rở về Bang Thạch, tôi thấy lòng thơ thái, thấy mình yên tâm, không còn lo sợ. Tôi vui chơi trong khu vườn rộng quen thuộc của ông bà ngoại. Tôi lại được nghe những tiếng cười giòn rã của chị em tôi, như những mùa hè trước. Má tôi làm việc ít hơn mọi năm, nên ông bà ngoại và dì Bảy lo hết cho chúng tôi, từ miếng cơm đến manh áo để má tôi lo chạy chữa cho Minh Tâm.Ở nhà thương Cần Thơ, các bác sĩ đang thí nghiệm một phương pháp mới chữa cho những đứa trẻ bị bịnh tê liệt. Má tôi đem Minh Tâm đến đó, với nhiều hy vọng em trở lại bình thường, xong rồi má tôi cũng lại thất vọng, vì các bác sĩ đã bó tay.Mùa thu năm đó, vườn của ông bà ngoại tôiđược mùa, ông dành trọn số tiền bán cam, quít cho má tôi mua một căn nhà để lập lại sự nghiệp một lần nữa.Hải Vân được đi theo má tôi ra Cần Thơ để tìm nhà. Má tìm được một căn ở Cầu Cá Dài trên đường Võ Tánh. Nhà nằm ở giữa đường đi từ trường nam và trường nữ tiểu học.Một lần nữa, những người em họ của má tôi từ trong Bang Thạch ra, sửa nhà cho thành một tiệm may, gia đình chúng tôi ở bên trong. Cậu Khai, con ông Mười, khéo tay nên giành đóng cái kiếng để chưng các kiểu quần áo. Cậu Hai Định, con nuôi, con người bạn ông bà ngoại, cậu là ba của anh Ba Tuyền, đại tá không quân Nguyễn Hồng Tuyền, lên Sài gòn mua một người giả làm mẫu, có hình dạng một phụ nữ phương Tây tóc vàng, mắt xanh thật đẹp.Nhà sửa xong, má tôi cho tôi chọn mầu. Tôi đề nghị mầu đỏ, má không chịu, cho rằng mầu đỏ chỉ có thể sơn một cái ghế, hoặc cửa sổ, không ai sơn hết cái nhà mầu đỏ. Mợ Bích Lan thích mầu vàng. Chị Hoàng Mai lại đòi mâu xanh là mạ. Cuối cùng, má sơn mầu xanh da trời do chị Yến chọn. Chị nói: “Mầu xanh là mầu của hy vọng”.Tên tiệm thì má lấy tên tôi, “Nhà May Mỹ Dung”, tôi bỗng trở thành “người lớn” dù tôi mới mười hai, mười ba.Ngày “Nhà May Mỹ Dung” ở đường Võ Tánh khai trương có mặt ông bà ngoại tôi, các cậu con của ông Mười, các chị con của cậu Tư Diệp, con cậu Nam Sắc, mợ Bích Lan và cậu Hai Định.Ngay ngày hôm sau, nhà may Mỹ Dung đã có bốn người ghi tên học may, và khách tới đặt may quần áo thật đông. Tôi thấy má hơi lo. Làm sao một mình má tôi quán xuyến được hết công việc! Quả nhiên, mấy tuần sau bà ngoại tôi ra chơi, bèn nhỏ với tôi:- Má con ốm quá, bà lo!Tôi nhận ra điều này từ lâu, những biết làm sao bây giờ. Tôi cố gắng làm tròn những việc má tôi sai khiến cũng đủ mệt rồi. Nào là tính sổ, kiểm kê đồ dùng trong tiệm; nào là mua chỉ, nút, giao hàng cho khách… Có ngày tôi đã phải đi bộ ba, bốn cây số. Nhưng cũng may là chỉ ít lâu sau má tôi mua cho tôi một chiếc xe đạp. Đó là phương tiện giúp công việc của tiệm trôi chảy đều đặn. Hết chỉ, tôi phóng ngay xuống chợ vải, vào nhà lồng mua đem về ngay. Hết kim, chỉ mấy phút sau