhiều năm xa cách.
Nhân viên phòng tiếp tân trao lại chàng một bức thư ngắn.
Mark thân,
Tôi bị kẹt ở Famagouste tới tận 9 giờ. Hy vọng anh không giận tôi nhiều vì thế. Rất vui sướng được gặp lại anh. Thân ái.
Kitty.
Mark nhét thư vào túi áo, nói với nhân viên khách sạn:
- Tôi muốn có một vài bông hoa, một chai scotch và một sô đá.
- Bà Fremont đã lo những việc này rồi ạ. Xin mời ông theo nhân viên hướng dẫn phòng... Hai ông bà ở phòng kế cận nhau nhìn ra biển.
Trước khi quay đi, Mark đoán thấy trên khuôn mặt nhân viên tiếp tân của khách sạn thoáng một nụ cười. Một nụ cười khẩy thì đúng hơn, vừa a tòng, vừa tục tĩu, thứ nụ cười mà chàng đã từng nhận cả mấy chục lần ở các khách sạn mỗi khi chàng đi cùng với một người đàn bà. Chàng muốn định nói rõ là mình không phải là người tình của bà Fremont, nhưng rồi thôi. Nói cho cùng, chàng bất chấp nhân viên khách sạn muốn tưởng tượng gì thì tưởng tượng.
Mười lăm phút sau, chàng thoải mái trong bồn tắm, thưởng thức sự tương phản giữa nước rất ấm và rượu Whisky rất lạnh chàng đang nhấm nháp.
Tắm xong, nhìn đồng hồ, chàng nhăn nhó: còn những hai giờ chờ đợi nữa...
Chàng mở cửa thông sang buồng bên. Phòng Kitty thơm mùi xà bông tắm và nước hoa Cologne. Ngoại trừ một áo tắm và vài đồ lót phơi gần cửa sổ, mọi thứ khác hoàn toàn trật tự gọn ghẽ. Mark nở nụ cười hài lòng. Ngay khi vắng mặt, Kitty cũng làm cho mọi người đoán biết nàng là một người đàn bà có khả năng và thông minh, kẻ thù của sự buông tha.
Chàng trở về phòng mình nằm dài ra giường. Chàng sẽ gặp lại người bạn thiếu thời như thế nào đây? Thời gian qua và với hai thảm kịch là cái chết của chồng và con đã ghi dấu lên nàng như thế nào? Lần chót chàng gặp Kitty là vào năm 1938, trước khi lên đường tới nhiệm sở tại Bá Linh. Bây giờ 1946... tám năm sau... coi nào, bây giờ nàng đã hai mươi chín tuổi...
Mệt mỏi vì đi đường và tình trạng thần kinh căng thẳng đã thắng để đưa chàng vào giấc ngủ.
Một tiếng động đầy hấp dẫn của những viên đá nhỏ va vào nhau trong ly dần dần đưa chàng ra khỏi giấc ngủ. Chàng dụi mắt, tay dò dẫm kiếm bao thuốc lá để trên bàn ngủ. Một giọng đàn ông có âm sắc người Anh cất lên:
- Ông bạn ngủ như là bị người ta thuốc vậy. Tôi đã gõ cửa ít ra là trong năm phút và sau cùng một nhân viên khách sạn mở cửa cho tôi vô bằng chiếc chìa khóa phòng nào cũng mở được của họ. Hy vọng ông bạn sẽ không giận tôi đã tự tiện dùng một chút rượu của ông bạn chứ?
Ngay từ khi những tiếng đầu tiên cất lên, Mark đã tự đặt trong tình trạng báo động. Chàng biết giọng nói này: đó là của thiếu tá Fred Caldwell thuộc quân lực Anh quốc. Sau khi châm một điếu thuốc, chàng tì người lên khuỷ tay, lầu nhầu:
- Anh làm cái trò gì ở đảo Chypre này vậy?
Viên sĩ quan ném về phía chàng một cái nhìn mỉa mai:
- Lẽ ra anh phải để chính tôi đặt ra câu hỏi ấy mới hợp lý chứ, phải không ông bạn?
Mark nhìn người đối diện không trả lời. Đối với Caldwell, chàng không thiện cảm cũng chẳng ác cảm. Có lẽ khinh khi thì đúng hơn. Chàng đã gặp gỡ viên sĩ quan này hai lần. Lần thứ nhất vài ngày sau cuộc đổ bộ vào vùng Flandres thuộc Bỉ. Vào thời kỳ này, Caldwell làm tùy viên cho đại tá (sau này là thiếu tướng) Bruce Sutherland, một người đáng kính và là một trung đoàn trưởng giỏi. Vậy mà trong một bài báo gởi về hãng thông tấn, Mark đã đưa ra một lầm lẫn chiến thuật nghiêm trọng của người Anh, lầm lẫn đã đưa đến sự tiêu diệt của cả một tiểu đoàn. Chàng gặp lại hai sĩ quan này trong vụ án Nuremberg khi họ tới làm nhân chứng thuật lại những cảnh khủng khiếp ở trại tập trung Bergen Belsen do chính quân sĩ của Sutherland đã tới giải phóng.
