Tiếng cối xay, quay vòng kiếp luân hồi trắc trở, Hoa tươi màu cho bướm vọc, ong châm. Thân em gương lược giam cầm, Chém cha cái thói duyên thầm đa đoan.Càng lớn, Hợi càng xinh hẳn ra. Ai ai người ta cũng tấm tắc bảo như thế. Không chỉ có đám con trai trong làng Cối nhận ra điều đó mà ngay cả đám con trai ở bên làng Tấm, làng Hạ, làng Ruốc cũng biết tin. Đúng là tiếng lành đồn xa. Hoa thơm mọc ở cuối vườn, đầu vườn cũng ngửi thấy mùi thơm. Có người nhìn con bé rồi chép miệng nói với thím Thoan: - Cái giống Trời sinh ra phận má hồng là để gieo sầu gieo khổ. Con gái mà xinh thế kia thì chưa hẳn đã là cái phúc. Nom thấy con bé xinh xắn mà tôi lại thấy đâm lo. Có người ái ngại một cách dè dặt: - Cứ kiếm đại một chỗ nào tử tế, không quá quắt, gả ngay đi. Không khéo rồi lại sinh ra muôn vàn giống tội! Đàn ông con giai làng Cối này ai cũng như cái gậy thằng ăn mày, bạ chỗ nào cũng chọc vào được. Có người độc mồm hơn, bảo: - Nói xin lỗi chứ, đứa con gái nom giòn con mắt thế kia, chả khác nào quả hồng treo trên cành. Trẻ thì lắm. Mà thuần là trẻ hỗn ăn. Cứ gậy mà chúng nó chọc thì không giập, không rụng cũng không được. Tất nhiên chồng thím Thoan rất ghét Hợi. Ghét ra mặt. Ghét cay ghét đắng. Hình như điều tiếng của mọi người bàn tán bề nhan sắc của con bé đã trở thành một nhắc nhở khó chịu trong tâm khảm chú ta. Thì ra sự xuất hiện của Hợi không chỉ làm khổ cho mẹ, mà cô bé còn làm khổ cho ông bố dượng, người lúc nào cũng hằn học, bực tức, ghen tuông. Nghe đâu khi biết Hợi không phải là con đẻ của mình, ông ta đã lấy dao đem ra chặt trụi bốn gốc chanh, năm nào cũng đơn ra mấy gánh quả. Trai làng bắt đầu hau háu đôi mắt nhìn Hợi. Chả ai cấm bọn chúng được. Đứa con gái xinh đẹp khác nào cái hoa giữa đàng. Chưa có chồng thì giai làng muốn chòng ghẹo thế nào mà không được. Người mẹ ban đầu không để ý gì lắm. Nhưng sau nghe thấy thiên hạ xầm xì nhiều quá, thế là thím ta phải nói chuyện với con gái: - Mẹ không muốn ép duyên mày, nhưng nếu như mày đã thích thằng nào, bảo mẹ một tiếng, rồi mẹ sẽ nói chuyện với người ta. Còn như chưa có nơi nào, để mẹ nói chuyện với bác Biện gái cho mày. Hợi bẽn lẽn giấu niềm cả ngượng vào chéo áo. Không phải là Hợi không muốn lấy chồng. Con gái quê, lại đang cái độ tuổi xuân như thế, chuyện được nằm kề một người con trai không phải là Hợi không bao giờ nghĩ qua. Nhưng bảo với mẹ là cô không muốn lấy chồng trong lúc này sao mà nó ngượng đến thế. Thấy con gái khuôn mặt đỏ bừng, người mẹ đoán ra là cô đã muốn lấy chồng nhưng còn ngại nói ra. Vì thế thím Thoan bảo: Thế thì để mẹ nói chuyện với nhà người ta. Nhưng mà chuyện lấy anh Ốc với Hợi nghe sao nó cứ lấn