ột tuần lễ sau, Karen nhận được một bức thư của ông bà Hansen. Ủy ban Quốc tế Tị nạn đã hỏi về nàng, đồng thời hỏi luôn xem ông bà Hansen có tin tức gì, trực tiếp hay gián tiếp về mẹ và các em nàng không.Mọi người có thể phỏng đoán - hay ít nhất Karen phỏng đoán như thế - là vụ dò tin này là do ông Clement yêu cầu. Bức thư kế của ông bà Hansen xác nhận giả đoán trên là đúng: Họ đã phúc đáp Ủy ban, nhưng không may là trong khoảng thời gian đó, Ủy ban lại mất liên lạc với Clement.Nhưng các điều đó không thay đổi gì sự kiện là ông Clement vẫn còn sống: Karen không còn hối tiếc nỗi khốn khổ đã phải chịu trong các trại ở Thụy Điển, Bỉ, và La Ciotat nữa. Nàng đã không chịu đau khổ vô ích.Lại thấy vui sống, nàng quyết định tìm hiểu mọi khía cạnh dị biệt của vấn đề Do Thái. Nàng đã nhận thay rằng trại La Ciotat sống nhờ những trợ cấp từ Hoa Kỳ gởi tới. Vậy mà trong cái trại đầy các loại quốc tịch khác nhau này, nàng lại không thấy có một người Do Thái quốc tịch Hoa Kỳ nào...Khi nàng mang vấn đề này ra hỏi, Galil nhún vai nói:- Tôi cho em một định nghĩa sau về phong trào phục quốc Do Thái: đó là một người thứ nhất đi xin tiền một người thứ nhì để đem cho một người thứ ba với mục đích là gởi được một người thứ tư về Palestine.Karen nói:- May thay chúng ta có những người bạn biết đoàn kết.- Nhưng chúng ta cũng có cả các kẻ thù biết đoàn kết nữa.Karen khởi công học tiếng hébreu. Khi nàng đã đạt được những tiến bộ vừa đủ, nàng phiêu lưu vào khu những người Do Thái chính thống để quan sát tận nơi sự kỳ lạ của họ. Do đó nàng được biết rằng Do Thái giáo căn cứ trên một số lớn các luật sắc, khi thì thành văn, khi thì truyền khẩu, và xét toàn thể thì phức tạp không thể ngờ được. Những luật sắc này bao phủ mọi hoàn cảnh, mọi vấn đề, đến tận các việc nhỏ nhặt nhất như cách thế ban phép lành cho một con lạc đà. Càng ngày càng thấy hỗn độn hơn, Karen cầu cứu đến Kinh Thánh, một trong những sách nàng ưa đọc nhất. Bây giờ nhiều đoạn hình như có một ý nghĩa mới, một ý hướng cho tới giờ nàng không hiểu tới.“Ôi, đấng Vĩnh Cửu, ngài hãy nhìn từ trên trời cao thẳm xuống coi chúng con trở thành một đối tượng của khlnh khi và chế diễu trong bao quốc gia. Người ta đã tập họp chúng con lại như đàn súc vật để đưa chúng con đến lò sát sinh, để giết và tiêu hủy chúng con. Mặc dầu vậy, mặc dù các thử thách đó, chúng con vẫn không quên danh Ngài, chúng con cầu xin Ngài đừng quên con dân của Ngài...”Karen đưa hai tay ôm lấy đầu. Tại sao Thượng đế lại cho phép các kẻ thù của con dân Ngài tiêu diệt sáu triệu đàn ông, đàn bà và trẻ con? Tại sao Ngài lại không chịu lắng nghe những lời kêu gọi bi thảm của con dân? Có lẽ cuộc đời sẽ mang lại cho nàng một giải đáp, trong một tương lai gần hay xa...Các dân cư ngụ trong trại La Ciotat tất cả đều bừng bừng một niềm ước vọng: rời Âu châu để về sống ở Palestine. Duy chỉ có sự hiện diện cần mẫn của các Palmachnik mới ngăn cản được họ khỏi nổi loạn thôi. Họ ít chú trọng đến cuộc chiến thầm lặng và cam go đang diễn ra vì họ và vấn đề của họ giữa Anh quốc và Mossad. Họ cóc cần biết sự cương quyết dữ tợn của Anh giữ lấy Trung Đông, dầu hỏa, kênh Suez cùng trung thành với nguyên tắc truyền thống là hợp tác với người Ả Rập..Một năm trước đây, đảng Lao động cầm quyền đã khơi trong đám người bơ vơ vất vưởng này một hy vọng ngắn và đầy hứa hẹn. Các đảng viên Lao động Anh đã từng hứa là sẽ biến Palestine thành một đất bảo hộ kiểu mẫu, mở rộng các biên thùy xứ này cho dân du nhập, không một hạn chế nào hay sao? Thêm một lần nữa, còn cả vấn đề xây dựng Palestine thành một quốc gia tự trị kiểu dominion trong Khối Thịnh Vượng Chung.Những lời hứa hẹn tốt đẹp này, dân Do Thái sớm biết tới bề trái: y hệt chính phủ của đảng Bảo thủ, chính phủ của đảng Lao động mỗi ngay một xiêu vì sự cám dỗ của vàng đen chảy dưới cát của các sa mạc Ả Rập. Các quyết định liên quan tới Palestine được trì hoãn lại, lui lại “một hạn kỳ sau” ra hết ủy ban mới này ủy ban mới nọ xét lại. Nói tóm tắt, Luân Đôn kéo dài mọi sự như đã từng làm trong quá khứ cách đây mười lăm năm.Tuy vậy không có vận động nào đánh lạc hướng xoa dịu được những người Do Thái ở La Ciotat. Hơn bao giờ hết, Palestine là Đất Hứa của họ, hơn bao giờ hết họ muốn đi tới đó và ở lại đó. Hơn nữa số người như họ không ngừng gia tăng. Đi đi lại lại khắp Âu châu, những cán bộ của Mossad kêu gọi những người Do Thái sống sót, đưa họ vượt qua các biên giới đã mở rộng vì những khoản tiền hối lộ phân phối khéo léo, bằng những giấy tờ giả mạo, và hướng dẫn họ tới trại điều hành phân phối đặt ở miền Nam nước Pháp.Đồng thời một ván cờ lớn được chơi trên bàn cờ ngoại giao quốc tế. Ngay từ lúc đầu, Ba Lê và La Mã đứng về phía ủng hộ những người di dân, ủng hộ công khai các nỗ lực của Mossad. Nhưng nước Ý, vì vẫn còn bị đạo quân Anh chiếm đóng, chỉ được hưởng một tự do hành động tương đối. Thành thử nước Pháp trở thành trung tâm tiếp đón chính.Rất nhanh, trại La Ciotat và các trại khác ở Pháp đã đạt tới khả năng chứa đựng tối đa. Nhưng điều này không hề ngăn cản người Anh duy trì lệnh cấm triệt để mọi gia nhập nội Palestine. Mossad trả đũa bằng cách tổ chức nhập nội bất hợp pháp. Từ Thụy Điển đến đảo Sicile, từ Bồ Đào Nha đến Hy Lạp, các cán bộ Mossad lùng kiếm trong các hải cảng, lấy nhiều tiền trong ngân khoản lạc quyên ở Mỹ châu, mua các tàu biển để phá hàng rào phong tỏa của người Anh. Về phía Anh, họ xử dụng các sứ quan các tòa phó lãnh sự nhỏ bé nhất, làm các trung tâm tình báo, và gián điệp.Và các tàu cũ kỹ của Mossad, sửa chữa vá víu lung tung, chở đầy đến tận mạn những người di dân hy vọng và lo âu, đã nhổ neo một cách can đảm trực chỉ các bờ biển Palestine - để rồi bị các tàu của Anh hoàng chặn lại ngay khi đi vào hải phận xứ này. Và các hành khách đi tàu lại một lần nữa thấy mình ở trong các hàng rào kẽm gai.Bây giờ Karen, biết cha còn sống, cũng cảm thấy ước muốn sống ở Palestine. Ước muốn càng mạnh vì lý dó, không còn ngờ gì nữa, cha nàng sẽ tìm tới gặp lại nàng ở nơi mà chưa chi nàng gọi là “đất nước chúng ta”.Dù nàng mới chỉ có mười lăm tuổi, mỗi ngày nàng một thêm tham dự vào nhóm các Palmachnik, những người thanh niên ham hoạt động đã đốt lửa lên trong trại, kể những câu chuyện thần tiên về cái xứ sở mà sữa và mật chảy tràn, hát những điệu đông phương lời mượn thẳng từ Thánh kinh ấy. Một lớp trẻ lành mạnh, cười đùa và bàn cãi thâu đêm và kêu gọi nàng: “Lại vũ đi Karen! Lại vũ với chúng tôi!”.Sau chừng một tháng, nàng được cử làm trưởng một đoàn một trăm trẻ con với nhiệm vụ là chuẩn bị chung về tinh thần và thể xác sẵn sàng cho một ngày chiếc tàu của Mossad đến mang chúng đi và thử đưa chúng về tận Palestine, xuyên qua hàng rào phong tỏa của hạm đội Anh.Vả lại, chính thức ra mà nói, người Anh không có cấm việc di nhập vào lãnh thổ đặt dưới quyền bảo hộ của họ. Họ chỉ “điều chỉnh” việc đó thôi. Trên thực tế là giới hạn mỗi tháng là một ngàn năm trăm người, con số càng có vẻ khôi hài hơn nữa khi họ chỉ thuận chiếu khán cho những người nhiều tuổi hoặc quá ít tuổi để có thể chiến đấu. Trong các trại, đàn ông để râu mọc và nhuộm tóc xám để có vẻ già hơn, nhưng việc đánh lừa này ít khi thành công.Vào tháng tư 1946, chín tháng sau khi rời Copenhague, Karen nhận được lệnh mong chờ:- Coi sóc kỹ lũ nhỏ, nắm vững lại chúng nó nếu cần. Trong vài ngày nữa sẽ có một chiếc tàu của Mossad tới. Em và đoàn trẻ của em sẽ được đi cùng chuyến này.Karen có cảm tưởng tim nàng sắp nhảy ra ngoài lồng ngực, nàng thì thào:- Trong vài ngày nữa... Tên chiếc tàu là gì anh?Galil trả lời:- Ngôi sao David.Karen mỉm cười cùng người thanh niên.