Chương 32
Sinh Con

Tiếng trẻ khóc xé cõi lòng mẫu tử,
Nợ duyên cuộc đời từ tiền kiếp mang theo.
Mai rùa rùa phải cõng theo,
Vì chưng nghiệp chướng quá nhiều đa đoan.
Nghêu đi, Hợi bỗng trở thành người hoá dại. Thím Biện sáng hôm ấy phát giác ra là đôi dép của Nghêu không thấy nằm ở ngoài bậu cửa, chạy đôn chạy đáo quánh nhà, rồi chạy cả ra đồng, hỏi thăm người này, hỏi thăm người kia, nhưng chẳng ai bảo là đã nhìn thấy Nghêu ở đâu.
-Sao mà con tôi nông nổi, sao mà con tôi cạn nghĩ thế không biết. Khổ ơi là khổ cho cái thân tôi.
Đúng là sống ở đời khổ thật. Chẳng có cái khổ nào giống cái khổ nào. Có những cái khổ dính thành chùm, lôi kéo rất nhiều người vào một mớ bòng bong, càng gỡ càng rối, càng sốt ruột, càng mất hết kiên nhẫn.
-Mẹ tưởng mày nói thế rồi nghĩ lại. Có ai ngờ mày chẳng hề suy nghĩ cho cặn kẽ ngọn nguồn. Ở đâu cũng chẳng bằng ở nhà, sao con tôi dại dột đến thế, hả con ơi. Nghêu ơi là Nghêu!
Người ta nhìn thấy thím Biện mặt mũi lem luốc, nước mắt chảy ròng ròng, cứ như thể trong nhà đang có người sắp chết hay là đã có người chết rồi. Thím Thoan biết tin, liền an ủi:
-Con Nghêu là đứa cứng rắn. Rồi nó không làm sao đâu. Chỉ có con Hợi nhà em, vụng tay vung chân, ra đường mới đáng ngại. Chị đừng hành hạ mình như thế nữa.
Thím Biện nhìn người đàn bà hàng xóm. Thím mún kể cho thím Thoan biết về những gì thím đã nghe thấy và nhìn thấy. Thím muốn nói cho mẹ của con dâu biết rằng chị chồng của nó ra đi cũng chỉ vì hai đứa nó đã trót yêu thương nhau từ lâu. Thật là đau đớn, vì thím biết mình không thể nói ra được. Vào cái tuổi của thím, thím biết rõ là có nhiều chuyện người ta rất muốn nói nhưng không nên nói ra, không thể nói ra, và nhất định cứ phải đào sâu chôn chặt trong lòng.
Theo linh tính của một người đang yêu, Hợi có cảm giác bất an là Nghêu đã bỏ đi. Khi Hợi gượng bước xuống giường thì nghe chồng bảo:
-Chị Nghêu bỏ nhà đi rồi.
Hợi té ngửa. Chồng phải vội đỡ lấy vợ. Hợi bàng hoàng tê tái. Cô nhớ ngay đến cái đêm giữa dòng sông Lạch khi cô thức giấc và nghĩ là Nghêu đã chết trước, bỏ cô đi mà không hề đợi cô theo cùng.
Hợi bật thành tiếng khóc nhưng không có nước mắt. Miệng Hợi há hốc ra, ngỡ ngàng tột độ, cô không ngờ là Nghêu có thể tàn nhẫn như thế. Cô không thể tin được Nghêu có thể giũ bỏ mọi chuyện, bước ra đi gần như là tuyệt tình. Làm sao mà con người ta có thể vô tâm vô tình đến như thế. Bỏ đi mà không hề nói một câu từ tạ. Hợi vụn vỡ vì đau đớn. Cô chưa bao giờ nghĩ là sẽ có ngày cô phải đối diện với tình cảnh chua xót thảm thương như thế này.
-Đi lâu chưa? - Hợi thảng thốt hỏi chồng.
Ốc cũng bực. Có lẽ anh chàng thương chị gái. Tệ thật cái chị Nghêu, giữa lúc nhà đang bấn việc như thế, vợ anh thì bị ốm. Mẹ anh thì bấn, nhà lại có con lợn sề sắp cắn ổ. Bao nhiêu là việc phải làm. Ốc thực ra không thao vát gì lắm. Anh chỉ biết đan lưới đánh chim và buộc lồng bẩy thỏ, bán được đồng nào hay đồng nấy. Còn việc trong nhà thì anh chả mấy khi động tay vào. Nay thất chị bỏ nhà ra đi, chỉ nói với mẹ vài câu, không cho anh biết, Ốc quay ra bực bội gay gắt:
-Đi mà không há mồm nói với ai một câu. Người ác như thế mà không biết thế nào là làm khổ cho người khác.
Hợi xây xẩm mặt mày. Cô cảm thấy nhờn nhợn muốn ói. Một cảm giác thiếu sinh khí,mệt mỏi rả rời, toàn thân mủn ải. Cô vịn tay vào vai chồng, đôi mắt tê dại:
-Thế đã tìm khắp cả chưa?
Chồng Hợi nghiến răng nói:
-Tôi và mẹ, cả mẹ của nhà cũng đổ đi tìm, nhưng chẳng thấy chị ấy ở đâu cả. Người gì mà ác. Chỉ làm khổ người khác!