cấn như thế nào ấy. Hợi không ghét người con trai nhà họ Huỳnh chút nào. Thực ra Hợi quý anh ta lắm. Hai người đã từng đi học chung với nhau cho đến khi trường tiểu học trong làng không còn chữ để dạy cho hai đứa nữa. Từ đó Ốc và Hợi cuối cùng mới thôi ngày nào cũng gặp mặt nhau. Thời gian vô tình trôi đi, cuối cùng cả hai đứa đều lớn lên. Hai nhà lại cách nhau không xa. Chỉ cách bởi một ruộng trúc, một cái vực ăn thong ra con song Lạch. Lắm hôm Hợi ra đấy tắm trước, khi nhìn thấy Ốc ra tắm sau, cô gái không hề dám bước lên. Hình như cô sợ nước thấm vào vải áo quần, bó sát vào cơ thể, nom sẽ như chẳng mặc cái gì. Chàng Ốc mặc quần đùi, lội ùm xuống song, tha hồ bơi, tha hồ lặn. Mà nếu nó có lên bờ, nước thấm vào quần, bó vào cơ thể, phô ra những đường nét góc cạnh gồ ghề, anh ta vẫn không ngại. Vẫn bình chân như vại. Có khi anh chàng còn đứng trên bờ đá, tóc tai ướt rượt những nước, nơi tiếp giáp hai khoanh đùi gồ lên một khối, miệng nói bô bô: - Không về, định ngâm mãi cho đến chết rét à? Hợi môi tím như mồng tơi héo, run cầm cập: - Về trước đi. Chốc nữa đây mới về! Cô bé nói thế nhưng kỳ tình đã muốn ra về lắm. Nhưng làm sao cô có thể bước lên bờ mà về được. Mỗi một giây chàng Ốc còn đứng trên bờ là một giây cô bé Hợi rét run cầm cập. Cô tuy ngâm dưới nước nên người không thấy lạnh lắm, nhưng cái cổ và khuôn mặt thì cực kỳ rét. Thế là từ đó trở đi, cô bé Hợi không bao giờ dám ra tắm sông ban ngày nữa. Rồi lâu lâu mẹ cô sai qua bên nhà thím Biện xin lửa về thổi cơm, xin một thìa mẻ, hay vay vài đấu ngô, cô chỉ chạy qua chớp nhoáng, xong việc rồi lại tất tả ra về. Có hôm Hợi nhìn thấy cây roi nhà Ốc quả ngon quá. Đưa tay lên hái. Đúng lúc ấy chàng Ốc đi đâu về, nhìn thấy Hợi đang vặt rôi, cô bé ngượng chin người. Mặc cho anh Ốc bảo: - Gượm đã. Để tớ chọc cho một rổ, đem về ăn. Nhưng cô bé chỉ nghĩ mình là người ăn trộm, mặt đỏ nhừ như màu trái roi đỏ trên tay. Nhan sắc của Hợi càng ngày càng ngọt. Trai làng rủ nhau kéo đến khu vực này vào những đêm sáng trắng và những buổi trời không có mưa rất đông. Tiếng chó cắn người lạ khiến cho hàng xóm rất sốt ruột. Ốc giống chú Biện, tất nhiên là thích gái những cái miệng không bao giờ chịu bảo ra lấy một tiếng. Hợi có lúc đã cảm thấy thinh thích anh chàng này. Nhưng trông cái vẻ cù lần của người con trai cạnh nhà, cô bé dần nhận ra anh ta là kẻ nhát gái. Chả lẽ con gái lại mở lời trước. Ai đời lại cọc đi tìm trâu. Có lẽ chờ mãi mà không thấy Ốc động tĩnh gì, Hợi đâm nản. Cứ thế, hai đứa trẻ hàng xóm ấy tuy trong bụng đã có ít nhiều tình cảm nhưng cuối cùng chỉ vẫn dừng lại ở quãng đánh rắn giữa khúc. Chẳng đi đến đâu. Chả ra làm sao.