Chương 5
Chân dung một bé gái

Tuổi thơ chắp vá âu cũng là duyên số,
Dăm hạt mưa buồn tẻ nhạt cả chiều thu.
Tiếng mưa nghe thật âm u,
Nghe như tiếng khóc trong tù vọng ra.
Người ta đặt tên cho con bé bị vứt ở bến đò làng Cối là Diệu. Cái tên ấy do bà nội nuôi của nó đặt cho. Vì bà tin là con bé có cái tên như thế sau này sẽ tránh được những chuyện duyên tình long đong trắc trở.
Gọi là đặt tên Diệu, nhưng bà hay gọi nó là con Nghêu.
Nghêu từ độ được đưa vào nhà họ Huỳnh phổng phao hẳn lên. Nó rất hay ăn nên chóng lớn. Chả mấy chốc đã mọc răng, rồi thì biết bò, biết ngồi, biết đứng. Nhiều người đàn bà trong làng Cối nhìn con bé khỏe mạnh rất lấy làm ganh tị:
- Uống độc có nước hồ mà cũng khỏe thế, chóng nhớn phết.
Kỳ tình thì bà nội nó chăm đẵm con bé nhiều lắm. Ban đầu bà còn bực bội nên bỏ mặc. Nhưng từ dạo con bé biết cười với bà, thế là bà xay gạo nếp, ngâm cả đỗ xanh, đun lên rồi hòa cả đường phổi vào cho nó bú. Thỉnh thoảng bà còn cho cả một thìa dầu lạng vào nồi bột, nên con bé tình thực ra là được nuôi đầy đủ hơn con cái nhà khác.
Thỉnh thoảng bà nội con bé nói chuyện với vợ chồng Biện: Con bé chân tay chắc nình nịch thế này, lớn lên chả đứa nào dám bắt nạt nó. Có khi bà nói chuyện với con bé: Nghêu này, ăn cho chóng lớn. Rồi lớn lên thì bà mua trâu cho mày trông. Rồi thì con nghé đẻ đầu tiên bà cho mày làm vốn đấy.
Cũng nhờ con bé mà sau lần đẻ hỏng, vợ Biện đỡ buồn hơn rất nhiều.
Vợ Biện ngồi ngoài thềm nghe bà cụ nói chuyện với con bé trong bụng rất vui, như thể đấy là niềm an ủi cho mẹ chồng và cho cả mình. Nhất là khi chị nghĩ đến cảnh chị dạy dỗ con bé về các điều phải quấy để khi nó lấy chồng sẽ không bị nhà chồng xem thường. Chị nhớ đến cảnh mẹ chị đã dạy chị biết bao điều, từ lời nă tiếng nói cho đến cách đi đứng, làm cơm, làm cỗ.
Con Nghêu càng lớn càng chắc nịch, nó biết đi khi mới lên mười một tháng tuổi. Bà nội nó nhìn vào bụng vợ Biện lúc ấy sắp sanh rồi bảo cháu: Sau này cháu trông em cho bà, nhớ không cho đứa nào bắt nạt em, nghe không? Con bé chưa biết nói nhưng biết toe miệng ra người. Bà nội nó rất lấy làm thích, khoe với mọi người rằng: Nó chưa biết nói, thế mà bảo cái gì nó cũng biết đấy!
Giữa lúc Nghêu biết gọi ba ba, bà bà thì vợ Biện chuẩn bị nằm cữ. Nhưng hình như người đàn bà sức không được khỏe nên sinh con sớm. Bà mụ đêm hôm vợ Biện lâm bồn đã cố hết sức nhưng khi bà đưa được đứa trẻ ra, chính bà cũng không thể tin vào mắt mình được nữa. Đứa trẻ xám ngoắt, có vẻ như nó đã chết trong bụng mẹ nó từ lâu. Khi bà chạm vào đứa bé thì bà biết nó đã lạnh ngắt ngay từ trong bụng mẹ.
Ngay sáng hôm sau, người ta vảo Biện nên chôn ngay đứa trẻ. Vì nó đã chết từ khi còn trong bụng mẹ, nên để ở ngoài lâu e không tiện. Vợ Biện thì gần như đã ngất xỉu khi chị nghe tiếng bà mẹ chồng tru lên:
- Sao lại quái lạ như thế này hở bà.
Khi tỉnh dậy, chị biết có điều gì đó không bình thường trong lần sinh nở này. Mặc dù chị tin rằng lời của bà thầy bói thật rất linh nghiệm, biết thế nhưng chị vẫn lần sờ. Chị lần tay sờ hai bên xem coi người ta có đặt con của chị bên cạnh hay không, nhưng chị không sờ thấy gì cả. Cố gượng nghếch đầu lên, chị nhìn thấy chồng đang ngồi ở cuối cạnh giường. Chị vội thều thào hỏi:
- Con nó chết rồi phải không mình?
Anh cầm lấy tay chị đưa lên miệng hôn nhẹ rồi bảo:
- Ừ. Thằng con này hư lắm. Nó không chịu ở với bà nội. Nó đòi đi theo ông nội trước rồi…
Anh nói chưa dứt câu thì bật lên khóc. Nước mắt chợt trào ra hai khóe mắt chị vợ. Chị cảm thấy chua xót khi mình biết trước được số phận kém may mắn của mẹ con chị, nhưng chị không thể chia sẻ với ai được. Chị không thể nào bảo chồng rằng: Đứa con đầu lòng này tôi sinh ra sẽ chết ngay.