Thì ra hôm ấy Hợi xây xẩm mặt mày một phần là vì cái tin Nghêu bỏ đi quá bất ngờ, khiên cho cô bàng hoàng chết điếng. Nhưng còn một nguyên nhân khác khiến cô chóng mặt, Hợi đã có chửa.
-Nhà có làm sao không? Sao mặt mũi nhà tái đi như thế này?
Ốc vội dìu vợ vào nhà trong. Hợi đôi chân không còn cảm giác. Cô biết rằng Nghêu ra đi đã lấy đi cả tâm hồn của cô. Hợi cực thân cho hoàn cảnh rã rượi của mình. Ngoài kia ở đời biết bao nhiêu là cạm bẫy chông gai. Thân gái côi cút một mình, làm sao mà Nghêu có thể xoay xở được. Mái ấm gia đình là nơi con người ta quây quần đoàn tụ. Chỉ có nhưng con người bạc mệnh mới phải sống một cuộc đời trôi sông lạc chợ.
Hợi nghĩ:
Chũng chỉ vì tôi mà người ta phải đau khổ bẽ bàng như thế. Tại sao Nghêu ra đi mà không nói với em một tiếng. Tại sao Nghêu có thể ăn ở độc đoán ích kỷ với em như thế. Tại sao Nghêu không nghĩ là nếu Nghêu nói, em sẽ cùng Nghêu bỏ trốn chung. Chỉ có như thế em mới an tâm, em mới có thể lo lắng chăm sóc cho Nghêu được. Trời cao đất dày ơi, sao mà Nghêu lại tàn nhẫn với em như thế. Tại sao Nghêu bao giờ cũng bỏ rơi em một mình tan tác như thế này. Tại sao Nghêu không bao giờ nghĩ đến thân phận của em. Nghêu ơi là Nghêu ơi!
Nghêu ra đi, Hợi xuống dốc rất nhanh, xuống dốc không phanh, nỗi đau gần như tan tác cả cõi lòng, đánh quỵ tâm tư vốn đã có quá nhiều lổ thủng của Hợi. Cô bỏ cả ăn uống, mặc cho bà mẹ chồng và Ốc gần như ngày nào cũng phải năn nỉ, phải vật nài, nhưng Hợi làm gì còn tâm trí để ăn uống. Thở còn khó huống gì nói đến chuyện ăn với uống.
Thấy cond âu xuống dốc nhanh quá, thím Biện cho người đi tìm thấy thuốc. Đên lúc ấy người ta mới biết là vợ Ốc đã có chửa. Người thấy thuốc quả là có con mắt tinh đời, chỉ thăm mạch, nghe qua vài câu chuyện, cuối cùng ông đã hiểu được tám phần câu chuyện của người đàn bàn đang có chửa. Cuối cùng ông ta nói:
-Đôi khi làm con người, chúng ta phải cố gắng sống vì niềm hy vọng của người khác. Tôi biết, xác cô ở đây nhưng hồn cô ở một nơi rất xa xôi. Nhưng cô phải nghỉ đến đứa trẻ. Là người làng Cối, tôi biết mẹ cô ngày xưa cũng từng rất đau khổ vì mang thai cô. Ở đời, nhân duyên là điều chúng ta khó tránh.
Nếu cô yêu một người, hãy cố sống vì người ấy. Và lại đứa trẻ trong bụng cô thật đáng thương lắm. Gẫm ra nó chẳng có tội tình gì…
Hợi tâm trạng khổ đau cực độ, song nghe lời khuyên của người thấy thuốc nên đã có chút vỡ vạc, thành ra có đôi phần sở ngộ. Cuối cùng cô đã cố gắng nuốt xuống những bát cháo đỗ xanh mà mẹ chồng cô đã nấu. Ốc cũng tận tình chăm sóc cho vợ. Anh cẩn thận bón từng thìa cháo cho Hợi. Nhờ thế mà tình hình sức khoẻ của Hợi đã có phần hồi phục.
Thế mới biết một vị thầy lang giỏi, có cái tâm nhìn thấu cuộc đời, đấy quả thật là cái phúc cho con bệnh. Người làng Cối vì thế ai ai người ta cũng kháo nhau là ông lang ấy có tài chữa bệnh như Hoa Đà tái thế, bệnh nặng đến mấy ông ta mà bắt mạch bốc thuốc cho sẽ đều bình phục. Một điều người ta không hề hay biết là ông ta lấy tâm mà trị bệnh, lấy nghĩa làm nghề, lấy nhân làm gốc, nhìn thấu được nỗi đau của con bệnh, từ đó cõi lòng của họ được ông xoa dịu, họ cảm thấy mình được cảm thông, được quan tâm đến.
Có lẽ Hoa Đà ngày xưa cũng từng chữa bệnh bằng cách như thế
Và cũng nhờ ông lang từ tâm hôm nọ mà bào thai trong bụng Hợi cứ lớn dần lên. Mùa xuân năm sau thì một thằng bé chào đời, người nhà họ Huỳnh đặc tên cho nó là Huỳnh Văn Sinh.