tôi đã có mặt ở tiệm của mấy chú Tầu bán dụng cụ cho tiệm may. Chiếc xe được việc cho tiệm may mà cũng “được việc” cho riêng tôi khi rảnh rỗi, tôi đi vòng quanh để biết phố xá ở Cần Thơ. Không lâu, tôi biết hết những hang cùng ngõ hẻm, từ xóm dưới lên xóm trên.Rồi tới ngày tựu trường. Khi niên học mới sắp bắt đầu, tôi chợt lo Iắng, vì chúng tôi sẽ vô học trường công. Muốn vô trường công, chúng tôi phải có khai sanh. Nếu chúng tôi nộp khai sanh thật cho nhà trường, thì sẽ lộ diện với các giới chức trong tỉnh. Lý lịch của chúng tôi mà bị lộ, thì chuyện gì sẽ xảy ra cho chúng tôi nữa đây? Bây giờ đã tới lúc má tôi không thể trù hoãn việc làm lại khai sanh mới cho chúng tôi. Sở dĩ mà chần trừ vì bà không muốn bỏ tên ba tôi ra khỏi cuộc đời của con cái bà.Má tôi đành phải đến gặp một ông chánh án ở Cần Thế là bạn học cũ của cậu Tư Diệp ở trường Bassac. Ông khuyên má tôi làm giấy “thế vi khai sanh” cho chúng tôi, bỏ họ cha lấy họ mẹ và cha thì khai “vô danh”.Hai chữ “vô danh” làm tôi trằn trọc suốt đêm hôm trước. Tô cảm thấy vừa mắc cỡ vừa cô đơn. Trong khi đó, Hải Vân, em trai coi giấy thế vi khai sanh chỉ là một tấm giấy lộn để qua mặt giới chức nhà nước. Nó là con trai, nên cứng rắn và thực tế, có thể bất chấp một vài đổi thay trên giấy tờ. Còn tôi, lòng xót xa, buồn tủi. Rõ ràng tôi có cha, có mẹ, bây giờ thành đứa bé không cha. Tôi thương cái thân tôi, rồi tôi thương cho ba má tôi nữa.Buổi ra toà thật mau lẹ, chỉ có mười phút là xong. Má tôi, ông toà, đưa tay lên thề, là bà nói “thật” là chồng bà “mất tích”. Rồi từ đó, con của ông Đặng Văn Quang đã trở thành đứa bé không cha. Để cho sự thay đổi được trọn vẹn, họ tên chúng tôi cũng không được giữ nguyên vẹn như cũ. Hải Vân trở thành Trần Văn Vân và Đặng Mỹ Dung là Trần Ngọc Dung. Chỉ có Hoà Bình và Minh Tâm vẫn được giữ nguyên.Buổi sáng hôm ấy, như để đền bù cho sự mất mát to lớn đó, chúng tôi có thêm hai người chị. Má tôi chánh thức làm khai sinh để chị Thuận và chị Thảo làm con của má.Kể từ ngày ba tôi ra đi, tôi biết rằng cuộc đời chúng tôi hht nào bằng người ta được, vì một mình má tôi, có cố gắng lắm chỉ đủ sức lo cho chúng tôi khỏi đói, khỏi rách mà thôi, trong thâm tâm, chúng tôi vẫn ngầm hãnh diện, vì ra đời trong một gia đình ái quốc, có cha đi làm cách mạng rồi. Nhưng rồi, khi chúng tôi phải thay họ đổi tên, niềm hãnh diện biến mất. Là những đứa con không cha, thì con hãnh diện ở chỗ nào? Thỉnh thoảng, để tự an ủi, tôi thầm nhắc đi nhắc lại của Hải Vân: “Đó chỉ là những tấm giấy lộn để qua mặt giới chức”.Tôi biết rằng nếu không có những “tờ giấy lộn” ấy, chúng tôi không thể vô học trường công được. Thôi thì đành phải chấp nhận, vì hoàn cảnh bắt buộc phải như vậy, nếu chúng tôi muốn yên thân.