Cố ngăn một tiếng ngáp, Mark tiến về phòng tắm để té nước lạnh lên mặt. Trong khi lau mặt, chàng đối diện với khách:
- Tôi có thể làm gì giúp anh đây, Fred?
- Bên An Ninh vừa điện thoại đến Bộ tư lệnh của tụi tôi cho biết anh đến đảo và vì anh không được tín nhiệm cho lắm đối với các chức quyền quân sự nên...
- Trời! Nhà binh các anh thật quá đa nghi! Rất tiếc là đã làm các anh thất vọng bởi vì tôi chỉ ghé qua đây vớ tư cách du khách, trước khi lên đường đến nhiệm sở mới của tôi ở Palestine.
Caldwell nở một nụ cười gượng gạo, nói một cách xa xôi:
- Xin anh ghi nhận cho là cuộc viếng thăm này của tôi không hề có tính cách chính thức. Chúng ta quả hơi dễ giận - hơi một chút thôi - vì những sự giao thiệp của chúng ta ngày xưa khá căng thẳng...
Mark lầu nhầu:
- Anh quả thực có trí nhớ tốt đấy.
Trong khi Mark mặc quần áo, Caldwell pha cho chàng một ly whisky. Mark vừa lén quan sát dò xét vừa tự hỏi tại sao anh chàng người Anh này bao giờ cũng cố thu xếp để gây gổ với chàng như vậy. Cái vẻ cao ngạo khó khăn thường ngày của Caldwell, thứ lương tâm một trăm phần trăm nhà binh đã giết chết hẳn mọi dấu vết lương tâm ở con người của hắn... Đột nhiên không kìm giữ được, chàng hỏi lớn:
- Này Fred, có phải là An Ninh của các anh đang phải che giấu một vụ dơ dáy nào đó ở đảo này phải không?
- Thôi cho tôi xin ông, xin ông đừng có thọc gậy thế. Hòn đảo này thuộc quyền chúng tôi có phải không? Vậy quả là chuyện thường tình khi bọn tôi tìm xem ông bạn tới đây làm cái trò gì.
- Anh nói đúng đấy. Đó là điều tôi thích nhất nơi người Anh các anh. Một dân Hòa Lan chẳng hạn chắc sẽ nói với tôi là xéo đi chỗ khác chơi. Còn dân Anh thì bao giờ cũng giữ lễ độ: Xin mời ông cảm phiền xéo đi đâu thì đi tùy tiện... Sau khi nói rõ như vậy rồi, tôi xin nhắc lại với anh là tôi đang nghỉ hè, và tôi đáp xuống Chypre này chỉ cốt để gặp lại một cô bạn gái cũ rất thân, Kitty Fremont.
- A, cô nữ điều dưỡng ấy! Một thiếu phụ rất quyến rũ. Tôi mới được quen cô ta cách đây vài ngày ở dinh ông Thống đốc.
Lông mày nhíu lên một cách thông cảm. Caldwell nhìn chiếc cửa mở thông sang phòng Kitty. Mark lầu nhầu:
- Anh đúng là có đầu óc lệch lạc. Tôi quen biết Kitty từ hai mươi lăm năm này rồi.
- Như vậy thì chắc là tôi chẳng còn gì để nói thêm chăng!
- Đúng vậy đó. Và bởi thế, cuộc thăm viếng của anh chỉ còn có tính cách xã giao và do tính cách ấy, tôi xin được phép mời anh đi ra cửa cho.
Mỉm cười, Caldwell đặt ly xuống bàn:
- Nếu anh nói cái giọng đó thì... Nhưng mong anh nhớ cho nhé: Anh đến đây hoàn toàn với tư cách du khách thôi. Tôi sẽ chuyển lời hỏi thăm của anh tới tướng Sutherland. Cheerio!
Chú thích:
[1] Othello: một vở kịch của Shakespeare, một kịch tác gia nổi danh người Anh.
[2] Nuremberg: thành phố Đức miền Bavière, nổi danh vì trước đã là thành trì, trụ sở chính của đảng Quốc gia Xã hội Đức (gọi tên là Quốc Xã) do Hitler lãnh đạo. Và sau khi đệ nhị thế chiến lại nổi danh một lần nữa vì các Quốc gia Đồng Minh do chọn thành phố này làm nơi xử án các phạm nhân chiến tranh - Đa số là các lãnh tụ của đảng Quốc Xã trước kia.
[3] Nhã Điển: kinh đô của nước Hy Lạp (Athènes).
[4] Richard, Coeur De Lion: một vị vua Anh quốc đã từng thân chinh cầm đầu Thập Tự quân Âu châu sang chiến đấu chống quân Hồi giáo ở Trung Đông.