Trước khi sinh con, mặc dù đấy chỉ là chuyện bói toán, nhưng vợ Biện vẫn thấy rất lo. Nhiều phen chị nghe người ta kể lại rằng những chuyện thiên cơ thì có thờ mới có thiêng, có kiêng mới có lành. Chị không muốn tin vào lời của bà thầy bói nhưng xem ra quẻ bài quá linh, nên dù cố gắng cách mấy, chị vẫn không thể gạt bỏ ý nghĩ con chị vừa sinh ra sẽ chết.
Anh chồng an ủi vợ:
- Mai kia… Mình lại sanh một đứa khác. Lần này chính tay tôi sẽ thịt gà làm cơm cúng ông nội, bảo là cấm không cho đứa nào đi trước tôi với mình nữa.
Vợ Biện nắm nhẹ vào tay chồng, hình như chị muốn nói: Đứa thứ hai sẽ không việc gì đâu mình ạ. Nhưng đấy chỉ là suy nghĩ riêng tư trong lòng chị. Sau đó vợ Biện xin chồng cho mình nhìn xác con. Nhưng anh chồng liền bảo: Tôi đã đắp mộ yên lành cho con nó đi rồi. Có lẽ sợ vợ buồn anh vỗ về an ủi vợ: Người ta bảo là mình còn yếu, không nên để tâm đến thằng cò nhiều. Họ bảo, còn sức còn có cơ hội. Tôi nghe thấy họ nói phải, nên đã đưa con ra ngoài chỗ ông nội từ sớm rồi.
Vài hôm sau thì vợ Biện bắt đầu ngồi dậy được. Bà mẹ chồng bế cả con Nghêu vào cho nó chơi với chị. Con bé bây giờ đã tập nói được vài mươi chữ. Chả hiểu sao khi trông thấy vợ Biện, con bé liền kêu lên, nghe rất sõi:
- M… ẹ… Mẹ… ơi.
Thì ra bà nội con Nghêu đã tập cho nó nói như thế. Vợ Biện quay lại nhìn con bé, tự nhiên nước mắt chị trào ra như mưa. Thì ra hai tiếng mẹ là một âm thanh thiêng liêng và đầy quyền lực đối với những người đàn bà đã một lần bụng mang dạ chửa. Trong trường hợp của vợ Biện thì cảnh tình càng chông chênh trắc trở nhiều hơn. Chị sinh con nhưng không một lần cho con bú. Thế mới đau. Nếu đã nói thế, chuyện chị nghe được con mình gọi hai tiếng mẹ ơi làm sao có thể xảy ra được. Vừa sinh nó đã chết rồi.
Nay nghe con Nghêu gọi chị bằng hai tiếng mẹ ơi, bất chợt vợ Biện vừa đau xót vừa cảm thấy ngậm ngùi, cô đơn. Rồi không hiểu sao con bé chồm ra với lấy chị. Vợ Biện cố gượng đưa tay ra đón con bé. Cái đầu bé nhỏ của nó tựa nhanh vào ngực người đàn bà vẫn còn đang nằm cữ chỉ có một mình. Con bé xoay nhanh người rồi nhìn bà nội, cái miệng nho nhỏ của nó lại líu ríu gọi: Mẹ… mẹ… ơi. Nói xong con bé nhe bốn cái răng sữa ra cười. Trông nó mới thật xinh xắn dễ thương làm sao?
Rồi thì vợ Biện cũng từ từ bình phục hẳn.
Từ lúc vợ Biện sinh con cho đến lúc này, chị gầy tóp hẳn đi, giảm mất hơn chục cân, người chỉ còn một tay xách nặng. Con bé Nghêu bây giờ đã bi bô được nhiều tiếng hơn. Nó bắt đầu hỏi lung tung. Dạo lên ba, có hôm nó hỏi là tại sao nó không có em bé như mấy đứa trẻ nhà cô Thoan. Vợ Biện nghe thấy càng cực thân hơn, vì kể từ hôm con chết, vợ Biện tránh hẳn chuyện ân ái với chồng, chị cảm thấy chuyện nằm với chồng nó nhạt nhẽo làm sao ấy.
Nếu như trong nhà không có con bé Nghêu ấy mỗi ngày a ê, bi bô với tất cả mọi người, chắc là bầu không khí trong nhà phải buồn chán lắm. Vì thế các sự bực dọc giữa bà mẹ chồng và cô con dâu rất có thể sẽ trở lại tình trạng gầm ghè như xưa. Nhưng nhờ có con bé nên câu chuyện giữa hai người được cải thiện một cách đáng kể.
Vì thế vô hình chung con bé đã trở thành nềim vui của cả nhà. Con bé lại khỏe cười, hay nói chuyện. Bi bô, bà bà, ba ba, mẹ mẹ… khắp nơi. Nhất là cái cách nó hay chạy lao ra rồi ôm chầm lấy chân người khác. Vì thế không chỉ có người làng Cối bên ngoài nhìn vào mà tất cả các thành viên trong nhà họ Huỳnh đều yêu thương con bé.
Có lẽ vì thế mà vết thương lòng (mất đứa cháu nội hiếm hoi) của bà mẹ chồng đã không bị cắt quá sâu. Chả là con bé có duyên với bà nội. Bà đánh mắng thế nào nó cũng nhe răng ra cười. Bị bố chòng, nó khóc to lắm, nhưng bà nội chỉ bảo một tiếng là im ngay. Thành ra bà nội bỗng yêu thương con bé Nghêu này một cách hết sức đặc biệt.
Câu nói màu nồng hơn nước đôi khi không phải lúc nào cũng đúng.